*





VĂN HOÁ

 

LĐ số 179 Ngày 27.06.2004 Cập nhật: 09:38:25 - 27.06.2004

 

 Anh vũ - cá rồng ngã ba sông...

 

 Thảo Nhi

 

Phàm đã là sản vật tiến vua, tất có nhiều truyền thuyết ca tụng, có "nói quá" cũng là chuyện đương nhiên, nhưng nhắc đến cá anh vũ thì từ cổ chí kim, ai ai cũng đều khen ngợi, nói không ngoa - cứ nhìn cái giá 600 nghìn đến 1 triệu đồng/kg cá này trên thị trường thì biết. Trước đây, người ta chỉ bắt được cá anh vũ trong thiên nhiên; nay đã có người nuôi được, sinh đẻ phát triển ầm ầm...

 

 

 

Căn cứ vào sử sách mà nói, giống cá quý này đã được phát hiện từ hai nghìn năm trước công nguyên, tức là cách đây gần bốn nghìn năm. Trong suốt bốn nghìn năm lịch sử, cá anh vũ đã khiến các nhà sử học, các văn nhân tốn không biết bao nhiêu giấy mực để ca tụng phẩm chất và tranh cãi về nguồn gốc cũng như nơi chốn sinh sống của chúng. Đại Nam nhất thống chí chép: "Cá anh vũ còn có tên là giả ngư, sinh sống ở ngã ba sông Bạch Hạc. Hàng năm, cứ đến mùa rét mới có. Vị cá rất ngon mà âm bổ. Từ sông Bạch Hạc trở xuôi thì không có nữa". Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn lại cho rằng "Thuyết ấy thật vô lý.

 

 

 

Tục truyền rằng đời xưa, ở biên giới tỉnh Hưng Hoá (Vĩnh Phú ngày nay), có một cây ngô đồng cao ngất trời, rễ cây ăn xuyên sang tận Trung Quốc. Vua Ngô bèn sai Lý Bạch sang tận nơi trấn áp. Cây đổ. Chỗ gốc cây sâu hoắm, thành cái hang, thông mãi sang tận cửa sông đất Trung Quốc, cho nên cá anh vũ ở sông ấy sang nước Nam. Cứ mùa đông lạnh rét thì nó sang, mùa hạ nó lại về"... Truyền thuyết là như vậy! Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Sơn Đường khảo tứ, Uyên Giám loại hàm... đều có nhắc đến cá anh vũ, đến nay cũng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về loại cá này nhưng chưa ai khẳng định được bí ẩn về nguồn gốc của nó. Bóng dáng thứ đặc sản tiến vua này cũng thấp thoáng ở Sơn Tây, Cao Bằng, Lạng Sơn... nhưng tất thảy giới sành ăn từ xưa đến nay đều nhất trí chỉ có thứ cá sản ở ngã ba sông Việt Trì (nơi hội tụ của sông Lô, sông Thao, sông Đà) mới thực là ngon nhất. Tương truyền cá anh vũ hoá rồng, nên khúc sông này đời xưa được gọi là Long Môn.

 

Cá anh vũ thường kén nơi nước trong và có nhiều hang đá để sinh sống. Thân cá trông như cá trôi nhưng bộ vảy óng ánh, sặc sỡ hơn. Đầu cá rất đặc biệt, nhìn thoáng trông như một cái đầu lợn con.

 

 

 

Bộ phận được "trọng" nhất của cá anh vũ là khối sụn môi (ăn rất giòn) choè ra rất to, dày như mõm lợn. Môi cá phát triển như vậy là do chúng chỉ "kết" loại rêu mọc trên đá ở lòng sông, nên thường dùng môi để gặm; lúc ngủ chúng cũng dùng môi để bám trụ vào đá, chống lại luồng nước chảy. Thịt cá anh vũ trắng, quánh chắc và thơm ngon. Chưa thấy có kết quả nghiên cứu hiện đại nào khẳng định sự bổ dưỡng của cá anh vũ, nhưng dân gian truyền rằng cá này tính mát, có thể chữa các bệnh nóng nhiệt, táo bón và bồi bổ thận, hoàn.

 

 

 

Chưa ai câu được cá anh vũ, mà chỉ có thể lặn sâu, mang theo lưới quây mà bắt. Nhưng chỉ những ngày thật lạnh, chỗ nước đủ sâu cá mới ra khỏi hang, người săn ham cá mải lặn có lúc ứa máu tai. Khó khăn vậy nên giá cá anh vũ toàn vào tầm 600 nghìn - 1 triệu đồng/kg. Cách đây vài năm, khi chưa có Thuỷ điện Sơn La, đã có một anh nông dân tên Giàng A Xềnh (thôn Pạc Mạ, xã Thuý Loa, huyện Nà Hang, Tuyên Quang) tự mày mò khuân đá ngăn suối nuôi được cá anh vũ, sinh đẻ phát triển ầm ầm. Nay Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I cũng đã có chủ trương bảo tồn và phát triển giống này, cũng mong các nhà khoa học làm việc nhanh có kết quả, để "dân đen" có dịp được biết mùi con cá tiến vua.

 

 

Theo Đại Việt sử lược (viết từ thế kỷ 14), thời Hùng Vương thứ ba, hiệu là Hùng Quốc Vương, một ngư dân bắt được ở sông Lô một con cá lạ, mình vảy xanh óng ánh, bụng vẩy trắng, vây đỏ, miệng giống miệng lợn. Thấy lạ, người này liền đem tiến vua. Khi ăn, nhà vua thấy loại cá này thịt vừa ngọt vừa đậm, có vị thơm khác hẳn những loài cá khác, ăn xong thấy người khoan khoái, đầu óc minh mẫn hẳn lên như vừa ăn một thứ thuốc bổ. Nhà vua cho đây là một loài cá hiếm nên chỉ dụ dân chúng nếu bắt được cá này phải mang tiến vua. Cá anh vũ nổi danh từ đó.