Những con tàu hú còi chạy qua.

Hai người nam, một người nữ, người nữ là tôi, ngồi trong bóng tối, tối thật, trời không trăng không sao, chỉ một vòm thăm thẳm, trên vệ cỏ, cỏ đẫm sương và ướt lạnh, một bên đường tàu hỏa, sát vách núi. Dưới kia là biển cả, biển ở cuối bờ vực hun hút, sau lưng là vách núi phủ đầy cây leo và dứa bà, rất nhiều dứa bà, những phiến lá to dài mỗi lần gió lên cọ vào nhau kêu lách tách. Dù vậy giờ đây khi ngồi đây, dù lắng tai thật kỹ cũng không thể nghe nổi một âm vọng gì của biển, cũng như không thể biết đỉnh núi trên kia hình thù thế nào. Cách một quãng là trạm ga nhỏ im lìm bất động dưới ánh sáng mấy ngọn đèn vàng vọt chạy bằng máy phát điện. ở đấy người ta đã ngủ cả. Lịm đi vào một giấc sau cuộc sát phạt đỏ đen, và rượu và dăm câu hát không đầu không cuối, những đêm vẫn trôi qua như thế cho năm người đàn ông, trước đây là bảy, đã bỏ đi hai. Lâu lâu, chừng một, hai giờ đồng hồ, có một đoàn tàu chạy qua, tiếng còi hú từ đằng xa bạt trong gió, ngọn đèn pha một nghìn oát quét một luồng ánh sáng chói chang xé rách màn đêm, chiếc đầu máy hùng dũng lao tới, tiếp theo là những toa tàu, cho đến cuối cùng lại một chiếc đầu máy, một chiếc đầu máy không quét đèn, chỉ dùng để đẩy. Khi chiếc đầu máy đẩy đã đi qua, ngọn đèn tín hiệu vẫn còn hắt lại một đốm xanh le lói như nỗi quyến luyến mơ hồ, nhưng cái đốm sáng xanh ấy cũng xa dần, nhạt hẳn và cuối cùng biến mất trong màn đêm, lại chỉ còn một vùng thăm thẳm, lại chỉ gió thốc từ dưới biển lên. Những con tàu lần lượt hú còi chạy qua trong đêm, chạy qua cái trạm ga bé nhỏ nơi lưng chừng đèo mà không dừng lại, ngoại trừ sự cố, chẳng hạn trưa nay, thay vì một cú lăn xuống vực; ngoại trừ nữa tháng một lần tàu dưới cung (1) lên đổ vật liệu hay tiếp tế.

Một cái chén, rượu rót vòng quanh, thức nhắm là một nhúm con giông (2) khô đã chặt đầu móc ruột rang với mỡ và nước mắm tỏi, những con giông về mặt lý thuyết chứa nhiều vitamin và kháng sinh, giòn và thơm miệng. Hai người nam ăn một cách bình thản. Tôi rứt một cẳng chân cho vào miệng. Ngon. Và tởm. Vậy đó.

- Cũng gần mười năm tồi. Tôi thấy mọi sự bình thường. Chẳng có tương lai gì. Trước đây đã chẳng có, sau này cũng không.

Khi ấy rượu đã vơi quá nửa. Khi ấy tôi có cảm giác như tôi cũng đã đông cứng lại cùng với bóng tối. Tôi hình dung thứ giọng khê nồng của Vĩ thoát ra từ những bờm râu, những bờm râu ngạo nghễ tự do mọc trên khắp gương mặt Vĩ, trên mép, quanh hàm, dưới cằm, hoang dại một cách thách thức, xóa đi mọi dấu vết của một thời đã phai nhòa lắm rồi trong ký ức tôi, đến nỗi hồi trưa nay nếu Vĩ không gọi thì có lẽ thêm lần nữa chúng tôi mất hút nhau, mà lần này biết đâu vĩnh viễn.

- Có vợ đấy, nhưng bỏ nhau rồi. Vợ đi lấy người khác, cũng người trong cung. Đứa con mù từ hồi mới đẻ, chết rồi. Máu tôi nhiều dioxin. Người ta nói do di truyền, chắc do cha tôi.

Vĩ kể bình tĩnh, hoặc là lạnh lùng, như thể chuyện người khác, hoặc tất cả những sự kiện đó thậm chí còn ít ý nghĩa hơn một bữa ăn không vừa miệng.

Về cha Vĩ tôi có nghe nói, dù ít ỏi. Ông chết hồi năm 1972 cùng với mẹ Vĩ, bom dội trúng hầm, khi đó Vĩ ba tuổi, chỉ bị ngạt. Cha Vĩ từ B(1) ra nghỉ phép và vì chết vậy nên không được công nhận liệt sĩ. Vĩ ở cùng người cô ruột, hưởng trợ cấp con mồ côi trong suốt thời kỳ học phổ thông.

Tôi không có ấn tượng gì về cha Vĩ, những điều trên đều do mẹ tôi kể lại, cũng như Vĩ, tôi không tin Vĩ có ấn tượng gì về cha mình, vì làm sao có thể có ấn tượng về một người đã chết lúc mình mới ba tuổi. Nhưng di truyền dioxin lại là chuyện khác.

Đêm về khuya lạnh lẽo, càng khuya càng lạnh. Sương xuống dày. Trong quầng sáng của những con tàu chạy qua có thể nhìn thấy rõ những hạt mù sa bay lất phất trong không gian. Đầu và vai ướt đẫm. Sương cộng với gió từ biển rên xiết vào da thịt lạnh buốt mà rượu đốt từ tâm can cũng không xua bớt được chút nào. Cạn đi, coi như một tri ngộ, cạn, rồi chờ đợi những con tàu, vì đêm ở đây chẳng có gì hơn. Vĩ nói, chốc chốc nghiêng chai rót, mỗi lần rót là mỗi lần quay cái chén duy nhất đủ ba lượt.

Một con tàu nữa chạy qua, một con tàu sầm sập lao từ đỉnh đèo xuống, con tàu khách lấp lóa những ô cửa đóng kín mờ đèn. Những bánh sắt nghiến xuống đường ray hung tợn, tiếng giã vào chỗ nối khô khốc, tiếng phanh rít ken két ghê rợn. Ngọn gió phóng khoáng thổi từ biển lên phút chốc bị chặn đứng lại trong cái khe hẹp không lối thoát, một bên là vách núi, một bên là con tàu dài hàng trăm mét, bỗng chốc như quẫn lên cuồng loạn, lồng lộn cày xới, sẵn sàng quẳng mọi thứ túm được vào gầm con tàu. Ngồi đó, chỗ vệ cỏ thấp hẳn xuống khỏi mặt đường, đầu vừa ngang gầm tàu, sát sạt với sự quay xiết của hàng trăm bánh sắt, choáng váng đi vì gió, bấy giờ tôi mới cảm nhận được một cách trọn vẹn sự tàn bạo của cái vật thể vẫn được miêu tả lãng mạn trong văn chương. Này Vĩ, làm sao có thể đêm nào Vĩ cũng nhìn ngắm nó đón đợi nó mà không mảy may sợ hãi...

- Hạ có về làng không? Lần nào Hạ về, nhớ cho tôi gửi một lời chào. Phần tôi, tôi đã chuẩn bị rồi. Chừng nào thấy không thể nữa thì tôi sẽ ngồi trực diện mà chờ nó. Thế đơn giản và ít đau thương hơn, đúng không?

Vĩ nói, vẫn giọng đều đều bình tĩnh. Thôi Vĩ ạ, tàu lại hú còi đằng xa rồi, Vĩ nói nữa thì không phải Vĩ mà là tôi, tôi sẽ bước vào đó trực diện mà chờ nó mất. Tôi không muốn được ít đau thương hơn, tôi chỉ muốn một sự gì khác hẳn. Thế có đơn giản hơn hay không thực tôi không biết.

***

Tôi nói với Bằng thôi mai xuống đèo, tôi không muốn lên đỉnh đèo nữa vì thực ra tôi có mục đích gì đâu, những tình cờ ngẫu nhiên cũng mang lại nhiều nỗi buồn quá, thôi sớm mai về Nha Trang rồi tôi ra Hà Nội, muốn gặp tôi Bằng hãy hẹn một cuộc khác. Nhưng giả sử không ngông cuồng mà đi chuyến này thì làm sao tôi có thể biết Vĩ đi đâu làm gì trong bấy nhiêu năm, mà rồi trong suốt cuộc đời cũng coi như Vĩ đã mất hút không lưu lại chút dấu vết.

- Đi nhé. Vĩnh biệt! Vĩ gửi tôi và Bằng lên một chuyến tàu hàng và khi con tàu rùng mình chuyển bánh lo xuoóng dốc, ngoái qua ô cửa nhỏ xíu tôi bỗng nhiên nghe lời Vĩ chào, thấy bàn tay Vĩ vẫy như một tuyệt vọng, và dường như bấy giờ lần đầu tiên tôi mới hiểu một cách sâu thẳm toàn bộ nỗi đau đớn của Vĩ, từ thuở nào Vĩ quỳ trên sân ga xép nơi ngôi làng nhỏ bé của tôi, nơi cũng có những con tàu hú còi chạy qua mà không dừng lại.

Bên cạnh tôi, Bằng đã ngoẹo đầu ngủ, gương mặt không cạo cùng với sự thất thường của mấy ngày qua trở nên sần sùi và xám lại. Tôi nghĩ, chỉ còn thiếu chi tiết Bằng để rớt một dòng nước dãi. Vậy mà tôi yêu Bằng, hoặc, thực chất tôi yêu những cuộc hẹn hò ở đó Bằng hiện diện, những cuộc hẹn đã trở thành niềm an ủi duy nhất trong thời tuổi trẻ của tôi. Như ngày xưa, không phải tôi yêu Vĩ mà tôi yêu niềm đau khổ của tôi, nỗi dày vò của tôi, và về sau này khi dần dần bị mất mát đi nhiều thứ, khi lòng chỉ còn nỗi buồn tôi đã luôn tưởng lại năm tháng xưa bằng một thứ ánh sáng lộng lẫy.

Vĩ là bạn học của tôi suốt những năm phổ thông. Gọi là bạn học nhưng con người Vĩ trượt qua ký ức tôi vô cùng nhạt nhẽo. Vĩ là một hình thể cô đơn lạc lõng, sống thụ động dưới sự bảo trợ của người cô bấy giờ còn kinh hoàng bởi cái chết chỉ lui tới giữa hai không gian lớp học và ngôi nhà. Nhưng khi Vĩ xuất hiện trong gia đình tôi với tư cách là người yêu của em Quyên thì Vĩ đã như môtj con người khác. Tôi nhớ cái dáng vẻ thư sinh của Vĩ được sưởi ấm bởi tình yêu trở nên rạng rỡ. Những đêm trăng tôi ngồi bên cửa sổ, ở ngoài kia Vĩ và em Quyên, tôi đã hình dung ra đám cưới Vĩ, và tôi nghĩ, rồi đây vĩnh viễn tôi sẽ gánh gánh nặng này trên vai, không ngưng nghỉ. Nhưng không phải, em Quyên tôi bỏ Vĩ để đi theo một người có vợ và hai đứa con, mặc mẹ tôi khóc lóc, mặc thiên hạ cười chê và người vợ kia ngày một ngày hai lồng lên ghen tuông. Em tôi đi cho thỏa lòng yêu.

Tôi có mủi lòng, mủi lòng chứ không đau xót hay cay đắng như khi Vĩ hạnh phúc. Vĩ quỳ trên sân ga xép nơi từ đó em tôi ra đi, những con tàu chạy qua, những hồi còi kéo lên rền rĩ, gió bấc thổi te tái và hơn một lần tôi chắc Vĩ tự tử mất.

ít lâu sau tôi cũng rời làng. Tôi ra thành phố, những toan tính kiếm tiền, rồi những bả yêu đương ghê gớm đã dồn góp hết tâm trí, dần dần cái hình ảnh người trai ban đầu là Vĩ cũng phai nhòa rồi mất hẳn.

Bấy đến giờ đã nhiều năm. Tôi không hề buồn vì Vĩ nữa và Vĩ có lẽ thôi không còn đau khổ bởi em Quyên tôi nữa. Tôi, trong ngần ấy năm, nếu có nghĩ về Vĩ tôi sẽ nghĩ ra rất nhiều khả năng, riêng cái khả năng Vĩ mang dioxin trong máu thì tôi đã không thể nào nghĩ ra được.

*
*        *

Tôi trở ra Hà Nội, phần lớn thời gian nháo nhào với án hình sự, án kinh tế, ly hôn và ngoại tình, để phục vụ đông đảo quần chúng. Thỉnh thoảng, trong những đêm thanh tĩnh, nằm nghe Hà Nội sâu thẳm hoang vắng, tôi tự nhủ phải viết một cái gì, nghĩ ra một chuyện gì mà viết, một chuyện gì lớn lao to tát vượt khỏi đời sống thường thường vụn vặt, cái đời sống riêng tư thậm chí đã trở nên cặn bã từ lâu, nhưng ngắm mãi không biết cái gì là lớn lao to tát trong thời đoạn của chúng tôi. Chiến tranh thì qua lâu rồi. Rồi tôi nghĩ đến Vĩ. Vĩ biết đâu chẳng là nhân vật hay. Nhưng Vĩ là một cá nhân. Cũng như tôi là một cá nhân. Có quá khứ có hiện tại, quanh mình lúc nào cũng có con người mà sao cô đơn. Rồi tôi nghĩ đến Bằng. Bằng mới nghĩ tôi đã xúc động, nhưng Bằng ở đâu đó sau lớp lớp sương khói, đến nỗi nhiều khi tôi nghĩ người ấy như đã chết rồi mà nhiều năm nay tôi phụng thờ giống một lọc lừa, vì người ạ người hiện hữu trong đời tôi đấy mà như xa vắng từ lâu, vì người làm sao sẻ chia cùng tôi bởi tôi mà sống, vì tôi mà chết.

Lâu lắm không có mưa. Trong thành phố cái oi nồng riết lấy những giấc ngủ không máy điều hòa vật vã, Miền Trung El Nino cháy rừng hạn nặng, lúa tàn lên như đốt, nhưng ngoài sông Hồng đang mùa nước, báo động ba, cũng không mưa trên Tây Bắc, mưa đâu từ nước người, chỉ lũ sông Hồng thôi.

Trong một ngày như thể người ta báo tin cho tôi rằng Vĩ đã chết. Sở dĩ người ta báo cho tôi vì tôi là địa chỉ duy nhất lưu lại chỗ Vĩ. Tôi tưởng do dioxin nhưng không phải, Vĩ chết vì đạn của bọn săn trộm Sao la (1). Người ta bảo mấy ngày đó không hiểu vì cớ gì Sao la trên núi về nhiều lắm, chúng chạy dọc đường tàu, trong bóng đêm, chúng chạy đàn đàn lũ lũ mà gọi nhau rền rĩ. Vĩ đi tuần, lạc giữa đám Sao la, rồi hứng đủ một viên AK vào lồng ngực.

Vậy đó. Một con Sao la. Một con người.

Tôi gọi cho Bằng nói Vĩ chết rồi. Bằng ồ à một lúc, bỗng hỏi: Vĩ nào, em nói Vĩ nào?


TTH