gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

ĐIỂM SÁCH



Radio Murder

Giết người bằng Đài Phát Thanh
Linda Melvern, trên tờ TLS, số đề ngày 9 Tháng Chín, 2005, điểm cuốn Justice On The Grass, của Dina Temple-Easton, viết về vụ xử ba ký giả Rwanda, bị coi là những tội phạm chiến tranh, những tên diệt chủng.
Tác giả là một nữ ký giả Mỹ, đích thân bỏ tiền túi ra để theo dõi vụ xử án tại Toà Án Tội Phạm Quốc Tế tại Rwanda [International Criminal Tribunal for Rwanda,ICTR], mở ra tại Arusha, Tanzania. Vụ xử án này hoàn toàn bị lãng quên một cách thật là bỉ ổi bởi báo chí Tây Phương. Chính vì vậy, cuốn sách là tham vọng đáng kể, bởi vì vụ xử án cần phải được ghi chú tỉ mỉ, chi tiết, theo nghĩa, chuyện xẩy ra tại Rwanda là một dấu mốc của thế kỷ 20. Tại đó, chiến dịch tuyên truyền chống lại dân tộc thiểu số Tutsi làm nhớ lại những tội ác Nazi. Và nếu những tội phạm Nazi tại toà án Nuremberg không một ai nhận tội, tương tự, những kẻ bị kết án lần này cũng đều cho rằng, họ vô tội.
Tác giả chỉ ra, sự quan trọng của đài phát thanh, và những lời thù hận từ đó hàng ngày ra rả, là không thể coi thường được. Ba ký giả của đài phát thanh truyền hình Radio-Télévision Libre des Mille Collines, đóng một vai trò chủ yếu trong vụ diệt chủng, đã bị đem ra xét xử tại tòa án trên. Đó là Hassan Ngeze, còn là chủ nhân của một tờ báo phân biệt chủng tộc, tờ Kangura; Jean-Bosco Barayagwisa, luật sư, nhà ngoại giao, và là giám đốc Đài Phát Thanh, và Fernidand Nahimana, một tay chuyên về tuyên truyền và là giáo sư sử học.
Tốc độ khủng khiếp của vụ diệt chủng tại Rwanda vào năm 1994, và sự tham dự của công chúng, là chưa từng có trong thời hiện đại. Đám dân tộc đa số Hutu, và những quyền lực của nó, muốn tạo nên một quốc gia chỉ có dân Hutu, và người Tutsi bị coi là không phải là người, những kẻ có sừng ở trên đầu.
Cuốn sách của nữ ký gỉả Mỹ nhắm một điều thật là hiển nhiên, những kẻ có phương tiện  truyền thông trong tay mặc tình thao túng, thêu dệt ra "chân lý", và xúi giục kẻ khác giết người.