jenny
Jenny, Jen's sister




 Imre Kertész : "Nát tan trong lòng với giới hạn của ngôn ngữ"

Tài liệu do Florence Noiville thu thập

Le Monde  11.07.05 

Đây là lần đầu tiên ông tiếp ký giả tại nhà ông ở Berlin. Cách đây vài năm ông rời Budapest để định cư ở thủ đô của Đệ Tam Reich. Bây giờ ông trả lời bằng tiếng Đức. Có phải đây là chuyện ngược đời đối với một người mà lúc 15 tuổi đã bị giam ở Auschwitz và toàn bộ tác phẩm mang dấn ấn của kinh nghiệm tập trung này? 

Berlin, đúng là quê hương nuôi tôi. Nghe thì lạ kỳ nhưng tôi chưa bao giờ xem Shoah như hệ quả của mối thù không chữa lành được của người Đức đối với người Do Thái. Nếu không, làm sao giải thích được sự việc độc giả Đức quan tâm đến các sách của tôi? Chính tại Đức mà tôi mới đích thực là nhà văn. Không phải trong cái nghĩa được danh tiếng nhưng chính ở Đức sách vở của tôi mới phát huy hết ấn tượng đích thực của nó. Còn về ngôn ngữ Đức thì đó là thứ tiếng chính thức ở các trường học Hung. Tôi đọc bằng tiếng Đức các tác phẩm chưa được dịch ra tiếng Hung. Tôi dịch Nietzsche, Hoffmanstahl, Schnitzler... – và tôi không thể nào cho rằng ngôn ngữ của Arthur Schnitzler và của Joseph Roth là ngôn ngữ của những người Nazi. Đối với tôi, ngôn ngữ Đức là ngôn ngữ của những tư tưởng gia chứ không phải ngôn ngữ của những tên đao phủ.

Sự đón tiếp của độc giả Đức như thế nào? 

Ở Hung tôi chỉ có một nhóm độc giả trung thành. Ở Đức là nơi mà lần đầu tiên tôi cảm nhận một nhà văn có thể gây ảnh hưởng lớn đến như thế nào. Tôi thuộc vào thế hệ cuối cùng của những người sống sót – những người dưới 15 tuổi thời Auschwitz -, và tôi nhận rất nhiều thư của những người Đức trẻ tuổi, họ cám ơn tôi đã “giải thích” cho họ hiểu một cách rõ ràng và trực tiếp. 

Nước Đức đã tự vấn mình rất nhiều về vấn đề này trong khi ở Hung chủ đề này vẫn còn cấm kỵ. Năm 1961, khi tôi bắt đầu tìm kiếm tài liệu về Shoah [một thuật ngữ chỉ Lò Thiêu], tôi chẳng tìm thấy gì. Dù đó là năm bắt đầu vụ án Eichmann, báo chí Hung chỉ đăng sơ sài nhưng nhờ có đăng sơ sài mà tôi biết được có một quyển sách viết về vụ án. Sách do bà Hannah Arendt viết mà hồi đó tôi không biết đến cả cái tên. Tôi lùng khắp nơi nhưng không thể tìm ở Budapest. Tôi chờ đến lúc bức tường Berlin sụp đổ mới đọc được quyển Eichmann ở Jérusalem. 

Ông vừa chuyển chuyện Không Số Kiếp lên màn ảnh do Lajos Koltai nhà đạo diễn người Hung thực hiện. Làm sao ông có thể chuyển quyển tiểu thuyết có tính phân tích và cách biệt như thế? 

Tôi để mười lăm năm để viết Không Số Kiếp. Như thế quyển tiểu thuyết và kịch phim không thể so sánh được nhưng có một địa tầng lãng mạn có thể đem lên màn ảnh: hình ảnh một chú bé tuổi vị thành niên bị tước đoạt một cách có hệ thống cái nhân cách vừa tược mầm. 

Mặt khác tựa của quyển sách là hệ quả luân lý của Shoah. Là trạng thái khi mình bị rơi vào nơi mà người ta tịch thu ngay cả cái ý tưởng mình có về chính đời sống của mình. Một trạng thái mà mình bị cấm đoán không được trực diện với mình. Cái khó khăn của quyển tiểu thuyết là sáng tạo ra một ngôn ngữ nối cho được các khái niệm này và mở ra cho thấy một cuộc đời bị khóa chặt. 

Làm sao ông sáng tạo loại ngôn ngữ này? Có dư luận nói ông viết để làm “thương tổn” độc giả? 

Viết về Shoah thì không thể nào không làm thương tổn, bởi vì mình đem gánh nặng để lên vai độc giả. Như vậy các chữ phải có một kết quả, theo nghĩa « Kết Quả - Wirkung » phải thấm vào da thịt. Nhưng cùng một lúc thì đó là chuyện ngược đời. Quyển tiểu thuyết mình đang viết phải làm “vui lòng” độc giả để họ còn muốn lật qua trang khác. Đó là cái bẫy mà mình phải làm sao để con mồi lọt bẫy. Nếu tôi quá hung ác hay bỉ ổi thì tôi sẽ không có được kết quả như tôi mong muốn. 

Nhưng mãi về sau này tôi mới có một suy nghĩ. Đương nhiên là tôi chưa có suy nghĩ này khi tôi viết Không Số Kiếp. Không mảy may. Cái làm tôi ám ảnh là tránh không viết văn chương hoa hòe. Tôi nghĩ đến tấm bạt bao phủ mấy cái bàn trong các tiệm sách ở Hung – một tấm vải thô tháp dùng lót các loại sách mà độc giả có thể bỏ ra vài đồng để mua năm, mười quyển sách. Tôi muốn tìm cái hạt bông trong thớ vải, một cái gì thô tháp trong các truyện bình dân hay trinh thám. Muốn làm được như vậy phải đem các chi tiết nhỏ lên hàng đầu: đứng trước viên chức mặc đồng phục, nhân vật kể chuyện của tôi chỉ nghĩ đến con rệp đang làm anh ta ngứa ngáy.  Đó cũng là một cách nói lên cái không thể viết được với những phương tiện thuần lý của thế giới này.

 Khiếu thưởng thức âm nhạc của ông có tạo lên một ảnh hưởng trên cách ông dựng lại ngôn ngữ của ông?

 Đúng vậy. Trước khi viết lúc nào tôi cũng nghe nhạc. Bây giờ tôi đang nghe Haydn và Mozart. Lúc viết Không Số Kiếp, tôi bị loại nhạc vô điệu thức của Berg, Schoenberg chiếm hết tâm trí. Một cách nào đó, tôi muốn tạo ra một ngôn ngữ không âm điệu. Không âm điệu, là ở ngoài sự thỏa thuận của đám đông. Không còn ré trưởng, mi bémol thứ. Không âm điệu là loại bỏ, như loại bỏ các giá trị của xã hội. Âm trầm cũng bị bỏ luôn, có nghĩa là cái nền đất mình đi cũng không còn dính vào đất, cái nền, cái trụ cho hành động cũng bị biến mất. Các khái niệm như danh dự, hạnh phúc trở nên lố lăng. Tất cả đều xoay vòng vòng, không có gì chắc chắn. Đứng trên bình diện ngôn ngữ, đó là những gì tôi nghĩ tôi đã tạo ra trong quyển Không Số Kiếp. Sau đó tôi còn tiếp tục dùng các khám phá này. Trong quyển Kinh Cầu Hồn Cho Em Bé Không Sinh Ra  - Kaddish pour l'enfant qui ne naitra pas, nhãn quan này cũng không đánh mất : là một người đang lên tiếng, một người biết rõ luật của cuộc sống, ông ta chỉ phạm một lỗi lầm, ông yêu.

 Ông thấy ông ở đâu trong tương quan với các tác giả viết về thế giới của các trại tập trung?

 Tôi ghét các bức tranh vẽ cảnh khủng khiếp. Cái làm tôi quan tâm, đó là khoảng cách. Ngôn ngữ có giới hạn và các giới hạn này thì không vượt qua được. Như thế phải bứt các giới hạn này từ bên trong. Tôi thán phục các tác giả đã thành công khi phối hợp các phương tiện của văn chương để vượt qua các giới hạn này. Mới đây tôi đọc lại Đau Đớn - La Douleur, của  Marguerite Duras : chẳng có gì là phi thường nhưng lại diễn đạt được cái mà bà Duras gọi là “mất trật tự dị thường của tư tưởng và tình cảm.” Cảnh người đàn bà gặp lại ông chồng vừa thoát khỏi trại tập trung “Hai chân của ông đong đưa như hai cái nạng trong ống quần.” “Khi trời nắng, người ta thấy ánh nắng qua bàn tay ông.”

 Ông bắt đầu ăn. Cái đói đóng một vai trò khủng khiếp. Người ta thấy người đàn bà đứng ở cánh cửa phòng khách nhìn ông, và độc giả cảm thấy bà trở nên xa lạ với người đàn ông này. Quan sát những hành động nhỏ nhất của ngày hôm đó thì đầy cả những chuyện ngạc nhiên. Tôi có thể kể câu chuyện của Tadeusz Borowski, một người Ba Lan bị đưa vào Auschwitz rồi vào Dachau. Sau khi được phóng thích, ông viết những truyện ngắn trong quyển Thế Giới Của Đá - Le Monde de pierre. Phong cách viết khách quan một cách cay độc của ông làm tôi nghĩ đến Mérimée. Nhưng đối với tôi, người lớn nhất, văn sĩ lớn nhất viết về trại tập trung vẫn là Jean Améry.

 Không phải Primo Levi ?

 Tôi không thấy ông ta tận căn cho đủ.  Ông vẫn ở trong truyền thống nhân văn, mà nhân văn này bị kinh nghiệm Shoah tiêu hủy. Tôi đã nói nhiều lần là  Jean Améry – với quyển Vượt Quá Tội Ác Và Hình Phạt - Khảo luận để vượt lên cái không thể vượt được - Par-delà le crime et le châtiment. Essai pour surmonter l'insurmontable, Actes Sud, 1995 - là “vị thánh của Holocauste”. Đó là một nhân vật tột cùng. Ông đi đến cái tột cùng, không tự che đậy, biết rằng tất cả những điều này sẽ phải trả giá bằng cuộc tự sát.

 Trong Lá Cờ Anh Quốc - Dans Le Drapeau anglais, ông nói đến cuộc tấn công bằng xe tăng của quân đội xô-viết, đến cuộc nổi dậy ở Budapest năm 1956. Lúc đó ông là ký giả...

 Tôi đơn độc khi từ trại tập trung đi về. Ở Budapest, tôi muốn đi xe buýt và người ta bắt tôi trả tiền vé. Căn hộ của cha mẹ tôi đã bị chiếm đóng. Thật là lạ lùng, vì tôi còn nhỏ nên tôi phải đến trường, nếu có thể nói thì lúc đó tôi đã có một vài kinh nghiệm về cuộc đời...

 Kế đó là qua giai đoạn chế độ độc tài của Stalin. Tôi là ký giả trong vòng hai năm, nhưng vì tôi không thể nào viết theo lệnh nên cuối cùng người ta đuổi tôi. Và thế là tôi quyết định làm nhà văn. Không phải nhà văn chính thức nhưng là người lén lút viết: người đi từ chế độ Nazi qua chế độ Stalin, người tích trữ đủ dữ liệu sát gốc về chế độ độc tài để chuyển qua trải nghiệm văn chương.

 Ở đâu mà có cái khoảng cách mỉa mai cay độc, cái bề ngoài dửng dưng toát ra trong toàn bộ tác phẩm của ông?

 Tôi ảnh hưởng nhiều, ở Camus. Đối với tôi, cái gương to lớn của cái “khoảng cách” mà ông đề cập đến là ở trong quyển Người Xa Lạ - L'Etranger. Năm 25 tuổi, quyển sách nho nhỏ này rơi vào tay tôi. Tôi nghĩ sách mỏng thì rẻ. Tôi không biết tác giả là ai và tôi cũng không có chút nghi ngờ nào lời văn trong quyển sách này sẽ mãi trong đầu tôi. Ở Hung, Người Xa Lạ - L'Etranger được dịch thành “Người dửng dưng” « L'Indifférent ». Dửng dưng trong nghĩa tách rời – tách rời khỏi thế giới này, tách rời với chính mình. Nhưng cũng trong nghĩa vượt qua, có nghĩa là thành một người tự do.

 Một con người tự do nhưng ở trong cái lồng của thư lại, của phi lý, đó là những gì ông mô tả trong “Án Tòa - Le Procès-verbal” làm cho độc giả liên tưởng đến thế giới của Kafka. Ông có thấy ông gần với những gì Kundera gọi là “Vòm Sao Pleiade" của các tiểu thuyết gia Trung Âu”,  Kafka, Musil, Broch, Gombrowicz... ?

 Đương nhiên. Tất cả kinh nghiệm văn chương đều dính đến địa lý Áo-Hung. Phần tôi, dứt khoát tôi đọc Kafka một cách khác hẳn người phương Tây. Đối với tôi, Kafka là típ thực tế của Mitteleuropa – Trung Âu.

 Nhìn xem trong quyển Lâu Đài - Château, lâu đài và quán trọ mà các công chức và người giúp việc đến làm việc. Ngay những trang đầu tiên, lâu đài đã có ở đó, không nghi ngờ gì nữa, nó ở đó – dù cho những người còn lại như bị chìm nghỉm vào một trong ba hố thẳm khổng lỗ của  Kafka. Người ta không cảm thấy gì, cả cảnh sát, cả lực đàn áp cũng không làm gì để ngăn thiên hạ đến đó. Dù vậy, mấy người ở đó vẫn bàn cãi không dứt để biết xem họ có quyền đến đó hay không. Đó là tình trạng tiêu biểu ở Đông Âu: một mặt là quyền lực không nắm bắt được, khôi hài, lờ đờ, không dò tìm được; mặt kia là hèn nhát, đồng bộ, thảm kịch thô kệch và lố lăng đóng khung con người lại. Chẳng phải không có lý do mà độc giả của Kafka ôm bụng cười khi đọc tác phẩm của ông. Cái thiên tài của ông là ông làm cho độc giả phương Tây tưởng họ đọc những bài viết siêu hình ở dưới nhiều khía cạnh nhưng sự thật là ông viết lên một cách tận căn cái cốt tủy tầm nhìn của ông về Đông Âu.

 Còn ông, ông có ở trong truyền thống này không ?

 Trong Thải Hết - Liquidation, nhân vật chính của tôi trình bày “ý tưởng căn bản” theo đó “cái ác là nguyên tắc của đời sống.” Đã đành đó là lời nhân vật của tôi nói, nhưng có thể đó là câu nói chua chát và sáng suốt nhất chưa bao giờ được viết lên. Không những cái ác là nguyên tắc của đời sống mà cái thiện mới đích thực là cái không hợp lý. Tôi lúc nào cũng có cái nhìn như thế về thế giới. Ông sẽ nói tôi bi quan không thuốc chữa. Nhưng ông có biết câu nói đùa ngày xưa ở Đông-Âu về cái khác biệt giữa lạc quan và bi quan không? Câu trả lời chỉ có một: người bi quan là người biết mọi chuyện rõ ràng hơn, thế thôi.

 LN dịch

Jean Améry
From Wikipedia, the free encyclopedia.

Jean Améry (October 21, 1912 - October 17, 1978) was an Austrian of Jewish descent. He was born in Vienna, Austria as Hans Maier. He lived in Hohenems, a small resort city in the state of Vorarlberg. 

He later moved to Belgium to escape the Nazis. When they invaded that country, he became active in the resistance. He was captured and imprisoned, first in Auschwitz, Buchenwald and then to Bergen-Belsen before being liberated by the advancing Red Army in 1945.

After the war, he changed his name to Jean Améry (a French anagram of his given name) and refused to write in German for many years.

Published Works
At the Mind's Limits: Contemplations by a Survivor On Auschwitz and Its Realities, Indiana University Press.