ha
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ


Ông chủ và gã hầu

John Maxwell Coetzee

  [1]

 Nhưng hãy trở lại với gã đồng hành mới của tôi. Tôi thích gã biết bao, và đã dày công dạy gã tất cả những điều cần thiết để gã trở thành một người hữu dụng và khéo léo, nhất là để gã có thể nói chuyện với tôi và hiểu tôi. Gã là tên học trò sáng dạ nhất trên đời.

 Daniel Defoe, Robinson Crusoe

 Boston là một thị trấn đẹp bên bờ biển Lincolnshire, gã hầu của chàng viết. Ở đây có tháp chuông nhà thờ cao nhất nước Anh, dân hoa tiêu thường lấy đó làm mốc dẫn đường cho tàu thuyền. Quanh thị trấn là một vùng đầm lầy, vạc nhiều vô kể. Đó là một loài hung điểu, chúng thường cất tiếng kêu nặng nề, trầm thống, vang rền như tiếng vọng một khẩu súng, đến nỗi cách xa hai dặm còn nghe thấy.

 Vùng đầm lầy này còn là nơi cư ngụ của nhiều loài chim khác, gã hầu của chàng viết, nào là vịt trời, mòng két, vịt trời Bắc Cực. Và để bắt lũ chim này, những người dân vùng đầm lầy (thường gọi là Fen-men) nuôi và thuần hóa những con vịt mà họ gọi là vịt mồi.  

 Fens là những dải đầm lầy dài. Những dải đầm lầy như vậy có ở khắp mọi nơi, châu Âu và thế giới, nhưng ở những nơi khác chúng không được gọi là Fens. Fen là một từ tiếng Anh, một từ không di cư.

 Những con vịt mồi vùng Lincolnshire đó được nuôi trong những ao riêng, gã hầu của chàng viết. Người ta thuần hóa chúng bằng cách tự tay cho chúng ăn. Rồi khi mùa tới chúng được gửi ra nước ngoài, đến Hà Lan và Đức. Ở đó chúng gặp những con chim khác cùng loài, và khi chứng kiến cảnh lũ chim Hà Lan và Đức kia sống khốn khổ thế nào bởi những dòng sông xứ đó đóng băng vào mùa đông còn đồng ruộng thì bị tuyết phủ dày, chúng bèn mách bảo đám đồng loại đáng thương kia  - bằng một thứ ngôn ngữ mà bọn kia có thể hiểu - rằng ở nước Anh quê chúng, mọi sự đều khác: vịt nước Anh sống ở những bờ biển ê hề thức ăn, thủy triều thoải mái ùa vào vào các dòng sông; có hồ, có suối, có cả ao lộ thiên lẫn ao có mái che; lại có những thửa ruộng đầy ắp lúa mì mà những người mót lúa để lại; và không hề có băng tuyết, có chăng thì chỉ rất ít.

 Bằng cách mời chào ấy - được diễn đạt bằng ngôn ngữ của loài vịt - những con vịt mồi đã dụ dỗ được cơ man nào là bọn chim này và bắt cóc chúng, nếu có thể nói vậy, gã hầu của chàng viết. Chúng đưa lũ chim từ Hà Lan và Đức băng qua biển, về Anh, về những cái ao ở vùng đầm lầy Lincolnshire. Dọc đường chúng vẫn không thôi quàng quạc và cạp cạp với bọn kia bằng ngôn ngữ của loài vịt rằng đấy chính là những cái ao mà chúng đã kể, rằng ở đây từ rày về sau, bọn kia sẽ được sống yên bình.

 Và trong khi chúng đang bận rộn với lũ chim mới đến thì những người dân đầm lầy, chủ của những con vịt mồi kia, liền rón rén lại gần những chỗ nấp dựng bằng sậy trên đầm lầy rồi bí mật vãi từng vốc lúa mì lên mặt nước; lũ vịt mồi liền sà xuống những hạt lúa nọ, kéo theo sau cả bầy khách phương xa. Cứ thế suốt hai ba ngày liền, chúng vừa không thôi mời gọi rằng ở nước Anh người ta sống thoải mái đến nhường nào, vừa dẫn đám khách vào những lối đi ngày mỗi hẹp, mỗi lúc một gần tới chỗ người ta đã giăng lưới sẵn.

 Thế rồi chủ những con vịt mồi liền thả chó ra, bọn chó này đã được huấn luyện tuyệt hảo để bơi đuổi theo lũ chim, vừa bơi vừa sủa. Hoảng hốt đến cùng cực bởi cái sinh vật khủng khiếp này, lũ chim chực bay lên, nhưng lưới giăng kín ở bên trên buộc chúng phải sà xuống nước, thế là chúng buộc phải bơi dưới tấm lưới nếu không muốn bỏ mạng. Nhưng lưới càng lúc càng thít chặt như một cái túi, và bọn chủ vịt mồi đã chực sẵn ở miệng túi để túm cổ lôi ra từng con một. Bọn vịt mồi được vuốt ve khen ngợi. Còn những vị khách của chúng thì bị người ta đập chết ngay tại chỗ, vặt lông đem bán hàng trăm con, thậm chí hàng ngàn con.   

 Tất cả những sự kiện này về Lincolnshire đã được gã hầu của chàng chép lại bằng nét chữ rõ, nhanh, với những ngòi bút mà gã vót mỗi ngày bằng chiếc dao nhỏ trước khi sang trang mới.

 Halifax - gã hầu của chàng viết - có một dụng cụ hành hình mà tới thời Vua James mới bị dẹp bỏ; nó vận hành như thế này: người ta kê đầu kẻ bị kết án lên chiếc đà ngang hay cái lỗ máy chém; sau đó đao phủ bật cái chốt giữ thanh dao nặng. Thanh dao trượt xuống dọc theo một cái khung cao bằng cánh cửa nhà thờ và cứa đứt đầu kẻ kia, gọn như dao của anh hàng thịt.

  Nhưng ở Halifax người ta đồn rằng nếu từ lúc cái chốt bật ra cho đến lúc thanh dao rơi xuống mà kẻ bị kết án có thể bật dậy chạy xuống đồi, bơi qua sông mà đao phủ không bắt lại kịp, gã sẽ được tha mạng. Nhưng suốt ngần ấy năm cỗ máy đứng lù lù ở Halifax, điều đó chưa bao giờ xảy ra.

 Chàng (lúc này không phải gã hầu của chàng mà chính chàng) đang ngồi trong căn phòng của mình bên cảng Bristol và đọc những điều trên. Chàng đã già đi, hầu như có thể nói giờ đây chàng đã là một ông già. Da mặt chàng, vốn gần như đen sạm vì mặt trời nhiệt đới trước khi chàng làm một chiếc ô bằng lá cọ hay lá palmetto để che nắng, nay đã nhợt nhạt hơn nhưng vẫn còn rám nâu như giấy da thuộc; trên mũi chàng có một vết bỏng vì nắng chẳng bao giờ lành.

 Chiếc ô vẫn còn đó trong phòng chàng, dựng ở một góc, nhưng con vẹt đã về đây cùng chàng thì không còn nữa. Robin tội nghiệp! Nó thường đậu trên vai chàng và kêu toáng lên, Robinson Crusoe tội nghiệp! Ai sẽ cứu chàng Robin tội nghiệp? Vợ chàng chịu không thấu lời than van của con vẹt từ sáng đến tối: Robin tội nghiệp. Em sẽ vặn cổ nó, nàng nói, nhưng nàng không đủ can đảm để làm vậy.

 Khi trở về Anh quốc từ hòn đảo của chàng cùng con vẹt, chiếc ô và cái hòm đầy châu báu, có một dạo chàng sống cuộc đời bình lặng với người vợ cũ ở cơ ngơi chàng mua tại Huntington bởi chàng đã thành người giàu có, lại càng giàu hơn sau khi cho in cuốn sách kể lại những cuộc phiêu lưu của chàng. Song những năm tháng sống trên đảo, sau đó là những năm chu du cùng với gã hầu của chàng là Thứ Sáu (Thứ Sáu tội nghiệp, chàng tự than vãn, quạc quạc, vì con vẹt chẳng bao giờ muốn kêu tên Thứ Sáu, nó chỉ kêu tên của chàng) đã khiến chàng cảm thấy cuộc sống của một địa chủ thật buồn tẻ. Và, nói thật, cuộc sống vợ chồng cũng khiến chàng thất vọng đau đớn. Chàng ngày một năng lui tới chỗ tàu ngựa, đến chỗ những con ngựa của chàng mà, may thay, không biết nói huyên thuyên mà chỉ hí lên dịu dàng khi chàng đến để tỏ ra chúng biết chàng là ai, sau đó lại im lặng. 

 Ở đảo, hồi Thứ Sáu chưa đến, chàng đã quen sống một cuộc sống lặng lẽ, giờ đây chàng cảm thấy thế giới này quá nhiều lời. Nằm trên giường bên vợ, chàng cảm thấy như có một trận mưa sỏi trút lên đầu, rào rào lạo xạo không dứt trong khi chàng chỉ muốn một điều duy nhất là được ngủ.

 Thế nên khi vợ chàng trút linh hồn, chàng để tang nhưng không buồn khổ. Chàng chôn cất nàng, đợi một thời gian cho phải phép rồi thuê căn phòng này ở khu The Jolly Tar (Thủy Thủ Vui Nhộn) bên cảng Bristol, chỉ mang theo chiếc ô lấy từ hòn đảo đã khiến chàng nổi tiếng cùng con vẹt chết bám trên song và vài vật dụng cần thiết; quyền cai quản cơ ngơi ở Huntington, chàng để lại cho con trai. Và từ đó chàng sống một mình ở đây, ngày lại ngày thơ thẩn trên các kè sông và bến nổi, miệng ngậm tẩu đăm đắm nhìn ra biển về phía tây bởi mắt chàng còn tốt lắm. Bữa ăn chàng sai mang lên tận phòng bởi chàng chẳng còn hứng thú gì việc giao du với thiên hạ, chàng đã quen với sự cô đơn trên đảo rồi.

 Chàng không đọc gì, chàng không còn thú đọc nữa; nhưng bằng việc ghi chép lại những chuyến phiêu lưu, thói quen viết đã hình thành ở chàng; đó cũng là một thú giải trí vui vui. Buổi chiều trong ánh nến chàng lấy giấy ra, vót ngòi bút rồi viết một hai trang về gã hầu của chàng, kẻ vẫn gửi những bản tường thuật cho chàng về chuyện những con chim mồi vùng Lincolnshire và về cỗ máy hành hình ở Halifax mà người ta có thể thoát chết nếu trước khi lưỡi dao đáng sợ rơi xuống người ta có thể bật dậy chạy xuống đồi, và về nhiều thứ khác nữa. Đi tới đâu gã cũng gửi những bản tường thuật, ấy là việc hàng đầu của gã, anh bạn luôn bận rộn của chàng.

 Trong khi tha thẩn dọc bức tường bến cảng mà nghĩ ngợi về cỗ máy ở Halifax, chàng - Robin, kẻ mà con vẹt thường gọi là Robin tội nghiệp - thả một hòn sỏi rồi lắng nghe. Một giây, không tới một giây, nó chạm mặt nước. Ân sủng của Chúa thì nhanh, nhưng cái lưỡi dao to gộc bằng thép tôi kia, nặng hơn một hòn sỏi và tra mỡ bò, chẳng lẽ nó không thể nhanh hơn sao? Có bao giờ ta tránh nó được? Và giống người nào có thể lăng xăng chạy suốt từ đầu nọ tới đầu kia vương quốc, từ cảnh chết này tới cảnh chết kia (đập đầu, cắt cổ) và gửi hết bản tường thuật này tới bản tường thuật nọ?

 Một người của công việc, chàng thầm nghĩ. Cứ để gã là người của công việc, là nhà buôn hạt giống hay da thuộc chẳng hạn; hoặc là nhà sản xuất và cung cấp ngói lợp ở bất cứ nơi nào có nhiều đất sét, như ở Wapping chẳng hạn, và phải đi lại nhiều để lo việc làm ăn. Cứ cho gã giàu có, cho gã một cô vợ yêu thương gã, không lắm mồm và đẻ con cho gã, chủ yếu là con gái; cho gã hạnh phúc vừa phải; thế rồi hãy khiến cho hạnh phúc của gã đột ngột chấm dứt. Một mùa đông nọ dòng Thames dâng cao, lò nung gạch, cửa hàng hạt giống hay xưởng thuộc da đều bị lũ cuốn trôi; gã hầu của chàng bị khánh kiệt, những chủ nợ bâu vào gã như ruồi như quạ, gã phải bỏ nhà, bỏ vợ con, phải cải trang và mai danh ẩn tích, nương náu ở khu ổ chuột tồi tàn nhất của Beggars Lane. Và tất cả điều đó - sóng nước, sạt nghiệp, trốn chui trốn nhủi, không xu dính túi, áo quần tổ đỉa và nỗi cô đơn - hãy để cho tất cả trở thành hồi ảnh[2] về vụ đắm tàu và hòn đảo nơi mà chàng - Robin tội nghiệp - đã bị tách lìa khỏi cuộc đời suốt hai mươi sáu năm cho đến khi chàng hầu như hóa điên (mà thật ra, ai dám nói chàng đã không điên, ở mức độ nào đó?). 

 Hoặc hãy cho gã là người thợ làm yên ngựa có nhà, có cửa hàng và xưởng thợ ở Whitechapel, có một nốt ruồi trên cằm và một cô vợ yêu gã, không lắm mồm và đẻ con cho gã, chủ yếu là con gái và mang lại cho gã nhiều hạnh phúc, cho tới khi bệnh dịch ập xuống thành phố, đó là năm 1665 khi mà trận hỏa hoạn lớn ở London chưa xảy ra. Bệnh dịch ập xuống London: mỗi ngày, từ giáo xứ này qua giáo xứ nọ, số người chết tăng dần, cả người giàu lẫn kẻ nghèo, bởi bệnh dịch không phân biệt tình cảnh của người này với người kia, toàn bộ mớ của cải của tay thợ làm yên ngựa này cũng không thể cứu được gã. Gã gửi vợ con về quê rồi âm thầm lập kế hoạch chạy trốn cho chính mình, nhưng rồi gã lại chẳng làm gì. Gã mở hú họa Kinh thánh ra và đọc: Mi sẽ không sợ nỗi khủng khiếp của bóng đêm; không sợ tên bay vào ban ngày,  không sợ bệnh dịch lảng vảng trong bóng tối, không sợ tai ương hoành hành lúc giữa trưa. Ngàn lần sẽ rơi bên cạnh mi, vạn lần sẽ rơi bên phải mi, nhưng sẽ không rơi trúng mi.

Nhờ tín hiệu chỉ dẫn rõ ràng này, gã vững lòng ở lại thành London bệnh dịch và bắt tay viết những bản tường thuật. Tôi gặp một đám người ngoài đường, gã viết, và chính giữa đám đông đó, một người đàn bà đột nhiên chỉ tay lên trời. Nhìn kìa, bà ta kêu lên, một thiên thần áo trắng đang múa thanh kiếm lửa! Và đám người nhìn nhau đồng tình, Ừ, đúng vậy, họ nói: một thiên thần cầm kiếm! Nhưng tay thợ làm yên ngựa không nhìn thấy thiên thần, cũng không thấy kiếm. Gã chỉ nhìn thấy một đám mây có hình thù kỳ lạ, một phía bị mặt trời chiếu sáng hơn phía kia.

 Đó là một hóa thân[3]! Người đàn bà gào lên khắp nơi; nhưng dù cố lắm gã cũng chẳng nhìn thấy hóa thân nào. Gã viết vậy trong bản tường thuật.

 
Một ngày khác, gã hầu của chàng, vốn là thợ làm yên ngựa nhưng đang chẳng có việc gì làm, đi dạo dọc bờ sông ở Wapping và thấy một thiếu phụ đứng trước cửa nhà gọi một người đàn ông đang chèo một chiếc thuyền đánh cá nhỏ: Robert! Robert!, thiếu phụ gọi. Gã nhìn thấy người đàn ông chèo thuyền vào bờ, lấy ra khỏi thuyền một bao tải, đặt lên một tảng đá bên bờ sông rồi lại chèo thuyền đi. Thiếu phụ đi xuống sông, nhận chiếc bao tải vác lên nhà, vẻ sầu khổ hằn sâu trên mặt.

 Gã hầu của chàng liền làm quen và bắt chuyện với người đàn ông. Robert kể rằng ông ta là chồng của thiếu phụ và chiếc bao tải là lương thực cả tuần cho vợ con, cả thịt, bánh mì và bơ; nhưng ông không dám lại gần họ bởi vì tất cả bọn họ đều bị dịch hạch; điều đó làm ông đau đớn. Và tất cả - hình ảnh người chồng Robert và người vợ giữ liên hệ với nhau bằng những tiếng gọi qua sóng nước, và chiếc bao tải để lại trên bờ - tự nó đã nói lên tất cả, nhưng đồng thời nó cũng là hồi ảnh về nỗi cô đơn của chính chàng, Robinson trên đảo hoang, trong những giờ tuyệt vọng đen tối nhất đã cất tiếng gọi qua sóng nước gửi tới những người thân yêu ở nước Anh với hy vọng họ sẽ cứu chàng, cũng như những lần khác chàng đã bơi ra chiếc tàu chìm để kiếm thức ăn.

 Chú thích:

 [1]Nguyên văn: He and his man. Dĩ nhiên, có thể dịch là Ông ta và người của ông ta, Chàng và người của chàng, v.v... Tuy nhiên theo chúng tôi, nội hàm của cái tựa này không đơn giản như vậy. Nếu đọc Robinson Crusoe bằng nguyên bản tiếng Anh, ta sẽ biết Thứ Sáu được Robinson gọi là ‘my Man”, “người của tôi”, nhưng chính xác hơn có lẽ là “gã hầu (gã đầy tớ, phụ tá, v.v...) của tôi”. Nhưng, “his man” trong câu chuyện của Coetzee còn có một nội hàm khác: ấy là một “kẻ khác của tôi, chưa được và cần phải được định danh”. Nội hàm này, theo chúng tôi, không thể được chuyển tải bằng cách dịch trực nghĩa ra tiếng Việt “người của ông ta”, “người của chàng”... Do đó, chúng tôi quyết định chọn cách dịch như trên, với sự định danh rõ ràng “he” và “his man” theo ngữ cảnh trong câu chuyện Robinson và Thứ Sáu của Defoe, còn ẩn nghĩa thứ hai của Coetzee, độc giả có thể tự nắm bắt trong quá trình đọc.

 [2] Nguyên văn: let all of this be a figure of the shipwreck... Trong bài diễn từ này, Coetzee lặp lại nhiều lần cụm từ a figure of. Theo chúng tôi, cụm từ này có thể có những nghĩa sau: biểu tượng (cho cái gì đó), tượng trưng (cho cái gì đó), hình ảnh (của cái gì đó), ẩn dụ (về điều gì đó), hiện hình (dưới/trong dạng gì đó). Trong ngữ cảnh này và một vài ngữ cảnh khác, chúng tôi tạm chọn cách dịch a figure of  là hồi ảnh (về...), bởi câu chuyện là xâu chuỗi những sự kiện tưởng tượng của Robinson về gã hầu, và khi đó Robinson như hồi tưởng lại những gì mà chính chàng đã trải nghiệm. Ở một số ngữ cảnh khác, chúng tôi dịch a figure of là ẩn dụ (về...) hoặc tượng trưng (cho...).

 [3] Nguyên văn: It is an allegory! Allegory thường được dịch là phúng dụ hoặc ẩn dụ, nhưng ở ngữ cảnh này, người đàn bà nhìn thấy “một thiên thần cầm kiếm lửa” trong khi thật ra đó chỉ là “một đám mây có hình thù kỳ lạ”, nên chúng tôi cho rằng bà ta muốn ám chỉ sự hóa thân của thần linh.

 

Ông chủ và gã hầu (2)

John Maxwell Coetzee

 Một bản tường thuật khác về thời kỳ khốn khổ này. Một người đàn ông không chịu nổi những cơn đau hành hạ ở vùng bẹn và dưới thắt lưng, những biểu hiện của bệnh dịch hạch, đã gần như phát rồ, ở truồng tô hô lao ra đường về hướng Harrow Alley ở Whitechapel, nơi mà người thợ làm yên ngựa - gã hầu của chàng - chứng kiến cảnh ông ta dậm chân, nhảy cào cào và làm hàng nghìn động tác kỳ quặc khác, trong khi vợ con ông ta chạy theo gọi ông về nhà. Kiểu dậm chân và  nhảy cào cào này là hồi ảnh về chính sự dậm chân và nhảy cào cào của chàng sau thảm họa đắm tàu, khi chàng đã hết hơi tìm dấu vết đồng đội trên bãi cát mà chẳng thấy gì ngoài hai chiếc giày lệch đôi và hiểu rằng chỉ mỗi mình chàng dạt vào một hòn đảo hoang vu, rằng chàng sẽ chết và chẳng mong gì được cứu.

 (Nhưng chàng còn hát thầm điều chi nữa, chàng ngạc nhiên tự hỏi, chàng trai khốn khổ này, ngoài sự chàng bị bỏ rơi? Chàng gọi gì qua những đại dương, những tháng năm, từ ngọn lửa riêng của chàng?)

 Cách đó một năm, chàng - Robinson - đã trả 2 đồng guinea cho một người đi biển để mua một con vẹt mà theo lời ông ta kể lại thì ông ta đã mang nó về từ Brazil. Con vẹt này tuy không lộng lẫy như con vẹt yêu quý (trước đây – ND) của chàng nhưng vẫn tuyệt đẹp với bộ cánh xanh, chiếc mỏ đỏ, và nếu tin lời người đi biển thì nó rất háu nói. Và quả thực, khi về nhà vẹt ta luôn đậu trên chiếc song dành cho nó trong phòng khách, với một sợi dây xích buộc ở chân đề phòng nó bay mất, và kêu lên: Poll tội nghiệp! Poll tội nghiệp!, cứ như vậy lặp đi lặp lại tới lúc chàng phải nhốt nó vào lồng. Có điều, không thể bày cho nói một từ nào khác, như Robin tội nghiệp! chẳng hạn, hẳn vì nó đã quá già rồi.

 Chàng Poll tội nghiệp phóng mắt qua khung cửa hẹp tới những đợt sóng biển, và qua những đợt sóng biển tới những vồng xám nổi lên trên Thái Bình Dương: Đó là hòn đảo gì vậy, mà lạnh lẽo, mà u buồn, nơi mà ta đã dạt đến? Chàng Poll tội nghiệp tự hỏi. Trong giờ ta lâm nạn, người đã ở đâu, hỡi vị cứu tinh của ta?

 Một người đàn ông ngủ trước thềm cửa một nhà dân ở Cripplegate (lại một bản tường thuật nữa từ gã hầu của chàng) bởi ông ta đã say xỉn và đêm đã khuya. Những chiếc xe chở xác lê bánh (chúng ta vẫn đang ở vào năm dịch hạch) và những người hàng xóm đặt người đàn ông lên xe cạnh những xác chết; họ nghĩ rằng ông đã tắt thở. Rồi chiếc xe lăn tới nghĩa địa ở Mountmill, và người đánh xe, mặt che kín mít để tránh lây bệnh, xốc người đàn ông định ném vào hố chôn. Thế là ông ta tỉnh dậy và chống cự trong cơn hoảng loạn. Tôi đang ở đâu? - Người đàn ông hỏi. Ngươi bị chôn tới nơi rồi, cùng với lũ người chết - Người đánh xe nói. Tức là tôi đã chết rồi ư? - Người đàn ông hỏi. Và đó cũng lại là một hồi ảnh về tình cảnh của chàng lúc ở trên hoang đảo.

 Một vài người dân thành London vẫn tiếp tục công việc của họ; họ cho rằng mình khỏe mạnh và sẽ qua khỏi cơn dịch. Nhưng họ đều bị nhiễm dịch hạch trong máu: nếu bệnh nhập vào tim, họ sẽ chết ngay lập tức như bị sét đánh vậy, gã hầu của chàng viết. Và đó là một ẩn dụ về tự thể đời sống, toàn thể đời sống. Một sự chuẩn bị cần thiết. Chúng ta cần chuẩn bị cho cái chết một cách thích đáng, nếu không chúng ta sẽ bị quật ngã tại chính nơi chúng ta đang đứng. Cũng như chàng, Robinson, phải nhận ra điều đó khi một ngày kia chàng đột nhiên phát hiện ra một dấu chân người trên hòn đảo của chàng. Đó là một dấu vết, và vì thế, một tín hiệu, về một bàn chân, về một con người. Nhưng đó còn là một tín hiệu cho nhiều thứ khác nữa. Tín hiệu ấy nói cho mi biết rằng mi không cô độc; và còn nữa: Dù mi có dong buồm đến đâu, dù mi có ẩn náu ở chốn nào, người ta cũng sẽ lần ra mi.

 Gã hầu của chàng viết: trong năm dịch hạch nhiều người vì kinh hoảng đã bỏ lại tất cả, nhà cửa, vợ con để chạy càng xa thành London càng tốt. Khi nạn dịch qua đi, họ đều bị mọi người nguyền rủa vì sự trốn chạy hèn nhát. Nhưng, gã hầu của chàng viết, chúng ta đã quên rằng cần phải dũng cảm như thế nào để chống lại dịch hạch. Đó không đơn giản là lòng dũng cảm của người lính siết chặt vũ khí trên tay mà tấn công kẻ thù: đó còn như thể tấn công chính Thần chết trên lưng con ngựa tái nhợt của hắn.

 
Ngay cả lúc phong độ nhất, con vẹt yêu quý của hai người cũng không nói một lời nào không phải do chủ của nó dạy. Thế thì bằng cách nào mà kẻ này, gã hầu của chàng - vốn cũng là một thứ vẹt và không được yêu quý lắm - lại có thể viết hay như, hoặc thậm chí hay hơn ông chủ của y? Bởi kẻ này, gã hầu của chàng, dùng bút rất khéo, điều đó không thể phủ nhận. Như thể tấn công chính Thần chết trên lưng con ngựa tái nhợt của hắn. Ngược lại, chàng chỉ khéo léo trong việc tính toán và làm sổ sách như đã học ở môn kế toán chứ không phải trong việc chữ nghĩa. Chính Thần chết trên lưng con ngựa tái nhợt của hắn – chàng không thể nghĩ ra những từ như vậy. Chỉ khi chàng phó mặc hoàn toàn cho gã hầu của chàng thì mới xuất hiện những từ như vậy.

 Và những con vịt mồi: chàng, Robinson, đã biết gì về những con vịt mồi? Không biết gì hết, cho tới khi gã hầu của chàng gửi cho chàng những bản tường thuật. Những con vịt mồi ở vùng đầm lầy Lincolnshire, cỗ máy hành hình lớn ở Halifax: Những lời kể về chuyến chu du vòng quanh đảo Anh mà gã hầu của chàng hình như đã thực hiện, một hồi ảnh về chuyến du lịch của chàng quanh hòn đảo của mình trên chiếc thuyền tự đóng, chuyến du lịch chỉ ra rằng có một phía khác xa hơn của hòn đảo, rậm rạp, tối tăm, khô cằn, phía mà về sau chàng không bao giờ trở lại mặc dù những nhà thuộc địa tương lai, nếu đến được hòn đảo ấy, hẳn họ sẽ khai phá và cư ngụ trên đó; và đấy cũng là một ẩn dụ về phía tối của linh hồn và của ánh sáng.

 Và khi đám đạo văn và bọn bắt chước nhảy xổ vào câu chuyện trên đảo của chàng và cung cấp cho đại chúng câu chuyện bịa đặt về cuộc đời của một kẻ bị bỏ rơi trên đảo, chàng thấy bọn chúng không hơn gì một lũ ăn thịt người, bọn xô vào ăn thịt chàng, tức là cuộc đời chàng; và chàng cũng chẳng thèm nghĩ tới việc nói ra điều này nữa. Khi tôi chống lại bọn ăn thịt người, cái lũ muốn đánh đập, nướng thịt và nuốt sống tôi, chàng viết, tôi đã nghĩ rằng mình đang chống lại chính sự việc đó. Tôi không hề biết rằng, chàng viết, bọn ăn thịt người này chỉ là một hình ảnh tượng  trưng cho một thứ lòng tham còn ma quỷ hơn, thứ gặm mòn chính bản chất của sự thật.

 Nhưng, nghĩ ngợi thêm chút nữa, thì một nỗi đồng cảm với lũ bắt chước đó từ từ dâng lên trong lòng chàng. Bởi với chàng bây giờ dường như chỉ có vài ba câu chuyện trên thế giới; và nếu như lớp trẻ bị cấm cướp bóc của người xưa, họ sẽ phải im lặng mãi mãi.

 Chàng đã kể về cuộc thám hiểu hoang đảo của mình như vậy, rằng một đêm chàng đã thức dậy trong nỗi kinh hoàng và tin chắc rằng quỷ sứ trong bộ dạng một con chó lớn đang đè lên người chàng ở trên giường. Thế là chàng vùng dậy, cầm con dao mổ vịt, chém sang trái huơ sang phải để tự vệ trong khi con vẹt tội nghiệp ngủ bên cạnh chàng kêu lên khiếp sợ. Phải nhiều ngày sau đó chàng mới nhận ra rằng không phải chó cũng chẳng phải quỷ sứ đã đè lên chàng, ấy chỉ vì chàng đã chìm vào một cơn bóng đè và bởi không thể cựa quậy chân, chàng đã cho rằng một sinh vật nào đó đang ngủ đè lên chân chàng. Và bài học rút ra từ trường hợp này là: dường như mọi khổ đau, kể cả chứng liệt rung, đều đến từ quỷ sứ, là tự thân quỷ sứ; rằng mối tai họa gây ra bởi dịch bệnh có thể xem là hình ảnh tượng trưng cho mối tai họa gây ra bởi quỷ sứ, hoặc gây ra bởi một con chó trong hình ảnh tượng trưng cho quỷ sứ và ngược lại, tai họa được tượng trưng bằng một căn bệnh như trong câu chuyện dịch hạch của người thợ làm yên ngựa; và rằng bởi vậy không kẻ nào viết chuyện về một trong hai - về quỷ sứ hoặc về dịch hạch - lại có thể bị kết án một cách bộp chộp là kẻ giả mạo hay thằng ăn cắp.

 Khi nhiều năm trước đây chàng quyết định viết lại câu chuyện trên đảo của mình, chàng nhận ra rằng câu chữ không đến với chàng và quản bút không tuân theo chàng, ngay những ngón tay chàng cũng cứng đờ và rời rã. Nhưng ngày qua ngày, cứ từng bước, từng bước, chàng làm chủ được việc viết lách, cho tới khi chàng cùng Thứ Sáu thám hiểm lên phương Bắc băng giá thì những trang văn của chàng cũng thoát ra nhẹ nhàng từ quản bút, hầu như không cần suy nghĩ.

 Khả năng viết dễ dàng này, tiếc thay, đã bỏ rơi chàng. Mỗi khi ngồi vào chiếc bàn viết nhỏ kê trước cửa sổ nhìn ra cảng Bristol, bàn tay chàng có vẻ thật vụng về và quản bút lạ lẫm với chàng hơn bao giờ hết.

 Liệu gã, cái kẻ khác kia, gã hầu của chàng, có thấy việc viết lách dễ dàng hơn không? Những câu chuyện về vịt trời, cỗ máy hành hình và thành London trong thời gian dịch hạch được viết thật trôi chảy; nhưng đó cũng từng là những câu chuyện của chính chàng. Có thể chàng đã đánh giá sai người đó, người đàn ông nhỏ thó linh hoạt với bước đi nhanh nhẹn có nốt ruồi trên cằm. Có thể lúc này, cũng như chàng, trong một căn phòng thuê đâu đó trên vương quốc rộng lớn này, gã đang ngồi một mình, nhúng rồi lại nhúng ngòi bút, đầy nghi hoặc, do dự và suy đi tính lại.

 Phải phác họa chân dung họ thế nào, người đàn ông này và chàng? Ông chủ và nô lệ ư? Anh em, anh em sinh đôi ư? Chiến hữu ư? Hay kẻ thù? Chàng phải tìm cho kẻ đồng hành vô danh này cái tên nào, kẻ từng ở bên chàng qua các buổi tối hay thậm chí thâu đêm, kẻ chỉ vắng mặt vào ban ngày khi chàng, Robin, đi dọc các bến thuyền để tuần tra xem có thuyền nào mới cập bến không, còn gã hầu của chàng rong ruổi khắp vương quốc và cũng tiến hành những cuộc du khảo của y?

 Liệu trong cuộc du hành của mình người đàn ông này có tới Bristol không? Chàng khao khát được gặp mặt người đó, bắt tay người đó, đi dọc bến tàu với gã và lắng nghe gã kể về cuộc viếng thăm phía bắc tối tăm của hòn đảo hoặc những cuộc phiêu lưu của gã trong việc viết lách. Nhưng chàng sợ rằng sẽ không có cuộc gặp nào, không phải trong cuộc đời này. Nếu phải lựa chọn một hình ảnh cho hai người, gã hầu của chàng và chàng, chàng sẽ viết rằng họ như hai con tàu dong buồm về hai hướng khác nhau, một về hướng tây và một về hướng đông. Hoặc đúng hơn, chàng và gã như những thủy thủ làm nhiệm vụ kéo dây buồm, một kẻ trên con tàu chạy hướng tây, một kẻ trên con tàu chạy hướng đông. Tàu của họ chạy ngang qua nhau, cách nhau một tiếng gọi. Nhưng mặt biển thì dữ dội, thời tiết giông tố; nước bắn vào mắt họ, tay họ nóng rẫy vì dây chão, và thế là họ đi qua nhau nhưng đều bận rộn đến nỗi thậm chí không thể vẫy tay nhau.

 Đinh Bá Anh và Trần Tiễn Cao Đăng

dịch từ bản tiếng Anh