gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ






Trong Căn Phòng Rưỡi

Gửi L. K.
Joseph Brodsky

 
10

Tôi viết thư nhà này bằng tiếng Anh, bởi vì tôi mong cha mẹ tôi được hưởng một chút tự do, một chút tự do này, rộng hẹp ra sao, là còn tuỳ thuộc vào con số những người muốn, hoặc thích đọc thư nhà này. Tôi muốn ba má tôi, Maria Volpet và Alexander Brodsky, có được thực tại dưới “qui tắc ngôn ngữ ngoại về lương tâm”  [a “foreign code of conscience”]. Tôi muốn, những động từ tiếng Anh, về sự chuyển động, diễn tả những chuyển động của hai cụ. Điều này không làm cho hai cụ sống lại, nhưng văn phạm tiếng Anh ít ra cũng chứng tỏ được một điều, đó là con đường giải thoát tốt đẹp hơn, từ những ống khói lò hỏa táng của nhà nước, so với văn phạm tiếng Nga. Viết về họ bằng tiếng Nga chỉ có nghĩa kéo dài thêm sự giam cầm của họ, đẩy họ vào sự vô nghĩa, vô lý, do cái việc hư vô hóa một cách máy móc kia. Tôi biết, không nên đánh đồng nhà nước với ngôn ngữ, nhưng chính là xuất phát từ thứ tiếng Nga đó, mà hai người già cả, đã mò mẫm hết cơ quan này tới cơ quan kia, hết ông cán này tới ông cán khác, với hy vọng có được tờ giấy phép đi ra nước ngoài để thăm đứa con trai độc nhất của họ, trước khi họ chết, và liên tiếp được trả lời, trong mười hai năm trời ròng rã, là nhà nước coi một tờ giấy phép như thế, là “không thích hợp, không có mục đích” [“unpurposeful”]. Chỉ nội chuyện đó không thôi, sự lập đi  lập lại một “lời phán” khốn nạn như thế, nó chứng tỏ một sự quen thuộc nào đó, của nhà nước, với tiếng Nga. Ngoài ra, ngay cả chuyện, nếu tôi viết tất cả, bằng tiếng Nga, những từ này cũng chẳng mong chi có một ngày đẹp trời của nó, nhìn thấy ánh sáng mặt trời, dưới bầu trời Nga. Ai sẽ đọc chúng? Một dúm di dân Nga mà cha mẹ của họ, đã chết, hoặc sẽ chết, dưới những hoàn cảnh tương tự? Họ, chính họ, hiểu rõ chuyện này hơn ai hết. Họ hiểu, cái cảm tưởng đó là như thế nào, khi không được phép nhìn mẹ cha của họ, khi ông hay bà nằm trên giường chờ chết; sự im lặng tiếp theo yêu cầu của họ, về một giấy nhập cảnh khẩn cấp, để dự đám tang của người thân. Và rồi thì, mọi chuyện đều quá trễ, và người đàn ông, hoặc đàn bà đặt chiếc ống nghe điện thoại xuống, bước ra khỏi một cánh cửa, bước vào một buổi chiều ở nước ngoài, cảm thấy một điều mà chẳng ngôn ngữ nào có từ ngữ để diễn tả, và dù có la, rú, hét, khóc than cỡ nào cũng vô ích… Tôi sẽ phải nói với những người đó điều gì? Bằng cách chi, tôi có thể an ủi họ? Chẳng có một xứ sở nào làm bố một xứ sở như là nước Nga, trong nghệ thuật huỷ diệt tâm hồn những con người như trên đây. Và chẳng có một cá nhân người viết nào, với cây viết ở trong tay, lại có thể làm lành lặn những tâm hồn đó; không, chỉ có Trời, Phật, Thần Thánh mới có thể làm được điều này. Chính là vì lý do đó, mà Đấng Thiêng Liêng kia mới có mặt trong suốt Thời Gian Của Người. Cầu Trời cho tiếng Anh là nhà cho cái chết của tôi. Trong tiếng Nga, tôi được sửa soạn để đọc, viết những dòng thơ, hay lá thư. Tuy nhiên, với cha mẹ tôi, Maria Volpert và Alexander Brodsky, tiếng Anh mới là thứ tiếng dâng hiến cho họ một dáng vẻ đẹp hơn, về một đời sau, và có lẽ cũng chỉ có nó, trừ của tôi ra. Và nếu nói về thứ ngôn ngữ thứ nhì tức tiếng Anh, viết bằng thứ tiếng này thì cũng giống như đang làm cái công việc rửa chén dĩa, rất tốt cho sức khỏe, như mẹ tôi đã mừng rỡ khi biết thằng con của bà vừa rửa một mớ chén dĩa xong, là bèn gọi điện thoại cho mẹ liền!

11

Cha tôi là ký giả - nhiếp ảnh viên nhật báo, chính xác là vậy - mặc dù ông cũng viết báo nữa. Ông viết chủ yếu cho những tờ báo nhỏ, và như thế, chúng chẳng hề được đọc, và hầu hết bắt đầu bằng những dòng “Những đám mây bão nặng nề trên vòm trời biển Baltic…”, ông tin rằng, mở ra bằng một tin tức thời tiết như thế sẽ khiến cho người đọc cho rằng đây là một cái tin đáng đọc, đáng tin cậy. Ông có hai cái bằng, một về địa dư, của Đại học Leningrad, và một, báo chí, của Trường Báo Chí Đỏ [School of Red Journalism]. Ông học môn thứ nhì, sau khi biết rằng, những cơ may đi du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài, kể như tiêu: là một người Do Thái, con trai một người chủ tiệm in, lại không phải là Đảng viên, thôi đừng mơ những chuyện hão huyền đó nữa nhé, ông đành nói với mình như vậy. 

Báo chí [tới một mức nào đó] và chiến tranh [cơ bản] tạo được sự cân bằng, làm mất đi sự bất công kể trên. Hai chân ông phủ lên một phần sáu bề mặt trái đất [đây là định nghĩa tiêu chuẩn bề mặt lãnh thổ Liên Bang Xô Viết], và không nhỏ, những sông ngòi, biển cả. Mặc dù thuộc Hải Quân, chiến tranh khởi sự đối với ông, là vào năm 1940, ở Phần Lan, và chấm dứt vào năm 1948, tại Trung Hoa, nơi ông được phái tới, cùng với một nhóm cố vấn nhà binh để giúp đỡ me-xừ Mao trong những cuộc tấn công nổi dậy của ông ta, và chính từ đất nước này, mà chúng tôi có được hai ngư ông người Tầu bằng sành, và bộ đồ ăn Trung Hoa mà mẹ tôi muốn chuyển giao cho tôi, khi tôi lấy vợ. Giữa thời gian đó, ông còn hộ tống Allies’ PQ tại biển Barents Sea, chống giữ và sau đó thất thủ Sevastopol tại Biển Đen, gia nhập – sau khi pháo thuyền của ông bị chìm – đơn vị Thuỷ Quân, Marines, như khi đó gọi vậy. Trong thời gian thành phố Leningrad bị vây hãm, ông được phái tới tiền phương mặt trận Leningrad, chụp những tấm hình thật là đẹp, như tôi đã từng được nhìn thấy, khi được in ra, về thành phố bị vây hãm, và sau đó, ông tham dự cuộc giải vây, [phần này của cuộc chiến, theo như tôi tin tưởng, là phần ảnh hưởng sâu đậm nhất tới ông, vì nó quá gần với gia đình của ông, tới nhà của ông. Nhưng, nếu nói về những gì gần gụi ông nhất, thì ông đã mất căn phòng của ông, người chị/em độc nhất của ông: vì bom, và vì chết đói]. Sau đó, ông được phái trở lại vùng Biển Đen, đổ xuống khu vực tệ hại là Malaya Zemlya, chống giữ nó; rồi thì, khi mặt trận chuyển về hướng Tây, đi theo đơn vị pháo thuyền đầu tiên tới Rumania, đổ quân tại đây, và, trong một thời gian ngắn, là vị toàn quyền nhà binh của Constanza. “Chúng tôi đã giải phóng Rumania”, đôi lúc, ông hào sảng về mình như vậy, và có khi còn hảo sảng thêm một chút nữa, nghĩa là nói về những lần gặp gỡ giữa ông với nhà vua King Michael. Đó là ông vua độc nhất mà ông đã từng gặp; còn Mao, Tưởng Giới Thạch, không nói tới Stalin, ông chỉ coi là những tên tiếm ngôi, soán nghịch.

12

Chuyến đi Tầu của cha tôi, cho dù là vì một công chuyện tinh ma quỉ quái gì gì đi chăng nữa, thì chỉ có căn nhà kho nhỏ bé, mấy chiếc tủ, và mấy tường nhà, được hưởng lợi. Những nghệ phẩm lần sau chót được đem ra trình diễn, đều là từ Trung Hoa: mấy bức tranh bần, mầu nước, những cây kiếm của mấy ông samurai, những bức màn nhỏ bằng lụa. Hai ông ngư ông lúc nào cũng như có chút men ở trong người, là những nhân vật cuối cùng xuất hiện trong đám cư dân bằng sành, gốm, những con búp bế, và những con chim cánh cụt đội nón, chúng dần dần biến mất, nạn nhân của những cử chỉ cẩu thả, hơi mạnh tay, hoặc là phải nhường chỗ cho những món quà sinh nhật của bà con chú bác. Cũng biến đi chỗ khác cho được việc, là những cây kiếm, chúng đành phải đầu hàng mấy tay thu gom của nhà nước, lý do là, những khí giới nguy hiểm như thế không phải thứ thường dân có thể nghịch ngợm, táy máy! Chơi dao có ngày đứt tay: Đúng là một lời khuyên bảo hữu lý, nhất là lúc sau này, thằng con trai độc nhất của hai cụ khiến đám công an tới Căn Phòng Rưỡi của chúng tôi, để hỏi thăm sức khoẻ của hai cụ hơi nhiều! Còn bộ đồ ăn bằng sứ Trung Hoa, cái này thì thật kỳ, tôi muốn nói sự biến mất của chúng, nhưng bà mẹ của tôi không muốn nhìn, không muốn nghe thấy nói tới, dù chỉ một cái dĩa kiểu, ở trên bàn ăn “của chúng tôi”: “Những thứ của quí đó đâu để cho những con người nhếch nhác”. Cụ sẽ nhẫn nại vô cùng, khi giải thích cho chúng tôi. “Mà mấy người thì thật là nhếch nhác. Quá nhếch nhác!”. Vả chăng, những chén dĩa mà chúng tôi đang dùng thì cũng lịch sự chán. Quá lịch sự là đằng khác. Mà lại rất ư là cứng cáp, khoẻ mạnh, không mảnh khảnh, làm dáng như ba thứ đồ Tầu, đồ Sứ!

Tôi còn nhớ, một buổi tối âm u, lạnh lẽo, vào tháng Chạp năm 1948, trong căn phòng nhỏ, mười sáu mét vuông, nơi mẹ tôi và tôi sống, trong và sau khi chiến tranh chấm dứt. Buổi chiều hôm đó, Cha tôi từ Trung Hoa về. Tôi nghe tiếng chuông cửa, mẹ tôi và tôi chạy ra trước cửa, chỗ đèn sáng mờ mờ bỗng như tối hẳn đi với những bộ đồng phục Hải quân: cha tôi, bạn của cha tôi, và đồng ngũ, Đại Uý F.M., và một nhóm quân nhân đi vô hành lang, khiêng ba cái thùng lớn, có móc cài của người Trung Hoa, bốn phiá chung quanh trang trí những chữ Trung Hoa giống như những con bạch tuộc khổng lồ. Và sau đó, Đại Uý F.M. và tôi ngồi ở bàn, trong lúc cha tôi mở mấy chiếc thùng, và mẹ tôi, trong chiếc áo dài bằng nhiễu Trung Hoa mầu vàng hường, vừa vỗ tay vừa la lên, “Ach, oh wunderbar!”, bằng tiếng Đức, thứ tiếng thời thơ ấu của bà tại Latvia, và thứ tiếng hiện bà đang sử dụng, vì bà làm thông ngôn trong một trại tù binh chiến tranh người Đức. Và Đại Uý F.M., một người đàn ông cao, thon, rắn chắc trong bộ đồ quân phục xanh đậm, không cài nút, tự rót cho mình một ly từ cái bình rượu, và nháy mắt với tôi, như với một người lớn. Những chiếc thắt lưng lỉnh kỉnh ba cái móc neo, ba cái bao súng ngắn thì được để trên thành cửa số. Chiến tranh hết rồi, bây giờ là hoà bình. Tôi thì còn nhỏ quá, để mà nháy mắt đáp lại ông Đại Uý.

13

Bây giờ, tuổi ở vào đúng tuổi của cha tôi, buổi chiều tháng Chạp năm đó: Tôi bốn muơi lăm tuổi, và tôi lại nhìn thấy khung cảnh bữa đó, thật là rõ ràng đến không thể tin được, cứ như thể nó đang xẩy ra trước mắt tôi, mặc dù tất cả những người ở trong khung cảnh đó thì đều đã chết, trừ tôi ra. Tôi nhìn thấy cảnh đó quá rõ, quá thật đến nỗi tôi có thể, và bèn nháy mắt lại với Đại Uý F.M…. Nhưng làm như thế, là có nghĩa gì? Giữa hai cái nháy mắt, cách nhau gần bốn chục năm, liệu có một ý nghĩa, và ý nghĩa này, nó chừa tôi ra, nó tránh né tôi? Liệu, đời sống là như vậy đó? Nếu không phải như vậy, thì tại sao có sự rõ ràng đó? Rõ ràng như vậy, là để làm gì? Câu trả lời độc nhất đối với tôi,là: Rằng, cái giây phút đó, khung cảnh đó hiện hữu, rằng, không thể nào quên được, cho dù những diễn viên đã bỏ đi, kể cả chính tôi. Chỉ bằng cách như vậy bạn mới thực sự hiểu ra được điều quí giá biết là chừng nào này: chiến tranh hết rồi, và bây giờ hòa bình tới. Nó tới, và nó lừng lững đi vào trong một gia đình, là gia đình tôi. Cũng cùng một “dấu ấn” như vậy, bạn sẽ hiểu ra được những giây phút, những thời điểm, rằng chúng “có đó”. Hãy kể ra này: Sự trở về, từ chiến trường, của một ông bố, sự mở ra, một cái thùng, mang từ Trung Hoa về. Chính vì thế mà nó rõ ràng, nó hiển hiện, như vừa xẩy ra, như đang xẩy ra. Hay là, biết đâu đấy, có khi chỉ vì bạn là con trai của một ông bố nhiếp ảnh viên, và cái hồi ức của bạn, nó mở ra, giản dị như một cuộn, một thước phim. Chụp với hai con mắt, với tầm nhắm, của chính bạn, hầu như từ bốn chục năm về trước. Chính vì vậy, cho nên bạn mới không thể nháy mắt đáp lại, vào lúc đó.
còn tiếp

NQT dịch

tanvien.net