*


ĐIỂM SÁCH


&*

Đọc "Nơi Người Chết Mỉm Cười"

 Phạm Xuân Đài

 (trích báo Thế Kỷ 21, số tháng Chạp 1999).

 Trong thập niên 60, bút hiệu Sơ Dạ Hương đã xuất hiện trên báo văn học ở Sài Gòn. Đó là Nguyễn Quốc Trụ, người từ thời ấy ngoài sáng tác, đã viết phê bình sách, và sau 1975 đã ở lại Việt Nam rất lâu, mãi đến gần giữa thập niên 1990 mới chịu ra đi.... NNCMC là cuốn thứ nhì ông xuất bản ở hải ngoại, sau Lần Cuối, Sài Gòn ông xuất bản năm ngoái.

 Sách này gồm các tạp ghi văn học, những bài mà tác giả cho rằng "Gọi Tạp Ghi thực không đúng, nhưng cũng chẳng biết gọi là gì." Trong một mức độ nào đó, các tạp ghi này cũng có thể gọi là các bài nhận xét và phê bình văn học, với một cung cách tự do thoáng đãng không bám chặt vào một cái khung có sẵn của trường phái hay chủ thuyết. Tác giả là một kẻ khổ công đọc tài liệu văn học Việt Nam và thế giới, đặc biệt là văn học tây phương, bài viết của ông tràn ngập sự kiện, dẫn chứng (dĩ nhiên thuộc văn học). Các bài tạp ghi thường cảm hứng từ một vấn đề, một tác giả, một tác phẩm mà tác giả gặp thấy trên con đường lặn lội mênh mông vào thế giới yêu thích của ông, đem lại cho người đọc rất nhiều suy nghĩ cũng như tài liệu về các sự kiện ấy. Không phải người Việt Nam nào, ngay trong giới cầm bút, cũng có điều kiện, khả năng và lòng ham thích tìm hiểu, cập nhật tình hình văn học khắp nơi như Nguyễn Quốc Trụ đang làm, vì thế những tạp ghi của ông, mà xen lẫn là các mẩu dịch của những tác giả nước ngoài, giúp ích cho chúng ta rõ được một phần các khuynh hướng đang diễn tiến.

 Ngoài những vấn đề văn học, một số bài viết về các kỷ niệm với bạn bè, các kỷ niệm của chính mình về thời đã qua. Tất cả đều nằm trong một không khí chung, là sinh hoạt văn học. Đọc Nguyễn Quốc Trụ để hình dung ra con người của ông, hình như đối với người này, không có gì khác, ngoài văn học.

 PXĐ