*

 








Gió ngày ấy còn thổi mãi


 
Hai mươi năm trước ngõ là một con đường nhỏ dẫn thẳng vào khu tập thể gồm hầu hết là các gia đình văn hóa mới, có chứng nhận đóng dấu phát hàng năm. Một cái cổng lớn bằng sắt hàn hoa lá cành thường xuyên được gia cố, cánh lớn luôn được khóa chặt, giống như mọi cánh cổng liên quan tới những nơi quyền chức từ bấy đến giờ. Cư dân trong khu thì ra vào qua cánh cổng nhỏ luôn luôn mở. Đã có lần một ông cán bộ cao cấp có tiêu chuẩn Volga hứng chí cho anh lái xe nghỉ, tự mình ngồi sau tay lái đưa vợ tới thăm một người bà con sống ở đó. Bà vợ oai phong lẫm lẫm đã được anh thường trực cung kính nép bên cánh cổng nhỏ mời vào, còn ông chồng cao cấp của bà thì được đá mắt kèm lời dặn: 'anh ngồi ngoài trông xe chờ đồng chí đây không nhỡ trẻ con nó tắt mắt thì chúng tôi không chịu trách nhiệm.' Cuộc viếng thăm đó đã trở thành một huyền thoại của ngõ, được kể tới tận bây giờ, khi mà cánh cổng cũ đã được tháo bỏ (có lệnh hay tự động thì cư dân không một ai biết). Ngày gặp mặt cán bộ công nhân hưu trí, ông thường trực cũ mắt đã đục đục, bộ còm lê si đa mua đâu đó trên mạn Quốc Tử Giám giật giật mấy ngón tay ông bạn già hỏi thăm về ông khách cốp dạo nào. 'Khổ. Nào tôi có biết. Thấy bà ấy bảo gì ông ấy cũng nghe, lại nữa là ông ấy tự lái xe... May gặp ông ấy không để bụng chứ hôm ấy thì tôi hoảng quá... ông ấy mất rồi à... Khổ...'

Huyền thoại dĩ nhiên để nghe mà nửa tin nửa ngờ. Bọn trẻ bây giờ phóng xe ào ào vào ra cái ngõ chật hàng ngày theo châm ngôn 'đi xe xịn là để người tránh chứ đâu phải để tránh người' không hoài hơi tìm hiểu những huyền thoại kiểu như thế, cũng như những điều kiện tinh thần vật chất làm nảy sinh huyền thoại, chẳng hạn sự tồn tại của một cái cổng có thật và một ông thường trực có thật một thời. Cũng có thật một thời: vườn hoa giữa khu tập thể, tiếng bóng chuyền vang rất xa những chiều hè đầy nắng, những bông sen với mùi hương có thể làm người ta đêm về bay lên được trong bóng tố dày đặc đầy hăm dọa, bởi tiếng còi báo động quen thuộc mà bao giờ cũng đột ngột.

Không có ai từ nơi đó thúc nhau 'đi đi đi đi'. Không có ai từ nơi đó gọi nhau 'về đi về đi'. Người ra ra vào vào cánh cổng vô hình xưa, thân yêu thì hồ hởi chào nhau, hỏi giá mớ rau con cá vừa mua. Mà ghét nhau, vừa cãi chửi nhau thì cũng cố làm sao để 'con mặt... kia' biết nỗi khinh bỉ đang chực vỡ òa ra, nhưng nếu có vỡ òa ra ở đây thì cũng không bị lên án là kẻ chấp nhặt và gây sự...

Thật ra thì tôi hoàn toàn không liên quan gì đến cái ngõ nhỏ đầy ứ chuyện vặt vãnh của thế gian kia. Tôi đứng bên này đường, trấn ngay trước cửa một nhà hộ sinh, ngày ngày nhìn những bà ộ ệ đi vào và khép nép đi ra, nào khăn nào nón, đùm đùm gói gói, mặt mũi vừa võ vàng vừa bủng beo, nhưng mắt thì cứ sáng rực. Tia sáng đó chúng ta thường chỉ thấy ở mắt người vừa sống lại. Không phải lúc nào họ cũng hớn ha hớn hở cái vẻ ấy, tạm gọi là vẻ đàn bà. Có những người đi vào một mình, đi ra một mình, mặt cúi gầm, và tia nhìn của họ không hòa được vào ánh ngày rất rực rỡ ở miền đất này, khoan thủng mặt đất lầm lỳ, làm chân tôi buốt nhói. Khi đó, tôi thường lắc mình, rì rào, cố cho giống một một tiếng thở dài an ủi mà người đời có thể cho nhau. Nhưng có lẽ tôi đã cố làm một việc không vừa sức, nên họ, những người đàn bà đó thường không nghe thấy, cứ cúi mặt như thế bước dấn về phía phố. Chỉ có một lần, tôi nhớ rõ, có một người con gái gầy guộc, mặt vàng như nghệ, ôm một bọc nhỏ cúi đầu bước ra khỏi cổng nhà hộ sinh. Tôi đã cố chao cả vòm lá trên đầu, gọi gió giúp sức. Tiếng gió lá rì rào, như một hơi thở nhẹ, êm dịu, bất thường vào buổi sáng tháng bảy nóng giãy giụa cả người đã khiến cô gái ngẩng đầu lên. Đôi mắt cô ứ đầy nước và cô mỉm cười. Từ bên đường bước vội sang một cô gái khác. Họ trao nhau cái bọc, từ đó thoát ra tiếng oe oe non dại. Tôi nhớ chuyện này là vì nụ cười và đôi mắt ướt kia. Họ dìu nhau đi vào ngõ, đầu ngẩng cao, bất chấp những đôi mắt nhìn họ. Có một bà nạ dòng từ trong đó lao ra giằng lấy cái bọc đùm đứa bé, chửi bới cô gái ầm ỹ. Một bà khác cũng lao ra. Hai người đàn bà trẻ chỉ né người, bình thản đi tiếp. Chỉ có tôi biết cùng họ rằng con đường dẫn từ cái cổng chỗ tôi sang cái cổng bên đường rất dài, dài sang tới kiếp sau của họ.

Hoàn toàn không phải vì linh thiêng mà tôi biết được những điều vốn mù mịt với con người. Mặc dù quả thực người ta hay tới gốc tôi khấn vái. Xứ sở này vốn chuộng những điều bí hiểm, nếu không có thì họ sẽ tự tạo. Nên đền miễu bị triệt từ năm này qua năm khác mà còn nguyên đó. 'Thần cây đa ma cây gạo.' Tôi chưa từng được yết kiến vị thần đã lấy thân tôi làm nơi trú ngụ. Mà ma, có thật sao? Chỉ nhớ lâu lắm lắm rồi, bảy tám kế hoạch năm năm rồi, một đêm kia có người đàn bà trẻ mang đến đặt giữa rễ cái rễ con của tôi một bọc nhỏ chỉ còn hơi âm ấm và hoàn toàn câm lặng. Nếu tính thời khắc theo giờ làm việc của rất đông người khi đó thì đấy là giữa ca ba. Những người quét đường còn đang rê chổi đoạn đầu phố, phải tảng sáng hoặc muộn hơn họ mới tới được nơi này. Người đàn bà ra đi không dùng dằng. Nhưng tôi biết chị ta đã khóc, khóc nhiều lắm, trước và sau khi từ bỏ cơ quan mà chị ta đã làm việc mấy năm trời, khóc khi một mình lăn lộn bên rệ đê làng Thanh Nhàn, cái làng mà dân cư của nó toàn những kẻ cả đời không biết tới chữ thanh nhàn, khóc lúc tỉnh dậy thấy bên cạnh mình là đứa bé vẫn dính với mình bằng một sợi thịt da định mệnh. Chị ta sẽ còn khóc nữa, khi đã trở thành một bà lão bệ vệ và lắm của chìm, rất được ông chồng đang lên như diều thì bị hất về hưu sớm và những đứa con ngoan ngoãn giỏi làm ăn kính yêu. Nhưng đấy là chuyện của bây giờ. Tôi là một cây đa già lão. Người già thì thích ôn cố trước khi tri tân.

Tôi vừa nói chuyện ma. Phải, nếu có thì con ma nhỏ đó nay cũng đã thành một ma luống tuổi. Đứa bé đó cứ lạnh buốt dần đi giữa những rễ cái và rễ con của tôi. Lúc tảng sáng, khi bà lão bán xôi thường ngồi sát tường nhà hộ sinh phát hiện ra thì đứa bé chỉ còn là một hình người bé bỏng bầm tím. Cái linh hồn bé nhỏ đó nấn ná một hồi lâu quanh mấy cái tã cái chăn cũ cũ rồi bay lên lẩn vào vòm lá, buồn bã nhìn xuống đám người đang lao xao thương cảm và chì chiết, thở dài. Đấy là một tiếng thở dài kỳ dị, rất kỳ dị vì không chứa ẩn một chút nào sự thoả mãn bé thơ, làm lớp da xù xì của tôi co lại vì đau đớn. Rồi nó bay đi. Không bao giờ nó trở về.

Nhưng mà từ đó dưới gốc tôi bắt đầu một cuộc sống khác. Bà lão bán xôi đặt nơi thằng bé bị lỗi giờ sinh một bát hương. Những buổi sáng tiếp theo bà đều cắm vào đó một nén hương và đặt bên cạnh một bát xôi. Bát xôi đó, khi đã hết hàng, bà sẽ nhẩn nha gảy gảy tàn than và ngồi nhai chậm rãi cho đến hết trước khi cất gánh lên vai về nhà. Có vẻ như từ hôm đó bà thường bán hết hàng sớm. Không biết vì sao, một sớm kia bà thôi bán xôi, chuyển sang bán vàng hương, cũng ở chỗ đó, và bảo rằng thánh khiến bà. Thánh, theo cách giải thích rối mù mà hết sức đơn giản của bà, chính là đứa bé, nay đã được sung vào đội ngũ những ông hoàng.

Bà lão sai một thằng cháu đóng cái hòm gỗ, sơn đúng màu sơn của quan tài loại ba mậu dịch bán căn cứ vào giấy chứng tử, chất đầy ở một cái phố nhỏ gần gần đó. Thằng cháu phát huy trí tuệ cho xứng với đồng bạc tương đương năm bát phở gà của bà, đóng đinh treo cái hòm đỏ đó lên thân tôi, chỗ có cái chạc ba đầu tiên, thỉnh bát hương đã ấm chân vào đó rồi dùng vôi ăn cắp của công trường gần nhà quét một vệt trắng lốp từ đó xuống tới gốc. Thật không ngờ rằng chỉ một cái hòm đỏ nhỉnh nhỉnh hơn tổ chim bồ câu như thế đủ để đánh thức lại cả một niềm tin tưởng ngỡ đã chết từ lâu trong lòng dân chúng. Người ta đổ xô tới khấn vái, bát hương đặt cao quá không cắm được thì họ cắm hương thẳng vào mặt đất, giữa rễ cái rễ con. Những bà chửa đi đẻ thắp hương trước lúc còn chưa khóc mếu vì đau. Người nhà họ hớt hải chạy ra thắp hương khi những cơn đau kia đã tới mức bất bình thường. Những bà bán hàng trong cái chợ gần đó đều đặn khấn vái nhoay nhoáy trước lúc mở hàng. Những ông mặc thế sự xoay vần, cứ tiếp tục các lễ nghi cúng quảy để xin thánh thần đừng rời bỏ đất nước này mà đi hết. Người ta xin phù hộ và người ta lễ tạ, đông nhất là vào rằm mồng một, chen chúc nhau, thích đẩy nhau, lườm nguýt nhau trong khoảng cách từ gốc cây cho tới bờ tường nhà hộ sinh. Hoàn toàn công khai, bởi ngôi nhà sát nhà hộ sinh khi đó là một xưởng chế biến mì sợi và bà chủ xưởng cũng rất thành tâm vái gốc tôi đều đều mỗi sáng. Sau này, khi hết chiến tranh, bột mì viện trợ không còn và xưởng chế biến mì sợi phải đóng cửa, nhà xưởng trở thành trụ sở công an phường thì mọi sự cũng có khác đi. Nhưng tôi sẽ kể lần lượt và còn chưa tới khoảng thời gian đó...

Một cách ngẫu nhiên, tôi biết được cư dân trong cái ngõ bên đường luôn luôn khai không đúng địa chỉ của mình. Cứ như trời xui, ai cũng như ai đều một mực nói là nhà họ ở Cây đa Nhà bò. Nghĩa là bên này đường, dưới gốc tôi. Nghĩa là ở trong nhà hộ sinh. Một cô gái đã đỏ hết mức có thể đỏ khuôn mặt xinh xắn khi đọc trong cái cười của anh bạn mới quen một sự nghi ngờ không xứng đáng với sự thành thực của cô. Tôi rất tiếc phải kể ngay ở đây rằng đấy chính là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mối quan hệ của họ không thể khai thông được, mặc dù cả hai đều trẻ, đều thông minh và nói tóm lại là đẹp đôi. Cần phải biết rằng vào những năm tháng ấy không thể có một cô gái chưa chồng điềm nhiên đi qua gốc tôi bước vào cổng nhà hộ sinh nếu không có một lý do chính đáng, liên quan tới một người khác có lý do chính đáng để vào ra nơi đó: một bà chị ruột của mình hoặc của bạn, một bà chị họ, một cô em, hay bà mẹ (ví dụ thế) đi đẻ.

Thực ra thì cả khu tập thể bên kia đường mang chung một số nhà, như mọi số nhà khác. Đấy là một trong những khu tập thể đầu tiên được xây dựng sau ngày tiếp quản Hà Nội. Không phải là một khu dân cư chung chung mà là khu tập thể của một nhà máy. Ba dãy nhà cao tầng cách nhau những khoảng sân rộng thênh thang và những vườn hoa to như một góc công viên. Tất cả các căn phòng đầu tầng đều rộng gấp đôi các căn phòng khác. Theo như cách người ta hình dung về một cuộc sống chung đầy lý thú thì đó sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa của cư dân trong tầng, đọc sách chẳng hạn, đánh bóng bàn chẳng hạn. Trong những tiểu thuyết Liên Xô được hào hứng dịch và đọc thời ấy thì căn phòng đó sẽ được gọi là Góc đỏ. Những cái cống lộ thiên chạy xung quanh mỗi ngôi nhà bao giờ cũng khô rang và không một cọng rác vào ngày nắng ráo. Ngày mưa, nước theo đó chảy ồ ồ xuống cống cái. Không bao giờ khu tập thể bị ngập, ngay cả lúc đầu kia thành phố dân chúng bì bõm lội trong nước dâng như lũ trên phố. Những cái ghế cho trọng tài ngồi thổi còi cầm chịch mỗi trận đấu bóng giao hữu giữa cư dân trong khu hay giữa đội bóng của nhà máy với các đội bóng khác trong thành phố luôn được gia cố. Cư dân của khu tập thể sống gần như cùng một nhịp ăn, làm, chơi. Cũng có đôi ba gia đình có một nhịp sống khác khiến mọi người vừa nghi ngại vừa ganh tị. Nhưng họ là thiểu số, và tôi thích kể tiếp về số đông hơn.

Cô gái mới vượt cạn một mình kia không thuộc thế hệ những đứa trẻ đầu tiên có mặt trong khu tập thể. Những đứa trẻ đó, sinh sau ngày hòa bình lập lại, lúc bố mẹ đang phấn chấn vì căn phòng tập thể mới được phân có một đặc điểm chung: chúng thường mang những cái tên trùng lặp và người ta phải phân biệt chúng bằng cách gọi ghép tên người sinh thành ra chúng. Rất nhiều Quyết; Chiến; Thắng; Hòa; Bình; Hồng; Hà; Quang; Minh; Nam; Trường; Sơn... Gọi lên nghe đã hừng hực tinh thần thời đại, có nhuốm chút gì đó quê quê (ở tên các cô gái).

Thế hệ trẻ con đó là anh chị của cô gái vừa một mình vượt cạn. Chúng nó đã từng chứng kiến mà không hề biết cái phút quyết định sinh tử của cuộc đời cô. Lúc cô mới chỉ là một mầm sống...
 
*
 

Đêm đã thở một hơi dài mát mẻ vào buổi chiều hè ít gió. Phố đã lên đèn. Những bóng đèn không có chụp lung lay trên những sợi dây điện chăng dọc ngang trên thành phố như một tấm mạng nhện khổng lồ. Thế nhưng khu tập thể vẫn âm thầm tối. Vẫn chưa có điện. Những người đàn bà đang chầu hẫu chờ đợi bên mấy cái máy nước công cộng rên rỉ. Thỉnh thoảng lại có tiếng ré lên của một bà nào đấy khi bị mấy ông tắm gần đó dội bắn vào. Bà gầy nhăng nhẳng than phiền:

'Nóng bức thế này mà nhà ăn hôm nay không làm cho chảo nước rau muống luộc cho mát ruột. Cơm chiều mấy đứa nhỏ tha về, nhìn thấy bát canh bí đỏ đã bứ cả cổ. Chan húp trệu trạo được vài ba miếng là buông đũa.'

Bóng tối chụp lấy mấy người đàn bà. Tiếng một cô tre trẻ:

'Em dặn con bé đặt nồi chè đỗ đen. Mà quên không đóng lò mùn cưa trước. Cháu nó tự làm, lỏng tay, nồi chè chưa nhừ lò đã sụp. Nó không biết tương ngay đường vào... Còn lạng đường ướt mua vội vàng hôm rồi sợ hết hạn. Đỗ một nơi đường một nẻo. Cũng cố húp.'

'Còn không? Nhà này còn khúc đá. Tôi ủ mùn cưa chưa chảy hết đâu. Bảo nó sang lấy về mà ăn chè. Mùa này chỉ chè đỗ đen đá là chơi được. Nóng thế này ăn gì cũng như nhai trấu.'

'Không ăn được thì phải nằm. Nằm một lúc chiếu sũng mồ hôi. Bọn trẻ con thì thích lăn trên sàn đá. Nhưng mà chỉ mát được vài ba phút, xong rồi là có thoát được mồ hôi đi đâu đâu. Em bảo chúng nó rải cái chiếu không đứa nào chịu nghe...'

Lại tiếng bà gầy nhăng nhẳng:

'Ừ, nhà này cũng thế. Chúng nó lăn khắp nhà chẳng màn chẳng chiếu. May mà nóng thế này muỗi cũng sơ tán đi đâu tiệt cả. Sáng dậy bước chỗ nào cũng rin rít bàn chân vì mồ hôi. Ngồi quạt cho con rã cả tay. Vừa đặt lưng nằm thì chồng lại...

Tiếng cười vừa phá ra bị ngắt nửa chừng bởi tiếng trẻ con bỏ dở cuộc chơi trốn tìm, ùa ra từ những miệng hầm công cộng chưa được lấp, chạy rình rịch, hố hố há há: 'Ra xem bà điên hát. Bà Tam bị điên chúng mày ơi'. Lũ đàn bà buông những cái chậu đầy ụ quần áo đương giặt dở, vặn lưng đứng dậy buông tất cả xoong nồi xô chậu rảo chân theo lũ trẻ về phía cổng. Đám đàn ông buông gầu, độc quần đùi ướt huỳnh huỵch chạy xô về phía trước. Phía ấy, phía cây đa già, vẳng lại một điệu ngâm thơ, rồi làn thảm, rồi sa mạc chênh, rồi lại cả 'Đường cày đảm đang' và quan họ. Loạn xà ngầu. Rõ là cuộc biểu diễn của người điên. Người đàn bà điên vắt vẻo trên cành cao chót vót, cười khanh khách, chới với gọi xuống: 'Này chị em ơi...'. Điện bật sáng bất ngờ. Những người đàn bà đứng dưới kinh ngạc và âu lo. 'Đúng là chị Tam. Sao lại thế này trời ơi.' - Tiếng người đàn bà trẻ. Tiếng người đàn bà sồn sồn: 'Vừa hồi chiều cô ấy còn đứng chia cơm ở nhà ăn tập thể'. Những tiếng xì xào nửa thương cảm nửa ơ hờ lan trong đám người dở quen dở lạ đang phình dần ra dưới gốc cây. 'Thiếu vi ta min A đấy mà. Tôi nói đố có sai. Bây giờ có ông nào trèo được lên sờ nhẹ vào người bà ấy một cái là yên cả.' Tiếng cười ùng ục vang lên như tiếng nước mới đùn ra khỏi ống sau một thời gian dài bị mất. 'Thì ông thử trèo lên. Nói thế là đầy mình kinh nghiệm rồi.' '... Mẹ mấy ông này. Nói thật lại tưởng là đùa nhả. Hồi tôi ở bộ đội, đàn bà con gái bị đầy. Tự dưng khanh khách cười nửa ngày không dứt. Tự dưng khóc rũ rượi như bị ma làm. Nằm co quắp cứng đơ. Cứ ông chính trị viên vào đặt tay lên người một cái là thở bình thường, ngủ dậy lại đâm đầu đào bới gỡ bom phá đá như điên...' Đám người cứ đông dần lên, nhưng dần dần lặng phắc. Chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng thì thào: 'Đừng làm cô ấy sợ nhỡ nhào xuống thì chết'. Một cô gái trẻ nói với lên như khóc: 'Xuống đi chị Tam ơi. Về nhà đi tắm đi... em hứng cho chị hai xô nước đầy rồi. Về nhà hát. Về em quạt tóc khô cho. Về nhà đi mai còn đi làm...' Người đàn bà vẫn khanh khách cười vẫn vẽo vọt hát từ cái chạc ba cao chót vót, tóc đổ dài bay rờn rợn trong cơn gió đêm vừa mới nổi. Bài hát về một cây trúc xinh đứng một mình vẫn xinh. Bài hát về bèo dạt mây trôi và những nỗi lòng dang dở. '...Đôi ta thương nhớ í i ... biết bao giờ... lại nhớ tới người... ra sông lại nhớ tới người chứ xuống sông... xuống sông gánh nước.. í i...' Đám đông chợt mê đi. Chưa bao giờ họ nghe người đàn bà nhỡ thì này hát. Sâu lắng. Vời vợi. Đượm một nỗi gì giống như là hạnh phúc. Và điều ấy trở thành kì quái khi người đàn bà thốt nhiên ngưng giữa lời ca, khóc khóc cười cười. Không ai để ý người đàn ông tới cùng đồng chí trưởng công an khối.

'Nào bà con ta giải tán. Giải tán. Khẩn trương. Về ngủ mai còn đi làm. Mấy đứa nhóc này... đằng sau quay... chạy!... Nào bà con mình rẽ ra cho chúng tôi làm việc...

Đám đông ồn ào trở lại. Người đàn bà lại hát váng lên. Trẻ con cứ như cóc nhảy ra rồi lại nhảy vào. Cái giọng Nghệ của anh công an nói bình thường nghe cũng ra khẩn cấp mà chẳng có tác động gì. Thế mà người đàn ông vừa cất tiếng là mọi người xì xào nhỏ dần rồi theo nhau rời gốc cây. Người đàn bà trên cành cao cũng ngần ngừ im tiếng.

Người đàn ông nói giọng Nam bộ nghe nhỏ nhẹ. Mọi người ai cũng biết ông. Độc thân. Phó giám đốc nhà máy. Ở một mình một phòng nhỏ sửa lại từ cái nhà tắm ở tầng một. Dân tập kết mà không bia rượu, không ăn mắm sống. Nhiều khách và nghe nói vợ con còn trong kia. Mấy anh cán bộ tổ chức hành chính, ông bác sĩ rể của nhà máy, mấy người đàn ông năng nổ và đồng chí công an xúm vào nhau, vung tay vung chân rồi đồng loạt quay sang ông Thản;

'Làm thế nào bây giờ anh? Trèo lên thì trèo được. Nhưng sợ nhỡ ra chị ấy hoảng nhảy thẳng xuống đất thì...'

Anh công an hộ khẩu khum hai bàn tay làm loa hướng lên người đàn bà dở tính:

'Chị Tam ơi xuống đi, xuống có chuyện gì thì đề đạt với các đồng chí có trách nhiệm. Xuống đi chị... Có gì mà phẫn...'

Anh cán bộ tổ chức của nhà máy gạt ngang:

'Sao đồng chí lại nói vậy. Ai làm gì mà chị ấy phẫn. Chị Tam xuống ngay. Có gì thì phản ánh chúng tôi giải quyết!'

Người đàn bà điên đung đưa đôi chân, vuốt mớ tóc dài về đằng trước, khe khẽ cười, khe khẽ khóc, rồi lại hát váng lên. Tiếng hát giờ khản đặc. Ông bác sĩ đứng nghiêng người nhìn xuống bàn chân lắng nghe...

Ông bác sĩ đến gần ông Thản:

'Anh Thản này! Tôi nghe như chị này giả dại đấy thôi. Nhưng cũng là vì đầu óc căng thẳng lắm. Không biết chuyện gì. Thường ngày ở cơ quan anh chị ấy làm gì... Làm nhà ăn à? Hay là có chuyện chấm mút gì bị vỡ lở ra...

Người đàn bà điên đã chuyền cành xuống gần chỗ hai người đàn ông đứng, bất chợt cười phè phè, và lại tiếp tục vẽo vọt những lời ca vờn quyến thê thảm. Ông Thản lắng nghe, cố trấn áp xuống đáy lòng một nỗi xót thương sâu xa. Ông không biết vì sao người đàn bà lại dở ra như vậy. Chỉ mới chiều nay chị ta còn đứng chia cơm trong nhà ăn. Chị ta bao giờ cũng ý tứ xới cho ông một gà mèn cơm vơi vơi, nhưng lại gia thêm thức ăn hay chút nước canh vào cái nắp gà mèn. Chị ta không mấy lúc bắt chuyện với ai. Nhưng chăm làm như một bà cố nông vừa được chia ruộng. Suốt mấy năm rồi chị ta là chiến sĩ thi đua của nhà máy. Cũng cảnh cơm tập thể như ông. Có lần bên bể nước, ông thấy chị ta nhặt mớ rau và vo một rá gạo con, cười ngượng nghịu lúc mọi người trêu chọc về nỗi người làm bếp ăn tập thể lại chê cơm tập thể. 'Nhà có ông anh họ' - 'Thế không phải là ông anh ruột à? Anh liền ruột ấy mà. Nghe phong phanh cô có... Này, cứ tìm cha nào xa vợ mà tấn công áp sát. Tiếc gì cái mác chiến sĩ thi đua. Gỡ gạc lấy đứa con... ' Bà có tiếng bỗ bã nhất cười hơ hơ nửa châm chọc nửa thành tâm khuyên bảo... Khi đó ông Thản đã lặng lẽ xách xô nước rút dù. Lòng ông đau nhói. 'Có hẳn đàn bà cứ phải tầm ruồng đàn ông chỉ để kiếm một đứa con?' Về phòng, ông Thản buông phịch xô nước ngoài cửa, ngồi như một gốc cây khô. Ông nhớ đôi môi mềm ấy, làn da nóng ấy, đôi mắt ấy. Hừng hực và lấp lánh trong bóng mờ căn phòng không bao giờ tối hẳn bởi ánh sáng của ngọn đèn đầu đường hắt chéo vào. Người đàn bà ấy ông đã bao năm theo đuổi, đã cưới về, đã có với ông hai mặt con trước ngày ông ra đi, đã chỉ nhìn ông ứa nước mắt. Vợ chồng ông buổi đó không nói lời hẹn thề. Nhưng mà ông tin cậy vào những năm chung sống. Sự ngu ngốc của đàn ông! Nhưng có hẳn là như thế. Khi mà khoảng thời gian chia xa đã không phải là hai năm, đã là mười hai năm...

... Những người đàn ông đứng bối rối và bất lực dưới gốc đa. Ông Thản lên tiếng, qủa quyết và điềm đạm:

'Thôi các anh cứ về ngủ mai còn công việc, để tôi đứng đây chờ chị ấy xuống.'

Anh công an hộ khẩu trẻ mừng rỡ vì được giải thoát ra khỏi công việc bó tay bó chân này, nhưng cũng có phần lúng túng:

'Vậy thì hay rồi. Tôi về qua đồn một chốc rồi lại chạy ra. Mà có điều gì gấp rút thì đồng chí chạy qua chỗ tôi...'

Phố vắng dần. Vào khuya. Ông xích lô vẫn chực khách trước cổng nhà hộ sinh cũng đã vắt mình lên yên kẽo kẹt đạp đi. Ông Thản đứng lặng lẽ dưới gốc cây, tiếc đã không hỏi ông xích lô hút nhờ một điếu thuốc lào cho bớt cơn thèm một hơi thuốc lá bất chợt khô ran lồng ngực. Gió đêm rờn rợn quẩn trong vòm lá. Người đàn bà điên im lặng, lầm lũi tuột dần xuống. Ông Thản lặng lẽ gio tay. Người đàn bà đổ nhào vào ngực ông, nức một hơi khan, âm thanh khản đặc: 'Em khổ quá.' Không biết vì sao ông Thản lại nói như mình biết cả: 'Đừng dại dột em ạ. Trẻ con không có tội gì....'


*

Chỉ có tôi biết rõ nguồn cơn câu chuyện của họ:

- Anh bảo em làm sao bây giờ? Không chồng mà chửa. Nhục nhã thân em đã đành. Còn mang tiếng cả nhà máy. Biết làm sao bây giờ.

- Đừng oán hận người ta chị ạ. Có phải là lúc ấy chị đã hạnh phúc? Đừng băn khoăn miệng tiếng người đời. Trẻ con không có tội gì. Mà nếu chị quyết... thì tôi sẽ trao đổi với ban phụ nữ nhà máy xem có cách nào... Chỉ có điều ta phải cùng nghĩ cho kĩ. Biết đâu đứa trẻ không phải là nguồn cơn đau khổ...

Người đàn bà đổi thế ngồi, vén gọn mái tóc rồi chậm chạp búi lại:

- Anh nói phải. Nếu em bỏ cháu, miệng tiếng người đời em cũng vẫn không ngăn được. Đã chắc gì để mà hy vọng vào duyên muộn. Chỉ có điều em sợ... Nhà máy sẽ không kỷ luật em chứ anh. Anh nói hộ em một câu. Tội nghiệp. Giờ mà em bị đuổi... Đã thoát ly rồi mà phải đâm đầu về quê, ruộng đất vườn tược không, nhục thân em đã đành, cả nhà em nhục. Sinh cháu ra để cháu bị sỉ vả bêu riếu từ trong nhà ra ngoài làng, thà rằng em lại trèo lên cây đâm đầu xuống...

Người đàn bà cố trấn áp nỗi sợ trước cái nhục thứ hai, nếu tính cách trục mầm sống ấy ra khỏi thân mình. Sẽ còn phải lâu lắm kể từ ngày ấy những phụ nữ lỡ làng như chị mới có thể tự do đi vào phòng sinh đẻ có kế hoạch ở các bệnh viện phụ sản, đóng tiền, nhận một cái tích kê, rồi mấy tiếng sau yên tâm ra về trong cảm giác vừa nhẹ nhõm vừa đau đớn vừa cắn rứt. Không có một tờ giấy cam đoan của một người chồng cho phép chị làm điều ấy, chị sẽ phải xin giấy chứng nhận ở cơ quan, sẽ phải chịu đựng đủ kiểu nhìn như muốn lột da rút xương của những người quen người lạ. Chị đã từng biết điều đó, không hẳn là người trong cuộc. Nhưng tuyệt nhiên không phải là kẻ đứng ngoài. Mãi mãi chị không quên nổi buổi chiều ấy, buổi chiều chị vừa tròn mười tám tuổi, buổi chiều chị rơi tõm vào trong nỗi đau đớn không cùng tận của đời đàn bà.

*

- Ối giời chị Phận. Tưởng chị hôm nay đi chợ Thá. Em đang dở tay làm cỏ. Chị vào nhà... U em trong buồng. U ơi, chị Vân đến chơi đây này...

Người đàn bà kéo nón, múc nắng tạt mặt. Đôi mắt dài có cái nhìn rừng rực và làn môi nhợt nhạt làm cho gương mặt ấy thật đáng chú ý. Thời mỏng mày hay hạt, thời má đỏ môi hồng, thời ngồi trên hè chằm nón thỉnh thoảng nhìn ra sân nắng cười một mình của chị đã tàn héo từ lâu, từ lúc tiễn chồng đi B, suýt chết vì đẻ non ngay buổi tối xã làm lễ báo tử một loạt mười anh trai làng. Từ ngày đó, Phận quần quật làm, thôi không chằm nón nữa mà đi buôn nón những ngày việc đồng áng vãn. Chị hay qua nhà Tam, nhìn con em họ vai cứ tròn dần, má cứ ửng dần, tóc cứ bóng dần, thở dài bảo bà Nhị:

- Thím đừng bắt nó lấy chồng sớm. Chả trai làng thì trai thiên hạ. Hiếm gì. Như cháu đây, nói thím đừng cười, đến cái hơi chồng có muốn nhớ cũng không nhớ nổi. Thì thím bảo cưới được có mấy ngày. Người làng người nước cả. Bố mẹ cháu nhận lời thì cháu cũng gật. Biết gì đâu. Chúng cháu chả được như chú thím...

Bà Nhị cười. Bà cũng cảnh vợ liệt sĩ từ khi còn trẻ. Cũng bao đêm nghiến răng nằm không dám mộng, không dám đặt bàn tay lên chính thịt da mình, từ chập tối đã thu vén con dao bầu đặt đầu giường. Nào phải để phòng ai. Phòng chính mình thôi. Nhưng bà biết mình hạnh phúc hơn người cháu họ của chồng. Ông bà mê nhau thật. Lại nữa bà không vướng bận gì nhiều với gia đình nhà chồng. Ông Nhị con độc, các cụ qua đời sớm cả. Đến tuổi này, nghe cô cháu họ của chồng than vãn, bà Nhị mới giật mình. Giá không thương nhau đến vậy, giá không từng mê nhau đến vậy, không biết bà có giữ mình khó hơn không...

... Bà Nhị cầm con dao bài rọc lá trầu mà tay cứ run bần bật:

- Việc đến thế rồi hả cháu. Mày định sao bây giờ. Mà sao ngu thế, đã chồng đã con rồi, cũng phải biết giữ thân. Ai lại để tới tận giờ mới tính. Vỡ chuyện ra thì mày chỉ có nước chết với nhà nó.

- Cháu chả sợ thím ạ. Ông Trác ông ấy đang ngõi ghế chủ tịch xã, đố dám làm ầm lên. Xấu mặt cháu thì hổ mặt ông ấy thôi mà. Ông ấy rên ầm ầm. Những là tôi tưởng thím lòng gang dạ sắt thờ chồng. Bao nhiêu đàn bà góa đàn bà ế, được cái danh vợ liệt sĩ là hơn thiên hạ đủ đường. Cháu mới bảo thế này, thế thì bác gái có lẽ cũng mong cái danh ấy lắm. Sao ngày ấy bác đẩy nhà em nhập ngũ ở nhà làm ông xã đội trưởng quèn. Bây giờ bác làm phó chủ tịch xã rồi, to chuyện rồi, em mới đến thưa chuyện với bác. Chứ bác vẫn chỉ là ông xã đội, em chẳng dám. Bà vợ ông Trác phủi đít đứng dậy bảo cháu gái đĩ già mồm. Thím xem, cơm no bò cưỡi người ta chửi thiên hạ dễ thế đấy.

- Thế thằng Trác bảo sao?

- Ông ấy đi ngay ra ủy ban, cấp giấy cho cháu đi phá. Cháu đã định liều. Nhưng ông ấy nói như van thím ơi thím làm thế chết tôi chết cả họ nhà này không ai không ngẩng mặt lên được thím nghe tôi thì thôi tôi coi thím vẫn là người trong nhà trong cửa. Chả hiểu ông ấy đả thông bà vợ thế nào mà bà ấy mang ra cho cháu gần trăm bạc với hai thúng gạo nếp với lủng củng những gì gì nữa cháu cũng chả nhòm. Cháu bảo phắt bà ấy mang về.

- Mày định thế thật à. Cháu ơi người chửa cửa mả. Không dưng động dao động kéo vào người. Mà cái thằng mặt dày ấy là thằng nào?

Chị Phận cười nhợt nhạt:

- Thằng nào mà chả như thằng nào hả thím. Thằng nào lúc ấy mà chả luồn chả cúi chả như trâu húc mả. Thím bảo thời buổi loạn này, thằng nào ở nhà không đui què mẻ sứt chân tay thì bụng dạ cũng toàn rắn rết. Lúc ấy cháu chỉ nắm cái ý của nó thôi mà. Có khác gì nhau đâu.

...Tam không nghe được câu chuyện buồn thảm của mẹ và chị. Bà Nhị gọi cô gái vào, chẳng nói gì nhiều, chỉ dặn dò:

- Chị Phận phải đi bệnh viện. Mày để u làm nốt cỏ vườn. Đi thu xếp quần áo theo chị lên viện xem có đỡ gì được nhau không. Cầm lấy chục bạc này, vài hôm nữa u lên nếu chị em chưa về được. Có lọ vừng u mới giã hôm kia cũng cầm theo. Mà chị có thèm ăn gì cũng không được mua bán lung tung, chỉ được cơm với thịt rang, cùng lắm thì mua cái bánh giò.

Người con gái vô tư:

- U buồn cười, ngưòi ốm mà lại bắt ăn kiêng thế thì nóng ruột chết. Cũng phải tấm mía múi bưởi chứ lại, rồi bát canh khúc cá. Em sẽ mua cho chị. Em có tiền riêng, không cần tiền u em. Mà chị bị bệnh gì phải đi viện gấp thế, sao em chả nghe nói trước gì.

Bà Nhị nạt mày biết gì rồi quay sang cô cháu, nghẹn lời:

- Phải giữ mình con ạ. Sao tao lo qúa, lo còn hơn hồi mày đẻ con Ngần. Cố chịu đau chịu đớn kiêng khem cho kĩ rồi về chừa đi con ạ.

Phận cúi mặt, nghẹn ngào:

- Thôi nói làm gì trước hả bà. Con đi chuyến này, chả nghĩ đến mình, chỉ những thương con Ngần. Nó quặt quẹo từ ngày mới đẻ. Đã nhà quê, đã mồ côi, lại không xốc vác, mai sau biết làm gì đút miệng.

Tam là người duy nhất trong ba người đàn bà không nghĩ rằng những lời đó sao mà sái. Nhưng cả mẹ và người chị họ cũng không hề nghĩ rằng chỉ hôm sau đã phải để tang nhau.

*

Ông Thản ôm người đàn bà đang run bần bật trong cơn nức nở khan, buồn bã. Ông không nghĩ tới việc trách cứ Tam. Có thể làm điều ấy được chăng khi trong trí ông lần lượt diễu lại những con chữ tai ác. Những con chữ làm ông đau đớn, vì nỗi bất lực của mình khi nghĩ tới hai đứa con gái còn nhỏ dại, nghĩ tới người vợ đã bỏ nhà đi. Vợ ông có đau đớn như thế này không? Có tủi hổ như thế này không? Có tuyệt vọng như thế này không? Đối diện với nỗi đau khổ của Tam, ông chợt hiểu ra rằng ông không được quyền căm hận. Nỗi đau khổ cùng cực suốt mấy tháng qua đã làm ông lầm tưởng. Còn lại trong ông, nguyên vẹn, vẫn là những yêu thương ấy, những yêu thương sâu nặng, sâu nặng đến độ trở thành đảm bảo cho lòng chung thủy nơi ông.

Thế cho nên ông Thản đã không ngần ngại buông bát cơm chiều vào thẳng nhà hộ sinh thăm Tam vừa qua cơn đẻ khó. Chị thư ký công đoàn nhà ăn e dè:

- Thì anh cứ ăn cho xong bữa hẵng nào. Trong ấy giờ có chị tổ trưởng phụ nữ rồi. Lẽ ra phải báo cho phòng hành chính. Nhưng giờ này thì còn có ai ở nhà máy nữa đâu. Vả lại không hiểu sao cô Tam cứ một mực xin được gặp anh... Cô ấy nói gở lắm...


***

Ngân không biết có cần phải mô tả tiếp nỗi đau đớn của người đàn bà tội nghiệp ấy nữa không? Chị ta nằm như dán vào cái giường trải tấm chiếu không còn biết màu gì của nhà hộ sinh. Khuôn mặt qua cơn mất máu vì đẻ khó không xanh mà bừng bừng đỏ trong cơn sốt. Trên cái tủ con đặt sát giường Tam, chỏng chơ nải chuối và hộp sữa. Chị tổ trưởng phụ nữ nhà ăn, người vẫn thường đứng bếp với Tam sốt ruột đứng đổi chân ở đầu giường, dáng vẻ vừa thương hại vừa dè bỉu, diễn đạt trọn vẹn lòng tốt bất đắc dĩ với mấy sản phụ đầy vẻ hạnh phúc cùng phòng. Chị ta thấy ông Thản, tươi cười:

- May qúa, phó giám đốc có đây rồi. Bác sĩ vừa lại phòng báo chuẩn bị chuyển cô ấy lên viện C anh ạ. Giờ cô ấy mới ngủ có vẻ yên yên. Trước cứ mê, khóc gọi ai mãi...

Người đàn bà ngừng lại, thăm dò:

- Với lại cứ gọi anh...

Ông Thản bình tĩnh:

- Được rồi, chị về qua nhà chị thư kí công đoàn, nói tôi nhắn công đoàn trích qũy trợ cấp đột xuất cho cô Tam, mức cao nhất. Cô ấy chưa lo được cho con. Mà thế này thì chưa biết nằm tới bao giờ...

- Cô ấy may mắn qúa, được phó giám đốc quan tâm trực tiếp thế này...

Không có một chút ác ý nào, dường như thế, ẩn tàng sau câu nói. Nhưng hình như mọi lời đồn thổi tai vạ thiên hạ tung ra làm cho người đời điêu đứng đều bắt đầu như thế chăng? Không như thế, người ta sẽ không thể chịu đựng nổi ngày sống khó nhọc, buồn chán mà tưng bừng của những năm tháng ấy. Không ai biết, trong cơn sốt khô rốc, Tam đã gặp lại người chị họ chết đã bao lâu rồi . Đã nhìn thấy mình trong tấm thân dường như mỏng hẳn đi của Phận sau cơn băng huyết, không động cựa giữa căn phòng bệnh viện huyện âm u cơn gió đồng chiều. Đã thấy lại mình, mười tám tuổi, đưa ngang cánh tay gạt nước mắt ròng ròng chảy, lếch thếch xách gói đồ hai chị em hôm trước tha đi, chạy theo hai người đàn ông bà con hàng huyện đã thuê giúp để võng xác Phận về. Cô gái mười tám tuổi chẳng biết tục lệ làng nước là gì, đã suýt làm cả làng náo loạn...

Buổi chiều ấy bà Nhị không hiểu làm sao mà cứ như giẫm phải tổ kiến. Bụng dạ tơ vò. Bà không nói được với ai về nỗi sợ thất đảm đang nghiến lấy tâm can mình. Nắng chiều còn như chan lửa, bà đùng đùng đội nón, vác sào ra thu rơm đang phơi lại, rồi chạy ra chạy vào, luấn quấn với đàn gà và đám thúng mủng, bụng bảo dạ phải nấu nướng rồi sáng mai đùm lên với hai chị em nó.

Buổi tối ấy, trăng quầng. Bức bối. Bà Nhị chặn chuồng gà xong, ra ngõ, nép dậu cúc tần, nhìn ngược về phía đầu làng. Thì Tam chạy tới, giọng khản đặc:

- Mẹ ơi, con đưa chị Phận về. Bây giờ võng chị ấy vào đâu?

- Giời ơi! Chị ấy chết rồi ư? - Bà Nhị nghe hai hàm răng lách cách trong miệng như vào những ngày đông đi làm bùn cấy cần, hay sang đò sớm đem nón mới chằm đi chợ xa - Nó đâu?

- Chúng cháu đứng đây bà ạ.

Tiếng đàn ông đục đục. Hai bóng người nhô ra khỏi hàng rào ô rô nhà bên, trải dài trong trăng cùng cái võng treo giữa hai đầu đòn xóc, phủ tấm chiếu im lìm. Bà Nhị run giọng, nói như rên:

- Các ông làm phúc... Giời ơi... Đây không phải là nhà chị ấy. Nhà chị ấy chỉ có độc con bé cháu hơn mười tuổi. Con tôi không biết... Tam ơi, con nhờ hai bác võng chị trở lại đầu làng. U đi báo cho bên nhà chị ấy. Giời ơi... ối Phận ơi...

Bà Nhị khóc suốt đêm ấy, khóc khi mắng thẳng mặt thằng cháu chồng phó chủ tịch xã và con vợ chỏng lỏn của nó, khóc khi lẩy bẩy liệm đứa cháu dưới gốc đa đầu làng và chôn nó trong đêm, khóc khi ôm đứa con dại của Phận vào lòng cố dỗ cho nó ngủ. Nhưng sáng ra thì bà không khóc được nữa khi nhìn mặt con gái. Mặt Tam trắng như người nằm ổ, nhưng cô không có cái vẻ yếu lướt tự hào của họ. Cô như người đi lạc, dúi vào đâu ngủ đỗ, rồi đột nhiên bừng tỉnh. Bà Nhị biết thế là vĩnh viễn con mình không còn có thể vô tư. Chỉ một sớm một chiều, cô đã chạm tới nỗi đau đâm suốt đời đàn bà, thuở đó.

Nhưng Tam, dù thế, không tự miễn dịch được cho mình. Nếu những người đàn bà biết bước lùi trước những khao khát hạnh phúc của mình, có lẽ họ đã không đau khổ nhiều như thế. Nhưng như thế, thế giới này còn gì?

***

Trích đoạn bản thảo:

Thế giới này còn gì? Thật là một câu hỏi đàn bà. Chỉ có đàn bà hay những người trẻ tuổi mới băn khoăn và đặt những câu hỏi chẳng để làm gì như thế. Sẽ đến ngày cô ta nhìn đời nhẹ nhõm hơn, ân cần hơn, bớt thiết tha hơn. Và cô ta sẽ gần giống như tôi: chấp nhận tất cả.

Và cũng sẽ đến cái ngày cô ta hiểu ra rằng dính vào chuyện văn chương chữ nghĩa là dính vào một trò chơi nguy hiểm, mà kẻ đặt cược vào chữ nghĩa thường là kẻ thua. Sẽ chuốc lấy cho mình những băn khoăn day dứt không có kết thúc. Sẽ tự làm mình rủi ro khi cứ cố phân tích bản thân, cố đi tìm mình trong bóng đời. Điều ấy, người đời sẽ hiểu ra thôi, rất nhanh. Chỉ cần một cơn bệnh trọng. Chỉ cần một lần mấp mé bên bờ sống chết.

Cô ta lấy tôi làm nhân vật. Tôi từng nói về mình rồi, tôi có lẽ không thiêng liêng gì. Nhưng tôi có linh hồn, sinh thành từ đất và nước. Tôi đứng đây, đón tiếng gió ngàn đời, nhìn ngắm con người và muốn hiểu họ. Tôi đã thấy cô ta từ khi cô ta còn bé tí, nắm chặt ngón tay bà mẹ, chập chững đi trên mấy đầu ngón chân những bước đầu tiên ra với phố. Chính hôm đó là hôm tôi trút lá ra lộc mới. Nắng. Và gió. Và tôi đón từng cơn gió thả lá rào rào. Cô bé lúc đó mặc cái váy trắng, cổ trễ một bên vai và gấu lại hếch lên một bên, để lộ cặp đùi gầy. Đứa bé ấy đã ngước nhìn tôi, đã reo vui: "Mẹ... Lá..." Đấy là đứa trẻ con đầu tiên đã để ý đến tôi. Và cũng bởi thế tôi đã không ngừng quan tâm tới nó. Tôi biết đứa bé ấy cái ngày nó ôm con búp bê nhựa mậu dịch nhem nhuốc nhăn nhó để cho mẹ nhét vào cái ghế ngồi bằng gỗ đã bắt đầu chật chằng sau xe đạp cùng đủ thứ đồ lỉnh kỉnh. Tôi đã dõi theo nó dọc thành phố, đã thấy nó gà gật trên con đường dẫn ra ngoại thành về nơi sơ tán. Ở đó, nó đã học những bài hát đầu tiên buồn thảm. 'Be bé bằng bông - hai má hồng hồng - bé đi sơ tán bế em theo cùng...' 'Bố ơi bố mũ bố có sao vàng - sao vuông mũ mẹ mũ con sao gì?'. Cả một bài kinh khủng... Giải phóng miền Nam? Tôi biết nó ngày nó trở về thành phố, đi học còn phải mang theo cái bàn gấp bố nó kì cạch đóng từ gỗ tạp và nửa cục gạch thay cho ghế ngồi. Từ bao giờ, chính tôi không tự biết, ngày sống của đứa con gái ấy đã trở thành một phần vui buồn của lão già này...

Nó, chính nó, đã là kẻ đầu tiên thành tâm ôm ấp con bé người đàn bà giả điên sinh ra. Không phải là mẹ con bé, không phải bà nó, cũng không phải ông Thản, người đàn ông đã tự hứng lấy bao nhiêu đồn thổi và nghi kị độc địa, không hề được một lần nói lại rằng không phải ông thương đứa con của ngưòi đàn bà lỡ dở vì tình ý với chị ta, mà chỉ vì...

***

- Cô Tam này! Em bé đói rồi này. Nó cứ mút mãi ngón tay của cháu.

- À à úi chao ôi con bống. Em tè sũng ra rồi đây chị Ngân này. Em tè hết nên rỗng bụng đấy mà.

- Cô cho em bé bú đi. Rồi để cháu trông em cho. Máy nước đang vắng, cô đi giặt cho em đi cô ạ.

- Ừ. Ngân giúp cô thế này thì học vào lúc nào? Rồi mẹ có mắng cho không? Độ vài ba hôm nữa bà nhà cô từ trong quê ra đỡ cho cô, chaú sang chỉ việc chơi với em thôi. Rồi chị Ngân dạy em học nhé. Con mẹ nằm đây với chị nhé, để mẹ đi vò ù cái đống tã này...

... Lúc ấy Ngân lên mấy nhỉ? Ngân đâu đã cạn nghĩa chữ thương người. Cứ xong bài vở là Ngân kiếm cớ qua nhà cô Tam, để được nắm hai bàn chân nhăn nheo mỏng hơn cả chân búp bê của em bé, được ngửi cái mùi sữa chua chua phảng phất quanh giường, và chơi trò ra vẻ mình là chị lớn cho thoả ao ước có em. Ao ước ấy, Ngân đã bao nhiêu lần kèo nèo mẹ. Nhưng mẹ và bố chỉ cười, bảo có hai chị em Ngân là đủ rồi, cứ đứa nào cãi nhau thì đứa kia bênh và sau này cúng giỗ thì hai chị em chia nhau việc. Bố bảo thích em thì sang mà chơi với em nhà cô Tam. Mẹ dặn thêm có sang thì trông em đỡ cho cô giặt giũ cơm nước. 'Đang chân son mình rồi giờ con bận con mọn một mình ra ra vào vào cái chái đó, rõ tội. Nhà ở quê nghe đâu cũng neo người, có mỗi bà cụ lụi cụi với mấy con gà con qué giờ cũng phải thu xếp ra trông cháu lâu dài... May mà có ông Thản... Người ta bảo...'

Khi đó Ngân đâu đã hiểu hết sự độc địa của người đời. Bác Thản Ngân vẫn gặp chiều chiều ở nhà cô Tam. Bác ngồi yên lặng nhìn con bé, rất ít khi cười. Không có Ngân ở đó thì bác sẽ thay Ngân trông con bé cho cô Tam đi chợ, giặt giũ hay chạy ra tổ phục vụ đầu ngõ. Mấy hôm trước Ngân mới thấy cô ngồi nán lại nói chuyện với bác:

- Em nghe bác thôi ăn cơm tập thể. Thế là thế nào ạ? Chị em giờ nấu không ngon hay sao ạ?

- Có gì đâu cô. Ăn tập thể thì cứ phải đúng giờ đúng giấc. Tôi công kia việc nọ hay đến muộn, phiền các chị các bà xong việc ngồi chầu phục vụ nốt tôi. Với lại tự túc thì mới thấy hóa ra mình không ăn hết tiêu chuẩn. Tháng này tôi còn dư ba lạng phiếu thịt, lại cả phiếu cá và đậu phụ. Cô cầm lấy mua thêm. Vài ba hôm nữa bà ngoại ra, thêm miệng ăn trong nhà là gay lắm đó.

- Em trả ơn anh cả đời không nổi. Không có anh thì đã không có con bé cháu bây giờ, thì chắc em ân hận suốt đời. Anh giữ lấy phiếu mua mà dùng, em không dám cầm đâu. Em làm nhà ăn thì lạ gì. Tiêu chuẩn sự nghiệp hành chính có bao nhiêu. Mà anh thì đồng hương đồng khói suốt.

- Ấy cô Tam đừng bận lòng. Anh em tới tôi thì có gì ăn nấy à. Dân Nam tụi tôi sống dễ mà. Cô không cầm thì không lẽ xui tôi mang ra bán cho phe phẩy, rồi mắc cái tiếng tiếp tay với tư thương, khéo bình bầu cuối năm trượt cái oạch đó đa... À mà cô Tam này, việc khai sinh cho cháu tới đâu rồi?

- Dạ... Em đang rối cả ruột anh ạ. Em đã hứa với người ta sống chết gì cũng không khai tên người ta ra, không để người ta khổ từ trong nhà ra phố. Nhưng mà lớn lên con tủi nỗi không cha thì... em sợ cháu oán.

- Tôi người ngoài chả dám bàn gì. Nhưng nếu chỉ vì một cái tên đàn ông để làm bố con bé cháu thì... Tên tôi nè. Tôi họ Võ. Mấy đứa nhỏ nhà tôi tên đẹp không à. Võ Hằng Thương con chị. Võ Hằng Tâm con em. Hay con bé này ta đặt là Võ Hằng ... Hằng...

- Giời ơi... Cả cái nhà máy này ai chả biết chỉ độc anh họ Võ. Mẹ con em làm thế sao đành.

- Cô Tam băn khoăn làm gì. Người ta nói mỏi miệng thì người ta thôi. Mà giả dụ họp đảng ủy có ai nói ra nói vào thì bất qúa tôi lại tiếp tục lặng im là cùng chứ gì. Cái chính là con bé. Đã sinh ra nó thì phải cho nó được làm người bình thường. Chúng ta đã sống không bình thường mãi rồi. Tôi nghĩ hay gọi nó là con Hằng An. Võ Hằng An.

Cô Tam nước mắt ròng ròng. Ngân chả hiểu vì sao. Chỉ thấy bác Thản đặt tên cho em bé hay quá. Nghe qua đã chôn ngay vào ruột.

- Mẹ này, em bé nhà cô Tam sẽ tên là Võ Hằng An. Sao bố mẹ không đặt cho con tên hay như thế. Tên gì lại là Lều Thoại Ngân. Cô giáo bảo họ nhà mình nghe như họ người Hoa. Thế là chúng nó cứ gọi con là Tàu Phù đanh đá.

- Tên con hay mà. Có gì mà phụng phịu. Con bảo cô Tam đặt tên em bé là Võ Hằng An à?

- Không! Bác Thản đặt. Cô Tam nghe rồi khóc. Tên em bé hay hơn tên cô ấy bao nhiêu.

Mẹ đưa mắt cho bố. Đêm, xoay trở trên cái giường có rệp, Ngân nghe mẹ thì thào vơí bố:

- Ông Thản liều qúa. Rõ là thánh chứ không phải là người. Cái cô Tam không có phận mà gặp ông ấy thì qúa phúc. Trước thấy mấy ông miền Nam tập kết ngồi đâu cũng chửi, lại tụ tập bia rượu lu bù, em cứ chờn chợn. Nghĩ người Nam họ hời hợt, ba trợn ba trạo. Ra ở đâu cũng ngưòi mình cả, có thế này thế khác.

- Tốt thế rồi thì khổ - Tiếng bố.

Cả bố, cả mẹ, và người cùng nhà máy không ai biết rằng đêm đêm ông Thản vẫn lần đọc lại lá thư cũ kĩ. Thư do con gái ông viết, không biết vì nước mắt hay vì những cơn mưa rừng mà nhoè mất nhiều dòng. Cũng không ai biết, khi đặt tên cho đứa con của người đàn bà khốn khổ, ông đã nghĩ tới một đứa bé khác, đã hình dung mình là một người đàn ông khác, và người đàn bà nước mắt ròng ròng ngồi trước mặt ông không phải là Tam, mà là người vợ ông yêu.

***

Sau này, Ngân đã nhiều lúc dằn vặt mình bởi không hề nghĩ rằng khi ngây ngô kể về người đàn ông tốt bụng và kín đáo ấy chị đã làm cho bố mình mất ngủ. Nhưng biết làm sao được. Khi đó Ngân còn bé qúa. Cái giường đầy rệp không thể làm mất giấc của một đứa trẻ lên mười

Nửa đêm về sáng, người cha lặng lẽ vén màn khoác áo ra đường. Gió từ bờ tre bên đê rờn rợn thổi trên tấm lưng còn âm ẩm mồ hôi. Sao đã mờ đi. Phố phường thanh vắng qúa. Cái thanh vắng yên lành của những đêm vừa yên bình trở lại. Vẫn còn nguyên những dãy tăng xê hai bên hè phố. Hầm công cộng cũng chưa lấp. Không còn tiếng còi báo động hú dồn. Người đàn ông đi trong cơn mộng mị, trong nỗi thiếu vắng thắt lòng một Hà Nội cũ càng. Hà Nội của những tiếng rao đêm rải trong sương trước ngày kháng chiến. Hà Nội chợ Hôm thơm nức mùi thức ăn đầu chợ Hôm thời hòa bình lập lại. Ngày đó ông hai mươi. Mới chỉ hai mươi.

Ngày đó ông còn làm việc ở phố Trần Bình Trọng. Khuya, công việc vãn vãn, mấy chàng trai rủ nhau thả bộ dọc Trần Nhân Tông đi kiếm cái ăn đêm. Hồ Thiền Quang về khuya mơ màng như một con mắt khép khiến chàng trai liên tưởng tới con mắt kia lấp lánh sau mái tóc lơi bên má... Cô gái nhà góc Quang Trung Trần Nhân Tông... Đề tài bàn tán mê mải của mấy anh cán bộ mới về xuôi. Bao lâu rồi ông không còn gặp lại anh em cũ cùng cơ quan độ ấy. Bao lâu rồi ông không một lần thấy lại gương mặt cô gái ngày xưa. Đâu phải vì đã vợ con mà không dám tìm người nữa. Tránh tất cả những quan hệ cũ, người cha tìm cách tránh gặp lại chính mình. Ông căng thẳng toàn bộ con người mình để sống, như tất cả mọi người thời bom đạn, nhưng cũng là để chống lại hồi ức mênh mông cứ tìm cách quay về. Về những ngày tháng ở cơ quan, về một thời mới lớn, về những chiều sương một mình một túi dết công văn, áo nâu quần đùi lên Chiêm Hóa hay lần về ngủ đỗ nơi Ghềnh Quýt. Về những người anh hay than phiền ông lười tưới rau tăng gia ngày ấy. Họ bây giờ ở đâu?

Ông cúi đầu đi, không muốn hỏi mình câu đó. Họ ở ngay đây, trong lòng thành phố này, chắc là không mất ngủ như ông, chắc là không phải vật vã với khao khát có nguyên cả một căn phòng để đêm về vợ chồng có thể thì thầm những điều ngoài chuyện tem phiếu và lương lậu, để buổi tối con có chỗ mỗi đứa một góc học bài. Họ ở ngay đây, giữa thành phố này, chắc là không phải đổ trống ngực khi gắp thăm cái xe đạp cung cấp cho vợ khỏi phải rều rệu đi bộ đi làm đi chợ. Như ông những năm chưa xa xôi gì.

 

 

Những năm ấy, bao nhiêu đêm đông gió bấc, khi ngồi sau xe ôm lưng bố để bố đạp xe loanh quanh các phố cho qua cơn thở khó, Ngân đã nghe bố kể bao nhiêu chuyện về thời xưa của ông. Tiếng được tiếng mất, lúc bị bạt đi vì gió, lúc bị chìm lấp trong hơi Ngân thở rít như tiếng gió hút qua ống nứa. Khi đó, Ngân chưa cảm thông sâu xa được với cha mình. Chỉ thấy đời buồn khổ qúa, nặng nhọc qúa, nặng nhọc như sự hô hấp của mình. Tiếng dương cầm khuya thường nghe những đêm xưa ấy không mang lại cho Ngân một cảm giác gì nhẹ nhõm. Nó giống như âm thanh vẳng lại từ một thế giới khác, có thật, rất yên bình, mà không thể nào len vào được. Đấy không phải là ý nghĩ bình thường nên có ở một con bé lên mười.

Cảm giác cô độc của mình bắt đầu từ đó chăng? Nhiều năm sau này, khi ngồi cùng chúng bạn. Ngân lại bắt gặp mình luẩn quẩn với ý nghĩ này. Cảm giác đó chiếm trọn ngày sống của Ngân. Nhưng cô độc không phải là thói quen, chưa bao giờ là thói quen của chị. Rất ít người biết điều đó. Bởi thế, rất nhiều người thân với Ngân.

Nhưng những người con trai từng muốn đi qua đời Ngân thì biết rất nhanh. Mặc dù họ không hiểu. Bản năng tự bảo vệ của đàn ông! Họ làm Ngân kinh ngạc và oán hận, đôi khi, để rồi sau lại thấy cả hai cùng may mắn. Họ nhận ra ngay cái phanh tự động rít lên trong tâm hồn Ngân ngoài ý muốn của Ngân. Không ai biết rằng cần phải mặc kệ, cần phải đừng kiêu hãnh thế, cần phải bước dấn thêm một bước cho ngưòi đàn bà nhỏ kia gục đầu vào vai mình, rỏ lên đó những giọt nước nóng bỏng và mặn mòi, để rồi sau đó ...

Bản thảo...

Để rồi sau đó... Nếu có thể thế, cô ta sẽ nói cho anh ta nghe cái gì. Về tình yêu chăng? Ở trên bát ngát này, tôi đã nghe được bao nhiêu tiếng thì thầm tình ái vẳng lên từ mặt đất. Tiếng lục đục hối hả vọng lên từ dưới hố tăng xê giữa giờ báo động. 'Nhanh lên anh, nhanh lên anh, báo yên rồi...' 'Em...' Tiếng chàng trai rên không khác gì tiếng người sắp chết. Những đứa trẻ có biết rằng chúng được sinh ra để rồi chết trong những năm tháng ấy như thế nào không? Không phải từ tình yêu. Làm sao có thể có tình yêu giữa hai con người chưa từng biết mặt nhau, chỉ vô tình đi qua đời nhau khi lao vội xuống hố tăng xê vào lúc còi báo động rú. Những đêm hè Hà Nội... Những ban trưa Hà Nội... Không chợ. Không trường. Không ông bà già. Không con trẻ. Chỉ có những người trẻ tuổi đi về theo tiếng còi tầm. Nhưng đấy không phải là một thành phố chết. Vẫn ran ran tiếng ve những buổi chiều lộng gió. Hàng sấu phố Trần Hưng Đạo mùa hoa vẫn rải những cánh nhỏ như màu nắng sáng đánh lừa đàn sẻ mỗi bình minh. Mấy gốc ban già đường Thanh Niên dẫu vắng chân người vẫn đơm vầng hồng xôn xao khi mùa xuân đến sớm. Và, những đứa trẻ vẫn ra đời. Không phải từ tình yêu, không phải, mà từ nỗi tuyệt vọng của lòng ham sống. Hay cũng có thể là từ thói dễ dãi cả trong hạnh phúc lẫn bất hạnh ở không ít người.

Hay là tiếng thì thầm mời mọc đêm đêm vẫn lan từ gốc cây này tới gốc cây khác ở khoảng phố gần nơi tôi đứng đây. Những đứa trẻ lớn lên đã giễu cợt gọi chỗ đó là thung lũng tình yêu. Nơi đó nhiều công sở và nhà lãnh đạo. Nơi đó có một bể bơi thiếu niên chỉ những chiều hè sau những năm đánh phá lao xao tiếng trẻ. Nơi đó có một vườn hoa nhỏ đối diện với cửa nhà xác một bệnh viện. Nơi đó có những bức tường trống chạy dài các khẩu hiệu được viết bởi bàn tay của các họa sĩ nhà nghề nằm kề bên những cánh cổng sắt chỉ mở ngày đôi bận cho xe ra vào. Bọn đàn ông ban ngày thường một tay giữ ghidong xe đạp một tay vạch quần tồ tồ vào tường, ngay cả lúc khối phố đã cho kẻ thêm bên cạnh các khẩu hiệu khí thế hừng hực hai chữ lạnh lùng: Cấm đái. Còn ban đêm, cũng họ, sẽ tìm tới khoảng không gian khai mù mịt lấp ló những ngọn đèn dầu chỉ đủ soi rõ mẹt thuốc lá hay mẹt bưởi sấu ô mai, để mặc cả, âu yếm và chửi rủa. Tất cả những ngọn đèn thành phố cho lắp ở khoảng phố đó đều bị người ta chọi đá cho vỡ lập tức. Đấy là thiên đường đèn dầu. Của những gã choai choai no cơm hứng cật. Của những tay đàn ông nhà quê thoát li xa vợ lương chỉ đủ tậu cái xe đạp tuần tuần tháng tháng về nã thêm gạo của vợ con. Của những người đàn bà xộc xệch vì cơm áo thường từ mấy khu bờ sông lại hay từ đoạn dưới Lương yên Thúy ái ngược lên. Tôi rất sợ những âm thanh vọng lại từ nơi đó... Chúng không giống như tiếng bình yên của những bầy chim thức sớm...

 

***

Nơi đó, gần nhà lắm, nhưng Ngân thường tránh đạp xe qua. Đi thêm một đoạn nữa, sẽ có thể rẽ ngang, sẽ lại gặp những vòm cây bốn mùa xanh lục, và những khoảng phố êm đềm. Ở khoảng giữa phố Lê Thánh Tông, nhiều năm về trước, đi ngang nhìn qua hàng rào gang một biệt thự có lính gác, bọn Ngân buồn cười mãi vì lần nào cũng thấy một ông da đen đen mặc váy quấn một cục trễ rốn. Nghe nói đấy là một lãnh tụ cách mạng ở Miến Điện. Đấy là một chiến sĩ thực sự hay đấy là một tên cốp khủng bố? Làm sao một câu hỏi bất kính như thế có thể nảy ra trong đầu Ngân khi đó?

Nhưng sau này, hồi tưởng lại phố xưa, nhớ cái bụng tròn đen đen bệ vệ lộ ra dưới cạp váy của ông lãnh tụ Miến Điện, Ngân lại băn khoăn nhớ. Những cuộc cách mạng bùng nổ là hạnh phúc hay là bất hạnh của các dân tộc đã đưa vai ra gánh gồng lịch sử? Và những cuộc kháng chiến? Có phải người ta cứ phải đi cho hết con đường máu ấy để trở lại với mình? Những ai, nào những ai ai, sau khi chinh chiến đi qua còn được nhớ?

Đám bạn thường cười Ngân vì nỗi nhớ đủ thứ vớ vẩn và vô nghĩa, trong khi ngày sinh của nhau, chẳng hạn, chật vật lắm Ngân mới có thể giữ được trong đầu. Nhưng một cuộc gặp gỡ tình cờ, một tiếng cười vô cớ, một câu chuyện bâng quơ tất cả đã quên đi thì Ngân lại nhớ rành rẽ nhiều năm. Cần phải nhiều thời gian nữa để Ngân hiểu rằng chai đá được là đỡ khổ. Bao giờ?

Một cách vô thức, Ngân đã tự biến mình thành nơi lưu giữ kí ức của ông bà cha mẹ. Thổi suốt lòng Ngân cho tới bây giờ là tiếng thầm thì về cơn gió của những chiều biên giới xa xưa, là tiếng đêm rì rào bí ẩn của cánh rừng vây quanh khu nhà cơ quan giữa rừng Việt Bắc. Bữa cơm cơ quan không có tay đàn bà nấu nướng toàn măng và bí đỏ những ngày đầu kháng chiến. Miếng thịt trâu bạc nhạc người bạn Tày hơn hai tuổi để dành cho bố sau chuyến giao thông về sớm ngày ấy ngọt mãi tới bây giờ. 'Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo - Nhớ khi tiếng mõ rừng chiều - chày đêm nện cối đều đều suối xa... Ngày ấy đúng là thế đấy...' Người cha hay nhắc nhỏm những tên đất tên người. Lạ, nghe mãi thành thân quen, như tên quê, như tên người họ hàng gần vì hoàn cảnh nên chưa bao giờ biết mặt.

Bố kể:

- Ngày xưa khi bằng thằng con gái của bố bây giờ bố đã một mình đi giao thông rồi. Đường rừng quanh co. Lắm dốc lắm. Mình người Hà Nội, tản cư về quê mấy ngày đã biết mùi đồng ruộng rừng rú gì đâu. Mỏi lắm. Thế nhưng mấy cô Mán thì lại cứ cười rinh rích bảo đi đường miền xuôi chắc mỏi. Các cô ấy trèo núi quen, đi chân bao giờ cũng nhấc cao thế này này.

Bố kể:

- Ông cụ người Thổ, tên là Muỗi, tính hiền lắm, nhà nghèo lắm. Mà có cái gì cũng cho cơ quan. Có năm sinh nhật Bác, cơ quan bày trò ăn uống. Ăn mãi thịt trâu bí ử sợ quá rồi, ông Tuất mới xung phong cải thiện cho anh em. Tưởng làm gì, hóa ra ông ấy tính thịt con chó ông Muỗi cho đã nuôi được tới nửa năm. Đã chuẩn bị đầy đủ riềng húng mắm tôm, mài dao rửa thớt xong xuôi từ chiều hôm trước. Lại còn phân công nhau vào tận trong bản vặt cho được mấy quả chanh cốm. Cứ thấy con chó len lét len lét, sập tối chui tít vào tận góc lán dưới sạp nằm im thít. Anh em bảo chó nó khôn, nó biết sắp chết nên buồn, có anh lại tuyên bố luôn là thà ăn thịt trâu kho thừa lại còn hơn ăn thịt nó. Nỡ nào... Ai ngờ con chó nó ngửi ra mùi cọp. Nửa đêm, nằm trên sàn nứa, cả sạp dài thế này này, nghe oẳng độc một tiếng, tất cả chồm dậy vỗ sạp ầm ầm. Đốt đuốc lên thấy một vệt máu chạy từ tít trong góc dưới sạp ra cửa. Hôm sau, nhìn mới biết con hổ rình gần chỗ trồng bụi ớt từ bao giờ. Hú vía. Hết được xơi thịt chó lại quay ra thương nó qúa. Nuôi nó từ lúc nó bằng con chuột mang từ nhà cụ Muỗi về...

Những kỉ niệm bố nhắc lại quanh mâm cơm nghe có vẻ vui vui nhiều hơn buồn. Những buổi chiều đi đánh đai gốc trám chờ trám rụng để hôm sau nhặt. Những trưa rủ nhau đi đánh cá suối bằng nhựa cây sui. Những đêm rừng trong quán tản cư ở Sơn Dương. Và cô Mán vẫn hồn nhiên se trụi cả lông mày bằng sợi chỉ. Ngân đâu biết vì sao cha mình thiết tha với ngày cũ đến thế, đâu biết vì sao dù thế ông vẫn không tìm gặp lại bao người trong những câu chuyện ân tình xưa. Mà ông, cũng đã chắc gì ông tự biết, rằng mình thực ra đã sống hết đời người từ sau lần oan khuất kinh hồn mà ông chỉ nói nhẹ nhàng là tai nạn, rằng mình thiết tha với yêu thương xưa chỉ để sống mà san sẻ bớt ngày tháng gian nan cho vợ cho con.

Những ngày tháng lạ lùng với Ngân. Bầy trẻ cùng khu tập thể đi sơ tán vãn cả. Đám lớn theo trường. Đám nhỏ theo cơ quan bố mẹ. Lớp học rã không tăm hơi bè bạn. Chị gái cũng theo trường đi. Chỉ còn Ngân, bé nhỏ và yếu đuối, giữa thành phố trống, chờ mẹ đưa về quê ở cùng bà. Mỗi sáng Ngân bê cái ghế con trên chồng mấy cuốn tiểu thuyết người lớn và bát bánh khúc, tròng thêm vào cổ cái bi đông sắt của bố, lùi lũi xuống ngồi một mình ở cửa hầm công cộng vừa đượ cxây cầp tốc trong khu. Những cơn gió sớm thênh thang lồng qua các cửa hầm, hơi bom từ làng bên hất văng người, hương vị chiếc kem que ngày chiến tranh... Tất cả Ngân đều biết. Không có gì giống cảnh Matxcova để trống trước bước hành quân của đoàn lính viễn chinh Pháp mà Ngân đã đọc được ở Chiến tranh và hòa bình chính trong những ngày tháng đó...

Năm ấy Ngân còn chưa lên mười. Tất cả đều lạ lùng. Bởi vì yên tĩnh, mặc dù de dọa thì cụ thể và bất ngờ hơn rất nhiều. Cái làm Ngân nhớ nhiều không hiểu vì sao lại là bậc thang mà Ngân đột nhiên phát hiện ra một vết lở mới vào một đêm chạy báo động. Vết lở ấy còn mãi mấy mươi năm sau. Nó không nhắc nhớ ngày chiến tranh, nó nhắc nhớ những con đường làng lát gạch nghiêng không biết từ thuở ca dao nào và sau này chẳng hề được tu bổ, toang hoác những ổ gà. Những ổ gà khiến các bà lão đêm đêm ngồi hóng gió ở dốc bến giữa xóm nhỏ mà bà cháu Ngân sơ tán về lại chép miệng thở than về một ngày xưa không trở lại.

Nhưng những ngày tháng đó vẫn chòng chành mãi trong Ngân. Điềm nào báo trước cuộc chiến tranh khi đó? Chưa bao giờ Ngân nghe ai thắc mắc như mình. Hình như cái điềm ấy đến cùng với chấy và rệp. Không biết lây từ đâu mà trẻ con hồi ấy lắm chấy thế. Tóc nhiều đứa trứng chấy trắng như rắc vừng. Có mấy đứa con gái vẫn chơi với Ngân còn phải gọt trụi cả đầu để tiệt chấy. Mẹ chiến đấu từng ngày với những con chấy sơ tán qua đầu hai chị em Ngân những lúc tụ bạ cùng đám trẻ, nhất quyết không để chúng kịp sinh sôi. Đấy là một cuộc phong tỏa tuyệt vọng và mẹ đã chứng tỏ một sự kiên nhẫn khó hiểu. Tối nào chị em Ngân cũng phải gò cổ gục đầu trên trang vở để mẹ lấy lược bí cào lên mái tóc cắt ngắn của mình và mẹ vô cùng hể hả khi đột nhiên một con chấy kềnh rơi bộp xuống, lồng vô phương trên trang vở như một chiếc xe tăng.

Nhưng mẹ phải buông xuôi trước đám rận cũng đột nhiên sinh sôi ở mọi nhà trong khu tập thể vào hồi đó, mặc dù mẹ được bố giúp tận tình. Ngày cuối tuần nào cả nhà cũng phải tổng vệ sinh. Mẹ nấu hết ấm nước sôi này đến ấm nước sôi khác để bố dội vào từng khe giường. Thế nhưng bọn rận lì lợm vẫn cắn nhoay nhoáy cả đêm khiến mẹ thường xuyên mất ngủ. Ngân không tài nào lí giải được nguyên nhân nạn chấy rận hoành hành trong khu tập thể hồi đó. Chúng đột nhiên biến hết ít ngày sau khi máy bay Mỹ ngừng đánh phá. Điều ấy bí hiểm chẳng khác gì sự bầy cò vẫn bay rợp phố Ngân ngay cả trong những ngày năm ác liệt nhất đột nhiên rùng rùng bay đi vào một buổi sáng rất đỗi yên bình và không về lại.

Bố kể hồi lên Việt Bắc cả cơ quan cũng bị bệnh ghẻ hành. Nấu đủ thứ lá lẩu độc địa để tắm mà không lại với ghẻ. Rồi cũng tự nhiên mà khỏi, đồng loạt, vào năm bắt đầu mùa phản công. Còn rận, bố bảo chả có bao giờ, mặc dù giường nằm là sạp nứa đóng dọc lán cho cả đống người đêm đêm co quắp nhau. 'Đỡ lạnh.' Bố bảo thế, mắt ánh lên một niềm âu yếm tháng ngày đã qua.

Ôi chiếc giường kháng chiến. Ngân không thể nào hình dung được mình có một lần nào nằm trên đó. Có lẽ bởi thế mà Ngân không sao hiểu thấu nỗi chua chát của bố khi nhắc tới những ân tình thời ấy. Với Ngân, ân tình phải được biểu hiện trong sự đủ đầy vật chất chứ không phải chỉ là trong gian khó. Lúc gian nan, ngưòi ta dễ sống với nhau hơn, dễ lo lắng cho nhau. Đấy chưa chắc là cảm thông, đấy là bản năng cộng sinh của con người.

***

Khi đã đi xa, người đàn bà trẻ con của tôi nhiều khi ân hận vì nỗi đã tàn nhẫn nói tuột điều đó với cha mình. Ông bố không yên lặng. Ông không thể nào chịu nổi ý nghĩ chính nỗi đau khổ của mình là căn nguyên tính khí hoài nghi ở con gái. Dù không còn dám tin người, ông vẫn mong con mình biết tin người, tin đời. Không có chuyện cân nhắc đó là bản tính tốt hay xấu. Nhưng ông biết rằng, khả năng dễ tin sẽ làm người ta sống dễ dàng hơn, vui vẻ hơn. Và ông cũng biết rằng ông đã chua xót biết bao nhiêu khi phải trút lại nửa cuộc đời kia của mình, nửa đời vô tư lự, đầy tin tưởng, niềm tin vô chừng hoang dại.

Gió ngày ấy còn thổi mãi. Xót và ráp. Như con đường len lỏi qua những cánh ruộng bậc thang thiếu nước mà ông vẫn còn cảm được dưới chân trần, bàn chân của cậu bé học trò Thủ đô nhà nghèo nhưng cũng chỉ mới bắt đầu biết thế nào là lăn lộn khi chiến tranh vồ tới. Gió ngày ấy còn thổi mãi, lạnh buốt hơi mưa chiều rừng Việt Bắc. Cậu trai mười bốn tuổi lên cơn sốt rét nửa đường đi giao thông. Thằng bạn vừa đỡ ông đi vừa khóc vừa chửi cho bằng hết vốn liếng chửi bới bằng ttiếng Kinh đã học được ở ông. 'Mày ơi. Đi đi. Mẹ mày. Không tao bỏ mày lại ở đây cho cọp vồ bây giờ. Cố thêm một đoạn là tới Sơn Dương. Cố đi nào. Rồi tao đi xin kí ninh cho. Rồi tao xin gạo nấu cháo cho. Mẹ mà mày chứ mày làm ông khổ.' Ông không đi nổi nữa. Thằng bạn lệch thệch cõng ông, cổ tròng thêm túi dết công văn của ông. Mãi mãi sau này , khi đã từng trải bao nhiêu cay đắng, khi đã tự dứt mình khỏi mọi quan hệ cũ, ông vẫn thầm tự hỏi không biết bây giờ thằng bạn lang bạt nơi đâu. Có nhớ chiều xưa cõng ông đi. Có nhớ đêm xưa ở Sơn Dương dựa lưng vào đống chăn mượn đắp cho ông háo hức nghe những câu chuyện vùng tề của đám đàn ông đàn bà buôn chuyến. Có như ông, vẫn nhớ y nguyên tiếng ghita phập phừng bên đống lửa. Và những bài ca... 'Đêm nay biết bao nhiêu người Thủ đô mơ thấy trở về nơi ngàn năm văn vật ... ôi Hà Nội ơi ghi biết bao kỉ niệm luyến thương... Ngày Tổng khởi nghĩa tưng bừng muôn ánh sao vàng... Ngày tết Trung Thu các em nhi đồng Thủ đô vui đón trăng lên quanh Bờ Hồ... Ba Đình...' Tiếng đồng ca chìm đi trong một giai điệu buồn buồn rồi bất chợt lại cất cao phơi phới... 'Mời anh vệ quốc dừng chân bên quán...' 'Đây miền biên giới chứa chan bao tình mến thương...Còn lưu tiếng thơm lớp người ngày xưa lưu dấu... Đây miền biên giới êm đềm khi bóng chiều về... Lôi cuốn bao người về vui với gió chiều hôm... Có ai xuôi về miền quê đồng bằng yêu dấu... Tôi nhắn đôi lời...'

Gió ngày ấy còn thổi mãi. Cơn gió sáng đầu tiên về lại Thủ đô. '...Cất bước ra đi chiều năm xưa... Dặm dài kháng chiến quên ngày về... Bụi đường trường chinh pha mái tóc... Cất bước ra đi ghi lời thề... Ngày mai sẽ về...' Bài ca ấy làm ông buồn lịm cả người khi tìm về phố cũ, dù biết chẳng thể nào thấy lại bóng mẹ bóng em. Ông đã đứng dưới gốc cây già đầu phố nghe tiếng gió, nhớ quặn lòng thằng bạn Thổ không được về xuôi tiếp quản Thủ đô, hoàn toàn không biết rằng chỉ nỗi nhớ ấy là duy nhất để ấm lòng nhiều năm tháng về sau. Nhớ giọng nó hút dài đi trên con đường rừng buổi hai đứa từ Sơn Dương về lại cơ quan. Bài hát ấy ở cơ quan có lẽ chỉ có hai đứa hay hát nhất. 'Mẹ ơi lúc xa mẹ tuổi còn đang thơ ấu... con ra đi xa xăm không hẹn ngày về... Buổi nào con ra đi lòng ghi nhớ... Tiếng của mẹ già gọi hoài vang nương khe...' Và ông, vừa dứt cơn sốt, thấy mình không giống mình của ngày hôm trước. Nó có nhìn thấy đôi mắt ông nóng ướt hay không mà đột nhiên chuyển giọng, gào mấy câu hát nhại vừa học được đêm trước: 'Tóc em dài sao em không búi cứ phi dê cho rối lòng anh...' Không có một bóng người trên đường ngoài hai thằng con trai nhỏ. Chỉ cánh rừng sau mấy ngày mưa sũng nắng mới hừng. Không bao giờ ông gặp lại thằng bạn đã chia chung với ông tấm chăn đơn ngày ấy, đã tập cho ông ăn ớt hiểm chống sốt rét, đã chỉ cho ông cách đào măng và thổi cơm lam. Làm sao ông có thể nói cho Ngân hiểu được rằng đấy phải là những ân tình vĩnh viễn và ông tin có những người không bao giờ thay lòng. Không có niềm tin ấy, làm sao ông có thể sống sau những ngày không còn dám tin ai mình vẫn thường gặp mặt và thường phải tự xét mình sống có còn lí tưởng hay không?

 
Tâm sự. Tâm tình. Lí tưởng... Không hiểu sao Ngân lại dị ứng đặc biệt với những từ như thế, đến nỗi không bao giờ dùng để nói về mình. Ngôn ngữ không phải là đời sống con người. Ngôn ngữ đứng đằng sau đời sống và bản thân nó lại có một cuộc đời riêng biệt. Không thể gò ép nó. Không thể gọt đẽo nó. Không thể phỉnh phờ nó. Và cũng không thể dùng nó để phỉnh phờ mình.

Cũng vì thế mà Ngân ưa chế nhạo. Trước hết là chế nhạo mình. Đấy là một khả năng rất không nên có ở đàn bà. Nó cũng giống như cái kính mà một người đàn bà trẻ phải mang, dù có đẹp có sang có đắt tiền đến mấy thì cũng chỉ làm cho ngưòi đàn bà đó mất nhiều hơn được trong cái nhìn đầu tiên của người đời. Người đàn bà phải cần hơi hơi xinh, hơi hơi thông minh, hơi hơi duyên, còn ngoài ra: thừa, để có thể hạnh phúc theo tiêu chuẩn.

Lê Minh Hà