*




*

Heureka!
Nó đây rồi!
Diễn văn Nobel 2002
Imre Kertész



Tôi phải bắt đầu bằng một lời thú nhận. Một lời thú nhận lạ kỳ, có thể, nhưng mà là chân thiệt. Từ lúc bước lên phi cơ làm chuyến đi tới đây, Stockholm, để nhận giải Nobel văn chương năm này, tôi có cảm giác, một cái nhìn đăm đăm, bình thản, bám chặt ở sau lưng. Ngay cả vào giây phút trang trọng như lúc này, ở nơi nhĩ mục quan chiêm, tôi cảm thấy mình gần gụi với người chứng điềm tĩnh đó, hơn là với người văn mà tác phẩm đột nhiên được đọc trong cõi năm châu bốn bể. Và tôi chỉ mong rằng, biết đâu, nhờ dịp này, qua bài nói chuyện mà tôi có vinh dự đọc lên, sẽ giúp tôi rũ khỏi tình trạng nhập nhằng, và nhập được cả hai con người nói trên, vào làm một.

Vào lúc này, tôi vẫn khó mà hiểu được khoảng cách, tình trạng nan giải, mà tôi cảm thấy, giữa vinh danh, đời mình, và tác phẩm của mình. Có lẽ, tôi sống quá lâu dưới những chế độ độc tài, trong một môi trường thù nghịch, nếu nói về mặt tinh thần, và lúc nào cũng tỏ ra xa lạ, hờ hững, bởi vậy, thật khó đặt ra, và cũng thật là vô ích, phát triển điều gọi là ý thức văn học phân minh, hay cái nhìn rạch ròi của nhà văn, một khi sống trong một môi trường như thế. Ngoài ra, tứ bề bốn bên, người ta bảo cho tôi biết rằng, "đề tài" mà tôi đắm đuối ở trong đó, không những xưa, bị vượt qua, mà chẳng còn thú vị. Vì lý do đó, và cũng còn vì tôi vốn đã tin như vậy, tôi đành nói thẳng ra ở đây: tôi luôn luôn coi viết là chuyện rất đỗi riêng tư và hoàn toàn mang tính cá nhân.

Nói, rằng đây chỉ là chuyện riêng tư, không có nghĩa là bỏ qua tính nghiêm túc của nó, cho dù sự nghiêm túc này có vẻ tiếu lâm trong một thế giới mà sự dối trá được coi là nghiêm túc. Vả chăng, quan niệm thế giới là một thực tại khách quan, nó có đó mà chẳng cần tới chúng ta có hay không có, một quan niệm như vậy là một chân lý, định đề triết học. Cá nhân tôi, vào một ngày xuân đẹp trời năm 1955, tôi bất thình lình ngộ ra một điều là, chỉ có một thực tại, và thực tại đó, là tôi, cuộc đời của tôi – cuộc đời như một món quà mỏng manh, phù du - bị những sức mạnh xa lạ, ngoại lai tóm lấy, quốc hữu hóa, nghiệm thu, và sau đó, niêm phong, đóng dấu, dãn nhãn hiệu – muốn lấy lại, tôi phải đòi, từ con quái vật Moloch mà người ta gọi là "Lịch Sử", bởi vì nó là của tôi, chỉ của tôi thôi, và tôi phải chăm sóc nó theo một cung cách nào đó cho thỏa đáng.

Chẳng cần phải nói, bạn cũng nhận ra, mọi chuyện như trên khiến tôi phản ứng quyết liệt, chống lại môi trường vây quanh tôi, tức cái thế giới có thể không khách quan, nhưng không thể chối cãi, bởi vì nó lù lù ra đấy. Tôi muốn nói tới thế giới Cộng Sản  Hungary, tức Chủ Nghĩa Xã Hội "hứa hẹn một ngày mai tươi sáng". Nếu thế giới là một thực tại khách quan chẳng cần tới chúng ta, như vậy thì con người, ngay cả dưới con mắt của chính họ, chẳng là chi, mà chỉ là mớ đồ vật; và những chuyện đời chi chi, chỉ là những sự cố mang tính lịch sử chẳng dính dấp gì với nhau, những sự cố mà con người có thể phân vân tự hỏi, tại sao chúng lại có thể xẩy ra, nhưng rõ ràng là họ chẳng có phần ở trong, theo nghĩa, chuỗi sự cố lịch sử đó chẳng thèm quan tâm tới họ.

Sẽ chẳng có ý nghĩa gì, khi cố gắng sắp xếp những mảnh vụn vào thành một khối hài hòa, bởi vì một số những mảnh vụn đó, chúng trở nên quá mức khách quan, và chẳng Cái Tôi chủ quan nào dám nghĩ rằng mình có phần trách nhiệm ở trong đó.

Một năm sau, tức là vào năm 1956, Cuộc Cách Mạng Hungary bùng nổ. Chỉ trong một thoáng chốc cực kỳ ngắn ngủi, xứ sở trở thành chủ quan. Tuy nhiên, xe tăng Xô Viết đã ngay lập tức bóp nghẹt, và tái lập tình trạng khách quan liền đó.

Tôi không có ý châm biếm, ở đây. Nhưng các bạn hãy nghĩ, chuyện gì đã xẩy ra cho ngôn ngữ, trong thế kỷ 20, những từ ngữ đã "dâu bể" như thế nào? Tôi dám mạnh dạn nói, khám phá gây sốc ghê gớm nhất, của những nhà văn thời đại chúng ta, đó là, ngôn ngữ, như chúng ta được thừa hưởng từ bao đời, nay không thể trình bầy cho chúng ta những diễn biến thực sự xẩy ra, hoặc những quan niệm xưa kia thực là giản dị. Hãy nghĩ tới Kafka, hãy nghĩ tới Orwell, những con người đã từng chứng kiến ngôn ngữ xa xưa, rã rời ra, dưới bàn tay của họ, như thể họ dồn nó vào lửa, rồi sau đó, chìa ra tro than, từ đó xuất hiện những hình ảnh mới mẻ cho tới lúc đó vẫn còn là vô danh, nghĩa là chưa từng được biết tới.

Tôi muốn trở lại, với điều mà tôi coi là rất đỗi riêng tư: viết. Có vài câu hỏi, mà một người nào đó, ở vào tình thế của tôi, sẽ chẳng đặt ra. [Nhà văn, triết gia người Pháp] Jean-Paul Sartre, chẳng hạn, đã bỏ ra cả một cuốn sách để trả lời câu hỏi, viết cho ai? Đúng là một câu hỏi thú vị, mà nguy hiểm, làm sao không, và tôi phải cám ơn những vì sao hộ mệnh đã không đẩy tôi tới câu hỏi đó. Hãy thử lường xem, câu hỏi chứa ở trong nó, bao điều hiểm nguy, và hiểm nguy như thế nào. Nếu một nhà văn muốn nhắm vào một giai cấp hay một nhóm người trong xã hội, không chỉ để thổi họ lên, mà còn muốn ảnh hưởng tới họ, việc đầu tiên mà nhà văn làm, là, loay hoay gọt rũa, chau chuốt văn phong của mình, làm sao cho nó vừa khít với yêu cầu, để cá cắn câu, thì cứ nói như vậy cho tiện. [Nhưng chơi cái trò như vậy – tôi muốn nói, lạm dụng văn chương cốt sao cho đạt được mục đích, cho dù với thiện ý, rồi có một ngày] nhà văn sẽ bị bủa vây, bởi những hồ nghi, và khi đó, nhà văn sẽ quay ra đánh vật với chính mình. Làm sao ta biết được một cách chắc chắn, độc giả của mình muốn gì, mà thực tình mà nói, họ giống ai, họ như thế nào? Làm sao ta có thể hỏi từng người, và mọi người, một cách tường tận? Giả như làm được, cũng bù trớt, chẳng đi tới đâu. Thôi đành dựa vào hình ảnh "của ta", để mà tưởng tượng ra, ai kia đã, đang, hoặc sẽ là độc giả "của mình". Từ những độc giả "giả" như thế, ta sẽ quàng lên họ những hoài vọng, những đòi hỏi của ta, về họ; ta sẽ tưởng tượng, ôi khoái trá làm sao, nếu hoàn thành được "thiên chức" cao cả!. Như vậy, hoá ra, ta đâu viết cho ai, mà cho chính mình.

Chí ra mà nói, tôi có thể trả lời câu trả lời một cách thẳng thừng. Bởi vì trường hợp của tôi đơn giản hơn. Cứ kể như mình chẳng có độc giả, thì lấy đâu ra mà ảnh hưởng? Tôi không bắt đầu viết, với một lý do đặc thù nào đó, và những gì tôi viết, chẳng để nhắm tới ai. Nếu cưu mang chuyện viết, thì đành một lòng một dạ với mớ chữ, mớ hình dáng, với điều mình trăn trở, ở trong tầm tay của mình, và chỉ có vậy. Thật quan trọng phải nói huỵch toẹt ra như thế, vào một thời kỳ buồn bã, khi văn học thì do nhà nước quản lý, hoặc chỉ hăm hở đòi cho được "dấn thân".

Và càng khó khăn hơn, mặc dù chính đáng, nhưng cũng thật đáng ngờ, là câu hỏi: tại sao viết? Ở đây, tôi lại may mắn, vì chưa bao giờ đụng đầu với nó. Tôi đã có lần kể ra một cách trung thực, biến cố này trong cuốn tiểu thuyết của tôi nhan đề Sự Thất Bại [The Failure, bản tiếng Pháp dịch là Sự Từ Chối, Le Refus]. Tôi đứng ở hành lang trống trơn, trong một toà nhà hành chính, và tôi nghe tiếng chân người rồn rập, từ hành lang góc bên, vọng tới. Đột nhiên tôi lâm vào tình trạng giao động thật lạ, những tiếng chân lớn dần về phía tôi, và tuy rõ ràng chỉ là của một người, nhưng bỗng tôi có cảm tưởng, chúng là của hàng ngàn người. Như thể cả một đoàn người đang cứ thế mà tiến tới dọc theo hành lang. Tới một lúc, tôi cảm thấy đoàn người đó, những bước chân bước rồn rập theo điệu quân hành đó, tỏa ra một sức hút không làm sao cuỡng lại nổi. Trong một sát na, tôi hiểu ra nỗi hân hoan tuyệt vời, của cái gọi là "tự buông xuôi" (self-abandonment), "mình là cái quái gì cơ chứ, so với hàng hàng lớp lớp như thế"; đây là cơn say cuồng chết người, muốn tan vào đám đông, điều mà Nietzsche – trong một nội dung khác, chắc hẳn, nhưng cũng liên quan tới khoảnh khắc này – gọi là "sự cực khoái Dionysian". Rõ ràng là, có một sức mạnh vật chất, hữu hình, đẩy tôi, kéo tôi, tới với đoàn người vô hình đang rầm rập bước đi theo nhịp quân hành,. Tôi cảm thấy, mình phải lùi lại, dán miết lưng vào tường, cố làm sao cưỡng lại sức hút hớp hồn đó.

Tôi vừa kể lại giây phút thật căng, tôi đã từng sống. Nó bật ra, chắc từ một viễn ảnh, đâu đó bên ngoài, không phải ở trong tôi. Mọi nghệ sĩ đều quen với những giây phút như vậy. Những giây phút mặc khải bất thần, như người ta thường gọi. Tuy nhiên, tôi không coi đây là một trường hợp mặc khải nghệ thuật, mà đúng hơn, mặc khải khám phá ra chính mình, sự hiện hữu của một cái tôi, theo kiểu, "ơ hơ, vậy ra có mình ở trên cõi đời này". Điều tôi nhận được, từ kinh nghiệm trên, đó là, nó trao cho tôi - không phải bí quyết làm chủ nghệ thuật, bởi vì phải mất khá lâu tôi mới kiếm ra những món đồ nghề dùng vào việc viết – nhưng mà là cuộc đời của tôi, đích thị chính nó. Một cuộc đời mà hầu như tôi đã mất. Đây là kinh nghiệm về sự cô đơn, về một cuộc đời cam go hơn nhiều, và về những gì mà tôi đã nhắc tới – sự cần thiết bước ra khỏi "ngày hội nhân gian", cuộc diễn hành hấp dẫn đó, thoát ra khỏi lịch sử chỉ muốn trấn lột sạch căn cước cá nhân và số kiếp con người.

Thật ghê sợ, tôi nhận ra, mười năm sau khi ra khỏi trại tù Nazi, rồi nửa đời nửa đoạn phó mặc linh hồn – đúng ra, phải nói là chết mê chết mệt - với chủ nghĩa Cộng Sản, với khủng bố Stalin, bao nhiêu hồ hởi là bằng nấy đau thương, bao nhiêu kinh nghiệm, rút cục cái còn lại, chỉ là một dúm cảm xúc, vài ba câu chuyện vặt. Như thể nó chưa từng xẩy ra cho tôi, mà là cho một người nào khác.

Rõ ràng, những khoảnh khắc mang tính mặc khải, hoặc thấu thị như thế đó, là cả một câu chuyện dài, như Freud đã từng nghiên cứu, và rút ra được một vài kết luận, thí dụ như, nó là do ẩn ức, là do chấn thương tinh thần mà ra. Và biết đâu, ông ta có thể có lý. Riêng tôi, tôi chọn cách tiếp cận thuần lý, bởi vì những gì gì, theo kiểu, đây là cõi huyền bí, hoặc "hãy chiêm ngưỡng nhưng nhớ đừng tra hỏi", là không hợp với tôi. Khi nói tới viễn ảnh, thấu thị, tôi muốn nói tới một điều gì có thực nhưng lại có dáng vẻ siêu nhiên, khác thường – cái khác thường ở đây, là sự bất thình lình nổ bùng ra, của một tư tưởng, một ý nghĩ vốn đã nung nấu đến trở thành chín nẫu ở trong bạn. Người xưa đã từng trải qua kinh nghiệm này, khi la lên một cách sảng khoái: "Eureka! Ta đã kiếm thấy nó! Nó đây rồi!"

Thấy nó rồi, nó đây rồi, nhưng mà là cái gì?

Tôi đã có lần nói, cái gọi là Chủ Nghĩa Xã Hội, đối với tôi, nó giống như cái bánh madeleine, bỏ vô chén trà của Proust, thế là nó gợi ra không biết bao nhiêu mùi vị, về những năm tháng đã qua. Sau thất bại của cuộc cách mạng [Hungary] năm 1956, tôi quyết định - hầu như hoàn toàn vì lý do ngôn ngữ, tiếng nói - không đi đâu cả, ở lại Hungary. Như vậy, tôi có thể quan sát, không còn như một đứa trẻ, mà là một người lớn, chế độ độc tài, coi nó làm ăn ra làm sao. Tôi đã nhìn thấy, bằng cách nào, cả một quốc gia đành nuốt bồ hòn làm ngọt, nghĩa là từ chối mọi lý tưởng của nó, khăng khăng một điều, "Em chả, Em chả!". Tôi đã theo dõi, ngay từ những bước đi chập choạng của nó, tới với chuyện "đành ngậm bồ hòn làm ngọt", trước tiên là bằng toa rập, bằng đồng loã, điều mà người ta gọi là "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", hãy thích nghi với hoàn cảnh (adaptation). Tôi hiểu ra một sự thực thê lương, chết người: hy vọng chính là một trong dụng cụ tiện dụng nhất, thuận tay nhất, của Cái Ác. Và cùng với nó, một phạm trù triết học, của Kant, một phạm trù triết học mang tính quyết liệt, giống như một mệnh lệnh, theo đó, cái gọi là đạo hạnh, chỉ là: làm cách nào để đừng bị, đừng để cho người khác có cơ hội làm thịt mình (self-preservation).

Làm sao mà bạn có thể tưởng tượng ra được tự do, nó lớn lao, vĩ đại đến cỡ nào, so với một nhà văn, ở trong một xứ sở độc tài về chiều, độc tài đấy, nhưng cũng giới hạn, đừng lộ liễu quá, một xứ sở độc tài mệt mỏi sắp sụm? Vào những năm 1960, chế độ độc tài ở Hungary đã vững chắc tới độ, nó được coi là một "social consensus", (đồng thuận xã hội) [theo nghĩa, cả nước đều tin, đều một lòng một dạ, với chân lý: yêu nước nghĩa là yêu chủ nghĩa xã hội]. Tây Phương sau đó, đã gọi nó bằng một cái tên "chủ nghĩa cộng sản goulash" [goulash: tên một món ăn có nguồn gốc Hungary, gồm có thịt bò hầm, và thêm gia vị là ớt]. Có vẻ như, sau những bất mãn lúc thoạt đầu, khi xứ sở này đành "làm dâu" chủ nghĩa cộng sản, hình ảnh một nước Hungary Cộng Sản trở nên "đáng yêu" hơn, liền sau đó, đối với người nước ngoài. Trong cõi bùn đen, sâu thẳm ở mỗi lòng người, một khi "đồng thuận xã hội", là một thái độ, hoặc từ bỏ chiến đấu, hoặc chọn lựa con đường chông gai, khúc khuỷu dẫn tới tự do nội tại (inner freedom). Một nhà văn đâu cần nhiều nhu cầu: muốn viết, chỉ cần giấy, và cây viết chì. Chán chường, buồn nôn, chân tay rã rời, tinh thần sa sút, những món điểm tâm như thế, vào mỗi buổi sáng, đã dẫn tôi vào thế giới mà tôi muốn diễn tả. Làm sao làm bật ra, một con người, rên xiết vì tính lô gíc của một kiểu chủ nghĩa toàn trị, ở trong một hệ thống toàn trị khác. [Bản tiếng Pháp: tôi phải diễn tả một con người bị nghiền nát bởi tính lô gíc của chủ nghĩa toàn trị, trong khi chính mình sống trong một hệ thống toàn trị khác], và điều này đã khiến cho ngôn ngữ trong cuốn tiểu thuyết của tôi mang tính dẫn dụ (allusive), theo kiểu nói bóng nói gió. Nếu bây giờ, chân thành nhìn lại hoàn cảnh của tôi vào thời kỳ đó, tôi phải kết luận là, ở Tây Phương, trong một xã hội tự do, có lẽ tôi không thể nào viết nổi cuốn tiểu thuyết như là độc giả bây giờ thấy đấy, cuốn Không Số Kiếp, tức cuốn được Viện Hàn Lâm Thụy Điển lọc ra để vinh danh.

Đúng ra là tôi nhắm một điều khác. Nói vậy không có nghĩa, tôi chịu thua trong việc tìm kiếm chân lý, nhưng có lẽ, tôi nhắm tới một chân lý khác. Trong thị trường tự do về sách vở, và tư tưởng, có thể tôi cũng cố kiếm ra một hình thức tiểu thuyết huê dạng hơn, thí dụ như tôi có thể bẻ gẫy thời gian trong cuốn tiểu thuyết, thành những mảnh đoạn, và chỉ kể những xen mãnh liệt nhất. Nhưng, nhân vật ở trong truyện của tôi không sống thời gian riêng của cậu ở trong trại tập trung, bởi vì cậu bị trấn lột tất cả, nào thời gian, nào ngôn từ, ngay cả thân thể của cậu cũng bị trấn lột. Có cái gì của riêng cậu nữa đâu! Cậu ta không nhớ, không tưởng; cậu chỉ có đó. Thế là cậu bé đáng thương bập bà bập bệu, như một thú sập bẫy - bẫy ở đây chính là ngôn từ, dưới dạng tuyến tính, nói xong tiếng này thì mới nói tới tiếng kia - và cậu không làm sao rũ đi được những chi tiết đau đớn. Bởi vậy, thay vì lớp lang, từng chuỗi những giây phút, những thời điểm bi thảm, lớn lao, "đáng đồng tiền bát gạo" (spectacular), cậu phải chịu đủ không thiếu một chuyện đầy ải nào, và, như chính cuộc đời đầy ải, cậu chẳng có gì hay ho, này nọ, để mà "dâng hiến".

Nhưng chính phương pháp này lại làm bật ra những tia sáng đáng kể. [Phương pháp] tuyến tính đòi hỏi, mỗi hoàn cảnh phải được bầy tỏ một cách toàn diện. Nó không cho phép tôi, thí dụ, "hào phóng" bỏ qua hơn hai chục phút, chỉ vì lý do, nó là một lỗ đen trống hốc, ghê rợn, giống như một nấm mồ tập thể. Hai mươi phút phù du, khi con tầu ghé sân ga trại tù Birkenau – mọi người rời tầu, xếp hàng trình diện viên sĩ quan làm thủ tục chọn lựa con thịt, đưa vô lò thiêu. Hai mươi phút, có khi mau, hoặc lâu hơn, nhưng cuốn tiểu thuyết đòi hỏi, mày đừng tin trí nhớ của mày. Bao nhiêu chứng tích từ những người sống sót, bao nhiêu hồi ức, bao nhiêu lời thú nhận mà tôi đã đọc được, tất cả đều thoả thuận với nhau một điều là, mọi chuyện diễn ra nhanh thoăn thoắt, không có thì giờ chú ý chú iếc gì hết. Cửa tầu bật toang, người la, chó sủa, đàn ông, đàn bà tách ra, và trong cơn túi bụi như thế, con thịt thấy mình đứng trước một viên sĩ quan. Viên sĩ quan liếc mắt một cái, duỗi tay đưa một món đồ gì đó, thế là con thịt thấy mình ở trong một bộ đồ tù.

Tôi nhớ hai mươi phút phù du này có khác. Trong khi tìm kiếm những nguồn tài liệu đích thực, tôi bắt đầu bằng cách đọc Tadeusz Borowski. Những câu chuyện kể của ông sáng sủa, độc địa, theo kiểu mình hành hạ mình, trong số đó có truyện ngắn  "Này Ông, này Bà, đường này tới Lò Thiêu". Sau đó, tôi có được một chuỗi hình ảnh, những toa tầu chở người tới sân ga Birkenau – do một người lính SS chụp, và những binh sĩ Hoa Kỳ đã tìm thấy ở một khu do đám SS trú đóng trước đó, trong trại tù Dachau đã được giải phóng. Tôi nhìn những bức hình, và cứ ngớ người ra: những khuôn mặt đàn bà tươi cười, đáng yêu vô chừng, những ánh mắt sáng ngời của những thanh thiếu niên nam nữ, tất cả đều tỏ ra đầy thiện chí, sẵn sàng, nếu không muốn nói là hồ hởi hợp tác. Bấy giờ, tôi hiểu ra, lý do tại làm sao, hai mươi phút phù du đã hoàn toàn đi vào quên lãng, không còn ở trong trí nhớ của mọi người. Và khi nghĩ rằng, mọi chuyện như thế cứ thế lập đi lập lại, ngày này qua ngày nọ, tuần này qua tuần kia, tháng này qua tháng tới, trong nhiều năm trời ròng rã, tôi nhận ra sự vận hành, hay cơ chế (mechanism), của sự khủng khiếp, ghê rợn. Tôi hiểu ra được, không phải bất khả, cái chuyện làm cho bản chất con người chống lại con người, chống lại cuộc đời của chính người đó.

Từng bước từng bước, tôi mò mẫm trên con đường độc đạo, tuyến tính - vì bạn không thể bỏ qua hố đen, khoảng trống như đã nói ở trên. Bạn có thể coi, đây là phương pháp phát hiện (heuristic method) của tôi. Chẳng mấy chốc, tôi nhận ra, một khi mầy mò trên con đường của sự khám phá, phát hiện như thế, tôi không quan tâm đến chuyện viết cho ai, tại sao viết, nhưng mà là một câu hỏi, một ray rứt đúng hơn: Hà cớ gì mà còn ôm lấy nó: văn chương? Bởi vì rõ ràng là, có một đường ranh không thể vượt qua, chia cách tôi, với văn chương và những lý tưởng của nó, với cái gọi là tinh thần văn học; và đường ranh này – như biết bao điều khác nữa - có tên là Lò Thiêu. Khi viết về Lò Thiêu, chúng ta phải hiểu rằng, ít nhất, về một nghĩa nào đó, nó treo lửng văn chương. Người ta chỉ có thể viết một cuốn tiểu thuyết đen, về Lò Thiêu, hay là – xin bạn tha lỗi cho hình ảnh mà tôi dùng ở đây – chỉ có thể viết một thứ tiểu thuyết fơi ơ tông, bắt đầu bằng Lò Thiêu, nhưng vẫn chưa chấm dứt, chưa ngã ngũ ra làm sao cả, và cứ thế kéo dài cho tới tận những ngày này của chúng ta. Bằng cách ví von đó, tôi muốn nói: chẳng có gì xẩy ra kể từ Lò Thiêu, theo nghĩa: chẳng có gì có thể đảo ngược nó, thay đen đổi trắng cho nó, hoặc làm cho nó biến mất, triệt tiêu, xóa sạch, chẳng có gì có thể biện minh, phản bác cho nó. Trong những gì tôi viết ra, Lò Thiêu không hề bao giờ được nhắc tới, ở trong thì quá khứ, như là một chuyện đã qua.

Người ta nói về tôi – có cả sự khen ngợi ở trong đó – rằng ông ta chỉ lải nhải, có một đề tài: Lò Thiêu. Tôi chẳng dám lời qua tiếng lại với một nhận xét như thế. Tại sao tôi không chấp nhận - nhưng cũng phải ý tứ một chút, lẽ tất nhiên! - kiếm một chỗ cho mình, trên giá sách trong thư viện? Có nhà văn nào bây giờ mà chẳng là nhà văn của Lò Thiêu? Tôi muốn nói, đâu cần thiết phải chọn đích danh Lò Thiêu để tách bạch ra được, thứ tiếng nói rã rệu, bể nát, hằn lên nghệ thuật Âu Châu bao chục năm nay. Có thể tôi hơi quá, khi cho rằng, chẳng thể có một thứ nghệ thuật chính hiệu nào mà không ôm lấy nó, mà không suy tưởng về "vết rạn" (break) này. Như thể, sau khi trải qua một đêm với những giấc mơ khủng khiếp, con người nhìn ra thế giới quanh mình, cảm thấy mình tàn mạt, thảm thương, và chẳng còn trông mong vào đâu được nữa. Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ, hãy gói trọn những câu hỏi liên quan tới Lò Thiêu, như là xung đột không thể nào giải quyết được giữa người Đức và người Do Thái. Tôi chưa bao giờ tin rằng nó là chương chót, trong câu chuyện mang tính lịch sử về những khổ đau của người Do Thái, vốn nối tiếp nhau, từ những ngày đầu của dân tộc này. Tôi chẳng hề coi nó là một tai nạn trật đường rầy một-lần, bất thình lình, của lịch sử, một vụ làm cỏ trên một bình diện lớn, rộng, như một tiền điều kiện, và từ đó, quốc gia Israel được hình thành. Điều mà tôi khám phá ra, từ Lò Thiêu, là phận người, là điểm tận cùng của một cuộc phiêu lưu lớn, điểm tới sau cùng của một lữ khách Âu Châu, với tuổi đời là hai ngàn năm, về đạo đức và văn hóa.

Bây giờ chỉ còn một bận tâm, là làm sao đi tiếp, kể từ đó. Vấn đề Lò Thiêu không phải là, hoặc coi trọng hoặc không; hoặc nhớ hoài, hoặc ném vào ngăn kéo, vào lỗ hổng thích hợp, của lịch sử; nên hoặc không nên xây dựng đài tưởng niệm hàng triệu con người bị sát hại, và một đài tưởng niệm như vậy, nó sẽ phải như thế nào. Vấn đề thực sự của Lò Thiêu là NÓ ĐÃ XẨY RA, và, hoặc thiện chí, hoặc ác chí, thì cũng vô phương không làm sao thay đổi được. Nhà thơ Ca tô giáo người Hungary, János Pilinszky, đã diễn tả một cách cực kỳ chính xác, tình huống nặng nề nhất trong mọi tình huống, khi ông gọi nó bằng cái tên: một vụ "xì căng đan". Gọi như thế, ông muốn nói thẳng ra rằng, Lò Thiêu xẩy ra trong một môi trường văn hoá Thiên Chúa giáo, và nó mở ra một vết thương toác hoác, ở một cái đầu luôn âu lo về những vấn đề có tính siêu hình.

Những lời nói tiên tri cổ xưa đã nói tới một cái chết của Thượng Đế. Kể từ Lò Thiêu, chúng ta lại càng trở nên trơ trọi hơn, điều này thì đúng quá đi mất. Chúng ta phải sáng tạo ra những giá trị cho chính chúng ta, ngày này qua ngày khác, qua một việc làm có một tí đạo hạnh, nhưng thật là vô hình, chẳng thể nào nhận ra; và việc làm này đem đời sống tới cho những giá trị mà chúng ta tạo nên đó; và biết đâu đấy, sẽ có một ngày nó sẽ là nền tảng tạo dựng một nền văn hoá mới cho Âu Châu. Tôi coi sự kiện Viện Hàn Lâm Thụy Điển lọc tác phẩm của tôi ra, đánh giá nó, rồi trao giải thưởng, như một dấu hiệu cho thấy Âu Châu lại cảm thấy cần thiết, rằng những kẻ sống sót ở Auschwitz, ở Holocaust hãy nhắc nhở nó, về tai kiếp mà họ đã bắt buộc phải hoàn thành. Cho phép tôi nói thẳng ra: tôi coi đây là một dấu hiệu của sự can đảm, và qua đó, còn là một quyết tâm, bởi vì "mình mời nó tới, nhưng không biết nó sẽ nói cái gì đây?", tôi đoán là, trong số các bạn hẳn có những người đã nghĩ như vậy.

Những gì mà con người "mặc khải", từ Giải Pháp Chót [tiêu diệt dân Do Thái], từ "vũ trụ trại cải tạo", là không thể "bị", hay "được" hiểu sai đi, hay hiểu lầm, và chỉ có mỗi một cách để sống còn, và còn giữ được quyền năng, ngọn lửa sáng tạo, đó là, hãy thừa nhận một "điểm không" (zero point), và nó là Auschwitz. Liệu một cái nhìn sáng suốt như thế đó, sẽ đem mầu mỡ đến cho mùa màng nhân loại? Phải như vậy thôi, bởi vì ở dưới đáy của mọi thành quả lớn lao, cho dù được đẻ ra từ những thảm kịch không thể vượt qua, vẫn có một chút gì đó thật đáng trân trọng, của cái gọi là giá trị Âu Châu, và của nỗi quan hoài tự do, thứ bảo vật trân quí mỗi lần chạm tới làm cho cuộc đời chúng ta giầu có, giá trị thêm lên, làm cho chúng ta cảm thấy tự hào về cuộc sống của mình, và cùng lúc, cảm thấy trách nhiệm của từng con người, tức là của tất cả mọi người.

Tôi rất lấy làm hạnh phúc khi được diễn tả những suy nghĩ trên đây bằng tiếng nơi tôi ra đời: tiếng Hung gia lợi. Tôi ra đời tại thành phố Budapest, trong một gia đình Do Thái, quê ngoại gốc gác Kolozsváz (Cluj), thuộc vùng Transylvania, quê nội, mãi phía tây nam miền hồ Lake Balaton. Ông bà tôi vẫn thắp nến, vào mỗi tối thứ Sáu, theo nghi lễ Sabbath, nhưng đổi tên gọi của mình theo tiếng Hungary, và thật tự nhiên, Do Thái giáo là tín ngưỡng, và Hungary là quê hương của họ. Ông bà ngoại của tôi đều mất tại Lò Thiêu, ông bà nội, bị huỷ diệt bởi chính quyền cộng sản của Mátyás Rákosi, khi những người già cả Do Thái bị đẩy tới vùng biên giới phía bắc. Tôi nghĩ một "lý lịch trích ngang" lịch sử gia đình như vậy có thể tóm gọn, và cùng lúc, biểu tượng cho những cơn đau quặn bấy lâu nay, của xứ sở này. Điều mà tôi học được, từ đó, không phải chỉ là cay đắng do đau thương tang tóc, mà còn là một tiềm năng lạ thường về đạo đức. Một lần nữa, là một người Do Thái, với tôi, trước hết và trên hết, là một bổn phận mang tính đạo đức. Nếu Lò Thiêu tạo văn hóa – hiển nhiên không thể khác, như là chúng ta đang thấy – thì cái đích mà văn hoá Lò Thiêu nhắm tới, phải là thực tại, từ đó mọc lên tinh thần sửa sang tạo sự ổn định (the esprit to restoration) – tinh thần "catharsis" (thanh tẩy). Mong ước này là nguồn hứng khởi cho tất tả những gì mà tôi viết.

Sắp cạn lời, vậy mà sao tôi vẫn chưa tìm ra sự thăng bằng, giữa cuộc đời, tác phẩm của tôi, và giải thưởng Nobel. Vào lúc này, tôi cảm thấy một sự tri ân sâu xa – tôi cảm thấy biết ơn sâu xa tình yêu đã cứu vớt tôi, và giúp tôi tiếp tục sống. Nhưng hãy coi lại cái điều này: trong cuộc lữ nhọc nhằn đó, tôi muốn nói, cuộc đời của tôi, "nghề nghiệp" ("career") của tôi, có một cái gì không ổn, phải nói là phi lý. Một điều mà khi nghĩ tới, bắt buộc người ta phải cho rằng tại "số", rằng "tại sao ông trời lại chừa tôi ra", trong khi hàng triệu con người khác không biết ân sủng nghĩa là gì? Cảm giác "được chừa ra" như thế đó, không phải dễ nuốt. Nhưng cứ giả dụ ông trời chừa "mình" ra, thì cũng đành chấp nhận, như cũng đành chấp nhận, "trời kêu ai người nấy dạ", khi "lỡ" thấy mình, trước đội hành quyết, thấy mình chỉ là trò chơi của những sức mạnh phi nhân, hay của những chế độ độc tài ma quỉ.

Tuy nhiên, một điều thật lạ thường đã xẩy ra, đúng thời gian tôi loay hoay với bài nói chuyện này, và một cách nào đó, nó làm cho tôi cảm thấy mình có chút thanh thản. Một bữa, tôi nhận được một phong bì lớn, gửi theo đường bưu điện. Người gửi là Doctor Volkhard Knigge, giám đốc Trung Tâm Tưởng Niệm Buchenwald. Bên trong là một phong bì nhỏ, cộng lời chúc mừng của ông, cộng vài hàng về chiếc phong bì nhỏ, theo kiểu dè chừng, biết đâu, tôi chẳng dám mở nó ra coi cái gì ở bên trong. Bên trong phong bì nhỏ là một bản sao, một trang báo cáo hàng ngày về những tù nhân ở trong trại, và đó là ngày 18 tháng Hai, năm 1945. Trong cột "Abgange", nghĩa là "tổn thất", tôi thấy ghi cái chết của tù nhân mang số 64,921, tên là Imre Kertész, sinh năm 1927, Do Thái, Thợ. Có hai dữ kiện sai, đó là về năm sinh và nghề nghiệp của tôi. Như vậy là khi bị đưa tới Buchenwald,  tôi đã làm cho mình già đi hai tuổi, không được xếp vào loại trẻ con, và một tên thợ coi bộ hữu dụng hơn là một đứa học trò.

Tóm lại là, tôi đã chết, một lần rồi, và như vậy, tôi có thể tiếp tục sống – và có lẽ đó là câu chuyện thực của tôi.Và nếu như vậy, tôi dâng tặng tác phẩm của tôi, nẩy sinh từ cái chết của một đứa trẻ, tới hàng triệu người đã chết, tới những người vẫn còn tưởng nhớ họ. Nhưng, chỉ là chuyện văn chương, nói cho cùng, như chúng ta đang nói về nó, ở đây, có thể tác phẩm của tôi sẽ được dùng vào một việc có ích, nào đó, trong tương lai, và – với một sự mong ước xuất phát tự trái tim – tương lai biết đâu lại chính là cái điều mà tác phẩm của tôi nói tới, dám như vậy lắm! Mỗi lần đụng phải bức tường Lò Thiêu, tôi đều cảm thấy, sau đó, tôi như chạm tới những câu hỏi về sự sống động, sự sáng tạo, của con người đang sống, những ngày như thế này. Do đó, khi nghĩ về Lò Thiêu, là nghĩ, không phải về quá khứ, mà là về tương lai, tôi như đang thấy mình cười, với chính mình, về một ý nghĩ ngược đời như vậy.

(Theo bản dịch tiếng Anh của Ivan Sanders, và bản dịch tiếng Pháp của Natalia và Charles Zaremba. Nhan đề bài diễn văn, là viết theo tiếng Hungary, tiếng kêu sảng khoái của Archimedes, khi khám phá ra luật tỉ trọng: Tôi kiếm thấy nó rồi!)

Jennifer Tran chuyển ngữ.