jen






Người Đàn Bà Mù Chữ
  Agota Kristof

*


Người Đàn Bà Mù Chữ
Nguyên bản: L’Analphabète
Tác giả: Agota Kristof
Nhà xuất bản: Zóe, Thụy Sĩ
Người dịch: Lan Nguyễn 

*

Agota Kristof sinh năm 1935 tại thành phố Csikvand, Hung. Bà đến Thụy Sĩ năm 1956 và ở đó làm việc. Bà học tiếng pháp và viết kịch bản.

Năm 1987, bà nổi tiếng với tiểu thuyết đầu tay Quyển Tập Lớn – Le Grand Cahier, cuốn này được giải thưởng “Sách Âu Châu.” Hai quyển sách được xuất bản tiếp theo đó là Bằng Chứng-La Preuve và Chuyện Dối Trá Thứ Ba-Le Troisième Mensonge, ba quyển sách này được dịch ra ba mươi thứ tiếng.

Người Đàn Bà Mù Chữ – L’Analphabète – là quyển tự truyện đầu tiên.

Mười một chương là mười một khoảng khắc đời của một cô bé đi từ thuở thơ ấu mê sách ở Hung đến thời viết những quyển sách đầu tiên bằng tiếng Pháp. Tuổi thơ ấu hạnh phúc, nạn nghèo khổ sau chiến tranh, những năm tháng cô quạnh ở nội trú, cái chết của Staline, ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ thù nghịch là tiếng Đức và tiếng Nga, cuộc đào trốn qua nước Áo và định cư ở Lausanne-Thụy Sĩ với con còn nhỏ.

Những câu chuyện này không buồn bã nhưng buồn cười. Câu ngắn, chữ đúng, sáng suốt một cách thẳng thừng, khôi hài. Đúng là thế giới của Agota Kristof ở đó, trong câu chuyện đời bà cũng như trong tiểu thuyết của bà.

Những bước đầu tiên

Tôi đọc. Như một loại bệnh. Tôi đọc tất cả những gì rơi vào tay tôi, rớt xuống mắt tôi: báo chí, sách học, phích quảng cáo, mẫu giấy rơi ngoài đường, công thức nấu ăn, sách trẻ con. Tóm gọn, tất cả những gì được in ra.
Tôi bốn tuổi. Chiến tranh vừa bắt đầu.
Vào thời đó, chúng tôi ở trong một căn làng nhỏ không nhà ga, không điện, không nước máy, không điện thoại.
Cha tôi là thầy giáo duy nhất của làng. Cha dạy mọi lớp, từ lớp một đến lớp sáu. Trong cùng một căn phòng. Trường học chỉ cách nhà tôi một cái sân chơi, cửa sổ nhà trường ngó xuống vườn rau mẹ tôi. Khi tôi leo lên cái cửa sổ trên cùng ở căn phòng lớn trong nhà, tôi có thể thấy hết cả lớp, thấy cha tôi đứng trước lớp, thấy ông đang viết trên bảng đen.
Căn phòng của cha tôi thơm mùi phấn, mùi mực, mùi giấy, mùi thanh thản, mùi thinh lặng, mùi tuyết dù trời đang hè.
Căn bếp của mẹ tôi thơm mùi thịt nấu sôi, mùi con vật bị giết, mùi sữa, mùi mức, mùi bánh mì, mùi áo quần ẩm, mùi khai nước tiểu con nít, mùi chao động, mùi ồn ào, mùi nóng nực dù trời đang đông.
Khi thời tiết không cho phép chúng tôi ra ngoài chơi, khi em bé hét to hơn bình thường, khi anh em tôi ồn ào phá phách trong bếp, mẹ tôi gởi chúng tôi qua trường cha để “bị phạt.”
Chúng tôi ra khỏi nhà. Anh tôi ngừng ở nhà kho nơi chất củi để sưởi:
-    Anh thích ở đây. Anh sẽ chẻ mấy thanh củi nhỏ.
-    Đúng rồi. Mẹ sẽ bằng lòng.
Tôi băng ngang sân, đi vào căn phòng lớn, tôi đứng gần cánh cửa, mắt ngó xuống.
Cha tôi nói:
-    Con đến gần đây.
Tôi đến gần. Tôi nói nhỏ vào tai cha:
-    Bị phạt... Mẹ...
-    Không có chuyện gì khác à?
Cha hỏi “không có chuyện gì khác” vì thỉnh thoảng tôi chạy qua đem cho cha một mẩu giấy nhỏ của mẹ mà không nói gì hoặc đôi khi chỉ nói một tiếng: “bác sĩ”, “gấp lắm”, đôi khi lại vài con số: 38 hay 40. Tất cả chỉ vì em bé lúc nào cũng có những loại bệnh con nít.
Tôi nói với cha tôi:
-    Không. Không có gì khác.
Cha đưa tôi một quyển sách hình:
-    Ngồi xuống.
Tôi đi xuống cuối lớp, ở đó, đàng sau các anh chị lớn, lúc nào cũng có những chỗ trống.
Và như thế, ngay từ lúc còn rất nhỏ, chưa kịp nhận thức và hoàn toàn bất ngờ, tôi mang vào người chứng bệnh không bao giờ chữa lành được: chứng bệnh đọc sách.
Khi chúng tôi đi thăm ông bà ngoại ở làng kế cận, căn nhà đầy ánh sáng và nước, ông ngoại hay cầm tay tôi dắt tôi đi một vòng các nhà quen.
Ông lôi một tờ nhật báo trong túi áo khoác và nói với các ông bà hàng xóm:
-    Nhìn đây, nghe đây!
Và nói với tôi:
-    Cháu đọc đi.
Và tôi đọc. Ông vừa nói là tôi đọc ngay. Trôi chảy, không vấp.
Ngoài lòng tự hào của ông ngoại, chứng bệnh đọc sách cũng làm cho tôi bị trách cứ và khinh chê:
-    “Nó không làm gì cả. Nó đọc cả ngày.”
-    “Nó không biết làm cái gì khác.”
-    “Nó thụ động quá đi.”
-    “Nó lười quá đi.”
Và nhất là: “Nó đọc thay vì...”
Thay vì gì?
“Có rất nhiều chuyện khác hữu ích hơn, phải không?”
Và ngay cả bây giờ, buổi sáng khi căn nhà vắng lặng, khi hàng xóm đã đi làm, tôi có một chút mặc cảm không tốt khi tôi ngồi xuống cái bàn trong bếp, tôi đọc báo hàng giờ thay vì... làm việc nhà, rửa chén, đi chợ, giặt đồ, ủi đồ, làm mức, làm bánh...
Và, nhất là, nhất là! Viết!

Từ lời nói đến viết lách

Từ lúc còn nhỏ tôi đã thích kể chuyện. Những câu chuyện tôi bịa ra.
Thỉnh thoảng bà ngoại ra thành phố để giúp mẹ tôi. Buổi tối, bà ru chúng tôi ngủ, bà ru bằng những câu chuyện mà chúng tôi nghe cả trăm lần.
Tôi nhảy ra khỏi giường nói với bà:
-    Bà để con kể chuyện, bà đừng kể nữa.
Bà ôm tôi ngồi trên đầu gối, bà ru tôi:
-    Kể cho bà nghe, kể cho bà nghe đi nào.
Tôi bắt đầu bằng một câu, bất cứ câu gì và cứ thế câu chuyện cứ tuôn ra.
Các nhân vật xuất hiện, chết đi hoặc biến mất đi. Có ông thiện ông ác, có người giàu người nghèo, có người thắng người thua. Câu chuyện chẳng bao giờ dứt, tôi ngáp dài trên đầu gối bà:
-    Rồi thì... Rồi thì...
Bà ngoại đặt tôi lên giường chuồng, vặn nhỏ cây đèn dầu rồi đi ra bếp.
Các anh em tôi ngủ, tôi cũng ngủ nhưng trong giấc mơ tôi tiếp tục kể chuyện, rất hay và rất kinh khủng.
Nhưng tôi thích nhất là kể chuyện cho em trai Tila tôi nghe. Mẹ rất cưng em. Em nhỏ hơn tôi ba tuổi nên em tin tất cả những gì tôi kể. Ví dụ tôi đem em ra một góc vườn và tôi hỏi em:
-    Em muốn chị nói cho em một bí mật không?
-    Bí mật nào?
-    Bí mật về chuyện em sinh ra.
-    Không có bí mật nào về chuyện này hết.
-    Có chứ. Nhưng chị chỉ nói khi em thề không nói chuyện này với ai hết.
-    Em thề.
-    Em là một đứa bé nhặt được. Em không phải là con của nhà mình. Người ta thấy em ở ngoài ruộng, bị vứt bỏ, trần truồng.
Tila nói:
-    Không đúng.
-    Khi nào em lớn lên cha mẹ sẽ nói với em. Em không biết đó, em ốm yếu, em trần truồng làm cả nhà ai cũng tội nghiệp em.
Tila bắt đầu khóc. Tôi ôm em vào lòng:
-    Em đừng khóc. Chị thương em như em ruột.
-    Như anh Yano?
-    Gần bằng. Yano là anh ruột chị.
Tila suy nghĩ:
-    Nhưng vì sao em cũng mang tên họ giống chị? Vì sao mẹ lại thương em hơn anh Yano và chị? Anh Yano và chị lúc nào cũng bị phạt, còn em thì không.
Tôi giải thích:
-    Em có cùng tên họ vì cha mẹ làm giấy nuôi con nuôi chính thức. Còn nếu mẹ thương em hơn là vì mẹ không muốn có cách biệt giữa con nuôi và con ruột.
-    Em là con ruột của mẹ!
Tila hét lên và chạy về nhà:
-    Mẹ, mẹ!
Tôi chạy theo Tila:
-    Em hứa là không nói gì cả rồi mà. Chị nói giỡn đó.
Trễ rồi. Tila đã vào nhà bếp, em nhào tới ôm mẹ:
-    Mẹ, mẹ nói cho con biết con là con mẹ phải không? Con ruột của mẹ. Mẹ là mẹ ruột của con.
Đương nhiên là tôi bị phạt vì đã kể những chuyện bậy bạ. Tôi bị quỳ trong góc phòng, trên cái gối đệm bằng hột bắp. Một lát sau Yano đến với một cái gối đệm khác, anh quỳ bên cạnh tôi:
Tôi hỏi:
-    Vì sao anh bị phạt?
-    Anh không biết. Anh chỉ xoa xoa đầu Tila và nói: “Anh thương em, thằng con hoang.”
Chúng tôi cười. Tôi biết vì muốn tỏ tình đoàn kết với tôi, anh làm quá đi để bị phạt và bởi vì anh cũng chán nếu không có tôi chơi chung.
Tôi còn kể đủ chuyện bậy bạ cho Tila nghe, tôi cũng kể như thế cho anh Yano nhưng anh không tin bởi vì anh lớn hơn tôi một tuổi.
Khi sợi dây nối kết tuổi thơ ấu bị đứt, khi những ngày đen tối chợt đến, khi những năm tháng mà tôi gọi là “Tôi không thích” đến, tôi mới thèm viết. 
Khi tôi vào trường nội trú ở một thành phố xa lạ, tôi bị xa cách cha mẹ và anh em và để chịu đựng nỗi đau chia cắt này, tôi chỉ còn một giải pháp: viết.

Các bài thơ

Khi vào trường nội trú, tôi mười bốn tuổi. Anh Yano đã ở nội trú một năm nhưng trong một thành phố khác. Em Tila vẫn còn ở nhà với mẹ.
Đây không phải là trường nội trú cho các nữ sinh giàu, trái lại là đàng khác. Một thứ nhà nửa như trại lính nữa như nội trú, nửa như viện mồ côi nửa như nhà trừng giới.
Chúng tôi có khoảng hai trăm cô gái tuổi từ mười bốn đến mười tám, được Nhà Nước nuôi ăn nuôi ở miễn phí.
Trường nội trú có những phòng ngủ chứa từ mười đến hai chục người, chúng tôi nằm trên giường chồng có nệm rơm và chăn màu xám. Tủ áo bằng sắt chật hẹp kê sát hành lang.
Có tiếng chuông thức chúng tôi dậy lúc sáu giờ sáng, một bà giám thị còn ngái ngủ đi kiểm tra các phòng. Có vài nữ sinh còn giấu mình dưới giường để ngủ nhưng đa số vừa đi vừa chạy xuống vườn. Sau khi chạy quanh vườn ba vòng, chúng tôi tập thể dục mười phút, rồi lên nhà trên, lúc nào cũng vừa đi vừa chạy. Chúng tôi rửa mặt bằng nước lạnh, mặc áo quần, xuống phòng ăn. Buổi điểm tâm là một ly cà phê sữa và một khoanh bánh mì.
Sau đó là buổi phát thư nhận từ hôm qua: ban giám đốc đã mở thư. Giải thích:
-    Các con còn nhỏ. Nhà trường thay thế cha mẹ.
Bảy giờ rưỡi, chúng tôi sắp hàng chặt chẽ đến trường, vừa đi ngoài thành phố vừa hát những bài hát cách mạng. Có những đứa con trai ngừng lại nhìn chúng tôi đi, chúng huýt gió, chúng khen hoặc chúng nói tục.
Đến trường học chúng tôi được ăn và chúng tôi vào phòng học, chúng tôi ở lại đó cho đến bữa cơm chiều.
Bắt buộc phải thinh lặng triệt để khi vào phòng học.
Làm gì cho hết ngày giờ dài lê thê này? Đương nhiên là phải làm bài nhưng tôi làm cho nhanh để nạp vì hoàn toàn chẳng có gì thích thú. Cũng có thể đọc sách nhưng chúng tôi chỉ có loại sách “bắt buộc phải đọc,” và tôi cũng đọc cho nhanh để xong, mặt khác đa số các sách đó cũng hoàn toàn chẳng có gì thích thú.
    Vậy thì trong những giờ im lặng bắt buộc này, tôi bắt đầu phác thảo một loại nhật ký, tôi chế ra một loại viết lách đặc biệt để không ai có thể đọc được. Tôi ghi lại những bất hạnh, những phiền muộn, những buồn bã, tất cả những gì làm tôi thinh lặng khóc trong bóng đêm, trên giường ngủ.
Tôi khóc vì nhớ cha mẹ, anh em, vì giờ đây người lạ đã ở căn nhà của gia đình tôi.
Nhất là tôi khóc vì tự do đã mất.
Đương nhiên là chúng tôi có tự do để tiếp khách mỗi chiều chúa nhật trong “phòng khách” của trường nội trú. Cả con trai cũng có thể đến thăm chúng tôi nhưng với sự hiện diện của bà giám thị. Chúng tôi cũng có tự do đi dạo, ngay cả với bạn trai, mỗi chiều chúa nhật nhưng chỉ đi trên những con lộ chính của thành phố. Bà giám thị cũng đi dạo theo chúng tôi.
Nhưng tôi không có tự do đi thăm anh Yano, anh cũng ở nội trú như tôi, chỉ cách trường tôi hai mươi cây số, anh cũng không thể đi thăm tôi. Chúng tôi bị cấm không được rời thành phố và dù sao đi nữa, chúng tôi cũng không có tiền đi xe lửa.
Tôi cũng khóc cho tuổi ấu thơ của tôi, tuổi ấu thơ của ba anh em tôi, Yano, Tila và tôi.
Không còn đi chân đất trên đất ẩm xuyên qua rừng đến “núi xanh”; không còn cây để leo, để té khi cành mục bị gãy; không còn Yano nâng tôi dậy khi tôi té; không còn dạo chơi ban đêm trên mái nhà; không còn Yila mách mẹ.
Ở nội trú, mười giờ là tắt đèn. Một bà giám thị đi kiểm tra các phòng.

Qua ánh sáng đèn đường, tôi vẫn đọc nếu còn một quyển sách nào đó để đọc và khi tôi ngủ trong nước mắt, những câu văn lóe ra trong đêm tối. Chúng quay chung quanh tôi, chúng thì thầm, chúng có nhịp điệu, có vần, chúng như bài hát và chúng thành những câu thơ:

Hôm qua, vạn vật đẹp tuyệt vời
Nhạc lung lay trên cành
Gió mơn man trên tóc
Và đôi bàn tay giăng ra đón
Mặt Trời. 

Diễn hề

Những năm năm mươi. Ngoại trừ một vài người ưu tiên, ở xứ tôi ai cũng nghèo. Có vài người còn nghèo hơn các người khác.
Đương nhiên ở nội trú chúng tôi được nuôi nấng. Chúng tôi có mái nhà để ở, có cái để ăn nhưng thức ăn thì rất dở và không đủ nên lúc nào chúng tôi cũng đói. Mùa đông thì lạnh. Chúng tôi mặc măng-tô ở trường và cứ mỗi mười lăm phút, chúng tôi đứng dậy vận động để cho ấm người. Trong phòng ngủ cũng lạnh, chúng tôi mang bít-tất để ngủ và khi chúng tôi lên phòng học, chúng tôi quấn mền đem theo.
Vào thời đó, tôi mặc áo măng-tô đen của anh Yano vì anh đã mặc chật, áo không có nút, bị rách phía bên trái.
Sau này một người bạn nói với tôi:
-    Hồi đó tôi phục bạn thật, mùa đông mà mặc cứ phong phanh, áo chẳng có nút.
Trên đường đến trường tôi mang cặp cho cô bạn vì tôi không có cặp, tôi để sách vở trong cặp của cô. Cái cặp rất nặng, mấy ngón tay tôi tê buốt vì không có găng tay. Tôi cũng không có bút chì, bút mực, không có đồng phục thể thao. Tôi mượn tất cả.
Tôi cũng mượn luôn giày khi đôi giày bị hư phải đem đi sửa.
Nếu buộc phải trả lại giày, tôi phải nằm nhà ba ngày chờ cho giày sửa xong. Tôi không thể nói cho bà giám đốc nội trú biết tôi không đến trường được vì không có giày. Tôi nói tôi đau, bà giám đốc tin vì tôi là học sinh giỏi và ngoan. Bà sờ trán tôi và bảo:
-    Con sốt rồi, ít nhất cũng 38 độ. Con nhớ đắp chăn cho ấm.
Tôi đắp chăn cho ấm. Nhưng tôi lấy tiền đâu để trả cho ông thợ giày? Làm sao tôi xin tiền cha mẹ được. Cha tôi đang bị tù và mấy năm nay chúng tôi bặt tin cha. Mẹ gặp đâu làm đó. Mẹ ở với Tila trong một căn phòng nhỏ, hàng xóm cho mẹ mượn bếp để nấu ăn.
Trong một thời gian ngắn, mẹ có làm việc ở thành phố tôi học. Có lần trên đường về nhà tôi ghé thăm mẹ. Đó là căn phòng ở tầng hầm, dưới ánh đèn điện, mười mấy bà ngồi chung quanh cái bàn to, họ đang ngồi gói thuốc độc vào bao để bẫy chuột.
Mẹ hỏi tôi:
-    Mọi chuyện điều tốt?
Tôi trả lời:
-    Mọi chuyện điều tốt mẹ ạ. Mẹ đừng lo cho con.
Mẹ không hỏi tôi cần gì nhưng tôi cũng nói thêm:
-    Con không cần gì hết. Em Tila sao rồi mẹ?
Mẹ nói:
-    Em khỏe. Mùa thu này em cũng sẽ vào trường nội trú.
Chúng tôi chẳng còn gì để nói. Tôi muốn nói tôi đã sửa đôi giày, ông thợ giày cho tôi mắc nợ, tôi cần tiền để trả cho ông gấp nhưng nhìn chiếc áo cũ kỹ của me, nhìn đôi găng thấm chất độc, tôi không thể nói gì. Tôi ôm hôn mẹ, tôi ra đi và không trở lại đó nữa.
Để kiếm chút tiền, giờ ra chơi tôi tổ chức một buổi trình diễn ngắn hai mươi phút. Tôi viết kịch bản và cùng với hai hay ba cô bạn, chúng tôi diễn kịch. Chúng tôi học rất nhanh, đôi khi chúng tôi còn cương thêm. Đặc sản của tôi là bắt chước các cô thầy. Buổi sáng, chúng tôi thông báo cho vài lớp, sáng hôm sau thêm vài lớp khác. Giá vé vào xem tương đương với giá chiếc bánh lưỡi liềm bà gác-dan bán trong giờ ra chơi.
Buổi trình diễn tiến hành tốt đẹp, chúng tôi thành công lớn, khán giả chen nhau xem chật hành lang. Có cả giáo sư đến xem, khi nào như vậy chúng tôi buộc phải đổi đề tài ngay, không dám tiếp tục diễn bắt chước họ.
Với các cô bạn khác, với kịch bản khác, tôi tiếp tục diễn trong khuôn khổ trường nội trú. Buổi chiều, chúng tôi đi từ phòng ngủ này đến phòng ngủ khác, họ mời, họ năn nỉ, họ chuẩn bị cho chúng tôi những bữa tiệc với những gói quà mà các cô gái nhà quê được cha mẹ gởi ra. Chúng tôi, các nữ nghệ sĩ, chúng tôi bình tâm nhận tiền hay thức ăn, phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là hạnh phúc làm cho mọi người cười.
   

Ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ thù nghịch

Thoạt tiên khởi, chỉ có một ngôn ngữ. Đồ vật, sự chuyện, tình cảm, màu sắc, giấc mơ, thư từ, sách vở, báo chí, thảy đều là ngôn ngữ.
Còn nhỏ tôi không hình dung ra được có thể có một loại ngôn ngữ nào khác, có một người nào đó nói một chữ mà tôi sẽ không hiểu.
Trong nhà bếp của mẹ tôi, trong trường học của cha tôi, trong nhà thờ của chú Guéza, ngoài đường phố, trong các căn nhà của làng tôi, trong thành phố của ông bà nội ngoại, mọi người nói cùng một thứ tiếng, không bao giờ tôi nghe một thứ tiếng nào khác.
Người ta nói rằng những người Du Mục ở vùng sâu hẻo lánh của làng nói một loại ngôn ngữ khác nhưng hồi đó tôi nghĩ đó không phải là ngôn ngữ thật, đó chỉ là loại ngôn ngữ họ sáng chế ra chỉ để nói với nhau, giống như khi anh Yano và tôi tìm một cách nào đó để nói mà em Tila  không hiểu chúng tôi nói gì.
Tôi còn nghĩ các người Du Mục phải làm như vậy vì trong quán cà-phê nhỏ trong làng, họ có những ly đánh dấu riêng, những cái ly dành riêng cho họ vì không ai muốn uống cái ly người Du Mục đã uống.
Người ta còn nói người Du Mục là mẹ mìn. Chắc chắn là họ ăên cắp rất nhiều đồ nhưng khi đi qua những căn nhà làm bằng đất sét ọp ẹp của họ, người ta thấy trẻ con chơi đầy sân và tự hỏi vì sao họ lại còn ăn cắp thêm trẻ con. Thêm nữa khi người Du Mục vào làng để bán đồ sành sứ hay những giỏ đan bằng nan, họ cũng nói “một cách bình thường” loại ngôn ngữ của chúng tôi.
Khi tôi lên chín, chúng tôi dọn nhà. Chúng tôi đến ở trong một ngôi làng gần biên giới, nơi mà một phần tư dân làng nói tiếng đức. Đối với người Hung chúng tôi, đó là thứ tiếng thù nghịch, bởi vì nó nhắc đến thời nước Áo thống trị và đó cũng là thứ tiếng của quân đội ngoại quốc chiếm đóng xứ sở chúng tôi thời đó.
Một năm sau, quân đội nước khác đến chiếm đóng nước tôi. Tiếng liên xô trở thành thứ tiếng bắt buộc ở trường học, các thứ tiếng ngoại quốc khác đều bị cấm.
Không một ai biết nói tiếng liên xô. Các giáo sư dạy ngôn ngữ nước ngoài: đức, pháp, anh đều phải học cấp tốc tiếng liên xô trong vài tháng, nhưng họ thật sự không hiểu và cũng không thích dạy thứ tiếng này. Thêm nữa, học sinh cũng không thích học thứ tiếng này.
Đây đúng là một loại tẩy chay trí tuệ ở tầm quốc gia, một loại kháng cự thụ động một cách tự nhiên, không hòa hợp, xuất phát từ trong người mình.
Cũng trong tinh thần hờ hững này mà thầy chẳng thích dạy, trò chẳng thích học các môn địa lý, sử ký và văn chương Liên Xô. Và thế là cả một thế hệ học sinh ngu dốt đậu ra trường.
Vì thế đến năm hai mươi mốt tuổi, khi đến Thụy Sĩ, tình cờ tôi ở trong một thành phố nói tiếng pháp, tôi đối diện với một ngôn ngữ hoàn toàn mới lạ. Và chính ở đây, tôi bắt đầu phấn đấu để nắm vững một ngôn ngữ, một cuộc phấn đấu dài hạn gay go kéo dài suốt cả cuộc đời.
Tôi nói tiếng pháp từ hơn ba mươi năm nay, tôi viết tiếng pháp từ hơn hai mươi năm nay nhưng tôi không khi nào nắm vững nó. Tôi nói lúc nào cũng vấp lỗi và khi viết thì tôi phải thường xuyên tra cứu tự điển.
Vì lý do đó mà tôi cho tiếng pháp cũng là thứ tiếng thù nghịch. Cũng còn một lý do khác, lý do này còn trầm trọng hơn: tiếng pháp đang giết dần tiếng mẹ đẻ.          

Cái chết của Staline

Tháng ba 1953. Staline chết. Chúng tôi biết tin từ hôm qua. Buồn là chuyện bắt buộc ở trường nội trú. Chúng tôi đi ngủ mà không nói với nhau một tiếng nào. Buổi sáng chúng tôi hỏi nhau:
-    Hôm nay có phải là ngày nghĩ không?
Bà giám thị nói:
-    Không. Các con đến trường như thường lệ nhưng không được hát.
Chúng tôi sắp hàng đến trường như thường lệ nhưng không hát. Công sở treo cờ đỏ và cờ đen.
Thầy giáo chủ nhiệm chờ chúng tôi. Thầy nói:
-    Vào lúc mười một giờ sẽ có chuông reo. Các con đứng dậy giữ một phút im lặng. Trong lúc chờ đợi, các con làm bài luận với đề tài: “Cái chết của Staline.” Trong bài luận này, các con viết vai trò của đồng chí Staline đối với các con. Trước hết là hình ảnh một người cha, kế đó là hình ảnh của một ngòn đèn pha chiếu sáng.
Một cô bật khóc nứa nở. Thầy giáo nói:
-    Con cố nén cảm xúc. Đứng trước đau đớn lớn lao này, ai cũng thương cảm. Nhưng chúng ta cố nén đau thương. Vì các con đang bị xúc động nên thầy sẽ không chấm điểm bài luận này.
Chúng tôi viết. Thầy giáo chắp tay sau lưng đi quanh lớp.
Có một tiếng chuông reo. Chúng tôi đứng dậy. Thầy nhìn đồng hồ. Chúng tôi chờ. Đáng lý còi hụ của thành phố phải hụ lên giờ này. Một cô bạn ngồi gần cửa sổ nhìn ra đường và nói:
-    Đó chỉ là tiếng chuông của xe rác.
Chúng tôi ngồi xuống lại, cười ngắt nghẻo.
Sau đó là tiếng chuông trường học và còi hụ thành phố reo, chúng tôi đứng dậy nhưng vì nghe tiếng chuông của xe rác nên chúng tôi lại cười. Chúng tôi đứng một phút, có vẽ như rất dài, lòng xúc động trong tiếng cười thinh lặng, thầy giáo cũng cười với chúng tôi.
Trong nhiều năm, tôi từng mang tấm hình màu của Staline trong túi nhưng đến khi ông chết tôi mới hiểu vì sao dì tôi đã xé hình Staline khi tôi ở lại nhà dì.
Học thuyết của ông vĩ đại và công hiệu, nhất là đối với những người trẻ. Rudolf Noureev, người ly khai, người nhảy tài ba kể chuyện: “Ngày Staline chết, tôi đi ra ngoài, về đồng quê. Tôi chờ có một cái gì phi thường xảy ra, chờ thiên nhiên phản ứng cho thảm kịch lớn lao này. Chẳng có gì xảy ra. Không động đất, không một dấu hiệu.”
Không. “Động đất” chỉ xảy ra ba mươi sáu năm sau, nhưng đó không phải là phản ứng của thiên nhiên mà phản ứng của các dân tộc. Phải chờ đến bao nhiêu năm như thế để “Cha” của chúng tôi mới thật sự chết, để “ngọn đèn pha sáng chói” mới thật sự tắt, vĩnh viễn tắt, chúng tôi hy vọng như thế.
Ông có ý thức ông gây ra bao nhiêu thảm kịch không. Không ai biết điều này. Ở Roumanie, người ta đang còn đếm xác chết; ở Hongrie, có ba mươi lăm ngàn người chết năm 1956. Điều mà người ta không bao giờ lượng định được là vai trò tác hại mà nhà độc tài đã tác động lên triết lý, nghệ thuật, văn chương của các xứ Đông Âu. Khi áp đặt học thuyết của họ, Liên Bang Xô Viết không những đã ngăn chận phát triển kinh tế mà còn bóp nghẹt nền văn hóa và bản sắc các dân tộc này.
Theo chỗ tôi biết, không một văn sĩ ly khai Nga nào đề cập hay nêu lên vấn đề này. Họ nghĩ gì, họ cũng chịu ách độc tài, họ nghĩ gì về những “xứ sở nho nhỏ không quan trọng này,” những xứ sở này còn chịu thêm ách áp bức của ngoại bang, của họ. Của xứ sở họ. Có bao giờ họ xấu hổ vì chuyện này?
Tới đây, tôi buộc phải nghĩ đến Thomas Bernhard, văn sĩ lớn người Áo, ông liên tục phê bình và đả kích -  hận thù cũng có, yêu thương cũng có và khôi hài cũng có – xứ của ông, thời của ông, xã hội ông sống thời đó.
Ông chết ngày 12 tháng 2 năm 1989. Ông không được quốc gia hay quốc tế để tang, không có nước mắt cá sấu, cũng có thể không có cả nước mắt thật. Chỉ những độc giả say mê, trong số đó có tôi, là hiểu cái mất mát lớn lao cho văn chương: Từ nay Thomas Bernhard không còn viết nữa. Tệ hơn: ông cấm xuất bản các bản thảo ông để lại.
Đó là tiếng nói “không” cuối cùng đối với xã hội của nhà văn tài ba, tác giả quyển sách có tên Oui - Vâng. Quyển sách đó đang ở trước mặt tôi cùng với Bê-tông - Béton, Người Đắm Tàu - Le Naufrage, Kẻ bắt chước - L’Imitateur, Các cây cối phải hạ - Des Arbres à abattre. Oui-Vâng là quyển sách đầu tiên của ông tôi đọc. Tôi cho nhiều bạn bè mượn đọc và nói với họ là tôi chưa bao giờ cười nhiều như thế khi đọc quyển sách này. Họ trả lại sách và cho biết không thể nào đọc hết quyển sách, vì “rất nản” và “chịu không thấu.” Còn về nét “khôi hài” thì họ không thấy đâu hết.
Đúng là nội dung quyển sách này quá kinh khủng, bởi vì “vâng” là “vâng” nhưng “vâng” với cái chết, và như thế là “không” với sự sống.
Tuy thế, dù muốn hay không, Thomas Bernhard sẽ vĩnh viễn là tấm gương cho những ai tự cho mình là văn sĩ.

Ký ức

Qua báo chí và truyền hình tôi biết được tin một em bé mười tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ, đã chết vì đói, lạnh và kiệt sức khi lén lút băng qua biên giới Thụy Sĩ với cha mẹ. Những “người dẫn đường” bỏ họ lại ở biên giới, nói họ chỉ có việc đi thẳng là đến ngôi làng Thụy Sĩ đầu tiên. Họ băng núi, vượt rừng không biết bao nhiêu giờ. Trời lạnh. Cuối cùng người cha cõng con trên lưng. Nhưng quá trễ. Khi đến đầu làng, đứa bé đã chết vì mệt, vì lạnh và kiệt sức.
Phản ứng đầu tiên của tôi là phản ứng của bất kỳ người dân Thụy Sĩ nào: “Làm sao họ dám đem con nít đi phiêu lưu như thế? Vô trách nhiệm như thế thì không thể chấp nhận được.” Nghĩ lại phản ứng của cú choáng thật hung bạo và bộc phát. Ngọn gió lạnh cuối tháng mười một thổi vào căn phòng ấm áp của tôi và tiếng nói hãi hùng của ký ức vang lên trong đầu tôi: “Thế nào à? Bà quên tất cả sao? Bà đã làm y như vậy, đúng y như vậy. Và con của bà thì gần như vừa mới sinh.”
Đúng rồi, tôi nhớ rồi.
Tôi hai mươi mốt tuổi. Tôi lập gia đình được hai năm, cô con gái tôi mới bốn tháng. Tôi băng qua biên giới Hung-Áo một chiều tháng mười một. “Người dẫn đường” tên là Joseph, tôi biết anh ta.
Chúng tôi là một nhóm khoảng hơn chục người trong số đó có vài đứa bé. Con gái tôi ngủ trong lòng cha, tôi mang hai túi xách. Một túi đựng bình sữa, tả lót, áo quần cho em bé. Túi kia đựng tự điển. Chúng tôi im lặng đi sau Joseph một tiếng đồng hồ. Trời tối đen mịt. Thỉnh thoảng có hỏa châu và ánh đèn sáng lên, chúng tôi nghe tiếng súng nổ từng tràng, tiếng đạn bay rồi thì im lặng và trời lại tối đen.
Đến bìa rừng, Joseph ngừng lại và nói:
-    Các ông bà đã ở Áo. Chỉ việc đi thẳng. Làng xóm cũng không xa đây.
Tôi ôm hôn Joseph. Tất cả mọi người cho anh tiền và dù sao loại tiền này cũng chẳng có giá trị ở Áo.
Chúng tôi đi trong rừng. Rất lâu. Rất lâu. Cành cây làm rách mặt, chúng tôi té xuống hố, chân giẫm lên lá ướt, mắt cá chân bị kẹt vào rễ cây. Chúng tôi thắp lên vài cái đèn tay nhưng ánh sáng của nó chỉ khoanh được một vòng nhỏ, cây tuyền cây. Chúng tôi có cảm tưởng đi vòng vòng.
Một em bé nói:
-    Con sợ. Con muốn về nhà. Con muốn đi ngủ.
Một em khác khóc. Một bà nói:
-    Mình đi lạc rồi.
Một người đàn ông trẻ nói:
-    Chúng ta ngừng ở đây. Nếu đi tiếp tục không chừng quay về Hung.
Đứng yên ở đây để tôi đi xem xét.
Về lại Hung có nghĩa là: bị tù vì đã vượt biên giới trái phép và cũng có thể bị lính biên phòng bắn chết.
Người đàn ông trẻ leo lên cây. Khi trèo xuống, anh nói:
-    Tôi biết mình đang ở đâu. Tôi lấy ánh sáng làm chuẩn. Đi theo tôi.
Chúng tôi đi theo anh. Một lát sau, căn rừng sáng dần và cuối cùng chúng tôi đi đúng đường, không còn cành cây, không có lỗ hổng, không có rễ cây.
Bỗng nhiên một ánh sáng thật sáng rọi vào chúng tôi, một giọng nói vang lên.
-    Dừng lại!
Một trong chúng tôi nói bằng tiếng đức:
-    Chúng tôi là những người tị nạn.
Lính biên phòng Áo vừa trả lời vừa cười:
-    Chúng tôi nghi vậy. Đến đây với chúng tôi.
Họ dắt chúng tôi vào ngôi làng. Ở đó có rất nhiều người tị nạn. Ông thị trưởng đến:
-    Ai có trẻ con đi tới trước.
Chúng tôi được một gia đình nông dân cho tá túc. Họ rất dễ thương. Họ săn sóc con tôi, cho chúng tôi ăn, soạn giường ngủ cho chúng tôiû.
Điều ngạc nhiên là tôi giữ rất ít kỷ niệm về tất cả những chuyện này. Chuyện xảy ra như trong giấc mơ hay trong một cuộc sống khác. Như thử ký ức tôi từ chối không muốn nhớ lại giây phút tôi đã mất đi một phần lớn cuộc đời của tôi.
Tôi để lại Hung cuốn nhật ký với cách viết bí mật và các bài thơ đầu tiên của tôi. Tôi cũng để lại anh em tôi, cha mẹ tôi, không báo cho họ cũng không nói một lời chào hay lời từ biệt. Nhưng nhất là, ngày hôm đó, một ngày cuối tháng mười một năm 1956, tôi vĩnh viễn mất đi cái gọi là thuộc về một dân tộc.

Dời trại

Từ ngôi làng Áo chúng tôi đi xe ca đến thành phố Vienne. Ông thị trưởng ngôi làng trả tiền vé xe cho chúng tôi. Trong suốt chuyến đi, con gái tôi nằm ngủ trên đầu gối tôi. Trên đường đi, từng hàng cột lân tinh nối dài. Tôi chưa bao giờ thấy hàng cột lân tinh sáng như vậy.
Đến Vienne, chúng tôi tới trạm cảnh sát để trình diện. Ở đó, trong văn phòng cảnh sát, tôi thay tã và cho con bú bình sữa. Cháu mửa. Cánh sát viên cho chúng tôi địa chỉ trung tâm tị nạn và chỉ đường xe điện miễn phí để chúng tôi đến đó. Trên xe điện, các bà ăn mặc lịch sự bồng con tôi trên đầu gối họ, họ kín đáo bỏ tiền vào túi cho tôi. Trung tâm tị nạn là một tòa nhà rất lớn, có thể ngày xưa đó là một công xưởng hay một doanh trại. Trong những căn phòng rộng mênh mông này, nệm rơm được để thẳng dưới đất. Có phòng tắm công cọng, có phòng ăn rất lớn. Ở cửa vào phòng ăn, có tấm bảng đen để ghi tên tìm người thân. Tìm cha mẹ, bạn bè bị lạc mất khi qua biên giới, trước hoặc sau khi đến Vienne và ngay cả trong trung tâm này, đông đúc và hỗn độn.
Như hầu hết mọi người, chồng tôi ngồi cả ngày chờ ở các văn phòng tòa đại sứ để tìm nước định cư. Tôi ở lại phòng với đứa con gái, cháu nằm trên nệm và chơi với mấy sợi rơm. Tôi bắt buộc phải học vài tiếng đức để có thể xin những thứ cần thiết cho con tôi. Bồng con trên tay, tôi xuống nhà bếp và nói với một ông có vẻ như trưởng bếp ở đây: “Xin ông cho tôi sữa cho cháu.” Hay: “Xin ông cho tôi xà-bông cho con nít.” Lúc nào ông cũng cho riêng tôi những thứ tôi cần.
Gần đến Noel, chúng tôi đi xe lửa đến Thụy Sĩ. Có những cành thông để trên cái bàn nhỏ kê gần cửa sổ, kẹo sôcôla và cam. Đó là chiếc xe lửa đặc biệt. Ngoài những người đi kèm, chuyến xe chỉ gồm người Hung và chỉ ngừng lại ở biên giới Thụy Sĩ. Đến đó có một đội kèn đón tiếp chúng tôi, có các bà dễ thương đưa ly trà bằng giấy, kẹo sôcôla và cam qua cửa sổ cho chúng tôi.
Chúng tôi đến Lausanne. Chúng tôi ở trong một doanh trại phía trên cao thành phố, gần sân đá banh. Có những bà ăn mặc như nữ quân nhân bồng con giùm chúng tôi, miệng tươi cười trấn an chúng tôi. Đàn ông đàn bà tắm riêng. Người ta mang áo quần chúng tôi đi tẩy trùng.
Những người trong chúng tôi đã sống trong những hoàn cảnh như vậy, sau này họ thú nhận là lúc đó họ rất sợ. Chúng tôi chỉ an lòng sau khi gặp lại nhau và nhất là khi thấy các con chúng tôi được tắm rửa sạch sẽ, được ăn no. Cô con gái tôi êm đềm ngủ trong một cái nôi rất đẹp bên cạnh giường tôi, cháu chưa bao giờ có được như vậy.
Sau trận đá banh chiều chúa nhật, các khán giả đến thăm chúng tôi sau hàng rào chắn của doanh trại. Họ cho chúng tôi sôcôla và cam, họ còn cho thêm thuốc lá và tiền, làm cho chúng tôi không còn nhớ đến trại tập trung mà nghĩ đến sở thú. Những người dè dặt nhất không dám ra ngoài sân, ngược lại những người khác thì cả ngày chìa tay qua hàng rào chắn và họ so sánh với nhau các phẩm vật nhận được.
Mỗi tuần nhiều lần các hãng kỹ nghệ đến đây tìm nhân công. Bạn bè, người quen đều tìm được việc làm và nhà ở. Họ ra đi và để lại địa chỉ.
Sau một tháng ở Lausanne, chúng tôi còn ở lại Zurich một tháng, ở trong một trường học trong rừng. Có lớp dạy sinh ngữ nhưng tôi ít được dịp đi học vì con còn nhỏ.
Cuộc đời tôi sẽ như thế nào nếu tôi ở lại Hung? Tôi nghĩ sẽ khó khăn hơn, nghèo hơn nhưng ít nhất đỡ đơn độc, đỡ xé lòng và cũng có thể hạnh phúc hơn.
Có một điều tôi chắc chắn là tôi sẽ viết, bất cứ ở đâu, bất cứ ngôn ngữ nào.

Sa mạc

Từ trung tâm tị nạn Zurich, chúng tôi được “phân phối” đi khắp Thụy Sĩ. Như thế đó, tình cờ, chúng tôi đến thành phố Neuchâtel, đúng hơn là Valangin, ở đó dân làng đã dọn sẵn cho chúng tôi một căn hộ hai phòng ngủ, có sẵn đồ đạc. Vài tuần sau, tôi bắt đầu làm việc trong một xưởng chế tạo đồng hồ ở Fontainemelon.
Tôi dậy từ năm giờ rưởi sáng. Cho con ăn, mặc áo cho con, mặc áo cho tôi, đi xe buýt chuyến sáu giờ rưởi chở tới nhà máy. Gởi con ở nhà trẻ, vào xưởng làm việc. Năm giờ chiều tan xưởng. Đón con ở nhà trẻ, đi xe buýt về nhà. Đi chợ ở cửa hàng nhỏ trong làng, nhóm lò sưởi (vì căn hộ không có hệ thống sưởi toàn nhà), chuẩn bị nấu bữa ăn chiều, cho con ngủ, rửa chén, viết một chút rồi đi ngủ.
Xưởng máy là nơi rất thuận lợi để làm thơ. Công việc đơn điệu, vừa làm việc vừa có thể nghĩ chuyện khác, máy móc chạy theo một nhịp đều đặn như nhịp ngắt của các vần thơ. Trong hộc tủ, tôi có tờ giấy và cây viết. Khi bài thơ thành hình, tôi ghi lại. Chiều đến, tôi chép sạch sẽ vào tập.
Chúng tôi có cả chục người Hung làm việc tại xưởng máy. Trong giờ nghỉ trưa, chúng tôi gặp nhau ở căng-tin nhưng thức ăn quá khác biệt với thức ăn chúng tôi thường ăn nên gần như chúng tôi không ăn được. Phần tôi, trong một năm ròng, buổi trưa tôi chỉ uống cà-phê sữa và ăn bánh mì.
Ở xưởng máy, mọi người đều dễ thương với chúng tôi. Họ cười, họ nói với chúng tôi nhưng chúng tôi không hiểu gì hết.
Chính nơi đây bắt đầu cuộc sống sa mạc. Sa mạc xã hội, sa mạc văn hóa. Từ hân hoan của những ngày cách mạng, ngày trốn đi giờ đây là kế tiếp của thinh lặng, của trống rỗng, của nhớ nhung những ngày mà chúng tôi có cảm tưởng như tham dự vào một cái gì rất quan trọng, có tính cách lịch sử – có thể lắm – nhớ quê hương, nhớ gia đình, nhớ bạn bè.
Chúng tôi chờ một cái gì khi đến đây. Chúng tôi không biết mình chờ gì nhưng chắc chắn không phải điều này: những ngày làm việc nhàm chán, những buổi tối thinh lặng, cuộc sống tê liệt, không có gì mới, không ngạc nhiên, không hy vọng.
Về mặt vật chất, chúng tôi sống khá hơn trước. Chúng tôi có hai phòng ngủ thay vì một. Có đủ than, đủ thức ăn. Nhưng so với những gì chúng tôi đã mất thì với giá này, quá đắt.
Trong chuyến xe buýt buổi sáng, người soát vé ngồi bên cạnh tôi, lúc nào cũng ông này, to mập, vui vẻ, ông nói chuyện với tôi suốt chuyến đi. Tôi không hiểu lắm nhưng rồi thì tôi cũng hiểu ông muốn trấn an tôi, ông giải thích người Thụy Sĩ sẽ không để cho người Nga đến đây. Ông nói không có gì phải sợ, không có gì phải buồn, đời sống ở đây an toàn. Tôi cười, tôi không thể nói với ông rằng tôi không sợ người Nga, tôi buồn là vì tôi quá an toàn ở đây, vì chẳng có gì khác để làm, chẳng suy nghĩ gì về công việc, xưởng làm, chợ búa, giặt giũ, nấu ăn, chẳng có gì để mong chờ ngoài mong chờ đến ngày chúa nhật được ngủ thêm, được mơ lâu thêm một chút về quê hương.
Với một nhúm tiếng pháp ít ỏi, làm sao giải thích cho ông hiểu mà không làm ông buồn rằng xứ sở đẹp đẽ của ông chỉ là sa mạc đối với chúng tôi, những người tị nạn, một sa mạc mà chúng tôi phải băng qua để đến cái mà người ta gọi là “hội nhập”, “hòa đồng”. Lúc đó, tôi chưa biết là sẽ có một số người chẳng bao giờ băng qua được.
Có hai người trong nhóm chúng tôi trở về Hung dù án tù đang chờ họ. Hai người khác, đàn ông trẻ, độc thân, đi xa hơn, tận Mỹ và Canada. Bốn người khác còn đi xa hơn, đi đến nơi xa nhất mà con người ta có thể đi tới, xa quá biên giới hai nước. Theo chỗ tôi biết, bốn người này đã tự tử trong hai năm đầu tiên xa xứ. Một người uống thuốc ngủ, một người dùng hơi gaz, hai người khác dùng dây. Người trẻ nhất mới mười tám tuổi. Cô tên là Gisèle.

Làm sao để trở thành nhà văn?

Đương nhiên trước hết là phải viết. Sau đó phải tiếp tục viết. Dù chẳng ai thích đọc bài mình viết. Dù mình có cảm tưởng sẽ chẳng bao giờ có ai thích đọc bài mình viết. Dù bản thảo chất đống trong hộc, mình quên nó và viết cái khác.
Khi đến Thụys Sĩ, hy vọng trở thành nhà văn của tôi là con số không. Tôi có đăng vài bài thơ trong một tạp chí văn chương Hung, nhưng dịp may và khả năng được in ngừng ngang đó. Sau nhiều năm tháng làm việc nổ lực, tôi viết được hai kịch bản bằng tiếng pháp, tôi không biết mình cần phải làm gì, gởi ở đâu, gởi cho ai.
Kịch bản đầu tiên – John và Joe – được trình diễn trong một quán cà-phê, Café du Marché ở thành phố Neuchâtel. Sau bữa ăn chiều thứ sáu, thứ bảy, vài diễn viên tài tử tổ chức những buổi “dạ quán.” Tôi khởi nghiệp kịch gia như thế đó. Vở kịch thành công, được diễn ròng mấy tháng, mang đến cho tôi niềm hạnh phúc vô biên và khuyến khích tôi viết tiếp.
Hai năm sau, một trong các kịch bản của tôi được diễn ở Nhà Hát Tarentule, Saint-Aubin, một ngôi làng nhỏ gần Neuchâtel. Cũng những diễn viên tài tử diễn.
“Cơ nghiệp” kịch của tôi hình như ngừng ở đó, mười mấy kịch bản của tôi nằm trên kệ, chầm chậm vàng dần theo thời gian. May thay có người khuyên tôi nên gởi kịch bản đến đài phát thanh và thế là khởi đầu cho một “cơ nghiệp” khác, cơ nghiệp tác giả của đài truyền thanh. Ở đây, các kịch bản của tôi được diễn hay nói đúng hơn được đọc bởi những diễn viên nhà nghề và tôi nhận được tiền bản quyền. Từ năm 1978 đến năm 1983, đài phát thanh Suisse Romande thực hiện năm kịch bản của tôi, tôi còn nhận đơn đặt hàng viết kịch về tuổi thơ ấu nhân dịp năm chủ đề tuổi thơ ấu.
Dù vậy tôi không bỏ kịch nghệ. Năm 1983, tôi nhận làm việc với trường kịch nghệ Trung Tâm Văn Hóa Neuchâtel. Công việc của tôi là viết một vở kịch theo yêu cầu của mười lăm em học sinh. Tôi rất thích công việc này, tôi tham dự tất cả các buổi tập dượt.
Thường thường các buổi học bắt đầu bằng đủ loại vận động cơ thể. Các bài tập vận động này làm tôi nhớ lại những gì tôi làm khi còn nhỏ với anh tôi, với cô bạn của tôi. Các loại vận động thinh lặng, ngồi bất động, nhịn đói... Tôi bắt đầu viết những đoạn ngắn về các kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi chưa nghĩ đến những đoạn ngắn này về sau sẽ thành sách. Dù vậy, hai năm sau, trên bàn viết của tôi là một quyển tập lớn chép lại một câu chuyện có mạch lạc, có mở đầu, có kết thúc như một quyển tiểu thuyết thật. Còn phải đánh máy lại, sửa lại, đánh máy lại thêm một lần nữa, loại bớt những gì rườm rà, sửa và sửa tiếp tục cho đến khi tôi thấy bản văn có thể in được. Đến giai đoạn này, tôi cũng chưa biết rõ mình sẽ làm gì với bản thảo. Gởi cho ai, cho người nào? Tôi không quen nhà xuất bản nào và cũng không quen ai quen nhà xuất bản. Tôi nghĩ đến nhà xuất bản “L’Âge d’Homme”, nhưng một anh bạn bảo tôi: “Phải bắt đầu bằng ba nhà xuất bản lớn ở Pháp.” Anh cho tôi địa chỉ ba nhà xuất bản: Gallimard, Gasset, Seuil. Tôi làm ba bản thảo, tôi chuẩn bị ba gói nhỏ, tôi viết ba bức thư giống nhau: “Kính thưa ông Giám Đốc...”
Cái ngày tôi đi bỏ thư bưu điện, tôi nói với cô con gái đầu:
-    Mẹ đã gởi quyển tiểu thuyết của mẹ.
Con tôi nói:
-    Vậy hả mẹ? Mẹ tin họ sẽ xuất bản sao?
Tôi trả lời:
-    Tin chứ, chắc chắn.
Đúng vậy, tôi không nghi ngờ một giây nào hết. Tôi tin chắc, tôi xác quyết tiểu thuyết của tôi hay, nó sẽ được in không có vấn đề. Do đó tôi vừa ngạc nhiên vừa thất vọng vì sau bốn đến năm tuần, nhà xuất bản Gallimard và tiếp đó là nhà xuất bản Gasset gởi trả lại bản thảo kèm theo bức thư lễ phép từ chối, loại thư viết sẵn. Tôi tự nhủ tôi phải đi tìm thêm vài địa chỉ các nhà xuất bản khác và một buổi chiều tháng mười một, điện thoại reo. Đầu dây bên kia là ông Gilles Carpentier, nhà xuất bản Seuil. Ông nói vừa đọc bản thảo và cho biết từ vài năm nay ông chưa đọc một bản thảo nào hay như thế. Ông còn nói sau khi đọc lần đầu, ông đã đọc lại và nghĩ có thể xuất bản được. Nhưng để được xuất bản cần có sự đồng ý của nhiều người khác. Ông nói sẽ gọi tôi trong vài tuần nữa. Một tuần sau, ông gọi: “Tôi chuẩn bị ký hợp đồng với bà.”
Ba năm sau, tôi đi dạo trên đường phố Berlin với cô Erika Tophoven, cô dịch truyện của tôi. Chúng tôi ngừng lại trước các tiệm sách. Trong cửa kiếngï, họ chưng quyển tiểu thuyết thứ hai của tôi. Còn ở nhà tôi, trên kệ là quyển Quyển Tập Lớn – Le Grand Cahier, được dịch ra mười tám thứ tiếng.
Chiều hôm đó, ở Berlin, chúng tôi có một buổi đọc sách. Độc giả đến gặp tôi, nghe tôi và đặt câu hỏi về các sách của tôi, về đời tôi, về tiến trình trở thành nhà văn của tôi. Và đây là câu trả lời: kiên nhẫn viết, kiên trì viết, không bao giờ mất lòng tin vào những gì mình viết thì sẽ trở thành nhà văn.
         

Người đàn bà mù chữ

Một ngày, cô hàng xóm và là bạn tôi nói:
-    Tôi xem một phóng sự trên đài truyền hình nói về các nữ công nhân ngoại quốc. Họ làm việc cả ngày ở xưởng thợ. Chiều về họ làm việc nhà, săn sóc con cái.
Tôi nói:
-    Thì tôi cũng làm như vậy khi đến Thụy Sĩ.
Cô nói:
-    Thêm nữa, mấy bà này không biết nói tiếng pháp.
-    Hồi đó tôi cũng không biết nói tiếng pháp.
Bạn tôi chán. Cô không thể nào kể câu chuyện lý thú cô xem ở đài truyền hình về các nữ công nhân ngoại quốc này. Cô đã quên quá khứ của tôi, cô không thể tưởng tượng tôi cũng thuộc vào nhóm các phụ nữ không biết tiếng địa phương, từng làm việc trong xưởng thợ và chiều về chăm sóc gia đình.
Còn tôi, tôi nhớ rõ. Xưởng thợ, chợ búa, con cái, ăn uống. Và thứ tiếng xa lạ. Ở xưởng thợ khó mà nói. Máy móc ồn ào. Các công nhân chỉ nói chuyện trong cầu tiên, khi hút vội điếu thuốc.
Các cô bạn công nhân dạy cho tôi điều thiết yếu. Khi các cô nói: “Trời đẹp” thì các cô chỉ cho tôi xem cảnh vật ở Val-de-Ruz. Các cô sờ vào tôi để dạy cho tôi các chữ khác: tóc, cánh tay, bàn tay, miệng, mũi.
Buổi chiều, tôi về nhà với con. Con bé giương mắt ngạc nhiên nhìn khi tôi nói bằng tiếng Hung với con.
Một lần, con tôi khóc vì tôi không hiểu nó, lần khác vì nó không hiểu tôi.
Năm năm sau ngày đến Thụy Sĩ, tôi nói tiếng pháp nhưng tôi không đọc. Tôi lại trở thành bà mù chữ. Tôi, bốn tuổi đã biết đọc.
Tôi biết các chữ. Nhưng khi đọc, tôi không nhận ra chúng. Các chữ không liên hệ gì với nhau. Tiếng Hung là ngữ âm, tiếng pháp trái lại.
Tôi không biết sao tôi có thể sống mà không đọc trong vòng năm năm trời như thế. Hồi đó, mỗi tháng một lần, tờ Tập San Văn Chương Hung đăng các bài thơ của tôi; cũng có các quyển sách tiếng Hung nhưng thường là sách đọc rồi, những quyển này được Thư Viện thành phố Genève gởi cho chúng tôi nhưng thà là đọc lại còn hơn không đọc gì hết. Và may thay, tôi còn viết.
Con tôi sắp được sáu tuổi và sắp đi học.
Tôi cũng vậy, tôi trở lại trường học. Hai mươi sáu tuổi, tôi ghi tên học khóa hè ở Đại Học Neuchâtel, để học đọc. Đó là lớp tiếng pháp cho sinh viên nước ngoài. Có người Anh, người Mỹ, người Đức, người Nhật, người Thụy Sĩ gốc đức. Bài thi nhập học là một bài viết. Tôi không biết gì, tôi vào lớp của những người tập tểnh.
Sau vài bài học, vị giáo sư nói với tôi:
-    Cô nói tiếng pháp rất hay. Vì sao cô ở lớp này?
Tôi trả lời:
-    Tôi không biết đọc, không biết viết. Tôi là người mù chữ.
Ông cười:
-    Mình sẽ xem lại chuyện này.
Hai năm sau, tôi đậu Chứng Chỉ Tiếng Pháp với hạng ưu.
Tôi biết đọc, tôi lại biết đọc. Tôi có thể đọc Victor Hugo, Rousseau, Voltaire, Sartre, Camus, Michaux, Francis Ponge, Sade, tất cả những tác giả nào tôi muốn đọc bằng tiếng pháp và cả những tác giả không phải là người pháp nhưng được dịch ra tiếng pháp như Faulkner, Steinbeck, Hemingway. Đầy cả sách, đầy những sách có thể hiểu được, cho tôi.
Tôi có thêm hai đứa con. Cùng với chúng, tôi tập đọc, học chính tả, học chia động từ.
Khi các con hỏi tôi ý nghĩa của một chữ, cách viết chính tả, tôi không bao giờ nói:
-    Mẹ không biết.
Tôi nói:
-    Mẹ sẽ coi lại.
Và tôi tra tự điển, không mệt mỏi, tôi coi lại. Tôi trở nên một người đam mê tự điển.
Tôi biết tôi sẽ chẳng bao giờ viết được tiếng pháp giống như các văn sĩ Pháp sinh ra đã là người pháp nhưng tôi sẽ viết trong khả năng của tôi, khả năng tốt nhất tôi có thể làm.
Ngôn ngữ này tôi không chọn nó. Ngôn ngữ này áp đặt trên tôi bằng số phận, bằng tình cờ, bằng cuộc sống.
Tôi bắt buộc viết bằng tiếng pháp. Một thách thức.
Thách thức của một người đàn bà mù chữ.
                                                                     

                                                                               Mục Lục


Những bước đầu tiên                   
Từ lời nói đến viết lách               
Các bài thơ                   
Diễn hề                   
Ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ thù nghịch   
Cái chết của Staline               
Ký ức                       
Dời trại                   
Sa mạc                   
Làm sao để trở thành nhà văn?       
Người đàn bà mù chữ