*

 







Những chuyện vặt vãnh

Hội nghị tổ chức vào áp tết. Là hội nghị tổng kết thành tích thì còn có lý. Đằng này là hội nghị khoa học chuyên ngành. Sang đến ngày thứ hai đã như chợ chiều, dù vẫn đủ mặt bá quan văn võ. Cơ chừng nhiều người chỉ chờ xong mỗi việc ấy là "phắn". Nhưng dù sao thì cũng phải kéo cho qua chiều.

Bữa trưa, tôi thay mặt cơ quan chủ đề tài ngồi với mấy vị khách trọng. Anh - Viện phó phụ trách chuyên môn viện N. mãi tận trưa hôm qua mới từ Sài Gòn bay ra dự hội nghị. Chị - Tiến sỹ hóa ngành bảo quản, một trong những tiến sỹ đàn bà đầu tiên của nhà mình. Cả hai đều được mời tham gia đề tài. Và một ông. Mọi cuộc thù tiếp đều rất cần một nhân vật như thế: hơi kém duyên, nhưng nói năng rổn rảng, và tự tin vào khả năng cuốn hút của mình. Sự có mặt của họ từa tựa đĩa nộm tú ụ ở một bữa cỗ. Sau khi đã chán những món thừa Protein, phải có một món gì đấy đủ chua cay mặn ngọt để cầm đũa lên đặt đũa xuống, nếm náp, nhấm nháp, để ngồi tiếp với nhau.

Đúng vào lúc phải ngồi tiếp với nhau như thế chờ giờ họp chiều thì Thiếu đi tới ghé tai tôi thì thào hỏi nên phát phong bì đầu giờ hay cuối giờ. "Tùy anh!" - Tôi cũng thì thào - "Chiều còn phần tổng kết đề tài. Phát trước cũng được. Nhưng chỉ cho mấy ông bà đại biểu tỉnh xa thôi. Để họ còn tranh thủ lên chợ Bắc Qua..." Thiếu cười cười với tất cả, rồi tất tả bỏ đi. Còn lại vẫn bốn người. Ông "Nộm" có vẻ buồn ngủ sau khi đốn đổ mấy chai bia. Và anh. Và chị. Cả hai đều trạc tuổi nhau. Hơn tôi tới sáu khóa. Anh thì bệ vệ ra mấy năm nay. Còn chị, từ ngày tôi có quan hệ công tác với cơ quan bên đó lúc nào tôi cũng thấy chị gầy thế. Dáng của những người đàn bà "thiếu vitamin Anh" như mấy cậu kỹ sư phòng chị vẫn hay cười vụng với nhau. Nói chung tôi luôn luôn kính trọng nhưng không thích những kiểu đàn bà như thế: Quá thông minh. Quá thành đạt. Qúa chậm chồng.

Từ đầu bữa chỉ có đàn ông chúng tôi động tới chai bia. Nhưng anh uống rất ít, nói rất ít. Như chị. Nhưng khi Thiếu đi khỏi chị bỗng chép miệng: "Ông này lành mặt lành tính thế mà đời toàn lên bờ xuống ruộng."

Thiếu lành thật. Mà cũng vì lành nên đời mới khổ đến hẹn lại lên tam tứ phen như chị bảo. Lành hết phần anh em ở cơ quan, hết phần vợ ở nhà. Bà vợ hen rụt đầu rụt cổ, gầy xiêu vẹo, nhưng lúc nào cũng chải chuốt. Hồi xe máy chưa nhiều như bây giờ, mốt nhất cũng chỉ tới Mipha, Eska dân đi Đức đi Tiệp tha về, vợ Thiếu dắt Mipha đi ngoài phố trông cũng rất gì gì và này nọ. Nhìn, chẳng thể nào tưởng tượng ra mối quan hệ giữa chị và ông chồng lù đù lảo đảo đèo hai thùng nước vo gạo đi phía trước.

- Hình như vợ Thiếu làm gì ở cơ quan chị phải không ạ?

- Vâng. Làm văn thư. Chị ấy trước học mỹ thuật, đâu như sơn mài. Bệnh là bệnh dị ứng, làm sơn mài ốm càng khỏe, phải nhảy qua Sư phạm Ngoại ngữ. Nhà khó, cơ quan ưu tiên cho một chuyến đi Nga. Là nói hồi đi Nga còn khá cơ. Mà khổ anh ạ. Bà ấy sang đó đúng mùa đông không thở nổi phải xin về. Được mấy cái bàn là hoa dâu nồi áp suất tha về bán không đủ trả nợ mua hàng mang đi. Bây giờ thì tươm rồi. Anh không biết nhỉ? Ông Thiếu bên anh là hàng xóm chung cầu thang với tôi đấy. Ông bà ấy vừa có cháu ngoại rồi đấy?

Tôi gật đầu. Tôi còn được mời liên hoan nhân vụ Thiếu lên chức ông. Nhưng cũng chỉ biết tới đó. Tám giờ vàng ngọc ở cơ quan với tôi không phải là giờ ngồi ngáp, hút, chuyện "phễu" với mấy tướng ông tướng bà cùng phòng. Từ hồi xóa bao cấp, ai thiếu việc bị giảm biên cứ thiếu, tôi thì xoay như chong chóng gặp gió mà vẫn không hết việc. Dĩ nhiên là những việc ra tiền ra bạc. Thành thử chẳng còn đầu óc nào để tâm tới chuyện mọi người. Kể cũng tệ. Chẳng hiểu mình cùn thế tự bao giờ? Nhưng có lúc thấy xót xa. Có điều không bao giờ tôi nói điều ấy, ngay cả giả dụ với vợ. Nàng chắc sẽ cười âu yếm: "Lại lên cơn lãng mạn rồi!" Hay ngắn gọn hơn: "Lại sỹ!" Mấy năm trước, lúc chỉ có lương để nộp, cũng lời nhiếc đấy, vợ tôi nói với ngữ điệu khác. Khó tả lắm. Nghe cứ như bị nhồi một cuộn giẻ vào dạ dày. Nhưng ra ngoài, gặp mặt bè bạn, ai cũng bảo vợ chồng tôi có hơi đẫy ra hoặc hơi gầy đi, còn tính tình thì chẳng khác hồi sinh viên...

... Chị vẫn đang nói về Thiếu. Và anh cùng ông bạn kia lắng nghe. Anh ngồi, ngả đầu ra thành ghế, nhìn chéo qua vai chị. Anh chị học trên tôi. Lúc tôi vào trường thì cả hai đã bảo vệ luận án tốt nghiệp, đã có tên trong danh sách được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Hình như ngày xưa anh có để ý đến chị. Nếu thành thì đó sẽ là một cặp kỳ khôi trong mắt chúng tôi. Chị kỹ càng trong ăn mặc, trong xử sự, cực khéo tay, bọn con gái học cùng tôi trầm trồ thế, đúng nề nếp con nhà tư sản. Anh áo quần xốc xếch, đảng viên, giống chị mỗi lối làm việc, làm ra làm. Từ hồi chuyển vào Sài Gòn, chẳng hiểu do môi trường công tác mới phải giao dịch nhiều hay nhờ cô vợ mới, thấy anh trịnh trọng hẳn ra.

Chị đang kể về con gái đầu của Thiếu. Thiếu lấy vợ muộn, con gái đầu mới mười bảy tuổi, xinh, khổ nỗi bị câm. Chẳng hiểu biến chứng từ bệnh gì mắc hồi ba bốn tuổi. Nhìn gương mặt với những đường nét thanh tú y như mẹ, nhưng cởi mở, luôn dìu dịu một nụ cười tồi tội, chẳng ai nghĩ nó không nói được. Trước chưa được phân nhà, cả gia đình năm nhân mạng của Thiếu phải ở nhờ bên ngoại. Nhà một đầu thành phố. Cơ quan một đầu. Trường dành cho trẻ câm điếc một đầu. Ngày bốn buổi Thiếu đạp xe đi làm, đưa đón con học, chợ búa và lấy nước vo gạo về nuôi lợn. Vợ đã hen, lại đẻ liền ba đứa con cho kịp độ tuổi sinh nở của chồng như mấy cô cùng phòng vẫn đùa nhả, lại có tính đài các, mọi việc trong nhà Thiếu phải gánh vác tuốt. Anh em cũng thông cảm không phân công Thiếu đi công tác xa nhà lâu, cũng không trách móc chuyện Thiếu chuyên môn đi sớm về sớm, và năm hai kỳ ai cũng giơ tay bầu Thiếu lao động tiên tiến chẳng thắc mắc gì. Sau này con bé câm lớn. Nó thay được bố khoản mua rau cỏ và lấy nước vo, thay được mẹ khoản trông em, Thiếu mới đỡ đầu đâm ra đít đâm vào. Nhưng đến đoạn ấy thì ông Thiếu "già" lại chóng mặt vì lo giữ con, chỉ sợ con tật nguyền có thằng nào Sở Khanh nó lừa. "Có mà giữ giời! Ông để ra vài phút nhìn con ông xem! Nó xinh thế, lại tuổi dậy thì chỗ nào cần phồng thì phồng chỗ nào cần xẹp thì xẹp, chúng nó bây giờ bảo thế nào nhỉ..." - Bà tổ trưởng công đoàn quay sang cô bé kỹ sư mới về nhận công tác - "... Chúng mày bây giờ nói thế nào nhỉ? À điện nước đầy đủ! Con bé điện nước đầy đủ thế thì thằng nào chả muốn lăn tăn. Ông định giữ con thì chỉ có mỗi cách lên Hàng Thiếc thửa một cái "chuồng cọp" (*) mà nhốt nó..." Cười vào mặt ông bố quá lứa chán, bà nghiêm giọng: "...Mà anh chị tính thế nào ấy chứ! Chẳng lẽ giữ con bé ở nhà làm vú non hết đời nó. Xem đứa nào có lòng gả phắt đi. Trong họ nhà tôi có con bé cháu liệt từ lúc ba tuổi, đặt đâu ngồi đấy, người cứ vẹo đi thế này này..." - Bà vặn cái lưng hình vại về phía tôi - "...Thế mà lấy được thằng chồng kỹ sư, kỹ sư thật như các ông ấy chứ không phải chuyên tu tại chức đâu nhé. Nó vừa đẻ được đứa con gái ba cân đấy. Thật nhìn thằng cháu rể tôi cứ ước thằng con rể được một phần như nó cho con gái mình đỡ khổ. Thế mà hồi đầu mọi người gàn quải chúng nó mãi, lại còn chê thằng cu rể nhà quê mất cha mất mẹ..."

Thiếu chưa kịp tự mình tìm rể thì con bé câm đã tự kiếm được người yêu. Một thằng bé mặt mũi sáng láng, phải tội cũng câm điếc. Đèo nhau ngoài đường, con bé cứ phải ngồi quay nhìn ra sau đẩy lưng thằng người yêu làm hiệu tránh ô tô xe máy rầm rầm len lách. Thiếu đến cơ quan mặt dài ngoẵng: "Các ông các bà khuyên thế, tôi cũng để kệ xem chúng nó thế nào. Buổi tối việc nhà hòm hòm con bé nhót xuống đường đi chơi với thằng ấy là tôi cũng phải lén mẹ nó đi theo. Chỉ sợ có thằng đi xe máy nào "ngẩu" tông phải chúng nó. Mà khổ! Chúng nó nắm tay nhau là vì có hai cái mồm đều không nói được cả hai có bốn cái tai không nghe được cả bốn. Thế mà nhiều người không biết lại cứ bảo con nhà thế này thế nọ...Mẹ nó thì chống phá quyết liệt. chẳng hiểu moi đâu ra chuyện con cái người câm điếc thường cũng câm điếc, rồi lại sợ di truyền cách đời bệnh hen của mẹ nó..." Thiếu thở dài. Các bà các cô cùng phòng cũng thở dài. Tôi có hẹn với bên Tổng Công ty phải đi, không nghe được tiếp, và bây giờ ngồi đây hóng hớt qua chị.

..."Thằng bé được ba cân hai, xinh, mẹ khỏe con khỏe. Được hai tháng rồi. Nó đã biết quay đầu hóng tiếng chân mẹ nó. Vậy là nó sẽ bình thường. Không! Hình như bố nó không phải là cái cậu học cùng trường câm điếc Xã Đàn với con bé. Mà điều đó có quan trọng gì! Cái chính là nó được sinh ra bởi một con người. Cái hôm đầy tháng nó... Thật mình cả đời bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu chỗ để nhờ vả, mà chưa bao giờ thấy vậy..."

Chị cười. Tiếng cười sung sướng. Anh thôi nhìn bâng quơ. Tôi và ông bạn cùng mâm lặng im. Vẻ sung sướng đó thường chỉ có ở người được thấy hạnh phúc là có thật.

..." Tôi nằm lơ mơ... Bay mười bảy tiếng đồng hồ. Lại còn dừng bốn tiếng ở Singapo. Tới Nội Bài lại phải chui ngay vào ô tô cơ quan chờ cả giờ ngoài nắng. Y như phải chui vào cái quan tài sắt. Nhược hết cả người... Đúng lúc sắp thiếp đi thì nghe ngoài hành lang có tiếng chân rình rịch rình rịch, lại có cả tiếng lợn éc. Rồi có tiếng gõ cửa... Các anh không tưởng tượng được đâu. Một lũ, toàn trẻ trẻ trạc tuổi con ông Thiếu. Đứa nào cũng hoa chân múa tay, mặt mũi tươi roi rói, ú a ú ớ. Con lợn trắng da cứ hồng lên ụt à ụt ịt, sạch tinh tươm, khéo chúng nó lấy bàn chải mát xa cho nó không chừng. Tôi chẳng hiểu gì. Hóa ra chúng nó nhầm tầng. Chúng nó dắt lợn đến mừng thằng cu cháu ông Thiếu đầy tháng. Cả cầu thang năm tầng ai ở nhà cũng mở cửa ra nhìn... Sau đó tôi cứ buồn mãi. Con bé xinh xắn thế, ngày nào cũng đi qua cửa nhà tôi, gặp tôi bao giờ cũng cười cười ra ý chào. Các anh có bao giờ để ý cái cười của người câm không? Tôi thì thấy trẻ con và người câm điếc cười là thật nhất! Thế! Tôi cũng để ý thấy cái lưng con bé cưng cứng, cũng đoán ra, mà chẳng đoán thì các bà hàng xóm cũng nói dăng dăng, vậy mà tôi không hỏi thăm bố mẹ nó với nó một câu. Lại cho mình như thế là có ý. Rồi nó sinh con, con nó tròn tháng. Giá không có đám rước người với lợn kia dẫu chẳng đi công tác thì mình cũng không biết đích ngày, thì mình chắc cũng chỉ có vài lời đãi bôi, góp mấy đồng với hàng xóm mua cân đường hộp sữa rồi cử bà nào tính xởi lởi tới thăm. Cái lòng tử tế của người bình thường như mình nhiều khi bệnh hoạn qúa, đích thị là bệnh hoạn chứ chẳng phải tinh tế ý tứ gì cả. Tôi cứ nghĩ mãi về đám bạn của cháu nhà anh Thiếu. Chúng nó mừng ra mặt. Cứ y như chúng nó là bố là mẹ của đứa trẻ vậy..."

Có một lần tôi về cơ quan đúng lúc cả phòng theo Thiếu ra quán cơm bụi ngoài cổng viện. Mặt mũi ai cũng có vẻ xúc động. Thiếu kéo tôi theo. "Ăn mừng con bé nhà ông Thiếu vừa đầy tháng!" Bà tổ trưởng công đoàn thông báo. Và tôi đã hô "Ông ngoại muôn năm!". Không biết trước khi tôi về Thiếu có kể cái chuyện chị vừa kể không?

Thiếu đang xăng xái xua mọi người vào họp tiếp. Anh đập đập vai tôi: "Cho mình điếu thuốc!" Ông bạn thích đùa cùng mâm cười ha hả: "Thấy chưa! Tôi đã bảo mà! Bỏ thuốc là việc dễ nhất trần đời. Tôi bỏ có lẽ đến ngót trăm lần." Và ông quay sang tôi, giữ nguyên âm lượng: "Này cậu! Cơ quan chủ quản xem thế nào phát phong bì kết thúc hội nghị sơm sớm cho anh em còn về. Cuối năm, để khách giao dịch đến chúc tết chờ ở cơ quan không tiện."

Chị đứng lên, lại vẻ lạnh lẽo thường ngày: "Hồi đi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan tôi cũng đốt thuốc khiếp lắm. Nhưng định bỏ là tôi bỏ luôn chứ không có như các anh. Ôi... chán mớ đời..."

Có cả tiếng cười trong giọng nói rành rọt của chị. Nhưng không hiểu sao, có thể là tại vừa nghe chuyện chị, tôi cảm thấy trong giọng nói rành rọt có chen tiếng cười ấy rất nhiều ngán ngẩm. Và còn một điều gì đó nữa, một điều gì như quá sức con người.

12. 1998

Lê Minh Hà

Chú thích:

*: Lồng bằng sắt, dùng chắn ngoài ban công ở các nhà cao tầng chống trộm.