gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ




Kertesz
Diễn văn Nobel 2002

 

Ơrakìa!
 

Tôi phải bắt đầu bằng một lời tự bạch, một lời tự bạch có lẽ lạ lẫm, nhưng trong trắng. Từ lúc tôi bước lên máy bay để làm chuyến du hành tới đây và nhận giải thưởng Nobel về văn học năm nay, tôi vẫn cảm thấy cái nhìn đăm đăm dò tìm của một kẻ quan sát vô tư sau lưng. Ngay cả ở khoảnh khắc đặc biệt này, khi tôi thấy mình là trung tâm của sự chú í, tôi vẫn cảm thấy gần gũi với kẻ quan sát lạnh tỉnh và chính trực này, hơn là với nhà văn mà tác phẩm đột nhiên được đọc khắp vòng thế giới. Tôi chỉ có thể hi vọng là bài nói chuyện mà tôi có cái danh dự phát biểu trong cơ hội này sẽ giúp tôi hoá giải tính lưỡng nguyên và hoà hợp hai bản ngã trong tôi.
 
Tuy nhiên lúc này tôi vẫn còn khó hiểu cái sai nghi mà tôi cảm thấy giữa cái danh dự cao cả kia với đời tôi và tác phẩm. Có lẽ tôi đã sống quá lâu dưới những chế độ độc tài, trong một cảnh quan trí tuệ thù nghịch liên lỉ khác lạ để có thể phát triển một í thức văn học cách biệt; ngay cả việc suy ngẫm một điều như thế hẳn cũng đã là vô ích. Thêm nữa, tất cả những gì tôi nghe được từ mọi phía, là rằng: những gì tôi quá chú tâm, cái "đề tài" hằng chiếm lấy tôi vừa chẳng hợp thời vừa chẳng hấp dẫn cho lắm. Vì lí do này, và cũng bởi tôi run rủi lại tin nó, nên tôi luôn coi việc viết lách là một chuyện riêng tư thiết thân cao độ.

 Không hẳn là chuyện như thế nhất thiết loại trừ trước sự nghiêm túc – dù cho sự nghiêm túc này có vẻ phần nào hoạt kê trong một thế giới mà chỉ những dối trá mới được coi là nghiêm túc. Ở đây, í niệm rằng thế giới là một thực tại khách quan hiện hữu độc lập với chúng ta, một thời đã từng là một chân lí triết học mang tính định đề. Trong khi đó tôi, vào một ngày xuân đáng iêu năm 1955, đột nhiên nhận thức ra rằng chỉ hiện hữu một thực tại duy nhất, và đó là tôi, đời riêng của tôi, món quà tặng mong manh được ban cho trong một khoảng thời gian bất định mà nó đã bị tóm, bị truất hữu bởi những sức mạnh khác lạ, bị đánh dấu, bị đóng ấn và là cái tôi phải giật lại khỏi tay "Lịch sử", con quái thú đáng ghê sợ là Moloch thần lửa kia; bởi vì nó là của tôi, và của riêng tôi, và tôi phải chăm sóc nó thoả đáng.

 Không cần phải nói, tất cả những điều này xoay chuyển làm tôi dứt khoát chống lại mọi thứ trong cái thế giới đó – dẫu chẳng khách quan, vẫn là một thực tại không thể chối cãi. Tôi đang nói về nước Hungary Cộng sản, nói về cái Chủ nghĩa Xã hội "hứa hẹn một ngày mai tươi sáng". Nếu thế giới là một thực tại khách quan hiện hữu độc lập với chúng ta, vậy thì chính những con người, ngay cả trong mắt mình, cũng chẳng là gì khác hơn những khách thể, và chuyện đời của họ chỉ thuần là một chuỗi những tình cờ lịch sử rời rạc mà họ có thể ngạc nhiên trước chúng, nhưng chính họ chẳng can cớ gì. Sẽ không có nghĩa lí gì trong việc bài bố những mảnh mún kia thành một chỉnh thể nhất trí, bởi phần nào của nó có thể quá đỗi khách quan đối với Bản ngã chủ thể để chịu trách nhiệm về nó.

 Một năm sau, vào năm 1956, cuộc Cách mạng Hungary bùng ra. Trong một khoảnh khắc đơn côi, xứ sở này chuyển thành chủ thể. Tuy nhiên chẳng bao lâu, thiết giáp Sô viết đã phục hồi tính khách quan.

 
Tôi không chủ í giễu cợt đâu. Hãy xem những gì đã xẩy ra cho ngôn ngữ trong thế kỷ 20, lời lẽ đã hoá ra làm sao. Tôi dám nói rằng khám phá đầu tiên và sững sờ nhất mà những nhà văn trong thời chúng ta tìm ra, là ngôn ngữ, trong dạng thức truyền lại cho chúng ta, di sản của một nền văn hoá nguyên sơ nào đó, đơn giản đã trở thành không thích nghi để chuyên chở những khái niệm và tiến trình đã từng không hàm hồ và có mang thực tính. Hãy nghĩ đến Kafka, hãy nghĩ đến Orwell, trong tay họ ngôn ngữ xưa cũ đơn giản đã tan rã, như thể họ đã quay nó vòng vòng trong ngọn lửa ngoài trời, chỉ để rồi sau phô ra những tàn tro của nó, trong đó những dạng thức mới và trước chưa từng được biết, vụt hiện xuất.

 Nhưng tôi muốn quay về cái đối với tôi là riêng tư một cách nghiêm nhặt – việc viết. Có một vài câu hỏi, mà một kẻ trong tình huống của tôi còn không đặt ra nữa. Jean-Paul Sartre, chẳng hạn, dành trọn một cuốn sách nhỏ cho vấn đề: chúng ta viết cho ai? Đó là một câu hỏi lí thú, nhưng nó cũng có thể nguy hiểm, và tôi tạ ơn những vì sao chiếu mạng may mắn của tôi là tôi đã không hề từng phải xoay sở với nó. Chúng ta hãy xem cái nguy hiểm đó gồm những gì. Nếu một nhà văn phải chọn một giai cấp xã hội hoặc một tập thể mình thích, không chỉ để giúp vui, mà còn để ảnh hưởng, nhà văn đó trước tiên phải xem xét phong cách của mình có là phương tiện thích hợp để thi triển ảnh hưởng hay không. Người đó chẳng bao lâu sẽ bị những hồ nghi công hãm, và tiêu phí thời gian để canh chừng mình. Làm sao người đó biết rằng độc giả của mình muốn gì, rằng họ thực sự ra sao? Người đó không thể khéo hỏi từng người và mọi người. Và dù cho có làm được đi chăng nữa, cũng chẳng hay gì. Người đó tất đành phải dựa vào hình ảnh của mình, về những độc giả ắt có, những trông mong mà mình gán cho họ, và tưởng tượng ảnh hưởng mà mình muốn đạt được, sẽ tác động ra sao trên chính mình. Vậy thì một nhà văn viết cho cho ai? Câu trả lời là hiển nhiên: nhà văn viết cho chính mình.

 Ít nhất tôi có thể nói rằng tôi đã tới với câu trả lời này một cách khá thẳng băng. Phải nhận là việc này đối với tôi dễ hơn – tôi đã không có độc giả và không hề muốn ảnh hưởng một ai. Tôi đã không khởi đầu viết vì một lí do đặc thù nào và những gì tôi đã viết không gửi đến một ai. Nếu tôi từng có một mục đích nào, thì ấy là trung thực, trong ngôn ngữ và hình thức, với chủ đề cận kề, và không có gì thêm nữa. Cần phải làm sáng tỏ điều này trong suốt cái thời kì cục và buồn bã khi văn học bị nhà nước kiểm soát và "dấn thân".

 Khó hơn để trả lời một câu hỏi khác, hoàn toàn chính đáng tuy còn đáng ngờ vực hơn: tại sao chúng ta viết? Ở đây nữa tôi cũng may mắn vì chưa hề xẩy ra với tôi, là khi đến câu hỏi này, người ta còn có một chọn lựa. Tôi đã mô tả một sự kiện liên quan trong cuốn tiểu thuyết Thảm bại. Tôi đang đứng ở một hành lang trống vắng trong một toà công sở, và mọi chuyện xẩy ra chỉ là từ hướng một hành lang khác cắt ngang, tôi nghe thấy tiếng những bước chân vang. Một kích động kì lạ chiếm ngự tôi. Âm thanh càng lúc càng lớn, và mặc dù rõ là bước chân của một người đơn độc không nhìn thấy, tôi chợt có cảm tưởng mình đang nghe tiếng bước chân của ngàn ngàn lớp lớp người. Như thể có một cuộc diễn hành khổng lồ đang dồn dập dọc hành lang đó tới. Và ngay thời điểm đó tôi chợt cảm nhận sự thu hút không thể đề kháng của những tiếng chân bước kia, của cái đám đông diễu hành kia. Trong một khoảnh khắc riêng lẻ tôi hiểu ra sự say đắm của việc buông thả bản ngã, nỗi hoan lạc ma túy của việc tan hoà vào đám đông – cái mà Nietzsche gọi, trong một khung cảnh khác, tuy vẫn liên quan đến khoảnh khắc này, là một kinh nghiệm cuồng say Dionysius. Lúc ấy gần như thể có một sức mạnh vật lí nào thúc đẩy tôi, lôi cuốn tôi về phía những chuỗi người diễu hành không nhìn thấy được. Tôi cảm thấy mình phải dằn lại và dựa vào tường, để kìm giữ tôi khỏi buông xuôi theo cái sức mạnh nam châm, cám dỗ đó.

 Tôi đã kể lại khoảnh khắc căng thẳng đó như thể tôi đã kinh qua nó. Nguồn gốc từ đó nó vọt ra, như một thị kiến, dường như ở một nơi nào đó bên ngoài tôi, không phải trong tôi. Mọi nghệ sĩ đều quen thuộc với những khoảnh khắc như thế. Có một thời chúng được gọi là những thần hứng hốt nhiên. Tuy nhiên, tôi không ưng xếp loại kinh nghiệm ấy như một mặc khải nghệ thuật, mà đúng hơn như một khám phá tự thân về hiện hữu. Điều tôi thu được nhờ nó không phải là nghệ thuật của tôi – tay nghề thân thuộc mình chỉ có sau một thời gian – mà là đời sống của tôi, cái mà tôi hầu như đã đánh mất. Kinh nghiệm đó là về nỗi cô đơn, một đời sống khó khăn hơn, và những điều tôi đã đề cập – sự cần thiết bước ra khỏi đám đông làm huyễn hoặc ta, ra khỏi Lịch sử, cái làm cho bạn không có diện mạo, không có định mệnh. Thật kinh hoàng, tôi í thức được rằng, mười năm sau khi trở về từ những trại tập trung của Quốc xã, và vẫn còn giữa đường chịu bùa mê thảng thốt của sự khủng bố theo chủ nghĩa Stalin, tất cả những gì còn lại của toàn bộ kinh nghiệm chỉ là vài ấn tượng rối rắm, vài mẩu chuyện vặt. Cứ như thể nó không hề xẩy ra cho chính tôi, như người ta thường nói.

 Rõ ràng là những khoảnh khắc thị kiến như thế có một tiền sử lâu dài. Sigmund Freud hẳn sẽ noi dấu chúng để tới một kinh nghiệm thương đau bị ức chế. Và rất có thể ông ta đúng. Về phần tôi, tôi cũng nghiêng về lối xúc tiến duy lí; chủ nghĩa huyền bí và sự rạo rực xuất thần không luận giải thuộc đủ mọi loại là xa khác với tôi. Vậy nên khi tôi nói về một thị kiến, tôi ắt phải muốn chỉ một cái gì có thực, nó mang một lớp vỏ siêu nhiên – sự phun ra thình lình, gần như đổi đời, của một tư tưởng dần dà chín mùi bên trong tôi. Một cái gì chuyên chở trong tiếng kêu xưa "Euraka!" [Tôi đã tìm thấy!"] – Ơrakìa! Nhưng cái gì chứ?

 Có lần tôi nói rằng, cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội đối với tôi là chiếc bánh ngọt madeleine nhỏ xíu của Marcel Proust mà khi nhúng vào chén trà đã gợi cho ông hương vị của bao năm tháng đã trôi đi mất, Vì những lí do liên hệ với ngôn ngữ mà tôi nói, tôi quyết định sau sự đàn áp cuộc nổi dậy năm 1956, là ở lại Hungary. Như thế, tôi có thể quan sát, lần này không phải như một đứa trẻ mà như một người lớn, cái cung cách vận hành của một chế độ độc tài. Tôi đã thấy cách làm sao toàn thể một quốc gia có thể bị làm cho phải phủ nhận những lí tưởng của nó, và tôi ngắm kĩ những tiến hành ban sơ, thận trọng để đi đến sự điều giải. Tôi đã hiểu rằng, hi vọng là một công cụ của cái ác, và mệnh lệnh chí thượng trong triết học Kant ["Hãy hành động sao cho bạn có thể muốn châm ngôn về hành động của mình là một đạo luật đại đồng"] – đạo đức học nói chung – chỉ là đứa thị tì dễ uốn nắn của sự bảo tồn tự thân.

 Ai có thể tưởng tượng ra sự tự do nào lớn hơn cái tự do được hưởng của một nhà văn trong một nền độc tài tương đối hạn chế, khá mệt mỏi, và còn suy đồi nữa? Vào thập niên 1960, chế độ độc tài ở Hungary đã đạt đến một tình trạng củng cố gần như có thể gọi là một sự đồng thuận xã hội. Phương Tây sau này, bằng sự tự chế dễ dãi, gọi đùa nó là "Chủ nghĩa Cộng sản goulash" [goulash là món thịt hầm với rau, thật cay, đặc sản của Hungary]. Dường như thể, sau sự bất tán đồng tiên khởi của nước ngoài, chế bản riêng của Hungary mau chóng trở thành nhãn hiệu của Chủ nghĩa Cộng sản được phương Tây ưa chuộng nhất. Trong những chiều sâu bùn lầy của sự đồng thuận này, người ta hoặc bỏ rơi sự tranh đấu, hoặc tìm ra những lối ngoằn ngoèo của tự do nội tâm. Chi phí phủ đầu cho một nhà văn rốt cuộc rất thấp; để hành nghề, i chỉ cần có giấy và bút chì. Sự buồn nôn và u uất chạm mặt mỗi sáng thức dậy dẫn tôi ngay lập tức vào cái thế giới tôi định mô tả. Tôi đã phải khám phá ra rằng, tôi đã đặt một người đàn ông quằn quại dưới luận lí của một loại chủ nghĩa toàn trị trong một hệ thống toàn trị khác; và điều này chuyển ngôn ngữ cuốn tiểu thuyết của tôi thành một phương tiện ám thị cao độ.

 Nếu tôi bây giờ quay lại nhìn và ngay thẳng lượng độ tình huống tôi đang ở lúc đó, thì tôi phải kết luận rằng ở phương Tây trong một xã hội tự do, có lẽ tôi đã không thể viết ra cuốn tiểu thuyết được độc giả ngày nay biết dưới tên Vô mệnh, cuốn tiểu thuyết được Hàn lâm viện Thụy điển nêu riêng cho danh dự cao quý nhất.

  Không, ắt hẳn tôi đã phải nhắm một cái gì khác. Điều đó không phải là bảo rằng tôi ắt không cố đạt tới sự thật, nhưng có lẽ tới một thứ sự thật khác. Trong thị trường tự do về sách và tư tưởng, về phần tôi chắc cũng có thể đã muốn sản xuất một cuốn tiểu thuyết huê dạng hơn. Chẳng hạn, tôi có thể đã cố phá vỡ thời gian trong cuốn tiểu thuyết của tôi, và chỉ tường thuật những cảnh gây ấn tượng nhất. Nhưng nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của tôi không được sống thời gian của y trong những trại tập trung, bởi cả thời gian lẫn ngôn ngữ của i, và ngay cả chính con người của i, cũng đều không phải thực sự của i. I không nhớ; i tồn tại. Vậy nên i phải mỏi mòn, tội nghiệp cậu bé, trong cái bẫy rập thê lương của tuyến tính, và không thể rũ bỏ những chi tiết đau đớn. Thay vì một chuỗi huy hoàng, những khoảnh khắc vĩ đại và bi đát, i phải sống trải qua tất cả, vừa ức uất vừa đơn điệu, giống như chính cuộc đời.

 Nhưng phương pháp ấy dẫn tới những trực giác xuất sắc. Tuyến tính đòi hỏi rằng, mỗi tình huống nảy sinh phải được hoàn toàn trám đầy. Nó không cho phép tôi, nói giả dụ, hào sảng lướt qua hai mươi phút thời gian, nếu chỉ vì hai mươi phút ấy có ở kia đằng trước tôi như một lỗ đen hả miệng, kinh hoàng, như một mồ chôn tập thể. Tôi đang nói về hai mươi phút trải qua trên sàn tiếp nhận của trại tiêu diệt Birkenau, là thời gian để người ta ì ạch xuống xe lửa và tới chỗ sĩ quan tuyển lựa. Tôi đã nhớ là hai mươi phút đâu đó, nhưng cuốn tiểu thuyết đã đòi hỏi tôi nay phải không cả tin vào kí ức của mình. Bất kể số kí thuật, hồi tưởng, và tự bạch của bao nhiêu người sống sót mà tôi đã đọc, họ đều đồng í rằng mọi sự tiến hành quá sức mau lẹ, và không thể chú tâm. Những cửa các toa xe lửa mở bung, họ nghe thấy những tiếng la hét, tiếng chó sủa, đàn ông và đàn bà đột ngột bị tách riêng, và giữa cảnh bát nháo họ thấy mình ngay trước mặt một sĩ quan. Hắn liếc nhìn sơ họ, giơ tay duỗi thẳng chỉ một cái gì, và trước khi họ biết ra, thì đã mang trên mình quần áo tù.

 Tôi nhớ hai mươi phút ấy có khác. Quay về những nguồn tin chân thực, tôi trước hết đọc những tự thuật trần trụi, không khoan nhượng và tự thân khắc khoải của Tadeusz Borowski trong đó có truyện ngắn mang tên "Yêu cầu Quý bà và Quý ông vào Lò". Sau, tôi gặp một chuỗi những ảnh chụp về hàng hoá con người tới sàn ga xe lửa Birkenau – những ảnh do một Cấm vệ quân Quốc xã SS chụp và được lính Mĩ tìm thấy trong đồn cũ của SS ở trại Dachau đã được giải phóng. Tôi nhìn những hình này ngạc nhiên tột độ. Tôi thấy những đàn bà đáng yêu, mỉm cười, và những người đàn ông trẻ mắt sáng, tất cả đều có thiện í, hăng hái cộng tác. Bây giờ tôi hiểu rồi, là hai mươi phút tủi nhục kia, gồm vô dụng và bất lực, đã nhạt nhoà khỏi kí ức họ. Và khi tôi nghĩ điều này cứ thế lập lại hàng bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần, bao nhiêu tháng, và bao nhiêu năm tiếp diễn, tôi có được một trực giác thấu suốt vào cái cơ chế của kinh hoàng; tôi học được cung cách người ta khả dĩ xoay ngược nhân tính chống lại đời sống của chính mình.

 Cứ như vậy tôi tiến hành, từng bước lại từng bước, trên con đường tuyến tính của khám phá, đó là phương pháp khải phát (heuristic method) của tôi, nói vô phép quý vị. Chẳng mấy lúc tôi sớm nhận thức rằng, tôi chẳng mảy may nào quan tâm đến việc tôi viết cho ai, và tại sao. Một câu hỏi làm tôi quan tâm: Tôi còn dính líu gì tới văn học? Bởi đã rõ với tôi rằng có một con đường không thể băng qua, cách biệt tôi khỏi văn học và những lí tưởng, tinh thần, liên kết với í niệm về văn học. Tên của con đường phân ranh này, cũng như của nhiều điều khác, là Auschwitz. Khi chúng ta viết về Auschwitz, chúng ta phải biết rằng Auschwitz, ít nhất trong một í nhất định, đã treo cổ văn học. Người ta chỉ có thể viết một tiểu thuyết đen về Auschwitz, hoặc – xin quý vị thứ lỗi cho cách dùng từ – một pho tiểu thuyết trường giang rẻ tiền khởi đầu ở Auschwitz và còn chưa chấm dứt. Nói như thế tôi muốn tỏ ra rằng không có điều gì xẩy ra từ sau Auschwitz, đã có thể lật ngược hoặc phản bác Auschwitz. Trong những văn bản của tôi, vụ Tế thiêu [Holocaust] không bao giờ có thể hiện diện ở thời quá khứ.

 Người ta thường nói về tôi – có người nhắm như lời khen, có người khác như lời trách – rằng tôi viết về một đề tài riêng lẻ: vụ Tế thiêu. Tôi không tranh luận gì với điều đó. Tại sao tôi lại không đành chấp nhận, với một số điều kiện bảo lưu, vị trí phân phối cho tôi trên những giá sách của các thư viện? Có nhà văn nào ngày nay không phải là nhà văn của Tế thiêu? Một người không cần phải chọn Tế thiêu như chủ đề của mình mới phát giác ra được cái giọng đứt ruột, nó đã ngự trị nghệ thuật châu Âu hiện đại hàng mấy chục năm nay. Tôi sẽ dấn bước thêm để nói rằng tôi không hề biết có một tác phẩm nghệ thuật chân chính nào lại không phản ánh sự đứt đoạn này. Nó như thể, sau một đêm trường ác mộng, người ta nhìn quanh thế giới, bại liệt, bất lực. Tôi không hề bao giờ cố xem mối phức hợp các vấn đề được quy chiếu như vụ Tế thiêu lại chỉ thuần là sự tranh chấp không thể giải kết giữa người Đức và người Do thái. Tôi không hề tin rằng nó là chương gần nhất của lịch sử đau khổ Do thái, vốn tiếp tục một cách luận lí sau những thử thách và khổ nạn sớm hơn của họ. Tôi không hề coi nó như một lệch lạc nhất thời, một đồ sát đại quy mô, một điều kiện tiên quyết cho việc hình thành đất nước Israel.Cái tôi khám phá ra ở Auschwitz là thân phận con người, chung điểm của một cuộc phiêu lưu vĩ đại, nơi kẻ lữ hành châu Âu đạt tới sau hai ngàn năm lịch sử đạo đức và văn hoá.

 Bây giờ điều duy nhất để suy tư là từ đây chúng ta sẽ đi đâu? Vấn đề của Auschwitz không phải là có nên hay chăng vạch xoá sổ kết thúc nó, như thể thế đó; nên hay chăng bảo tồn kí ức về nó, hoặc gác nó vào ngăn ô trữ liệu thích hợp của lịch sử; nên hay chăng dựng tượng đài kỉ niệm cho bao triệu người bị tàn sát, và nếu thế thì loại tượng đài nào. Vấn đề đích thực của Auschwitz chính là nó đã xảy ra, và điều này không thể bị biến cải – dù với í chí tốt đẹp nhất hoặc tồi tệ nhất – trên thế giới. Tình huống trầm trọng nhất này đã được nhà thơ Thiên chúa giáo Hungary là János Pilinszky lột tả chính xác nhất khi ông gọi nó là một vụ "ô nhục". Điều ông muốn nói, rõ ràng là rằng, Auschwitz xẩy ra trong một cảnh quan văn hoá Kitô giáo, vậy nên với những ai có một chiều hướng tinh thần siêu hình thì nó là một vết thương nhức nhối không bao giờ có thể bị vượt qua.

 Những lời tiên tri xưa nói về cái chết của Thượng Đế. Từ Auschwitz chúng ta cô đơn hơn, chừng đó là chắc chắn. Chúng ta phải tự mình sáng tạo ra những giá trị của chúng ta, ngày lại ngày, với cái đạo hạnh kiên trì tuy vô hình vốn sẽ ban sự sống cho các giá trị kia, và có lẽ chuyển những giá trị đó thành nền tảng của một văn hóa châu Âu mới. Tôi coi giải thưởng mà Hàn lâm viện Thụy điển đã thấy là thích đáng để vinh danh tác phẩm của tôi như một chỉ dấu rằng châu Âu lại cần cái kinh nghiệm mà những nhân chứng cho Auschwitz, cho vụ Tế thiêu bị cưỡng bách phải thủ đắc. Quyết định này – xin cho phép tôi nói điều này – làm chứng cho sự can đảm, ngay cả sự quyết tâm vững chãi của những người thực hiện nó, mong muốn tôi đến đây, dù họ dễ dàng phỏng đoán ra sẽ nghe tôi nói những gì. Cái đã được phơi mở trong Giải pháp Tối hậu, trong "vũ trụ tập trung" (l’univers concentrationaire) không thể bị hiểu sai, và con đường duy nhất có thể sống còn, và bảo tồn sức mạnh sáng tạo, là nếu chúng ta thừa nhận điểm số không, tức là Auschwitz. Tại sao sự sáng suốt của thị kiến này lại không mang tới kết quả được nhỉ? Ở chót đáy của mọi thực hiện vĩ đại, dù chúng nảy sinh từ những bi kịch không thể so bì, vẫn còn nằm đó cái giá trị châu Âu vĩ đại hơn hết cả, là sự mong mỏi tự do, nó làm sung mãn đời sống chúng ta, với một giá trị thặng dư, một sự phong phú, làm chúng ta nhận thức được sự kiện tích cực của cuộc hiện hữu của chúng ta, và cái trách nhiệm tất cả chúng ta đều mang vì nó.

 Được phát biểu những í nghĩ này bằng ngôn ngữ quê hương của tôi, tiếng Hungary, làm tôi đặc biệt hạnh phúc. Tôi sinh ra ở Budapest trong một gia đình Do thái mà nhánh bên mẹ vẫy gọi từ thành phố Kolozsvár (Cluj) thuộc miền Transylvania, và nhánh bên cha từ mạn Tây Nam của vùng Hồ Balaton. Các ông bà tôi thuở sinh tiền vẫn còn thắp nến chào đón ngày Sabbath mỗi tối thứ Sáu, nhưng họ đã đổi tên cho có âm hưởng tiếng Hungary, và với họ thật tự nhiên xem đạo Do thái là tín ngưỡng và Hungary là quê nhà. Ông bà ngoại tôi tử nạn trong Tế thiêu, còn đời sống của ông bà nội tôi thì bị huỷ diệt vì chế độ Cộng sản của Mátyás Rákosi, khi nhà dưỡng lão Do thái của Budapest bị dời đến biên giới phía bắc của xứ sở này. Tôi nghĩ tiểu sử gia đình vắn tắt này gói trọn và tương trưng cho những quằn quại hiện đại của xứ sở này. Bài học nó dậy tôi, tuy nhiên, là không chỉ có chua cay trong buồn đau mà còn có cả tiềm lực phi thường về tinh thần. Là một người Do thái đối với tôi một lần nữa lại là, đầu tiên và trên hết, một thách đố tinh thần. Nếu đến nay, vụ Tế thiêu đã sáng tạo ra một nền văn hoá, là trường hợp này không thể chối cãi được, thì mục đích của nó chỉ có thể là một thực tại không thể cứu chuộc lại làm nảy sinh bằng đường lối tinh thần ra sự phục hoạt – ra sự thanh tẩy (catharsis). Mong muốn này đã hứng khởi tôi trong toàn thể những nỗ lực sáng tạo của tôi.

 Mặc dù tôi đang đến gần chỗ kết thúc bài nói chuyện, tôi phải thú nhận là vẫn chưa tìm ra được sự quân bình trấn an giữa cuộc đời tôi, những tác phẩm tôi, và giải Nobel. Ngay lúc này tôi cảm thấy lòng biết ơn sâu xa – biết ơn với tấm tình đã cứu vớt tôi, và hiện còn phù trì cho tôi sống trên đời. Nhưng xin hãy xét rằng, trong chuyến du hành đời sống khó mà dõi theo này, trong cái "sự nghiệp" của tôi này, nếu tôi có thể gọi như thế, có một cái gì xốn xang, một cái gì phi lí, một cái gì mà trong trầm tư không thể không xúc động về một niềm tin vào một trật tự ngoài thế giới, vào che chở, vào công lí siêu hình – nói cách khác, mà không bị rơi vào cái bẫy rập của sự tự đánh lừa, và như thế là mắc cạn, là đắm chìm, là bứt lìa những ràng buộc sâu xa và vương vít với hàng bao triệu con người tử nạn và chẳng hề biết đến ân phước. Làm một ngoại lệ không phải là dễ. Nhưng nếu mệnh vận đặt chúng ta làm ngoại lệ, thì chúng ta phải làm hoà với cái trật tự phi lí của may rủi, nó cai trị đời sống chúng ta với cái thất thường của một đội hành quyết, phơi chúng ta trước những sức mạnh phi nhân, những bạo tàn quái dị.

 Tuy thế có một điều rất đặc biệt xẩy ra trong khi tôi chuẩn bị bài diễn văn này, nó trấn an tôi trong một cung cách. Một hôm, tôi nhận được một phong thư lớn, giấy thô, mầu nâu, từ bưu điện. Nó được gửi do Tiến sĩ Volkhard Knigge, giám đốc Trung tâm Kỉ niệm Buchenwald. Cùng với lời chúc mừng, ông có kèm theo một bì thư nhỏ, và mô tả bì thư đó chứa gì, để phòng trong trường hợp tôi không đủ sức mạnh mà xem thì khỏi cần phải xem. Bì thư nhỏ đó có chứa bản sao báo cáo chính thức hàng ngày về những tù nhân của trại giam cho ngày 18 tháng Hai năm 1945. Trong cột mang tên "Abgange", tức là "Giảm", tôi học biết được về cái chết của tù nhân mang số # 64,921 – Imre Kertész, thợ xưởng máy, sinh năm 1927. Hai dữ liệu là giả, năm sinh của tôi và nghề nghiệp của tôi được nhập sổ đăng ký chính thức khi tôi bị đưa đến Buchenwald. Tôi đã tự cho mình thêm hai tuổi để khỏi bị xếp loại trẻ con, và đã nói là thợ xưởng máy thay vì học sinh, để tỏ ra có ích cho họ hơn.

 Vắn tắt, tôi đã chết một lần, để có thể sống. Có lẽ đó là câu chuyện thực của tôi. Và đã như thế, tôi xin cung hiến tác phẩm này, sinh ra từ cái chết của một đứa trẻ, cho hàng triệu con người đã chết, và những ai còn nhớ họ. Nhưng, rốt cuộc bởi chúng ta đang nói chuyện văn học, loại văn học mà trong quan điểm của quý Hàn lâm viện, cũng là một chứng ngôn, tác phẩm của tôi còn có thể phục vụ cho một mục tiêu hữu ích trong tương lai, và – đây là tâm nguyện của tôi – còn có thể cất tiếng nói với tương lai. Hễ khi nào nghĩ đến tác động chấn thương của Auschwitz, tôi rốt cuộc lại an trú vào sinh lực và sức sáng tạo của những con người hiện đang sống. Vậy là, khi nghĩ về Auschwitz, tôi ánh chiếu, một cách nghịch lí, không phải quá khứ mà là tương lai.

 Nguyễn Tiến Văn dịch