*






Thứ Hai 18/10/2004         

 

Một làn sóng thơ nữ thời @

Nguyễn Vĩnh Nguyên

 

Gọi đó là “làn sóng mới” cũng hợp lẽ ở hai điểm: về tuổi, họ là thế hệ 8x và về thơ, đã có những dấu hiệu chuyển động khác hẳn với Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Nguyễn Quyến - những cái tên mà trong hơn chục năm nay, (nhiều khi theo quán tính) thường được giới phê bình nhắc đến như là những tiêu biểu nhất của cái gọi là... thơ trẻ!

Làn sóng mới ấy đòi hỏi một cuộc nhìn nhận lại sự dịch biến khi cuộc sống hôm nay đã tràn ra ngoài khả năng thức nhận, tiếp bắt của những tên tuổi hôm qua. Hay nói cách khác, cái lớp những cây bút hôm qua được gọi là trẻ đã không còn trẻ nữa. Họ đã ở trên một “con thuyền” khác. Cũng không có nghĩa là họ cũ, thoái vị hay bị vùi chôn đi. Chẳng ai có thể chôn vùi hay phủ định họ. Có thể họ vẫn đang viết, vẫn sáng tạo cho thời đoạn của mình, trên “con thuyền”- không gian thời gian - thế hệ mình.

Làn sóng mới là một cách nói tương đối và có thể sẽ mang tính hiện tượng nhất thời. Mặc dù gọi là làn sóng mới (thơ đương đại) để so sánh với làn sóng cũ (thơ trẻ đã được định danh như từng nêu trên) thì sự mới / cũ chẳng xa xôi nhau lắm về thời gian tính. Có khi vài ba năm đầy biến cố của lịch sử thời cuộc xã hội (bước chuyển từ thập niên 70 đến 80 thế kỷ trước) nó tạo ra lằn ranh tâm lý nhận thức và cảm xúc khác nhau là điều dễ hiểu. Tôi thực sự thông cảm khi nhà thơ trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh - người trằn trọc cách tân trong một thời gian dài không mệt mỏi - bỗng nhiên nghĩ tới chuyện siêu hình học trong lúc này, khi mà dấu hiệu của những cuộc truy đuổi tìm hoang từ, vỉa từ đã mệt nhoài và anh ý thức rằng mình cùng những bạn bè chung thời đang ở trên con thuyền ngấp nghé trôi về hôm qua. Khi mà những nhà thơ nữ xinh đẹp hàng tuần được anh giới thiệu trên http://evan.vnexpress.net đang đong đưa nhan sắc @ của mình, đối diện thẳng thực tế và gọi tên những chuyện nhạy cảm đầy thoải mái, bất cần mượt mà khuôn phép và không chút uốn éo ngữ ngôn…

Cái ngôn ngữ mà làn sóng mới trong thơ thu nhận được, chủ quan tôi thấy đó là một sự thừa hưởng ngôn ngữ thời đại số. Họ sinh và lớn lên như một sự gieo đúng thời khởi đầu của đời sống số. Họ là thế hệ trẻ Việt Nam đầu tiên bước vào thực tại ảo với cuộc sống tình cảm, nhận thức về thế giới đa chiều hơn, quan niệm được tỏ bày và giải phóng một cách tự thân và mạnh mẽ. Ngôn ngữ thơ họ là ngôn ngữ phô bày phóng túng thoải mái theo cách hằng ngày họ vẫn lên mạng, vào forum, để lại một vài câu vu vơ tản mạn và ký bên dưới một cái nickname; cả chuyện hàng ngày họ vẫn trao đổi về tình dục, kín đáo với một nickname của một boy, girl nào đó mà họ chưa hề thấy mặt, có khi chỉ mới quen nhau qua mạng trong một đêm. Cái lối viết phô bày phóng túng thể hiện bản năng, cảm tính như một quy luật tư duy chứ không bởi dụng ý muốn gây sốc. Song, nó cũng nói lên một sự phản ứng nhất định với một đời sống thơ ca cứ quanh quẩn câu hỏi: lục bát hay tự do, đúng hay sai, sex hay không sex… mà “lớp sóng trước” của họ đã nhiều năm thụ hưởng, đấu tranh lẫn… hứng chịu.

Cái nhu cầu được nói của thơ đương đại, có lẽ là lúc này đây, khi sự vần xoay, khuynh đảo của quan niệm xã hội và tư duy đòi hỏi một cuộc bứt vòng kim cô cũ kỹ để xây dựng những giá trị mới. Không kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào. Người ta cũng chẳng thế bước vào tương lai bằng bước chân của quá khứ. Nếu có thì đó chỉ là những bước lùi, tụt hậu. Tôi đã thấy những tấm ảnh nhà thơ Vi Thùy Linh xanh xao ốm o mệt mỏi nhưng vẫn ngẩng cao đầu (và chị cũng bảo là rất thích cái động tác này mỗi khi đứng trước camera) nhưng đó chỉ là một sự ngẩng cao đầu trong một scene chớp bắt hình ảnh của thế hệ chị. Cũng thế, thơ chị, nếu gọi là một cuộc giải phóng quan niệm tình dục trong thơ thì không sai, nhưng để đặt nó bên cạnh những cây bút nữ thời @ của đợt sóng mới này, thì “Linh” và “Khát” đã quá cũ. Ấy là chưa nói rất nhiều những hạn chế về ngôn ngữ thể hiện mà nhà thơ nữ này gặp phải trong hai tập thơ vụng về nhưng từng tạo sốc đúng thời điểm này…

Nếu văn học Trung Quốc gọi thế hệ 7x (Miên Miên, Vệ Tuệ) của họ là “thế hệ viết bằng cơ thể”, nặng tính dè bỉu hơn là trân trọng thì những tác phẩm của họ vẫn xuất bản một cách công khai và tạo được những đồng tình của người trẻ thì chúng ta phải thấy điều đó chậm hơn - ở thế hệ 8x. Những tín hiệu đầu tiên đang gây cho chúng ta sự hoang mang lẫn hy vọng vì sự chuyển động ấy không giống chúng ta nghĩ lâu nay.

 

Phương Lan, cô gái sinh năm 1981, những ngày đầu vào CLB Văn học Nhà văn hóa Thanh niên còn vụng về ê a câu chữ, nay đã viết được những bài thơ nhục cảm đến “chết người”: “Rướn cong mùa chín mọng trong đêm / Chờ một linh tính để hân hoan giờ khai mở, / dưới em là ri rầm cỏ mềm / và những phôi mầm phập phồng cố nén cơn phấn khích trong viễn tượng đồng loạt đội lên” (Đỉnh hoa) hay “Em ưỡn ngực triền xuân / nhìn loài người bằng nỗi buồn mưng mủ”… Đến thế thì cái sự “khoả thân trong chăn / thèm chồng” của Linh chỉ là cách uốn éo của một lớp sóng cũ còn nhiều ngần ngại trước cương toả của lễ giáo và quan niệm đạo đức trên một nền ngôn ngữ thi ca chưa kịp lột xác…

Thật ngạc thiên khi cô Lynh Bacardi, một cô gái có nét đẹp di-gan trong làng thơ Sài Gòn đã viết được những câu đầy bất chấp, đạt đến sự phún trào trên những xác chữ tròn căng. Cách nói của Lynh Bacardi là một sự bất chấp:

chiếc chiếu sờn lòng giữa

em save anh vào document tử cung

trét lên tường những gam màu bò cái

trong mơ …….

anh đốt đồng cỏ…….tảng lờ hơi sữa

bức tranh về ánh sáng nhân loại

tòn teng trên lưng thằng gù

cửa sổ trời chực mở

bào thai rắn rớt……nhầy nhụa bàn phím

hình dung anh cắn phải lưỡi khi làm tình

 

(Đăng cai)

 

Khương Hà Bùi, sinh năm 1985, đọc nhiều, chiêm nghiệm nhiều, từng xuất hiện trên những forum của ttvnol.com với cái nick quen: duong_chieu_la_rung. Cô này viết đằm, mộng mị cổ điển, nhưng lại cũng có những cách nói rất “open” mà cách chơi từ nén từ chật chội của đàn chị như Phan Huyền Thư có khi đã bị đắp mền đẩy về hôm qua: “Xin anh giữ chặt vai em / cùng xoay những vòng chóng mặt / thảo nguyên rỉ máu từ những hố sâu rền rĩ đòi trở lại là hoang mạc / quằn quại nỗi đau tìm về khởi thuỷ / một vòng xoay / một vòng xoay…”.

 

Trong khi đó, Thanh Xuân (sinh năm 1981), gốc Cần Thơ lại nặng về tính thông tin. Những câu thơ bề bộn được sinh ra từ một thế giới thông tin nghe nhìn và tiêu dùng. Một cái nhìn lườm nguýt điệu đàng và thích nghi chứ không phản ứng: “Bắt đầu tấu khúc hay tập tễnh ễnh ương / dịu dàng và nhu nhược như thiếu nữ hàng băm chưa chồng / tư tưởng chủ đạo của nền văn minh triệt để phương Tây là… / Sa thải đạo diễm Mưu và Thập diện… tẩy chay / hắn cười khẩy vào giữa đùi nàng đã được tẩm Chanel No.5 / (Ta cứ hếch hoác thì đã sao nào?) / Khi ngày nào hắn cũng tới thư viện nhà nước nghiền ngẫm tại sao bà Hồ Xuân Hương không trần truồng Ereka mỗi khi làm thơ”. Cái tâm thế bất chấp theo kiểu “thì đã sao nào”của những “cư dân mạng” đã tràn vào thơ theo một mạch ngầm mà những mưu đồ kiến giải bác học và kinh viện đến mấy cũng phải bó tay. Nó là sản phẩm của một thế giới ảo vô lượng chiều không gian và thời gian mà họ được ung dung chọn hành xử theo cách của mình!

 

Có lẽ tên tuổi làm tôi ngạc nhiên nhất là Trương Quế Chi - cô học sinh 16 tuổi, đang học trường Hà nội-Amsterdam. Suốt nhiều năm, thơ cô xuất hiện trên tờ Người Hà Nội và mới đây là website eVăn gợi những tín hiệu thơ nhục cảm táo bạo, bất ngờ. Biết sao được những câu thơ thiếu nữ thời @ này đã mang vào trong mình cái nỗi trằn trọc thiếu phụ và những khát thèm cởi bỏ ràng buộc tù túng một cách rất thực, rất vi tế mà những đàn chị của cô không đạt đến. Cũng là một tình trạng bất chấp: bất chấp sự thô thiển, bất chấp sự cương tỏa đạo đức, bất chấp tất cả những mối riềng buộc nhiêu khê bay lâu chỉ để được nói. Trong bài thơ Viết cho sinh nhật 10/10/2003, Chi viết:

 

… Cơn khát nảy hoa

ý thức ngủ đông và cảm tính bản năng quẫy dậy

sinh vật trần trụi cùng khuôn mặt nham nhở

"những đường nét cũ trong lành chứa nội dung đã bị phá hủy"

đôi lần soi gương và thấy buồn nôn

vì không hiểu nổi đôi mắt đã chạy nơi nào

"đường nét xô tranh nhau co dúm về một điểm"

Trông thật ngộ!

Câu hỏi "tại sao" quấn vò dây thần kinh mỏng mảnh

Bào thai cựa quậy trong bức tranh mang sắc đỏ

Bào thai mang tên Đàn Bà.

 

Ngoài ra, còn có thể điểm thêm những gương mặt khác như: Nguyệt Phạm, Liêu Phúc Minh, Mạc Vi… cũng góp vào cơn sóng chung này những tín hiệu mới đầy thú vị...

 

Sự trải nghiệm và lắng đọng còn ở thời gian. Nhưng khi người ta chưa biết chần chừ bởi những định kiến nhận thức lẫn cân nhắc, những câu thơ bất chấp như thế khiến tôi nghĩ rằng, đó đã là một điều tốt, một tiếng kêu gào đòi cởi bỏ xiêm áo cũ đã thực sự có nghĩa lý trên con đường xác lập một nhận thức sâu xa làm nền tảng; tư duy một tương lai mới cho thơ ca. Vì chúng ta đã trầm mình quá lâu trong cái cũ, sự sáo mòn phép tắc mãn tính!

 

Họ, những cây bút nữ trẻ với sự nhạy cảm và vốn liếng thời đại, thế hệ mình, liệu có đem lại sự mới mẻ cho thi đàn đương đại? Chưa dám chắc. Họ chưa đủ sức đạp đổ những đàn chị của lớp sóng trước. Và không việc gì họ phải đạp đổ. Xin nhắc lại, “một làn sóng mới” của những cô gái thơ thời @ có thể chỉ là cách nói mang tính thời vụ thậm chí… thời trang. Cái mà họ cần hơn, trong không khí ấy, có lẽ là một sự vững vàng nền tảng văn hoá để nhận ra con đường mình sẽ khai phá ngay dưới bàn chân. Và một điều nữa, cái họ phải trang bị là một chút mẫn cảm thế hệ để không tự đánh mất mình bằng những hoa hoè hoa sói nông nổi nhất thời.

 

(Bài đăng trên Sinh viên Việt Nam, số 41, 13/10/2004. Tác giả có chỉnh sửa.)

Trích e-Văn