*






Bên kia núi

 

Chừng cuối năm, thể nào tôi cũng thu xếp để về Huế một chuyến, về để chơi với Vinh, để đắm mình vào trong sự u hoài của Huế, gột rửa mình cho thật sạch và nghĩ một cách vẹn toàn về Diệu. Từng năm một như thế, dần dà tôi xót xa mà thấm thía rằng chỉ có mấy ngày đó tôi mới được sống cho riêng cá nhân tôi thôi, rằng tôi không phải cun cút chuyện cơm áo lên chức lên lương, không vợ cần thế này con cần thế khác, không thăm nom thủ trưởng, đối tác, bên nội hay bên ngoại... tôi buông lỏng cơ thể mình trôi trong lãng đãng, cảm xúc ngày một phong phú thêm về Diệu. Diệu. Cao vọng của tôi; Diệu. Thế giới đẹp đẽ vẫn vờn bay trên đời sống thường của tôi, bằng cách đó tôi yêu Diệu và bằng cách đó tôi an ủi mình. Nhưng Vinh, Vinh sẽ nhòm vào tận mặt tôi rất khó chịu, sẽ lí luận về thứ thuốc phiện người ta tự tiêm chích để lừa mị chính mình bởi thoáng chốc sung sướng, về sự vĩ đại nơi chính đời sống. Vinh bảo, nơi chính cái đời sống cặn bã của mày kia. Vinh sẽ nói cho hả lòng, còn tôi, tôi không muốn phí phạm từng ngày ít ỏi ở đây, cho đến khi tôi rời Huế, tan lẫn và mất hút vào dòng người cun cút phía thành phố tôi sống.

 

Bấy giờ Vinh sống độc thân được một thời gian trong căn gác nhìn xuống dốc Bến Ngự. Nói độc thân không có nghĩa là chưa có vợ, Vinh từng có, rồi lại không. Vào thời hăng hái, Vinh cùng vợ đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng chưa hết thời hạn thì Vinh đã chạy về, tơi tả và đau đớn, với một vết thương trong tâm. Từ đấy Vinh bắt tình để trút bỏ nỗi hờn giận về một người đàn bà, từ đấy Vinh tự cho mình quyền chua chát về cuộc đời.

 

Ở nhà Vinh, những buổi sáng thường trôi qua rất lâu. Chúng tôi kéo ghế ra sát cửa, dưới vòm vú sữa đẫm ướt sà xuống run rẩy, ngồi bên tách cà phê bốc khói thơm lựng, nhìn ra bên ngoài. Những sáng như thế Huế bao giờ cũng mưa, mưa lay phay từng sợi rất mỏng, một màn mưa giăng giăng mờ mịt, một màn mưa tím tái kéo dài mãi mãi không dứt khiến người ta nhão hết cả ra, và người ta chỉ có thể ngẫm nghĩ mà không thể muốn làm một cái gì.

 

Cà phê loang đắng trong miệng. Không ai nói, nhưng chúng tôi đều có ý chờ người ấy đi qua. Người ấy vẫn đi trong những sáng mưa, khắc khổ và trễ nải, cô độc xuôi dọc dốc Bến Ngự, đi không để ý gì xung quanh, đi không biết tới đâu, không biết trở về vào lúc nào nhưng sáng sau sẽ lại xuôi dốc mà xuống. Tôi đã quen thuộc hình ảnh đó nhưng đôi lúc bỗng rùng mình. Ngày xưa Phan Thi Sĩ (1) có lẽ cũng cô độc như thế. Người biết đâu vẫn thường xuôi dốc trong những sáng mù mưa để về bến, một chiếc thuyền câu một mối sầu...

 

- Người ta được gì vậy? Sao người kia đến bây giờ còn độc hành tìm kiếm?

 

Lần nào đó không giữ nổi Vinh buột miệng thì thầm. Vinh, dáng ngồi chểnh mảng, những vòng khói thuốc thả ơ hờ lên vòm cây sũng ướt, duy câu hỏi không giấu nổi vẻ day dứt.

 

***

 

- Được gì ư? Ngoảnh lại biết phù vân hơn hẳn anh đã không hỏi ta như thế. Này thôi, người tuổi trẻ, nâng chén đi. Những người ngoài kia đang vào cả đấy...

 

Một chiều tạnh ráo hiếm hoi theo chỉ dẫn của Vinh tôi ngược Trường An hỏi tìm họa sĩ P. Trường An tre trúc xanh mướt tỏa trùm lên những lối đi đầy cát, những khu vườn cây trái sum suê nồng nàn hương sapuchê mùa chín rộ, thấp thoáng những mái ngói, im lìm tịch mịch như cổ tích, như biến thiên trời đất trăm năm qua chưa đụng chạm tới đây. Căn nhà họa sĩ ẩn khuất mãi cuối làng. Nếp lá phên tre, hương ngọc lan vương trong không gian, trong này bầu rượu đôi chén, ngoài kia nghĩa địa thành phố trầm ngâm trong chiều muộn, mồ mả nhấp nhô nắm tay nhau chạy về phương trời phía núi Tam Thai.

 

Nâng chén lên, rờn rợn thấy người ngồi đó heo hút nỗi niềm như một phần cô tịch, vừa gần gũi vừa hoang liêu, hiện hữu đó hay đâu cũng cõi nào.

 

Vinh kể, những năm anh lớn lên trong thành phố, người kia không còn ở Huế nữa, ông trốn thoát những cuộc bắt bớ, trước khi tòa án quân sự khép ông án tử hình vì tội làm cộng sản. Vinh biết ông qua những câu chuyện kể của lớp đàn anh xuống đường như một tên tuổi lẫy lừng, một thần tượng mà án chết chỉ làm tăng thêm vầng hào quang sáng chói. Trong những giấc mơ dấn thân, trong những buổi xuống đường sục sôi, bạn bè anh vẫn thầm thì đọc nhau nghe những vần thơ ông không biết bằng cách nào truyền được từ rừng về.

 

Suốt năm 1968 Vinh hầu như không thể đến trường, phần vì những chấn động đau thương của Huế, phần vì cái chết của người cha đã dồn toàn bộ gánh nặng gia đình lên vai anh. Sang năm sau, vừa trở lại giảng đường Vinh tiếp thêm một cơn choáng nữa. Một cựu học sinh Quốc học có mặt trong một toán biệt kích nói đã nhặt được những dấu tích cuối cùng của người thủ lĩnh năm xưa bên miệng một hố bom khi luồn qua rừng A Sầu. Tin đó lan đi như sóng ngầm qua những giảng đường Huế. Vinh bảo, anh đã đau buồn một cách ghê gớm trước cái chết của người thầy tinh thần. Cùng vài người bạn nữa, anh bỏ thành phố theo quân Giải Phóng, để rồi tháng tư năm bảy lăm, có mặt trong cánh quân thần tốc đánh vào cửa ngõ Xuân Lộc.

 

- Tao đã ra đi, vì ông đã chết. Vậy mà sau tháng tư năm bảy lăm, Vinh nói, tao gặp ông ở Sài Gòn, quân hàm cấp tướng, trên muôn người, dưới một người.

 

Tưởng rằng, Vinh dừng âm thầm, câu chuyện về ông đến đấy là chấm dứt, nhưng không phải, thêm vài năm nữa thấy ông bỏ Sài Gòn về Huế, tay trắng, cô đơn và quay qua vẽ tranh, những bức tranh thảng thốt một cái gì vời xa...

 

- Tại sao vậy? Sao tao không thể hiểu được? Vinh nắm chặt bàn tay, và luôn luôn, một niềm đau đớn bừng lên trên sắc diện anh.

 

- Là bởi nàng! Người con gái hiện ra trong sương hồng! Người tuổi trẻ, anh có nghe ta nói không?

 

Ta khi xưa trên núi cháy chiếm ngôi thần linh rất thiêng.

 

Qua bao năm...

 

Trong buổi chiều đó tôi sống lại những buổi lửa trại Hướng Đạo nhiệt thành trên đỉnh Bạch Mã; sống lại hình ảnh người trai rời khung trời Quốc Học lên nhận Bằng Rừng thề trung thành với Tổ Quốc; và người con gái hiện ra trong sương...

 

Em là ai?

 

Là ảo ảnh. Nhưng em sẽ ngồi đây, suốt đời, mãi mãi chỉ để yêu anh.

 

- Bạn trẻ, anh biết không, khi đó không phải là cô nữ sinh ngồi bàn đầu ngước đôi mắt đen huyền nhìn thầy giáo, khi đó, nàng hiện ra từ sương hồng, áo nàng lục tươi, môi nàng thơm như một đóa mimôsa. Là nàng, nàng đã chỉ cho ta con đường dấn thân...

 

Bạn trẻ, ba đào lịch sử đã cuốn chúng ta, ta và nàng, như lá bay, qua những phương trời...

 

Bãi bể nương dâu. Khi mây trắng ngang đầu rũ áo về đây, ta còn nhìn thấy nàng cưỡi ngựa trắng trên đỉnh non cao...

 

Tôi thở ra một hơi dài. Ngẩng mặt lên Huế đã đêm từ lúc nào, một đêm rất trong sáng, một đêm rất lộng lẫy, muôn ngàn vì sao chói lòa rọi xuống cõi nhân gian thăm thẳm một đường tôi về.

 

** *

 

Bẵng mất mấy năm tôi ra nước ngoài làm cái gọi là luận án tiến sĩ nhưng thực chất là đi kiếm tiền, cho đến buổi chiều đông đặt chân xuống sân bay Nội Bài chạm mặt làn mưa rây miền Bắc, lòng bất chợt buốt nhói một cơn đau. Ngay hôm sau tôi bay về Huế. Huế vẫn trầm mặc tịch lặng trong mưa nhưng không còn Vinh ở đó nữa. Vinh bán căn gác cũ để vào sống trong Sài Gòn.

 

Tôi đội mưa ngược dốc lên Trường An. Trường An vẫn tre trúc xanh mướt, vẫn cây trái sum suê và hương sapuchê mùa chín rộ tỏa lên nồng nàn trong mưa, chỉ người cũ nghe nói đi mất rồi. Căn nhà ẩn khuất ở cuối làng trống hoác không phên vách, chỉ tranh là tranh, những bức tranh vẽ một Duy Nhất, là Nàng, người con gái hiện ra trong ngày đầu tiên giác ngộ ý nghĩa cuộc đời...

 

Thẫn thờ, tôi định quay ra thì bất chợt trên những màu tranh vừa nãy bùng lên một ánh chớp, và tôi đọc thấy:

 

Hát ạ

Ta gieo cấy

Từng hạt nhỏ hy vọng

Trên cái bóng âm u của ta

Mong em về nở hoa

 

- Anh tìm người ấy ư? Một người nữ gặp ngang ngõ ngước đôi mắt sâu thẳm nhìn tôi chỉ một con đường. Một chốn duy nhất. Anh lên Nam Giao, đốt lên một đàn hương. Anh đi đi kẻo muộn.

 

Như mê dụ, tôi chạy ngược Phan Bội Châu qua Nam Giao. Nam Giao đã lồng lộng trước mặt, bóng thông xanh đổ lên đỉnh trời, một trời, chao ôi chưa bao giờ cao như thế. Nhưng chỉ thoáng chốc, ngay lập tức mù mây sương khói đã ùa về, và Nam Giao chìm ngập trong cơn vần vũ. Tôi nghển cổ nhìn, xuyên qua mù mây sương khói, tôi nhìn thấy họa sĩ P., tôi nhìn thấy Diệu của tôi, Diệu tinh khôi đang hiện ra trong sương...

 

Ôi Diệu của tôi!

 

Một cái gì nặng trịch đậu xuống phía vai. Tôi quay lại. Mơ hồ một gương mặt, một giọng nói.

 

- Đây đã bên kia núi rồi. Người về đi. Dưới kia tục lụy xanh rờn người không dứt được. Thôi về đi, kẻo muộn.

 

Trần Thanh Hà

 

(1) Phan Bội Châu. Trong thời gian bị giam lỏng ở Huế, ông sống trong ngôi nhà nhỏ phía trên dốc Bến Ngự, cạnh chùa Từ Đàm.