*





Nhớ Thanh Tâm Tuyền...

Phan Lạc Phúc 

Sao dạo này, cuối năm Dậu đầu năm Tuất, anh em, bạn hữu tôi "đi" nhiều đến thế: Phạm Huấn, Nguyễn Sĩ Tế, Nguyễn Hiền, Vũ Đức Vinh... Chưa kịp đau buồn người này đã nhớ thương người khác. Bây giờ lại một cái tin "sét đánh" nữa, Thanh Tâm Tuyền vừa mới tạ thế ngày 23 tháng 3 năm 2006 hồi 11 giờ 15 tại Minnesota, Hoa Kỳ, hưởng thọ 71 tuổi. 

 "Nhân sinh thất thập cổ lai hi", ở tuổi ấy cũng là đến cõi rồi nhưng ở Mỹ bây giờ 70 là còn trẻ, nhiều người còn đi làm mà cũng không thấy nói đau yếu gì, đùng một cái bạn ta dời bỏ cuộc chơi. Một cái chết im lặng, đột ngột và quyết liệt. Môt cái chết rất "Thanh Tâm Tuyền". 

Nói đến Thanh Tâm Tuyền (TTT) cây bút chủ lực của Sáng Tạo, người ta gọi, TTT là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch đã đưa một thẩm mỹ mới, một hơi thở mới đến cho văn nghệ miền Nam. Không phải là một nhà phê bình văn học, tôi không dám có ý kiến về vấn đề này, nhưng tôi có may mắn được sống, làm việc bên anh những năm anh ở trong Quân đội, những ngày lao tù cải tạo và thời gian "nín thở qua sông" ở VN nên tôi nhìn anh khác. Tôi là một người bạn "đời thường" của TTT hơn là môt người bạn văn. Với cái nhìn này, TTT đối với tôi là một người đọc sách chuyên cần, một nhà trí thức khắc kỷ.

Vào khoảng 1957, 1958 tôi có theo một bậc đàn anh của tôi cũng là đồng hương Sơn Tây, anh Nguyễn Huy Tạo bút danh Trần Lê Nguyễn, tới chơi nhà TTT ở ngõ Đỗ Thành Nhơn sau tòa Bố chánh Gia Định. Cụ bà thân mẫu TTT có 2 ngôi nhà trong ngõ hẻm này. Tôi nhớ phải trèo những bậc thang xanh rêu có hoa khế tím rụng đầy mới lên tới căn phòng TTT ở. Chúng tôi tới nói phiếm, uống café, đôi khi rút "xì còm" với Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Vũ Duy Hiền... Căn gác có họa phẩm của Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng treo đầy, đặc biệt có rất nhiều sách. Cuộc sống của chủ nhân khá đơn giản nhưng sách vở, trái lại, rất phong phú.  Cái giá sách đã tỏ ra chật hẹp, sách nhiều pho, nhiều tập đã phải xếp xuống sàn. Sách Pháp (như trào lưu ngày đó) chiếm ưu thế. Một bữa nhìn qua đống sách tôi nhận thấy khá nhiều tập nghiên cứu và phê phán chủ nghĩa Cộng sản từ Tư bản luận đến Duy vật biện chứng và Duy vật sử quan. Có những tác giả tôi quen, có những tác giả tôi chưa từng được biết. TTT cho tôi hay rằng một số lớn sách nghiên cứu về CS là của người bạn chung của chúng tôi, anh Tô Đáng (cùng dạy Trường Sơn với TTT sau khi giải ngũ và cùng khoá 2 Thủ Đức với tôi), cho mượn.

Tôi không nhớ rõ TTT đi khóa 14 hay 15 Thủ Đức, chỉ biết khi ra trường anh được bổ nhiệm đi giữ kho xăng ở một trung đoàn địa phương. Đầu thập niên 60, thời Đệ nhất Cộng hòa, tổng thống Ngô đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu muốn "chính trị hóa" Quân đội (QĐ), nhằm biến QĐ không đơn thuần là một QĐ nhà nghề mà là một đoàn quân chiến đấu vì lý tưởng. Ngành Chiến tranh Tâm lý sẽ được nâng lên thành Tổng cục Chiến tranh Chính trị theo mô thức của quân đội Trung Hoa Dân Quốc bên Đài Loan. 

Sau khi mất cả một lục địa Trung Hoa, Tưởng Tổng Tài cùng với Quốc Dân Đảng của ông mới tái thiết Đài Loan thành một "quốc gia" mạnh mẽ, cả về kinh tế cũng như quân sự. Miền Nam dưới trào Tổng thống Ngô Đình Diệm muốn đi theo đường lối ấy. Năm 1961, một phái đoàn Chiến tranh Chính trị Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền điều động của trung tướng Vương Thăng, tổng cục phó TC/ CTCT Đài Loan, sang miền Nam sửa soạn để dạy một khóa căn bản CTCT cho sĩ quan VNCH, đồng thời phổ biến kinh nghiệm cũng như tài liệu giảng huấn cho Trung tâm CTTL tọa lạc tại đường Lê Thánh Tôn, gần nhà thương Grall khu Đồn Đất. 

Ngày ấy kẻ viết bài này phụ trách về huấn luyện tại Trung tâm CTTL. Trong tương lai, trung tâm này sẽ dược cải tổ thành trường Đại học CTCT. Tài liệu giảng huấn của phái đoàn Vương Thăng tuy đầy đủ nhưng tình hình Đài Loan khác, tình hình miền Nam khác nên không thể áp dụng "nguyên si" vào quân đội miền Nam. Phải có những điều chỉnh, canh cải cho hợp lý. Đặc biệt chú ý đến đề tài Ấp chiến lược, tuyên và phản tuyên truyền, phê phán chủ nghĩa CS vv... Ông cố vấn Ngô Đình Nhu, BS Trần Kim Tuyến thường đích thân duyệt xét những tài liệu này. Để thanh thỏa vấn đề giảng viên, trung tâm được ưu tiên nhận về trường những sĩ quan phù hợp trong việc giảng dạy. Vì đề tài phê phán chủ nghĩa CS, chúng tôi xin thuyên chuyển thiếu úy Dzư văn Tâm (tên thật của TTT) về trung tâm huấn luyện. Những tài liệu ngày nào trên căn gác nhỏ ngõ Đỗ Thành Nhơn được đem ra sử dụng, đồng thời TTT giới thiệu với chúng tôi một tác giả lớn, rất lớn, là Raymond Aron.
R. Aron được coi như nhà xã hội học đáng ghi nhớ nhất của thế kỷ 20; ông là đồng môn với J.P. Sartre ở trường lớn Normale Supérieure nhưng hai ông mỗi người đi một ngả. Trong khi giới trí thức Pháp thời kỳ đó ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, nghiêng về phía tả, như nhà thủ lĩnh hiện sinh [Sartre. NQT], một mình R. Aron bênh vực cho phái hữu và nền dân chủ pháp trị. Ngay từ đầu thập niên 60 (thế kỷ trước), R. Aron đã tiên đoán là xã hội cộng sản một ngày không xa sẽ phải xóa đi, làm lại từ đầu (Gauche, année zéro, những bài giảng của ông gộp lại từ giảng đường Sorbonne). Xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu cuối thập niên 80 nhưng R. Aron đã tiên đoán điều này gần 30 năm trước. Ngoài Gauche, année zéro, TTT còn đưa vào bài giảng một số luận điểm cũng của R. Aron trong cuốn biên khảo nổi tiếng “L'opium des intellectuels” (thuốc phiện của giới trí thức) trong vấn đề "có phải thiên tả mới là tiến bộ". Về đề tài khá gai góc'phê phán chủ nghĩa CS', khối Huấn luyện chúng tôi có nhà văn TTT nhận định về phương diện lý thuyết; về phương diện thực tế khi áp dụng "chủ nghĩa duy nhất đúng', chính khách Nguyễn văn Chức (thượng nghị sĩ sau này) bằng những luận cứ vừa sắc bén vừa phúng thích đã nêu rõ sự xuống giá của động vật người trong xã hội CS. 

TTT ngoài việc chuyên cần đọc sách còn là một người chịu khó tìm tòi. Thư viện của nhà trường hay nhà sách Xuân Thu (Portail cũ) có cuốn nào mới, đáng đọc là TTT biết liền. Anh cũng là người đầu tiên giới thiệu Kim Dung, nhà viết tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình đặc dị của Trung Hoa với anh em chúng tôi. Theo TTT, Kim Dung là người thực hiện được cuộc hôn phối tốt đẹp giữa cái bát ngát của truyện Tàu với kỹ thuật mới của Tây phương. Từ TTT chúng tôi bắt đầu đọc Hồng Hoa Hội, Thư kiếm Ân cừu lục, Bích huyết kiếm và đầu thập niên 60, Ỷ Thiên Đồ Long ký. 

Như đã thưa ở trên, Trung Tâm chúng tôi ở đầu đường (?) Lê Thánh Tôn gần bệnh viện Grall. Có những buổi trưa, bạn chúng tôi, Mai Thảo, từ nhà hàng Pagode đi bộ vào trường chúng tôi không bao xa, ở lại ăn trưa. Ăn xong chúng tôi bàn về việc hai vợ chồng Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố từ Băng Hỏa Đảo về trung thổ số phận thế nào? Câu chuyện đang say sưa thì ông LS Nguyễn Văn Chức mới từ bàn bên xía ngang vô: "Dẫu sao chúng ta cũng là những người đọc sách. Tại sao chúng ta lại phí thì giờ về những chuyện kiếm hiệp ba xu như thế?". Tôi mới thưa lại cùng ông Chức: "Mới đầu tôi cũng nghĩ như ông. Nhưng “vào việc rồi mới biết tay nghề của thợ” (À l'oeuvre on connait l'artisan). Ông đã đọc Les trois mousquetaires [Ba người ngự lâm pháo thủ. NQT] tôi xin cam đoan với ông rằng Ỷ Thiên Đồ Long sẽ hạ Les trois Mousquetaires 6-0 là ít". Để chứng minh, tôi đưa 1 tập truyện Kim Dung cho nhà luật sư. Trưa hôm sau, nhà luật sư mặt mũi chõm lơ nói rằng: "Ly kỳ không chịu được ông ạ, đọc suốt đêm. Xin cho đọc tiếp". 

Nhà đọc sách chuyên sâu TTT ở bàn bên nhìn tôi mà mỉm cười...

Phan Lạc Phúc 

(Tiếp theo) 

Năm 1965 vì thời cuộc, Hội đồng Tướng lãnh nhận nhiệm vụ trước quốc dân. Ủy ban Hành pháp Trung ương được ủy nhiệm lập chính phủ. Theo cơ chế mới, chính phủ quân nhân cần phải có một cơ quan ngôn luận để nói lên "tiếng nói" của mình. Vì có đi học khóa báo chí ở Mỹ nên tôi được đề cử phụ trách biên tập tờ TIỀN TUYẾN (TT), nhật báo chính thức của quân đội. 

Tôi dời TTHL/ CTTL ra nhận nhiệm vụ mới. Chủ nhiệm đầu tiên của TT là thiếu tá Lê Đình Thạch bút hiệu Thạch Lê. Năm sau, chủ nhiệm là trung tá Phạm Xuân Ninh tức nhà thơ Hà Thượng Nhân, chúng tôi thường gọi đùa là "Hà chưởng môn". Thời kỳ này, TT từ 4 trang lên 8 trang, tòa soạn chúng tôi được tăng cường. Trung úy Dzư Văn Tâm gia nhập TT; công việc hằng ngày của anh là dịch tin AFP (tiếng Pháp) và sau đó cùng tôi bàn bạc làm tin "vedette " [giống như “hot” bây giờ. NQT] trong ngày. Tuy TTT là thi sĩ "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây" nhưng anh có khá nhiều "étincelle" (sự phát sáng) về thời cuộc. Nó giúp cho tin chính 8 cột thêm phần hấp dẫn. 

Hằng tuần TTT phụ trách trang kinh tế - chính trị (KT-CT) và tham gia trang văn nghệ (VN). Trang KT-CT của TT ngày ấy tương đối khởi sắc vì có khá nhiều bạn cũ của TTT ở trường Luật tham gia như Phạm Văn Thuyết, Nguyễn Văn Phong. Có nhiều bài của nhân viên cơ hữu trong tòa soạn nói về "đồng đô la xanh, đồng đô la đỏ", về "sự thử nghiệm võ khí mới của Mỹ trên chiến trường Đông Dương xét về phương diện kinh tế" v.v... rất được bạn đọc theo dõi. Trên trang VN có nhiều bài phê bình, nhận định giá trị do TTT và bạn hữu viết. Kiến văn và sự làm việc tích cực của TTT đã làm cho tòa soạn "sáng lên" khá nhiều. 

Ngày ấy ngoài việc phụ trách biên tập cho tờ báo, tôi còn có bổn phận viết TẠP GHI (TG) hằng ngày. Khi làm trang nhất xong, trong tiếng rì rầm của máy in tôi ngồi kiểm bài trang trong và viết TG. Trong khi đó TTT ngồi viết “feuilleton” cho chuyện dài đăng từng kỳ trên báo (tôi không còn nhớ rõ đó là Cát lầy hay Dọc đường). Có tác giả viết sẵn từ ở nhà, có tác giả đến tòa soạn mới viết. Thảo Trường, Lam Giang đến là đưa bài ngay. Mai Thảo, Nguyễn đình Toàn đến tòa soạn mới viết. TTT là người viết kỹ nhất, chậm nhất, bản nháp của anh dập xóa, sửa chữa nhiều lần. Anh không chỉ là một văn nghệ sĩ, anh là một nhà trí thức khó khăn với bản thân mình trước hết. 

Trong "nghề" viết TG, tôi rất cần thông tin. Một giảng viên ở khóa học bên Mỹ nói về việc viết column "Information, information, information". Tôi nhiều khi bí rì. Ở tòa soạn, tôi có 3 nguồn tiếp tế. Nếu cần hỏi về Đông Phương hay Sử, Địa có "ông đồ bùn chữ như chấu chát" Lam Giang; cần hỏi về triết sử hay văn học Tây phương có bạn TTT người đọc sách chuyên sâu và kỹ lưỡng; cần hỏi về thơ, văn tiền chiến có Hà "chưởng môn" hiểu rộng, biết nhiều. Đúng là trường hợp "học thầy không tầy học bạn".

 Có thể nói từ ngày TTT vô quân đội (1961 hay 1962), trừ một thời gian ngắn giải ngũ và sau này có gần hai năm anh làm việc trên trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, lúc nào tôi cũng làm việc gần gũi TTT. Đặc biệt thời kỳ Tết Mậu Thân (1968), anh bị động viên trở lại và hội nhập với anh em TT chúng tôi. Ngày ấy "nhà banh" là "trăm phần trăm" ở trong trại 24/24. Chúng tôi là "ký giả" nhưng cũng phải cầm súng, tối đến đi phục kích, kiểm soát hay canh gác. Trong bài thơ Đường luật TTT có nhã ý tặng tôi sau này (dưới bút hiệu Trần Kha) có 2 câu kết "Mong ngày gặp gỡ nằm chung chiếu, Đấu láo qua đêm như dạo nào" là nói đến thời kỳ này.

 TTT và tôi thường đem chăn, chiếu tối tối sang đài QĐ ngủ nhờ vì nơi ấy được bảo vệ chống pháo kích kỹ nhất khiến cho đài QĐ không bao giờ "mất tiếng". Chúng tôi kể cho nhau nghe nhiều chuyện. Tôi kể bạn nghe cậu học trò nhà quê là tôi ra tỉnh ngẩn ngơ như thế nào, các ông thầy học của tôi ra sao? Bạn kể tôi nghe thời niên thiếu của bạn, ông thân của bạn làm nghề dạy học kiêm viết báo La Volonté Indochinoise. Nhưng ông thân của bạn mất sớm năm ông 29 tuổi trong một tai nạn trên hồ Trúc Bạch khi bạn ta mới 5 tuổi, người em ruột của bạn Dzư văn Chất mới 2 tuổi rưỡi. Bà thân của bạn còn trẻ 24 tuổi. Bạn không kể tiếp nhưng tôi được biết rằng TTT là một người "thân lập thân" rất sớm. "Anh có thể tưởng tượng được không, năm tôi 13 tuổi, tôi đã bị bắt nhốt vào khám Catinat như một người tù chính trị. Tôi ở với bà cô làm nghề đan áo len thuê. Tôi có bổn phận đi giao áo, nhận len và tiền. Một hôm tới giao hàng tôi bị 'mã tà' bắt giữ vì nhà ấy bị nghi là trạm giao liên của CS. Tôi ăn cơm tù, bị giam rất sớm. Nhưng chừng 10 hôm sau tôi được thả ra, quay trở về Hà Nội".

 Tôi, kẻ viết bài này, có may mắn quen biết cả người em, ông dự thẩm Dzư văn Chất (DVC) của quân đoàn 3. DVC cho hay là TTT về Hà Nội học Văn Lang, thầy Ngô Duy Cầu (vị giáo sư uống thuốc độc tự tử ít ngày sau khi Cộng sản vào Sài Gòn). Năm 1951 đi thi tú tài 1, TTT phải xin miễn tuổi vì lúc đó mới 15 tuổi rưỡi. Năm sau 1952, TTT xong tú tài toàn phần và bắt đầu đi dạy. Trong 'Bếp Lửa', tác giả kể "tôi" tên Tâm đi dạy tại Bắc Ninh có thể là chuyện thật.

 Những khi tôi đến chơi nhà ở sau tòa bố Gia Định, ông em DVC dù rằng chỉ xa nhau có vài tuổi vẫn thưa gửi với ông anh rất lễ phép. Mấy ông quân cảnh thường nói rằng ông tòa DVC rất nghiêm. Nhưng tôi thấy ông tòa thường không dám ngồi ngang với ông anh, khẽ kéo ghế ngồi né ra sau một chút. Ít khi anh em "mồ côi" lại thủ lễ với nhau như thế.

 Thời thập niên 50 (thế kỷ trước), nếu tôi nhớ không nhầm, sinh viên đậu tú tài có thể học bất cứ phân khoa nào ưa thích. Không ngần ngại TTT đã ghi tên học Luật, một khoa học nhân văn và đi theo con đường của thân sinh ngày xưa: đi dạy học. Ông không muốn theo học nghành khoa học thực nghiệm trở nên bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ có một tương lai rạng rỡ. TTT đã chọn lựa làm một trí thức có thể nghèo về vật chất nhưng giàu có về phương diện tâm hồn...

(còn tiếp)