thao_truong




Tầm Bắn Trước và Sau
 Của Thảo Trường

 Đoàn Nhã Văn
Wednesday December 8, 2004 8:20 PM

"Mườ....i bảy năm lính, mười bảy năm tù; thời gian này như được an bài để xóa bỏ thời gian kia.”  Đó là lời mở của Thảo Trường, khi ông cho chào đời tác phẩm đầu tiên tại hải ngoại, Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (TTTTBTG), vào năm 1995.  Sau đó ông xuất bản một truyện vừa: Đá Mục (1996), rồi đến tập truyện ngắn Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (TXCBHQ), 1999.  Ông dự định xuất bản nhiều tập truyện ngắn, dài mà ông đã viết trong nước, trước 1975.  Bài viết này giới hạn trong ba tác phẩm ông viết tại hải ngoại. Với ba tác phẩm này, người đọc cũng nắm bắt được những khác biệt khá rõ ràng trong vùng chữ nghĩa của Thảo Trường sau hai mươi năm ngưng viết.

 
Có người bảo: chiến tranh đã đi qua, giai đoạn tù tội và cuộc sống cơ cực, tù túng trong nước sau 1975 đã có quá nhiều người nói đến.  Vậy nói thêm có lợi ích gì trong lúc này?  Ai mà thèm đọc? 
Đây cũng là điều mà nhà văn Thảo Trường đã nghe bạn văn của ông nói lại. Có thực sự không cần nói lại, không cần nhắc lại một thuở trước khi gãy súng và một giai đoạn kinh hoàng sau cuộc đổi đời?  Thiết nghĩ, nhà văn là những người có một con tim rất nhạy cảm, và có thể nói rằng họ nhạy cảm hơn người bình thường. Họ không xoi mói vào đời sống riêng ai. Bằng kinh nghiệm trải qua, bằng trực giác cảm nhận, họ chia sẻ những đổi thay của một khúc quanh trong lịch sử, thì kinh nghiệm sống của họ ắt có ít nhiều ẩn hiện, dính dấp đến những bài học tương lai.  Dĩ nhiên, không thể ôm khư khư quá khứ mà sống, nhưng cũng không thể quên hẳn quá khứ một sớm một chiều, khi một phần máu xương mình đã thấm vào nó.  Tương lai nào không bắt đầu bằng quá khứ?  Biết đặt nó vào chỗ cần đặt, quá khứ sẽ giúp ích rất nhiều cho con đường đi về phía trước. Vì thế, khi Thảo Trường viết lại những đắng cay, tủi nhục, xốn xang, rát buốt của mình, sau khi định cư, cũng là một điều bình thường. 

 Thảo Trường không nhìn cuộc chiến trước 1975 dưới mắt của một sĩ  quan cao cấp.  Ông nhìn cuộc chiến dưới nhãn quan của những người sĩ quan cấp thấp, lính trơn, những người lính đóng đồn ở những địa đầu biên giới, và nhất là những người dân bị kẹt giữa hai lằn đạn.  Người dân kẹt giữa hai lằn đạn là những người chịu thiệt thòi nhất trong cuộc chiến.  Ở những vùng xôi đậu, ban ngày “Quốc Gia” kiểm soát, ban đêm “Cộng Sản nằm vùng” lộng hành. Họ bị nhồi nhét những từ ngữ đao to búa lớn từ hai phía.  Họ nghe Tự do, Hạnh phúc, căm thù, đả đảo, nhân vị, cộng sản .v.v.   Những điều này nằm xa, quá xa trong tầm suy nghĩ thường ngày của họ. Tất cả chỉ là những khẩu hiệu suông, những điều trừu tượng, vô nghĩa.  Nó không là cơm áo hằng ngày trong đời sống. Nó không là cá tôm, rau cải của từng buổi chợ sớm, trưa. Như thế còn chưa đủ.  Tên bay, đạn lạc, khói lửa v.v., có thể ập đến bất cứ lúc nào.  Họ là nhân chứng sống của những máu đổ, đầu rơi khi tiếng súng hai bên nổ giòn giã trong từng căn nhà, nơi họ cư ngụ.  Chị Tư bị kẹt giữa những khẩu hiệu của hai bên. Những khẩu hiệu còn văng vẳng bên tai chị trong lúc lâm bồn sinh đứa con trai thiếu tháng, không y tá , không bác sĩ .  Gia đình Thục bị kẹt giữa làn đạn của hai phía.  Đầu đạn đồng còn nằm trên vách tường vôi. Họ là những nạn nhân của lịch sử.  Họ bị dồn vào chân tường. Nhìn xa hơn, họ là đại diện của tầng lớp dân lành, thấp cổ, bé miệng.  Đó là cái nhìn của Thảo Trường trong thời chiến, rất rõ nét ở hai truyện ngắn Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp và Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục được ông đưa vào những tác phẩm sau này như minh định suy nghĩ của mình “Vật đổi sao dời… Tôi chỉ là một kẻ lỡ sống sót, ở ngoài nước Việt Nam nhưng vẫn sống và suy nghĩ như một người Việt”  (TTTTBTG, trang 7) .

 
Mười bảy năm tù hẳn là một thời gian quá dài.  Cứ tưởng tượng, ta đang sống tại một quốc gia tiên tiến, bên ngoài hình cong chữ S.  Cứ thử tự nhốt mình trong nhà với điện, nước, thức ăn đầy đủ nhưng không ti vi, không điện thoại.  Thử xem một tháng không ra khỏi nhà, ta bực bội đến dường nào. Ở đây, không phải là một  tháng, mà là hơn hai trăm (200) tháng tù, với bao hành hạ đớn đau, với bao thiếu thốn vật chất, với bao chèn ép tinh thần. Mười bảy năm không phải ngắn.  Sống được sau mười bảy năm với một hoàn cảnh như vậy cũng là phép lạ. Và viết lại được sau hai mươi năm ngưng viết không phải là một việc bình thường. Bước ra từ nỗi chết, hẳn nhiên phải mang những vết hằn trong tâm khảm. Nhiều lần ông tự nhủ với chính ông: Hãy quên đi tất cả. Hãy quên đi những đòn thù. Vậy mà không hiểu sao nó cứ xẹt ngang.  (Đá Mục, trang 62)  Vì thế, những ám ảnh chiến tranh, những đắng cay tù tội vẫn còn phảng phất đó đây trên những trang sách của ông, ngay ở những truyện ngắn mới nhất, sau này.

Trong tù, mạng sống như cá nằm trên thớt nên ông tự tìm cho mình một triết lý sống.  Nói triết lý nghe cho cao siêu, văn vẻ, nhưng thực ra đó là kế sách “kệ mẹ nó” (TTTTBTG, trang 17).  Nó hành hạ mình, kệ mẹ nó.  Nó chèn ép mình, kệ mẹ nó.  Nó đẩy mình vào nằm trong chỗ gần cầu tiêu, hôi thối, kệ mẹ nó. Nó cùm mình, kệ mẹ nó.  Nghĩa là, đừng suy nghĩ sâu xa, đừng vơ vẫn dông dài, tới đâu thì tới. Kệ mẹ nó. Khi sử dụng kế sách “kệ mẹ nó”, ông đã tự tạo cho mình một cõi tự do riêng trong suy nghĩ.  Có lẽ nhờ vậy mà ông sống còn sau 17 năm tủi nhục; có lẽ cũng nhờ vậy mà những cảnh sinh hoạt sống động và cảm động của những bạn tù còn ở mãi nơi ông. Đến khi có dịp, ông viết bằng nỗi đau của chính mình, bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương bằng hữu. Vì thế truyện của ông tạo được sự rung động bởi những chi tiết rất thật, rất cảm động.  Có hai truyện ngắn để lại ấn tượng dài lâu nơi độc giả, đó là truyện Trong Hang (TXCBHQ, trang 69-96) và Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào (TTTTBTG, trang 77-94). 

 Truyện ngắn Trong Hang viết về người tù trẻ, một thiếu niên mưới bảy tuổi, sống cùng một trại với những người tù già.  Lý do đi tù của người thiếu niên rất đơn giản.  “Ngày 30 tháng 4 các chú sĩ quan phe mình vứt bừa bãi súng ống ở trường học, cháu và lũ bạn nhặt … chơi” (Trang 70).  Trẻ người nhưng không non dạ,  người tù thiếu niên biết chia sẻ buồn vui, biết gánh vác những hoạn nạn trong tù với những người tù già.  Cái “lớn” của người tù trẻ là sống ngay, sống thẳng trong những lúc cùng cực nhất. Trong khi đó, lẫn trong đám tù già có không ít những người tóc đã hai màu nhưng vẫn còn “non dạ”, những kẻ bán lương tri của mình để tìm những giây phút thoải mái nhất thời.  Không chỉ một người tù trẻ này, mà còn có những người tù trẻ khác, trong đó có cả những “chiến sĩ diệt Mỹ”.  Mỗi nhân vật là một cảnh sống.  Mỗi mảnh đời tiêu biểu cho những dông gió từ những chiều hướng khác nhau.  Nhiều nhân vật tạo nên cái đa dạng của một trại tù, mà nơi đó, lớn và nhỏ không còn nhìn vào tuổi tác; thấp và cao không thể đánh giá bằng màu tóc đen hay tóc muối tiêu. Khi ở những giây phút cơ cực nhất, bản chất con người biểu lộ rõ ràng nhất. Và hình ảnh người tù trẻ tuổi đứng trên bậc cao, trước những hỗn mang, dòm ngó, tị hiềm, nhỏ mọn không những của cán bộ trại tù mà của cả những người đang nằm trong rọ như anh. Anh còn cao hơn khi dứt khoát với người mẹ thân yêu của mình vì biết bà đã sống chung với một người khác chiến tuyến với ba mình.

  “Hết mười lăm phút thăm gặp, người con đứng dậy đưa tay quệt ngang mắt, nói với mẹ:
 -Mẹ về Nam bình an.  Từ nay Mẹ đừng ra thăm con nữa.
 Bà mẹ mếu máo:
 -Tại sao? Con?
 Người thanh niên nghiến răng, lát sau anh buông thõng:
 -Con nói vậy, mẹ nghe rõ không?  Mẹ có đến thăm, con cũng không ra gặp mẹ đâu!

 Nói rồi anh ta cuối đầu lầm lũi đi về phía cổng trại giam.  Mặc cho người mẹ than khóc, mặc cho người công an bảo anh ta nhận quà của “bố mẹ”, người thanh niên như không nghe, không thấy gì, anh bước những bước chân chập chờn trong một màn sương làm bằng nước mắt!”  (TXCBHQ, trang 95-96)

 Một sự thẳng thừng, quyết liệt ngay cả với người thân nhất.  Một lằn ranh phân chia đen trắng rất rõ ràng từ một người tù trẻ tuổi.  Một tấm gương rất xứng đáng cho một số người tù già trong trại, để họ có dịp mà gẫm lại mình.  Ở đây, Thảo Trường đã dựng nên một hình ảnh đẹp, rất đẹp. Hình ảnh nổi bật lên từ những cảnh sống khốn cùng tạo nên những day dứt dài lâu nơi người đọc. Cũng trong hoàn cảnh khốn cùng, ông dựng được một truyện ngắn hay khác.
 Truyện Những Đứa Trẻ Đầu Thai giữa Hàng Rào kể về cảnh sinh hoạt của những đứa trẻ tù, trong đó có một đứa mà mầm sống bắt đầu giữa những hàng rào kẽm gai.  Tù nữ và nam ngăn cách.  Làm sao chị ta có bầu?  Cán bộ trại đau đầu vì chị, và họ tìm đủ mọi cách để phá cái thai trong bụng chị, bởi vì nhà nước nuôi chị còn chưa đủ thì làm sao mà nuôi cái thai trong bụng chị!
Anh gặp chị ngoài sân trại mấy lần.  Nhìn.  Cười.  Cười lại.  Nhìn lại.  Thế là thân nhau… 

Một lần anh nói với chị:

-Anh thèm  em quá. 

-Biết rồi.  Ở đây ai cũng thiếu cũng thèm cả.

-Bây giờ làm sao?

Anh cầm đại bàn tay chị nhét vào giữa hai đùi mình mà kẹp mà nghiến răng mà day, chị nhẫn nại gỡ ra: 

-Tụi nó đang nhìn kìa.” (TTTTBTG, trang 53-54).

Thế rồi phải tính toán.  Phải kỹ lưỡng.  Phải đánh mạnh, đánh mau, rút lẹ, hoặc nói theo kiểu giang hồ thì kẻ nào bắn chậm phải chết.  Anh và chị bị nhốt ở hai dãy nhà khác nhau, cách nhau một hàng rào kẽm gai, làm sao mà dâng hiến cho nhau.  Làm sao để chị có được đứa con, sau khi đứa con duy nhất của chị bị tử hình.  Chị vẫn thường suy nghĩ: làm sao phải có một đứa con để thay thế đứa đã mất.

 “Thế rồi chị tính toán theo ý chị.  Chị sẽ không mặc đồ lót. Chị sẽ mặc một cái quần mỏng mở chỉ ở dưới đáy. Cái quần cũng được luồn giây thung nhẹ. Chị thử kéo lên tuột xuống thấy nhẹ thì rất ưng ý.  Chị cũng thử khom khom lưng và nghĩ làm sao cho anh được dễ dàng nhanh chóng, phải tạo điều kiện thuận tiện nhất cho anh ta hành sự.  Thời gian không có nhiều.  Tất cả chỉ trong nhấp nháy.  Chớp mắt. Là phải xong…Lớ ngớ còn đang thập thò mà các anh bắt được thì tù …mọt gông. Chị cũng bàn trước với anh để về phần anh cũng phải chuẩn bị không để một cái gì cản trở, như “Mỹ họ lắp ráp phi thuyền trên vũ trụ”  ấy…anh hiểu chưa, khổ quá!  Phải tập cho thuộc để khi có dịp là bập liền nghe chưa anh yêu!” (TTTTBTG, trang 54)

 Cảm động.  Muốn có một đứa con, dù là đứa con trong tù phải tốn bao nhiêu công sức chuẩn bị, luyện tập.  Ở đây, nó không còn là vấn đề sinh lý, mà nó nói lên cái uớc vọng thiêng liêng của người phụ nữ: phải có một đứa con, phải được làm mẹ.  Thời gian không chờ đợi ai hết.  Đợi ra khỏi tù thì e quá trễ, không còn kịp nữa. 

 Ở đoạn này, có một chữ, Thảo Trường dùng rất là đắc địa: Bập.  “…có dịp là bập  liền nghe chưa…”   Tại sao không là: làm, bụp, giải quyết .v.v…?  Không một chữ nào có thể thay thế được chữ này. Chỉ có “bập” mới tạo được chất sống cho câu văn.  Chỉ có bập, mới lột tả đúng giọng điệu giang hồ. Thay thế một chữ khác vào câu nói này, câu văn sẽ hỏng bét.  Thảo Trường sống với đời và chịu sương gió với người, nên ông dùng chữ như họ, và nói như họ.  Chữ nghĩa tạo cho câu văn sức sống.  Thổi luồng sinh khí trong câu văn là tạo nên sự gần gũi với người đọc.  Đây là một trong những thành công của Thảo Trường.

 Rồi sao?

 “Có lần chiều sắp tối, trời lại lất phất mưa, chị tình nguyện đi lãnh cơm cho đội.  Từ bên khu A theo dõi anh thấy và cũng mặc áo mưa đi xuống bếp trại.  Khi trở về hai người ôm hai xoong cơm, liếc nhìn không thấy thi đua trật tự đâu, đến một chỗ hàng rào khu, kẽm gai đơn thưa thớt mấy sợi, chị bèn đứng lại khum lưng xuống, chổng mông sang phía anh, xoong cơm của đội chị vẫn ôm nơi bụng, từ bên kia những sợi kẽm gai, anh luồn tay sang níu hai bên hông chị ghì tới… Chị nghe có tia nước ấm áp phóng sang và chị cảm thấy thành công và thắng lợi. Hai tay anh buông lỏng ra, chị còn nghe tiếng anh thở hổn hển, chị đứng thẳng người lên, vẫn ôm xoong cơm của đội nơi bụng, chị liếc nhìn sang anh, miệng cười như mếu rồi bước vội về buồng giam của mình.  Anh cũng lật đật cài áo mưa lại, cầm cái xoong cơm treo trên cột hàng rào rồi cũng quay bước về phòng mình. Hai người hai hướng câm lặng xót xa. Đứa con được tạo thành trong những cơn mê mẫn ấy.”  (TTTGBTG, trang 55)

Một tấm ảnh khó kiếm!  Đây là cơ hội một đi không trở lại của nhà nhiếp ảnh.  Không bao giờ có thể chụp lại được một hình ảnh như thế này, lần thứ hai.  Ngoài sự tinh tế, Thảo Trường còn đưa độc giả đến nổi khát vọng của con người: được sống như người bình thường, được yêu như người bình thường trong một xã hội bình thường.  Vượt lên trên nỗi nhớ nhung xác thịt; vượt lên trên cái gò bó của đời sống trong tù, bản văn soi sáng tình mẫu tử chan hòa và ước vọng thiêng liêng của người phụ nữ.  Họ sống cho tương lai, và vì tương lai, dù rằng hiện tại là một chuỗi ngày ảm đạm.

Có thể nói: khi nhắc đến Thảo Trường, người đọc nghĩ ngay đến Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào.

Từ Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai đến Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả, người đọc thấy những nét khác biệt trong văn phong của Thảo trường. Viết về chiến tranh, viết về những hoạt cảnh cười ra nước mắt trong tù, viết về cuộc sống sau 1975 trong nước, ông tạo cho mình một giọng văn đầy lôi cuốn.  Những chi tiết trong truyện có lúc sắc xảo, có khi trần trụi, thô nhám. Chính những điều này làm nên những góc cạnh đặc biệt.  Trong khi đó, viết những truyện ngắn mà bối cảnh được dựng nên từ nơi ông đang cư ngụ, tại Mỹ, truyện chưa tạo được những hấp lực lớn. Ý truyện nhiều lúc cứ làng nhàng, hình ảnh có khi cứ nhoè nhòe.  Những chi tiết làm nên những truyện ngắn này không mang những sắc thái đặc biệt.  Lòng ông còn động chăng?  Có thể. Nhưng theo chân từng trang sách của ông, người đọc bắt gặp một điều: có lẽ ông “cố rán” quá.   Ông muốn bức khỏi những suy nghĩ  cũ, những ám ảnh xưa, để viết về cuộc sống hiện thời.  Khi tự tạo cho mình một áp lực quá nặng; khi phải gồng mình, chữ nghĩa không còn nhẹ nhàng như nước chảy, như mây trôi để tạo nên những bản văn đẹp.

Tuy vậy, dù “cố rán” cách nào đi nữa, đang viết về hiện tại, ông cũng quẹo về quá khứ chiến tranh như các truyện ngắn Trong Bếp, Trong Hẽm, chẳng hạn.  Điều này cho thấy: ám ảnh của chiến tranh và tù tội lúc nào cũng bủa vây ông, đó cũng là lý do mà đôi lúc ông không kềm được lòng mình, để ngòi bút trôi theo những cơn giận dữ.  Vì thế, chữ nghĩa có khi mang những nét hằn học.

“Bây giờ không phải là thời hồng hoang.  Bây giờ, trong lúc tôi nằm đây, nhìn lên trần nhà, đang là thời kỳ mà những kẻ cầm quyền chỉ là những tên in tiền giả, những tên đánh bạc bịp, những tên buôn lậu có chủ nghĩa, có cương lĩnh.  Thời kỳ này ở đây xác cáo cũng được đem ướp thuốc trưng bày lừa bịp làm xác thánh.  Thời kỳ này ra đường tôi không biết đi hướng nào và đi về đâu.  Thành phố đầy rẫy những quán nước nhà thổ, đảng viên và ăn mày.”  (TTTTBTG, trang 35-36)

Ở một truyện khác, ông viết:

“Bao nhiêu thanh niên nước ta cơ thể còi cọt còm cõi vì củ sắn chiến lược không thấy sao mà còn ngoác miệng ra nói lấy lòng lấy điểm vói chúng nó. Nịnh cộng sản thì được cái cứt chó gì hả quý vị, sợ chết thì chuồn mẹ nó ra nước ngoài mà sống, nói năng lăng nhăng thử hỏi bây giờ rồi cũng xuôi tay, có được chúng nó cho thêm củ sắn nào nữa không?” (TTTTBTG, trang 69)

 Khi lòng dấy động, chữ nghĩa dễ dàng vuột khỏi tầm kiểm soát của nhà văn. Tuy nhiên, đòi hỏi một người vừa bước ra từ vùng đất chết, với bao năm tháng đọa đày, mà quên hết mọi thứ trong quá khứ, xóa sạch mọi ám ảnh bủa vây, là một điều khó có thể thực hiện.

 Bước chuyển tiếp từ truyện ngắn sang truyện vừa, mở ra một lối nhìn khác trong vùng chữ nghĩa của Thảo Trường.  Truyện vừa Đá Mục mang nhiều nỗi niềm của một người lính sau hai mươi năm nhìn lại.  Thảo Trường đưa vào rất nhiều nhân vật phụ.  Mỗi người một nét vẽ riêng, và họ nổi bật trong bầu không khí họ đang hít thở.   Cái sắc nét của những nhân vật phụ làm mờ đi phần nào hình ảnh của nhân vật chính. Ở Đá Mục ông sử dụng kỷ thuật flashback như điện ảnh.  Đứng trong bối cảnh hiện tại, thoạt một cái, ông nhảy về quá khứ của những năm đầu thập niên 60.  Nhưng quá khứ không đứng lại ở thành phố, mà là núi rừng hoang dã, lại là núi rừng của vùng ba biên giới, nơi phản ảnh cuộc sống mộc mạc đôn hậu của người miền núi.  Rồi ông bước qua tình chiến hữu đậm đà và xuôi đến cùng những món ăn chơi của người lính.  Ông đi sâu vô tháng ngày tù tội, rồi ngược trở về với thực tại, hiện tại của một ông lão đang trong mùa nghỉ hè với vợ và cháu gái.  Liền sau đó, ông quay lui về những ngày tháng cũ sau 1975.  Ông dựng những cảnh sống của những người dân miền Bắc và những suy nghĩ của họ về chính quyền đương thời; những nhà trí thức miền Nam hợp tác với chính quyền cộng sản; đến cái tình của những người bạn cũ gặp nhau trên đất Mỹ.  Chi tiết truyện di chuyển nhanh.  Chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác thật gấp.  Nhưng điều quan trọng không nằm chỗ đó, mà chính là ở điểm gãy gọn và mượt mà của giọng văn.  Nói rõ hơn, ông viết nhẹ nhàng, giọng văn uyển chuyển, lôi kéo người đọc.  Ông không hô phong, hoán vũ, nhưng muốn biến là biến, muốn chuyển cảnh là chuyển cảnh, nhanh chóng, gọn gàng.  Nếu truyện này có cơ hội dựng thành phim, chắc chắn sẽ là một phim không những đẹp ở chi tiết, mà còn đẹp ở tổng thể: Tình người.

 Vâng, tình người.  Giữa những dòng chữ, người đọc bắt gặp tình người trên từng trang sách. Có những chỗ, người đối với người chẳng khác nào như thú vật.  Nhưng cũng chính ở điều này mới bật lên cái thắm thiết của người máu đỏ da vàng đối với nhau ở những đoạn khác, như giai đoạn trong tù, chẳng hạn. Thử xem một cảnh sống đầy tình người của ông trong trại tù.

 “Buổi sáng chủ nhật ông phải nộp ba bó củi thật nặng cho bếp trại.  Khi vác đến bó thứ ba lết từ bìa rừng về đến bếp thì ông kiệt sức, hai mắt hoa lên, đầu nóng bừng bừng, thả bó củi xuống thì người ông cũng rớt xuống theo.  Mấy phút sau ông mới lết được đến bên chảo nước uống xin múc một ca.  Ca nước âm ấm làm cho ông dần dần tỉnh lại.  Ông đứng dựa vào cột nhà bếp để thở. (…)  Đang đứng nhắm mắt để dưỡng thần thì bị một anh nhà bếp kéo ra bắt phụ với anh ta xếp lại đống củi cho gọn. Chưa kịp cãi thì nghe anh ta nói nhỏ: “Hai củ sắn giấu trong lá chuối dưới khúc củi bọng, vờ xếp củi rồi lấy giấu trong lưng quần đem về buồng mà ăn.”  Vừa nói anh ta vừa bê những khúc củi ném chồng chất lên đống cao.” (Đá Mục, trang 54)

 Bên này hay bên kia lúc nào cũng có những con tim nồng ấm. Nó tùy thuộc vào vị trí đứng của người trong cuộc và vị trí người xem.   Nhưng tựu chung, giai đoạn sau 1975 là giai đoạn đổ vỡ, vỡ tung ra từng mảnh nhỏ của tình người. Ông nhìn quá khứ một giai đoạn đã qua mà đau lòng. Vì quá đau lòng nên ông cố nhìn về phía trước.   Nhìn về phía trước, và ông hiểu.  Đường về phía trước bao la, nhưng sức mình có hạn, như một cây cung.  “Bây giờ cây cung vẫn còn đó nhưng túi tên đã trống rỗng. Cây cung nằm đó đơn độc như những cỗ đại bác không đạn, như những chiến xa không xăng, như những máy bay phản lực thiếu cơ phận rời thay thế…” (Đá Mục, trang 98).  Hiểu được sức mình, nên ông kỳ vọng ở tương lai.

 Tương lai?  Không phải ngẫu nhiên mà Thảo Trường mở đầu truyện vừa Đá Mục với hình ảnh hai bà cháu đi jetski trên sông rộng.  Thả lòng mình hòa với sóng nước, với thiên nhiên, trong khi ông lão, nhân vật chính, lại đứng bên ngoài.  Chọn hình ảnh này là ông dựng một sợi dây nối kết giữa quá khứ và tương lai.  Bà, thế hệ thứ nhất, quá khứ.  Cháu, thế hệ thứ ba, tương lai.  Đường mở về tương lai là con sông rộng ngút ngàn nằm giữa ba tiểu bang.  Vận tốc đi về tương lai là vận tốc của jetski.   Sự khắn khít của quá khứ và tương lai qua hình ảnh một bà, một cháu rất đẹp.  Còn hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh này sau những lớp sóng phế hưng của thời thế?   Ông lão, nhân vật chính, người mang những vết hằn của một thời biến động, đứng bên lề nhìn về phía trước. Với hình ảnh này, Thảo Trường đã tự gạt những hỗn mang của một giai đoạn, những vết tích đau buồn sau một cuộc bể dâu sang một bên. Và đây là trái tim của người dựng truyện. 

 Có thể nói rằng: Đá Mục là một tổng thể hòa hợp giữa quá khứ và tương lai.  Giữa cũ và mới, giữa đã qua và bắt đầu.  Đóng tập sách lại, những hình ảnh sắc xảo còn gần gũi bên cạnh, và nhất là những ước vọng đẹp của một nhân chứng sống, trong một giai đoạn khắc nghiệt của lịch sử, còn in đậm những đường nét rõ ràng.   

 Có một điều cũng nên nói ở đây.  Thảo Trường thường dùng mục “nhắn tin” sau mỗi truyện ngắn.  Mục này của ông cũng khác người lắm. Dù là thòng hai chữ “nhắn tin”, nhưng kỳ thực là không nhắn cho riêng ai cả, mà là muốn gởi gắm đến độc giả trước khi dấu chấm hết hạ xuống.  Như truyện ngắn Người đàn bà mang thai trên kinh đồng tháp, viết trước sạu hoặc trong những truyện ngắn khác của ông viết tại hải ngoại như: Khẩu Hiệu, Truyện Hai Pho Tượng.

 Chính ở phần nhắn tin này, người đọc bắt gặp điều ông muốn gởi gắm đến độc giả khá lộ liễu. Nó không còn nằm giữa những dòng chữ.  Một khi sự gởi gắm của nhà văn lộ liễu quá, bản văn không còn mang nét đẹp tiềm ẩn của nghệ thuật.  Bởi cái đẹp không phải lúc nào cũng nằm lồ lộ trước mắt người thưởng ngoạn.  Tuy nhiên, đây cũng là nét riêng của Thảo Trường mà người đọc rất hiếm hoi thấy ở những nhà văn khác.

 Qua ba tác phẩm viết tại hải ngoại, người đọc nhìn thấy Thảo Trường bắt đầu trở lại một sức sáng tác mạnh như thời trước 1975.  Ở ông, khi cần tẩn mẩn, chi li, ông đi đến chi tiết rạch ròi nhất, nhỏ nhoi nhất.  Khi cần chuyển đổi hình ảnh, ông thay nhanh và gọn.  Tuy vậy, trong nhiều truyện ngắn, ông chưa tạo được những mẩu nhân vật sắc nét đến độ khi đọc xong, nhân vật cứ ám ảnh người đọc. Thêm nữa, ông hơi … tham lam trong lúc dàn dựng truyện ngắn.  Trước và sau, ông vẫn khẳng định: “Viết truyện ngắn là dùng kích thước nhỏ để dựng vấn đề có khi rất lớn. (…) Tôi vẫn có tham vọng làm sao 'nhét' cả một cuộc chiến tranh vào trong một truyện ngắn, làm sao đưa cả một thời đại mình đang sống vào trong một truyện ngắn.”   Chính ở điều này, người đọc bắt gặp rất nhiều chi tiết, đầy ắp những sự kiện, mà lẽ ra không nên có, trong một số truyện ngắn. Và cũng chính ở điều này, người đọc cũng rất hiếm hoi thấy ông đi vào từng ngõ ngách nội tâm của nhân vật. 

 Đưa cả một cuộc chiến vào trong một truyện ngắn, nó đòi hỏi nhà văn không chỉ xây dựng cốt truyện hết sức chặc chẽ, mà còn có một vốn liếng bề thế trong ngôn từ.  Xa hơn, nhà văn phải tung tẩy trong chữ nghĩa, phải đẩy được ngòi bút của mình đến những vùng đất lạ trong lúc xây dựng hình ảnh, nhân vật hay đối thoại. Qua hai tập truyện ngắn, nhà văn Thảo Trường chưa thành công như  ý muốn của ông: nhốt cả cuộc chiến vào trong một truyện ngắn.  Tuy nhiên, thể loại truyện vừa đã mở cho ông những chiều kích mới, mà ở đây, ông mới sử dụng hết những ngón nghề của mình để tạo nên một tác phẩm đẹp như Đá Mục.  Đây cũng là tác phẩm đẹp nhất trong ba tập truyện.  Có lẽ nó chuyên chở hết những suy nghĩ của ông, những ước vọng của một người gánh trên lưng mười bảy năm lính, mười bảy năm tù.   

Nếu Thảo Trường giữ một nhịp độ, một phong độ, một sự chọn lựa hình ảnh kỷ càng và một tấm lòng như ở Đá Mục, thì không những tầm xa cũ bắn hiệu quả, mà tầm xa mới còn bắn hiệu quả hơn.  

 Đoàn Nhã Văn      

 [Trích Thư Viện Việt Nam online]