*





Tản mạn


    Tôi vừa 17 vào năm 1956, đã vào Sài Gòn sống được hơn một năm, đang đi học, đang làm quen với một thế giới khác qua giọng nói đầy phương ngữ, qua những món ăn chưa thấy bao giờ, qua cách sống dung dị với tờ giấy bạc xé đôi khi cần tiêu một nửa…Và, nhất là qua một bối cảnh lịch sử đang dường như thiếu thời gian cho sự đòi hỏi một vận động triệt để: cuộc chiến tranh chống Pháp đang loay hoay một cách lý giải tại đô thị miền Nam. Và với một đứa bé có chút máu mê văn chương thì đó còn là bắt đầu một quá trình làm quen với những “luống cày” văn học mà người cày không ai khác hơn là nhóm Tạp chí Sáng Tạo.
     Trên nửa thế kỷ đã đi qua, những biến thiên lịch sử, xã hội mà tôi bị cuốn vào đó đã san lấp ký ức tôi, có thể nói đã một lần phá hủy tôi khi mà sách báo gom góp bao nhiêu năm (trong đó có Sáng Tạo) đã phải nộp để đốt theo lệnh nhà chức trách trong năm 1975. Bây giờ còn gì chăng chỉ là ký ức có phần mòn mỏi nhưng tôi nhất quyết níu lấy nó khi viết bài này thay vì có thể tìm vào một thư viện nào đó…
     Tháng 10 - 1956, Tạp chí Sáng Tạo ra đời tại Sài Gòn như một sự "nổi loạn", một "chất nổ phá đổ cái cũ, tạo dựng cái mới" mà ngay cả hình thức trình bày, ấn loát cũng vậy. Trên Sáng Tạo xuất hiện những tên tuổi chưa một thời xuất hiện như nhà văn tên tuổi, họ từ miền Bắc vào trong cuộc di cư 1954  : Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Quách Thoại, Nguyên Sa…
        Họ tạo dựng cái mới như thế nào? Mai Thảo viết:"Những trào lưu cạn dòng phải nhượng bộ rứt thoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế. [...] Cái vấn đề lớn nhất của chúng ta bây giờ, trước sau vẫn là phải làm sao đoạn tuyệt được hoàn toàn với những ám ảnh và những tàn tích của quá khứ [...]. Công tác chặt đứt với những trói buộc cũ phải được đặt lên hàng đầu ... và thơ bây giờ là thơ tự do”. Thanh Tâm Tuyền định nghĩa nổi loạn: "Nổi loạn là một hành động đòi được gia nhập đời sống: Kẻ nô lệ đòi quyền sống như những người tự do. Như thế nổi loạn là điều kiện sáng tạo." (Những chi tiết này tôi lấy được trên Internet)
     Trên thực tế, Sáng Tạo đặt vấn đề một cách rốt ráo hơn so với Tự Lực Văn Ðoàn những năm 39 – 45. Văn chương không phải công cụ xã hội của âu hóa của một xã hội VN cũ kỹ, mà đã có suy tư là : Có thể có tác phẩm văn học hay không? Có thể có một cuốn tiểu thuyết, một kịch bản, một bài thơ được không? Chữ nghĩa có giá trị gì? Ðặt lại vấn đề viết, viết như thế nào? Lối viết kể chuyện, có cốt truyện, và cả lối viết hiện thực, tả chân kiểu Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng ... đã lỗi thời vì không đạt tới tận cùng tính cách chính xác và xác thực. Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền là một ví dụ về cách viết, cách đặt lại vấn đề viết.
     Tôi cũng tìm được sụ nhất trí với một tác giả viết tern internet: Thổi nguồn gió mới vào thời đại của họ, thay đổi bộ mặt văn học nghệ thuật, Sáng Tạo đã thành công trong việc hiện đại hóa văn học, đem hai dòng mạch lớn của thế kỷ XX vào văn học Việt: Dòng hiện sinh và dòng siêu thực, với những tính chất nền tảng: Hoài nghi và Mộng tưởng.
      Lớp người đọc 16, 17 chúng tôi đến đó bắt đầu biết đến Sartre, Camus, đến dấn thân, đến biện chứng của Sartre…Tôi không quên khi Sáng Tạo đang “vỡ đất” thì Nhất Linh xuống núi và tờ Phong Hóa Ngày Nay của ông tại Sài Gòn nhanh chóng thành tạp chí của..ngày xưa mà không một dòng điếu văn nào cả!
      Sáng Tạo đặt lại vấn đề một cách kinh ngạc cho bọn chúng tôi khi ấy. Tác phẩm văn học có phải chỉ là công cụ, phương tiện thực hiện những luận đề như cả ngàn năm trước kia? Hay nó chính là cứu cánh? Có thể có một cuốn tiểu thuyết, một kịch bản, một bài thơ được không? Chữ nghĩa có giá trị gì? Ðặt lại vấn đề viết . Viết như thế nào? . Tác phẩm không cần kết luận, mà tác phẩm trình bầy một biện chứng, một thẩm mỹ của sự dang dở, mở cửa cho những suy nghĩ khác và sẵn sàng chờ đón những nối tiếp về sau.
     Tác phẩm không còn nhiệm vụ khơi gợi cảm xúc và làm mủi lòng theo nghĩa lãng mạn, mà tác phẩm gây nỗi đau, gây khó chịu bằng nhận thức. Sáng Tạo là một khúc quanh văn chương lớn lao và cũng là khúc quanh gấp.
   Trước nó, văn chương tại chỗ (tôi nghĩ Hồ Biểu Chánh là đại diện) loay hoay những mối tình éo le, mùi mẫn, nhân vật phần đông cam chịu dưới một tâm lý hời hợt mà không có bi kịch. Và dòng văn chương Tự Lực văn đoàn thì đến khi đất nước chia đôi dọn vào miền Nam cũng chỉ còn biết tá túc trong những ngày tàn của môt thứ văn chương luận đề mà vào hoàn cảnh mới đã không còn “chính nghĩa” nữa. Có một nửa nước với một chế độ chính trị xã hội mới thì cũng đòi hỏi tự do sáng tác và đổi mới tư duy văn học trổi dậy phù hợp. Có vẻ như đã có khuynh hướng quên đi văn chương 9 năm chống Pháp, tôi nghĩ động cơ không phải chính trị mà là do khao khát cái mới mà nhóm Sáng Tạo là thành phần chủ công tuy có “xa rời quần chúng” nhưng lại được chính quần chúng đón nhận, ít ra cũng là thành phần “ưu tú” của quần chúng văn học thời đó.
     Ngày ấy và đến bây giờ, với tôi nhân vật đình đám củaSáng Tạo - như một nhân vật tiểu thuyết – không ai khác hơn Thanh Tâm Tuyền, cái đáng nhớ là ở chỗ ông vừa đột phá về tiểu thuyết vừa tiên phong khai phá thơ tự do.
     Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn phá bỏ những cấu trúc như lối thơ cũ và quan niệm nghệ thuật theo tinh thần Dionysos nổi loạn chống lại sự hài hòa theo tinh thần Apollon. “Người làm thơ không tạo những hình dáng cho cuộc đời vốn đã là một hình dáng, họ muốn nhìn thực tế bằng con mắt trợn tròn, căng thẳng phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy."  Đó là những câu ông viết năm 19 tuổi (1955), mà các nhà phê bình xem như là tuyên ngôn về thơ tự do. Thanh Tâm Tuyền quan niệm rằng: "Thơ tự do không gieo vần lối đồng âm, đồng thanh, vần của nó là vần ẩn giấu cách xa (có thể đi tới khác âm, nghịch thanh), nhịp điệu của nó là sự phối hợp của một toàn thể không khuôn trong một số câu nhất định khiến cho hơi thơ tự do dễ kéo dài hơn các hơi thơ khác". Ngoài ra ông còn đề cập đến loại nhịp điệu của hình ảnh và ý tưởng, nói chung đó là nhịp điệu của ý thức.(Từ Internet)
     Trong thơ ông còn dùng kỹ thuật tạo hình lập thể và siêu thực: coi đời sống là những mảng đứt đoạn, thực tại là một chuỗi liên tục những mảng đứt đoạn ấy và tiềm thức là nguồn sáng tạo vô biên.
    Gần đây tôi đọc được nhận định của một người rằng Thơ Thanh Tâm Tuyền thường không phải là tiếng nói hay lối suy tưởng thông dụng và những hình ảnh quá khác biệt đặt cạnh nhau trong thơ ông theo kỹ thuật tạo hình siêu thực khiến người đọc khó thấy hết ý nghĩa ẩn dụ chứa trong đó:
Đêm giao thừa thế kỷ mưa rơi sao
mái sáng đường nằm chiêm bao biển giận dỗi
bàn tay mây mắt trăng môi nhiệt đới
Đó là những hình ảnh khác lạ chưa bao giờ thấy trong thi ca Việt Nam: Đêm giao thừa thế kỷ, mưa rơi sao, ..., bàn tay mây, mắt trăng, môi nhiệt đới. Và những hình ảnh thật đẹp, ta đã quá quen thuộc cũng xuất phát từ thơ ông: đêm màu hồng, lệ đá xanh, nắng thủy tinh ... : "Hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền là người dẫn đường, người tiên phong đem siêu thực vào Việt Nam một cách có hệ thống và đã tạo ra những câu thơ mới nhất, giàu hình ảnh nhất trong thơ Việt". Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã phẫn nộ, đau đớn, mong được khóc la, được run giận, ... bằng chính thể xác của những cặp uyên ương trong thành phố Budapest để thông cảm đến tận cùng những nỗi thống khổ vô biên của họ:
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
. . . .     
Hãy cho anh la bằng cổ em  
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói   
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai   
. . . .
Hãy cho anh chết bằng da em 
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em     
Hỡi những người kế tiếp
lời thơ giản dị nhưng cách diễn tả mới lạ, vần điệu biến mất chỉ còn là hình ảnh, những câu thơ dài ngắn khác nhau hầu như được sắp xếp theo những ảnh tượng và cảm xúc trào dâng trong tâm hồn tác giả mà tác giả cho đó là loại nhịp điệu của ý tưởng, của hình ảnh. Đây là bài thơ tự do thật hay, gây xúc động mạnh và được nhiều người yêu thơ thời đó truyền tụng, đọc thuộc.
   Thơ Thanh Tâm Tuyền đầy tình nhân ái. Giọt lệ sầu thảm của những kẻ cô đơn cứ chảy mãi, chảy mãi trong đớn đau đến hóa thành những viên đá xanh và tim của những viên đá ấy cũng phải rũ rượi! Đó là những hình tượng đẹp trong thơ văn:
Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không   
lệ là những viên đá xanh   
tim rũ rượi   
Tổ quốc, trời xanh nín lặng; cuộc sống không lối thoát bủa vây và bóp chết mọi hy vọng, tuổi trẻ thì quá buồn; những kẻ yêu nhau đôi lúc phải tìm cách trốn thoát thực tại, trốn thoát những dày vò khổ đau sẽ đến trong những ngày sắp tới:
Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu em đi xa
Đi đi chúng ta đến công viên       
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối       
Ôi môi em như mật đắng       
Như móng sắc thương đau
Đi đi anh đưa em vào quán rượu       
Có một chút Paris       
Để anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội       
Anh là thằng điên khùng
ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới.
Chiếc kèn hát mãi than van      
Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Tuổi trẻ sao quá buồn       
Như con mắt giận dữ
Tuổi trẻ sao quá buồn
như bàn ghế không bầy
Thôi em hãy đứng dậy       
Người bán hàng đã ngủ sau quầy       
Anh đưa em đi trốn       
Những dày vò ngày mai.
     Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền là đi vào những thiên đường của dĩ vãng, của hoài niệm và ký ức.  Ông quả thật là mang tâm hồn thi sĩ đa tình, mẫn cảm. Dòng thơ của ông đem đến cho ta muôn vàn cảm xúc giản dị và gần gũi. Xét cho cùng nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã cống hiến cho nền văn học Việt Nam những dòng thơ tràn ắp thi vị thi ảnh, được viết lên từ những khát vọng của tự do, từ những cái nhìn linh cảm về những chặng đường của cuộc đời mà ông đã đi qua ( Internet)
 Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật.
*
Bếp Lửa là một truyện vừa đầu tay của Thanh Tâm Tuyền. Truyện được viết từ ngôi thứ nhất “tôi” tên Tâm, dạy tư thục ở Hà Đông, khoảng 1952.
    Không phải là tự truyện, nhưng Bếp lửa phản ánh tâm trạng tác giả, và một số thanh niên đồng lứa vào thời điểm trước hiệp định Genève 1954, tại Hà Nội, và vùng phụ cận dưới sự kiểm soát của Pháp. Chủ yếu là những nét chấm phá nhẹ nhàng, nhưng rất sắc về tâm thức chính trị của con người lúc đó qua những nhân vật: ông Chính, đảng viên Quốc dân Đảng, còn hoạt động; Bảo có tham dự phong trào Ngũ xã nhưng nay đã tuyệt vọng; Đại say đắm chủ nghĩa mác-xít và chuẩn bị ra khu; Hoà nhân viên Phòng nhì; Ngọc hoàn toàn hư vô và chối từ tổ quốc… Giữa họ là những nhân vật nữ, hiền lành, vô tội, như chị em Thanh và Minh, em họ Tâm; Hạnh; Thịnh vào ra giữa hai vùng… Còn Tâm? Anh xê dịch giữa đám người đó, không thân không sơ, và nói như Meursault, nhân vật Người xa lạ : không biết rõ mình muốn gì, nhưng biết rõ những điều mình không muốn. Khi Tâm bị ông hiệu trưởng cho thôi việc, “ngạc nhiên một chút rồi tôi không hỏi vì cớ gì ông muốn tôi nghỉ việc cũng như ông đã quên không nói cho tôi biết… Tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Tôi nhẹ nhõm vô cùng và ngủ một giấc rất say” Trong thế giới ấy, quan hệ tình cảm cũng mong manh, sắc sắc không không, như giữa Tâm và Thanh, một cô em họ, cũng mồ côi cha mẹ. «Đôi khi tôi nghĩ tôi có thể yêu Thanh và che chở cho Thanh, giây thân thích giữa cúng tôi không đáng kể (…) nhưng chưa bao giờ tôi nói ý nghĩ của tôi cả”.
   Quan hệ tính dục cũng nhẹ nhàng thôi. Tâm gặp lại Hạnh, “chúng tôi cùng đi ăn cơm với nhau. Và đêm ấy tôi ngủ với Hạnh ở khách sạn” . «Gần nhau, tôi nhận thấy chiến tranh – hay chỉ cần sự đe doạ của chiến tranh, tổng quát là sự khủng bố tinh thần – đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương (…).”.
     Vào năm 1965 khi truyện ngắn Dọc Đường của nhà văn Thanh Tâm Tuyền ra đời thì thời điểm này cũng là khi các thành thị lớn nhỏ của Sài Gòn bị lọt thỏm trong chiến cuộc mà ngày và đêm trở thành ranh giới cho không ít những phận người. Lúc ấy tôi 26 tuổi, và đọc “Dọc Đường” với một cảm giác rùng mình nổi da gà, 49 năm qua đi nhưng đến nay cảm giác ấy vẫn còn rất sắc sảo.
      Không gian và cảnh tượng chỉ là một buổi chiều chạng vạng ở một dãy phố chợ tạm bợ nằm dọc quốc lộ chạy qua một khu rừng cao su. Và cũng như cái không gian không tên riêng, những nhân vật của “Dọc Đường” cũng chỉ được gọi theo giới tính, độ tuổi... hoặc một nét nhận dạng bất kỳ nào đó. “Người đàn ông ngồi ngoài cùng kế cây cột chống, mặc áo lá quần xà lỏn, một chân co lên ghế, tay bưng ly cà phê uống từ hớp nhỏ. Người đàn ông liền bên vận quần áo kaki sờn rách, đầu đội nón bẻ vành, chân đi giày không vớ, cầm chiếc muỗng nhỏ xíu gõ nhịp lên bàn. Người ngồi tách riêng một phía già hơn hết, tóc tiêu muối, vận quần lnh đen bám bụi đỏ, áo túi trắng ngả màu.”
       Sống ở cái nơi như thế, trong bối cảnh cuộc chiến tranh đã tới hồi gay cấn, điều quan tâm của nhóm người này là một... con đường có những chuyến xe đủ loại chạy qua biểu hiện của sự thông suốt liền lạc mà bất cứ lúc nào cũng có thể không còn như thế. Vào thời buổi ấy, trời càng về chiều xe càng chạy bán sống bán chết cho kịp tránh bóng đêm khi đường , rừng được “bàn giao”. Không khí chiến tranh được dẫn vào truyện đơn giản như một thói quen chờ đợi như vậy. Nghệ thuật hiển thị sự việc của Thanh Tâm Tuyền là rất điêu luyện, chúng cứ lộ diện từ từ từng chút một, từ câu nói vu vơ “Tối nay thế nào cũng có hành quân” đến “Đậu cái này rồi về tía” ,“Tụi bay tuột dù hết rồi. Máy bay trực thăng đó.” Toàn là những lời vô tư ngắn gọn phục vụ đánh bài như thế. Vài phút sau, tiếng động cơ nổi rõ hơn, tới gần... Chiếc trực thăng bay sà thấp ngang qua quán. Hai người dân vệ từ trong lối xóm trở ra, chân mang giầy bó túm ống quần bám sình vì bụi đất: một người đeo súng hai tay bưng trên miệng húyt vào chiếc lá tre non kêu chít chít từng hồi như tiếng chim, một người quàng hai tay trên hai đầu súng đặt nằm ngang cần cổ ngó phía trước, cả hai mặc đồ đen đội những chiếc nón vải đen có lưỡi. Lính chuẩn bị co rút vào đồn vì đã tới giờ bóng đêm không là của họ, còn một số người dân thì sửa soạn về ngủ tạm tại một thành phố gần đó, như loài chim di trú trốn tuyết. Người đàn bà không có cái ưu tiên...được sợ chết này, nói với chồng:
- Mấy cha chỉ bầy chuyện đi chơi không à!
- Tao là đàn ông mầy nghe chưa? Ở nhà để lỡ như lần trước... Tao ở nhà… Đ. m. thứ đàn bà ngu!
Ngay lúc ấy một chiếc xe có thể là cuối cùng từ từ đi qua hết đoạn đường rào kẽm gai đậu trước quán hớt tóc. Người lơ xe nhảy xuống đất kêu vô trong:
- Xuống lẹ lên cha nội. Một người đàn ông tay ôm bọc giấy dầu, lom khom bước xuống. Tới đất, người đàn ông lại muốn trở lên, nói
- Không phải đây…
     Và chuyện bắt đầu.
     Chiếc xe đò rồ ga chạy thẳng vào. Người đàn ông đứng lại bên đường ngơ ngác. Hắn vận bộ bà ba đen, chân đi săng-đan, tóc cắt ngắn, mặt mũi gồ ghề xanh xao. Hắn ngửa mặt nhìn lên trời trông chiếc trực thăng từ phía rừng cao-su bay tới, đứng im rồi hạ thấp trên bãi trống bên kia đường. Một vài người nhìn thấy người đàn ông bận bà ba đen ôm bọc giấy dầu đứng trước quán hớt tóc.
     Anh ta đi dần và dừng lại trước nhiều căn nhà mong tìm một chốn nương thân qua đêm. Nhưng nào có ai chứa anh ta? Hai chiếc xe be kềnh càng rần rần từ trong rừng cao-su, xe chạy chậm. Người đàn ông đưa tay lên cao vẫy kêu: Cho quá giang… Hai người tài xế đưa tay vẫy chào và xe vẫn chạy.
Người đàn ông thất vọng lẩm lũi trở vô quán. Người đàn bà chủ quán hỏi
- Chú ở đâu tới?
- Tôi đi kiếm thằng em của tôi làm đồn điền cao-su. Nhưng cái khổ là anh ta không nhớ tên nơi mình muốn đến.
- Chú nói chuyện trời đất không à. Bộ khi không chú ngồi đó không cho tôi đóng cửa tiệm đi ăn cơm hả? Chú tính chuyện gì?
Người đàn ông sửng sốt, giật hai tay ôm gói đồ vào bụng ngó trân người đàn bà:
- Thím cho tôi ngủ đậu. Thím làm phước. Người đàn bà kêu lên:
- Đâu có được chú... Biết chú là người thế nào mà cho ngủ đậu. Lỡ đêm chú cắt cổ tôi sao? Người khách lạ, nhìn mọi thứ, là một người lương thiện bị đánh đồng với những kẻ bất lương bởi người ta sợ hãi hơn là dành chỗ cho lòng nhân ái
- Tôi đi đâu? Thím nghĩ coi…
- Tôi không biết. Mấy người rắc rối lắm.
Người đàn ông ngập ngừng bước ra khỏi quán tiến tới bên cửa một tiệm sửa xe. Và điệp khúc lặp lại, lộ rõ hơn anh ta là kẻ lỡ độ đường
- Anh Hai cho tôi ngủ đậu. Dưới đất cũng được. Mơi tôi đón xe về sớm.
- Bộ anh cho là tôi khùng hả. Cha này kỳ quá…
Ngoài rừng trời chạng vạng nhá nhem. Người đàn ông đi tới bên lề đường. Một vài tiếng đại bác nổ ầm ở xa. Hắn gõ nhẹ lên cánh cửa rồi nghe ngóng... Trời cứ tối dần. Người đàn ông cúi nghiêng xuống ngang mặt với lỗ hổng:
- Tôi lỡ độ đường(CTC nhấn mạnh)
     Một tiếng nổ ầm rung chuyển đất. Lỗ hổng đóng xập lại và tiếng chân chạy trong các nhà, Mọi cửa đều đóng vội. Những tiếng nổ tiếp theo còn cách xa. Người đàn ông dáo dác ngó ra đường. Trên trời phía rừng cao su trái hỏa pháo bắn vọt lên lơ lửng vài phút rồi tắt. Tiếp theo một trái hoả pháo khác. 
         Người đàn ông đứng ôm bọc giấy bên lu nước .           
       Tôi còn trong ký ức mấy câu thơ Thanh Tâm Tuyền :
        Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuồng dòng sông 
        Mà lòng mình phơi trên kè đá 
        Chiều không xanh không tím không hồng 
        Những ống khói tàu mệt lả
        Ngày ấy, tôi cứ lẩm nhẩm những câu thơ có hình ảnh tuyệt vời này và  không làm sao quên câu nói của nhân vật trong truyện ngắn Dọc Đường : “Tôi lỡ độ đường”. Bây giờ đây tôi có thể nói được câu nào khác hơn những câu ấy?
CTC 6-2014