*


ĐIỂM SÁCH


Lịch Sử Của Chiến Tranh 

Tác phẩm mới nhất của nhà văn người Nhật Haruki Murakami, The Wind-Up Bird Chronicle [Ký sự về chim lên dây thiều] (nhà xb Knopf, 1997), mở ra bằng giọng văn quen thuộc của ông:
Tôi đang làm món spaghetti ở trong bếp, chuông điện thoại reo. Spaghetti gần xong. Radio là một đài FM. Tôi huýt sáo theo La Gaza Ladra của Rossini. Nấu món pasta mà có nhạc này đi kèm thì thật tuyệt.
Nhưng liền theo đó, người đọc bị cuốn hút vào cơn ác mộng của nước Nhật: cuộc tàn sát binh sĩ Thiên Hoàng, bởi chiến xa Xô-viết, vào năm 1939, tại một vùng sa mạc Nomonhan, Mông Cổ.
Khác hẳn những cuốn trước, sặc mùi bơ, cuốn này sặc mùi máu. Độc giả cảm thấy mùi máu nóng bỏng trên những trang sách. Cảnh tàn sát những con thú vườn Zoo, trước khi chiến xa Xô-viết tiến vào thành phố: trước hết là những con báo, rồi tới chó sói, sau cùng là những con gấu. Chúng lâu chết nhất, dù đã hứng hàng chục viên đạn; đám thú điên cuồng gầm thét, rẫy rụa như muốn giật tung những chấn song chuồng giam, trước sự khiếp đảm của đám binh sĩ: đối với họ, giết người ở mặt trận dễ dàng hơn nhiều, so với việc giết thú ở trong chuồng.
Rồi những cảnh tượng phát ớn lạnh: lột da nạn nhân, từ đỉnh đầu trở xuống, một cách tỉ mỉ, từ tốn, thật "dễ thương", hoặc cảnh binh sĩ Nhật thọc mạnh lưỡi lê vào bụng tù nhân Trung Hoa, rồi ngoáy...
Theo ông, chiến tranh là chuyện nghiêm trọng: nó đẩy sự xung đột cá nhân với nhà nước, tới mức tột cùng. Vào năm 1994, ông viếng thăm vùng sa mạc kể trên, và đột nhiên, ông "mặc khải". Cuộc đời ông thay đổi hoàn toàn: Tôi có cảm tưởng tôi đã tham gia trận đánh. Giữa vùng biên giới, sa mạc khô cằn, ông nhận ra, ông hết còn trông mong, một sự trốn chạy nỗi khiếp sợ: Xã hội Nhật bản, con bạo động phi lý của nó. Cuộc chống trả vô ích, vô vọng của binh sĩ Nhật bản trước chiến xa Xô-viết làm ông nhận ra tính cực kỳ phi lý của quân đội Nhật: sự tin tưởng mù quáng vào chiến thắng, chỉ với tinh thần cuồng nhiệt và ân sủng của Thiên Hoàng.
Người Nhật không tin vào mặc khải. Riêng Murakami, đã hai lần mặc khải. Lần đầu, tại một sân vận động ở Tokyo, khi đang có trận đấu baseball giữa hai đội Mỹ và Nhật. Ông đang theo dõi một đường banh, và đột nhiên nhận ra, ông có thể viết một cuốn tiểu thuyết. Tuy không biết tại sao, nhưng ông hiểu như vậy. Đó là tháng Tư, 1978, ông 29 tuổi. Mười lăm năm sau, là ở Nomonhan, Mông Cổ.
Giữa hai lần mặc khải là câu chuyện lạ thường của một nhà văn mơ tưởng chuyện hải hồ, "lưu vong", nhờ vậy lại khám phá ra quê hương của mình.
Một điều kỳ cục, đó là tính bạo động, sự độc ác, của chiến tranh, trong The Wind-Up Bird Chronicle, không liên quan gì tới những tác phẩm trước đó. Tác giả tuyên bố: Nếu ông không sống ở Mỹ, tức là ở nước ngoài, ông không làm sao có thể viết nổi tác phẩm đó. Như thể ông bắt buộc phải rời bỏ quê hương, rồi mới tìm thấy con đường trở về. Kinh nghiệm, quê hương tìm thấy lại của ông thật là quí báu đối với chúng ta. Nên nhớ, Murakami mặc khải là nhà văn vào tháng tư, 1978. Vài năm trước đó, như một số sinh viên Nhật, ông tin rằng người Nhật có thể đem lại một giải pháp hòa bình cho Việt Nam.
Murakami nổi tiếng nhất, trong số những nhà văn cuối thập niên 70, và là người quan trong nhất. Tuy nhiên, có một điều kỳ cục ở trong những tác phẩm của ông: sự thiếu vắng hoàn toàn truyền thống văn hoá Nhật bản. Nhân vật của ông ăn pizza, steaks hay pasta. Nghe Ella Fitzgerald hay Rossini. Mặc những bộ sharp suits, áo sơ mi đúng style. Khi kẹt trong thang máy, họ huýt sáo theo điệu Danny Boy. Một trong những cuốn sách ăn khách nhất của ông (trên hai triệu ấn bản), Norwegian Wood, Rừng Na Uy, nhan đề là từ Beatles. Ở Nhật, họ gọi những người như ông là batasukai, sặc mùi bơ, một từ để chỉ những người nước ngoài, hoặc bị Âu hóa. Những nhà văn cuối thế kỷ của Nhật, ăn bận như những tay lang thang ở Paris, mơ tưởng Baudelaire, kể những cuộc tình của họ ở trong những ổ nhện tại Tokyo, họ đều có mùi bơ. Murakami cũng vậy, và đây là một trong những thói chơi ngông của ông. Thanh niên Nhật mê phong thái tự chủ, coolness, bất cần đời, cùng vẻ diễu cợt của ông.
"Vâng thật kỳ lạ. Baseball là môn thể thao của Mỹ. Cái tay đánh cú banh bữa đó là cầu thủ Mỹ. Mặc khải của tôi cũng không có vẻ Nhật một chút nào. Dân Nhật không có quan niệm về mặc khải."
Ông mê Tây phương từ rất sớm. Nhất là những ẩn dụ, điển cố kiểu Mỹ. Cậu bé học sinh rất ghét bộ đồng phục, tinh thần nhóm, luật lệ, cá nhân nép mình theo tập thể, gia đình... Để trốn chạy, ông mơ tưởng nước Mỹ, cố tạo nên một nước ngoài, ngay ở trái tim của mình. Ông mua những cuốn sách Mỹ, ở một tiệm sách rẻ tiền, nơi lui tới của những người thuỷ thủ Nhật. Nghe nhạc Mỹ trên băng tần FM. Đó là một cách để cảm thấy mình được tự do, ít ra về phương diện tinh thần. Học ngoại ngữ cũng là muốn trở thành một người khác. Ước muốn chui vào làn da của một người khác đã khiến ông trở nên một dịch giả có hạng. Raymond Carver, Grace Paley là những tác giả ông ưa thích dịch.
Murakami dùng từ “virtual reality”(thực tại ảo), để diễn ta thái độ kỳ quặc, lòng mê say nước Mỹ của ông. Tôi muốn thực hiện thực tại "ảo" đó, ở ngay trong trái tim tôi. Cũng dễ thôi, vì tôi lúc đó chỉ là một đứa trẻ. Ông nhớ lại những cảnh tàn bạo ở đại học Waseda, trận động đất Kobe, vụ giết người bằng hơi độc ở Tokyo. Bạo động là chìa khóa đối với Nhật bản. Và đó là mặc khải ở sa mạc Mãn châu đối với ông.
Murakami "lại khám phá” ra Nhật Bản, khi đang dạy môn văn chương Nhật tại Đại học Princeton. Lần đầu tiên, ông quan tâm đến lịch sử và văn chương Nhật. Ông nghiên cứu trận đánh Nomonhan tại thư viện Đại học. Nó làm ông sững sờ: đây là một thí dụ hoàn hảo, về bạo động phi lý, và sự hi sinh vô ích những cá nhân cho giấc mộng điên cuồng của tập thể.
Sự quan tâm mới mẻ của ông đối với Nhật bản của ông còn là do cuộc sống riêng tư. Càng ngày ông càng nhận ra hố ngăn cách giữa ông và cuộc sống tại Mỹ, xứ sở mà ông đã từng mơ mộng. Khi ở Nhật, ông muốn sự độc lập riêng tư. Tôi muốn được tự do. Sang Mỹ, ông nhận ra, người Mỹ coi đây, tự do và độc lập cá nhân, là những điều được đảm bảo, for granted. Thực tại trần trụi, cuộc sống vô vị, nhạt nhẽo ở đây làm ông vỡ mộng. "Ở Mỹ nghe Jim Morrison không giống như khi nghe ở Nhật". Những ẩn dụ Tây phương mất hết sự bí mật của chúng. "Tôi không cần đến chúng nữa". Và ông quyết định ôm lấy quê hương, chấp nhận trách nhiệm chính trị của mình.
Khi được hỏi, như vậy nghĩa là gì, ông giải thích: 'Vấn đề quan trọng là đối diện với lịch sử của chúng tôi. Và như vậy có nghĩa là lịch sử của chiến tranh".
Jennifer Tran