gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ


Cầm Dương Xanh

 

Câu chuyện lạ thường về "sự sống sót của một người, one man’s survival" - một nhạc sĩ dương cầm tại ghetto Warsaw, thời kỳ Lò Thiêu.

 

Wladyslaw Szpilman (1912-2000), tác giả Nhạc sĩ dương cầm (The pianist), bố mẹ là người Ba Lan gốc Do Thái, đệ tử của nhà soạn nhạc và chơi dương cầm Athur Schnabel. Vào lúc buổi mai hứa hẹn một sự nghiệp lớn lao, Nazi xâm lăng Ba Lan. Vào tháng 9 năm 1939, trong lúc ông đang chơi trên đài phát thanh Ba Lan bản "Dạ Khúc cung ut dièse mineur", của Chopin, bom quốc xã Đức làm câm tiếng nhạc. Trong ba năm, ông sống trong ghetto cùng với gia đình. Tháng Tám 1942, người thân của ông bị tống xuất, riêng ông, vào đúng phút chót, được một tay cảnh sát mê nhạc cứu khỏi đoàn công voa chở người tới Lò Thiêu. Trong hai năm rưỡi, ông sống chui. Vào năm 1945, Đài Phát Thanh Ba Lan lại cất tiếng, bằng bản Dạ Khúc ông trình diễn dở dang, sáu năm trước đó. Vào năm 1946, ông cho xuất bản, [bằng tiếng Ba Lan], câu chuyện lạ thường, khó tin, về sự sống sót của ông, và nhờ đó, ông có biệt danh là "Lỗ Bình Sơn của Warsaw". Cuốn sách vừa in ra là tuyệt bản. Sau chiến tranh, ông trông coi đài phát thanh Ba Lan, và sống cuộc đời soạn nhạc và chơi dương cầm. Ông mất tại Warsaw ngày 6 tháng 7 năm 2000, thọ 88 tuổi.

 

Câu chuyện kể này đã được Roman Polanski dựng thành phim, The Pianist (2002). Vai Wladyslav Szpilman do Adrien Brody đóng, nhờ vai này, anh lãnh giải diễn viên số một (best actor), Oscar 2003, và Polanski, đạo diễn số một, best director.

 

Theo người điểm phim của tờ Người Nữu Ước, David Denby, đây là một phim tuyệt vời, về mặt đạo diễn, cảm quan về "scale" (tỉ lệ), và về chi tiết rất trung thực (exact), sự hung bạo không bị cường điệu, và cũng không bị coi là thứ yếu, nhưng được trình bầy với một sự chính xác, theo kiểu mắt thấy tai nghe, Tuy nhiên chưa thể coi là một nghệ phẩm có tính uyên nguyên và tưởng tượng cao. Nhân vật chính thiếu chiều sâu, và đề tài sống sót nhờ sống chui sống nhũi được lập đi lập lại, do bản chất của chính cái gọi là "sống sót". Đây cũng là quan điểm của người chuyển thể từ chuyện qua phim, Ronald Harwood, khi không toan tính đưa ra một mẫu người hùng, và mở mọi cánh cửa cho mọi dự đoán: Liệu nhân vật chính cảm thấy mình nhục nhã, tủi hổ, bất cần, tội lỗi? Chúng ta chẳng thể đoán, vì chẳng có một chứng cớ, một dấu vết. Sự sống sót của ông ta bất thường, lầm lẫn, giống như một câu chuyện tiếu lâm [nhờ một tay mê nhạc cứu, đúng vào giây phút thần chết gọi, thí dụ vậy]. Và đây chính là lý do mà nhà đạo diễn lừng danh Polanski đã chọn cuốn sách, dựng thành phim, và quay tại Warsaw.

 

******

 

Người chơi dương cầm

(The pianist)

 

Lời nói đầu

 

Cho mãi tới mấy năm gần đây, cha tôi chẳng hề nói gì về những kinh nghiệm thời chiến tranh của ông. Vậy mà chúng ở với tôi suốt cả thời thơ ấu. Nhờ cuốn sách này, mà tôi xoáy được, từ một xó xỉnh của những giá sách, khi tôi 12 tuổi, tôi đã khám phá ra tại sao mình không có ông bà nội, và lý do nào mà cha tôi chẳng bao giờ nói về gia đình mình. Nhờ nó mà một phần con người của tôi, lộ ra. Tôi biết ông già biết, rằng thằng con đã đọc cuốn sách, nhưng chẳng bao giờ cha con bàn về chuyện đó. Tôi vẫn nghĩ, cuốn sách chẳng có một ý nghĩa nào với những người khác, những người ngoại cuộc, cho tới khi tôi kể câu chuyện của cha tôi cho một người bạn của tôi, là Wolf Biermann.

 

Tôi sống nhiều năm ở Đức, và tôi luôn ý thức về khoảng trống nhức nhối, là không có cảm thông giữa người Do Thái, người Đức, và người Ba Lan. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ đóng lại một vài vết thương vẫn còn mở ra.

 

Cha tôi, Wladyslaw Szpilman không phải là nhà văn. Do nghề nghiệp mà ông được người Ba Lan gọi là "một người đàn ông mà với người đó, âm nhạc sống" (a man in whom music lives): chơi dương cầm và soạn nhạc, một con người như thế vốn được coi là một hình tượng có ý nghĩa và gây hứng khởi, trong văn hoá Ba Lan.

 

Cha tôi hoàn tất việc học duơng cầm với Arthur Schnabel, tại Viện Hàn Lân Nghệ Thuật Bá Linh, và cũng tại đây, ông còn học soạn nhạc với Franz Schreker. Khi Hitler lên cầm quyền vào năm 1933, ông trở về Warsaw và bắt đầu làm việc như là một người chơi dương cầm cho Đài Phát Thanh Ba Lan. Thời gian 1939 ông đã sáng tác nhiều bản nhạc dùng trong phim ảnh, cũng như nhiều bài nhạc phổ thông (chanson et mélodie) rất được ưa chuộng vào thời kỳ đó. Trước khi chiến tranh bùng nổ, ông chơi nhạc cùng với những người như Bronislav Gimpel, một tay vĩ cầm nổi tiếng trên thế giới, hay Henryk Schoering, và một số những nhạc sĩ nổi tiếng khác.

 

Kể từ năm 1945, ông trở lại với những công việc tại đài phát thanh Ba lan, và cùng lúc, thực hiện những buổi hoà nhạc, độc diễn hay trình diễn nhạc thính phòng. Ông sáng tác một vài bản giao hưởng và cỡ chừng ba trăm bản dân ca, trong đó có khá nhiều bản thuộc loại top hit. Ông cũng làm nhạc thiếu nhi, nhạc cho phim, và cho kịch truyền thanh.

 

Ông là giám đốc bộ phận âm nhạc của Đài Phát Thanh Ba Lan cho tới năm 1963 thì xin nghỉ, dành thời giờ cho những buổi lưu diễn âm nhạc và cho ban nhạc Warsaw Piano Quintet, do ông và Bronislav Gimpel thành lập. Sau khi hoàn tất hơn hai ngàn buổi hoà tấu và chơi nhạc (recitals) tại nhiều nơi trên toàn thế giới, cha tôi lui khỏi cuộc sống trình diễn âm nhạc dành cho công chúng vào năm 1986, và dành hết thời giờ còn lại cho việc soạn nhạc.

 

Có một sự ân hận riêng tư, hoàn toàn là của riêng tôi, rằng nhạc của ông vẫn chưa được nhiều người biết tới, tại thế giới Tây phương. Một lý do của nó, theo tôi, là sự phân đôi Âu Châu, về văn hoá và chính trị, sau Thế Chiến II. Xuyên suốt nơi nơi, là thứ âm nhạc nhẹ, mua vui, vốn dễ tới với đa số công chúng thưởng ngoạn, so với thứ âm nhạc "nghiêm túc" mang tính cổ điển, và ở Ba Lan cũng vậy thôi. Người ở đó đã trưởng thành với những bản nhạc của cha tôi, bởi vì ông đã vẽ nên khuôn mặt âm nhạc Ba lan trong vòng vài thập niên - nhưng biên giới về phía Tây của Ba Lan đã tạo một rào cản đối với thứ âm nhạc như thế.

 

Cha tôi viết ấn bản đầu tiên của cuốn sách này vào năm 1945, và tôi nghi, ông viết cho ông thôi, chứ không hề nghĩ rằng mình viết cho nhân loại nói chung. Nó - cái việc viết cuốn sách - làm ông có thể chịu đựng được những kinh nghiệm thời chiến tranh, làm cho đầu óc của ông thoải mái, làm cho phần đời tình cảm của ông dễ chịu, nhờ vậy ông có thể tiếp tục sống cuộc đời của mình.

 

Cuốn sách chẳng hề được tái xuất bản [do Ba Lan sống dưới chế độ Cộng Sản. CTND]. Mặc dù vào thập niên 1960, một số nhà xuất bản Ba Lan đã cố gắng tái bản, như là một cuốn sách dành cho thế hệ trẻ hơn. Nhưng những cố gắng của họ đều gặp trở ngại. Nhà nuớc khi đó không đưa ra những lời giải thích chính thức, nhưng thôi kệ họ, bởi vì hiển nhiên là họ có những lý do của họ.

 

Trên năm mươi năm đã qua, kể từ lần xuất bản đầu. Lời chứng này bây giờ lại có cơ hội tới với người đọc, và điều này, biết đâu, tạo nên một sự khuyến khích, cổ võ, đối với tất cả những người Ba Lan có thiện chí, để cho cuốn sách có được tiếng nói Ba Lan của nó, tại xứ sở Ba Lan của nó.

 

Andrzej Szpilman

 

 

 

Chương Một

 

Giờ của Những Đứa Trẻ và Những Người Điên

 

Tôi bắt đầu nghề chơi dương cầm tại quán cà phê Nowoczesna, phố Nowolipki, ngay tại trái tim của khu ghetto Warsaw. Vào thời gian mà ghetto bị dẹp, vào tháng Một năm 1940, gia đình tôi, trước đó, đã phải bán không còn một thứ gì ở trong nhà, luôn cả món đồ quí giá nhất, là cây đàn dương cầm. Cuộc sống, cho dù chẳng còn chi quan trọng, không cho phép tôi được ngồi ỳ ra đó mà than van, và phải tìm ra con đường mưu sinh. Và cám ơn Trời, tôi đã kiếm ra. Công việc chơi dương cầm tại quán cà phê làm cho tôi chẳng còn thì giờ mà than van về nỗi đen đủi, và niềm lo âu, cả gia đình trông vào một mình mình, đã khiến tôi vượt lên sự tuyệt vọng và chán ngán.

 

Ngày làm việc của tôi bắt đầu vào sau trưa. Muốn tới tiệm cà phê, tôi phải len lỏi trong những ngõ ngách giống như đường bàn cờ, và có khi, để thay đổi, tôi đi dọc theo khu bờ tường, và như thế, tôi có thể quan sát hoạt động nhộn nhịp của những người buôn lậu.

 

Xế trưa là thời điểm tốt nhất để buôn lậu. Đám cảnh sát, mệt nhoài sau một buổi sáng nhét đầy túi, lúc đó lo đếm tiền. Những bóng người không ngừng di động, xuất hiện tại những cửa sổ hay những hành lang trong những khu nhà dọc theo bờ tường, rồi lại chui rúc ẩn trốn, nôn nóng chờ đợi chuyến hàng. Có tiếng xe, tiếng giầy bốt từ phía bên kia bức tuờng vọng qua, và khi chiếc xe ngựa chạy tới điểm hẹn, một tiếng huýt sáo có thể vọng lên, và những bao bị cứ thế bay qua tường. Những bóng người nôn nóng chờ đợi, từ những xó xỉnh hành lang ùa ra, quơ vội hàng, chạy về chỗ núp. Và sau đó, một sự yên ắng chứa đầy cạm bẫy, lừa lọc, nhưng cũng đầy nôn nao, trông chờ, trong giây lát phủ lên khu phố. Vào những ngày cảnh sát chịu khó săn ruồng, bạn nghe thấy tiếng súng hoà lẫn tiếng xe ngựa, và những trái lựu đạn cầm tay, thay vì những bị hàng, được quăng qua tường, gây những tiếng nổ inh tai, và làm văng những mảnh gạch vụn từ những tòa nhà bên trong ghetto, sát bên bức tường.

 

Những bức tường bao quanh khu ghetto, có những khúc không dựng lên từ mặt đường, mà lại ăn sâu xuống dưới mặt đất, tạo ra những ống dẫn, nước từ khu dân Đức đổ xuống đó, ngay bên dưới khu Do Thái. Trẻ con thường dùng những ống nước làm nơi buôn lậu. Bạn có thể nhìn thấy những cái bóng đen nho nhỏ, những cẳng chân như những que diêm, ngó ngược ngó xuôi, từ mọi phía lốc nhốc ùa tới khu ống nước, vớ vội những bị hàng trong ngày, thường quá khổ so với vóc dáng của chúng. Và, lặc lè với những bị hàng ở trên vai, trên đầu, trên cổ, loạng choạng chạy, miệng há hốc vì vác nặng, và để thở, những hơi thở đứt đoạn, chúng bung ra mọi phía, giống như bầy chuột hoảng loạn.

 

Việc buôn lậu của chúng thì cũng đầy rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng, đến cẳng chân cẳng tay của chúng, chẳng khác chi của người lớn. Một bữa, trong lúc, đi dọc bờ tường, tôi nhìn thấy một vụ buôn lậu của trẻ con như vậy đang có mòi xuông xẻ. Thằng bé Do Thái lúc đó đã ở phía bên này của bức tường, và chỉ còn lo cõng hàng về bến, qua cống nước. Cái bóng của nó vừa mới ló ra, thì bất thình lình nó rú lên, và cùng lúc, tôi nghe có tiếng la thét giọng khàn khàn giận dữ của một tên Đức từ phía bên kia bức tường. Tôi vội vàng chạy tới cố kéo thằng bé thoát ra khỏi khu nguy hiểm, nhanh được phút nào quí phút đó, nhưng số mệnh như chế nhạo cả hai, bởi vì mặc dù những cố gắng của tôi, hai háng thằng bé nó bị mắc cứng vào phía bên trong ống nước. Tôi cố kéo cánh tay nhỏ bé của thằng nhỏ, trong khi những tiếng kêu la của nó mỗi lúc một thêm tuyệt vọng, và tôi có thể nghe thấy tiếng dùi cui của tên cảnh sát giáng lên phía thân thể còn kẹt lại của đứa bé, từ phía bên kia bức tường. Sau cùng, tôi cũng kéo được đứa bé ra khỏi cống mước, nhưng nó đã chết, xuơng sống lưng bị gãy nát.

 

Đúng ra là trại cấm (ghetto) không phụ thuộc vào thứ hàng lậu này, để tự nuôi sống. Hầu hết những bao bị tuồn qua tường, là đồ tặng từ những người Ba Lan cho trẻ em Do Thái nghèo đói nhất. Buôn lậu, thứ thiệt, và diễn ra đều đặn, được thực hiện bởi hai người cầm đầu là Kon và Heller. Dễ dàng hơn, và kể như chắc ăn. Cảnh sát ăn hối lộ chỉ cần vờ đi, tại những nơi, vào giờ giấc thoả thuận trước. Chỉ cần nháy nháy ra dấu, hoặc một ám hiệu nào đó, thế là trọn một đoàn xe chạy thẳng qua cổng, ngờ ngờ trước mũi họ, trên xe chở thực phẩm, rượu mắc tiền, thức ăn đồ uống thượng hạng, thuốc lá nhập từ Hy Lạp, xà bông, nước hoa Pháp, cứ thế mà vô chẳng gặp trắc trở gì hết.

 

Chúng sờ sờ trước mắt tôi hàng ngày - tôi muốn nói những món hàng cao cấp đó - tại tiệm cà phê Nowoczesna. Đây là nơi lui tới của những người giầu có, cùng bồ bịch của họ, trưng diện những món nữ trang, những viên kim cương đắt tiền. Tiếng mở sâm banh nghe bốp bốp. Những cô gái ăn mặc sặc sỡ, ngồi nơi bàn, nơi ba, nơi quầy rượu, phô bày nhan sắc, sự duyên dáng cho những kẻ cơ hội, chộp giựt, lợi dụng chiến tranh. Tôi mất hai ảo tưởng ở đây: niềm tin vào tính đoàn kết, tương trợ nói chung, của con người, và vào âm nhạc của người Do Thái.

 

Không một người ăn xin nào được bén mảng bên ngoài tiệm cà phê. Những người gác cửa lực lưỡng xua đuổi họ bằng gậy gộc. Những chiếc xe kéo, đôi khi từ xa tới, ghé tiệm, trên xe bước xuống là những người khách trong những chiếc áo lạnh bằng da thú, đầu đội mũ đắt tiền, choàng khăn lụa mùa hè của Pháp. Trước khi tới gần cửa, chẳng cần mấy người gác lực luỡng, chính họ dùng gậy gộc xua đám người nghèo đói chờn vờn xa xa, phía bên ngoài cửa tiệm, mặt người khách nào như người khách nấy, đều méo xệch vì giận dữ, hoặc ghê tởm đám người bần cùng. Theo cách nhìn của họ, lòng nhân ái chỉ làm cho con người yếu đi. Hãy nhìn kỹ đây: Nếu bạn chịu khó làm việc như tụi này, bạn sẽ hưởng như tụi này. Trời có cấm cửa ai đâu chứ? Và nếu bạn ngu quá đi, không biết cách kiếm ra đồng tiền, thì đó là lỗi của bạn, đừng đổ vạ cho ông trời!

 

Chỉ một khi thoải mái ngồi bên những chiếc bàn nho nhỏ, trong quán cà phê, cũng chỉ là nơi lui tới vì công chuyện, họ bắt đầu than van, lúc này sao khó kiếm tiền, và cái đám Mỹ Do Thái thật khó thương, chẳng lo cứu trợ giúp đỡ đồng bào mình còn kẹt lại. Bọn họ nghĩ, họ đang làm gì? Trong khi ở đây, người ta chết đói, không có lấy một mẩu bánh nhét vô họng. Những điều ghê gớm nhất cứ thế xẩy ra hàng ngày, vậy mà báo chí Mỹ chẳng thèm lên tiếng, và những tên chủ nhà băng Do Thái, đã qua được sông, chẳng thèm thúc đẩy người Mỹ tuyên chiến với tụi Đức, chuyện thật quá dễ đối với họ, những người nắm kho bạc của xứ sở này.

 

Chẳng ai thèm chú ý đến tiếng nhạc của tôi tại quán cà phê. Tiếng nhạc càng dâng cao, họ càng ăn to nói lớn. Như thể, ngày nào cũng có một cuộc tranh tài, giữa thính giả và người chơi nhạc, mày ồn hơn, hay tao ồn hơn? Có một lần, một trong những người khách đã sai một người bồi bàn tới yêu cầu tôi im tiếng nhạc trong chốc lát, để ông ta thử âm thanh của những đồng tiền hai mươi đô la mới mua được, coi chúng có phải vàng thiệt không. Ông ta gõ nhè nhẹ những đồng tiền lên mặt bàn bằng đá cẩm thạch, lấy ngón tay nhón chúng, đưa sát tai, cố nghe ra tiếng reo của vàng, thứ âm nhạc độc nhất mà ông ta ưa thích.

 

May cho tôi, cũng chẳng phải chịu lâu, không khí tiệm. Tôi có việc tại một quán cà phê khác hẳn tiệm trên, tại phố Sienna Street, nơi giới trí thức Do Thái thường lui tới để nghe tôi chơi nhạc. Chính tại đây tôi tạo được đôi chút tiếng tăm, như là một nghệ sĩ chơi nhạc, và làm quen một số bạn bè, với họ, tôi đã trải qua những giai đoạn dễ chịu có, mà khủng khiếp cũng có, sau này. Trong số những người lui tới đều đặn, có họa sĩ Roman Kramsztyk, một nghệ sĩ thuộc loại thiên bẩm, và là bạn của Artur Rubinstein và Karol Szymanowski. Ông lúc đó đang thực hiện một loạt tranh, ghi lại cuộc sống bên trong bức tường trại cấm (ghetto), chẳng hề hay, rằng mình sẽ bị sát hại, và hầu hết những bức tranh, bị mất.

 

Một người khách nữa của tiệm cà phê ở phố Sienna Street này, là một trong những con người phong nhã nhất mà tôi được gặp trong đời, Janusz Korczak. Ông là một văn nhân, biết gần hết tất cả những nghệ sĩ dẫn đầu của phong trào Ba Lan Trẻ. Ông nói về họ bằng một giọng say mê. Cách ông nói về họ vừa giản dị, trực tiếp, vừa sôi nổi, lôi cuốn người nghe. Ông không được coi là một trong những nghệ sĩ thượng đẳng, có lẽ là do những thành tựu của ông trong văn học không nổi bật, không có giá trị riêng biệt: chúng là những câu chuyện cho trẻ em và về trẻ em, đặc biệt là cho sự hiểu biết lớn lao của tâm hồn chúng. Giá trị thực của Korzak không phải ở những gì ông viết ra mà do điều này: ông sống như là ông viết. Nhiều năm trước đây, khi bắt đầu khởi nghiệp, ông đã dành trọn thời gian rảnh rỗi của mình cũng như mọi đồng tiền có thể có được, để lo cho trẻ em, và ông làm như thế cho tới lúc mất. Ông thành lập những viện mồ côi, tụ tập đủ tầng lớp trẻ em nghèo khó, tổ chức những buổi trình diễn (show) trên đài phát thanh, biến mình thành một người thật bình dân được nhiều người biết tới, không chỉ trong đám trẻ em, vì vậy mà có biệt danh là "Bác Sĩ Già". Khi cổng ghetto đóng lại, ông vào ở bên trong, mặc dù ông có thể cứu được mình, và ông tiếp tục nhiệm vụ của mình bên trong những bức tường, như là một người cha nuôi với chừng trên chục đứa trẻ Do Thái mồ côi, những đứa trẻ nghèo khổ nhất, trên thế gian không ai đoái hoài tới. Khi trò chuyện với ông tại quán cà phê ở phố Sienna Street, chúng tôi không nào tiên đoán được, cuộc đời ông sẽ khép lại, tuyệt vời hoàn hảo, hay là bằng một đam mê rạng ngời như thế nào.

 

Sau bốn tháng, tôi chuyển tới một quán cà phê khác, quán Nghệ Thuật (Sztuka),ở phố Leszno Street. Đây là quán cà phê lớn nhất trong ghetto, và đúng như cái tên của nó, không khí ở đây nhuốm mùi nghệ thuật. Có phòng trình diễn nhạc hoà tấu. Trong số ca sĩ có Maria Eisenstadt, một giọng ca tuyệt vời, và sẽ còn nổi tiếng tới hàng triệu thính giả bây giờ, nếu tụi Đức không sát hại cô, sau đó. Tôi thường chơi dương cầm sóng đôi với Andrzej Goldfeder, và rất thành công với những đoạn nhạc luân vũ Casanova Waltz của Ludomir Rózycki, lời ca đi kèm của Wladyslaw Szlengel. Nhà thơ Szlengel thường ngày có mặt, cùng với Leonid Fokczanski, nhạc sĩ Andrzej Wlast, kịch sĩ dân gian "Wacus Người Yêu Nghệ Thuật", và Pola Braunowna trong show trình diễn có tên là "Tờ Báo Sống", kể chuyện thường ngày bên trong ghetto, với giọng điệu châm chích người Đức. Ngoài phòng nhạc hòa tấu ra, còn có một bar, dành cho những người thích thưởng thức, thay vì mấy trò nghệ thuật, là rượu vang thiệt ngon, và những món ngon thật ngon, như món cánh gà hoặc món thịt bò Stroganoff. Phòng nhạc cũng như phòng ăn đều luôn luôn đông khách, cho nên họ trả lương cho tôi khá hậu, nhờ vậy, tôi có thể lo cho sáu mạng ăn trong gia đình, tuy rằng đôi khi cũng khá chật vật.

 

Gì thì gì, tôi đã trải qua những ngày tháng thật thoải mái tại quán Nghệ Thuật, có khá nhiều bạn ở đó, cùng nhau ba hoa đủ thứ chuyện, vào những giờ giải lao, mọi chuyện thật tuyệt vời, nếu đầu óc của tôi không bị luẩn quẩn bởi chỉ một chuyện, là buổi chiều trở về nhà. Cứ xế trưa là nó ám ảnh tôi.

 

Đó là mùa đông 1941-1942, thời tiết thật khắc nghiệt bên trong ghetto. Đúng là một biển trầm của người Do Thái, ở đó mọc lên vài hòn đảo nhỏ, là đám tương đối khá giả, gồm một dúm trí thức Do Thái, và một dúm khán thính giả vô tình, bất nhân. Một biển trầm, đói thường xuyên, lúc này thêm cái lạnh khủng khiếp, kiếm đâu ra tiền mà sưởi ấm trong nhà, ngoài ra còn khổ vì nạn chuột bọ gây bịnh. Thiên hạ ra đường mặc quần áo đầy rận rệp, lôi cả chúng vào xe điện, quán ăn, nhà hàng. Chỗ nào cũng có rệp. Chúng bò lồm ngồm nơi hè đường, cầu thang, từ trên trần những văn phòng công cộng rớt xuống đủ thứ người bên dưới, tới vì công chuyện. Chúng nằm trong những tờ báo mà bạn vừa giở ra, trong mớ tiền lẻ nơi túi bạn. Chúng có ngay cả trong những lát bánh mì bạn vừa mua. Và mỗi một con như thế mang trong mình mầm dịch.

 

Dịch chấy rận bùng nổ, chẳng làm sao thoát, ở trong ghetto. Những ngày cao điểm, số người chết lên tới năm ngàn người mỗi tháng. Giầu hay nghèo, ai ai cũng chỉ nói về nó. Nghèo thì tự hỏi, khi nào tới lượt mình, giầu thì lo làm sao có được thuốc chủng ngừa bịnh, của Bác sĩ Weigel. Nhà vi trùng học lừng danh được nhiều người biết tới, chỉ đứng sau Hitler. Đúng là Ông Thiện chống lại Ông Ác. Theo truyền thuyết, tức thứ dư luận truyền tai, người Đức đã bắt ông tại Lemberg, nhưng tạ ơn Trời Phật, chúng không giết, mà còn coi ông là một người Đức đáng kính. Cũng vẫn nghe người ta truyền tai nhau, thì chúng tặng ông một phòng thí nghiệm ngon lành, một villa tuyệt vời, một chiếc xe hơi cũng tuyệt vời không kém, chúng đặt ông vào trình trạng luôn có người của cơ quan mật vụ Gestapo canh gác, theo dõi ngày lẫn đêm, để bảo đảm ông không có cơ hội chuồn hơn là để ông bào chế theo kiểu dây chuyền thuốc chủng ngừa bệnh chấy rận nhằm sử dụng cho quân đội Đức tại vùng phía Đông đang bị dịch hoành hành. Lẽ dĩ nhiên, vẫn theo truyền thuyết rỉ tai, ông đã từ chối villa và xe hơi.

 

Tôi không biết sự thực về ông ra sao. Tôi chỉ biết, nhờ ơn Trời Phật, ông có thực, và không bị chúng giết, và sau khi nói cho tụi Đức biết công thức bào chế thuốc chủng, ông chẳng còn có ích đối với chúng nữa, và nhờ một phép lạ nào đó, chúng đã không đẩy ông vào một trong những lò thiêu tuyệt vời của chúng. Trong bất cứ trường hợp nào, nhờ vào phát minh của ông, và sự tham nhũng của người Đức, rất nhiều người Do Thái tại Warsaw đã thoát chết vì bệnh chấy rận, để chết vào một dịp khác, sau đó.

 

Bản thân tôi không chủng ngừa. Nhìn vào túi tiền, thấy khó mà chịu nổi một mũi chích, mà gia đình đâu chỉ có mình tôi, chẳng lẽ hưởng cái sống một mình?

 

Trong ghetto, thật không có cách chi để mà chôn kịp, con số người chết vì dịch chấy rận, so với mức tử vong cao như trên. Nhưng không lẽ cứ để người sống quây quần với xác chết, chung một mái nhàø? Cái khó ló cái khôn, một giải pháp sau cùng đã đề ra. Người chết bị lột hết quần áo, họ cũng đầu cần tới chúng nữa, trong khi người sống lại quá cần, sau đó, bó bằng giấy báo, rồi tuồn ra hè đường. Những xác chết như vậy thường phải đợi vài ngày, cho tới khi xe của ban Quản Trị lượm đi, thẩy vào những nấm mồ tập thể tại nghĩa địa. Xác người chết vì dịch hay vì đói đều được "đối xử đồng đều" như trên. Chính vì vậy mà mỗi lần từ giã quán cà phê về nhà vào buổi chiều, chỉ nghĩ tới không thôi, là tôi ớn xương sống, nổi da gà.

 

Tôi là một trong những người rời quán sau chót, cùng với viên quản lý, sau khi tính toán sổ sách, và trả tiền công cho tôi. Phố xá lúc này tối thui, và gần như chẳng có một mạng người, ấy là tôi muốn nói người sống. Với ngọn đuốc trên tay, tôi dò từng bước, cố nhận ra để đừng bị vấp ngã lên xác chết. Những cơn gió mùa đông thổi bạt người, lạnh rát má, lột tung những tờ báo, người chết trơ ra, cẳng chân cẳng tay khô khốc, bụng lép kẹp vì cái đói mang theo từ lúc còn sống, mặt bị răng ăn hết, hai lỗ mắt toang hoác như nhìn vào hư vô.

 

Vào thời gian đó, tôi chưa quen lắm, với cái chết, như là sau này. Tôi cứ thế chúi người về phía trước, chạy hết những con phố, vừa sợ vừa ghê, mong làm sao chóng về tới nhà. Mẹ tôi chắc là đang đợi, với chén rượu và cây kẹp gắp. Luôn lo lắng cho tình trạng sức khỏe của những người trong gia đình, vào thời gian dịch hoành hành, bà không để cho một ai bước qua ngưỡng cửa, chỉ sau khi nhặt những con rệp trên nón, trên quần áo, và bỏ chúng vào rượu.

 

Vào mùa xuân, khi đã thân với Roman Kramsztyk, thường tôi không về thẳng nhà khi rời quán cà phê, mà ghé chỗ ông ở, một căn hộ tại phố Elektpralna Street, chúng tôi nói chuyện gẫu cho tới khuya. Kramsztyk là một người thật may mắn, có được riêng cho mình một căn phòng nhỏ xíu, ở trên cùng một tòa nhà. Ở đây là cả một kho tàng cá nhân của ông, thoát khỏi số phận bị người Đức lột: một cái trường kỷ bọc "kelim", hai chiếc ghế cổ thật giá trị, một cái tủ từ thời Phục Hưng thật khả ái, một tấm thảm Ba Tư, mấy khẩu súng cũ, vài bức tranh, và những món nho nhỏ thu thập trong nhiều năm tại những vùng Âu Châu mà ông đã trải qua, mỗi một món như thế là một nghệ phẩm, đối với chính nó, và trước cặp mắt say sưa của người nhìn ngắm nó. Thật thích thú khi ngồi trong căn phòng nhỏ, dưới ánh đèn vàng nhạt tỏa ra từ cái chao đèn làm bởi chính tay chủ nhân, uống cà phê đen, và vui ba câu chuyện. Trước khi màn đêm buông xuống, chúng tôi ra ban công, đón tí gió mát. Không khí ở đây trong sạch hơn, so với dưới phố đầy bụi bặm. Giờ giới nghiêm tới gần, người ta tuần tự rút vào bên trong nhà, đóng mọi cửa nẻo, mặt trời mùa xuân xuống thấp dần, để lại một thứ ánh sáng mầu hồng trên những mái nhà bằng thiếc, bầy chim câu trắng bay qua bầu trời xanh, và mùi hoa lylac, như tìm ra con đường của nó, từ Vườn Saxon, vượt qua những bức tường, tới tận nơi chốn của những kẻ trầm luân là lũ chúng tôi.

 

Đây là giờ của những đứa trẻ và của những người khùng. Roman và tôi nhìn xuống phố, tìm bóng dáng vị "Phu nhân với những chiếc lông", một biệt danh mà chúng tôi dùng để gọi người đàn bà điên. Vẻ ngoài của bà thật không giống ai: đôi má sặc sỡ, nặng chịch, do trát đầy phấn, đôi lông mày cũng tô phấn, dầy chừng một phân, trễ xuống tận hai bên thái dương, một tấm màn cũ bằng nhung xanh phủ lên chiếc áo dài đen rách tả tơi, và một chiếc lông chim đà điểu lớn mầu hoa cà dựng lên từ chiếc nón bằng rơm, lắc la lắc lư theo nhịp bước, nhanh, nhưng lật đà lật đật, của bà ta. Bà ta chặn bất cứ người qua đường bà gặp, với nụ cười lịch sự và hỏi han về người chồng, đã bị người Đức sát hại.

 

"Xin tha lỗi cho tôi... ông hay bà có gặp Izaak Szerman? Một người đàn ông cao, đẹp trai, có bộ râu nhỏ mầu xám?" Nhìn người đối diện bằng con mắt dò hỏi nhưng chan chứa vọng, chờ mong câu trả lời, lẽ dĩ nhiên là không, hoặc một cái lắc đầu, bà thốt lên "Không gặp sao?", thật não lòng, nỗi đau đớn làm cho miệng bà ta méo xệch đi, nhưng sau đó vẩn là một nụ cười lịch sự, tuy đầy vẻ miễn cưỡng, "Tha thứ cho tôi, tha thứ cho tôi!", và bà ta lại tiếp tục vừa đi vừa lắc lư, khuôn mặt lộ vẻ buồn phiền, một phần, vì đã làm phiền người qua đường, phần khác, vì lẽ, làm sao mọi người lại không quen không biết người chồng cao ráo, đẹp trai, thật dễ thương với bộ râu nho nhỏ mầu xám của bà?...

 

Tiếp theo bà điên tới ông điên, một ông Rubinstein nào đó, cũng xuất hiện trên phố Elektoralna. Quần áo rách rưới, tả tơi, cầm cây gậy, vừa vung vẩy vừa nhẩy cà tưng, miệng lẩm bẩm như nói với chính mình. Trong ghetto, nhiều người biết đến ông điên. Bạn nghe ông điên la, trước khi thấy bóng dáng ông xuất hiện, "Đừng để bị đánh gục, bạn ơi!". Nhiệm vụ của ông điên là động viên tinh thần mọi người, bằng cách chọc cười bạn. Những lời nói diễu cợt, chọc quê, những nhận xét tiếu lâm của ông chạy vòng vòng trong ghetto. Một trong trò đặc sắc của ông điên, là tới gần lính gác Đức, mặt mày nhăn nhó, làm hề, rồi gọi họ bằng những từ như "Bọn trộm, bọn cướp, bọn bất nhân...", may làm sao, bọn lính gác chỉ coi đây là một trò cười giúp vui cho chúng, có khi còn quăng thuốc lá, tiền xu cho ông điên, như để thưởng cho những lời chửi rủa. Nói cho cùng, làm sao có thể để ý tới những lời nói khùng điên của một người... điên khùng?

 

Tôi không chắc là những tên lính gác người Đức đó, có suy nghĩ như tôi hay là không, và cho tới ngày này, tôi cũng không làm sao luận ra được một điều, là ông Rubinstein đó, có thực sự điên, và là một trong rất nhiều người đã mất đầu óc, trí nhớ của họ, vì những trò tra tấn hành hạ mà họ đã phải chịu đựng, hay giản dị chỉ là đóng trò điên, để trốn cái chết? Vả chăng, giả điên như vậy, liệu có thoát chết?

 

Những người điên không để ý tới giới nghiêm. Nó chẳng là gì đối với họ, cũng như những đứa trẻ. Những hồn ma trẻ con như thế, tới giờ này, là trồi lên từ những căn nhà hầm, ló ra từ những đường hẻm, hay những góc, xó cổng, nơi chúng ngủ, như được đánh thức bởi một chút xíu hy vọng, rằng biết đâu, sẽ nhận được chút xót thương, từ đồng loại, trước khi màn đêm hoàn toàn buông xuống, và cùng với giờ giới nghiêm, vét cạn bóng người trên đường phố ghetto. Chúng túm tụm tại những cột đèn, dưới những bức tường những tòa nhà, và cả trên mặt đường, đầu ngửng lên, nói bằng một giọng đều đều, tụi em đói. Những trẻ em biết chút âm nhạc, bài ca, thì hát. Giọng yếu ớt, run rẩy, thường là bài hát tả người lính trẻ hấp hối, bị đồng bạn bỏ rơi, nơi chiến trường, anh gọi, "Mẹ" trong lúc lịm dần đi. Nhưng bà không có đó, bà ở quá xa, và bà không biết rằng con bà đang chết, chỉ có mặt đất, cùng những bụi cây, đám cỏ của nó, ru người đàn ông đáng thương vào giấc ngủ ngàn đời, "Hãy ngủ ngon, con trai yêu quí của mẹ". Một cánh hoa từ trên cành cây rớt xuống ngực, và là cây thập giá độc nhất, vinh danh cho người vừa nằm xuống.

 

Những đứa trẻ khác cố đánh thức lương tâm người lớn. "Chúng con đói, đói lắm. Đã lâu lắm, chúng con chưa được ăn. Cho chúng con một mẩu bánh, nếu ông bà không có mẩu bánh, thì một củ khoai, củ tỏi cũng được, cho chúng con sống tới sáng mai." Nhưng củ khoai, củ tỏi để mà bố thí, thì thật là hiếm hoi, ở cả ngay những người có khoai có tỏi, và giả dụ như cứ giả dụ họ muốn bố thí, thì cũng không thể, vì trái tim của họ đã bị chiến tranh biến thành đá mất rồi.

 

Chương Hai

 

Chiến Tranh

 

Vào ngày 31 tháng Tám 1939, người dân Warsaw ai cũng nghĩ, cuộc chiến với người Đức không thể nào tránh được, chẳng lâu la gì nữa. Chỉ có những kẻ lạc quan điên khùng thì mới nuôi dưỡng ảo tưởng, quyết tâm của Ba Lan sau cùng làm nản chí xâm lăng của Hitler. Sự lạc quan ở một số người khác, tự nó phô ra, như là một thứ chủ nghĩa cơ hội, và tình trạng này có thể là do vô thức gây nên: lắc đầu nguay nguảy với bất cứ một thứ lý luận, suy đoán, họ cho rằng, mặc dù chiến tranh rồi sẽ xẩy ra – chuyện này đã được quyết định từ đời nảo đời nào rồi – nhưng nó chưa xẩy ra ngày một ngày hai đâu, vậy thì còn ngày nào mình cứ vui hưởng thanh bình ngày đó. Nói gì thì nói, đời đẹp vô cùng, và thật đáng sống, phải không bạn?

 

Nhưng cứ tới chiều tối, là mọi người chui vào nhà cố thủ, nhà nào nhà nấy tối thui, như một pháo đài phòng chống hơi ngạt, và lẽ dĩ nhiên, mọi người đều thủ sẵn những chiếc mặt nạ chống hơi độc. Hơi độc là thứ sợ nhất, trong mọi thứ.

 

Trong khi đó, bên trong những khung cửa kính tối thui của những quán cà phê, những nhà hàng, nhạc vẫn chơi, thực khách vẫn ăn nhậu, và hâm nóng tình cảm ái quốc của họ bằng những bản nhạc quân hành. Cái tối thui là cần thiết, chiếc mặt nạ phòng hơi độc khoác trên vai, khi đi lại, là cơ may, lỡ bất ngờ xẩy ra chuyện không may, cũng như một cuốc tắc xi về nhà ban đêm, qua những con phố bỗng nhiên mang vẻ khác, so với những ngày nào năm xửa năm xưa, tất cả như thêm thắt vài hạt muối cho cuộc đời bớt tẻ nhạt, nhất là vào những ngày mà sự hiểm nguy, đe dọa của chiến tranh vẫn mơ mơ hồ hồ.

 

Lúc đó chưa có ghetto, và tôi sống với cha mẹ, anh chị em, tại phố Sliska, chơi dương cầm cho Đài Phát Thanh Ba Lan. Bữa đó, ngày cuối cùng của tháng Tám, tôi về muộn, và do mệt, tôi đi ngủ liền. Căn hộ của chúng tôi ở tầng ba, cũng tiện lợi, bởi vì vào những ngày hè, có gió mát, qua những khung cửa sổ mở rộng, xua bớt bụi đuờng ở bên dưới bay lên, và còn mang theo chút vị ẩm từ con sông Vistula.

 

Những tiếng nổ đánh thức tôi. Trời sáng bạch. Tôi nhìn đồng hồ: sáu giờ sáng. Những tiếng nổ sự thực cũng không lớn lắm, và như từ xa vọng tới: chắc là bên ngoài thành phố. Hiển nhiên là người ta đang điều động quân đội, chúng tôi đã làm quen với những bước chuẩn bị cho chiến tranh như thế mấy ngày vừa qua rồi. Sau vài phút, những tiếng nổ chấm dứt. Tôi lưỡng lự, không biết có nên lên giường ngủ tiếp, nhưng lúc này đã sáng, ông mặt trời cũng đã xuất hiện. Tôi bèn lấy sách ra đọc, đợi tới giờ ăn sáng.

 

Chắc lúc đó phải là tám giờ sáng, khi cửa phòng ngủ của tôi bật mở. Mẹ tôi xuất hiện, ăn mặc như thể bà sẽ ra đi ra ngoài liền ngay đó. Mặt tái xanh hơn thường lệ, và tỏ ra bất bình, khi thấy tôi vẫn còn nằm trên giường. bà mở miệng tính nói, nhưng không thể, như âm thanh không thoát ra được. Cố gắng hết sức, sau cùng bà nói, giọng nóng nẩy, vội vã: "Dậy đi, chiến tranh... xẩy ra rồi!"

 

Tôi quyết định đi một mạch tới Đài Phát Thanh, ở đó, tôi sẽ gặp bạn bè, và sẽ có những tin tức mới nhất. Tôi mặc quần áo, ăn sáng, và rời nhà.

 

Bạn có thể nhìn thấy những tờ thông báo lớn, dán trên những bức tường, hoặc ở những cây cột dán quảng cáo. Chúng mang lời kêu gọi của tổng thống tới toàn dân, người Đức đã tấn công. Một số người tụ tập trước những tờ thông báo, chăm chú đọc, trong khi những người khác vội vã băng đi tứ phía, chắc là để lo cho xong những công việc quá cần thiết, quan trọng. Bà chủ quán ở góc phố, cũng không xa căn hộ của chúng tôi, đang lo dán những tờ giấy trắng lên khung những cửa kính, hy vọng chúng làm cho những mảnh kính không bể nát tứ tung, khi bom dội xuống. Trong khi đó, cô con gái lo trang điểm những dĩa ăn gồm rau xà lát, thịt xúc xích, những miếng thịt nguội, bằng những lá cờ Ba Lan nho nhỏ, hoặc những biểu tượng quốc gia. Những đứa trẻ bán báo hối hả chạy tới, chạy lui với những ấn bản đặc biệt, nóng hổi tin tức.

 

Không có hoảng loạn. Không khí chuyển từ tò mò - chuyện gì xẩy ra tiếp theo? qua ngạc nhiên: Thế là chiến tranh đã xẩy ra, hử, hả?

 

Một người đàn ông ăn mặc lịch sự, râu cạo sạch bóng, tóc mầu xám, đứng ngay bên dưới một cây cột có dán lời kêu gọi của tổng thống. Vẻ khích động khiến trên mặt, và chung quanh cổ của ông hiện ra những vệt ửng đỏ. Ông lật chiếc mũ ra phía sau, một điều mà thường ra chắc ông ta không làm như vậy. Ông nghiên cứu lời kêu gọi, lắc lắc đầu ra vẻ không làm sao tin nổi, và lại đọc tiếp, chiếc kẹp kính dính chặt vào sống mũi. Ông đọc to lên từng tiếng, giọng tức tối, như bị lăng nhục: "Chúng tấn công chúng ta... không báo trước!"

 

Ông nhìn quanh, như tìm phản ứng từ những người đứng kế bên, dơ tay lên cao, sửa lại cây kẹp kính, và nói, "Xử sự như vậy đâu có được." Trước khi bỏ đi, ông đọc lại lời kêu gọi của tổng thống một lần nữa, và như không thể nào kiềm chế nổi phản ứng của mình, ông lắc đầu quầy quậy, miệng lẩm bầm, "Không, không thể như thế!".

 

Tôi ở không xa Đài Phát Thanh, vậy mà thật khó tới đó. Quãng đường như dài gấp đôi, so với thường ngày. Đi được nửa đường, có tiếng còi hú phát ra từ những chiếc loa phóng thanh tại những cột đèn, tại những tấm biển quảng cáo. Rồi tôi nhận ra giọng nói của người xướng ngôn đài phát thanh: "Đây là một lời báo động tới người dân thành phố Warsaw. Hãy cảnh giác! Đang xẩy ra là....," tới đó, anh ta đọc một loạt những chữ và số theo kiểu mật mã nhà binh, khi lọt vào tai mọi người, chúng giống như một đe dọa thần bí. Phải chăng những con số chỉ số lượng chiếc máy bay đang trên đường tới mục tiêu, còn những chữ, địa điểm dội bom? Và chỗ mình đang đứng đây là một trong những địa điểm được mã hóa?

 

Phố xá vắng tanh liền sau đó. Đàn bà vội vàng tới những hầm trú ẩn. Đàn ông không muốn xuống hầm liền, họ tụm ở những lối đi, lên tiếng nguyền rủa người Đức, làm như ta đây có thừa can đảm, và trút cơn giận lên nhà cầm quyền, lơ là cẩu thả trong việc động viên, khiến chỉ một số nhỏ được gọi, số còn lại thì hết trình diện ông sĩ quan này tới ông khác, vẫn không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, vì lòng yêu nước hay yêu tiền.

 

Đường phố vắng tanh, không một tiếng động, ngoài tiếng cãi cọ, giữa những người dân cư ngụ tại khu vực và những người tránh bom đứng ở hành lang, rằng hãy chừa lối đi cho người ta buôn bán, đi đứng cái kiểu gì mà chứ phải men theo bờ tường như thế này. Một lát sau đó, có những tiếng nổ, nhưng ở xa.

 

Tôi tới đài phát thanh đúng lúc còi báo động vang lên lần thứ ba. Tuy nhiên, chẳng có ai ở bên trong tòa nhà có thời giờ mà chạy tới nơi trú ẩn. Chương trình phát thanh lộn nhào hết trơn. Ngay vừa mới bắt đầu một bản tin, thì một tin quan trọng khác đã chen vô, hoặc phải ngưng để đọc thông báo từ tiền phương, hoặc của bộ ngoại giao, tất nhiên không thể thiếu tiếng nhạc quân hành, hoặc nhạc ái quốc kèm theo.

 

Ở hành lang tòa nhà cũng nhộn nhạo chẳng kém. Vẫn một không khí ái quốc, hồ hởi. Một nhân viên đài được gọi nhập ngũ, tới chào từ giã bạn đồng nghiệp trong bộ quân phục, chắc mẩm không khí sẽ rất ư hào hùng, cảm động, nhưng chẳng ai để ý đến anh ta, bởi vì đâu họ đâu còn thì giờ. Thế là anh ngồi trơ ra, hết nắm vội tay ông bạn này, tới ông kia một tí, khi họ chạy ngang chỗ anh ta ngồi, và dặn vội, hãy cho phát thanh, ít lắm cũng một đoạn, chương trình "Giã Từ Bạn, Tôi Lên Đường Tòng Quân", mà anh ta đã sửa soạn, để sau này anh có thể kể lại cho con cháu nghe. Anh đâu biết, hai tuần lễ sau đó, họ vẫn chẳng có thì giờ cho anh, và cũng chẳng có thì giờ để mà làm một chương trình đặc biệt, theo đúng truyền thống của đài, để tưởng nhớ một bạn đồng nghiệp, đã vĩnh viễn ra đi.

 

Ở cửa phòng ghi âm, một nhạc sĩ dương cầm già cầm tay tôi. Giáo sư Ursztein yêu quí. Ông làm việc tại đài. Trong khi những người khác tính cuộc đời gắn bó với âm thanh và chiếc đàn dương cầm từng ngày, với ông, phải là từng thập kỷ. Mỗi lần ngược về quá khứ, ông thường bắt đầu, "Nào, hãy nhớ lại coi sao, tôi đã từng đệm dương cầm vào dịp đó, dịp đó...", và một khi ông nhớ ra một dịp "đó đó", giống như cột cây số chỉ đường, ký ức của ông cứ thế tuôn trào. Lúc này thì ông đứng như là một cột cây số chỉ đường, hoàn toàn ngơ ngác, "Làm sao dẫn dắt một cuộc chiến mà lại thiếu tiếng dương cầm làm nhạc đệm cho nó?. Ông thẫn thờ than thở, "Người ta cũng chẳng nói với tôi, hôm nay tôi có chơi đàn hay là không?"

 

Nhưng tới xế trưa thì cả hai chúng tôi đều làm việc, mỗi người ôm một cây đàn. Vẫn có âm nhạc trên đài, nhưng không như chương trình thường lệ.

 

Xế trưa, ai cũng cảm thấy đói, và chúng tôi rời đài ghé một quán an gần đó. Phố xá có vẻ bình thường gần như mọi ngày. Xe cộ nhộn nhịp, cửa hàng đều mở cửa, và cũng không có cảnh xếp hàng chờ mua, bởi vì nhà nước đã ra thông báo, không cần phải dự trữ thực phẩm, nước uống. Một món đồ chơi bằng giấy hiện đang ăn khách, đó là hình một con lợn, nhưng khi bạn gấp lại, thì nó biến thành bộ mặt Hitler.

 

Tuy hơi khó khăn, nhưng chúng tôi cũng kiếm được bàn tại quán ăn, và điều ngạc nhiên, là những món ăn quen thuộc đều không có, và những món ăn có, thì đều không có giá quen thuộc. Người bán đã ra tay trục lợi.

 

Câu chuyện xoay quanh vấn đề Pháp và Anh nhập cuộc. Trừ những người quá bi quan, đa số đều cho rằng hai nước trên sẽ tuyên chiến bất cứ lúc nào kể từ lúc này, và một vài người trong số chúng tôi còn đi xa hơn, khi cho rằng Mỹ cũng sẽ tuyên chiến với Đức. Dựa vào kinh nghiệm Thế Chiến I, mọi người đều có vẻ cùng chung ý nghĩ, rằng cuộc chiến rút cuộc sẽ chỉ cho chúng ta, làm thế nào dẫn dắt cuộc sống hiện tại, sao cho tốt đẹp hơn, và tránh được những lầm lẫn trong lần trước.

 

Cuộc tuyên chiến của Pháp và Anh trở thành sự thực vào ngày 3 tháng Chín.

 

Bữa đó, tôi ở nhà, tuy đã 11 giờ. Chúng tôi mở đài thường trực, để không sót một lời nào, từ tất cả những tin quan trọng. Những thông báo từ tiền tuyến không đúng như chúng tôi mong đợi. Tuy tấn công tại Đông-Phổ, và dội bom những mục tiêu quân sự của Đức, nhưng cùng lúc đó, quân đội Đức, mạnh hơn, đã đẩy lùi quân đội Ba lan từ nơi này tới nơi khác. Làm sao lại xẩy ra chuyện đó, trong khi bộ phận tuyên truyền cho biết là máy bay và xe tăng Đức toàn bằng giấy bồi, và chạy bằng một thứ xăng tổng hợp vô dụng, không thể dùng ngay cả cho những cái bật lửa! Máy bay Đức đã từng bị bắn hạ tại Warsaw, và một số người còn quả quyết, chính mắt trông thấy tử thi những phi công Đức mặc quần áo bằng giấy, đi giầy giấy! làm sao một thứ quân đội được trang bị thảm hại như thế mà lại khiến chúng ta rút lui? Thậm vô lý!

 

Mẹ tôi lo dọn dẹp phòng khách, cha tôi chơi vĩ cầm, còn tôi ngồi ghế đọc sách, đúng lúc đó, một giọng nói bất thình lình vang lên trên đài, cho biết sắp sửa có một thông báo tối quan trọng. Cha tôi và tôi vội vàng tới ngay bên chiếc đài, còn mẹ tôi chạy đi gọi mấy anh chị em của tôi. Trong lúc đó, đài vẫn tiếp tục chơi nhạc quân hành, người xướng ngôn tiếp tục lập lại những lời vừa nói, mọi người hết sức nóng ruột, rồi quốc thiều Ba Lan vang lên, tiếp theo sau là quốc thiều Anh, và sau đó là thông báo tối ư quan trọng: Chúng ta không cô đơn đối mặt với kẻ thù, chúng ta có đồng minh rất mạnh, và chiến thắng sau cùng kể như chắc chắn, mặc dù sẽ có lúc này lúc nọ, và tình hình hiện tại kể như không được sáng sủa cho lắm.

 

Làm sao tả được những xúc động của chúng tôi lúc đó. Mẹ tôi ràn rụa nước mắt. Cha tôi chẳng kìm những tiếng nức nở của ông. Đứa em trai, Henryk, thừa dịp thụi cho tôi một cú, và la lên, "Đấy, em đã bảo anh mà, có đúng không!" Regina không muốn hai anh em cãi lộn vào một lúc như thế, và xen vào, giọng bình tĩnh, "Ô! Hãy ngưng lại. Chúng ta ai mà chẳng nghĩ chuyện sẽ xẩy ra như vậy." Chị ngưng, rồi nói thêm, "Đây là kết quả hợp lý của những hiệp ước giữa những quốc gia."

còn tiếp

Jennifer Tran chuyển ngữ