*


ĐIỂM SÁCH


Lao động và nỗi buồn trong tập thơ
Nằm nghiêng

của Phan Huyền Thư
 Đào Duy Hiệp
“Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh”
(Jacobson)

Tập thơ Nằm nghiêng 78 trang, gồm 31 bài, được viết trong khoảng hơn ba năm một chút từ 1998 đến 2001, căn cứ theo lạc khoản ghi sau mỗi bài. Nếu không bỏ đi bài nào, thì viết như vậy không phải là nhanh. Đa số đều đọc được, thậm chí thú vị, nhất là ở ý thức lao động ngôn từ và nỗi buồn thật thà từ trong chiêm nghiệm nhân sinh, phụ nữ.

 1. Nếu tính từ Thơ Mới đến nay, chúng ta đã có hơn 70 năm. Trong thời gian đó, có thể nói một cách khái quát, Thơ đã đi qua các giai đoạn Tiền chiến, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và thơ sau 75. Giai đoạn sau cùng chiếm một thời gian lớn nhất, kéo dài đến tận hôm nay. 

Thế hệ các nhà thơ trẻ sau 75 phải gánh trên vai mình gia tài rất lớn của cha ông. Thành tựu của Thơ Mới, thơ chống Pháp, thơ chống Mỹ là rực rỡ và to lớn; nó có quyền kiêu hãnh xứng đáng, “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”. Mỗi nhà thơ đến sau, bất kể thời đại nào, đều tiếp thu kinh nghiệm, đồng thời đưa hơi thở thời đại vào thơ, nói bằng một giọng mới về những điều đã cũ, vĩnh cửu như tình yêu, mùa màng, cái chết…. Thơ Thu của những Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh, Lâm Huy Nhuận… khác với thơ Thu của một Nguyễn Khuyến, chẳng hạn; mặc dù vẫn có chung cái bản chất hanh hao, “xao xác” của mùa thu muôn đời. Khác từ cách hiển ngôn đến hàm ngôn thơ bởi thời đại và qua đó là thế sự. Nếu không có kinh nghiệm ngôn ngữ thơ từ trước (quá khứ đó sẽ càng nối dài thêm ngược trở về xa thẳm ở nhà thơ có văn hóa) thì nhà thơ không thể “phá gia chi tử” được, cái mà đôi khi được gọi là “đoạn tuyệt với quá khứ”. Có hiểu cũ mới nói mới được. “Ôn cố tri tân”. Để đổi mới quán tính ngôn từ, nhà thơ phải lao động. 

Thơ, tức là biến ngôn ngữ hằng ngày, thông thường trở thành nghệ thuật. Lao động để chống lại sự xơ cứng, xói mòn, thậm chí máy móc của ngôn từ là một cuộc chiến dai dẳng, gian khổ; có khi nhà thơ bị hiểu lầm, bị phản ứng tiêu cực, thiếu sự thông cảm từ thói quen thưởng thức đã từng ổn định bao đời ở độc giả. Độc giả trước đây đã từng quen với một lối thơ “chở đạo”, sau đó là thơ “xúc cảm”, lâm li, các hình ảnh, liên tưởng thơ mang tính liên tục, dễ hiểu: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau có giậu mồng tơi xanh rờn”, v.v.; giờ đây họ bị vấp phải một lối thơ đứt đoạn, khủng khỉnh, trống không, có khi táo tợn và rốt cuộc, bực nhất là không biết nhà thơ định nói gì trong những âm, tiếng hỗn loạn  đó.  Mỗi thời đại có giọng thơ của mình. Cũng bởi, bản chất của thơ là không đứng lại. “Thơ là nghệ thuật của từ, lịch sử thơ ca là lịch sử ngôn từ” (Zhirmunski); ngôn từ thơ không ngừng bị khai tử và được tái sinh. Lao động nhà thơ trên cánh đồng chữ là lao động căng thẳng, hứng thú và sáng tạo. Cả nỗi buồn nữa. Cần được trân trọng. 

2. Tập Nằm nghiêng của Phan Huyền Thư có nhiều lao động từ những kinh nghiệm quá khứ trên các cấp độ: từ ngữ, hình ảnh (cái khiến bài thơ trở thành thơ) và cả hình thức. ý thức về việc “tìm nghĩa của từ có mặt ở khắp nơi trong tập thơ. Nhận thức mới về thơ, đi tìm cách nói mới, nhất là cách sắp xếp từ ngữ để tạo ra hình ảnh lạ (điều này gần gũi với Chủ nghĩa Siêu thực Pháp) thấy ở khá nhiều các nhà thơ trẻ sau 75, dù ý thức hay không. 

Với Phan Huyền Thư, có thể không tự ý thức, nhưng những “đám mây lang bạt”, hay “đám mây hành khất” vẫn phảng phất dấu vết Siêu thực và hơi giống tên trường ca Đám mây mặc quần (1915) của Maiakovski. Hai thực thể ở rất xa nhau trên trời dưới đất, đặt cạnh nhau, đã tạo sinh một thực tại mới: Vũ trụ cũng cô đơn, trơ trọi và bần hàn. Những: răng ngủ vùi, sấm phục sinh, câu thơ gỡ nút áo, cái liếm môi quy hoạch, hè đồng tính lang thang, mưa hồi xuân, nụ cười da cam lóa nắng, bất đồng ướt nhẹt, hài nhi thơ, ánh mắt lư hương, gió hồi xuân… thì không phải hình ảnh nào cũng lạ, mới; nhưng đã cho thấy ý thức thường trực, trăn trở “đi tìm nghĩa của từ” qua số lượng. 

Bên cạnh những “cắt dán” trên, lao động ngôn từ của Phan Huyền Thư còn ở việc nhại nghĩa gốc của từ, của cả cụm từ, có khi là thành ngữ, có khi là câu Hán tự quen thuộc để tạo ra một cách nói mới, hình ảnh mới, hiện đại. “Em là con ngựa đau chẳng khiến tàu thèm bỏ cỏ” (tr.32) cho biết một trạng thái cô đơn, “lạc loài” giữa bầy đàn, ngược với thành ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Thao tác dựa trên sự tương đồng và bất đồng: em = con ngựa đau ạ bỏ cỏ. Còn “Trăng non cong nỗi thượng tuần” (tr.25) có họ hàng xa xôi từ những câu đồng dao: “Mồng một lưỡi trai/Mồng hai lá lúa/Mồng ba câu liêm/Mồng bốn lưỡi liềm…”, nhưng đã ngả sang ý tính dục (sex) bởi “non cong nỗi”. “Cong” đã bất ngờ gánh hai trách nhiệm: tính từ cong và động từ hoạt động, chủ động. Bên cạnh đó, câu thơ được thực hiện qua nguyên lý song song láy âm vị của các phụ âm n: non/nỗi.. Nếu đọc chăm chú, toàn bộ thơ Nằm nghiêng vẫn bám rễ rất chặt vào logic ngữ nghĩa và liên tưởng hữu thức của truyền thống thơ dân tộc, dễ đọc; nó vẫn mang tính liên tục, bất chấp hình thức, chất giọng của câu, chữ. Những láy phụ âm hay láy bộ phận trong nội bộ một câu như: “Hoa gạo đỏ đau nắng đợi” (tr.27); “Chích chòe lửa ngửa cổ thơ” (tr.30); “Vườn quả trả tiền trước khi chín” (tr.33); đặc biệt mộng mị, tấp nập ở: “Đầu giường sằng sặc giấc mơ mới” (tr.73): gi-gi, s-s, m-m. Hoặc láy từ ngữ “Giao thừa thừa tôi”, hai chữ thừa mang hai nét nghĩa khác nhau; đến “Ai Hồng ai Lạc” thì phải đi tìm chủ thể; hoặc láy triền miên bằng từ “đánh”: “Có lúc/người đánh tôi bằng lưỡi/đánh tôi bằng hoa hồng/đánh tôi bằng cái nhìn âu yếm/bằng hạnh phúc gia đình/đánh tôi bằng lòng tốt/người còn đánh tôi bằng cả sự cô đơn”… 

Lao động thơ của Phan Huyền Thư đã tạo ra được một số hình ảnh mới và bạo. Nhưng cái quan trọng của người sáng tác (và cả phê bình) là phải có một giọng riêng. Phan Huyền Thư đã bước đầu tạo dựng được điều đó ở câu, chữ và ở cả hình thức. (Xin được hiểu, hình thức thơ không hoàn toàn phải ở số lượng câu, chữ, cách ngắt câu, vần, điệu, vận âm… mà còn chính ở cơ cấu giọng của nó). Bên dưới hình thức ngang ngược cố tình của tập Nằm nghiêng, là một giọng buồn thống nhất.

3. Những câu thơ: “Vườn quả trả tiền…”, “Giao thừa thừa tôi”… vừa dẫn bên trên là những nỗi buồn nhiều chiêm nghiệm, suy tưởng. Trong tập thơ 31 bài, thì có chính xác 12 chữ “buồn” ở các trang 11, 13, 68, 70, 71, 71, 71, 72, 73, 74, 78, 78. Như vậy cứ trung bình hơn 2,5 bài có một chữ “buồn”. Nhưng đấy là những nỗi buồn hiển ngôn. Đôi khi hình hài “buồn” chưa chắc đã thật buồn. Cũng như vậy với “cô đơn”. Trong tập Nằm nghiêng, nỗi buồn còn ở những “đau”, những “đánh”, những “thất vọng tạm thời”, “đơn độc”, ở những lời “Ba hồn bảy vía”: “thì về… thì về… thì về…” xuống dòng, tắt lịm dần, như những tiếng vọng đắng cay, hoặc “Đấy chị em ơi!” như lanh lảnh mách bảo, như răn dạy, đáo để, trải đời, không ít xót xa. 

Từ “Những cô chân cong váy ngắn” ở trang 14, đến gần ba chục trang sau, ở trang 43, lại gặp: “Váy ngắn thì chân phải cong”. Câu trên là một thông báo khách quan, gần gũi với văn xuôi. Câu dưới là thơ, rất lạ và đầy bất ngờ. Nó bất ngờ ở chỗ: lấy cái hiện tại để định danh cái gốc gác; lấy cái tạm thời để chỉ cái định hình - từ đó bật ra cái kệch cỡm, không đáng có. Nếu thử thay đổi “Váy dài thì chân phải cong” thì chỉ đơn thuần là xóc mói đàn bà và rơi trở lại tầm thường, thông báo. “Váy ngắn…” là một câu thơ và là một câu buồn. Trong Thi nhân Việt Nam, ở phần viết về Nguyễn Bính, có câu: “ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. (…). Dầu sao, những tính tình tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức ở cuộc đời lôi cuốn ta, nên ở mỗi chúng ta người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện”. Phan Huyền Thư và mỗi chúng ta cũng không ra ngoài nhận định đó: trở lại với thiên nhiên qua nỗi buồn đô thị, là có thật. Cái mầm bệnh “kinh thành cát bụi” đã được ủ sẵn từ Nguyễn Bính, trở thành mạn tính trong tâm thức mỗi người dân Việt. Sự hoài nhớ thôn dã trong mỗi chúng ta chỉ đợi có dịp là thức dậy; ở thơ, nó vô thức hiển hiện qua những từ ngữ: những cánh đồng, gieo, gốc rễ, liềm hái, mầm hạt, trên đường đầy rơm, cầy cấy, hoa gạo, chồi, cỏ thơm, vườn quả… và nhiều nữa, đều có mặt trong tập thơ của Phan Huyền Thư. Dĩ nhiên, tất cả những từ ngữ đó chỉ là những ẩn dụ cho cánh đồng thơ của tác giả. Nhưng nội việc nhà thơ sử dụng chúng đã “tố cáo” đầy đủ sự ám ảnh và hoài nhớ vô thức trong nội tâm. Bởi vậy, nên chăng khi nói về những “Váy ngắn”, những “Thị Mầu 97” (đây là một bài hay ở chất giọng), những “Lóe xóe tiếng địa phương”…, Phan Huyền Thư đã viết về nỗi đau, nỗi buồn nhức nhối, sâu xa, nhiều cay đắng trong chính tâm thức nhà thơ cũng như trong mỗi chúng ta chứ chắc tác giả không có ý định chê bai, phán xét ai. ở đây, nhà thơ đối thoại với cái vắng mặt tạm thời của bản ngã mình; xót xa về “Những điều trông thấy…”. Cũng như vậy, nỗi đau trong bài thơ Nằm nghiêng, có lẽ là nỗi đau thân phận hơn là cái nọ cái kia tì vào. 

Nỗi buồn, nỗi đau của tập thơ còn ở những nghiệm sinh, từng trải, chứng kiến: “Anh cứ say đời nhi bất hoặc/tri thiên mệnh/Xuân bất tận/cổ lai hy” (tr.61). Có mấy dòng thơ ngắn mà đời người đã vụt trôi qua từ bốn đến năm mươi tuổi qua sự bẻ gẫy vụn những câu Hán tự. Octavio Paz bảo rằng thơ là nghệ thuật của thời gian là vì vậy. Kinh nghiệm buồn, cô đơn cũng còn nằm ở yếu tố sex qua những tín hiệu động và danh từ đặc trưng: “vén môi tụt lời”, “vồ vập răng lưỡi”, “thụ tinh ý nghĩ”, “vô sinh”, rồi những “vú”, những “đùi dài ngu ngốc”, cả ở những ẩn dụ “ỡm ờ đôi bờ”, “tràn trề lênh láng”…. Thực ra, trong thơ (của ai cũng thế) nếu sex được nói một cách nghệ thuật thì ta cũng chỉ nên coi nó có quyền bình đẳng như xem tranh hoặc ảnh khỏa thân nghệ thuật, mà thôi. 

Trong thơ Phan Huyền Thư bên cạnh nỗi buồn, còn là sự trăn trở về thơ ở một số bài như Viết, Giấc mơ của lưỡi, Ký hiệu, Một bài thơ… Qua đó, còn cho thấy nỗi buồn “Gốc rễ rên nỗi lưỡi hái cùn” của tác giả khi nhất thời chưa thể vượt xa hơn. Thấp thoáng đâu đây hình như vẫn còn hơi hướng níu kéo của những Trần Dần, Lê Đạt: “Bóng anh đè tim lệch tiết điệu mùa” (tr.30); “Mảnh ván hoèn niêm ướt gỉ đinh” (tr.38) hoặc “Hồn phiêu diêu đèn nhang cửa ngỏ” (tr.74)… là những cầu kỳ, vất vả không cần thiết. 

*

 Trong lao động sáng tạo, nhà thơ gặp niềm tin yêu và cả nỗi buồn; song, bù lại:

“Chơi với từ không chỉ đi đến một lạc thú vớ vẩn, mà là cả một hội hè của trí tuệ, bởi vì, có ngôn ngữ mới ta có tri thức mới” (P.Valéry). 

Hà Nội, tháng 9 năm 2003

Đào Duy Hiệp

 Phan Huyền Thư, Nằm nghiêng, Thơ, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2002.
(Trường hợp của Apollinaire ở Pháp vào năm 1913 khi cho ra đời tập thơ Rượu không có chấm, phảy với những liên tưởng tới tấp, bất ngờ cũng bị la ó như vậy; song, không vì thế mà ông không là nhà thơ vào loại lớn nhất của thế kỉ. Apollinaire gần gũi với trường phái Lập thể trong hội họa: những “cắt dán”, lắp ghép nham nhở của đô thị hiện đại, những vận động của phố xá với các biển hiệu, ánh đèn mầu quảng cáo, các cửa hàng mọc lên, dân nhập cư, gái điếm… trước buổi giao thời đầy biến động vào thời Hoa lệ - nhiều không gian và thời gian được đồng hiện trên cùng một mặt phẳng).
Các trích dẫn trong ngoặc kép hoặc in nghiêng để trích dẫn, nếu không đề tên tác giả, đều rút trong tập thơ Nằm nghiêng.
 Sinh ra giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Chủ nghĩa Siêu thực do A.Breton đứng đầu đã được ông viết Tuyên ngôn lần thứ nhất vào năm 1924. Giấc mơ, cái viết tự động, “trò chơi vô tư của ý tưởng”: đặt những thực thể rất xa nhau ở cạnh nhau để làm nảy ra ánh lửa, soi rọi một thực tại mới chưa từng được biết tới, kiểu: “Một tiếng cười lam ngọc trên đảo Tích lan” hay “Vợ tôi có đôi mông của mùa xuân” (A.Breton). Trong suốt hành trình thơ thế kỉ XX của Pháp vừa qua không còn chứng kiến thêm một trào lưu nào khác nữa; nó là sự cố trọng đại nhất của thơ Pháp thời hiện đại. 

 Song song (parallélisme) là nguyên lý cơ bản của tổ chức thơ được Jacobson nhắc lại quá trình hình thành của nó từ thế kỉ XVIII do Robert Lowth khảo sát về thơ cổ Hébreu của người Do Thái và sau đó, sang thế kỉ XIX là Gérard Manley Hopkins nghiên cứu về tính chất này trong thơ cổ kim. (Dẫn theo Thụy Khuê trong Cấu trúc thơ, tr.130-131). 

Xin được nói thêm: yếu tố sex trong thơ không mới. Từ nửa sau thế kỷ XIX, Baudelaire đã viết tập Những bông hoa của cái ác (1857), trong đó có 6 bài đương thời bị cấm, còn bản thân tác giả và tác phẩm phải ra toà nhân danh “một đạo lý và tôn giáo nào đó”. Nhưng sang thế kỷ XX, cái đạo đức của “lão Tartuffe muôn thuở” đã không còn phủ bóng lên “bình minh của cái đẹp toát ra từ đêm đen của cái ác” trong tập thơ được nữa. Nhắc lại những điều trên trong lịch sử văn học Pháp chỉ để thấy: một mặt, sex không mới; mặt khác, Baudelaire đã chỉ ra sự hiện diện ngấm ngầm của cái ác mà con người vốn yếu đuối, thể xác lại mong manh và linh hồn bị cầm tù trong đó. Tính dục gậm nhấm tâm hồn và đem lại cho tâm hồn nỗi buồn. Hơn nữa, nói điều đó theo cách thơ hay không thơ, mới là vấn đề.