Chương 3

Những đặc sắc trong từng thể loại tứ tuyệt


Dựa trên những tiêu chí khác nhau, TTLB (hiểu theo nghĩa rộng, gồm toàn bộ các bài thơ 4 câu của Lý Bạch) có thể phân làm nhiều loại. ở đây, chúng tôi dựa trên hai dấu hiệu hình thức dễ nhận thấy nhất để phân loại là : việc áp dụng luật Đường và số chữ trong câu.

3.1. Cổ tuyệt - Luật tuyệt - Tứ tuyệt bán cổ bán luật :

3.1.1. Nếu căn cứ vào việc áp dụng luật Đường trong bài thơ mà xét thôi thì TTLB có thể chia làm ba dạng lớn :

a- Cổ tuyệt : những bài tứ tuyệt viết theo thể cổ, hoàn toàn tự do, gieo vần Bằng hoặc vần Trắc :

Như bài " Trâu Diễn cốc" : "Yên cốc vô noãn khí,

Cùng nham bế nghiêm âm.

Trâu tử nhất xuy luật,

Năng hồi thiên địa tâm".

Bài này các chữ thứ hai trong câu không niêm với nhau (theo luật thì chữ thứ hai của câu 1 và câu 4, câu 2 và câu 3 phải cùng thanh), chữ thứ hai và chữ thứ tư trong một câu không ngược thanh. Do vậy có thể biết là nó hoàn toàn không theo luật mà được viết theo lối cổ thể thi, hình thức tự do. Tương tự, như bài "Hí Đỗ Phủ" :

" Phạn Khỏa sơn đầu phùng Đỗ Phủ

Đỉnh đái lạp tử nhật trác ngọ.

Tá vấn nhân hà thái sấu sinh ?

Tổng vị tòng tiền tác thi khổ. "

Bài này cũng không có niêm mà lại gieo vần trắc ("ngọ" - " khổ") do đó có thể khẳng định là thuộc cổ thể.

b- Luật tuyệt : Những bài tứ tuyệt theo luật Đường, có niêm, luật, gieo vần bằng, có thể có đối hoặc không. Vì chỉ dựa trên những dấu hiệu hình thức để phân loại, nên với những bài TTLB lấy đề tài từ nhạc phủ, cổ thi, phong vị rất gần gũi với dân ca, nhưng vẫn giữ niêm, luật, vần bằng, ... theo đúng luật Đường thì chúng tôi vẫn xếp vào dạng luật tuyệt. Như bài "Tương Dương khúc" số 4, tuy lấy đề tài cũ trong nhạc phủ song về hình thức rất đúng luật :

"Thả túy Tập Gia trì,

Mạc khan "Đọa lệ" bi.

Sơn Công dục thướng mã,

Tiếu sát Tương Dương nhi."

chữ thứ 2 của câu 1 và câu 4, câu 2 và câu 3 niêm với nhau, chữ thứ 2 và thứ 4 trong mỗi câu đều ngược thanh, vần là vần bằng ("bi" - "nhi"), bài thơ rất đúng luật nên chúng tôi vẫn coi là luật tuyệt. (Việc phân loại hoàn toàn căn cứ vào hình thức sẽ tạo điều kiện dễ dàng, rành mạch hơn cho các thống kê sau này). Ngoài ra còn có dạng luật tuyệt phá luật : bài thơ có niêm, vần bằng, chỉ có tối đa một hoặc hai câu phá luật về thanh điệu (lẽ ra thanh bằng lại là thanh trắc hoặc ngược lại). Như bài "Oán tình" :

" Mỹ nhân quyển châu liêm,

Thâm tọa tần nga mi,

Đãn kiến ngân lệ thấp,

Bất tri tâm hận thùy.

Bài này phá luật ở câu 1 (từ "châu" lẽ ra phải có vần trắc).

c. Tứ tuyệt bán cổ - bán luật : Những bài tứ tuyệt không hoàn toàn theo cổ thể mà cũng không hẳn theo luật . Bài thơ có niêm luật rất tề chỉnh nhưng lại theo vần trắc - như bài " Vương Chiêu Quân" :

" Chiêu Quân phật ngọc yên,

Thượng mã đề hồng giáp.

Kim nhật Hán cung nhân,

Minh triêu Hồ Địa thiếp."

Bài này không những có niêm, đúng luật bằng trắc mà thậm chí còn đối ở liên cuối. Tuy vậy về vần thì lại theo lối cổ thi (vì luật thi luôn luôn phải là vần bằng, bài này lấy vần trắc ). Do vậy mà chúng tôi tạm gọi đây là hình thức "tứ tuyệt bán cổ - bán luật". Một dạng khác là bài thơ có câu theo cổ thể, lại có câu theo luật thi mà dấu hiệu dễ thấy nhất là hình thức đối. Như bài :"Thượng hoàng tây tuần Nam kinh ca" bài 7 :

" Cẩm thủy đông lưu nhiễu Cẩm thành,

Tinh Kiều bắc quải tượng thiên tinh.

Tứ hải thử trung triều Thánh chủ,

Nga Mi sơn hạ liệt tiên đình."

Bài này hai câu đầu rất đúng luật, lại có đối. Nhưng hai câu sau phá ra, thất niêm (chữ thứ 2 của câu 3 không niêm với câu 2, câu 4 không niêm với câu 1). Về hình thức toàn bài thì không theo luật, nhưng cắt riêng mỗi liên lại âm luật tề chỉnh, cho nên gọi là "bán cổ - bán luật".

Theo cách phân loại như trên, khảo sát toàn bộ TTLB (193 bài), chúng tôi có bảng thống kê như sau :

Loại

Số bài

Cổ tuyệt

70

Luật Đúng luật

Phá luật

99

8

TT bán cổ - bán luật

16

3.(1.2 Con số thống kê cho thấy một thực tế khá bất ngờ: mặc dù Lý Bạch có phong cách sáng tác tự nhiên, không ưa gò bó, được xem là "không thích luật thi" [91:37], song những bài luật tuyệt đúng luật lại chiếm tỉ lệ quá nửa trong TTLB

(99/193 bài). Một điểm nữa cũng đáng lưu ý là trong số luật tuyệt của Lý Bạch lại có rất nhiều bài lấy đề tài từ nhạc phủ, ca từ, hoặc đề tài mới, song phong vị hồn nhiên, tươi sáng rất gần với dân ca. Như bài "Tương Dương khúc" số 4, bài "Thu Phố ca" số 4, 6, 7, 8, 9, 14, 15, bài "Việt nữ từ" số 3, "Lục thủy khúc", ... tên là "khúc", "ca", "từ" ..., song niêm luật rất tề chỉnh, còn phong vị mỗi bài một vẻ, nhưng hầu hết đều khơi nguồn cảm hứng từ dân ca. Hoặc như các bài "Lao Lao đình", "Cán sa thạch thượng nữ", "Trường Môn oán" bài 2, "Bồi tòng Tổ tế Nam Thái thủ phiếm Thước Sơn hồ" bài 2... thì tuy là luật tuyệt song từ ngôn ngữ đến hình ảnh lại bình dị, mang đậm phong cách dân gian, như chưa hề qua tay đẽo gọt. Trái lại, cổ tuyệt của Lý Bạch thì không nhất thiết lúc nào cũng mang dáng dấp dân ca mà có nhiều bài giọng điệu cao sang, tứ thơ sâu sắc. Ngay cả những bài Lý Bạch ca tụng hai vua (Đường Minh Hoàng và Túc Tông), Vĩnh Vương, trang trọng là thế, song hình thức cũng không câu nệ phải là luật thi mà quá nửa là cổ tuyệt ("Vĩnh Vương đông tuần ca" bài 1, 3, 4, 6, 8, ( 9, "Thượng hoàng tây tuần Nam kinh ca" bài 5, 6, 9, 10). Thậm chí ngay với cùng một chủ đề, đề tài, một chùm TTLB lại có bài theo thể cổ, có bài theo luật, có bài bán cổ bán luật (Chùm "Thu Phố ca" 17 bài, bài số 3, 5, 11, 13, 16 là cổ tuyệt, bài số 4, 7, 8, 9, 10, 14, 15 là luật tuyệt đúng luật, bài số 6 là luật tuyệt phá luật). Thực tế phức tạp này cho thấy luật thi không ràng buộc gì ngòi bút Lý Bạch. Cổ tuyệt của ông không cứ phải bình dị, gần với dân ca, còn luật tuyệt cũng không nhất thiết phải cao sang, uyên bác. Điều đó có thể gây trở ngại không vượt qua nổi nếu muốn tìm đặc điểm nội dung của từng thể loại cổ tuyệt - luật tuyệt - bán cổ bán luật trong TTLB, nhưng lại chứng minh rất rõ tính sinh động, đa dạng của bút pháp thơ Lý Bạch. Thẩm Đức Tiềm đã từng nói về luật trong làm thơ :"Thi quí ở tính tình, cũng cần phải có phép tắc... Nhưng cái gọi là phép ấy là đi ở lúc phải đi, dừng ở lúc phải dừng, còn các chỗ khởi phục, chiếu ứng, thừa tiếp, chuyển hoán là tự đem tinh thần mà nhận ra. Cho nên phép làm bài chỉ là để dạy người mới học, không đủ để nói với bậc cao minh" [83:48]. TTLB với luật thi chính là như vậy.

3.1.3. Tuy nhiên, việc đưa luật thi vào tứ tuyệt hay dùng hình thức thơ cổ thể trong TTLB không phải là tùy tiện và vô nghĩa. Nó chịu sự chi phối mạnh mẽ của phong cách sáng tác tự nhiên của Lý Bạch, và chính ở đây với bản sắc riêng độc đáo, Lý Bạch đã đem lại những cống hiến mới mẻ cho tứ tuyệt trên cả hai phương diện : kế thừa, đổi mới cổ thi và hoàn thiện hóa luật thi.

Lý Bạch đã kế thừa một di sản thơ tứ tuyệt khá đồ sộ từ kho tàng dân gian và sáng tác của tiền nhân. Hình thức cổ tuyệt thì trước ông, người ta đã viết rất nhiều, đương thời và sau này cũng vậy. Ông cũng không phải là người đầu tiên sáng tạo ra

luật tuyệt, công lao này thuộc về các nhà thơ Sơ Đường như Thẩm Thuyên Kỳ, Tống

Chi Vấn... . Thế nhưng TTLB vẫn là những cống hiến mới mẻ xét từ góc độ thể loại. Nói như vậy, vì Lý Bạch đã có công bắc nhịp cầu nối liền hai dòng sáng tác dân gian và bác học trong tứ tuyệt, hòa hợp thế mạnh của chúng và nâng lên đỉnh cao hoàn mĩ.

3.1.4. Các nhà thơ cổ điển Trung Quốc nói chung có khuynh hướng thích mượn "cổ" để nói "kim", lấy sáng tác của tiền nhân làm chuẩn mực, đào sâu những đề tài cũ, vận dụng điển cổ, điển tích... nhằm bộc lộ mình trong một so sánh ngầm có tính lịch đại. Lý Bạch không phải là ngoại lệ, thậm chí ông còn hăng hái đề ra chủ trương "phục nguyên cổ" nữa. Có điều ý tưởng "phục cổ" của ông không đơn giản là tâm lý tôn sùng quá khứ. Ông đề cao phong cốt tự nhiên mà hùng hồn của Kinh Thi, Sở Từ, văn học Kiến An... để phản đối lại lối thơ hoa lệ, duy mĩ vẫn còn khá thịnh hành đương thời. Trong rất nhiều cái hay của tiền nhân, ông chọn một đặc điểm hợp với phong cách tự nhiên của mình nhất để ca ngợi, thực ra cũng là cách ông tự khẳng định :"Đại Nhã cửu bất tác. Ngô suy cánh thùy trần..." _ "Cổ phong ngũ thập cửu thủ" (Thơ Đại Nhã đã lâu không làm. Ta yếu thì còn ai bày tỏ được...). Nói như vậy để thấy rằng Lý Bạch khi học tập tiền nhân cũng rất ý thức về vai trò của cái Tôi để kế thừa và bổ sung những nét mới cho di sản quá khứ nữa. TTLB khi khai thác nguồn đề tài cũ trong nhạc phủ, cổ phong... cũng theo hướng như vậy.

Thơ ca dân gian phong phú, dồi dào nhựa sống nhưng nhìn chung còn chưa

được hoàn thiện về kết cấu và điêu luyện trong diễn đạt. Tái sinh qua TTLB, nó trở nên hàm súc và nhuần nhị hơn nhiều. Như bài "Tương Dương khúc" số 2 của Lý Bạch:

" Sơn Công túy tửu thời,

Mính đinh Cao Dương há.

Đầu thượng bạch tiếp li,

Đảo trước hoàn kỵ mã

Tạm dịch :

Sơn Công ngấm rượu rồi,

Bí tỉ xuống Cao Dương.

Mũ trên đầu lộn lại,

Rồi cưỡi ngựa, lên đường.

Bài này hầu như tóm tắt lại từ một bài đồng dao dài hơn, vẫn lưu truyền ở Tương Dương :

" Sơn Công xuất hà hứa ?

Vọng chí Cao Dương trì.

Nhật tịch đảo túy qui,

Mính đinh vô sở tri.

Phục năng thừa tuấn mã,

Đảo trước bạch tiếp li "

tạm dịch : Sơn Công đi đâu thế ?

Nhằm hướng "Cao Dương trì".

Chiều về say lướt khướt,

Bí tỉ chẳng biết chi.

Ngựa vẫn trèo lên được,

Mũ trắng còn lộn đi.

Bài "Tương Dương khúc" số 2 của Lý Bạch gần như sử dụng tất cả các hình ảnh, chi tiết và hầu hết từ vựng của bài đồng dao này, chỉ lược bớt đi một số chữ và kết cấu lại, vậy mà hiệu quả nghệ thuật đã khác hẳn. Bài đồng dao dùng hình thức đối đáp khiến giọng điệu "kể" lấn át "tả", lời thơ chất phác, có phần dàn trải. Lý Bạch lược bỏ lời hỏi đáp, người kể chuyện giấu mặt, bài thơ như một bức họa hình Sơn Công, tuy vẫn chỉ là những hình ảnh ấy nhưng sắc nét và sống động do "tả" thay thế "kể". Kết cấu của hai bài thơ cũng rất khác, có thể thấy được điều đó qua trật tự các từ trong bài :

Bài đồng dao:

"Đi" - "Cao Dương" - "say" - "bí tỉ" - Lên ngựa - lộn lại mũ

(xuất) - (Cao Dương) - (túy) - (mính đinh) - (thừa mã) - (đảo - bạch tiếp li)

"Tương Dương khúc" :

"Say" - "bí tỉ" - "xuống Cao Dương" - "Mũ" - "lộn lại" - "rồi lên ngựa"

(Túy) - (mính đinh) - (Cao Dương há) - (bạch tiếp li) - (đảo) - (hoàn kỵ mã)

Bài đồng dao diễn biến khá đơn giản theo một logíc tuyến tính. ở "Tương Dương khúc", Lý Bạch đã đảo ngược tất cả các trật tự đó. Ông không tả Sơn Công đến Cao Dương rồi mới say mà lại đưa yếu tố "say" lên trước. Sơn Công của ông đã say sẵn, thậm chí còn đến mức bí tỉ rồi mới xuống Cao Dương, là "điểm uống rượu" thật sự ! Nhà thơ dân gian tả Sơn Công say "không biết gì" ("vô sở tri") mà vẫn bò được lên ngựa, thậm chí còn cố gắng lộn lại cái mũ để làm dáng - chi tiết đã rất có tính điển hình và sinh động. Nhưng Lý Bạch lại tinh tế hơn một chút khi ông đảo lại trình tự, để Sơn Công chỉnh mũ rồi mới lên ngựa. Chỉ một sự khác biệt này thôi đủ làm nổi bật tính cách của Sơn Công - ngang tàng, khinh bạc mà vẫn chăm chút đến sự hiện diện của cái Tôi (mũ) trong mọi hoàn cảnh và trên hết. So với nguyên mẫu thì Sơn Công của Lý Bạch có vẻ "say" hơn mà đồng thời lại cũng "tỉnh" hơn ! Đó là chưa kể Sơn Công trong bài đồng dao là đối tượng miêu tả chính và thực sự. Còn trong "Tương Dương khúc", đó lại là biểu tượng, lung linh hình bóng của chính Lý Bạch ở Tương Dương; trong miêu tả có ẩn dụ, lời gần tình xa.

"Tương Dương khúc" số 4 đã giản lược đến 1/3 số chữ so với nguyên mẫu (10/30 chữ) mà ý tứ lại sâu sắc hơn, từ ngữ vẫn mộc mạc mà giọng điệu lại đạt tới chỗ hàm súc. Có thể nói bài tứ tuyệt của Lý Bạch vừa giữ được tính hồn nhiên, sinh động vốn là nét đặc sắc của thơ ca dân gian, song lại thể hiện nó qua một bút pháp điêu luyện rất "Đường" : tả mà không kể, hàm súc, cô đọng, nói rõ mà không nói hết.

"Tương Dương khúc" số 4 có thể coi là một ví dụ điển hình cho sự tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo của Lý Bạch đối với sáng tác dân gian vì nó hình thức rất giống nguyên mẫu mà chất lượng lại cao hơn. Tuy vậy, không phải tất cả các bài TTLB mô phỏng tiền nhân đều có tỉ lệ lặp lại từ ngữ, hình ảnh trong nguyên mẫu cao như vậy. Nhìn chung, ông thường sử dụng đề tài cũ như một gợi ý để phát triển tư tưởng, cảm hứng mới mẻ của mình ("Lục thủy khúc", "Thiếu niên hành", "Ngọc giai oán", "Nhật xuất đông nam ngung hành", "Tĩnh dạ tứ"...). Trong khi học tập rất nhiều ở dân ca, TTLB nhìn chung không chỉ hoàn thiện hơn về kết cấu mà còn độc đáo trong lập tứ. Có khi chỉ thay đổi vài tứ so với nguyên mẫu, bài tứ tuyệt của ông đã sáng hẳn lên ý tưởng khác mà nguyên mẫu không hề có. Như bài "Tĩnh dạ tứ" của ông :

"Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương "

Tương Như dịch thơ : Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương.

Có thể thấy nó chịu ảnh hưởng khá rõ từ một bài "Tí dạ thu ca" trong nhạc phủ Nam triều :

"Thu phong nhập song lý,

La trướng khởi phiêu dương.

Nghênh đầu khán minh nguyệt,

Ký tình thiên lý quang. "

tạm dịch: "Gió thu vào song cửa,

Phấp phới bay trướng là.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Tình gửi ánh trăng xa. "

Bài này dùng môtíp "gió thu vào trướng là" để gợi tả người con gai trong khuê phòng thu sang nhớ bạn tình. Hình ảnh thơ rất trữ tình, đặc biệt là hai câu cuối tả cô gái ngước trông trăng rồi gửi tâm tình vào ánh trăng xa ngàn dặm, ý tứ bồi hồi, tha thiết. Lý Bạch dựa trên tứ ấy để tả tâm trạng khách tha hương, như ngầm ví tình cố hương cũng day dứt, xao động như nỗi niềm tương tư trai gái. Và thậm chí còn hơn nữa khi ông sáng tạo thêm chi tiết :

"Cúi đầu nhớ cố hương ". ("Đê đầu tư cố hương")

Bài "Tí dạ thu ca" chỉ miêu tả động tác "ngẩng đầu" rồi "gửi tình vào ánh trăng muôn dặm", tình ý lan tỏa mênh mông nhưng không có điểm dồn tụ, hướng ngoại mà ít hướng nội, hình ảnh đẹp song thiếu độ sâu lắng. Còn ở "Tĩnh dạ tứ", trăng tỏa sáng ngời thu hút ánh mắt, nhưng người - rốt cuộc không nỡ, không thể ngắm vì nó quá gợi niềm đau tha hương. Chi tiết "cúi đầu" thể hiện nỗi ngậm ngùi, hướng nội, ý thơ đang bay bổng bỗng trầm lắng, tình xa mà ý sâu. Nhạc phủ Nam triều nói chung thường có phần trau chuốt, ỷ lệ về hình thức, ngay cả bài "Tí dạ thu ca" nêu trên cũng không thoát khỏi xu hướng đó. Lý Bạch với "Tĩnh dạ tứ" hình ảnh rất đẹp mà lời lẽ lại giản dị đến mức tưởng chừng không đẽo gọt, đủ thấy ông chỉ chắt lọc lấy phần hay mà cải sửa được chỗ yếu, và điều quan trọng hơn, thơ ông lại có khí cốt cứng cỏi, hùng hồn mà ca từ, nhạc phủ nhìn chung còn thiếu.

Đọc những bài tứ tuyệt Lý Bạch lấy đề tài, hình ảnh từ văn học dân gian, có thể thấy hai đặc điểm : Thứ nhất, ông đã "phục cổ" để "mở kim", đổi mới về bút pháp cũng như lập tứ, đề xuất ra những sáng tạo riêng. Đây thực ra là ý đồ chung của hầu hết những thi sĩ sáng tác trên các đề tài cũ, song không phải ai cũng làm được như ông. Thứ hai, có lẽ là điểm độc đáo của Lý Bạch : ông không lấy mới át cũ mà đã hoà nhập được cái Tôi của mình vào nền tảng phong phú của dân ca để tôn nét đẹp của cả hai lên. Như bài "Việt nữ từ" số 3 :

" Da Khê thái liên nữ,

Kiến khách trạo ca hồi.

Tiếu nhập hà hoa khứ,

Dương tu bất xuất lai ".

tạm dịch : Da Khê cô gái hái sen,

Vừa nhìn thấy khách chèo thuyền quay ra.

Hát, cười lẩn bóng hà hoa,

Giả vờ e thẹn không ra đến ngoài.

Bài này về đề tài và hình ảnh ít nhiều có chịu ảnh hưởng từ nhạc phủ Nam triều với bài "Tí dạ tứ thời ca" :

" Thanh hà cái lục thủy,

Phù dung ba hồng tiên.

Lang kiến dục thái ngã,

Ngã tâm dục hoài liên. "

tạm dịch : Lá xanh phủ nước biếc xanh ,

Phù dung mơn mởn muôn cành hồng tươi.

Chàng nhìn muốn hái em rồi,

Lòng em vương vít bên nơi sen hồng ".

Cùng chịu ảnh hưởng của nhạc phủ Nam triều, Vương Xương Linh viết bài thất tuyệt "Thái liên khúc" :

" Hà diệp, la quần nhất sắc tài,

Phù dung hướng kiểm, lưỡng biên khai.

Loạn nhập trì trung khan bất kiến,

Văn ca thủy giác hữu nhân lai."

Bùi Khánh Đan dịch thơ :

Quần lụa, sen xanh, một sắc tươi,

Phù dung ánh má, cả hai cười.

Trong ao thấp thoáng khôn tìm bóng,

Vẳng tiếng ca nghe biết có người.

Bài "Thái liên khúc" hình ảnh có vẻ giống "Tí dạ tứ thời ca" hơn do cùng chú ý so sánh vẻ đẹp của hoa sen và cô gái, nhưng tình điệu cũng như ngôn ngữ đã khác rất xa. Tuy là tả thôn nữ song hình ảnh thơ sang trọng, rực rỡ. Hình thức đối ở liên thơ thứ nhất và bút pháp đồng nhất hóa từng bước trong tả sen và người tạo ấn tượng về một vẻ hoàn mĩ cổ điển. Giọng thơ không còn là lời bộc bạch tâm tình mạnh bạo dưới lớp vỏ e thẹn thiếu nữ mà là sự miêu tả tinh tế, ngoạn mục, sắc sảo của nhà duy mĩ. Bài thơ ý, cảnh trong sáng, tuyệt đẹp, rất được truyền tụng. Nhưng có một điểm chúng tôi băn khoăn là nếu bảo thiếu nữ trong "Thái liên khúc" là một mỹ nhân quí tộc đi thưởng hoa thì có gì khác ? Vẻ đẹp của cô gái ở đây dường như nổi trội quá (Hoa sen hướng cả vào má,đôi bên cùng nở "-"Phù dung hướng kiểm lưỡng biên khai"), cái duyên mộc mạc đồng quê và chất xuân tình của rạo rực của thôn nữ chưa được bộc lộ rõ. Bài "Việt nữ từ" số 3 của Lý Bạch,lời lẽ giản dị hơn,về độ mỹ lệ thì không bằng nhưng tả gái quê mới đúng thật gái quê :duyên hơn là đẹp, và đầy sức sống. Lý Bạch tả cảnh làm duyên "vờ xấu hổ" của cô gái để làm nổi sự chất phác ngay trong mánh khóe dễ thương. Về điểm này, ông đã phát triển được ý câu kết bài "Tí dạ tứ thời ca" : cô gái biết chàng trai thích mình nhưng cứ vờ chối là đang bận lòng với hoa sen. Có điều ý thơ của Lý Bạch còn táo bạo hơn. Và khi gợi tả khao khát trao duyên của thôn nữ, ông đã lồng vào đó ý tưởng giải phóng cá nhân, tự do truy cầu hạnh phúc vốn rất mạnh mẽ trong bản chất cái Tôi của ông. Bài "Thái liên khúc" của Vương Xương Linh rất hay, song dường như "hương đồng gió nội" đã bay ít nhiều, thay bằng vẻ đẹp tinh tế của hoa cảnh trong vườn. Lý Bạch với những bài như "Việt nữ từ" số 3 lại vạch ra một khuynh hướng "phục cổ" mới : vẫn giữ được phong vị hồn hậu của dân ca, đồng thời lại khẳng định được bản sắc của cái Tôi độc đáo.

Một điểm nữa cũng cần lưu ý là bài "Việt nữ từ" số 3 của Lý Bạch lời lẽ lưu loát mà thanh luật hài hòa hơn hẳn "Tí dạ tứ thời ca" do đã được luật hóa. Từ góc độ luật thi mà xét thì đây là một bài thơ hoàn toàn đúng luật (trong khi "Thái liên khúc" của Vương Xương Linh lại thất niêm, theo cổ thể), nhưng Lý Bạch đã khiến người ta quên cả luật mà chỉ thấy thơ ! Bước chuyển tiếp, kế thừa Mới và Cũ, cái Tôi và nền tảng văn hóa dân gian trong TTLB quá uyển chuyển, nhuần nhị đến mức khó nhận ra.

TTLB học tập nhiều ở tiền nhân nhưng ông cũng có những sáng tạo hoàn toàn mới mẻ. Nhiều bài cổ tuyệt của Lý Bạch lấy đề tài mới, hình ảnh cao sang, mĩ lệ mà bút pháp thâm trầm, hàm súc, khác rất nhiều so với dân ca. ("Vĩnh Vương đông tuần ca" bài 1, 3, 4, 8, "Thượng hoàng tây tuần Nam kinh ca" bài 5, 6, 9, 10, "Thu Phố ca" bài 15...). Như bài "Thu Phố ca" thứ 15 của ông :

" Bạch phát tam thiên trượng,

Duyên sầu tự cá trường.

Bất tri minh kính lý,

Hà xứ đắc thu sương."

tạm dịch : Tóc bạc ba nghìn trượng,

Dài mãi theo mối sầu.

Chẳng biết trong gương sáng,

Sương thu vào từ đâu ?

Lý Bạch dùng môtíp quen thuộc : tả tóc trắng để gợi nỗi ưu phiền, nhưng cách xây dựng hình ảnh của ông thật độc đáo. Thơ ca dân gian thường có cách dẫn nhập theo phú, tỉ, hứng - nói chung đi dần từng bước tả đối tượng, từ xa đến gần. Tới TTLB, ở những bài như "Thu Phố ca" này, Lý Bạch ngay từ phút đầu đã đi thẳng vào hình tượng trung tâm, dựng lên một hình ảnh đầy ấn tượng, choán ngợp với mái tóc trắng vĩ đại dài 3000 trượng. Dài thế vẫn chưa hết, câu thơ sau tả linh hồn tóc trắng (sầu) với từ "trường" ở cuối câu tiếp nối độ dài bất tận. Càng tả chiều dài thì ấn tượng về màu tóc trắng càng mạnh mẽ vì nó không phải là một mảng, một đoạn bạc trắng mà ngời lên 3000 trượng và còn vươn xa mãi. Nhưng trắng dến thế vẫn chưa đủ. Lý Bạch tả tóc bạc soi gương sáng, đã trắng càng trắng thêm đến mức tưởng không phải tóc nữa mà là sương thu đọng ngời ngời. Ba sắc độ trắng lồng vào nhau thành một ấn tượng thống nhất, mạnh mẽ. Hình ảnh "thu sương" đọng lại ở câu cuối không chỉ là ấn tượng về thị giác (trắng) mà còn về xúc giác (lạnh), gợi tả nỗi buồn tê tái. Bút pháp khoa trương tầng tầng lớp lớp khiến người đọc chưa hết kinh ngạc về độ dài của mái tóc đã lại bị choáng ngợp bởi sắc trắng ngời kỳ lạ. Những hình ảnh cao sang mà kỳ vĩ đó, thơ ca dân gian hiếm khi có được. Không chỉ thế mà ý tứ bài thơ cũng rất sâu sắc, tình xuyên thấm trong cảnh, tả tóc trắng đồng thời là tả mối sầu. Sầu làm tóc bạc đến thế đã đủ buồn, lại càng thấm thía hơn khi thêm phần tự ý thức (soi gương). Sầu thấy được mà không chạm tới được (như sương thu trong gương sáng), chất ngất mà không biết từ đâu dồn lại ("bất tri ... hà xứ"), quả không phải là nỗi buồn thế tục mà như gợi được tâm tư "vạn cổ sầu". Bài thơ vỏn vẹn 20 chữ mà dồn nén bấy nhiêu ý tưởng, không thừa một chữ, không thiếu một từ. Bút pháp già dặn này rất khác so với lối diễn đạt nói chung chất phác của dân ca hay ít nhiều hoa mĩ trong nhạc phủ, ca từ. Hơn thế nữa, nó bộc lộ rất rõ giọng điệu riêng có của Lý Bạch : ngậm ngùi u uất nhưng lại hào phóng và cực kỳ lãng mạn, đẹp rất đẹp mà sầu cũng thật sầu ! Điều đáng nói là ở đây hình thức cổ thi không hề mâu thuẫn với chất giọng cao sang, trí tuệ. Có thể nói rằng với những bài như "Thu Phố ca" số 15 này, Lý Bạch đã "bác học hóa" cổ thể thi, khai thác tiềm năng diễn đạt đa dạng vô cùng của nó.

3.1.5. Nếu như Lý Bạch đã có công trong việc "bác học hóa" cổ tuyệt, hoàn thiện nó

cả về kết cấu, thanh điệu hình ảnh và cấu tứ thì với luật tuyệt, ông lại đem vào phong cách tự nhiên, tươi sáng khiến nó gần lại với hình thức giản dị của dân ca. Ông tuân thủ theo luật mà luật tuyệt của ông lại không có vẻ gì gò bó. Đây là một bước tiến bộ dài về kỹ thuật so với luật tuyệt đầu sơ Đường.

Tỉ lệ bài thơ có đối chỉnh trong TTLB ít (16/193 bài), trong 99 bài luật tuyệt chỉ có 8 bài có đối và chỉ là đối trong một liên thơ chứ không phải toàn bài. Dường như khi áp dụng luật thi vào tứ tuyệt, Lý Bạch chủ yếu cải tiến thanh điệu cho trôi chảy, hài hòa chứ ít chú ý đến tạo một bố cục cân đối, chuẩn mực qua khai thác hình thức đối. Lý Bạch có vẻ không ưa dùng đối lắm, cũng như ông không thích sự mực thước và gò bó. Có lẽ một trong những nguyên nhân khiến Lý Bạch sáng tác nhiều luật tuyệt là vì thể thơ này không bất buộc có đối mà bố cục đơn giản hơn bát cú nhiều. Khai thác yếu tố tự nhiên này của luật tuyệt, TTLB do vậy nhiều bài tuy đúng luật mà vẫn có phong vị hoạt bát, giản dị của dân ca. Đỗ Phủ có bài "Tuyệt cú" có thể coi là mẫu mực về luật trong tứ tuyệt :

" Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu,

Nhất hàng bạch lộ hướng thanh thiên.

Song hàm Tây lĩnh thiên thu tuyết,

Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền. "

Tản Đà dịch : " Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc,

Một hàng cò trắng vút trời xanh.

Nghìn năm tuyết núi song in sắc,

Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình."

Bài này không những hoàn toàn đúng niêm, luật mà cả 4 câu đối từng cặp một rất chỉnh (về thanh điệu, từ loại, hình ảnh). Gần 200 bài TTLB hầu như rất ít có bài nào như vậy, trừ vài bài như "Thu Phố ca" (số 6) và "Đỗ Lăng tuyệt cú"... có đối ở cả hai liên thơ nhưng lại phá luật :

" Nam đăng Đỗ Lăng thượng,

Bắc vọng Ngũ Lăng gian.

Thu thủy minh lạc nhật,

Lưu quang diệt viễn sơn. " ("Đỗ Lăng tuyệt cú")

tạm dịch : Phía Nam lên mãi trên Đỗ Lăng,

Vọng về phương Bắc, giữa Ngũ Lăng.

Nước thu sáng bóng vầng dương lặn,

ánh trôi nhòa xóa núi xa xăm."

Bài thơ câu 1 ảo cú (chữ "Lăng" lẽ ra phải là vần trắc nhưng lại là vần bằng, đổi thanh cho chữ "Đỗ" đứng cạnh, lẽ ra vần bằng nhưng lại là vần trắc để cân bằng lại), có thể coi là vẫn theo luật, nhưng câu 3 rõ ràng đã phá luật khi chữ "lạc" lại cùng thanh trắc với chữ "thủy" mà không có gì cứu ảo. Riêng về đối thì bài này chỉnh đến từng chữ ("Nam" đối với "Bắc", "Đỗ Lăng thượng" với " Ngũ Lăng gian", "thủy" với "quang", "minh" với "diệt", "lạc nhật" với "viễn sơn"...) nhưng lại gây cảm giác nó vẫn tự nhiên hơn so với đối trong bài "Tuyệt cú" của Đỗ Phủ. Có thể là vì mối liên hệ sâu giữa các câu thơ vẫn theo trật tự nối tiếp, trôi chảy : Vì lên Đỗ Lăng (câu 1) mới nhìn được vào giữa Ngũ Lăng (câu 2). Vì nhìn nên mới thấy nước mùa thu sáng bóng mặt trời lặn (câu 3). Từ ý "mặt trời" ở câu 3 mới chuyển xuống tả ánh sáng ("quang") ở câu 4 : ánh sáng chuyển động xóa nhòa bóng núi xa. Như vậy, đối chỉ là hình thức để tạo tương phản lung linh cho hình ảnh thơ thêm đẹp. Còn trong bài "Tuyệt cú" của Đỗ Phủ, đối ngẫu dường như là logíc chính nối hai câu trong một liên với nhau. Vì câu thứ nhất tả "hai cái oanh vàng" ("lưỡng cá hoàng li"), nên câu sau số lượng cũng phải được qui định chính xác thành "một hàng cò trắng" ("nhất hàng bạch lộ"). Tương tự ở liên thơ thứ hai, vì nhà thơ đã điểm thêm tưởng tượng vào bông tuyết thường thành ra "Tây Lĩnh thiên thu tuyết" cho nên câu thơ sau, con thuyền cũng phải được ước lệ cho tương xứng thành "Đông Ngô vạn lý thuyền". Có thể thấy ở đây sự gia công của Đỗ Phủ để tạo một vẻ đẹp cân xứng cổ điển và đó là lý do qui định sự tồn tại bên nhau của các câu thơ chặt chẽ đến mức ý nghĩa của vế đầu chi phối cả vế sau và ngược lại, cũng chỉ hoàn chỉnh nhờ có sự bổ sung của vế sau. Trong TTLB, đối đã ít, lại càng ít khi đóng vai trò quyết định nhằm lập ra một bố cục thẩm mỹ cân đối, trau chuốt như ở bài "Tuyệt cú" nêu trên của Đỗ Phủ. Vậy thì đối trong TTLB có giá trị gì?

Theo La Căn Trạch trong "Lịch sử phê bình văn học Trung Quốc", thì đối ngẫu có mầm mống từ thuyết "Tứ thanh bát bệnh" của Chu Ngung Thẩm Ước - chủ trương xây dựng một loại thơ văn âm điệu tiết tấu theo nhau biến đổi, trên đã có thanh bằng thì dưới phải dùng thanh trắc. Đến cuối đời Lục Triều lại có thuyết căn cứ vào nội dung phân ra 4 kiểu đối : đối lời, đối sự, đối thuận, đối ngược ("Văn tâm điêu Long " của Lưu Hiệp - thiên "Lệ từ"). Sang đời Đường, hai thuyết này hòa hợp, đối cả về thanh và về nghĩa. La Căn Trạch còn khẳng định sự phát triển của đối ngẫu trong thơ ca đời Đường :" Sơ Thịnh Đường là thời đại chú trọng đối ngẫu, Trung Đường là thời đại chú trọng sứ mệnh xã hội trong thơ, Vãn Đường ngũ đại cho đến đầu Tống là thời đại chú trọng đến thi cách" [43:5].

(

Chúng tôi cho rằng nếu quan niệm đối xứng là gốc của đối thì ngay trong "Đạo Đức kinh" (Lão tử) đã có thể thấy rất nhiều câu manh nha hình thức đối :

- "Vô danh thiên địa chi thủy

Hữu danh vạn vật chi mẫu..."

(" Không tên là gốc gác của trời đất

Có tên là mẹ của vạn vật " - Nguyễn Duy Cần dịch).

- "Hữu vô tương sinh,

Nan dị tương thành..."

("Có với không cùng sinh,

Khó và dễ cùng thành..." - Nguyễn Duy Cần dịch).

........................

So với phép đối ngẫu trong Đường thi thì kiểu đối này còn khá đơn giản, tần số lặp (về cấu trúc và về ý) rất lớn. Nó ít nhiều gợi liên tưởng đến lối "trùng dương điệp cú" phổ biến trong Kinh Thi. ở mức độ nào đó, hình thức đối manh nha trong "Đạo Đức kinh" này có tác dụng nhấn mạnh, láy đi láy lại một vấn đề từ nhiều góc độ - nghĩa là giá trị hùng biện nhiều hơn giá trị thẩm mĩ. Đến thơ Đường, đối ngẫu đã qua một quá trình phát triển dài để trở thành một nghệ thuật biểu hiện độc đáo. Đỗ Phủ là bậc thầy về luật thi và đối ngẫu. Ông đã đưa đối trở thành một phương thức lý tưởng để miêu tả với bút pháp cổ điển mẫu mực, hình thức cân đối và ý tứ thâm trầm - do đặt các hình ảnh tương đồng hoặc tương phản bên nhau nên phát huy được liên tưởng và tưởng tượng ngoài sự miêu tả (Như đối trong bài "Tuyệt cú" nêu trên của ông có hiệu quả thẩm mĩ rất cao, bài thơ đẹp trang trọng như một bộ tranh tứ bình). Riêng đối trong TTLB ít nhiều lại có ý vị khác. Tuy vẫn là hình thức đối song mối quan hệ giữa hai câu trong một cặp đối thường là nối tiếp tự nhiên (như ở bài "Đỗ Lăng tuyệt cú" nêu trên) hoặc câu sau láy lại, bồi thêm ý câu trước. Như ở bài "Thu Phố ca" số 6 :

" Sầu tác Thu Phố khách,

Cưỡng khan Thu Phố hoa.

Sơn xuyên như Diệm huyện,

Phong nhật tự Trường Sa ."

tạm dịch : Buồn làm khách Thu Phố,

Gượng xem Thu Phố hoa.

Núi, sông như huyện Diệm,

Gió trời tựa Trường Sa.

Bài luật tuyệt này thuộc loại "độc đắc" trong TTLB vì có cả hai liên đối, song cũng phá luật ngay ở câu một, thế là ngay từ đầu, nguyên tắc cân đối về hình thức (thanh điệu) đã bị phá bỏ, chưa kể "Thu Phố" đối với "Thu Phố" cũng là phá cách. Rõ ràng ở đây Lý Bạch đã dùng đối để gây một ấn tượng khác chứ ít chú trọng đến sự tương xứng hài hòa, nghiêm cẩn của nó. Ông khai thác hình thức tương phản của đối để làm nổi rõ sự thuần nhất của tâm trạng, cho thấy cảnh huống cũng thay đổi, nhưng dù làm gì, nhìn vào đâu cũng thấy vẫn một mối sầu. Đối cho phép khoanh vùng một trạng thái cảm xúc, hình ảnh khiến cho liên thơ có tính hoàn chỉnh tương đối, đưa sự miêu tả lên trọn vẹn, cực điểm. Sự liên kết giữa hai liên thơ có đối trong "Thu Phố ca" (bài 6) gây cảm giác người đọc lạc vào không khí sầu bao trùm cả liên thứ nhất, vừa bước ra đã lại rơi vào vòng xoáy của nỗi nhớ nhung "Núi sông như huyện Diệm, Gió trời tựa Trường Sa". Lý Bạch đã khai thác ở đối khả năng cực tả, xoáy sâu, nhấn mạnh một ý tưởng, hình ảnh. Riêng về khía cạnh này thì đối trong TTLB lại có ý nghĩa hùng biện, gần với lối diễn đạt trùng điệp mà đối xứng trong "Đạo Đức kinh" như nêu trên. Có thể thấy ở TTLB nhiều câu đối như vậy :

_" Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến

Hội hướng Dao Đài nguyệt hà phùng... ("Thanh bình điệu" bài 1)

( Nếu không thấy ở đầu non Quần Ngọc,

ắt phải gặp ở dưới trăng Dao Đài ).

_" Lôi cổ tào tào huyên Vũ Xương,

Vân kỳ lạp lạp quá Tầm Dương " ("Vĩnh Vương đông tuần ca" bài 3)

( Trống như sấm ầm ầm náo động Vũ Xương,

Cờ như mây phần phật qua Tầm Dương)

_" Tô Vũ Thiên sơn thượng,

Điền Hoành hải đảo biên... ("Bôn vong đạo trung" bài 1)

( Tô Vũ trên núi Thiên sơn,

Điền Hoành ngoài hải đảo...)

.................

Phải chăng đối trong TTLB là sự trở về đơn giản hóa ? Nếu coi giản dị là một biểu hiện của "bút lão" (bút pháp điêu luyện, già dặn) thì đối trong TTLB là như vậy. Ông đã làm chủ hôn cho cuộc giao duyên giữa nghệ thuật đối ở đỉnh cao hoàn mĩ của nó trong Đường thi và hình thức hóa đối xứng giản dị, đầy tính thuyết phục trong sáng tác của tiền nhân. Cho nên đối trong TTLB điêu luyện mà vẫn tự nhiên, sâu sắc mà lại hùng hồn.

Một điểm nữa cũng cần lưu ý là đối trong TTLB còn là một biểu hiện của bút pháp lãng mạn. Vì lãng mạn nên Lý Bạch thích tuyệt đối hóa vấn đề và dựng lên

những hình ảnh, tình huống tương phản kỳ lạ để gây ấn tượng. Đối đã giúp ông thực hiện ý đồ đó. Nhận xét về tập thơ "Những bài thơ phương Đông" của Víchto Huygô - cây bút tiêu biểu cho chủ nghĩa lãng mạn phương Tây thế kỷ Xix, giáo sư Phùng Văn Tửu lưu ý : "Trong tập thơ này, tác giả còn sử dụng rộng rãi những yếu tố tương phản, thủ pháp quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn để nhấn mạnh sự đối lập giữa lý tưởng và hiện thực" [78:35]. Có thể tìm thấy ở hình thức đối trong TTLB sự tương đồng lý thú về bút pháp thể hiện lãng mạn, dù giữa Lý Bạch với V.Huygô có khoảng cách của hơn chục thế kỷ và Đông - Tây cách biệt.(

Như vậy, đối trong TTLB mặc dù số lượng không nhiều nhưng quả là một hiện tượng đáng lưu tâm do nó có sự kết hợp đặc biệt giữa hình thức đối xứng vốn có từ rất lâu trong văn học Trung Quốc với bút pháp đối ngẫu đang cực thịnh ở đời Đường và thủ pháp tương phản - đặc trưng của bút pháp lãng mạn. Đối không chỉ xuất hiện trong luật tuyệt mà Lý Bạch đã đưa nó cả vào cổ tuyệt và những bài tứ tuyệt bán cổ bán luật ("Vương Chiêu Quân", "Điền viên ngôn hoài", "Dạ há Trưng Lỗ đình", "Vĩnh Vương Đông tuần ca" bài 6,7...). Lại một lần nữa có thể thấy rằng Lý Bạch đã xóa nhòa ranh giới ước lệ giữa cổ thể thi và luật thi. Ông viết như là ông muốn :"Say hứng lên hạ bút lay Ngũ Nhạc. Thơ thành cười ngạo khinh Thương Châu" ("Hứng hàm lạc bút dao Ngũ Nhạc. Thi thành tiếu ngạo lăng Thương Châu" - "Giang Thượng ngâm"). Theo cách làm thơ ấy thì những qui ước về luật thơ quá bé nhỏ chẳng ràng buộc gì được ông. Cổ tuyệt, luật tuyệt hay bán cổ bán luật dưới ngòi bút ông nhập thành một thể là TTLB với tất cả sự giàu có, độc đáo của một phong cách thơ vĩ đại đủ sức gồm cả cái cái hay của cổ, kim mà vẫn không đánh mất bản sắc của mình.

3.2. Ngũ tuyệt - Thất tuyệt :

3.2.1. Nếu căn cứ vào số chữ trong một câu thơ thì TTLB lại có thể chia làm 2 dạng lớn :

- Ngũ tuyệt : bài thơ mỗi câu 5 chữ, toàn bài 4 câu 20 chữ.

- Thất tuyệt : bài thơ mỗi câu 7 chữ, toàn bài 4 câu 28 chữ.

Ngoài ra còn có 3 bài hình thức tạp ngôn, liên trên là ngũ ngôn, liên dưới lại thất ngôn, chúng tôi tạm coi là dạng trung gian giữa ngũ tuyệt và thất tuyệt. ("Hoành Giang từ"

bài 1, "Hệ Tầm Dương thượng Thôi Tương Hoán tam thủ" bài 3, "Tống xá đệ").

Theo cách phân loại như trên, khảo sát toàn bộ TTLB (193 bài), chúng tôi có bảng thống kê như sau :

Loại

Số bài

Ngũ tuyệt

98

Thất tuyệt

92

Tạp ngôn tuyệt cú

(kết hợp ngũ ngôn và thất ngôn)

3

Con số thống kê cho thấy hình thức tạp ngôn số lượng không đáng kể, thực chất có thể tạm coi là kết hợp giữa hai dạng ngũ tuyệt và thất tuyệt, vì vậy, chúng tôi sẽ không xếp hẳn thành mục riêng để khảo cứu.

Nếu như rất khó tìm ra đặc điểm nội dung của từng loại cổ tuyệt, luật tuyệt, bán cổ bán luật trong TTLB thì với ngũ tuyệt và thất tuyệt, sự phân biệt tương đối rõ hơn. Sau đây, chúng tôi sẽ lần lượt đi vào từng thể loại để khám phá ra những nét riêng của nó.

3.2.2. Ngũ tuyệt :

Trong thế giới TTLB, ngũ tuyệt "hòa" mà không "đồng". Nó có những đặc trưng riêng, nhất là khi so sánh với thất tuyệt.

Một cái nhìn bao quát cho thấy ngũ tuyệt Lý Bạch đề tài nói chung khá dung dị. Chiếm số lượng nhiều nhất là những bài viết về sinh hoạt đời tư của Lý Bạch ("Biệt Đông Lâm tự tăng", "Phú đắc bạch lộ ti", "Bồi thị lang thúc du Động Đình hồ túy hậu tam thủ"... ) và các bài lấy đề tài cũ từ nhạc phủ ca từ ("Việt nữ từ ngũ thủ", "Cán sa thạch thượng nữ", "Nhật xuất đông nam ngung hành"... ). Lý Bạch với ngũ tuyệt dường như thích hướng nội hơn là hướng ngoại. Ngũ tuyệt của ông ít bài làm để thù tặng hay xưng tụng, ít hô hào, bày tổ chí khí mà thiên về biểu hiện tâm trạng, tự khắc họa chân dung nhà thơ giữa muôn cảnh sắc đời thường và giữa thiên nhiên. Nhân vật trung tâm ở đây do đó vẫn là chính Lý Bạch với cá tính độc đáo, song cái Tôi dường như ít phô trương (mặc dù vẫn rất cao ngạo, vĩ đại). Lý Bạch miêu tả cuộc sống ở Thu Phố ("Thu Phố ca" 14 bài), khi ông uống rượu ở Long Sơn ("Cửu nhật Long Sơn ẩm"), ở Đồng Quan ("Đồng Quan sơn túy hậu tuyệt cú"), lúc buồn bã tiễn bạn ("Tống Ân Thục", "Tống Lục phán quan vọng Tì Bà hiệp"...), hào hứng xem người ta thả chim ưng ("Quan phóng bạch ưng"), ngậm ngùi chua xót ngắm núi Mộc Qua ("Vọng Mộc Qua sơn")... . Điểm qua về cuộc sống của ông (được miêu tả trong ngũ tuyệt) thì thấy phần lớn là cảnh sinh hoạt riêng tư mà ít hoạt động xã hội. Lý Bạch suốt đời ôm ấp hoài bão chính trị nhưng trong ngũ tuyệt, ông ít thể hiện nó một cách trực tiếp, nếu có chăng chỉ thấp thoáng qua miêu tả nỗi sầu vô hạn, phi thường hoặc nỗi niềm tưởng nhớ Trường An ("Thu Phố ca" bài 4, 6, 7, "Tống Lục phán quan vọng Tì Bà hiệp", "Bôn vong đạo trung" bài 1, 2 ... ). Không gian trong ngũ tuyệt Lý Bạch là thứ không gian đời thường, tràn ngập cảnh sắc thiên nhiên và có phần xa lánh thế giới ồn ào của những quan hệ xã hội phức tạp và tham vọng. Chỉ nhìn vào những chim thú mà Lý Bạch miêu tả ở đây cũng thấy một điểm khá lí thú. Ngũ tuyệt của ông như một thế giới sinh động của các loài động vật hoang dã quí hiếm : vượn trắng nhảy nhót như tuyết bay, hú lên làm người nghe đứt ruột, bạc đầu, cò trắng bay từng đàn, lướt qua chiếu rượu, âu trắng nhàn nhã, quấn quít bên người, con đà điểu lông ngũ sắc, chim ưng trắng muốt ... ("Thu Phố ca" bài 3, 4, 5, "Đề tình thâm thụ ký Tượng công", "Bồi thị lang thúc du Động Đình hồ túy hậu" bài 2, "Quan phóng bạch ưng"... ). Sang đến thất tuyệt, toàn bộ những chim thú hoang dã đột nhiên biến mất sạch ! Về miêu tả con người cũng có những khác biệt như vậy. Ngũ tuyệt Lý Bạch tả ông già nhà quê ở Thu Phố ("Thu Phố ca" bài 16), anh chàng thợ rèn ("Thu Phố ca" bài 14), cô gái hái hoa sen ở Da Khê, cô thôn nữ xinh đẹp đất Ngô ("Việt nữ từ ngũ thủ", "Cán sa thạch thượng nữ"), cô gái hái dâu họ Tần ("Nhật xuất đông nam ngung hành"), khóc cụ già bán rượu ("Khốc Tuyên Thành thiện nhưỡng Kỷ tẩu")... . Tất cả những nhân vật quê mùa mà đẹp đẽ đó cũng vắng bóng ở thất tuyệt. Cảnh thiên nhiên trong ngũ tuyệt nhìn chung cũng hoang sơ hơn trong thất

tuyệt.

Có thể nói rằng nếu coi giản dị, chân thực là một đặc trưng hấp dẫn của TTLB thì nó thể hiện đậm nét nhất trong mảng ngũ tuyệt. Không chỉ vì đề tài hay đối tượng miêu tả có phần dung dị mà chất giọng thơ cũng rất hồn hậu, tự nhiên. Lý Bạch có một biệt tài : trong khuôn khổ rất bé nhỏ của ngũ tuyệt, ông miêu tả được rất nhiều mà vẫn không gây cảm giác dồn nén ý vào những con chữ chật chội, trái lại, bài thơ của ông rất thanh thoáng, tự nhiên. Như bài "Bồi tòng tổ Tế Nam thái thủ phiếm Thước Sơn hồ" :

" Hồ khoát sổ thiên lý,

Hồ quang dao bích sơn.

Hồ tây chính hữu nguyệt,

Độc tống Lý Ưng hoàn. "

tạm dịch: Mặt hồ nghìn dặm rộng thênh,

ánh hồ núi biếc bồng bềnh chuyển lay.

Trăng lên chính mé hồ tây,

Cô đơn tiễn Lý Ưng quay trở về.

Bản dịch đã cố gắng truyền đạt lại vẻ đẹp của Thước Sơn hồ trong nguyên bản : Mặt nước bao la, bóng núi lồng bóng nước, sắc biếc của núi hòa với ánh lung linh của mặt hồ, và trên nền xao động của nước hồ bóng núi, vầng trăng im tỏa sáng ngời. Bức tranh thiên nhiên hình - sắc giao hòa và cực kỳ khoáng đạt, dựng lên một không gian trữ tình (hồ), thời gian trữ tình (trăng lên) và tâm lí trữ tình (tiễn bạn). Bài thơ trên tả hồ càng đẹp thì dưới càng gợi sâu tình lưu luyến lúc ra về, dưới tả nỗi buồn đưa tiễn mênh mang càng cộng thêm chiều rộng tâm tình cho hồ vốn bao la ở trên. Mặc dù đã hết sức chuyển dịch những cảnh đẹp, tình sâu ấy vào bài thơ lục bát, chúng tôi vẫn bất lực không thể giữ lại được ở bản dịch cái ý vị thoáng đãng nằm ngay trong hình thức, kết cấu của nguyên bản. Lý Bạch để ba từ "Hồ" nối tiếp liên tục ở ba câu thơ đầu, gợi cảm giác cái mênh mông của mặt nước như dềnh lên tràn ngập ngay cả trong kết cấu, đẩy ngòi bút lướt đi quá bước chuyển thông thường (lẽ ra nằm ở câu 3). Và từ "độc" (cô đơn, một mình) bản thân nó đã có vẻ trơ trọi trong hệ thống "hồ" liên tục ở trên. Bài thơ hầu như không có mĩ từ, không dùng điển tích, ngôn ngữ giản dị đến thanh khiết và kết cấu cực kỳ tự nhiên. Hình thức thanh nhã xứng với nội dung trong sáng. Đây là một đặc điểm khá phổ biến trong ngũ tuyệt Lý Bạch. Lý do ông ít dùng lối diễn đạt cầu kỳ, khoa trương ngôn ngữ một phần vì ngũ tuyệt mỗi câu chỉ có 5 chữ, muốn nêu nhiều ý tất phải kiệm lời. Tuy nhiên yêu cầu thể loại đó thực ra cũng chưa đủ để chi phối ngòi bút của ông (như nhạc phủ Lục triều phần lớn là ngũ tuyệt mà vẫn rất hoa mĩ). Cái chính là Lý Bạch đã sẵn có một phong cách sáng tác giản dị, tự nhiên và ông tìm được ở ngũ tuyệt một hình thức rất phù hợp để bộc lộ. Cho nên có thể nói ngũ tuyệt Lý Bạch có những sở trường mà ngay thất tuyệt của ông cũng không so sánh được. Càng hướng về những đề tài, cảm hứng mộc mạc, tự nhiên thì ngũ tuyệt Lý Bạch lại càng hay. Có lẽ vì thế mà Lý Bạch tả thiên nhiên hoang vắng hay người quê hầu hết đều dùng ngũ tuyệt chứ không phải thất tuyệt. Tương tự, tất cả các bài tứ tuyệt tả Lý Bạch bất chấp phép tắc, say ngả nghiêng xiêu vẹo, ngất ngưởng ngắm mũ rơi, trần truồng hóng mát hay cuồng ngạo ca vang... đều là ngũ tuyệt. ("Lỗ trung đô đông lâu túy khởi tác", "Cửu nhật Long sơn ẩm", "Hạ nhật sơn trung", "Khuyết đề" bài 2...). Nếu nói về bộc lộ cá tính, có lẽ ngũ tuyệt Lý Bạch đã đi xa hơn cả thất tuyệt nữa. Không chỉ đề tài có tính hướng nội hơn, cử chỉ nhân vật ít nhiều thoải mái hơn mà ngay cả ngôn ngữ trong ngũ tuyệt dường như cũng tự do hơn trong thất tuyệt. Chính ở ngũ tuyệt mà độc giả có thể bắt gặp những ví von dân dã đến mức gần như nôm na :

- " Ngã tự giá cô điểu,

Nam thiên lãn bắc phi..." ("Túy đề Vương Hán Dương sảnh")

( Ta như con gà gô,

Từ phía nam lười nhác bay về phương bắc).

- " Tam bách lục thập nhật,

Nhật nhật túy như nê..." ("Tặng nội")

( Ba trăm sáu mươi ngày,

Ngày ngày say như con nê)

những lối xưng hô trực tiếp, kể việc cụ thể :

- " Tạc dạ Lương viên lý,

Đệ hàn huynh bất tri..." ("Đối tuyết hiến tòng huynh Ngu Thành Tế")

( Đêm qua ở vườn Lương,

Em lạnh, anh chẳng biết...)

- " Kim nhật trúc lâm yến,

Ngã gia hiền đãi lang..."

("Bồi thị Lang thúc du Động Đình túy hậu" bài 1)

( Hôm qua yến tiệc trong rừng trúc,

Nhà ta trân trọng đãi mời anh...)

rất nhiều khẩu ngữ, và đặc biệt cả sự xuất hiện của hư từ lặp đến 2 lần trong một câu (mà thất tuyệt dài hơn nhưng không hề có) :

" Thạch duẩn như trác bút

Huyền chi sơn chi điên..." ("Đề Lâu sơn thạch duẩn")

( Măng đá như bút cao ngất

Treo trên đỉnh núi... )

Nói như vậy không có nghĩa là diễn đạt trong ngũ tuyệt kém trau chuốt hơn trong thất tuyệt. Ngôn ngữ, hình ảnh trong ngũ tuyệt nhìn chung trong sự bình dị có vẻ đẹp riêng của nó và đặc biệt là phù hợp đề tài cũng như cảm xúc mà nó diễn tả.

Có lẽ độc giả sẽ phần nào thất vọng nếu cố gắng tìm trong ngũ tuyệt Lý Bạch những vần thơ nhiệt huyết sục sôi của người hùng trong chiến trận. Cảm hứng trữ tình bao trùm ở đây không phải là HùNG mà chủ yếu là SầU và NHàN. Ngũ tuyệt Lý Bạch thiếu hẳn đề tài về người lính, chiến tướng và chiến trận, ngay cả khát vọng lập công của ông cũng không được bày tỏ trực tiếp. Giấc mơ chính trị của Lý Bạch khúc xạ trong ngũ tuyệt thành một giọng điệu u buồn, ngậm ngùi, nhiều khi như là nỗi sầu vạn cổ dồn lại chứ không rõ nguyên nhân. Trong ngũ tuyệt, Lý Bạch thường diễn tả nỗi sầu bằng giọng điệu giản dị, càng tăng tính chân thực , xúc động của tình cảm ("Tĩnh dạ tứ", "Thu phố ca" bài 6, "Tống Ân Thục" ...). Riêng về cảm hứng nhàn dật, phiêu du thì ngũ tuyệt Lý Bạch diễn tả đặc biệt thành công. Hình thức ngũ tuyệt vốn gần gũi với dân ca, tự nhiên, cho nên rất phù hợp để lột tả cảm xúc thanh thản, không gò bó. "Nhàn" trong ngũ tuyệt Lý Bạch ít nhiều khác với trong thất tuyệt. Nếu thất tuyệt viết về đề tài này có khuynh hướng thiên về thoát tục, thần tiên, tả cảnh đào nguyên, Tây Vương Mẫu trồng đào, Cát Hồng luyện đan... ("Đào nguyên nhị thủ", "Sơn trung vấn đáp", "Đình tiền vãn hoa khai", "Luyện đan tỉnh"...) thì ngũ tuyệt trái lại, thường diễn tả một cái nhàn từ trong tâm, ung dung tự tại. "Nhàn" trong ngũ tuyệt Lý Bạch thường cũng là tâm trạng trong lúc say nên giọng điệu thơ lâng lâng rất đặc biệt, không chỉ nhàn tâm mà nhàn cả thân nữa. Bài thất tuyệt "Sơn trung vấn đáp" của Lý Bạch tả tâm trạng nhàn đã rất hay:

" Vấn dư hà ý thê bích san,

Tiếu nhi bất đáp, tâm tự nhàn.

Đào hoa lưu thủy diểu nhiên khứ,

Biệt hữu thiên địa phi nhân gian".

tạm dịch : " Hỏi ta sao dừng ở núi xanh,

Cười chẳng buồn thưa, tự thấy nhàn.

Đào trôi thăm thẳm theo dòng nước,

Riêng đất này đâu phải nhân gian."

song cái "nhàn" ở đây dường như còn nằm trong khuôn mẫu qui ước, cho nên phải mượn ý tưởng thần tiên (về cảnh đào nguyên) để thấy mình thoát tục. Với ngũ tuyệt, Lý Bạch nhàn ngay trong cõi thế, chẳng cần thần tiên mà tự mình cũng phơi phới, phiêu dật. Như khi ông bồng bềnh trên thuyền rượu, nghe tiếng chèo thuyền đều đặn, ngắm vầng trăng lãng đãng theo về, chim âu trắng ríu rít quanh mình ("Bồi thị lang thúc du Động Đình túy hậu" bài 2), khi ông say rượu dưới trăng,múa hát,cười nhìn gió thổi mũ bay lăn lóc ("Cửu nhật Long sơn ẩm"),khi ông thấy mình như con gà gô lười nhác,say đi trong trăng mà về ("Tuý đề Vương Hán Dương sảnh"),khi ông nóng bức cởi trần truồng ra hóng gió ("Hạ nhật sơn trung")hay cao hứng hú dài đoạn tuyệt với nhân gian,định lên Đông Sơn quét mây trắng ("ức Đông Sơn" bài 2)...những lúc đó thì ông chẳng nói đến một chữ "nhàn" mà bài thơ đã toát lên một không khí nhàn nhã ,thân tâm đều nhẹ lâng lâng .

Hình ảnh trong ngũ tuyệt Lý Bạch nhìn chung cũng có nét riêng.ở đây,dù tả thật hay liên tưởng, Lý Bạch thiên về chọn những hình ảnh đẹp một cách trong trẻo,hồn nhiên.Không những ông ít dùng ví von so sánh cầu kỳ mà ngay cả mầu sắc hình khối cũng có vẻ thuần khiết hơn, giản dị hơn so với thất tuyệt. Ông tả cảnh núi kề bên sông,nước xanh,cát trắng ngời như tuyết ("Tương Dương khúc " bài 3),cảnh thiếu nữ hái cỏ tần trên dòng nước biếc, trăng thu vằng vặc,đoá sen yêu kiều hé mở như thốt được thành lời ("Lục thuỷ khúc"),cảnh cò bay trong ánh trăng như lụa,chành trai bồi hồi nghe cô gái hái ấu trong đêm hát suốt dọc đường về ("Thu phố ca"bài 13)...Cũng có khi cảnh trong ngũ tuyệt Lý Bạch cũng buồn bã .Ông tả đêm gió thu ở Thuỷ Quốc,bùi ngùi nhớ Trường An ("Tống Lục phán quan vọng Tì Bà hiệp "),giọt nước mắt rỏ vào bình rượu dưới núi trong tiếng vượn đoạn trường ("Đề tình thâm thụ ký Tượng Công")... Lại có những hình ảnh cứng cỏi, khí phách : măng đá như bút cao ngất trên đỉnh núi muốn viết bất bình lên trời xanh ("Đề Lâu sơn thạch duẩn"), ngọn Kính Đình sơn cô đơn mà cao ngạo ("Độc tọa Kính Đình sơn"), núi Thủy Xa kỳ lạ giữa nghìn trùng núi non Thu Phố, đá nghiêng như muốn sập trời ("Thu Phố ca" bài 8)... Tất cả những hình ảnh đó trong ngũ tuyệt Lý Bạch gồm đủ mọi cảnh sắc, tâm trạng, nhưng đều gặp gỡ nhau ở điểm đẹp đẽ mà lại rất tự nhiên, thiên về một cái đẹp nguyên sơ, không mượn bàn tay trang điểm, tôn tạo của con người.

Mặc dù TTLB xưa nay rất được đề cao, song nếu có lời khen đặc biệt nào cho một thể loại nhỏ của tứ tuyệt thì nó hầu hết là về thất tuyệt. Ngũ tuyệt nghiễm nhiên được (bị ?) xem là một bộ phận của cái toàn thể, mang cái hay chung chứ chưa bật lên đặc sắc. Thực tế nghiên cứu cho thấy ngũ tuyệt không chỉ có một số bài lẻ rất hay mà cả mảng thơ này cũng hợp thành một giai điệu riêng quyến rũ, có những nét độc đáo

mà thất tuyệt không so sánh được !

Ngũ tuyệt không phải là một thể thơ chính thức thành hình ở đời Đường như thất tuyệt mà có cội nguồn sớm hơn nhiều từ cổ ca dao, nhạc phủ. Do đó, mặc dù được "Đường hóa", hình thức của nó ít nhiều vẫn còn giữ được vẻ hồn nhiên, bình dị phảng phất đường nét của mẹ sinh thành là dân ca. Đến Lý Bạch thì tiềm năng "tự nhiên" này của ngũ tuyệt trở thành một gien trội do bắt gặp sự tương đồng về phong cách. Chính với ngũ tuyệt mà Lý Bạch đã bộ lộ một cách đầy dủ nhất vẻ đẹp "Thiên Chân", nó hồn nhiên, nhưng cũng vì thế mà đầy cá tính. Chúng tôi đánh giá cao ngũ tuyệt Lý Bạch không chỉ vì nó thể hiện rõ nhất phong cách sáng tác giản dị mà đẹp đẽ của ông. Ngũ tuyệt có một giá trị độc đáo ở chỗ nó đã khắc họa được sinh động một diện mạo Lý Bạch rất "đời", trong đó cái vĩ đại được thể hiện qua một hình thức bình dị, trong trẻo nhất và đó mới thật là tầm cỡ của một thiên tài !

Song cũng có nhiều điểm ngũ tuyệt Lý Bạch thiếu mà thất tuyệt lại có và bộc lộ nó một cách xuất sắc...

3.2.3. Thất tuyệt :

Không phải ngẫu nhiên mà thất tuyệt Lý Bạch được xem là "thần phẩm", "thánh phẩm", là "tuyệt xướng", hay bậc nhất trong hàng thất tuyệt đời Đường.

Xét rộng ra trong toàn bộ thơ Lý Bạch thì thể ngũ ngôn (776 bài) lấn át hẳn thất ngôn (102 bài) với tỉ lệ hơn 7/1. Chỉ riêng trong tứ tuyệt, thất ngôn mới chiếm số lượng tương đối bình đẳng so với ngũ ngôn (ít hơn có 6 bài). Và điều thú vị là không chỉ về số lượng mà chất lượng của thất tuyệt ở đây nhiều khi được đánh giá cao hơn cả ngũ tuyệt nữa. Tại sao ở tứ tuyệt, Lý Bạch đột nhiên lại "ưu ái" thất ngôn như vậy ?

Nguyên nhân phát triển đặc biệt của thất tuyệt Lý Bạch có lẽ nằm trong bối cảnh ra đời của nó. Thể loại thất tuyệt nói chung hình thành muộn hơn ngũ tuyệt, manh nha từ ca hành thất ngôn đoản thể, đến Sơ Đường số lượng còn rất ít mà sang Thịnh Đường thì phát triển đột biến, thậm chí lấn át cả ngũ tuyệt. Sở dĩ như vậy vì thời kỳ này, Đường Minh Hoàng tại vị say mê âm nhạc, lập ra nhóm Lê viên, sưu tầm thơ hay để phổ nhạc, hát xướng, mà trong đó thì thể thơ thất tuyệt gốc từ ca hành với giai điệu trầm bổng được luật hóa càng du dương, hài hòa là hình thức phù hợp nhất (còn ngũ tuyệt hình thức 5 chữ quá mộc mạc so với yêu cầu này). Thất tuyệt do đó lên ngôi như một thứ "mốt" thời thượng, người sáng tác cũng nhiều mà lại được hưởng ứng và truyền tụng rộng rãi nhờ có âm nhạc tiếp sức. Có lẽ đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến thất tuyệt Lý Bạch đương thời được để ý hơn ngũ tuyệt chăng ?

Song Lý Bạch không đơn giản là người để thị hiếu thời đại lôi cuốn ngòi bút của mình. Lý do ông đến với thất tuyệt và thành công có thể là vì thể thơ nay hình thức vẫn khá tự do mà nhạc điệu thất ngôn lại giàu có, uyển chuyển hơn ngũ ngôn. Lý Bạch rất giỏi về nhạc phủ còn thất tuyệt nguồn gốc cũng từ nhạc phủ, ca từ. Ông đã đem sở trường của mình vào tứ tuyệt và thất tuyệt của ông do vậy không kiểu cách, cầu kỳ mà hay ở sự lưu loát, đầy nhạc tính. Lý Bạch chú ý đến vẻ đẹp chân thực, tự nhiên, song bản chất lãng mạn cũng khiến ông yêu thích một cái gì tràn đầy, tuyệt đối. Thất tuyệt số chữ trong mỗi câu nhiều gấp rưỡi ngũ tuyệt, cho phép mở rộng không gian của dòng thơ, sung sức hơn trong diễn tả, bộc lộ. Với những đặc điểm thể loại đó mà thất tuyệt Lý Bạch có những sở trường mà ngũ tuyệt chưa phát huy hết được.

Lý Bạch với thất tuyệt có vẻ hướng ngoại hơn và tràn trề khát vọng hành động. Đề tài thơ cập nhật hơn ngũ tuyệt với những bài miêu tả diễn biến chính sự, xã hội ("Thượng hoàng tây tuần Nam kinh ca thập thủ", "Vĩnh Vương đông tuần ca thập nhất thủ"...) chiếm đến 1/4 tổng số bài thất tuyệt. Nhân vật trung tâm ở đây không thường xuyên là chính Lý Bạch nữa mà có nhiều nhân vật mang tính lịch sử, thời đại : Vĩnh Vương, Minh Hoàng, Dương Quí Phi, Triều Khanh Hoành, Đỗ Phủ... Không gian thơ không chỉ có rừng suối và bó hẹp với một hai người bạn tâm giao mà mở rộng về hướng đô thành với cảnh sinh hoạt đô thị, cung đình và chiến trận. Giữa không gian ấy, Lý Bạch cũng xông xáo hoạt động, lớn tiếng ca ngợi những tráng sĩ xả thân vì nghĩa ("Kết Miệt tử"), chiến tướng anh hùng ("Quân hành", "Vĩnh Vương đông tuần ca thập nhất thủ", ...), chính mình cũng hăng hái đầu quân ("Biệt nội phó trưng tam

thủ"...) và ngay khi thất bại rồi vẫn mãnh liệt một khát khao hành động ("Hoành Giang

từ lục thủ"...).

Nếu như chất giọng thường thấy trong ngũ tuyệt là hồn nhiên thì thất tuyệt trái lại, nổi bật lên với giọng điệu cao sang, đài các. Nhân vật trong thất tuyệt thường là những bậc vương giả, phi tần, mĩ nhân, công tử quí tộc... mà rất ít hoặc không hề xuất hiện ở ngũ tuyệt. Thế giới thất tuyệt đầy ắp những đồ vật sang quí : bạch ngọc, hoàng kim, bảo đao... cảnh tượng xa hoa mĩ lệ, lầu gác, đền đài, tiền bạc như nước chảy. Cứ nhìn vào một chén rượu của Lý Bạch cũng đủ thấy độ trân quí:

" Lan Lăng mĩ tửu uất kim hương,

Ngọc uyển thịnh lai hổ phách quang..." ( "Khách trung tác ")

(Rượu ngon Lan Lăng đượm hương cỏ uất kim,

Chén ngọc rót mang ra, ánh lên màu hổ phách...)

Trong ngũ tuyệt, thương vợ, Lý Bạch đùa bà đã lấy phải một con sâu rượu, lời thơ

giản dị đến nôm na ("Tặng nội"). Sang đến thất tuyệt, cùng nói về thân phận cô đơn của bà Lý, hình ảnh thơ chợt quí phái, ước lệ hẳn :

"... Bạch ngọc cao lâu khan bất kiến,

Tương tư tu thướng Vọng Phu sơn"

("Biệt nội phó trưng" bài 1)

(... Lầu bạch ngọc cao nhìn không thấy,

Tương tư muốn lên núi Vọng Phu... )

Đến nàng kỹ nữ trong thất tuyệt Lý Bạch cũng còn có cái vẻ cao quí, cách vời của tiểu thư chốn đài trang :

" La vát lăng ba sinh võng trần,

Na năng đắc kế phỏng tình thân..." ("Tặng Đoạn Thất Nương")

( Tất lụa sóng xô sinh lưới bụi

Sao có kế gì để cầu được mối thân tình...)

Trách gì Lý Bạch không tả những người nhà quê, thôn nữ... ở đây vì nó hồn nhiên, mộc mạc quá so với thế giới thất tuyệt cao sang cả về giọng điệu và hình ảnh. Thất tuyệt Lý Bạch sở trường về miêu tả tài tử, giai nhân quí tộc. Sự sang trọng toát ra không chỉ từ diện mạo hình thức mà dường như ngay cả trong cốt cách. Lý Bạch có một bài ngũ tuyệt tả chàng công tử đẹp trai đến mức kinh động lòng người :

" Bạch ngọc thùy gia lang,

Hồi xa độ Thiên Tân.

Khan hoa đông mạch thượng,

Kinh động Lạc Dương nhân" ("Lạc Dương mạch")

tạm dịch : Chàng trai mặt ngọc nhà ai,

Quay xe về đến mạn ngoài Thiên Tân.

Ngắm hoa bên phía đường đông,

Mà làm kinh động bao lòng Lạc Dương.

Nhưng anh ta so với chàng thiếu niên tuấn tú trong bài thất tuyệt "Mạch thượng tặng mĩ nhân" thì không thể sánh được cả về vẻ đẹp cũng như khí phách kiêu kỳ :

" Tuấn mã kiêu hành đạp lạc hoa,

Thùy tiên trực phất ngũ vân xa.

Mỹ nhân nhất tiếu khiên châu bạc,

Dao chỉ hồng lâu thị thiếp gia. "

tạm dịch : Đạp hoa rụng, nghêng ngang tuấn mã,

Roi ngựa mềm phất thẳng xe mây.

Rèm châu vén, giai nhân cười nụ,

Lầu hồng nhà thiếp lối này đây.

Bút pháp miêu tả của Lý Bạch ở hai bài thơ rất khác. Bài ngũ tuyệt hơi pha giọng kể, giới thiệu đầy đủ nhân vật, lộ trình, địa điểm, lời lẽ tương đối giản dị, bộc trực. Bài thất tuyệt chỉ chộp tả một khoảnh khắc sinh động, bộc lộ rõ nhất nhân vật. Không nói chàng trai đẹp mà vẫn thấy anh ta cực kỳ tuấn tú. Tuấn mã là ngựa quí, dáng lại kiêu kỳ ("kiêu hành") và còn "ngạo" nữa (đạp lên hoa rụng). Đã "quí", đã "kiêu", đã "ngạo" chưa đủ, lại còn "ngông" : phất thẳng roi vào xe mây ngũ sắc ! Các chi tiết, hình ảnh thơ tầng lớp nối tiếp cũng "bắc bậc làm cao" y như con người được miêu tả vậy. Nhưng ngông ngạo như vậy mà vẫn làm xiêu lòng người - không phải đám khán giả chung chung "Lạc Dương nhân" (như ở bài "Lạc Dương mạch") mà lọt hẳn vào mắt xanh của một giai nhân quí tộc. So với chàng mặt ngọc trong bài ngũ tuyệt "Lạc Dương mạch" thì chàng công tử ở đây không chỉ đẹp mà còn có cá tính và phong độ hơn hẳn, không chỉ kiêu ngạo mà còn tình tứ.

Lý Bạch trong thất tuyệt có một giọng ngợi ca mà ngũ tuyệt ít có. Ông ca ngợi vua sáng, tôi hiền, đất nước phồn hoa, binh hùng tướng mạnh, ông ca ngợi những giai nhân khuynh quốc, những chàng tuổi trẻ hào hoa, khí phách, ... và cả tự ca ngợi mình nữa ! Có lẽ vì nhiều bài thơ ca tụng như thế nên ngôn ngữ, hình ảnh trong thất tuyệt nhìn chung rất hoa lệ, đầy mĩ từ. Bút pháp miêu tả đang rất giản dị ở ngũ tuyệt đến đây bỗng trở nên ước lệ hẳn. Đơn cử như những chim thú hoang kỳ lạ được nhắc đến nhiều trong ngũ tuyệt, sang đến thất tuyệt được thay thế gần như hoàn toàn bởi các loài vật mang đầy tính tượng trưng, trang trọng : rồng, hổ, ngựa xích thố, chim nhạn, phỉ thúy, cá kình... . Bên cạnh những màu tự nhiên, thanh khiết vốn được ưa chuộng trong ngũ tuyệt, ở đây xuất hiện thêm nhiều màu sắc rực rỡ : ngũ sắc, hổ phách, hồng, đỏ, vàng... và những màu ước lệ : nguyệt sắc, thu sắc, hoa quang... . Yếu tố ước lệ và tưởng tượng trong thất tuyệt Lý Bạch nhiều hơn trong ngũ tuyệt, có khi ông lồng nó vào tả thực khiến ý thơ chợt hư viễn, đài các hẳn lên. Như trong bài "Việt trung lãm cổ", nếu nói "Cung nữ như xuân hoa mãn điện" (Cung nữ như hoa xuân đầy điện) thì là tả thực, Lý Bạch chỉ đảo vị trí một từ, thành "Cung nữ như hoa mãn xuân điện" (Cung nữ như hoa, đầy điện mùa xuân), thổi một làn tưởng tượng ảo huyền, biến cung điện thường thành "điện mùa xuân", không chỉ đẹp mà phản ánh được không khí tưng bừng của chiến thắng phá Ngô. Tương tự ông tả trăng khuyết núi Nga Mi là "nửa vầng thu" ("Nga Mi sơn nguyệt bán luân thu" - "Nga Mi sơn nguyệt ca"), lấy cái hữu hình gắn với cái vô hình, trăng hóa thành thu, thu hiển lộ ra trăng... Hay khi ông làm thơ kể chuyện uống rượu chịu, nhưng hóa ra món nợ ấy không phải tiền :

"... Thả tựu Động Đình xa nguyệt sắc,

Tương thuyền mãi tửu bạch vân biên."

("Bồi tộc thúc Hình bộ thị lang Diệp cập trung thư Giả xá nhân chí du Động Đình hồ" - bài 2)

(... Tạm nhắm ở Động Đình, nợ sắc trăng,

Đáp thuyền mua rượu bên mây trắng).

Ông đã đem cả chất lãng mạn, nên thơ (trăng, mây) vào quan hệ thực dụng (mua bán, vay nợ) khiến bài thơ nhắc đến nợ mà ý tứ sang trọng, bay bổng, và ngược lại, trong tình cảm phiêu dật lại có chút đằm sâu (yêu đến mức cảm thấy mình mắc nợ ánh trăng !)...

Có gì mâu thuẫn giữa những đặc điểm nêu trên của thất tuyệt Lý Bạch với phong cách sáng tác tự nhiên, đề cao "Thiên chân" của ông ?

Có thể khẳng định Lý Bạch không hề thay đổi trong thất tuyệt. Song dường như ở mảng thơ này, ông bộc lộ rõ hơn một phương diện khác của tính cách và tâm hồn. Nếu ngũ tuyệt phản ánh một Lý Bạch hồn nhiên trong đời thực thì thất tuyệt lại thiên về khắc họa một Lý Bạch của những lý tưởng và khát vọng. Vì vậy, không gian trong thất tuyệt phần nhiều là không gian xã hội - nơi con người có thể thi thố tài năng, hoặc không gian thần tiên - thế giới mơ ước của con người. Lý tưởng và mơ ước bao giờ cũng đẹp, cũng cao quí, huống hồ Lý Bạch bản chất lãng mạn, nên dễ hiểu vì sao thất tuyệt của ông lời ý cao sang, sáng đẹp, chính là phản ánh chân thực khát vọng phi thường của ông vậy. Thất tuyệt Lý Bạch ca ngợi nhiều mà không sa vào tán tụng. ở những nhân vật kiêu hãnh, đầy nhiệt huyết mà ông miêu tả đều thấy phảng phất khí cốt cao ngạo, duy mĩ của ông, ông nói về họ cũng là cách bộc lộ chính mình. Cho nên thất tuyệt Lý Bạch cao sang mà vẫn chân thực, hoa lệ mà vẫn tự nhiên bởi nó trung thành với nhân cách, tâm hồn ông.

Cũng chính vì thiên về phản ánh lý tưởng, khát vọng, thất tuyệt Lý Bạch có một giọng điệu hào hứng say mê lôi cuốn kỳ lạ. "HùNG" trở thành một trong những cảm xúc trữ tình chủ đạo.

Thất tuyệt Lý Bạch không chỉ viết về lý tưởng, mơ ước. Ông cũng có nhiều bài thơ lấy đề tài hoài cổ, thương nhớ bạn, những bài thơ dụ lãm nhàn dật, thậm chí đùa tếu... Nhưng dường như viết về đề tài gì, thất tuyệt của ông cũng có xu hướng cực tả : cực đẹp, cực hùng, cực sầu, cực thần tiên... Ông ưa thích những hình ảnh không chỉ đẹp mà còn phải phi thường, gây ấn tượng : sóng lớn, gió dữ, núi cao chót vót, nhân vật kiêu hùng hay tuyệt sắc... Ngũ tuyệt của ông tả nỗi sầu thiên về cảm xúc ngậm ngùi, u uẩn. Sang đến thất tuyệt với chùm 5 bài "Hoàng Giang từ" tả phong ba dữ dội, sóng như núi phun tuyết trắng, đánh phá cổng trời, một lần chồm lên lay động cả Tam sơn... , dường như không chỉ sầu nữa mà muốn gào thét lên nỗi đau đớn vì phải bó tay. Bài thơ còn lại trong chùm này thuộc thể tạp ngôn, nhưng hai câu đầu năm chữ thì giản dị, bộc trực :

" Nhân đạo Hoành giang hảo,

Nùng đạo Hoành giang ố... " ("Hoành Giang từ" bài 1)

( Người bảo Hoành giang hiền hòa,

Ta bảo Hoành giang đáng ghét)

hai câu sau chuyển sang thể thất ngôn lại phá ra với những hình ảnh phi thường, dữ dội :

"... Nhất phong tam nhật suy đảo sơn,

Bạch lãng cao vu Ngõa cung các."

(... Một ngọn gió thổi ba ngày liền, đổ núi,

Sóng trắng cao hơn lầu Ngõa cung)

Hai bài thơ tạp ngôn tứ tuyệt còn lại của Lý Bạch cũng đều kết hợp giữa giọng điệu giản dị của ngũ ngôn và bay bổng, cực tả của thất ngôn. Có lẽ vì vậy mà những bài tạp ngôn tứ tuyệt hình thức thất ngôn bao giờ cũng nằm ở câu kết, giống như hành trình từ khởi nguồn chân phác để tìm tới những khám phá hư, viễn; hoặc lấy cái cực tả, phi thường để diễn đạt mạnh mẽ tình cảm chân thực. Lý Bạch đã rất có ý thức khai thác đặc trưng của thể loại !

Chính với bút pháp cực tả, tràn trề cảm xúc, hưng phấn mãnh liệt trong thất tuyệt mà mảng thơ này gây ấn tượng mạnh mẽ, thể hiện tập trung nhất đặc tính cao - đẹp - phi phàm vốn là "thần lực" khó học theo được của ngòi bút Lý Bạch và cũng rất tiêu biểu cho không khí lãng mạn Thịnh Đường. Có lẽ vì vậy mà thất tuyệt Lý Bạch được đương thời đánh giá là "thần phẩm" chăng ?

Thất tuyệt đã bổ sung những nét đẹp riêng làm hoàn chỉnh diện mạo TTLB. Nhìn đại thể, nếu ngũ tuyệt hồn nhiên thì thất tuyệt đài các; ngũ tuyệt ưu du, nhàn nhã, tinh tế thì thất tuyệt mãnh liệt, đậm đà... Ngũ tuyệt là bè trầm nhân cách, thất tuyệt là bè cao khát vọng. Hai giọng điệu ấy bổ sung cho nhau, cho thấy một phong cách thơ tứ tuyệt vừa phong phú đa dạng, vừa thống nhất, đặc sắc. Tất nhiên, đây chỉ là một cái nhìn khái quát tương đối trên cả hai mảng thơ ngũ tuyệt và thất tuyệt Lý Bạch, còn cụ thể từng bài thì không phải lúc nào cũng theo khuynh hướng chung đó mà tùy từng trường hợp đều có những ý vị riêng. Như trường hợp chùm "Thu Phố ca" 14 bài ngũ tuyệt, bài thì dân dã nồng hậu, bài thì u uất, cao sang... nhưng nhìn chung tính hồn hậu vẫn chiếm ưu thế... là một ví dụ.

x

x x

Nhìn lại hệ thống TTLB, có thể thấy cổ tuyệt, luật tuyệt và tứ tuyệt bán cổ bán luật của ông không có sự khác biệt rõ rệt lắm về giọng điệu cũng như nội dung, trong khi ngũ tuyệt và thất tuyệt khác nhau tương đối rõ. Có lẽ vì tứ tuyệt khuôn khổ nhỏ hẹp nên số chữ nhiều ít trong câu rất quan trọng để bộc lộ nội dung, góp phần qui định phương thức thể hiện gián tiếp hay trực tiếp..., chưa kể câu thơ dài ra thì nhạc điệu cũng biến đổi rõ rệt. Còn luật thơ chỉ có khả năng điều chỉnh thanh điệu, âm luật cho hài hòa chứ ít ảnh hưởng đến dung lượng của bài. Tình hình phân loại TTLB cho thấy ở đây, dường như ông đã chú trọng đến chất lượng nội dung hơn là câu nệ hình thức. Nhưng mối quan hệ nội dung - hình thức là tác động qua lại, xuyên thấm lẫn nhau, nên cùng với những đổi mới về nội dung, ở đây, Lý Bạch đã để lại sáng tạo độc đáo trên từng thể loại của tứ tuyệt. Ông đã có công bác học hóa cổ tuyệt, hoàn thiện và tự nhiên hóa luật tuyệt. Ông phát triển tố chất hồn nhiên, trong sáng giống dân ca của ngũ tuyệt, đồng thời lại đưa được cá tính phi thường vào hình thức giản dị. Với thất tuyệt, ông khai thác làn điệu du dương của nó, nâng lên thành một chất giọng cao sang, biến đổi về chất tứ tuyệt nhạc phủ hoa lệ kiểu cung đình do đã cho nó một khí cốt kiêu hùng và tình cảm chân thực, mãnh liệt.

TTLB không chỉ đặc sắc so với các dòng thơ khác mà đã độc đáo ngay trong chính nó, giữa từng thể loại của tứ tuyệt với nhau. Sự phong phú của TTLB cũng phản ánh sự đa dạng của phong cách.

 

KếT LUậN

1. Tổng kết những thành tựu và cống hiến nổi bật của TTLB :

1.1 Trong lịch trình thơ TT Trung Hoa, TTLB xuất hiện khi thể loại này manh nha từ thời Hán Ngụy, qua khoảng 500 năm phát triển đến Thịnh Đường đã định tình hình và nảy nở sung mãn cả về số lượng và chất lượng. Lý Bạch đã hấp thụ tinh hoa của TT từ 3 dòng: TT cổ thi, nhạc phủ thời Hán Ngụy với đặc trưng hồn hậu, tự nhiên, TT Nam Bắc triều hoa lệ, giàu chất trữ tình và TT Sơ - Thịnh Đường hàm súc, thanh nhã. Cái vốn thơ phong phú, giàu có ấy cùng với thị hiếu thời đại say mê sáng tác và thưởng thức TT đã là môi trường thuật lợi nhất để thiên tài của Lý Bạch tỏa sáng trong TT.

1.2 So với dòng thơ cùng loại, TTLB đã nổi bật lên như một hiện tượng đáng chú ý về số lượng (193 bài - cho đến lúc đó là nhiều nhất) và có diện phản ánh rộng rãi với nhiều khám phá mới mẻ.

So với thơ khác loại của chính Lý Bạch, TTLB cũng có những đặc sắc và sáng tạo riêng. Nếu nhạc phủ, cổ phong trường thiên của Lý Bạch mạnh về phô bày những cảm xúc mãnh liệt, tư tưởng phức tạp, tưởng tượng hào phóng bay bổng, hình ảnh liên hoàn chồng chất và hình thức diễn đạt tự do thì TTLB lại thành công nhất khi chộp tả một thần sắc của cảnh, khắc họa một nét tâm trạng, gieo một ấn tượng, truyền một rung động, đạt tới chỗ "ngôn tuyệt ý bất tuyệt", hàm súc, cô đọng. Đặc điểm đó đã chi phối mạnh mẽ hàng loạt phương diện nghệ thuật của TTLB (bút pháp miêu tả, kết cấu, hình ảnh, ngôn ngữ...).

1.3 Đóng góp lớn nhất của Lý Bạch cho nền thơ TT Trung Hoa là ở chỗ ông đã xác lập được một phong cách vững vàng và vô cùng độc đáo trong TT.

Chịu sự quy định của thể loại, phong cách sáng tác của Lý Bạch ở đây thể hiện tập trung qua 4 đặc điểm:

- Cái "Tôi cá nhân, cá tính"

- Bút pháp "Tả cảnh nhập thần"

- Nghệ thuật lập tứ và kết cấu "ý tận, khí Hùng"

- Nghệ thuật diễn đạt "Thanh thủy xuất phù dung..." tự nhiên mà mỹ lệ.

Trong đó, cái "Tôi - cá nhân, cá tính" có thể xem là hạt nhân độc đáo của TTLB. Nó ảnh hướng đến hàng loạt phương diện nội dung và nghệ thuật khác của mảng thơ này. Với ý thức mạnh mẽ về cái Tôi cá nhân mà Lý Bạch đã khám phá khả năng "Ký sự trữ tình" của TT, đi sâu phản ánh sinh hoạt đời tư (là mảng đề tài mà TT trước đó ít khi đề cập đến). ở một chừng mực nào đó, có thể nói với sự đột phá của cái "Tôi cá nhân, cá tính" Lý Bạch đã làm một cuộc cách tân trong thế giới TT đời Đường cổ nhã, đem vào cho nó màu sắc sinh động tươi rói của đời thường và khát khao giải phóng cá nhân mãnh liệt. Giọng điệu phiêu dật trong TTLB có lẽ là phản ánh cảm hứng của cá nhân thấy mình được giải phóng khỏi mọi trói buộc, thanh thản, tự do.

Về mặt nghệ thuật, thể hiện trung thành cái Tôi - nhân cách phi phàm và đầy cá tính, TTLB do đó có sự kết hợp lạ kỳ của những yếu tố tưởng như trái ngược: chân thực và kỳ ảo, bình dị và phi thường.... Bút pháp "Thanh thủy xuất phù dung" đề cao tự nhiên mà vẫn cực kỳ mỹ lệ trong TTLB là một hệ quả nghệ thuật của cái Tôi đó. Tương tự, bút pháp miêu tả "Tả cảnh nhập thần" và thành tựu trong lập tứ, kết cấu của TTLB như "ý tận, khí hùng"... trước hết đều liên quan đến cái Tôi - cá tính sáng tạo độc đáo của Lý Bạch.

Phong cách của Lý Bạch trong thể hiện trên hai phương diện: Cái "Tôi - cá nhân, cá tính" và nghệ thuật biểu hiện cái Tôi đó. Luận án qua phân tích 4 đặc điểm phong cách nêu trên của TTLB cho thấy ở đây, Lý Bạch đã đạt tới sự hòa hợp giữa nội dung với hình thức và phát huy được sở trường của ông trong TT. Có lẽ vì thế mà TTLB được đánh giá rất cao. Hơn thế nữa, do khắc họa được một cái Tôi vĩ đại, đầy cá tính, TTLB còn nổi bật lên như một mảng thơ có phong cách độc đáo không tiền khoáng hậu trong suốt lịch trình tứ tuyệt.

1.4 Đi xa hơn cả xác lập một phong cách, TTLB còn hiện diện như một mảng thơ đa thanh, vừa độc đáo, thống nhất nhưng cũng lại vô cùng phong phú, đa dạng. Chính ở đây, có thể thấy được những đóng góp không nhỏ của Lý Bạch trên từng thể loại của tứ tuyệt.

1.4.1 TTLB quá nửa theo luật. Ông đã đưa luật thơ và bút pháp hàm súc, cô đọng rất Đường vào hình thức cổ tuyệt, cải tiến nó về mọi mặt: lập tứ, kết cấu, hình ảnh, ngôn ngữ, thanh điệu... tóm lại là đã "bác học hóa" cổ tuyệt trong khi vẫn giữ được phong vị hồn hậu của dân ca và khẳng định bản sắc của cái Tôi độc đáo. Mặt khác, ông lại có công tự nhiên hóa luật tuyệt, đem vào phong cách giản dị, trong sáng của dân ca khiến nó mất vẻ gò bó, cứng nhắc. Những sáng tạo của ông còn thể hiện ở hình thức đối. Đối trong TTLB tuy không nhiều nhưng rất đặc sắc do có sự kết hợp độc đáo giữa hình thức đối xứng có từ lâu trong văn học Trung Quốc (tăng khả năng hùng biện), với bút pháp đối ngẫu đang cực thịnh ở đời Đường và thủ pháp tương phản đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn.

Nhìn chung lại, Lý Bạch đã có công hòa hợp hai dòng sáng tác dân gian và bác học trong TT và bằng sự sáng tạo của mình nâng chúng lên đỉnh cao hoàn mỹ.

1.4.2 Căn cứ vào số chữ trong câu, TTLB có thể phân làm 2 dạng chính: ngũ tuyệt và thất tuyệt. Hai mảng thơ này nhìn chung có sự khác biệt rõ rệt về đề tài, nhân vật, cảm hứng trữ tình, bút pháp thể hiện và ngôn ngữ. Ngũ tuyệt đặc trưng với chất giọng hồn nhiên, trong trẻo, thể hiện rõ nhất phong cách giản dị mà đẹp đẽ của Lý Bạch, có giá trị độc đáo khi khắc họa cái "Tôi - cá nhân, cá tính". Thất tuyệt lại nổi bật lên với chất giọng cao sang và bút pháp cực tả tràn trề cảm xúc, lãng mạn, thể hiện tập trung đặc tính cao - đẹp - phi phàm vốn là "thần lực" khó học theo được của Lý Bạch. Ngũ tuyệt và thất tuyệt bổ sung cho nhau, làm nổi bật một phong cách thơ đặc sắc, nhất quán nhưng cũng lại phong phú, nhiều màu sắc.

1.5 ở một chừng mực nhất định, TTLB có thể coi là một bằng chứng cho sự kết hợp sinh động và tác động qua lại giữa phong cách và thể loại trong sáng tác. Những đặc điểm phong cách của TTLB mang đậm sự chi phối của thể loại TT. Ngược lại, với một phong cách sáng tác độc đáo, Lý Bạch cũng đã đem lại cho thể loại TT những cống

hiến mới mẻ trên nhiều phương diện.

1.6 Nhìn chung, TTLB với những thành tựu và cống hiến đặc sắc trên cả hai phương diện phong cách và thể loại đã không hổ danh là đỉnh cao sáng tạo của thơ TT cổ điển Trung Hoa. ảnh hưởng của nó tới thơ ca đương thời và hậu thế rất sâu rộng. Các thi sĩ Trung Quốc như Vi ứng Vật, Lý Thương ẩn, Đỗ Mục (đời Đường), Tô Thức, Lục Du (Tống), Cao Khải (Minh), Củng Tự Trân (Thanh)... ở chừng mực khác nhau đã ít nhiều tiếp thu ảnh hưởng của thi pháp TTLB. ở Việt Nam, thơ Lý Bạch đã thâm nhập rất sâu đến mức gần như trở thành một yếu tố nội tại của văn hóa dân tộc qua nhiều thế hệ.

2. Một số đề xuất nghiên cứu mới:

2.1 Con người Việt Nam thời hiện đại bận bịu nên thị hiếu văn chương đang và sẽ có khuynh hướng nghiêng dần về những sáng tác có độ dồn nén thông tin lớn, gây ấn tượng. ở thể loại văn xuôi , truyện ngắn có lẽ đang phát triển mạnh nhất , thậm chí xuất hiện thêm loại truyện cực ngắn , chỉ vài trăm chữ . Trong thơ ca thì xu hướng này chưa rõ rệt bằng , mặc dù tứ tuyệt gần đây đã xuất hiện tương đối nhiều hơn .Có thể thấy các nhà thơ Việt Nam ngày nay đang trên đường tìm kiếm một hình thức thể loại và ngôn ngữ khả dĩ lột tả được những ý tưởng, cảm hứng phức tạp, và mới mẻ đang dâng lên khi đất nước có những chuyển mình rõ rệt. Trong tình hình ấy, TTLB với đặc trưng hàm súc, cô đọng mà lại tự nhiên, phóng khoáng, bằng thứ ngôn ngữ trong sáng, giản dị mà phản ánh được hồn thơ vĩ đại, đầy khát vọng lãng mạn và tính nhân văn cao cả... phải chăng vẫn là một bài học sáng tác quý báu và có ý nghĩa thực tiễn?

2.2 Càng nghiên cứu TTLB , chúng tôi càng kinh ngạc trước biển sáng tạo mênh mông mà Lý Bạch đã đem vào hình thức thơ " tí hon" này. So với tầm vóc vĩ đại của nó, công trình của chúng tôi có lẽ chỉ là một bài tứ tuyệt mà "ngôn tuyệt, ý bất tuyệt", vẫn còn có nhiều vấn đề thú vị mà chúng tôi mong muốn sẽ có dịp tìm hiểu sâu rộng hơn:

- Từ TTLB, có thể chuyển hướng ngiên cứu, so sánh nó một cách toàn diện với nhạc phủ, cổ phong của Lý Bạch để thấy những sáng tạo không kém phần đặc sắc của ông

trong hai mảng thơ cũng rất thành công này.

- Đặt TTLB trong sự đánh giá của độc giả Việt Nam hiện đại, lật lại những vấn đề:

. So sánh cái "Tôi - cá nhân, cá tính" trong thơ Lý Bạch và cái Tôi trữ tình trong thơ "Mới" Việt Nam những năm 30 - 45

. Tính hiện đại của TTLB và thơ TT Việt Nam thời đổi mới.

......

Cuối cùng , để khép lại luận án , chúng tôi hi vọng và tin tưởng TTLB với giá trị độc đáo của nó sẽ có một sức sống trường tồn trong tâm hồn yêu nghệ thuật của người Việt Nam , đặc biệt là với thế hệ độc giả trẻ đang rất cần có một hành trang văn hoá đầy đủ để tiến vào thế kỉ 21./.

 

THƯ MỤC

 

Tài liệu tiếng Việt :

1. Đào Duy Anh, Nguyễn Sĩ Lâm dịch, chú thích - "Sở từ" (Khuất Nguyên), Nxb

Văn học 1974.

2. Phạm Hải Anh - "Mạch thơ hay mối liên kết nội tại trong thơ tứ tuyệt đời

Đường" - Luận án Cao học, Đại học Sư phạm Hà Nội I, 1990.

3. Phạm Hải Anh - "Bút pháp chấm phá trong cấu tứ thơ Đường" - Tạp chí Văn

học số 10/1994.

4. Bùi Thanh Ba - "Đỗ Phủ nhà thơ châm biếm và đả kích", Tạp chí Nghiên cứu

Văn học số 11/1962.

5. Bùi Thanh Ba - "Lý Bạch nhà thơ lãng mạn thiên tài", Tạp chí Nghiên cứu

Văn học số 5/1964.

6. Bùi Thanh Ba - "Bạch Cư Dị nhà thơ và nhà lý luận thơ ca" , Tạp chí Nghiên

cứu Văn học số 4/1962.

7. Francois Cheng - "Bút pháp thơ ca Trung Quốc", Nguyễn Khắc Phi dịch, tài

liệu in ronéo trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.

8. Nguyễn Huệ Chi chủ biên "Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù", chương II bài

"Âm vang thơ Đường" (Lương Duy Thứ) Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1990.

9. Nguyễn Huệ Chi - "Làm thế nào đổi mới phương pháp nghiên cứu văn học

cổ", Tạp chí Văn học số 1/1990, tr.46

10. Trương Chính chủ biên - "Lịch sử văn học Trung Quốc" tập I, Nxb Giáo dục

Hà Nội 1963.

11. Trương Chính chủ biên - "Giáo trình lịch sử văn học Trung Quốc" tập I, Nxb

Giáo dục, Hà Nội 1971.

12. Trương Chính giới thiệu, Nam Trân tuyển chọn - "Thơ Tống", Nxb Văn học,

Hà Nội 1995.

13. Hư Chu - "Để hiểu thơ Đường luật", Nxb Nguyễn Hiến Lê, Sài Gòn 1958.

14. Dịch Quân Tả - "Văn học sử Trung Quốc", Huỳnh Minh Đức dịch, Nxb Trẻ,

tp Hồ Chí Minh 1992.

15. Doãn Chính chủ biên - "Lịch sử triết học Trung Quốc" tập II, Nxb Giáo dục

1993.

16. Will Durant - " Lịch sử văn minh Trung Quốc", Nguyễn Hiến Lê dịch, Trung

tâm Thông tin Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh 1990.

17. Dư Quán Anh, chủ biên - "Lịch sử văn học Trung Quốc", quyển II : Văn học

đời Tống, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1993.

18. Nguyễn Sĩ Đại - "Một số đặc trưng nghệ thuật của thơ tứ tuyệt đời Đường"

Luận án PTS Khoa học Ngữ văn, Viện văn học, Hà Nội 1995.

19. Đàm Gia Kiện - "Lịch sử văn hóa Trung Quốc" (Trương Chính dịch), Nxb

Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993.

20. Bùi Bằng Đoàn, Bùi Khánh Đan - "Đường thi trích dịch", Tủ sách Hoa xưa,

Sài gòn 1968.

21. "Đọc và thưởng thức thơ ca" (Văn học cổ Trung Quốc) - Tài liệu tuyển dịch,

in ronéo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.

22. Nguyễn Thị Bích Hải - "Thi pháp thơ Đường", Nxb Thuận Hóa, Huế 1995.

23. Dương Quảng Hàm - "Việt Nam văn học Sử yếu", chương 13 "Các thể văn

của Tàu và của ta. Thi pháp của Tàu và âm luật của ta" - Quốc gia giáo dục

xuất bản xã xuất bản, Sài gòn 1958.

24. Nguyễn Tuyết Hạnh - "Vấn đề dịch thơ Đường ở Việt Nam", luận án PTS

Khoa học Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh 1996.

25. Hồ Sĩ Hiệp - "Thơ Đường" Nxb Tổng hợp Khánh Hòa 1991.

26. Hồ Sĩ Hiệp - "Sự phát triển thi pháp của Đỗ Phủ qua từng giai đoạn", Luận án

Phó tiến sĩ Khoa học Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, 1995.

27. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi...."Từ điển văn học" tập I, mục "Lý Bạch",

tr.420, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1983.

28. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi..."Từ điển văn học" tập II, mục "Thơ tứ tuyệt"

(Nguyễn Khắc Phi), trang 384, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1983.

29. Hồ Thích - "Trung Quốc triết học sử", Huỳnh Minh Đức dịch, Nxb Khai Trí,

Sài Gòn 1970.

30. Hồng Tiềm, Uông Tử Cung - "Lịch sử triết học Trung Quốc", Nxb Sự Thật,

Hà Nội 1958.

31. Dương Mạnh Huy dịch, chú giải "Đường thi hợp tuyển", quyển I, Liễu viên

thư xá xuất bản 1931.

32. Trần Trọng Kim - "Đường thi" , Nxb Tân Việt, Hà Nội 1950.

33. Đinh Gia Khánh - "Thử đặt lại một số vấn đề trong việc nghiên cứu tác giả,

tác phẩm xưa" - Tạp chí Văn học số 7/1961, tr 119.

34. Đinh Gia Khánh - "Điển cố văn học", Nxb Khoa học Xã hội 1977.

35. Khâu Chấn Thanh - "Lý luận Văn học Nghệ thuật cổ điển Trung Quốc", Nxb

Giáo dục, Hà Nội 1994.

36. Trúc Khê - "Thơ Lý Bạch", Nxb Văn học, Hà Nội 1992.

37. Khổng Tử - "Kinh Thi", tập I, II, III - Nxb Văn học, Hà Nội 1991.

38. M.B.Khrapchenko - "Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn

học", Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội 1978.

39. La Căn Trạch - "Lịch sử phê bình Văn học Trung Quốc", tài liệu dịch, in

Ronéo, trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.

40. Nguyễn Nho Lâm, Nguyễn Văn Nguyện - "Mạch thượng tang", Quán sách

Văn hóa phát hành, Sài Gòn 1972.

41. Lão Tử - "Đạo đức kinh", Nguyễn Duy Cần dịch, Nxb

42. I.X.Lixêvích - "Tư tưởng văn học Trung Quốc cổ xưa", Trần Đình Sử dịch,

Nxb Giáo dục 1994.

43. Phương Lựu ... "Lý luận văn học", tập III, chương 27 "Một số vấn đề về

phương pháp sáng tác trong văn học cổ phương Đông", Nxb Giáo dục 1992.

44. Phương Lựu - "Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc", Nxb Giáo dục,

Hà Nội 1989.

45. Đặng Thai Mai "Mối liên hệ lâu đời và mật thiết giữa văn học Việt Nam và

văn học Trung Quốc", Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 7/1961, tr 1.

46. Đặng Thai Mai "Xã hội sử Trung Quốc", Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội 1994.

47. Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên "Văn 10" - sách giáo viên, phần Văn học nước

ngoài và lý luận văn học, chương III :" Thơ Đường", Nxb Giáo dục 1990.

48. Huyền Mặc đạo nhân - "Đường thi hợp tuyển", Liễu viên thư xá Sài Gòn

1931.

49. Nguyễn Xuân Nam - "Làm quen với thơ Đường", Nxb Văn học, Hà Nội

1974.

50. Lê Đức Niệm - "Diện mạo thơ Đường", Nxb Văn hóa Thông tin, trường Đại

học Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh 1995.

51. Lạc Nam Phan Văn Nhiễm - "Tìm hiểu các thể thơ", Nxb Văn học, Hà Nội

1993.

52. "Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh", bài "Thơ tứ tuyệt của Hồ Chủ

Tịch" (Hà Minh Đức), Viện Văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1979.

53. Phan Ngọc - "Đỗ Phủ - nhà thơ dân đen", Nxb Đà Nẵng 1990.

54. Phan Ngọc - "Tìm hiểu sự đối xứng trong văn học", Tạp chí Văn học số

1/1983.

55. Hữu Ngọc - "Thơ Đường bốn ngữ", Nxb Văn học, Hà Nội 1992.

56. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức "Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức

thơ ca trong văn học Việt Nam", Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1971.

57. Lê Lưu Oanh - "Cái Tôi trữ tình trong thơ", Luận án PTS Khoa học Ngữ văn,

trường Đại học Sư phạm Hà Nội I 1995.

58. Nguyễn Khắc Phi - "Thơ ca phản chiếu đời Đường", Tạp chí Văn học số

1/1991.

59. Nguyễn Khắc Phi chủ biên "Văn học Trung Quốc" tập I, Nxb Giáo dục 1987.

60. Vũ Tiến Quỳnh biên soạn - "Phê bình, lý luận văn học" - Lý Bạch, Đỗ Phủ,

Bạch Cư Dị..., Nxb Tổng hợp Khánh Hòa 1991.

61. Ríptin - "Mấy vấn đề nghiên cứu nền văn học Trung cổ phương Đông theo

phương pháp loại hình" - Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 4/1962, tr 57.

62. Trần Trọng San, "Thơ Đường" tập I, Nxb Bắc Đẩu, Sài Gòn 1965.

63. Trần Trọng San, "Thơ Đường" tập II, Nxb Bắc Đẩu, Sài Gòn 1970.

64. Trần Trọng San, "Thơ Đường" tập III, Nxb Bắc Đẩu, Sài Gòn 1973.

65. Trần Trọng San "Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường", Đại học Tổng hợp

Tp Hồ Chí Minh 1990.

66. Nguyễn Hữu Sơn :"Vấn đề con người cá nhân trong văn học cổ nhìn từ góc độ

lý thuyết", Tạp chí Văn học 6/1993.

67. Trần Đình Sử - "Thời trung đại, cái Tôi trong các học thuyết, trong đời sống

và trong văn học" - Tạp chí Văn học 7/1995, tr 1 ( 4.

68. Trần Đình Sử -"Lý luận phê bình văn học" bài "ý nghĩa lịch sử của Văn học

Trung Quốc đối với tiến trình phát triển của văn học Việt Nam" tr 187, Nxb

Hội nhà văn, Hà Nội 1996.

69. Trần Đình Sử - "Lý luận văn học" tập II, Nxb Giáo dục Hà Nội 1987.

70. Ngô Tất Tố - "Đường thi", Nxb Tân Dân 1940.

71. Nguyễn Quang Tuân biên soạn - "Thơ Đường" - Tản Đà dịch, Nxb Trẻ, Hội

Nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp Hồ Chí Minh 1989.

72. "Tuế Hán - Đường thi thoại" - tài liệu tuyển dịch, in Ronéo, Trường Đại học

Sư phạm Hà Nội I.

73. Phùng Văn Tửu - "Victo Huygô", Nxb Giáo dục 1978.

74. Trần Thị Băng Thanh - "Đào tạo Hán học, một công việc bức bách trước

nhiệm vụ nghiên cứu văn học cổ" - Tạp chí Văn học số 1/1990.

75. Hoài Thanh, Hoài Chân - "Thi nhân Việt Nam", Nxb Văn học, Hà Nội

1988.

76. Cao Tự Thanh - "Giai thoại thơ Đường", Nxb Phụ nữ 1995.

77. Nhữ Thành - "Thử tìm hiểu tứ thơ của thơ Đường", Tạp chí Văn học số

1/1982.

78. Nhữ Thành- " Tìm hiểu cái hay của thơ Đường", tài liệu in Ronéo, trường Đại

học Sư phạm Hà Nội I.

79. Doãn Kế Thiện "Lược khảo thơ Trung Quốc" - nhà in Mai Lĩnh, Hà Nội

1943.

80. Trần Nho Thìn "Sáng tác thơ ca thời cổ và sự thể hiện cái Tôi tác giả", Tạp

chí Văn học số 6/1993.

81. "Thơ Đường" tập I, Nxb Văn học, Hà Nội 1987.

82. "Thơ Đường" tập II, Nxb Văn học, Hà Nội 1987.

83. Hoàng Trung Thông - "Thơ Đỗ Phủ" , Nxb Văn học Hà Nội 1962.

84. Nguyễn Đăng Thục - "Đào học và tinh thần nghệ thuật nhà Đường" - Tạp chí

Luận Đàm số 8/1962.

85. Lương Duy Thứ - "Tranh chấp giữa Tây học và Trung học", Thông báo Khoa

học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 7/1990/

86. Lương Duy Thứ - "Bài giảng văn học Trung Quốc", tủ sách Đại học Tổng hợp

Tp Hồ Chí Minh, 1995.

87. Trang Tử - "Nam Hoa kinh", Nguyễn Hiến Lê, Nxb Tân Việt, Hà Nội 1945.

88. Nam Trân giới thiệu, tuyển chọn - "Thơ Đường" tập I, Nxb Văn học, Hà Nội

1987.

89. Nam Trân tuyển chọn, Trương Chính giới thiệu -"Thơ Đường" tập II, Nxb

Văn học, Hà Nội 1987.

90. Trương Trọng Thuần - "Văn học Trung Quốc", bài giảng tại trường Đại học

Sư phạm Hà Nội I, in Ronéo, 1959.

Thảo đường cư sĩ Trần Văn, Hải Minh biên soạn - "Bách gia chư tử", Hội

Nghiên cứu và giảng dạy văn học, tp Hồ Chí Minh 1991.

 


Tài liệu tiếng Anh :

 

93. Wilis and Tony Barnstone "Laughing lost in the mountains - The Ecstasy of

stillness", Panda Books Beijing 1990.

94. Ch'en Shou Yi "Chinese literature - A historical introduction", The song of

the T'ang dynasty - The Ronald Company New York.

95. Arthur Cooper "Li Po and Tu Fu", Penguin Classics.

96. A.R.Davis -"Chinese verse" Penguin books.

97. Sam Hamill - "Banished immortal : vision of Li Thai Po" Fredonia, N.Y :

White Pine press, 1982.

98. Paul W.Kroll (editor) - "T'ang studies" University of Colorado, Baulder 10-

11/1993.

99. Liu Po Chen - "Ancient China's poets" - The Commercial press, Hongkong

1988.

100. James J.Y Liu- "The art of Chinese poetry", The University of Chicago press

- USA 1966.

101. Lu Zhi Wei "Five lectures on Chinese poetry", Foreign language teaching

and research press, Beijing 1982.

102. William H.Nienhauser Jr, - "Bibliography of selected Western works on

T'ang dynasty literature" Center for Chinese Studies, Taipei, Taiwan 1988.

103. Shigeyoshi Obata - "The works of Li Po. The Chinese poet", New York

1965.

104. Stephen Owen "The great age of Chinese poetry - The High T'ang" - Li Po,

A new concept of genius. New Haven and London, Yale University Press

1981.

105. Wai Lim Yip - "Diffusion of distances : dialogues between Chinese and

Western poeties", Berkeley, University of California press 1993.

106. Arthur Waley - "The poetry and career of Li Po", London, Allen and Unwin,

New York, Mac Millan 1950.

107. Wong Siu Kit - "The genuis of Li Po", Centre of Asian Studies, University

of Hongkong 1971.

108. John C.H.Wu - "The Four seasons of T'ang poetry" Rutland 1972.

109. David Young - "Four T'ang poets : Wang Wei, Li Po, Tu Fu, Li Ho",

(translated and introduced), University of Colorado 1973.

110. Pauline Yu - "The reading of imagery in Chinese poetic tradition" -Princeton

University press 1987.

111. Yu Yuan Zhong "300 Tang poems - A new translation", The Commercial

press HongKong 1991.

112. Yung Teng Chia Yee - "The poet Li Po" The University press of Hawaii

Honolulu 1975.


DANH MụC CáC CHữ VIếT TắT


 

TM : Thư mục

TT : Tứ tuyệt

TTLB : Tứ tuyệt Lý Bạch

 
Phạm Hải Anh