*
 

Bàn về thơ

1 2 3





Dạ Vũ Ký Bắc

Trong nhà xe Đài Phát Thanh
Người lính Dù dùng làm nơi chất thây những người chết

Bài thơ này, Hai Lúa làm những ngày đầu tới xứ lạnh, gửi cho một "đệ tử" còn kẹt trong trại cấm Sikiew, do hai câu trên, bị giữ lại, mãi mới đến tay người nhận. Còn một ông cũng cùng ở trại, được Úc nhận, đọc bài này, viết thư la to: hào khí ngất trời!
Còn một ông, ra hải ngoại từ những năm 1980, đọc, nói với Hai Lúa, tôi sợ ông hiểu lầm ý nghĩa của từ "halfway house".
Nó có nghĩa là nhà tù đấy!

Hát ở đâu đâu...

Ngoảnh nhìn lại quãng nửa nhà nửa chợ
Nỗi buồn vạch một nét dài (1)
Không phải tiếc cuộc đời đã sống
Mà một đời bỏ lỡ
Nhớ hoài.

Đêm mở ra giấc mộng cũ
Chỉ có tôi, tôi, và tôi
Cô bạn thân ơi, nẻo về tuyệt lối
Hồn tôi điên cuồng réo gọi. 

Mùa thu ở đây đẹp não nùng
Rừng dưng không đỏ rực
Lá rũ rượi
Rủ nhau cùng chết
Sực nhớ chữ: Chiêu như thanh ty
Mộ thành tuyết

Giấc mộng cũ vậy là giấc mộng cuối
Hát ở đâu đâu... 

Cô bạn thân ơi, những ngày tháng đó
Chạy xe như điên trên đường phố
Cho kịp giờ giới nghiêm
Suốt Chợlớn-Sàigòn
Chỉ mong kịp chuyện trò cùng những hồn ma Mậu Thân
Trong nhà xe Đài Phát Thanh
Người lính Dù dùng làm nơi chất thây những người chết
Những hồn ma từ đó thức dậy
Quẳng bỏ súng
Vẫy tay cho tôi đi

Trong vương quốc của những người đã chết
Tôi vẫn thường thơ thẩn đi về... 

Hát ở đâu đâu giấc mộng cuối (2)


(1)... that lonely halfway house which we call life
André Malraux (Anti-Memoirs)
(2) thơ Thanh Tâm Tuyền 

Cái cảnh xác chết biệt động thành nằm thành đống trong nhà xe Đài Phát Thanh Sài Gòn, thực sự Hai Lúa chỉ nhìn thấy, qua hình ảnh, được đám phóng viên chụp, và được Hai Lúa gửi đi, bằng máy vô tuyến viễn ảnh.
Khi trận đánh đã tàn, HL từ trên Đài hạ san, băng qua đường, ghé tiệm phở 44 ăn sáng, hình ảnh độc nhất còn đọng lại, là một chiếc dép râu, nằm trơ cu lơ ngay giữa mặt đường Phan Đình Phùng.
*

Số là "cô bạn" của tôi thì ở mãi bên Chợ Lớn. Tôi thường là chọn ca trực đêm, để dễ bề nói dối bà xã. Khi bớt việc, trao Đài cho một nhân viên phụ, thế là "chàng", trong túi thủ thẻ nhà báo quân đội, giấy chứng nhận hợp lệ tình trạng quân dịch, người và xe cứ thế phóng thẳng một mạch qua Chợ Lớn, ngồi cho tới khuya, ỷ y nếu có quá giờ giới nghiêm, đã có lá bùa hộ mạng, chứng nhận đây là phóng viên tiền tuyến của báo quân đội, đang đi công tác!

 Ôi, làm sao quên được cảm giác, khi về, vắng tanh, phóng xe như điên trên đường phố Sài Gòn, mà hồn của mình thì vẫn luẩn quẩn ở một con hẻm ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, nơi có căn nhà, có "giàn thiên lý, có người tôi thương"!...
Nhà tôi ở chân cầu Thị Nghè
*

Nhà cô bạn lúc này đã dời vô Chợ Lớn. Căn nhà cũ, khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật, tuy không bị thiêu rụi trong biến cố Mậu Thân nhưng cũng không còn có thể ở được. Phần hồn của nó đã chết theo cả khu, còn chút nào cô gái đem theo cùng với cô về cuộc đời mới, một buổi tối làm như tình cờ ghé qua, thấy tất cả đều lạ mặt.
Cõi Khác