*

Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ





Trí Tuệ và Những Bông Hồng

Trong Tản Mạn về Phim và Những ngày ở Sài Gòn, nhân thiên hạ đang bàn về cuốn phim Mê Thảo, từ Chùa Đàn của Nguyễn Tuân mà ra, tôi có “liều lĩnh” coi Chùa Đàn, gồm ba phần, mang trong nó thai đố mà con nhân sư đã đặt ra cho Oedipe: con vật nào buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa hai, buổi chiều ba.
Thật thú vị, mới đây thôi, đọc Adam Zagajewski trong bài tưởng niệm nhà thơ Milosz vừa mới mất trên tờ Điểm Sách Nữu Ước, số đề ngày 23 tháng Chín 2004, Trí Tuệ và Bông Hồng, ông cũng coi cuộc đời của Milosz gồm ba giai đoạn, có thể coi như câu trả lời cho thai đố mà con nhân sư đặt ra cho thế kỷ 20. 


Tưởng Niệm Czeslaw Milosz [1911-2004]
Trí Tuệ và Những Bông Hồng
Adam Zagajewski 

Bài tiểu luận sau đây được viết như là bài điểm tập thơ “This” [Cái này, đây này…], bản tiếng Ba Lan, xuất bản năm 2000. Bài thơ nhan đề “This”, bản tiếng Anh, có trong Tuyển Tập Thơ, New and Collected Poems: 1931 – 2001, xb năm 2001. Bài tiểu luận sẽ có trong cuốn A Defence of Ardor [Bảo Vệ với Nhiệt Tình], nhà xb Farrar, Strauss and Giroux phát hành vào Tháng Mười, 2004.
Điểm Sách Nữu Ước.

“Một tay chạy 100 mét, tại vận động trường Olympic, trước muôn vàn khán giả, từ điểm xuất phát, anh ta bật lên, dán mình vào đường chạy, mắt nhìn đích phía trước, như muốn nuốt chửng lấy nó. Tới nửa cuộc đua, anh ta bật thẳng người, như ngọn núi Mont Blanc, và khi gần tới điểm tới, anh quay người nhìn lại, không phải chỉ vì mệt, nhưng mà còn để chime ngưỡng sự cân xứng ẩn giấu của vũ trụ. Đây chính là hình ảnh về cõi thơ của Milosz. Vào những năm đầu đời, những tiếng thơ thầm thì đáng yêu của ông đọc ra những bí ẩn của những thế giới và những ngọn lửa, những tai ương kỳ tuyệt. Tới lúc trưởng thành, ông quan sát, ngợi ca, và chỉ trích thế giới thực, thế giới của lịch sử và của tự nhiên, và tới những năm thuộc giai đoạn chót của cuộc đời, ông trở nên ngoan ngoãn tuân theo những đòi hỏi của hồi ức, vừa riêng tư, vừa siêu riêng tư [suprapersonal].
Lẽ dĩ nhiên ông đâu phải là tay chạy 100 mét, mà là một người đã đạt tới tuổi chín mươi, một tay chạy đường dài, không mệt mỏi. Tác phẩm “This” của ông là một trong những thành quả lớn lao mà ông đã đạt được. Và vận động trường kia thì thường là trống vắng một cách đau thương, hay đầy những khán giả mặt hầm hầm thù hận hay ra vẻ nhạo báng; người vận động viên cũng có phần của nỗi cô đơn của mình ở trong đó. Trả lời cho thai đố của con nhân sư đặt ra cho Oedipe, chính là sự tiến hóa của cõi thơ Milosz, qua ba dáng đứng, lúc khởi đầu, giữa cuộc đua, và khi tới đích.
Stendhal có nói, văn chương là nghệ thuật của sự sàng lọc, tuyển chọn, kể từ khi mà nó được trao cho trách nhiệm “hãy để qua một bên”, nghĩa là hãy lọc ra, những rác rưởi. Widekind cũng nói một điều tương tự như vậy, và chắc là còn nhiều người nữa, đặc biệt là những nhà hiện đại, the modernists. Tác phẩm của Czeslaw Milosz hình như là đuợc tạo thành, từ một nguyên lý đối nghịch hẳn với cái ở trên: Đừng bỏ gì hết!  Không phải theo nghĩa dập xóa, thêm bớt, khi tác phẩm còn đang ở trong dạng bản thảo - bởi vì hiển nhiên làm sao có tác phẩm nếu không có đắn đo lựa chọn, gạch xóa - nhưng mà là theo nghĩa “chính trị mang chất thơ” [poetic politics] của Milosz, vốn đã được nhiều người cảm nhận. Muốn hiểu rõ thêm, bạn chỉ cần mở ra một tác phẩm có tính tự thuật, Cõi Quê, Native Realm [1958], Cầm Tưởng, Captive Mind [1953], hay bất kỳ một tập thơ nào của ông.
Trong Native Realm chúng ta thấy có những chương về lịch sử, và luôn cả, kinh tế, như thể Milosz muốn nói, tôi sẽ chỉ ra cho bạn thấy, là, thơ có thể được làm từ không-thơ [nonpoetry], là, tứ thơ mạnh là nhờ được nuôi dưỡng tẩm bổ bởi những thức ăn của trần gian, chứ không phải do chúi mãi vào vùng nội tại, cõi riêng tư. Không bay bổng, cũng không “bỏ chạy” như là Đảng buộc tội, nhưng thẩm thấu, đó là phương pháp của Milosz. Không thẩm thấu khô khan nghèo nàn [sterile], giống như người ta tiêm nước biển ở bệnh viện, không khách quan, không bắt chước – ngươi ta làm thì mình cũng làm như vậy. Nhưng đây là một phương pháp thẩm thấu cá nhân, và theo một nghĩa nào đó, nó mang tính đạo hạnh, tới mức có thể coi đây là một phương pháp tu thân, tu đạo, bởi vì thơ là nhắm tới hiểu cái không thể hiểu, một phương pháp tri hành mà tôi muốn gọi là “nhân văn, nhân bản” [humanistic], nhưng từ này đã bị người đời quá lạm dụng ở trong những sảnh đường đại học, nên nó đã bị tổn thương, hư hại.
 Đặc biệt hơn, Milosz nhắm tới chuyện, không loại bỏ đối nghịch, xung đột. Những tài năng kém cỏi hơn thường chọn và phát triển khuynh hướng trùm chăn, hay mũ ni che tai, hay sên chui vào vỏ, để trốn tránh những luồng gió trái nghịch, những tư tưởng đối đầu, và ở trong túp lều, trong vỏ sò, họ sáng tạo những bài thơ nho nhỏ, những tiểu phẩm. Vừa như là một nhà thơ, vừa như là một nhà tư tưởng, Milosz can đảm ôm trọn cả một cánh đồng, một môi trường để thử nghiệm chính mình, chống lại những kẻ thù, như thể ông tự nói với chính ông, ta sẽ sống sót thời của ta, bằng cách nuốt trọn lấy nó, tiêu huỷ nó ở trong ta, thẩm thấu nó, coi nó như là một món ăn mầu mỡ, [để nuôi mình và nuôi thơ]. Tuy nhiên, những kẻ thù đó, thường xuyên tấn công ông, vào những lúc không chờ nhất, chẳng đợi nhất. Và chàng sinh viên ở Đại học Wilno chẳng thể nào tưởng tượng ra được, biết bao trở ngại mà anh ta phải hiểu ra, chấp nhận, và vượt qua, biết bao lần thấy mình kề cận bên cái chết, sự câm lặng, và tuyệt vọng, chán chường…

****

 Ông là nhà thơ của thông minh lớn và tuyệt cảm lớn [a poet of ‘great intelligence and great ecstasy’]; thơ của ông sẽ không thể sống sót nếu thiếu hai món này. Thiếu thông minh, là sẽ rớt vào trò cãi tay đôi với một trong những đối thủ này nọ, rồi cứ thế mà tủn mủn, tàn tạ đi [bởi vì, những con quỉ của thế kỷ 20 này, chúng đâu có thiếu khả năng biện chứng, chẳng những thế, chúng còn tự hào về những “biện chứng pháp” duy này duy nọ…]. Thiếu tuyệt cảm, làm sao vươn tới được những  ngọn đỉnh trời? Thiếu nó, là sẽ chỉ suốt đời làm một anh ký giả tuyệt vời! Ông tự gọi mình là một tay bi quan tuyệt cảm [ecstatic pessimist], nhưng chúng ta cũng sẽ vấp vào những hòn đảo nho nhỏ của sự tuyệt cảm mà  Bergson coi đây là dấu hiệu khi chạm tới được một sự thực nội tại.
 Vào thời đại của Beckett, một nhà văn lớn lao, dí dỏm, và cũng rất ư là sầu muộn, Milosz bảo vệ chiều hướng tông giáo của kinh nghiệm của chúng ta, bảo vệ quyền được vuơn tới cõi vô cùng của chúng ta. Bức điện tín của Nietzsche, thông báo cho những con người ở Âu Châu, rằng Thượng Đế đã chết, bức điện đã tới tay Milosz, nhưng ông không từ chối ký nhận, và cứ thế gửi trả cho người gửi.
Tôi không tin tưởng, rằng Milosz – như ông thường gọi mình như vậy – là một tay Manichaean. Về tất cả những chuyện này, tuy nhiên, tôi nhìn thấy ở trong thơ ông, một sự gần gụi rất đặc thù, mà cũng rất hứng khởi, giữa tư tưởng và hình ảnh, giữa tranh luận và nhiệt tình, giữa thiên nhiên vùng California và ý thức hệ của thế kỷ 20, giữa quan sát và giao giảng sự thực.
Milosz cũng còn là một nhà thơ chính trị lớn: những gì ông viết ra về sự huỷ diệt những người Do Thái, sẽ còn hoài, và không chỉ còn hoài ở trong những tài liệu, những tuyển tập dành cho sinh viên. Trong những năm thê thảm nhất của chủ nghĩa Stalin những sinh viên đọc Luận về Đạo Đức, Cách Ở Đời của ông [Treatise on Morals, 1948], giống như một triết gia La Mã, Boethius, của những ngày này. Ông không im tiếng, khi xẩy ra phong trào bài Do Thái vào năm 1968, đây đúng là một nỗi nhục cho báo chí Ba Lan, và một số người thuộc tầng lớp trí thức. Sự hiện hữu của những từ ngữ trong sạch của Milosz, đã và sẽ luôn luôn vẫn là một ân huệ, một lợi ích, cho độc giả Ba Lan, kiệt quệ vì sự tàn bạo của chủ nghĩa Stalin, tả tơi sau thời gian dài sống dưới sự thử thách của chủ nghĩa Cộng Sản, sự lỗ mãng thô bỉ của [cái gọi là] nền dân chủ của Nhân Dân. Nhưng có lẽ, ý nghĩa sâu xa nhất của thái độ chính trị của Milosz thì nằm ở một nơi nào đó; theo gót những bước chân của Simone Weil vĩ đại, ông mở ra cho mình một kiểu suy nghĩ, nối liền đam mê siêu hình với sự nhủ lòng, trước số phận của một con người bình thường. Và còn điều này, trong một thế kỷ mà những nhà tư tưởng tông giáo và những nhà văn thường được coi thuộc cánh hữu [thí dụ như Eliot], trong khi những nhà hoạt động xã hội bị thường bị coi là vô thần, một khuôn mẫu như là Milosz có một ý nghĩa thật là lớn lao, và sẽ tiếp tục phục vụ chúng ta rất nhiều trong tương lai.
Khi tôi còn là một sinh viên ở Krakow, vào cuối thập niên 1960, những tác phẩm của Milosz  - những tác phẩm của một nhà thơ di dân Ba Lan mà giới tự điển bách khoa định nghĩa là, một kẻ thù của Nhân Dân Ba Lan - bị cấm. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng mưu này, cách nọ, bạn có thể sờ được những cuốn trên giá sách có những dòng ghi chú như là “Res” [Dành Riêng, Reserved]. Khi đọc tác phẩm của ông, tôi bị chấn động, về một điều gì đó thật khó xác định, khó gọi tên [ngay cả cơ cấu học, rất ư là có ảnh hưởng vào thời kỳ đó, cũng không thể áp dụng vào trường hợp của Milosz hoặc đưa ra được bất cứ một điều gì], sự nở rộng về trí thức của nó, sự thoáng đãng, rộng rãi của không gian, môi trường. Milosz, giống như Cavafy hay Auden, thuộc dòng những thi sĩ mà thơ ca của họ dậy lên mùi hương của trí tuệ chứ không phải mùi hương của những bông hồng.
 Nhưng Milosz hiểu từ trí tuệ, reason, intellect, theo nghĩa thời trung cổ, có thể nói, theo nghĩa “Thomistic” [nói theo kiểu ẩn dụ, lẽ dĩ nhiên]. Điều này có nghĩa là, ông hiểu nó theo một đường hướng trước khi xẩy ra cuộc chia ly đoạn tuyệt lớn, nó cắt ra, một bên là, sự thông minh, trí tuệ của những nhà duy lý, còn bên kia là của sự tưởng tượng, và sự thông minh, trí tuệ của những nghệ sĩ, những người không thường xuyên tìm sự trú ẩn ở trong sự phi lý, irrationality. Hàn gắn sự chia cắt? Liệu được chăng ? Đây là một trong những dự án không tưởng của Milosz, tham vọng của một nhà văn mà bản thân mình đã từng chiến đấu với không biết bao nhiêu là những không tưởng khác. Thật khó mà coi ông như là một tay bảo thủ cổ điển, tuy nhiên, đây còn là một con người thương tiếc cho sự sa sút, thoái trào của văn hóa của thời chúng ta, than van cho cuộc ly dị giữa hai dạng trí tuệ, thông minh. Ông quá bận rộn, tả xung hữu đột trong cái việc làm 'giao lưu, hòa giải', làm mới lại cuộc hôn phối giữa hai dạng thông minh kể trên. Trong một tiểu luận nho nhỏ, nhan đề là "Điều tôi học được từ Jeanne Hersch", trong tập tác phẩm "This", chúng ta tìm được một đòi hỏi đáng yêu sau đây: "Trí tuệ đó là món quà tặng của Thượng Đế, và chúng ta nên tin vào khả năng của nó, trong việc cảm thông thế giới". Hiển nhiên là, "trí tuệ đó" đâu có mắc mớ gì tới tư tưởng cẩn trọng [the cautious idea] được sử dụng bởi những triết gia của ngày hôm nay.
Trong cùng bài thơ, Milosz còn nói: "Thái độ đúng đắn nhất đối với đồng loại, là kính trọng, và chúng ta phải tránh xa chuyện đồng hành với những người hạ thấp kẻ khác với sự thô bỉ, cộc cằn, và ca ngợi hư vô." Không ai có thể xa lánh chuyện đồng hành với những cuốn sách của Czeslaw Milosz .

Clare Cavanagh dịch từ tiếng Ba Lan
Điểm Sách Nữu Ước số đề ngày 23 tháng Chín, 2004
NQT  chuyển qua tiếng Việt.