*
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ


Only the Big Questions

A South African writer reflects on his country's new Nobel laureate.

Chỉ những câu hỏi lớn

Rian Malan

[Một nhà văn Nam Phi viết về người đồng hương mới được Nobel năm nay.]
 

Ôi chao, sao cái sự dịch tiếng Tây ra tiếng Ta, nó lại gian nan đến như thế này, hả ông... Gấu?
PTH

  JM Coetzee hầu như chẳng hề cho ai phỏng vấn, thành thử tôi kể như là mình may mắn, khi ông chịu cho gặp, vào đầu thập niên 1990. Lần gặp ấy, tại văn phòng của ông ở Cape Town, Nam Phi, có, một bên là vị tiểu thuyết gia xanh xao, khắc khổ trong bộ đồ bằng tuýt và nhung sọc, một bên là tôi, với những lời chỉ dẫn thật là nghiêm ngặt của tay agent của ông: chớ đụng đến những câu hỏi về người con trai của ông, té từ bao lơn, về người vợ cũ, mất vì bịnh ung thư, về ảnh hưởng của những chuyện đó lên những gì mới viết ra gần đây. Chỉ nói về văn chương, nhưng câu hỏi mở đầu của tôi gần như bị chặn ngay nơi cổ họng, khi đụng phải sự yên lặng chết chóc. Coetzee viết câu hỏi xuống cuốn sổ. Ông ngồi ngẫm nghĩ một lúc, rồi khởi sự nghiên cứu những giả dụ mà câu hỏi đặt ra, cách ông làm như rọi sáng vào cái cõi hiểu biết ít ỏi của tôi, nhưng lại chẳng soi sáng, tôi muốn nói, chẳng vén mở chút nào, về con người của ông. Mọi câu hỏi của tôi đều được đối xử theo kiểu này, cuối cùng tôi biến thành một tay phóng viên gà mờ, của một tờ báo gà mờ. Tuyệt vọng quá, tôi vớ vội cái phao: 

-Ông thích thứ nhạc nào?

Cây viết lại xột xoạt, người viết lớn lại suy nghĩ. 

-Nhạc hả, tôi chưa từng nghe nhạc.

  Thì, cứ như tôi vừa kể, những gì người ta nghe về John Maxwell Coetzee [đọc là kut-see-uh], cơ mầu đều chỉ là giai thoại, nghĩa là cũng mầu mè, hoa lá cành như vậy. Hết mực riêng tư [vài người nói, nhút nhát đến trở thành lóng ngóng], trí thức tới tận xương tận tuỷ [vài người nói, trí thức đến lạnh mình], nhưng trên tất cả, đây là một bậc thầy lớn của cái trò chơi đa đoan phức tạp, tức là thứ lý thuyết văn chương hậu hiện đại. Và một khi con người ít nói đó mở miệng, thì chỉ là những thai đố, những mật mã. Là người Nam Phi, ông sống trong một xã hội mà những nhà văn của nó luôn đưa ra những tranh luận, bút chiến, sản xuất ra những cuốn tiểu thuyết nặng mùi hiện thực về cơn khủng hoảng hoài hoài của chúng tôi. Coetzee, không. Ông lẩn tránh chọn bên, tránh gia nhập những phong trào bảo vệ, hay chiến đấu, nhân danh những nghĩa cả, hay đưa ra những bình luận. Nghe nói, ông rất mê môn chơi rugby [bóng bầu dục], tập ăn chay, và sống trong một căn nhà được bảo vệ bởi những máy móc điện tử rất ư là kinh khủng, nhưng vẫn chỉ là nghe nói, nghĩa là nếu bạn muốn biết sự thực, thì cũng chỉ đành đoán mò….

 Và còn nữa, nữa. Khi, mọi trò văn đã vãn, câu văn chót đã thốt ra, và đã được giải mã, khi đó, Coetzee sẽ được tưởng nhớ tới, về một điều thật là giản đơn: ông là một người viết, và người viết này miêu tả, thực hơn nhiều người viết khác, cái gọi là ‘ [da] trắng”, gọi là “ý thức”, hai ba cái điều như thế, chúng có nghĩa lý gì, và nghĩa lý ra sao, trước những trò ngu xuẩn và độc ác của chủ nghĩa a-pác-thai. Và ngay cả những điều này, chính chúng, cũng có thể gây ngỡ ngàng, đối với những ai ở bên ngoài Nam Phi, bởi vì cái từ a-pác-thai đó chưa bao giờ được nhắc tới ở trong những cuốn tiểu thuyết của ông. Nữa, những lớp lang, những dàn dựng ở trong những cuốn tiểu thuyết cũng chẳng nhất thiết một điều, rằng, đây là những chuyện xảy ra ở Nam Phi. Vào năm 1980, khi tuyệt tác Đợi Bọn Rợ của ông xuất bản, khi đó, tôi đang sống ở Mỹ, giữa những người coi cuốn này là một câu chuyện cao bồi siêu thực, xẩy ra ở một biên giới không tên nào đó, và tự hỏi quan trọng chi đâu tất cả những thứ này. Với tôi, và nhiều người da trắng Nam Phi, nó là một ám dụ đau nhức đến không thể chịu nổi về cuộc sống hàng ngày và cái thế lưỡng nan, nói về mặt đạo đức, của chúng tôi – nghĩa là những người da trắng Nam Phi. Đây là một cuốn sách đụng tới miền tâm linh sâu thẳm, và thật khó cưỡng lại nó, đến nỗi nó làm cho người đọc trở nên ngơ ngơ ngáo ngáo, giống như bị hớp hồn.

              Chỉ Bọn Rợ không thôi, thiên hạ đã hết lời ca ngợi, nhưng còn nhiều cuốn tiểu thuyết lớn lao nữa, ở trong cây viết của ông. Trong những cuốn ở ngay đầu cây viết, có  Đời và Thời của Michael K. (1983), cuốn thứ nhất trong hai cuốn đã đoạt giải Booker, và Foe [Kẻ Thù, 1986], câu chuyện một người đàn bà Anh bị kẹt tại một ốc đảo, cố gắng một cách tuyệt vọng, làm thế nào trao đổi liên lạc với một người nô lệ da đen cụt lưỡi. Bề ngoài, cuốn tiểu thuyết giống như kể lại ngụ ngôn Lỗ Bình Sơn, nhưng ở mãi tít đáy của nó, bản thân tôi nhận ra, có một điều chi hoàn toàn khác hẳn. Đây là một cuốn sách sâu thẳm nhất đã từng được viết ra, về những liên hệ mầu da trong một xã hội mà da trắng một bên, da đen một bên, ở giữa họ là một hố thẳm của những không thể nào cảm thông, về ngôn ngữ, về văn hoá. “Thực ra là nó như thế, phải không ngài?” “Thực ra là ngài muốn nói như thế, phải không, thưa ngài?”.

  Cây viết lại xột xoạt, người viết lại suy nghĩ.

  -Tôi đâu có muốn nói ngược lại, cái sự đọc của ngài. Coetzee nói.

  Khi tấn tuồng rộng lớn Nam Phi xẹp xuống, có vẻ như Coetzee quay tìm hứng ở cuộc sống riêng tư. Người con trai té và chết một cái chết bí ẩn, ông viết The Master [Ông thầy] of Petersburg, một cuốn tiểu thuyết về một người cha cũng khốn khổ như ông. Bà vợ cũ mất vì ung thư, ông viết Thời Sắt [Age of Iron], nỗi đau nhức như được mô tả ở trong đó, là chưa có ai viết tới nổi. Vào giữa thập niên 1990, ông nhìn lại tuổi trẻ của mình, với hai cuốn tự thuật, rồi tới Ô Nhục (1999), câu chuyện một nhà khoa bảng da trắng ngạo mạn bị xua đuổi ra khỏi công việc của mình, bởi cảnh sát giới tính (1), bị làm nhục bởi những tên tội phạm, ngày một thêm rúm ró tuyệt vọng và cuối cùng bị xô giạt tới mép bờ của một xứ Nam Phi mới. Đầy ứ ở trong đó, là những ám ảnh của vỡ mộng, yếm thế, bi quan, và chẳng ai ngạc nhiên, khi ông, vào cái tuổi 63 của mình, đã rời đi Úc Châu vào năm 2002, để lại sau ông, vài người trong chúng ta, hỏi: “Như vậy là giờ này, ông ta rời bỏ chúng ta, liệu chăng, việc ông được Nobel có thực sự là một chiến thắng cho Quốc Gia Cầu Vồng, như báo chí của chúng ta rêu rao?

  Chẳng thể trông mong ở ông, làm sáng tỏ một thai đố như vậy. Ông đã từng không xuất hiện trong buổi lễ trao giải Booker. Làm sao dám chắc chắn, ông sẽ có mặt tại Stockholm trong buổi lễ trao giải Nobel vào ngày 10 tháng Chạp? Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, Elizabeth Costello, bà ta cũng là một tiểu thuyết gia thuộc trường phái hậu hiện đại, nhân vật này có thể cho chúng ta chút đoán mò, về ý nghĩ của ông. Được lọc ra cho một giải thưởng văn học, bà nói, “Có lẽ tôi nên yêu cầu họ gửi tấm ngân phiếu theo đường thư tín, và dẹp bỏ buổi lễ trao giải thưởng.”

  Time Oct 2003

  Rian Malan is the author of My Traitor's Heart, published in 1990 by Atlantic Monthly Press. He lives in Cape Town.

  [Rian Malan là tác giả cuốn Trái tim phản bội của tôi, do Atlantic Monthly Press xuất bản năm 1990. Ông hiện sống ở Cape Town, Nam Phi.]

  (1): Cảnh sát giới tính ở Nam Phi chuyên lo việc cấm đoán, giam giữ...  cấm, không cho hai giống đen và trắng loạng qoạng với nhau.

  Jennifer Tran chuyển ngữ