nqt 
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

TƯỞNG NIỆM





Tưởng Niệm Roland Barthes.

Một trong những chi tiết đầu tiên về tai nạn xe cộ xẩy ra vào ngày 25 tháng Hai [1980], tại ngã tư Rue des Écoles và Rue Saint-Jacques - chỉ hai bước tới Collège de France - là, khuôn mặt Roland Barthes bị nát bấy, khiến không ai nhận ra. Xe cứu thương đưa ông vào nhà thương Salpêtrière, và coi ông như là một người không biết tên, "name unknown" (ông không mang theo một giấy tờ tuỳ thân nào hết), và ông nằm đó hàng bao giờ đồng hồ, chẳng làm sao xác định tên tuổi.
Trong cuốn sách chót của ông, tôi đọc trước đó vài tuần (Phòng Sáng: Ghi chú về chụp hình ảnh. La Chambre claire: Note sur la photography), tôi sững sờ trước những trang viết tuyệt vời về kinh nghiệm bị chụp hình, về cái sự rất ư là không thoải mái khi nhìn thấy bộ mặt của chính mình biến thành một món đồ, và về liên hệ giữa "mình với ta tuy hai mà một", nghĩa là giữa hình và chính mình.
Nhớ tới chi tiết đầu tiên trên về cái chết, nhớ tới bài viết của ông tôi vừa mới đọc trước đó, tôi như nhận ra cái gọi là phận người, khi "mình với ta không còn là một", khi sợi chỉ mong manh nối mình với những tấm hình của mình bỗng đứt, như thể một người nào đó cầm bức hình mình xé nát, đến không còn nhận ra, là hình của ai.
Nhưng vào ngày 28 tháng Ba, nằm trong hòm, bộ mặt ông không biến dạng đến nỗi không thể nhận ra. Đúng là ông đấy, người mà tôi vẫn thường gặp trên những con phố khu Quartier, với điếu thuốc ngậm "trê trễ" nơi khoé miệng, theo cái kiểu của cùng một lớp người, vốn đã từng trẻ tuổi, nhưng đó là trước khi cuộc chiến.
Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy: khía cạnh lịch sử của bức hình, một trong nhiều đề tài của Phòng Sáng, được đẩy tới cực điểm của nó, và trở thành chính cái gọi là bức hình, the self-image; nhưng nó đã được "ấn định"  tự thuở nào rồi, và những trang của chương 5, mà tôi trở lại, và đọc lại liền sau đó, vào lúc này, nói cho tôi về điều đó, về chỉ điều đó: rằng, bằng cách nào, cái chết, chính nó đấy, lại "ấn định", không chỉ cho mình, mà luôn cả cho hình của mình.  Và còn về sự chống cự, và sau cùng, cũng đành, bị chụp hình. "Người ta có thể nghĩ, trong khủng khiếp, rằng, Người Chụp Hình sẽ chiến đấu thật là dữ dằn, để ngăn cho Bức Hình đừng Chết. Nhưng tôi, như là một món đồ, tôi không chiến đấu." Thái độ, "cũng đành, tôi, như một món đồ, tôi không chiến đấu", như ầm ầm bên tai, bất cứ người nào, vào tháng đó, khi thăm hỏi ông, nằm bất động tại nhà thương Salpêtrière, không nói năng gì được nữa.
[Mức thương vong nguy hiểm, liền sau đó, người ta khám phá ra, không phải do những vết nứt rạn ở đầu, mà là xương sườn. Và những bạn bè lo lắng cho ông  liền nhớ tới một chi tiết khác, về chiếc xương suờn bị cắt bỏ hồi còn trẻ do bịnh phổi, và được cất giữ trong ngăn kéo, trong cuốn "Barthes bởi chính ông ta" [Barthes par lui-même].
Những cuộc hành vào ký ức như trên đây, không phải là tình cờ. Tất cả tác phẩm của ông, tuy xoáy mạnh vào tính vô ngã của những cơ chế của ngôn ngữ, và tri thức, nhưng cũng không quên tính sống nay chết mai, vốn là bản chất vật lý của con người. Cuộc tranh luận về ông - đã bắt đầu - sẽ xẩy ra giữa những người ủng hộ ông Barthes này, hay là ông Barthes kia: một coi trọng phương pháp, và một, lẽ ở đời chỉ là thú vui, pleasure (thú vui của tinh thần và tinh thần của thú vui). Sự thực, hai ông Barthes này thực sự chỉ là một, và chính sự hiện diện hai sắc thái cùng nhau - liên luỷ và gia giảm, tuỳ lúc này hay lúc khác - khiến cho chúng ta nhận ra lý do tại sao chúng ta đều như bị ông mê hoặc, điều này được Umberto Eco giải thích thật tuyệt vời trên cùng tờ La Republica này, ngày 28 tháng Ba.


Italo Calvino
La Republica 9 tháng Tư, 1980