*
 





 

 

DU TỬ LÊ

DỖ GIẤC NGƯỜI BẤT HẠNH

 

như đôi mắt sớm thành ga cô quạnh

mối sầu nào thành tóc xuống hai vai

buổi chiều nào thành khói đứng trên môi

mây cũng thấp trong từng hơi thở yếu.

 

em đừng hỏi vì sao đời người khó hiểu

vì sao ta không thể sống thiếu nhau

vì sao mưa chưa đủ ướt đôi đầu

mà môi đã phải tìm môi cho...ấm

mà tay đã phải chìa ra cho bàn tay kia...nắm

xiết chặt rồi mà vẫn thấy như chưa

trao hết cho nhau, tình vẫn còn ngờ

vẫn chưa đủ, vẫn còn như thiếu thốn

chân bước chậm sao đường về vẫn ngắn

hôn nát nhầu cả mặt vẫn chưa buông

(dù hiển nhiên bác mẹ đã buồn lòng

thấy em lỡ yêu anh - cái thằng lêu lổng.)

 

như cây cỏ sớm thành thân với gió

như lá mềm sớm cưới được sương khuya

như cánh chim bay không cần nhớ đường về

như con nước vỗ hoài chân đá cũ

như bản tin hàng ngày loan: có nhiều người tự tử

(mà thường vì họ lỡ quá yêu ai!)

như con dế ngậm tim mình trong miệng

nên giọng buồn (mãi mãi chẳng nguôi ngoai)

anh cũng thế ngậm tình em trong miệng

thành...bồ hòn, nên đắng cả thơ vui

nhưng một mai nào, lúc em thức dậy

thấy đầu cành con sẻ bé có đôi

thấy chúng hôn nhau (hay chúng mớm mồi)

đôi má chúng au lên vì...mắc cỡ

em đừng hỏi vì sao hồn mình nức nở

sao lớn rồi mà tình vẫn trẻ thơ

đã ở bên nhau, lòng vẫn còn ngờ

như những phút môi hôn thẩy đều chẳng thật

răng từng cắn đến môi sưng, má rát

vẫn còn nghi, còn ngại: phải chăng em(?)

phải chăng anh(?) – phải chính hai đứa mình(?)

-thì hai đứa chứ ai vào đấy nữa!

 

em đừng hỏi vì sao tình yêu trắc trở

vì sao anh phải biến dạng hình hài

phải làm ăn, phải cố gắng miệt mài

phải ra dáng như nội trong ngày mai anh sẽ thành...chú rể

phải nghiêm chỉnh (hay ít ra cũng phải vờ vẫn thế)

phải dụm dành, chắt móp tự hôm nay

phải cong lưng, luồn lọt đêm ngày

phải một lúc chơi bảy, ba cái hụi

phải nhìn thấy tương lai của chìm, của nổi

mới mong ngày hạnh phúc bớt chua cay.

nhưng tình yêu không phải là bến...tồn kho

để anh có thể đâm đơn xin làm người gác cửa

và trái tim không là két sắt, tủ chè

nơi gom chứa bạc tiền, cất gìn đồ quý

tuy không là Xếp Ga, anh cũng cứ phất cờ cho tầu kéo hụ

để tình anh nghỉ lại ở ga yêu

để trăm đêm, để nghìn vạn buổi chiều

anh cứ nhớ thương em, cứ sầu, cứ khổ

và mây cứ bay ngang mảnh hồn anh dột ủ

nắng cứ về không gửi bước chân theo

để ở đâu, bất cứ một nơi nào

ai, anh cũng nhỏ to nói về tình yêu hai đứa.

ai, anh cũng không ngại ngần hẹn hứa

đám cưới mình sẽ mời họ vui chung

và anh sẽ vênh vang, xốc lại áo quần

mặt nghiêm trọng như tuần sau...đám cưới

dáng vội vã như ngày mai...đám hỏi

quay lưng rồi, mới lại tủi cho nhau!

 

thơ vui đấy, em hãy cười lúc đọc

nếu có buồn, hẵng gượm, để hôm sau

để mai kia, khi anh được phép cau trầu

đến sêu hỏi, em hãy buồn một thể

bởi lúc ấy, biết đâu cả hai đã chẳng cùng lụ khụ

cùng xác xơ vì đã quá âu lo

nên anh chắc thơ anh sẽ còn buồn bã mãi

(nhưng em đừng buồn nản giống thơ anh)

phải nghĩ bao lâu mới có cuộc tình

mà hai kẻ yêu nhau đã vô cùng khốn khổ. 

 

như đôi mắt sớm thành ga nát đổ

xót xa nào thành tóc chấm hai vai

ước mơ nào thành khói đứng trên môi

mây thấp ẩm hong trong hồn hiu quạnh.

DU TỬ LÊ

(6-69)

 

 DU TỬ LÊ

CÂY SINH NỞ NHỮNG ĐỨA CON NHƯ...NÚI.

này bé dại ở cùng tôi mãi nhé!

vì niềm vui tuyệt tự. Chẳng sinh sôi.

vì ánh sáng ném tôi vào mất tích.

nhưng, nhờ em, tôi trở lại con người.

 

này bé dại, ở cùng tôi mãi nhé!

như nụ cười men ấm mắt nâu, sâu.

như con gió thổi hồn tôi mất, hút

nhưng, nhờ em, tôi lại thấy tôi về.

 

như thế đó, trong tôi từng hạt lệ:

- nhận từ em, thuở trái đất sơ khai.

(tựa đâu đó, trong tôi từng hạt máu:

- nhận từ cha, và, mẹ thuở tôi-thai.)

 

sông cổ tích trôi giữa trời bạch lạp.

rừng nguyên sinh: muông thú hát như...người!

cây sinh nở những đứa con như...núi! 

tháp phần em, một nửa đã thành tôi.

 

tự thắt cổ: mặt trời tôi tháng Một,

để hồi sinh từ thơ ấu em (tôi.)

lọn chân, thiết chảy theo chiều tóc mẹ

tôi bước ra từ ân sủng đất, trời.

 

tôi muốn nhắc: niềm vui là nấm mộ.

và, nỗi buồn mới thực của ta, riêng.  

nên, bé dại: vai tôi chờ tóc mạ;

phút quay lui của quá đỗi băng băng.

 

(đường thẳng thớm, vậy mà, hầm, hố đấy! 

trái ngang tầm, chưa hẳn sẽ trong tay.

thêm mưa, nắng vốn hàm hồ bất trắc

và, tương lai chảnh lắm nhé! Thơ ngây.) 

 

này bé dại! Lại đây...! Ngồi xuống...! Ngắm:

- những bông đời tôi hái giữa trăm năm. 

tôi không bán. Chỉ mời em tự nhặt:

- một bông tôi từ giỏ-cũ-tâm-hồn.    

 

 

 DU TỬ LÊ,

ƠN EM, TRAO TÔI TRANG KINH

 

mừng, em thêm năm, tháng, ngày 

thêm thân giả tạm. tâm dầy hạt kinh(?!?)

mừng, thêm lênh đênh thác, ghềnh

thác không ký ức. ghềnh nằm ung dung(!?!)

 

mừng, em thêm sông, thêm rừng

sông không bờ, bến. rừng không gió, về

mừng, thêm xa lạ cái ta?

(như da, thịt mới đi qua cuộc tình.)

 

mừng, em thêm mất (như còn,)  

mất không tên gọi. còn không bóng, lời.

mừng, thêm...năm, tháng...đủ rồi!

buồn / vui trong một gương soi chia / lìa.

 

 

mừng, em thân / tâm ra đi

tốt thôi. kỷ niệm cũng là máu, xương.

mừng, như người đã lên đường,

tôi qua đời vẫn vô cùng biết ơn!

 

(ơn em, trao tôi trang kinh.)       

DTL,


NHÌN NHAU, CHỢT THẤY RA SÔNG NÚI.

 

ba mươi năm lẻ, ai ngờ được

tao với bay giờ, gặp lại đây.

chiến tranh đã dứt. Nhưng thương tích

vẫn ở cùng tao, ở với bay!

 

bay đã kinh qua địa ngục đời,

từng nhìn binh biến giống trò vui!!!

chiến xa, đại bác...bay chơi nổi;

bom ném ngang trời!...cũng được thôi.

 

trận mạc ngày xưa còn chẳng ngán

nhằm nhò chi ít vỉ bia “cua;”

cười khan những buổi đi “chà láng;”

mà lại buồn so diện H.O.!

 

nốc rượu nguyên đêm chờ được xỉn

ôi mái trường rêu Chu Văn An!

nhiều thằng “thăng” lúc còn hoi sữa

dăm tên đầu bạc kể hung hăng.

 

đạn bom ngốn mất thời trai trẻ

cải tạo khơi khơi năm, mười niên!!!

ra tù mất vợ. Con quay mặt.

cười gượng! ra điều ta vẫn...ngon.

 

trong mắt bay nay: vàng kỷ niệm

tao đầy gân máu: nhớ quê hương!

đêm, đêm ác mộng còn truy kích,

lạnh cẳng tao hầm nhất Biển Đông.

 

tụi bay muốn sống? – Quên cho lẹ.

mũ đỏ, đen gì...cũng đã xong.

tao cam phận kiếm tô canh cặn.

bay rồi cũng thế! – Liệu nghe con.

 

xa trường mất xác. Giờ đâu khác?!?

xương bỏ quê người, cỏ cũng chê.

chắc chi đã được như Tư Cóc;

chết giữa quê hương – đắp mảnh cờ.

 

Minh Dê, Hồng Trố...tao mừng lắm

những tưởng không còn gặp tụi bay.

đêm qua uống rượu con nhà Kiểm

thương bạn! – Tao thèm được khóc ngay.

 

nhìn nhau chợt thấy ra sông núi

có chút gì nghe rất thốn đau.

hẹn bay về chết trong tay mẹ.

tổ quốc nghìn năm. – Bỏ được sao!?!

DU TỬ LÊ

(4-2-91)

 
 

DU TỬ LÊ,

THƠ CUỐI NĂM, MỘT, 

 

ồ! thân thể: quê hương cảm xúc

mỗi mùi thơm, khơi một cội nguồn. 

(như đời mẹ đến tận cùng cõi chết)

-thịt da ai: cũng ngát một linh hồn.

 

ồ! chia, biệt: quê hương hồi tưởng

những vì sao đánh luống xa, khuya

người cứ ngắm, ngửi, cầm, nghe, nếm nữa!

nỗi buồn kia: một sớm nở hoa, về.  

 

ồ! Thượng Đế (trong ngài) con sống mãi!

nhưng trong em:

- tôi sống / chết: một lần!

 

 

THƠ CUỐI NĂM, HAI,

 

đi, như sóng, giữa mùi hương tóc ngắn

rất xa bờ,

nỗi nhớ nhúng chia, ly.

 

đi, như biển, ngang dốc đời bất trắc

những con đường lôi tuột tháng,

năm, treo.  

 

đi, như nắng, nỏ tay người tháng chạp

trên môi tôi

còn mặn, cỏ ai, rừng.

chim ngậm ngải, tìm hương trầm tháng sáu

gối chăn kia, thương mãi chỗ ai nằm.

 

đi, như mắt, xa dần manh vải trắng

mỗi linh hồn:

tẩm, liệm một hơi, riêng.

 

 

MỖI NGÓN TAY: - THƠM MỘT NỖI NIỀM,

 

như / con sông / sẽ không ra biển!?!

nhan sắc đi / về ngang vết thương.

thịt / da từng tấc chăm, nuông nghiệp - -

mỗi ngón tay:

- thơm một nỗi niềm.

 

như / mưa, nắng / sẽ không cư, ngụ!?!

lọn tóc xin tình mãi thiếu niên - -

nuôi vai chia nhánh vào ly, biệt...  

thương, nhớ nào xanh(?)

những mặt bằng!?!!!  

 

như / hoa, lá / sẽ không về đất!?! 

nỗi buồn kia rụng giữa hư không.

mắt, môi người cẩn theo năm, tháng

tôi, bóng quỳ, hôn

giọt thánh đường.

 

như / con chim / sẽ không về núi

giọt lệ lên mầm trong hạt kinh - -

liu điu tiếng mõ: - không nhà, cửa

rớt lại nghìn sau: - rừng,

lặng, thinh.

lặng, thinh.

lặng, thinh.   

DTL,

(11-04_04-05)

 

 

HAI ĐOẠN SÁU, TÁM, MỚI,

 

1.

tôi/ xanh/ non/ trên/ môi/ người

cánh tay nối biển, chân dài núi, sông.

rừng/ tìm/ vai/ tôi/ chăm, nom

giấc mơ vó ngựa, hất bờm chia, ly.

 

người/ chênh vênh/ khuya/ tôi quỳ.

tóc thơm hương mẹ - - lầm về ngõ, mưa. 

đèn/ soi/ tâm/ tôi/ lũy thừa

vết thương cũ, mới (cũng) vừa thôi nôi.

chiều lon ton đưa tay, vời 

hiên con, ghế cũ: tôi hồi hương, tôi.

 

2.

tôi/ mai/ sau/ ơn/ tên/ người.

gánh hư, vô khác; xuống, mời trăm năm.

núi nằm ngang xương: kêu oan!

xấp trên lưng / nhớ / nhau. Từng. Xa. Xưa.

 

người/ bồi/ tôi/ sông/ khuyết bờ.

tấy thơ ấu. chị. đìu hiu chiếu, giường.   

tôi nhìn tôi (em?): rưng rưng - -

thịt, da tiền kiếp - - khỏa thân nỗi niềm. 

bước ra từ nhụy, hương, riêng

đóa hoa kia cũng dậy thiền cho tôi.   

 

người/ thơm tho/ tôi/ mấy đời/ !?!        

 
 

CHẲNG LỚN LAO NÀO HƠN CÔ ĐƠN,

 

cảm ơn kỷ niệm nuôi em lớn

như bóng nuôi hình lúc thiếu nhau.

cảm ơn ngực ấm nôi thương bạn

giọt lệ nuôi tình sâu kiếp sau.

 

cảm ơn xa, vắng nuôi em lớn

như lá nuôi rừng thuở thiếu niên. 

cảm ơn chăn, gối cho mưa, nắng

qúa khứ như người có tuổi, tên.

 

cảm ơn định mệnh nuôi em lớn 

hạt giống u tình kia: tự tâm .

cảm ơn lênh láng / đêm / da, thịt

những ngón tay thơm chọn lựa, mình.

 

cảm ơn thần thánh nuôi em lớn

như gió nuôi trời lúc bão lên.

cảm ơn núi nhắc sông xa, nhớ

chẳng lớn lao nào hơn cô đơn.   

 

cảm ơn sách vở nuôi em lớn

con chữ nuôi người trong giấc mơ.

hồn nuối rưng rưng từng khối đá

tôi trầm mình trong em: đời sau.

   
cảm ơn hiện tại: không sau, trước.

DU TỬ LÊ.

  

DU TỬ LÊ,

với tôi là bất hạnh,

sống chưa hẳn đã may, 

chết chắc gì đã rủi,

nhưng thiếu tình yêu người:

- với tôi là bất hạnh.

 

tình yêu, một định nghĩa, khác,

thương, nhớ cũng mang hình hài tôi, đấy

như nỗi buồn: nhan sắc của em, riêng.

tình yêu nói những điều không ai hiểu!

chỉ hai người giải mã được gene, chung.

DU TỬ LÊ

(8-8-05)


 
NHỮNG BÀI HỌC THIỀN TRONG THƠ TÌNH DU TỬ LÊ

VÌ EM, TÔI ĐÃ LÀM SA SI

 

Một buổi tối, ngồi uống cafe với anh Du Tử Lê bên bờ sông Yarra, kể cho nhau nghe về Câu Chuyện Giòng Sông của Hermann Hesse, về niềm thao thức thanh tịnh và giải thoát. Tôi nghĩ thầm giòng sông nào cũng đổ ra biển lớn, như mọi sự trên đời không phải do tình cờ xãy ra, mà đều từ Nghiệp và Duyên( như buổi hẹn hò giữa chúng tôi đã định sẵn từ kiếp nào?)

 

            Nhìn nghiêng cây thấy sương gieo nghiệp

 

Hoặc được diễn đạt thơ mộng, bằng ngôn ngữ thi ca Viêt, trong Đạo Ca của Phạm Thiên Thư:

 

Muôn loài như sương rơi, xin làm hoa chống đở, đưa hương đi thập phương.

 

Tôi nghĩ được anh Du Tử Lê khuyến khích viết về tập thơ Vi Em, Tôi Đã Làm Sa Di, cũng là một loại Nghiệp hoặc nói nên thơ hơn là một duyên lớn cho chính tôi để hiểu biết thêm về Thiền, về ý nghĩa định mệnh của hạt bụi

bay hoài trong vũ trụ bao la là kiếp nhân sinh. Tôi cũng cho đây là một cơ hội, một công án Thiền, để tôi hiểu biết thêm về hình ảnh những đám mây trắng trôi mênh mông hoài về hướng quê nhà. Tuy nhiên, tôi tự mình cảm thấy tâm hồn chưa thơ mộng đủ và chưa đủ lớn để ôm hết bao nhiêu trăng sao, nắng gió vào lòng như ý nghĩa của kinh: Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?. Hay như ý nghĩa của hai câu thơ chữ Hán, nghe ngân lên những chuổi âm thanh rung cảm bàng bạc, và trầm mặc, nhắc nhở tâm hồn u tịch những dấu hỏi linh diệu về nỗi niềm sâu kín nào đó:

 

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu

 

Chỉ nghe vang lên âm thanh một chiếc lá ngô đồng rơi trong tâm thức cũng thấy được cả mùa thu đã trở về.

 

Vì thấy mình nhỏ bé, hèn mọn, nên tôi đã nghĩ chắc phải xin lỗi anh và có lẽ tôi phải chờ vài mươi năm nữa mới dám viết ra những điều mình thấy được từ tập thơ của anh. Nhưng tôi đã thay đổi quyết định và bắt buộc mình phải ngồi xuống trong tâm thái hoàn toàn bất an, cô đơn và yếu đuối như trong thơ của Tô Thùy Yên:

 

Cô đơn bằng Thượng Đế.

Yếu đuối như linh hồn

 

 nhưng lại có niềm xác tín Bình Thường Tâm Thị Đạo, chỉ vì nỗi ám ảnh bản nhạc Người Về Từ Cát Bụi, do Kim Tước diễn tả, Hoàng Quốc Bảo phổ nhạc. Tôi cảm ý nghĩa bài thơ như từng đợt sóng vỗ hoài vào gềnh đá là kiếp nhân sinh:

 

            Người về như bụi mờ

            Vàng trang sách xưa

            Người về như mưa

            Soi tìm dấu cũ

Thấy ai ngồi đợi

Sầu tôi đã già.

 

Không ai phủ nhận vị trí rất đặc biệt tài thơ của anh trong văn học Việt Nam. Anh có một số lượng lớn thơ đã phát hành trong 40 năm qua; trong đó có nhiều bài được phổ nhạc, và có rất nhiều người rung cảm, yêu thích. Tôi tin sự nghiệp thi ca của anh đã thể hiện một trái tim nồng nàn, và mênh mông như biển lớn. Nhưng với tập thơ Vì Em Tôi Làm Sa Di, tôi tin anh cũng đặt hết trái tim luôn khao khát yêu thương ấy, và hơn thế nữa là một trí tuệ, không phải là ánh sáng của mặt trời nóng bỏng, rạo rực, hay của vầng trăng tròn đêm rằm, thao thức niềm hò hẹn, mà chỉ là ánh sáng của dấu trăng khuyết mọc trên đỉnh núi thâm u trong đêm khuya.

 Ai cũng biết, qua thi ca, Du Tử Lê là một người rất đa tình; đến tuổi tri thiên mệnh anh còn viết Hiến Chương Tinh Yêu, hùng biện, mãnh liệt và say đắm hơn một chàng thiếu niên tha thiết với mối tình đầu của mình. Anh lấy tình yêu làm công án cho tập thơ Thiền, hay thơ có thiền tính (tôi thấy không có gì khác, vì anh không bao giờ trở thành thiền sư, mà chỉ mãi mãi là thiền giả. Tôi tin anh chẳng bao giờ muốn thành Phật mà chỉ trở thành Bồ Tát).

 

Trong tập thơ Vì Em Tôi Làm Sa Di, tình yêu của anh vừa là phương tiện vừa là cứu cánh. Tôi thấy chẳng cần phân biệt, vì hành trình vẫn luôn luôn thơ mộng và quyến rủ hơn điểm đến. Như Giáng Kiều nên mãi mãi là người đẹp trong tranh của Tú Uyên. Tôi thấy mặt trăng và ngón tay của Phật không còn là hai trong tập thơ

 

Cành hoa tay Phật: lòng Ca Diếp

Tâm ấn đời ta vùng vắng im.

 

Tôi tin anh đã bắt đầu thấy được ý nghĩa uyên áo của Tâm Kinh Bát Nhả, sắc tức thị không, không tức thị sắc, vì anh đã đạt được tâm cảnh như nhiên:

 

            Cõi tâm tôi trụ nơi nào nhỉ

            Phải chính tình em? chính mắt em?

 

Chính vì đạt được tâm thái này, nên nhà thơ nhìn ra Tình Yêu cùng là một đề tài thiền quán, cũng là một Pháp, như Thầy Nhất Hạnh (tôi xin gọi là Thầy vì đã được Người dạy cho những bài học vỡ lòng về Thiền quán trong khung cảnh yên tịnh tại trường Đại Học Latrobe vào năm 1987, mà tôi nghĩ không khác rừng Bối Am, nơi đó Người rung cảm ngâm hai câu thơ: Tặng quân thiên lý viễn. Tiến bả nhất bình trà)

            Cành hoa nào

            Hạt sỏi nào

            Cũng thuyết pháp.

 

Đặt điểm thứ hai của tập thơ ( tôi tin anh đã ngộ Đạo từ đây), Du Tử Lê đã tài tình, mẫn cảm và cả thông tuệ, thấy được kiếp người không những do duyên hợp tứ đại kết thành, mà còn một yếu tố khác rất lôi cuốn, rất nhân bản là Tình Yêu Bất Diệt của nhân loại. Anh làm cho việc tầm đạo, tu học trở nên lôi cuốn và quyến rủ hơn cảnh Huệ Khả vì qúa tha thiết với lý tưởng phải hy sinh một cánh tay, sau một đêm dài lạnh lẽo, phơi mình trong sương ngoài hang động. Tôi nghĩ chỉ cần một điểm chứng ngộ này thôi, Du Tử Lê có thể trở thành Bố-Tát-Cho- Tình-Yêu, nếu anh thật lòng muốn đạt đến

 

            Bạn cũ. Tôi đây. Vô lượng kiếp

            Tứ đại giai không. Chỉ giữ tình

 

Nếu mai sau Thiền Gỉa Du Tử Lê có trở thành Bồ Tát, thì anh chỉ mãi mãi quẩn quanh trong khung trời yêu dấu Việt Nam, vì anh đã thiền qúan bằng tâm hồn tha thiết ấy ( anh gọi tha thiết người yêu là quê hương Em Là Quê Hương), để nhắc lại tâm chứng của Huệ Năng và Thần Tú ngày xưa:

 

            Trái tim ta như rừng

            Còn gió nào thổi nữa

 

Khi dân Viêt chúng ta nói đến trái tim, là muốn nói đến phần trọng yếu nhất cơ thể, nơi nhận phát ra tín hiệu và nuôi dưỡng Tình Yêu. Nơi đó cũng là duyên khởi, nơi tô điểm màu sắc và thêu dệt nhiều chuyện tình nên thơ mộng mị cho trần gian thêm đẹp

 

Điểm sau cùng tôi học được nơi tập thơ, và sẽ tập dùng làm đề tài thiền quán, là từ bỏ ngả, và phá chấp bằng sự hợp nhất của thân tâm.

 

            Thấy nhau là một đâu còn ngã

            Thân chẳng riêng thì tâm đâu còn riêng

 

Hai câu thơ này làm đậm nét ý nghĩa của hai câu ca dao Viêt Nam mà chúng ta có thể dùng làm đề tài thiền qúan:

 

            Mình với ta tuy hai mà một

            Ta với mình tuy một mà hai

 

Đối với hai người yêu nhau thì còn gì phân biệt giữa thân tâm hay diễn ngược lại khi thân tâm phân biệt thì còn là Tình Yêu không?

 

Tôi xin chịu lỗi, và chấp nhận bị trầm luân muôn kiếp, vì đã làm cho ai đó sau này vì Nghiệp, phải ghé mắt vào những giòng chữ vọng động này bị thất tán chánh niệm. Xin nhờ tiếng mỏ an tịnh, tạo thành do sự kỳ diệu của ngôn ngữ Việt Nam, và do sự mẫn cảm tỉnh thức của Thiền Gỉa Du Tử Lê trong tâm thái thiền định khi viết ra những dòng thơ an bình này:

 

            Lục tự cho nửa khuya

            Nam mô a di đà/

            Phật/từ bi tâm ta

            Ta và, tâm: xa lạ

 

            Nam mô a di đà/

            Phật và, tâm và, ta

            Ta và, tâm và, Phật (!?)

 

Đây là sự giải thích và chứng minh đóng góp của Du Tử Lê trong nỗ lực cách tân ngôn ngữ xử dụng trong thi ca.

 

Sau hết chúng ta cũng tập buông xả, ngay cả những gì đẹp nhất trên thế gian này. Nếu muốn giữ lại ( như tập thơ rất đẹp, quyến rủ và rất trí tuệ Vì Em Tôi Làm Sa Di), thì cũng nên như tâm thái của hai câu thơ (mà tôi thấy cũng cùng ý nghĩa như câu hát thả gió cho mây ngàn bay)

 

            Tôi chỉ muốn giữ em

            Như bầu trời giữ những đám mây.

 

Tôi tin rằng tập thơ Vì Em Tôi Làm Sa Di là sự nghiệp lớn nhất của anh, như lời Đức Phật: Chỉ có trí huệ là sự nghiệp.

 

Sau hết tiểu đệ đa tạ sư huynh những bài học trong tập thơ này. Tôi cũng xin (nếu có ai đọc được những chữ nghĩa còn hỗn độn, tăm tối này) một lạy tạ, vì đã ngu muội viết ra những ý nghĩa uyên thâm mà hết ngàn kiếp sau tôi không bao giờ có thể hiểu hết về Thiền học.

 

Lê Văn Thanh

 

Úc Châu 12/12/2002