*

TƯỞNG NIỆM





Bao nhiêu đường tình tự Ga Hàng Cỏ


If I had to choose between betraying my country and betraying my friend, I hope I should have the guts to betray my country. - E.M. Forster.
Nếu phải chọn giữa phản bội xứ sở và phản bội bạn bè, tôi mong có đủ can đảm để phản bội xứ sở của tôi.

....nhưng cả cái nước Việt Nam thì im lặng kinh khủng, kỳ cục, quái đản, tống đạp, nín khe, từ chối, phủ nhận sự có mặt của Thanh Tâm Tuyền trên cuộc đời này. Tất cả mọi tờ báo, mọi web site của cả nước Việt Nam có thể đăng đi đăng lại cả trăm nghìn lần những tấm hình những câu tuyên bố của những cái tên như Sharon Stone,
Dan Brown, Haruki Murakami, Michael Jackson, nếu như hiện nay họ đang cởi truồng hay hắt xì ở một nơi nào đó trên trái đất này.
Gió O


Nhân ngày Cá Tháng Tư, tôi cứ tưởng tượng ra rằng thì là nhà thơ, trước khi mất, đã gửi một cái thư ngỏ, đề nghị nhà nước đừng làm phiền ông, và nhất là đừng làm cái trò như một nhà nước khốn nạn đã từng làm (1).

Tuy nhiên, có sự kiện này. Khi nhà thơ mất, một diễn đàn nổi tiếng ở hải ngoại, [talawas], đã loan tin theo kiểu gián tiếp, bằng cách làm một cái link, tới một bài trên BBC, do mấy ông yankees viết, về cái sự ra đi của một nhà thơ đã từng có những dòng tuyệt vời về Hà Nội, thí dụ như những dòng này:

đâu phải một thứ mưa ô buy vào thành phố
năm cửa ô hồi sinh trên xác năm cửa tù
mưa nắng cùng rủ nhau xuống Sinh Từ ngõ Hội Vũ
bao nhiêu đường tình tự ga Hàng Cỏ
nụ hôn đầu ôm mái tóc lang thang.
Liên

Và có lẽ chẳng đặng đừng, talawas bèn làm thêm một cái link nữa, tới một bài viết của một chuyên gia về biếm văn, cây bỉnh bút khét tiếng hải ngoại. Bài này thì thật là... nhảm, và Hai Lúa đã từng đi vài hàng về cái sự nhảm của bài này rồi. (2)

(1)
Bohuslav Martinu sống ở Bohemia đến năm 32 tuổi, sau đó, 36 năm ở Pháp, Thuỵ sĩ, Hoa kỳ, rồi lại Thuỵ sĩ. Ông luôn coi ông là một nhà soạn nhạc Czech, và hoài cố hương cũng là chất nhạc của ông. Nhưng sau chiến tranh, ông từ chối mọi lời mời trở về. Vào năm 1979, hai mươi năm sau khi ông chết, những "biệt kích" làm hỏng ước muốn được mồ yên mả đẹp ở Thuỵ sĩ, đã quật mồ, "bắt cóc", long trọng làm một cuộc "hôn nhân cưỡng ép" với đất mẹ cho cái xác chết của ông.
Mùa Thu, những di dân
(2) Thanh Tâm Tuyền bị hiểu lầm suốt đời và không được đối xử xứng đáng trong khi ông còn sống.
Liệu, nhờ câu phán hiển hách trên, nên bài của ông được "link"?

*

Ðâu phải mưa ô buy vào thành phố

1954, vào Nam, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có lẽ là một trong những người đầu tiên có những dòng thơ văn về Hà Nội, bên cạnh những dòng nhạc của một "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội", hay "Hướng Về Hà Nội". Câu thơ trên, tôi chỉ nhớ loáng thoáng, trong tập "Tôi không còn cô độc", đã một thời làm ngơ ngẩn cả đám bạn bè hồi cùng học trung học. Ngớ ngẩn, đúng hơn.
Số là Phạm Năng Cẩn rất mê câu thơ đó. Anh cứ ngâm đi ngâm lại khiến Nguyễn Quốc Sủng đâm ra thắc mắc, hỏi, mưa ô buy là mưa gì? Tôi nhớ là, bạn Cẩn ngớ ra, và... cương đại: mưa ô buy là một thứ mưa bụi (buy biến thành bụi), hạt lấm tấm như nhũ kim cương trên những chiếc áo Mùa Thu, Hà Nội!
Sủng coi bộ không hài lòng với một lời giải thích rất thơ như vậy. Một bữa, trong lúc cả đám vây quanh nhà thơ, anh hỏi. Thi sĩ trả lời: ô buy là một từ tiếng Pháp, obus. Mưa ô buy là mưa đại bác, mưa trái phá!
Sau này tôi được biết, người miền nam gọi trái phá là trái ô buy. Họ gọi phạm nhe là người y tá, và hồi mới vào Sài Gòn, tôi đã từng khổ sở vì không hiểu nghĩa của nó, sau cùng truy ra, là do từ tiếng Pháp, infirmier.

Nước Pháp, “hóa thân” vào miền nam, qua từ obus; rồi miền nam “hóa thân” vào từ ô buy, và được một nhà thơ miền bắc âu yếm sử dụng cho... Hà Nội, ôi chao số phận của “trái đại bác” Tây, nhờ một miền đất, rồi nhờ một nhà thơ, biến thành cơn mưa bụi ở một miền đất khác, trong cùng một quê nhà, sao mà may mắn hơn cái từ chiên hẩm hiu thế!
Bởi vì không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ sử dụng từ “mưa ô-buy”: ông vẫn bị những cơn mưa từ cái thành phố mà ông từ bỏ ám ảnh, cũng như không phải ngẫu nhiên mà ông bạn ngày xưa của tôi tán ẩu, ông cũng bị ám ảnh....
Trích talawas

Đúng là bé cái lầm! Gấu cứ nghĩ, 'thông điệp' từ những bài viết như thế này, đã có người nhận!

Ôi chao, lại nhớ đến lời than của 'bạn ta' [NMG]:
Ở hải ngoại này, viết, cứ như là viết vào hư vô!

'Ôi choa', lại nhớ đến "Văn chương và kinh nghiệm hư vô", của "bạn ta" [Huỳnh Phan Anh].
Và cái câu nói của một ông thầy triết, của bạn ta, về cái tít của cuốn sách:
-Thầy chưa biết hư vô là gì, mà sao trò lại kinh nghiệm được, về nó?


“Why is there something instead of nothing,"
["Tại sao, thay vì hư vô, bé cái lầm?"]
Martin Heidegger

Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi, tôi giật mình kinh ngạc:
Phượng nhìn xuống vực thẳm: Hànội ở dưới ấy.


Năm di cư thứ hai mươi [1974], khi viết bài Tử Địa, nghĩ đến những đứa con tư sinh của đất Bắc ở cả hai miền lúc ấy, tôi đã mở bài bằng câu trích đề của Anh, tuyên xưng nó là câu văn bất hủ. [Người ta có thể nghĩ tôi quá lời, sử dụng "ngoa ngôn". Nabokov còn "ngoa" hơn nhiều khi ông bảo: "Cả sự nghiệp của triều đại Sa Hoàng Đại Đế sánh không bằng nửa vần thơ của Pushkin."]
Khi từ Phú Thọ ra, ghé lại Hànội chờ tầu về Nam, lúc chiều tối đứng trên ga Hàng Cỏ, trông xuống phố Hàng Lọng, phố Trần Hưng Đạo sâu hoắm bóng đêm rét lạnh của một ngày cuối năm, tôi thầm nhắc thành tiếng bên tai "... Nhìn xuống vực thẳm... dưới ấy..", câu của anh vẳng ngân như là một câu thơ. [Câu văn là một câu gắn liền trong mạch văn, tách ra khỏi mạch không ít thì nhiều cũng bất toàn. Câu thơ tách ra khỏi mạch vẫn tự đầy đủ, tự lập trên cái nền thiếu vắng nó gợi nhắc.
Trong đất trời

Sự ra đi của một thi sĩ thường xuyên là nỗi đau buồn chung, của tất cả những 'đồng bào' của thi sĩ : Những người cùng nói cái thứ tiếng thi sĩ nói, viết, và làm thơ.

Khi Nguyễn Đình Thi mất, 'người ta' vội vàng quên đi, ông là một 'chiến sĩ' -  thôi thì cứ nói đại ra ở đây, một VC - và cả nước, trong đó có hải ngoại, tất nhiên, cùng đau buồn sự ra đi của một nhà thơ. Trang chủ trang Tin Văn bèn vội vàng khai báo, ông NĐT này, một cách nào đó, chính là sư phụ của Gấu, qua ông anh, tức nhà thơ vừa mới ra đi.
Ông anh biểu thằng em, khi Gấu này, do dân trường Mít, cứ  băn khoăn ngần ngại với dúm tiếng Tây ăn đong của mình: Mày phải vừa đọc, vừa dịch, vừa giới thiệu, vừa viết... như là Nguyễn Đình Thi đã từng làm, với cuốn đầu tay, Triết Học Nhập Môn. Đừng sợ sai, sai thì sửa...
Và Gấu này tự hỏi, khi ông anh ra đi, phải chăng là Thanh Tâm Tuyền, khi chạy vào Nam, là đã mơ hồ nhận ra, mảnh đất mầu mỡ chưa có người khai phá đó, sẽ mọc lên một thứ cây tuyệt vời là thơ tự do, trong khi ở Miền Bắc, người đầu tiên thử nghiệm thứ thơ này, bị đánh tơi tả?

Và tôi tự hỏi, nếu không bị ánh sáng của Đảng làm chóa mắt, biết đâu, chính Nguyễn Đình Thi mới là người ‘sáng tạo’ ra cái gọi là thơ tự do, ở Việt Nam?
Kinh nghiệm Nguyễn Đình Thi

Cái sự im hơi bặt tiếng, từ phiá bên kia, và cái sự bực bội của Gió O, thí dụ vậy, làm cho Gấu nhớ đến câu nói của Kiệt, khi cô học trò hăm hở với mối tình đầu, nhất quyết buông hết, Em chỉ cầnThầy!

Ông thầy phán:

Chẳng đáng, chẳng đáng!

Chẳng đáng, cái sự bực bội?

Đếch cần, cái sự tưởng nhớ nhà thơ, từ những kẻ đã từng tống ông vô trại cải tạo?

Nhưng nghĩ đi, phải nghĩ lại. Gấu bỗng nhớ đến trường hợp triết gia Martin Heidegger và bạn của ông, là Karl Jaspers. Heidegger đã từng xin lỗi bạn, không thể đến thăm, vì ngượng, mỗi lần nhìn thấy bà xã, gốc Do Thái, của bạn mình.

Biết đâu, cái sự đi một dòng phân ưu, nó cũng 'căng' như thế đấy!

Hay, nói như Trí, trong Cát Lầy: Tại sao ta không thể yêu, cái chúng yêu... nếu chúng chiếm được cuộc đời, ta bèn trở thành hư vô...
 
Hay, mô phỏng một câu nói của chính ông, ta đã chẳng thèm đem cái vui cho 'tụi nó', cớ sao lại bắt 'tụi nó' buồn tí ti về cái sự ra đi của ta? (1)

(1) “Trước đây mình chẳng làm gì vui cho bạn bè nay sao lại đem cái buồn đến cho họ”. Nguồn