*


ĐIỂM SÁCH


30 Tháng Tư Đọc Hồ Như: Kẻ Lạ

 Trong số những nhà văn nữ hải ngoại, Hồ Như thuộc lớp sau. Ở lớp trước, vẫn còn dáng dấp, hơi hướng của lớp "trước đó": những nhà văn nữ miền nam trước 1975. Tới những nhà văn "như" Hồ Như, là dứt hẳn.
 Muốn tìm ra sợi dây dẫn, hay văn vẻ hơn, "truyền thống", phải lần tới bà... Eva: người nữ muôn đời, quê hương - địa đàng đã mất. Hay gần gụi hơn: tới "người đàn bà ngoại tình", đề tài lớn của dòng văn chương hiện sinh thoát thai từ Kafka. Phải chăng, ngoại tình bắt đầu... khi "người nữ thứ nhất" nghe lời xúi dại của một con rắn? Bắt đầu cùng với số mệnh con người: cứ luyến tiếc mãi một thiên đàng, trong khi sống ở địa ngục: ở trần gian (hải ngoại?) này?
 Không ngại tỏ tình với Dostoevsky, một nhà văn nữ đã viết như vậy, khi gặp nhà văn "râu rậm" người Nga lần đầu, ở cái tuổi mới lớn.
 Và đây là "giờ phút của sự thực": tôi "mê" Hồ Như, ngay lần đầu đọc truyện ngắn, về một thiên thần hộ mệnh, của một cô gái trời cho đẹp, thông minh, học giỏi...
 Một con người quá đầy đủ như vậy, cần chi đến thiên thần hộ mệnh? Hóa ra là: cô gái vẫn còn một chút khiếm khuyết: cô ganh với một người bạn "không hiểu từ đâu", tới lớp cô, và chiếm ngay ngôi vị số một, đẩy cô xuống hạng thứ.
 Cuộc đụng độ "sinh tử" xẩy ra trong lần thi cuối năm, cô "số một" quên mang theo máy tính. "Cho mi chết! Lần này thì đừng hòng hơn ta". Cuối cùng, cô "ngộ" ra một điều: mình là số hai, một "số hai" ý nghĩa vô cùng: may mà có số hai, ở đây, (ở hải ngoại này?), để cho "số một" "đôi khi" cần tới!
 (Thiên Thần Hộ Mạng hình như đăng trên tạp chí Văn. Nội dung của nó không hẳn đúng như tôi vừa tưởng tượng, nhưng đâu cần, tôi đọc, nhớ, và hiểu như vậy).
 Kẻ Lạ là một... me Mỹ (chữ của Hồ Như), về quê hương cùng với chồng. Tại sao trở về? Phải chăng là để tìm hiểu một "sự thực": không phải con người bị đuổi khỏi địa đàng, địa đàng vì thế mà bị huỷ diệt (Nous avons été chassés du paradis mais le paradis n'a pas été détruit pour cela. Kafka, Nhật ký).
 Khi chiếc phi cơ đang hạ dần độ cao, tôi nhoài người nhìn ra ngoài cửa kính. Có thấy gì không? Nick hỏi, tôi lắc đầu. Mãi... tôi mới thấy vài ánh đèn rải rác trong đêm tối. Nick nhìn tôi nhưng tôi tránh mắt anh. Tôi sợ anh sẽ hỏi: Có cảm thấy gì không? và tôi sẽ phải lắc đầu một lần nữa...
 Việt Nam bây giờ giống Tây nhỉ. Không biết cái trò mang hoa tặng nhau ở phi trường có từ bao giờ? Mìønh lạc hậu mất rồi...
 Cái quầy cao kiểu này thật thuận tiện cho việc hối lộ. Gã cán bộ săm soi giấy tờ của tôi... vì không có tờ đô la nào kẹp giữa tấm thông hành dán hình bộ mặt ngớ ngẩn của tôi. Cuối cùng gã liếc Nick, và quăng lại giấy tờ cho tôi... vẫn một sản phẩm Mỹ che chở cho tôi tại xứ sở của mình. Tôi mãi mãi là một kẻ phản bội Tổ Quốc, còn Nick đã được nâng lên hàng bè bạn...
 Trên chiếc xe ọp ẹp đón khách từ sân bay vào bên trong làm thủ tục, Nick dành được cho tôi một trong những chiếc ghế hiếm hoi dọc hai bên chiếc xe dài. Anh học được trò chen lấn ở đâu thế?
 Anh chồng (nhận ra thế mạnh của mình?), "nhập vai" thật nhanh, nhưng người vợ thì không thể.
 ... Cô có cần xe về Hà Nội không? Giọng Bắc rặt hơi nặng vang lùng bùng trong tai tôi, lạ lẫm...
 Nick khó chịu: Em chưa nói một câu nào cả buổi tối? Cảm xúc quá chăng? Tôi quay ngoắt đi. Ngoài tấm màn thưa che cửa sổ, mái ngói rêu đen và bờ tường vàng úa hiện ra. Trái tim tôi lặng lờ, như lúc ý nghĩ sắp nhìn thấy Hà Nội lướt qua trí. Mười mấy năm trời còn gì. Tôi đã thành kẻ lạ...
 Kìa ai như cô Thắm:
 Hình như ai cũng quay lại nhìn chúng tôi. Cái nhìn soi bói, lục lọi như thể họ đang chờ tôi làm một cử chỉ lạ lùng nào đó. Tôi tụt lại sau Nick xa hơn. Đến ngã tư, anh dừng lại, ngơ ngác quay lại tìm tôi. Em làm sao thế? Sợ chen lấn hả? Em không muốn người ta nhìn em như thế. Như thế nào? Như Việt kiều. Như... me Mỹ, tôi định nói nhưng chợt nhớ tôi không biết dịch chữ ấy thế nào cho Nick hiểu. Anh phì cười: Em là Việt kiều thật kia mà. Em làm sao giống họ. Em không thuộc về thế giới của họ.
 Sau Nguyễn Du với một nàng Kiều bán mình chuộc cha, văn chương Việt Nam suốt thời Pháp trị không sản xuất ra nổi một "người đàn bà ngoại tình". Tới thời chống Mỹ cứu nước lại càng không. Nếu có chăng, là từ những nhà văn nước ngoài, (một hai nhà văn Pháp với nỗi đau vàng (le mal jaune); G. Greene với Người Mỹ xấu xí, hay một nhà văn thuộc loại série noire như James Hadley Chase, với một tác phẩm nhại theo một tác phẩm nổi tiếng của chính ông: Không một bông sen cho nàng Kiều, Pas de lotus pour Miss...).
 Mới đây thôi, cũng trên tờ Văn Học, Trúc Chi có lẽ là người đầu tiên, theo tôi, với riêng tôi, đưa ra những lời ưu ái, cho một... me Tây, Anne-Marie (trong truyện Chuyện ngày Mưa, tôi không nhớ VH số mấy). Hoặc Lê Minh Hà, trong tập truyện mới xuất bản, Gió Biếc, viết về số phận Việt kiều "ra đi từ miền bắc, sau 1975, tại Âu-châu".
 "Cũng một ngày mưa dầm như hôm nay, mà lạnh hơn nhiều, đã lâu lắm rồi, qua lớp kính mờ mờ, tôi nhìn ra biển Manche...", nhân vật xưng tôi trong Chuyện ngày Mưa "hồi tưởng" lần gặp lại anh bạn tên Chất, trên một con tầu Hồng Mao.
 "Tôi quen Chất từ hồi còn ở trong nước, nhưng không thân lắm. Mấy năm mới ra nước ngoài thỉnh thoảng có gặp nhau trong một quán cơm sinh viên, nhưng sau đó mỗi đứa một đường. Một phần cũng là vì Chất phục cụ Hồ, mà phục lăn. Tôi lại phục toàn các cụ của thế kỷ trước như cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ!... Thời Pháp thuộc người làm "quốc sự" chỉ lo đuổi Tây đi thôi, chưa có dịp thi thố khả năng tương tàn...
 "À anh còn nhớ con Anne-Marie không? Chất đột ngột hỏi tôi, khi tầu sắp sửa cập bến Calais."...
 "Ai?"
 "Thì con Marie đó."
 Biết rồi, một năm trước lần gặp Chất trên biển cả, tôi có ngồi nói chuyện với Anne-Marie trong một quán rượu. Còn tại sao "con" Marie thì tôi cũng biết rồi...
 Marie lúc đó đã sắp thoát kiếp đoạn trường, bị lao phổi, nằm nhà thương:
 "Anh biết không, khi tôi ngủ với đàn ông lần thứ nhì để lấy tiền, khi tôi mất trinh lần thứ hai, tôi cũng đau lắm chớ..."
 "Ai nói cho anh biết vậy?"...
 "Chất là người độc nhất biết tôi nằm ở đây."
 "Và tôi là người thứ hai. Chấm hết."...
 Tôi hiểu rồi. Người đàn bà bị số mệnh xô ngã xuống trong cuộc sống... người ta muốn được yên thân mà đi một mình trên quãng đường còn lại, mà gánh cho hết cái nghiệp của mình, mà vác cái thánh giá của đời mình"...
 Đứng dậy em ơi sống cõi đời
 Đời dù khổ nhục đến mười mươi
 Em nên điểm phấn tô son lại
 Ngạo với nhân gian một nụ cười
 (Thơ Thái Can, Trúc Chi trích dẫn trong bài viết).
 Và bây giờ là nhân vật xưng "tôi", của Hồ Như.

 Lúc Nick trở dậy sửa soạn ra phi trường, tôi đã mặc xong quần áo, ngồi dưới thảm bên phía giường mình. Chưa đầy một tuần ở Việt Nam, Nick đã đòi về, dứt khoát và quyết liệt. Tôi ngơ ngác nghe, không phản đối. Nick nói thêm, như sợ tôi hiểu lầm, rằng công việc đòi hỏi anh phải về gấp. Tôi không tin như thế. Anh rời Việt Nam vì chán cái nóng, chán tiếng ồn... Nhất là anh chán tôi, chán con người xa lạ lột xác thay hình từ tôi ở Mỹ thành tôi ở Việt Nam. Tôi chừng như nghe ý nghĩ của anh: Anh ngỡ là anh biết rõ em lắm. Tôi cũng ngỡ thế...

 ...Những giọt nước mắt mười mấy năm trước đổ xuống phi trường Tân Sơn Nhất vẫn còn cay xé trên mi.

 Chú thích: Kẻ Lạ đăng trên Văn Học (Cali), số Tết Kỷ Mão.

 NQT