*

 







Tiếng xưa

 
          ...Nghe trong gần gũi cảm biết về xa xôi, của những chân trời không bao giờ đến được cùng nhau mãi mãi còn đâu đó...


        Bắt đầu từ đâu?
        Có thể bắt đầu từ đâu?
        Từ một tiếng gà xáo xác. Ừ phải, bao người đã nhớ âm thanh này, luôn luôn là của những xa xưa.
        Những xa xưa tuổi bé, theo bà, xa bố mẹ, tiếng thành phố thở bặt đi hoang mang trong mù dâng cuồn cuộn mặt sông buổi sáng, trong những chiều bảng lảng từ sân kho hợp tác ngóng về hướng núi một màu tím phớt ai hoài.
        Phía đó: Ðằng rừng. Nơi đấy, ai cũng gọi phía nam là đằng xuôi, phía tây: đằng rừng. Những đằng rừng sương buông kín một thời buổi gieo neo, như vẫn bình yên lắm. Có con bé con quay lưng về phía thành phố, nghe tiếng mình thở dội trên sân kho hợp tác đã vãn người, nghe tiếng bà vẳng từ giữa xóm gọi về cơm tối, thấm thía một hoàng hôn không ánh điện, không tiếng bố và tiếng mẹ, không có tiếng đũa bát cả nhà vang vui vẻ quanh mâm. 
        Tôi đã có cho riêng tôi một tiếng gà trưa từ những ngày tháng đó. Cô quạnh mà an vui. Cục ta cục tác, vừa đau vừa rát. Từ dưới bếp vọng lên tiếng bà lầm bầm rủa con mái già chỉ giỏi dáo dác suông tình mà không đẻ được lấy một qủa trứng xiu xiu nào gọi là cho có. Cái con mái già lắm chiến công chống cầy chống cáo bao nhiêu lần bị bà dọa cho vào nồi nước sôi trưa nào cũng làm náo động xóm vắng ven sông. Nghe tiếng gà cục tác bất chợt những trưa xuân, chợt nhận ra cơn tức ngực đã qua, hơi thở nhẹ đi thơ thới, nhìn ra vườn chuối, không còn thấy mấy ả gà nạ dòng đang trong giai đoạn độc thân đứng rùn rẩy bên gốc, biết màn mưa ấm lây phây từ đêm qua sáng đã được trời đất vén lên rồi, và  bếp nhà nhà đã ngàn ngạt mùi khói rạ. Thò tay vào túi áo bông bốc nắm bỏng nếp đứa bạn cùng lớp cho từ buổi chiều qua, trái tim bé thơ dưng không như lỗi nhịp. Nhớ tiếng chổi khua trên mảnh sân chung ở khu tập thể, nhớ cũng một trưa mưa ấm, trời đất bỗng hừng lên, làng bên đê có con chim nào trỗi giọng, và ngoài phố xa lại vẳng tiếng rao mời.
         Những tiếng rao trưa, Hà Nội, một thời vườn trong phố.
         Nhịp xưa có còn?


         Tôi biết dòng đời Hà Nội giờ sôi cuộn hơn bao giờ hết. Ðội ngũ người bán hàng rong xuống đường đông đảo lắm so với một thời Hà Nội của tôi, nhọc nhằn mà dịu dàng. Cái nhọc nhằn vẫn đó. Dịu dàng? Còn chăng dịu dàng?
         Dịu dàng như tuổi ấy, bắt đầu con gái tóc dày má ấm, qua phố vắng, biết đằng sau, trong quán nước nghèo có những con mắt nhìn theo. Trưa nào rất xa, đạp xe từ trường tít trên Cầu Giấy về, người bâng lâng trong cơn đói định kì, chợt nghe tiếng rao bánh đúc âm âm dọc hành lang thông thống gió, vội vàng chạy ra gọi với chị hàng bánh bụng chửa áo chật da khô và tóc xơ. Tiếng rao bánh đúc cắt đôi cô hàng xóm quy mô lừng lững mà có cái giọng đến là vẽo vọt đang mưa vẫn mưa bay... một trưa mùa hạ, nóng nung người, bỗng dưng có điện, cái quạt tai chuột quên tắt từ đêm bắt đầu lại một vòng quay lờ đờ ân huệ, xa rồi, đôi lúc lại ngỡ lòng như con sông chậm dòng nặng nỗi.
         Tôi yêu tiếng rao bánh đúc âm âm qua trưa Hà Nội, trong từng ngõ nhỏ, trên mỗi tầng nhà tập thể. Thứ bánh đúc đổi gạo, bảo ngon thì thực không ngon, cứng mình quá, nồng vôi qúa, hạt lạc kẹ ú tim trong miếng bánh không đủ bùi đủ ngọt, bì sao được bánh đúc chợ làng sơ tán năm xưa, trắng mát và mềm mịn, cái bùi cái béo nhẫn nhịn và rất luyến. Thế nhưng cái nhớ qua ngày tháng vơi đầy nào có khác nhau. Nhớ mặt và nhớ dáng. Sao bao nhiêu chị hàng bánh đúc đi qua kí ức tôi lại chỉ một sắc ấy và dáng ấy. Bao giờ cũng cái nón úp trên đầu, đơn giản là để chống trời, chẳng hất hay nghiêng làm duyên một chút gọi là cho có. Bao giờ cũng đôi dép lê sản phẩm nhựa tái sinh của một hợp tác xã thủ công nghiệp nào một thời và hai ống quần bạc bụi phố phường, quăn quăn ở mỗi khoeo chân lúc đứng lúc ngồi xắt bánh, rót tương. Bao giờ cũng vậy, đôi tà áo hớt, nước da khô và đôi mắt ngời ngời của người bụng mang dạ chửa. Bao giờ cũng vậy, bàn tay ngón gầy và cứng chắc chẳng bao giờ đủ sạch khi xắt bánh, cẩn trọng vuốt đồng bạc vừa mới nhận rồi lật cái vỉ buồm đặt vào đáy thúng. Và, bao giờ cũng vậy, chữ e trong từng âm đã bẹp hơn một chút, giọng người ven đô.


        Bánh đúc. Kê. Bánh tro. Rượu nếp. Bánh tro của người từ mạn thành Sơn xuống, người bán sẽ sàng lột lá, chiếc bánh mỏng, giòn đấy mà mềm, trong vắt một màu tro ấm quệt ngang đĩa mật óng vàng hoa nắng, ăn vào một trưa xuân muộn, tháng ba ư, như rét như không. Tôi chưa từng nghe tiếng rao của hàng bánh tro. Toàn tiện chuyện với cô hàng xóm mà ăn hương ăn hoa, một hôm ra ngõ, thấy hàng bánh tro đi ngang, cũng lại một người đàn bà còn trẻ trẻ, hay một cô con gái mới chớm xuân thì, dáng đi khổ khổ. Có âm thanh nào im lặng quá, trong tôi.
        Hàng kê thì khác. Gần trưa còn vương chút gió hây hẩy từ ban sớm, đột ngột ngân một tiếng kê...e...e...e...e... dài. Chị hàng kê hay đi qua ngõ nhà tôi tính mềm mỏng mà không xởi lởi. Ai gọi thì đã bước chậm lại chậm thêm một chút, dừng chân xúc kê vàng, thêm chút đường trắng rải đều lên miếng bánh. Bánh đa kê, chỗ giòn chỗ ỉu, đường với kê bùi và ngọt đều rất nhẹ mà rất quện, không gợi thèm mà gợi nhớ bao lâu, cũng chả biết đến bao giờ, một tiếng rao dài và cụt. Kê...e...e...e...e,  và nắng.
       
        
         Hàng quà rong, mà là bánh trái, rất hay gặp là mấy chị bánh dày chay. Bánh dày từng chiếc bé bé kẹp vào nhau trong miếng lá chuối tươi xanh cứ mỡ lên. Nhân bánh chỉ là đỗ và đường cát, nhưng trên mặt từng chiếc bánh còn lấm tấm bột đỗ xanh. Ðỗ vàng đắm thắm, bột trắng lành lành, lá xanh hơ hớ. Chị hàng bánh quen chân len lách từng ngõ nhỏ, dừng nơi đầu chợ, tiếng rao chỉ nghe rõ hai tiếng ai... dày... Món quà nhường nhịn và chân chỉ ấy thế mà đắt khách, chẳng cứ các bà các cô. Ðầu cầu thang một nhà cao tầng kia, giữa ngõ chẳng bao giờ vắng, người ta túm tụm quanh đôi quang thúng của chị hàng. Nhãng đi một chốc, lại bất chợt vang tiếng ai... dày. Không hiểu sao, đặc biệt ấn tượng với tôi là tiếng hàng quà rao như thế, trong trưa.


         Không độc quyền giọng đàn bà là hàng bánh mì. Hồi còn vất vả, bánh mì bán thay gạo, không thấy hàng bánh mì rong. Muốn ăn chơi thì hoặc ghé hiệu bánh mì đối diện rạp Ðại Nam, bánh mì tươi lại còn ủ trên một cái lò tự tạo, giòn tan, chút bơ, chút ba tê, xúc xích, thịt xa xíu nữa, và rưới đẫm ớt chưng tùy khả năng của lưỡi và môi. Không thêm hành, cà chua, dưa chuột và rau thơm gì cả. Chẳng thể biết bánh mì của hàng này quyến rũ bởi cái gì. Bơ? Ba tê? Xúc xích? Hay là ớt nhỉ. Ớt của hàng chưng sao mà khéo, đỏ óng ánh, cay đến là cay thơm đến là thơm. Chỉ có điều nhà hàng chắc là đông nên hơi kiệm lời vồn vã cầm chân khách. Bây giờ, hàng bánh này đã có cạnh tranh chưa?
         Mua bánh mì ăn vội thay bữa trưa nhiều lúc từ trường về quá muộn, ngày xưa tôi hay ghé luôn vào mấy hàng bánh mì ở bến xe hay trước cửa hàng gạo đầu khu tập thể. Mấy người đàn bà ngồi chầu hẫu bên thúng bánh. Thấy khách đi chậm lại là đồng loạt nháo nhác, đồng thanh cào khan cào vã vào mua. Có chị hàng bánh mì mặt tròn, da bánh mật, tóc dày búi chặt, mi rậm và buồn. Chả hiểu duyên gì mà bao giờ chị cũng chọn cái bánh mì phồng ấm nhất cho tôi, vốn rất ngại mặc cả và chọn lựa. Rồi chị lại còn kể, hối hả, trong khi bàn tay tìm bánh thì nhiều lúc chững hẳn. Một vùng quê. Người chồng còn trẻ mà mắt đã mờ. Ðứa con trai đầu lớp mười hai chỉ mong vào đại học, sáng đến trường chiều thay người cha giờ chỉ còn biết lần sờ quanh quẩn trong nhà, xốc vác giúp bố mẹ đắp đổi qua ngày. Người mẹ thì ngồi đây, bên thúng bánh, từ lúc còn chưa tắt đèn đường, nhớn nhác chạy hàng khi phòng thuế hay công an phường tới. 'Chị cũng cố thế này cho cháu hè này đủ tiền ra Hà Nội học thêm mấy buổi, không nó tủi. Rồi còn em nó nữa, cũng phải cố cho học chứ biết làm sao. Mình nhà quê ra đây cực lắm, cứ bị bắt nạt giành chỗ cô ạ.' Sau này, tôi gặp người đàn bà ấy ở bao nhiêu phố khác, lại đòn gánh đổi vai, bán bánh giò. Chị bây giờ ở đâu? Có còn một mình khuya sớm vỉa hè bươn chải cho chồng con, việc làng việc họ, cho giỗ chạp, cho chữ nghĩa. 'Chị tên là Diệu em ạ.' Chị tên là Diệu.

         Ðấy là khi hàng bánh mì rong đã bung ra tứ tung rồi. Ðội ngũ bán bánh mì có lẽ đông đảo nhất trong lĩnh vực bán rong. Ðủ mặt. Ðàn ông. Ðàn bà. Người già. Con trẻ. Tiếng rao va nhau chan chát đầu ngõ, góc phố. Cái thúng bánh chênh vênh trên đầu người này vừa lừng lững ra khỏi ngõ, đã lại thấy một thúng bánh khác bên sườn người bán hàng khác khấp khởi đi vào. Ðộ ấy, có người đàn ông già mắt đục giọng khàn hay ghé cửa nhà tôi, ngồi xệp xuống nơi ngưỡng cửa. 'Xin cô cốc nước. Trời oi quá, hụt cả hơi.' Trời oi qúa. Bữa bữa không thể thiếu bát canh rau. Ai ăn bánh mì suông được. Mà những người bán bánh mì thì một cái ngõ đuôi chuột nhà tôi thôi, hết ra lại vào, từ sáng cho tới đêm khuya.

        Cũng là một hàng bánh mì, nhưng hồi ấy, cả lũ chúng tôi cứ hỏi nhau, rồi lại giục nhau mua thử xem đó là cái gì. Bán hàng, một người đàn ông dáng đậm, quân phục phẳng phiu không quân hàm quân hiệu, dắt chiếc xe đạp nữ sạch bóng, túi to phình đằng sau. Trông hệt một ông thiếu tá về hưu được vợ sai phái việc gì. 'Tuyệt vời. Trên cả tuyệt vời.'  Nghe mãi mới ra lời rao lạ. Và chẳng hiểu đó là hàng gì. Rút cục qua bọn trẻ con mấy trường tiểu học mới biết trên cả tuyệt vời là bánh mì, làm thành thanh nhỏ và dài như cái đòn gánh. Quả là một phát minh thời ấy của lò bánh. Nhưng tuyệt nhất là lời rao, qua chất giọng ấy, trầm, âm vang, tự tin.


        Có một lời rao, đúng hơn, một câu hỏi tôi nghe trong rất nhiều ngày phiền muộn và khổ sở. Và nhớ mãi: Giường này mua không? Hàng: bánh mì. Người bán: Bà y tá già được tiếng mát tay tiêm, chọc ven và đủ thứ thủ thuật khác ở khoa hồi sức cấp cứu cách nhà xác chẳng bao xa. Bà mới về hưu. Gấp lại chiếc áo trắng, áo ngắn đời thường và thúng bánh mì cắp ngang hông, người y tá già và giỏi bắt đầu ngay một sự nghiệp mới. Có bao nhiêu tinh mơ chông chênh trong phòng bệnh trắng toát, tôi đã nghe tiếng bà rao cùng cả câu hỏi thăm bệnh tình những người dở sống dở chết nơi này. Như bao ngày tháng cũ mà tôi từng biết. Lại nhớ những đêm người bạn thầy thuốc hai tay khoát vạt áo choàng trắng, từng bước chậm kể về gia cảnh, và ' Khứ niên kim nhật thử môn trung...' say sưa. Ngoài kia trong đêm cây thao thức trở màu. Buổi sáng, nhìn qua khung cửa sổ, người mải mốt lại qua trên con những con đường nhỏ dọc ngang trong bệnh viện. Mưa phẩy qua mùa, ngưng lúc nào mắt cận thị nhìn không rõ. Rồi bất chợt nắng hừng lên. Có chàng trai không quen qua đường rất vội, tà áo khoác phồng căng gió. Xuân quá. Tràn mắt người ốm dậy một màu nắng xanh ngơ ngác. Hồ nghi không dám nhớ, đêm mùa, sự tin cậy đã cho nhau. '...Hà xứ khứ...' Năm tháng rất xa. Năm tháng trở về. Trong nỗi nhớ bà y tá già, tiếng cả và bóng lệch lệch cùng thúng bánh. Biết mình lại đủ sức quần thảo với những bình thản mà không bao giờ là vô tâm trong lòng mình, với ngày tháng lúc chậm lúc nhanh lúc dài lúc ngắn. Bởi trong hành lý đến với ngày mới có điều ấy, nguyên vẹn và thiết tha. Những lời xót đắng. Những lời thẳm sâu. Một đời vời vợi. Một đời ơn nhau.


        Cũng đầy ấn tượng, nhưng hay vào lúc chiều muộn muộn, là tiếng rao giò dầy của môt người trai trẻ. Trang phục: quần áo lính, nhưng không phong độ như người đàn ông bán tuyệt vời, người bán hàng là chàng trai độc nhất chăng trong đội ngũ bán hàng (quà) rong khi đó. 'Giò dầy'. Tiếng rao cao, không có dấu huyền, hụt hẫng. Toàn bộ âm vang nằm trong thanh không của hai chữ gio day, đột ngột phực lên trên những ồn ào bụi bặm. Khắp các phố. Tôi mua hàng của anh tại Lò Ðúc lúc xế chiều. Muộn một chút, dọc đường đi dạy thêm, đã lại nghe tiếng rao đó ở mạn Cửa Ðông Hàng Ðậu. Người bán hàng đội thúng giò với bánh trên đầu, tay ve vẩy, chân thoăn thoắt. Trông và nghe đều lạ. Lạ thế, anh có đắt hàng không?


         Rất bình thường, bao mưa nắng nhiều đời nay đã rất bình thường, mà vẫn gợi. Là tiếng rao của hàng tào phớ. Phớ... Hàng tào phớ chẳng hiểu sao chỉ thấy đàn ông bán, không phải là ông lão, cũng không phải là trai trẻ, đến nỗi tôi đâm nghi ngờ chất lượng khi một buổi chiều nghe tiếng rao đó qua giọng đàn bà. Ông hàng tào phớ hay dừng gánh trước ngõ nhà tôi, bốn nhăm ư? hay năm mươi? người vất vả thường trông già hơn tuổi, tóc húi cua, quần áo nâu già, cứ như từ trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn bước ra, hai đầu đòn gánh là hai cái thùng gỗ nâu xỉn xỉn. Bọn nhóc con được mẹ nhồi cho xong bát cháo sườn hay bát phở là tấp tểnh sà sang hàng tào phớ. Ông hàng mở thùng, cầm cái vỏ trai hớt nhẹ, mấy lát thôi, rồi nghiêng chai nước đường. Thế là đủ cho mấy bà mẹ trẻ tin rằng con mình đã thừa béo bùi ngọt nhạt cho đến bữa cơm trưa. Tào phớ ăn béo mà thanh, ngọt mà không lợm, ít nhiều giống như sữa đậu nành, hay những cô con gái không duyên sắc lắm, đủ tận tụy và thông thái, đủ  hiền hậu và nhí nhảnh, có thì bao nhiêu cũng được, nhưng ít được thèm được nhớ. Song tôi lại thích nhìn ông hàng tào phớ. Chừng mặt trời đã cao, khi hàng quà sáng bắt đầu dọn dẹp, ông tào phớ cất gánh lên vai, đi sâu vào ngõ, đôi thùng lúc lắc theo tiếng rao cao và dài. Ông hàng đó đã một lần làm tôi phục sát đất. Vừa đậu gánh thì có thằng ranh con tinh tướng lao xe máy từ phố vào trong ngõ, người ăn người bán líu quíu dạt sát bờ tường. Thùng tào phớ kềnh càng bị cái xe quệt phải. Tào phớ long chân, không còn mịn mặt mát mắt. Người bán hàng mặt tái. Ai cũng ái ngại, ai cũng sẵn sàng ăn giùm ông cho hết gánh. Nhưng: 'Bà con có lòng tốt thì ăn hộ cho tôi, không phải của sông của bể, đổ đi tội trời. Nhưng mà tôi không lấy tiền ai cả. Tôi không lấy.' Tôi đã ăn, tôi đã nhìn, tôi đã nghĩ. Ðã giật mình. Sự lương thiện, sự tự tôn nghề nghiệp này mình dám có, hay chưa?


         Những năm sau này, các cửa hàng gạo mậu dịch qua đợt cải tiến từ sổ sang bìa, rồi chẳng trống chẳng kèn im ỉm đóng, trưa trưa hay nghe tiếng rao của những hàng gạo từ ngoại thành vào. Người bán gạo thường là con gái, chồng con chưa không biết, nhưng trông dáng còn son lắm. Không còn quang gánh nữa. Các cô hàng xáo thời nay thồ gạo bằng xe đạp. Mà thồ thật khoẻ. Ai gọi là nhảy phắt xuống, miệng nói tay chìa nắm gạo làm bằng, rồi san gạo, cân gạo, cứ là thoăn thoắt. Chỉ bực một nỗi là đôi lúc có cô hàng gạo cân điêu qúa. Dặn ông chồng trẻ nghe tiếng rao thì gọi vào đong hộ cho vợ lưng thùng gạo. Cô hàng chắc tay múa miệng múa, ông chồng chắc đứng đực người, đến lúc xe đi rồi mới ớ cổ thông báo cho vợ hay là một cân gạo hình như chỉ gần tám lạng. Nhưng mà thôi, vẫn là cái sướng của thời nay, là đến lần sau nếu cô hàng gạo ấy đi ngang thì nhất định phải gọi vào mắng cho mấy mắng, rồi có đong gì thì mới đong, mà yên tâm lần này thế nào cân gạo cũng dôi, mà cô hàng thì sẽ không có cái động tác quăng sổ gạo và đôi hồi gì lại. Như những mùa cổ tích, nào đã xa xôi gì.


        Hàng gạo qua thì hàng chiếu lại. Ngồi chấm bài bên khung cửa sổ, nhìn người bán chiếu chân thấp chân cao đi ngang, đã có lần tôi tự hỏi giả dụ thời tao loạn đổi đời mìnhcó làm nổi cái nghề này mà vắt mũi đút miệng hay không. Ai chiếu đơi thì có thể rao, nhưng hàng thì chắc khó lòng khuân theo nổi. Nặng quá. Hai ba cặp chiếu đội trên đầu, một cặp lật bật trên vai. Người bán chiếu, không biết ở miền nào ra với phố phường này, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, ai gọi thì ghé vào, hạ món hàng cồng kềnh xuống, đưa tay quệt mồ hôi mặt, rồi gỡ ra cho người hỏi sờ từng đường cói, đãi giọng chê bôi. May thì bán được một chiếc, ít ai lại mua một lúc cả đôi. Không may, thì lại cuốn chiếu đội đầu, cong cổ đứng lên rồi bước, gửi tiếng rao về phía trước. Tấm chiếu mua về nằm sà sã, thâm mặt, đứt cói thì đem vứt, có ai nghĩ tới những bước bùn lầy của người trồng cói, cắt cói, những mồ hôi của người dệt chiếu và bán chiếu. Chỉ mới nghĩ tới bước người đi bán chiếu đã nặng hết cả lòng rồi. Nghĩ, cũng có ra cháo ra cơm được cho ai, khi mình luôn luôn là kẻ vô tích sự dù vô hại. Thôi. Thôi.

        Biết vậy mà lòng vẫn chạnh cái nỗi trời đày. Ðã ba mươi năm có lẻ rồi, tôi vẫn buồn buồn tưởng tới một dáng người bao trưa bao chiều âm thầm phố vắng lọc cọc xe bò kéo, đi về phía ô Ðống Mác. Ông cụ đi chậm chậm, cái đòn gánh không nhún nhảy như trên vai mấy bà đi chợ huyện hay mấy chị gánh tơ xuống trại tằm vẫn cho tôi nhộng sấy năm xửa năm xưa. Cái đòn gánh thẳng đuỗn, ngay đơ trên vai ông, mà thứ hàng ông gồng gánh hàng ngày đâu có nhẹ, là những chiếc làn làm từ sắt phế liệu. Vóc gầy trông bộ quần áo ta màu chàm bạc, sạch sẽ phẳng phiu, chòm râu thưa, mắt nhìn hiền hậu và xa vắng, dáng tự tại giữa phố phường của ông lão tiết lộ một điều gì rất lạ, không ăn nhập gì với gánh hàng thô nặng mà chả mấy người mua của ông. Rồi 1975. Rồi Hà Nội bắt đầu xanh xanh đỏ đỏ những rổ rá lồng bàn làn nhựa. Ông lão thôi đi về trên phố cũ lúc nào không nhớ nữa. Chỉ nhớ năm đó tôi vừa tốt nghiệp đại học, nho nhoe xin việc ở báo Phụ Nữ, có lần đi lấy tin dưới mạn ô Ðống Mác, tôi đã lân la hỏi về ông  cụ không rõ tuổi tên và địa chỉ cũng không. Ông lão từ đâu lại xóm nghèo không biết, sau hoà bình lập lại, ngày ngày đi rong phố với món hàng nghèo và nặng nuôi người vợ liệt, lặng lẽ tháng ngày. Bà lão mất rồi, ông lão cũng mất rồi chị ạ. Chị cán bộ phụ nữ phường thong thả kể. Lòng tôi gió, từ bao mùa lặng im, về bao cuộc đời lặng im.
 
         Phố rất hiền, ngõ rộng, quen từ tuổi bé. Rồi ngõ chật dần, bởi những bàn ghế và quang gánh, và những mặt người vừa xởi lởi vừa đăm chiêu. Toàn những bác những cô hàng xóm gần hàng xóm xa cả. Bao người trong số đó tôi biết từ khi họ còn con gái, rồi lên tuổi mẹ, tuổi bà. Bao người trong đó đã đi qua trọn vẹn thời bao cấp, đã âu lo khi tuổi già nhà máy ít việc dần. Và cái ngày nhận sổ lương hưu với họ là thêm một chút dấn vốn để bắt đầu một sự nghiệp mới với những lo âu mới, vì chồng, vì con, vì cháu. Gánh cháo sườn, gánh bún, chõ xôi, nồi ngô luộc... Nghe lao xao mỗi sáng tiếng mời chào, biết, chắc không ai tuổi ấy lại hình dung cho mình một tuổi già vất vả như thế này, lòng vẫn ấm những đam mê.

       Mùa hạ có người rao bán bột sắn dây. Gần tết lại có người đi long rong mời mua chè hay măng miến. Tôi không bạo mồm được với những hàng rong nếu mua phải bột sắn dây giả, chè mốc hay là miến sắn, nên đắt rẻ gì cũng ra hàng ngoài phố. Nhưng mà tôi thích, ngày năm tận, một hôm đang trong cơn ốm chợt nghe chao trong gió ngoài kia một tiếng rao dài. Lại muốn cùng người và mùa xuân, đi.


         Thành phố giờ phình ra, sôi sục. Thành phố giờ như cái bễ khổng lồ, thổi gió về những miền hiu hắt, hút tuột người từ nơi đó ra với vỉa hè. Hàng rong chắc nhiều lắm lắm. Nhưng những tiếng rao kia, không phải giọng người Hà Nội, liệu ngoài thông tin mặt hàng còn có những vang âm nào?
        Có. Khi nào chẳng có. Khi nào nơi ấy lại vắng những lòng người như gió, thổi vào mình mọi nỗi, để rồi tự vang vọng lại, âm thầm!

Lê Minh Hà
28. 4. 03
7. 5. 03