*


ĐIỂM SÁCH



*
*
*

Và Khi Bức Màn Rớt Xuống
Et Quand Le Rideau Tombe (1)
Tác phẩm mới nhất của nhà văn Tây Ban Nha, Juan Goytisolo
Một bài học về bóng đen.
Đỉnh Cao Tuyệt Vời Của Sự Báng Bổ
Khi cuốn sách ra lò ở Tây, nó chỉ được đọc một cách vội vàng, coi đây cũng chỉ là một thứ "sến" [sentimentalisme], vốn xa lạ với nó. Một cách đọc theo kiểu nhà nước như thế chẳng khác gì người mù sờ voi!
Đây là một trong những cuốn sách đẹp nhất mở ra mùa sách, theo tờ Thế Giới Ngoại Giao, Le Monde Diplomatique, số Tháng Một, 2005.
Và bèn mở ra một hồ sơ cho cuốn này, gồm ba bài viết về nó. Guy Scarpetta, nhà văn, tác giả Hoàng Kim Thời Đại Của Tiểu Thuyết [L'Age d'Or du Roman, Grasset, Paris, 1996], với bài Huy Hoàng Như Báng Bổ, Splendeur du Blasphème. Một bài của chính tác giả cuốn sách, Juan Goytisolo, nhà văn TBN, đã từng có cả một lô tác phẩm: Cảnh Tượng Sau Trận Đánh [1992], Cuộc Đời Dài Của Những Marx [1995], Tình Trạng Vây Hãm [1999]: Chấm Dứt Một Giai Đoạn [La Fin d'une Étape]. Và Milan Kundera: Kỷ Niệm Bỏ Chạy [Desertion des souvenirs].
Tin Văn sẽ giới thiệu cả ba bài này.
(1): Juan Goytisolo, Et quand le rideau tombe, Aline Schulman dịch từ tiếng TBN, nhà xb Fayard, Paris, 151 trang, 13 Euros.


Tan hàng rã ngũ kỷ niệm
Milan Kundera
Văn sĩ Tiệp, tác giả: Bức Màn Le Rideau (2005), Cõi vô minh L’Ignorance (2003), Bản sắc L’Identité (1998), Chậm chạp La Lenteur (1995), nhà xuất bản Gallimard, Paris.


Người đàn ông đã lớn tuổi, vừa chết vợ. Chẳng có bao nhiêu chi tiết về tính tình cũng như về cuộc đời của ông. Không một câu chuyện. Chủ đề duy nhất của quyển sách là giai đoạn mới này, tức thì, ông về nhà; ngày xưa khi bà vợ còn ở bên cạnh, lúc nào hình ảnh bà cũng ở trước mặt ông, thăm thẳm chân trời với thời gian; bây giờ, chân trời trống rỗng; và bây giờ là hoàn cảnh mới: nhãn quan đã thay đổi, chắc chắn là thay đổi vĩnh viễn.

Và Khi Tấm Màn Rơi Xuống gồm ba mươi tám chương ngắn ngủi (mỗi chương hai, ba trang),  dưới nhiều góc cạnh khác nhau, tác giả mổ xẻ hoàn cảnh mới và kinh ngạc: kỷ niệm bây giờ là gì đây? Trí nhớ bây giờ là gì đây? Chuyện gì đã xảy ra với thời gian? Các kỷ niệm. Có phải bây giờ là giây phút huy hoàng của kỷ niệm? Có phải bây giờ kỷ niệm chiếm chỗ người đã khuất? Kỷ niệm an ủi người đàn ông trong cơn buồn bã nhớ nhung? Tất cả những điều này bỗng chốc bị quét sạch như màn hình quảng cáo. Trong mỗi giai đoạn mới của cuộc đời, chúng ta bịt mắt bước chân vào. Cuộc đời chẳng bao giờ giống như những gì chúng ta mong chờ.

Trong chương đầu tiên, người đàn ông nghĩ đến người chết cả đêm, chững hửng bởi sự kiện, cùng lúc này, ông nhớ lại những khúc hát ngu đần xa xưa, những bài hát dưới chế độ độc tài franco của tuổi thanh niên, khi ông chưa biết gì về trí nhớ. Tại sao, tại sao? Tại sao trí nhớ tồi như thế, sến như thế? Hay trí nhớ đang chế nhạo ông? Có một bữa ông thử dựng lại hình ảnh của bà, ông nhớ lại được tất cả phong cảnh mà ngày xưa họ từng ở với nhau, “nhưng hình ảnh của nàng, dù là mờ nhạt cũng chẳng bao giờ xuất hiện.”

Cái tan hàng rã ngũ phản trắc này của kỷ niệm đã cho ông thấy một cách cụ thể thế nào là kỷ niệm. Khi ông nhìn lại quá khứ, cuộc đời ông “ thiếu mạch lạc, thiếu khớp: ông chỉ thấy những phức đoạn, những sự kiện riêng lẽ hoặc vụng về lồng vào nhau, những bản thảo của một bối cảnh đáng lẽ phải như thế, một chuỗi rời rạc của các bức họa... Ước muốn thanh minh cho hậu thế với những sự kiện rời rạc như thế là giả tạo, chỉ đánh lừa người khác nhưng không thể đánh lừa chính mình.” (Sự thật, có phải cái đó là cái người ta gọi là “tiểu sử” chăng? Một lô-gic giả tạo áp đặt trên “một chuỗi rời rạc của các bức họa”?

Trong nhãn quan này, quá khứ xuất hiện với tất cả cái không thực của nó; còn tương lai? Đây là một sự thật hiển nhiên mà trước đây ông chưa nghĩ đến: đương nhiên, tương lai không có gì là thật. Ông nhớ đến cha ông: với tình thương, cha ông đã xây một căn nhà cho con cái mà chúng chẳng bao giờ ở đó; với lòng đam mê, ông chuẩn bị cho chúng một tương lai không xảy ra như ý ông muốn.

Quá khứ và tương lai cứ nhẹ nhàng xa khỏi ông, hình ảnh của thời gian cũng chuyển biến: ông nhàn tản đi trong một thành phố ở ma-rốc; tay dắt một đứa bé và ngạc nhiên thấy ông “như vui tươi nhẹ nhàng bay bổng, không còn quá khứ cũng như không còn đứa bé dẫn đường... không còn gì đáng kể ngoài cuộc đi bộ nhàn tản này... tất cả hội tụ về thời gian hiện tại và kết thúc trong hiện tại...». Và, ngay lập tức, trong cảnh sống giảm thiểu ở cái thời gian nhỏ bé chật hẹp hiện tại này, ông tìm được một hạnh phúc kỳ dị mà ông chưa bao giờ biết đến, chưa bao giờ mong chờ nó.

Sau những mổ xẻ về thời gian này, người ta có thể hiểu câu Chúa nói với ông: « Dù cho mi sinh ra từ một giọt tinh trùng, còn ta, từ những suy đoán và những buổi họp công đồng, cả hai chúng ta đều có một điểm chung: chẳng tồn tại... » Thượng Đế? Đúng, đó là đấng mà người đàn ông tưởng tượng ra cho mình và cùng trao đổi một cuộc đối thoại lâu dài. Một Thượng Đế không hiện hữu và vì không hiện hữu, người đàn ông tha hồ tự do thóa mạ, những lời thóa mạ không thể tưởng tượng, tráng lệ và đẹp tuyệt vời, vừa sáng suốt vừa đa dạng, những lời phạm thượng thần thánh đích thực làm cho ông sảng khoái.

Một trong những bài diễn văn của ông, vị Chúa báng bổ này nhắc cho người đàn ông già nhớ lại cuộc viếng thăm của ông ở Tchétchénie; khi để ăn mừng ngày cáo chung chế độ cộng sản, người Nga đã thảm sát dân Tchétchènes. Trong cuộc hành trình, người đàn ông mang theo mình Hadji Mourat, của Tolstoi, quyển tiểu thuyết kể lại các cuộc tàn sát mà người Nga đã tàn sát dân tộc Tchétchénie một trăm năm mươi năm trước đây. Chuyện khôi hài là cũng giống như người đàn ông lớn tuổi Goytisolo, tôi cũng đã đọc lại, cũng thời buổi đó, Hadji Mourat và tôi nhớ lại một biến cố mà lúc đó tôi quá kinh ngạc: dù cho lúc đó mọi người náo nức về thảm kịch giết người kinh hoàng ở Tchétchénie, tôi không nghe một ai, không một ký giả, không một nhà văn, không một nhà lãnh đạo chính trị nào nhớ lại quyển sách của Tolstoi. Mọi người sửng sốt trước cuộc tàn sát nhưng không ai sửng sốt trước sự lặp lại của cuộc tàn sát. Chỉ có Thượng Đế báng bổ của Goytisolo là biết điều này: “Nói cho tôi nghe: sau huyền thoại tôi tạo dựng trái đất này trong một tuần, có cái gì thay đổi trên Quả Đất này không? Vì sao lại kéo dài một cách vô ích cái màn hề này? Tại sao con người cứ tiếp tục sinh sôi nẩy nở một cách lì lợm như thế?”

Cái ô nhục của việc lặp lại luôn luôn được tha thứ một cách từ tâm bởi cái ô nhục của sự lãng quên. Lãng quên, “cái lỗ sâu hoắm không đáy, nơi đó kỷ niệm chìm thẳm xuống”; toàn kỷ niệm, một người đàn bà yêu dấu; một quyển tiểu thuyết diễm lệ hay một cuộc diệt chủng.

Milan Kundera.

LN dịch, từ Thế Giới Ngoại Giao, Le Monde Diplomatique, số Tháng Một, 2005.