*




Văn 19 Tháng Bảy, 2015

Kẹo kéo đơ!

http://vanviet.info/van/keo-ko-do/

Lê Minh Hà


Thất nghiệp ham ăn. Thật.
Người thất nghiệp lại còn là bà nội trợ chuyên nghiệp nữa thì phải biết.
Ấy là tôi đây.
Sáng chủ nhật, chồng quy cố hương, con lớn học thi đi ngủ muộn còn ngon giấc, con bé từ tối qua đã xách ba lô đi ngủ chơi ở nhà bạn chưa về, pha cốc cà phê rồi vào FB, tẩn mẩn nhòm đủ thứ. Thế nào lại nhòm ra cái ảnh có cô đi giày cao gót ngồi trước một cái xoong đặt chỉnh chện trên ghế đẩu đang tay kéo tay co kẹo kéo phục vụ khách đi hội chùa Thầy. Ừ nhỉ, kẹo kéo, bao năm rồi không ăn lại.
Ăn lại liệu có còn ngon?

Với tôi, kẹo kéo suốt một tuổi thơ vừa ngắn cũn vì những niềm vui đã trải vừa dài ngoẵng vì bao nhiêu nỗi niềm vượt quá tuổi của thế hệ mình bao giờ cũng gắn với duy nhất một hàng ấy, một người bán ấy. Mà ngày ấy ông hàng kẹo kéo của tôi cũng đã già rồi.
Già trong mắt trẻ. Chứ tình thực trẻ con cũng khó đong đếm đoán định. Có nhẽ là ông trạc tuổi chúng tôi bây giờ? Có nhẽ là ông còn trẻ hơn? Giả như còn sống, thì ông hàng kẹo kéo của tôi cũng phải ngoài bát thập.
Phố vắng. Hàng cây sao ban sớm ban chiều vững chãi vươn bên hè. Ông nhạc sỹ người An Giang tập kết dù có đi bốn phương trời vẫn nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây là đúng đấy, làm sao mà quên được. Nữa là hàng cây sao ấy một thời, thân đại thụ xù xì nâu sẫm rực lên màu nắng quái và chót vót trong hoàng hôn trắng rợn bao nhiêu cánh cò.
Đi dưới hàng cây ấy là ông kẹo kéo.
Sao khi ngồi tần ngần nhớ những tiếng xưa suốt hai mươi năm tôi lại quên ông?
Ông hàng kẹo kéo của tôi vóc dạc gầy gầy, lúc nào cũng trong bộ quần ta áo cánh mà áo quần đều trắng, phẳng phiu như được giặt là tẩy hấp. Thật là đặc biệt thời ấy, thời lúc phố đông trở lại thì màu áo xanh công nhân, màu áo bộ đội vẫn là màu bắt buộc phải yêu với rất nhiều người. Bán hàng rong mà ông kẹo kéo không hề có dáng tất tưởi như những người bán hàng rong khác. Trong bộ áo quần trắng, đầu đội mũ cát cũng màu trắng và chân thường đi giày vải, ông đi thong dong, tới đầu một ngõ nhỏ hay cửa trường thì dừng bước bên một gốc cây, mở cái bàn xếp mà mặt bằng vải bạt vẫn cắp bên hông ra bày hàng. Chỉ là một khối kẹo kéo phủ vải màn trắng toát, và một hộp gỗ đựng những cái que nhỏ như que kem có khắc dấu. Và thế là công cuộc kinh doanh của ông lại bắt đầu hoặc tiếp tục, tùy theo thời khắc trong ngày. „Kẹo kéo! Kẹo kéo đơ“. Tiếng ông hàng rao chẳng to chẳng nhỏ, thế mà lập tức lôi được ngay một đám trẻ con sán đến gần. Tôi đồ rằng ông cũng chả cần rao, bộ trang phục ấy, dáng dấp ấy của ông với rất nhiều trẻ con tuổi tôi đã là một biểu tượng của Hà Nội phố.
Cái cách ông hàng tiếp thị món hàng của mình rất đặc biệt. Chỉ rao làm vì đôi ba câu như thế, rồi ông lắc lắc xóc xóc cái hộp đựng nắm que nghe rất vui tai. Lắc thì lách cách cách. Xóc thì tờ rắc xắc xắc. Trẻ con xúm vào y như người lớn đi xin xăm ngày tết bây giờ. Chẳng mấy đứa có tiền, nhưng nhìn bạn mua kẹo và biết đâu ăn chực được một đốt con con là cả một niềm ham thú. Ông hàng nhìn đám trẻ, tay xóc hộp càng nhanh. Một đứa moi ra đồng năm xu. Mấy đứa khác chung nhau hai xu năm xu được hào bạc. Cái thú khi mua kẹo kéo không phải là có tiền được ăn nhiều, mà là được rút cái que khi ông hàng xóc hộp, y như già mà còn ham sống ngồi run rẩy xóc hộp xin xăm ở chùa ngày tết. Trẻ con xin xóc ông già cho ngay, thường cảm động xóc luôn nắm que ra ngoài, phải đưa lại ông hàng. Ông hàng xóc cực giỏi, nắm que đang nhảy đều trong lọ, đột ngột một hai chiếc thò ra, rồi một chiếc thò dài hơn hẳn, thế là khách hàng chùi tay vào quần, ngần ngừ, nín cả thở, rút. Có đứa rú lên „năm cái, cháu được năm cái“, đứa não nề quặc với thằng bạn đang kéo kéo giật giật sao lưng: „một“. Ấy là số kẹo từng đứa được thụ hưởng bất kể nhặt nhạnh chi ra được bao nhiêu tiền.

Ông hàng cất cái hộp, rồi cẩn trọng mở một phần tấm vải màn, để lộ khúc kẹo kéo phổng phao trắng một màu lành hiền vô cùng đáng tin cậy. Rồi ông chấm mấy đầu ngón tay vào lớp bột khô phủ khúc kẹo, véo lấy một mẩu, rồi kéo, thoăn thoắt thoăn thoắt, dài ngắn ngắn dài, mẩu kẹo thành dây kẹo, co co duỗi duỗi theo cánh tay ông hàng, rồi, rất đột ngột ông dừng tay, búng nhẹ một cái lên thanh kẹo mà nghe đánh rắc. Mỗi lần búng là một thanh kẹo kéo ra đời. Thực sự là thanh. Không hiểu ông hàng làm thế nào. Rõ là vừa thấy ông kéo kẹo dài ngoằng ra hoa cả mắt, nhưng kẹo cầm trên tay thì không hề lật bật oặt oẹo, cứng rắn, hiên ngang. Và, y hệt chơi xổ số, đứa năm xu có khi sung sướng nhận về năm bảy cái kẹo, nhiều hơn đứa một hào lại chỉ rút được cái que có một một nét khắc đánh dấu. Chẳng đứa nào nhận ra là năm xu một hào gì thì cũng thế, ông hàng có khả năng kéo kẹo muốn dài bao nhiêu thì bao nhiêu vẫn chỉ từ một mẩu con con đó thôi.

Kẹo kéo Hà Nội không dẻo như kẹo gôm thơm sực mùi hương liệu hoa quả như thằng con bé của tôi thích. Kẹo kéo Hà Nội thơm đằm mùi bột nếp rang, ngọt vừa đến độ, không tơ lơ mơ như mạch nha, cũng không ngọt sắc thít cổ, dai và dẻo, và giòn nữa, là vì trong một thanh kẹo ngắn dài to nhỏ khác nhau thế nào cũng phồng lên một hai đốt, trong có cái nhân lạc rất bùi.

Ăn kẹo kéo chực có cái thú nữa là nhìn đứa bạn cũng bắt chước ông hàng kéo nhằng thanh kẹo dài nữa rồi ra sức cấu thật đều từng đoạn để chia. Nhưng mà tay trẻ con không có nghề, kéo nhằng ra thì được, nhưng không thể nào làm nổi cái buông bắt điệu nghệ và cái búng tay dứt mạch của ông hàng. Mỗi đứa được bạn hào phóng cho một mẩu, đưa vào miệng lại bắt đầu cái động tác kéo, kéo kẹo nhoằng ra nữa thành dây. Và dây thì vẫn ngọt, không như cái trò nhằn kẹo cao su bây giờ. Tôi không chơi được kẹo cao su chính vì lẽ đó, hay vì nhớ cái vị ngọt dần ngọt đều đến mãi về sau của kẹo kéo nữa không biết được. Chỉ biết ngày từ thành phố này mình phải ra đi, đi sơ tán, kem que kẹo kéo là một trong những vô vàn phố vô vàn nhớ của một đứa con gái tôi biết rõ nhất. Là mình.

Cho đến khi tôi vào đại học vẫn còn thấy ông hàng kẹo kéo đi về trên phố. Ngang qua cửa trường Lê Ngọc Hân, vẫn dáng trắng trắng gầy gầy đó bên gốc cây già nâu sậm rực lên sắc đỏ vì một vệt nắng quái cuối chiều. Rồi không thấy nữa, cũng như đã không thấy buổi nạn kiều vắng bóng ông táo dầm và ông chín từng mây. Họ còn đấy hay là tôi đã chẳng còn biết để ý gì khi mải chạy theo những yêu những ăn, những ao ước, những thúc bách vừa sát sườn vừa rất đỗi trời ơi, ngày tháng đó.
Bây giờ thì tôi biết sống lững thững lại rồi, để những ngày xưa trở lại không tuyệt mù tăm tích. Nhưng mà trong lòng mình thôi. Giả dụ ông hàng kẹo kéo có truyền nhân, thì còn đâu cái im lặng phố xưa và bóng nắng những hàng cây để họ đi về trên đó.
Cho người đời vô tình đi ngang.

Rồi một hôm biết mình không quên.

Berlin 26. 04. 2015