*

 






*

Bùa Yêu


Một cô em tóc ngắn, mặc bò, mặt rất xinh xắn, một ngày đến đặt tôi viết một truyện ngắn. Tôi nghĩ mãi, không biết viết gì, vì chuyện người tôi kể mãi hết rồi. Không lẽ tôi viết chuyện tôi! Nhưng chuyện tôi thì buồn và chán lắm, tôi nói trước vậy, nếu không thích cô em cứ quẳng đi, tôi nghĩ chẳng sao.

***

 

Hồi đó, tôi lên năm tuổi thì gia đình chuyển đến một làng mới, nằm ở vùng đồi mạn bắc sông Bến Hải, dưới chân núi Trường Sơn, có đường tàu hỏa chạy qua. Tôi ở đó trong chừng mười năm, nhưng mười năm ấy tôi có rất nhiều kỷ niệm, về sau thành ký ức, thỉnh thoảng tôi nhớ lại, khi thấy nó lộng lẫy đến thế, khi khác lại thấy sao mà buồn. Hồi ấy nhà tôi nghèo, chuyển nhà chỉ có vài bị khoai ngô khô, mấy bọc quần áo, ít sách vở của chị Tĩnh và anh Lam tôi. Bà tôi, cha mẹ tôi, anh chị tôi, người cõng người mang, tôi bế con mèo mướp, cả nhà nặng nhọc tiến về phía mặt trời lặn. Con chó vàng chạy lon ton theo, chốc chốc tạt ngang đường ghếch chân sau tè một dòng, hay dừng ngó ngược quãng đường vừa đi qua, sủa ăng ẳng mấy tiếng mới chạy tiếp. Sau này nghĩ lại chi tiết ấy, tôi biết là bởi vì con chó có kỷ niệm, nó nhớ tiếc làng cũ, còn tôi thì không.

 

Ở làng mới gia đình tôi chịu đói khổ trong một thời gian dài. Cha tôi vỡ đất đồi, mẹ và chị Tĩnh xin gióng sắn về trồng, sáu tháng, sắn chưa kịp chắc đã bới ăn. Bà tôi ra ruộng nhổ rau chóc đem về luộc, nước rau xanh rì và nhớt; anh Lam đi đào khoai mụt, những củ khoai đã tiết tinh chất nuôi mầm, còn lại bã xốp và nhạt. Tôi đi chơi với đám bạn mới, một lũ lốc nhốc, lên đồi, bạt ngàn điệp điệp là đồi và kéo nhau chạy cho đến lờ mờ núi cao xa kia, chui rúc trong những đám rừng lúp xúp, ăn kim cang, lá ngút chua, hoặc sim mói, mồm đen kịt, bụng đầy cứng, bị táo bón mấy ngày không ị được, phải chổng mông cho mẹ tôi lấy que khẩy ra. Lên bảy, tám tôi không đi rông nữa, tôi thay anh Lam đi đào khoai, bắt ốc để anh theo cha làm việc nặng, sau nữa anh đi chăn bầy trâu cho một người làng, tính công chăn năm năm nhà tôi được trả một con nghé.

 

Cũng vì nghèo thế nên chị Tĩnh đang học lớp năm phải bỏ, hai năm sau mới đi học lại, xong hết lớp bảy chị đã mười bảy tuổi. Mười bảy tuổi, nhưng chị còi, người khô đét, da sạm, dù vậy trên hai ngực cũng bắt đầu có vú, đó là hai chũm nhỉnh hơn quả cau một chút, mỗi lần chị mặc áo là thấy hơi nhô nhô ra. Chị không xấu hổ vì chị cởi truồng tắm sông. Sau một lần bị bọn con trai trong xóm bóp vú, chị mới thôi không tắm nữa, nhưng chị vẫn theo tôi ra bến, ngồi trên bờ nhìn xuống sông.

 

Chị Tĩnh lỳ và khỏe. Anh Lam thua chị hai tuổi nhưng người to con hơn, chắc như cái cột. Thỉnh thoảng hai người cãi nhau, không chịu nhau, chị xông vào đánh, bị anh Lam đấm cho rất đau, chị cũng không kêu. Không phải tôi nói chị lỳ mà cả nhà tôi, cả làng tôi, ai cũng nói thế, sau lần chị đánh bọn trộm nước.

 

Những năm làm hợp tác đói kém, cha tôi đi khai ruộng riêng, nhưng ruộng bàu, ruộng hố bom người làng đã xí hết rồi, cha phải ra tận bãi Cháy. Mặt bãi Cháy cao, cha hè cả nhau ra đào, đào lớp đất mặt, rũ hết cỏ đi, vun thành đống, đào tiếp hai ba lớp nữa rồi xúc đất mặt đổ xuống, cho nước vào, dẫm nhuyễn mới cấy mạ lên. Tốn công tốn phân, lúa ruộng ấy vẫn không ăn thua, sau vài vụ, cha tôi bảo nên bỏ, duy chị Tĩnh tiếc, quyết làm. Cha bảo: "Mày làm được, cho mày!". Chị bảo: "Chị làm được, chị sẽ mua cái áo. Cho cả em." Chị thích cái áo trứng sáo, may theo kiểu Hồng Công. Chị Tầm có một cái như thế, mặc đêm trăng, trông sáng cả người, bóng không lẫn vào đâu cho được.

 

Tôi biết, vì bóng hình trong trăng ấy, chị Tĩnh đã không sá gì. Nhưng khốn nỗi đám ruộng ở cuối đồng, lại cao thành thử nước thủy lợi không tới được, chị Tĩnh thường phải tát từ một hố bom cạnh đấy lên. Mùa tháng năm, nắng rát lưng, chị đội gầu đơn, vác thêm hai gióng tre, đóng cọc tre xuống, chăng dây buộc gàu, lội xuống hố nước, đứng dưới thấp mà hất nước lên, nắng trên nước dưới, mồ hôi vã đầm đìa, dăm ba ngày một bận thế. Ở cái hố bom chị vứt một cành tre lớn xí chỗ. Vậy mà một sớm ra ruộng, chị đã thấy hai thằng thanh niên tát vào chỗ của chị, chúng tát đâu từ đêm, lòng hố bom chỉ còn một khoảnh nước đục ngầu. Mặt chị Tĩnh xám ngoét, hai môi run run. Hai thằng thanh niên nhe răng cười. Không nói không rằng, chị ào xuống, giật hết gàu, rồi tát rồi đấm, cho đến lúc hai gã kia bỏ chạy. Còn lại một mình, người bê bết, nước bùn chảy ròng ròng, chị đứng nhìn đám ruộng nẻ, ráo hoảnh.

 

Rất nhiều lần khổ sở trong đời chị không khóc, vậy mà có một lần chị khóc rất kinh khủng. Tiếng khóc chị nhói vào lòng tôi. Về sau này, khi mà tôi đã lớn, khi tôi biết khát vọng, biết đau đớn, cho đến bây giờ. Nhưng chuyện ấy tôi sẽ kể sau.

 

Chị tôi có người bạn gái, tên Tầm, nhà sát bến sông. Chị Tầm hơn chị Tĩnh một tuổi nhưng phổng phao ra dáng đàn bà. Da chị trắng hồng, má phơn phớt lông măng, cặp mắt ướt rượt hay nhìn xuống nhưng hễ đã ngước lên nhìn ai thì người đó như bị điện giật. Nhiều trai trong vùng đánh tiếng hỏi, dù vậy chị không ưng ai. Chị Tĩnh thì bảo chị Tầm yêu anh Chương. "Em có biết anh Chương không?" - chị hỏi.

 

Anh Chương thì tôi biết quá, anh không phải người làng, anh là bộ đội chăn bò, cha tôi bảo "bộ đội tăng gia", ở trong núi. Thỉnh thoảng tôi và chị Tĩnh vào gần núi cắt lá về làm phân xanh, có gặp anh, anh trông đàn bò dễ đến trăm con và thổi kèn, một cây kèn bằng sắt tây nhỏ xíu anh bảo là kèn acmônica. Thỉnh thoảng nữa anh về làng chơi, ghé nhà tôi nói chuyện với cha, đưa chị Tĩnh mượn cuốn sách, tức là anh quá quen. Vậy mà lần nào giáp mặt anh chị Tĩnh cũng lúng túng, mặt đỏ tận mang tai. Có hôm cắt lá đầy gánh chị vẫn không về, cứ ngồi mãi đến nhá nhem tối, lúc anh Chương gọi bò mới chịu quẩy gánh lên vai. Hồi ấy, ăn Tết xong, lúa cấy vừa xanh rễ, việc nông nhàn là chị em tôi đi vào núi cắt lá hoặc lấy củi đun, ngày nào cũng đi. Một ngày, chị Tĩnh bảo cha tôi có khi mượn xuồng đi, vừa đỡ mệt mà chở được nhiều. Cha đang rít điếu cày, chỉ ậm ờ. Thế là chị mượn xuồng hàng xóm, khuya dậy nắm cơm, mờ sáng lay tôi dậy để ra bến. Chị chèo ngược nguồn, đưa tôi đi trong ánh dương, giữa đôi bờ cây lá xanh ngút, hơi nước phả lên như sương, thi thoảng cất tiếng hò, giọng hò ơ hờ nặng trĩu. Tôi nằm trên sạp thuyền, ngửa lên nhìn bầu trời lồng lộng, lòng tràn ngập một nỗi vui vẻ. Chị Tĩnh cặp xuồng vào một bến, cơ chừng đã hoang từ lâu, dẫn tôi lên một đám đồi vắng, lưa thưa cây, lạ lùng, trong cây dại lác đác gặp vài bụi ổi, mãng cầu, xoài, rồi có những vồng đất như rẫy bỏ phế. "Đây là đâu?"- tôi hỏi. "Dòng Nữ tu" - chị Tĩnh nói. Theo chân chị, tôi gặp những tảng đá xám xịt nhô lên trong cỏ và gai, dấu tích của Thánh đường, của Nhà nguyện chị Tĩnh bảo xưa kia đường bệ lắm. Chiến tranh đã làm đổ nát tất cả, nhưng những đổ nát kia, cột đá, gạch vụn, vữa trát tường, sau chiến tranh lần nữa được người làng dọn sạch, như một cách tận dụng vĩ đại để vì hôm nay. Mãi sau này tôi mới đủ tâm nguyện sống lại ký ức của chị tôi trong buổi hôm ấy, khi lang thang giữa bạt ngàn thảo lan ngày cũ, hoa tím lộng lẫy, dưới những giàn bông giấy qua năm tháng đã tự nguyện lai ghép tạo nên những chùm hoa vừa đỏ vừa trắng, nở ngơ ngác trong gió, trong nắng, trong quên lãng.

 

Chiều, chị Tĩnh vẹt một đám rừng, chỉ cho tôi một miệng hầm bị phủ bởi bông giấy và dây leo. "Em xuống với chị nhé!" Tôi nhìn chị, hơi chợn. "Không sợ đâu. Chính anh Chương chỉ cho chị mà!"- chị trấn an rồi khom người chui qua một lối vào hẹp vì bị sạt. Trong bóng tối lờ mờ, chị quờ tìm một nắm bùi nhùi cháy dở, lấy bật lửa trong người ra châm. Chắc chị đã xuống chỗ này nhiều lần, thậm chí còn chuẩn bị cho nhiều lần trở lại nữa. "Bước cẩn thận nghe!" - chị dặn. Hai chị em tôi lần mò theo những bậc tam cấp rêu phong đi xuống, càng xuống lối đi càng rộng, cuối cùng mở ra một tầng hầm ẩm mốc, trần tường nứt nẻ, rễ cây từ ngoài mặt đất đâm vào lòa xòa, nhưng trong ánh sáng nhòa nhòa của ngọn bùi ngùi, tôi vẫn nhận ra những bức tượng thánh còn nguyên vẹn, dù cũng ẩm mốc và bị xô đổ lung tung. Chị Tĩnh soi bùi nhùi vào từng ngóc ngách, từng khe nứt, từng hõm tường, tỉ mẩn, thành tâm. ánh lửa, mùi rêu phong, mùi thời gian, mùi khói, mùi đá xám... tạo nên một khung cảnh âm u lạnh lẽo và rùng rợn nữa. Theo chị Tĩnh thì đây vẫn là phòng xưng tội của các nữ tu. "Xưa kia dòng tu có khoảng vài ngàn, toàn con gái đẹp, về sau tan tác cả, họ phiêu dạt muôn phương, nhiều người hoàn tục, lấy chồng, đẻ con..." - nói xong chị buột thở dài, tiếng thở nghe lạnh như tiếng của bức tượng trầm u nào cạnh đấy.

 

Lúc xuôi sông về, nồm lên mát rượi, chị Tĩnh không nói gì, mặt thẫn thờ, mắt đầy hoàng hôn. Tôi tựa lưng vào đống lá, nhìn trời nhìn sông vẩn vơ, không xua được cảm giác khó chịu. ỀLúc dưới hầm chị tìm gì thế?" - tôi đột hỏi. Chị bảo: "Bùa yêu!" Tôi há mồm vì đến giờ tôi chưa nghe ai nói đến bùa yêu, vả chăng lúc đó mười hai tuổi tôi cũng không thể hiểu bùa yêu là gì. "Bùa yêu là gì?" "Đó là một viên đá màu đỏ, hình bầu dục, khoảng bằng đầu ngón tay cái, nhìn bình thường nhưng đưa ra ánh mặt trời, sẽ hiện đủ bảy sắc. Năm xưa, nó được thờ trong đền Bà Chúa..."

 

Về Bà Chúa chị Tĩnh đang nói đây, như bà tôi kể, là con gái ông Nguyễn Hoàng, chết lúc nhỏ tuổi, mộ đặt gần chỗ bến Rèn làng tôi. Còn như chị Tĩnh kể, vì Bà Chúa lúc chết còn trinh nên máu trinh tụ lại trong một viên đá, về sau dân làng đem vào thờ trong đền Bà. Viên đá rất thiêng, đàn bà con gái sờ được vào là được đàn ông mê mẩn.

 

"Vậy sao chị tìm trên dòng tu?" Chị Tĩnh thong thả chèo, thong thả nói: "Năm xưa, các giáo sĩ về mở dòng tu, quyến rũ hết gái các làng vào dòng tu, một gái làng năm ấy vừa tuổi dậy thì, không từ được sức cám dỗ của Đạo, cũng không muốn lánh Đời, bèn đánh cắp vật báu, mang vào nhà tu kín..." Tôi bảo: "Chị bịa thì có", chị Tĩnh nói như không: "Chị tin. Chuyện này mẹ Tầm kể. Năm xưa mẹ Tầm về từ dòng tu..."

 

Tôi giật mình. Mẹ Tầm? Chẳng lẽ người đàn bà già nua héo hắt gần bến sông ấy năm xưa từng ở nhà tu kín?...

 

Tôi nhìn chị Tĩnh, mắt chị mơ màng. Chị đang nhìn đâu đó, vào một cõi nào xa xăm mờ mịt. Lâu lắm chị mới cất tiếng hò, câu hò lạ, nghe như có máu chảy:

 

Dao vàng chích ruột máu rơi

 

Ruột không đau, đau bởi lời anh phân...

 

Về sau này, khi cả chị tôi và chị Tầm đều không còn nữa, tôi mới hiểu lòng tin của chị. Khi ấy tôi biết thế nào là khổ đau...

 

Nhưng tôi thấy cần phải trở lại chuyện chị Tầm.

 

Một đêm, chị Tầm đi gặp anh Chương về muộn, người trai làng vốn đem lòng thương chị nhưng bị chị phụ uống rượu say rồi đón đường hiếp chị. Chị chạy thẳng ra sông. Sáng hôm sau người làng vớt được chị ở cái hõm nước xoáy bên kia bến Rèn. Người chị nổi vì không có nước vào, hụp lên hụp xuống ở chỗ hõm xoáy.

 

Bến Rèn là cái bến duy nhất của làng, một bến sông chưa hề có con đò nào sang ngang, cả về sau tôi xa làng, thỉnh thoảng trở về, lòng ngậm ngùi với bao chuyện cũ. Gọi là bến, nhưng thực chỉ có mỗi bờ, bờ phía làng tôi bãi cát rất rộng, thoải, ngày nắng cát ánh lên vàng óng, thuyền bè ngược xuôi ghé vào nằm ghếch mũi an bình, nhưng phía bờ kia hoang dại, không nhà cửa thôn xóm, chỉ xanh ngút lá. Bờ bên đó là bờ lở, mỗi năm lở vài bận, đã hàng trăm năm, nay thành cái hõm xoáy, sâu hun hút, thuyền bè ngược xuôi đều tránh, người không dám bơi tới gần. Người làng còn kể, hồi chiến tranh, có lần lính Mỹ càn bờ ấy, dân chúng chạy xuống sông định thoát qua bến Rèn, không ngờ máy bay thả bom, người chết vô khối, hồn tụ nhau lại một chỗ, vui chơi nhảy múa mà thành hõm.

 

Lúc chị Tầm được vét lên từ hõm xoáy, nhiều người bảo đấy là chị bị thuồng luồng bắt, nhưng đến đêm, khi người trai làng hát một mình ngoài sông rồi trầm mình chết, hồn phiêu du đi tìm chị Tầm thì không ai nhắc lại điều ấy nữa, họ cố quên, như một điềm xấu.

 

Anh Chương trốn đi vào một đêm mưa gió, sấm nổ đùng đùng, bầu trời tan nát bởi hàng ngàn vạch chớp. Đơn vị chăn bò của anh báo động cho dân quân xã. Những người đàn ông xông vào đêm, bắn súng lên trời, tiếng súng lẫn trong tiếng nổ của trời đất, man dại, hỗn độn. Cha tôi đi cùng những người đàn ông đó, mặt nghiêm trọng, như sau này khi biết chị Tĩnh không về nữa, cha vẫn nghiêm trọng thế, dù có phần u uất hơn.

 

Chị Tĩnh lao khỏi nhà, băng qua sân, xiên qua màn mưa ráo riết, bóng đổ lên không gian dưới ánh sáng của chớp sét nhằng nhịt. Chị chạy, người ròng ròng nước, thân thể chốc chốc bừng sáng. Tôi hình dung chị như một bó lửa đã bừng cháy một cách khốc liệt trong cái thời khắc mà vũ trụ cũng cuồng dại vật vã bởi chia ly ấy.

 

Đứng ở trong nhà, ngay cánh cửa đã mở toang và gió đang thốc tháo đập vào cùng những hạt bụi mưa ướt át, tôi kinh hoàng nghe tiếng khóc của chị dội lại, tiếng khóc vượt lên tất thảy những âm thanh hỗn độn của trời đất và muôn vật. Đứng ở đấy, tôi cảm giác không phải chị mà chính tôi đang tan chảy ra, từng giọt từng giọt lạnh lẽo, đau buốt...

 

** *

 

Tôi trở lại chốn cũ một vài lần, không đi một mình mà có Tuyển, đứa con trai đầu tiên trong đời tôi, một đứa tôi có ý muốn rằng tôi yêu, một đứa phải làm sao để nó không được quyền rời bỏ tôi, không lý do, không cớ gì, nó thuộc về tôi... Không còn anh Chương, không có chị Tĩnh, tường đá vẫn nứt nẻ và rêu phong, thánh tích yên ngủ trong lau lách bụi dại nhưng thảo lan vẫn nở lộng lẫy, vô sự với thời gian và tất thảy mọi biến động của con người. Dưới một tượng đổ, Tuyển nhặt lên và đưa tôi một viên đá, màu đỏ, hình bầu dục, bằng đầu ngón tay cái. Tuyển luồn một sợi dây đeo vào cổ tôi, nó nằm trên ngực tôi, ngay chỗ hõm đầy nữ tính, và tôi run lên, gần như ngất đi, vì là nó, viên đá kết tinh bởi máu trinh ấy một thứ bùa thiêng, một khát vọng đã hoàn thai qua nhiều đau đớn. Tôi để yên cho Tuyển hôn. Tuyển muốn thực hành những hiểu biết mang tính xã hội, ở vào tuổi đó, trong một thời đại mở cửa. Nhưng Tuyển thất bại và chi tiết đó rốt cuộc lại chỉ là một ký ức hay hay trong bộ sưu tập ký ức của cả cuộc đời dài.

 

Tôi thay sợi dây của Tuyển bằng một sợi dây khác, cũng màu đỏ. Từ đó nó luôn nằm trên ngực tôi, thắm thiết một cách khêu gợi ở cái hõmgiàu tính nữ nhất, nó lóng lánh mỗi khi tôi đi ra ngoài ánh mặt trời và thỉnh thoảng những người phụ nữ nhìn tôi, tiếc rẻ một món trang sức đẹp. Nhưng tôi lại là kẻ hay thất bát trong tình yêu.

 

Cho đến năm kia đây tôi chuyển về Hà Nội. Trong thế giới phù hoa đó, tôi không còn nông nổi để lựa chọn những chàng trai trẻ hào nhoáng và ga lăng nữa, tôi để ý đến những người độc thân đã trải nhiều cay đắng, những người bị vợ bỏ, những người nuôi con riêng. Tôi không mơ ước gì nhiều, chỉ là một đời sống an bình, một gia đình... Nhưng rồi những người kia cũng nhanh chóng rời xa tôi, không lưu được mấy dấu ấn.

 

Tôi nhìn xuống ngực. Nó vẫn nằm ở đấy, kiêu hãnh khêu gợi. Trong ánh đỏ của nó, tôi nhìn thấy gương mặt chị Tầm, đẹp như cổ tích, tôi nhìn thấy anh Chương, dấu chân để lại trong đêm bão bùng,  tôi nhìn thấy chị Tĩnh, sao tiếng khóc kinh khủng làm vậy... Và dòng sông quê nữa, một bờ thanh bình vàng óng cát, sao bờ kia hoang dại...

 

***

Tôi đang định kết thúc truyện ngắn này thì cô em tóc ngắn, mặc bò, mặt xinh xẻo gọi điện tới. "Chị đừng để nhân vật chết nhé! Báo em cần một cái vui vẻ trẻ trung..."

 

TTH