jen
Trang Thiếu Nhi















 



 

Thalès, cũng lại ông, sinh vào năm 570 trước công nguyên, ở trong vùng Milet...
Không có một khác biệt nào?


Ông đã leo con dốc này bao nhiêu lần? Thalès cũng không biết. Ông đã đo đạc, đã tính toán nhưng chưa bao giờ ông nghĩ đến chuyện tính xem con đường từ nhà ông lên đỉnh ngọn đồi này mất bao nhiêu cây số. Thực ra càng đi ông càng biết rõ từng hòn đá, từng con đường quanh co hiểm hóc, từng góc đèo. Trước hết là con dốc thẳng đứng, đất đá với những hòn đá nhô ra ngoài sắc bén như vừa mới cắt. Rồi đến khúc quanh, đến khúc giáp cánh đồng ô-liu, đến khúc thoai thoải mà mùa xuân đất ở đây đầy bùn. Tiếp là con đường hình chữ chi, càng lúc càng thẳng đứng, trong bụi gai, trong bụi cỏ thơm ngây ngây. Rồi đến những tảng đá, lên đến gần đỉnh thì đất như bằng lại, gió thổi quật, ở đây từ mọi phía có thể thấy mặt trời, thấy biển ở đàng xa mà những đêm trăng sao ánh lên một ánh sáng li ti, óng lượn.

Thalès ở đó một mình, nhiều đêm trắng. Nhiều mùa, nhiều năm và cũng có thể nhiều đời. Chính ở nơi này ông ngủ rất ít, tự khép mình vào kỷ luật, trong túp lều bằng đá khô lạnh, ông đã hiểu thêm về thiên hà. Chính nơi túp lều này là chỗ ông ngồi tính toán thời gian của năm, chia độ dài cho mùa. Cũng chính ở đó, ông có thể tiên đoán mùa gặt ô-liu, biết được mùa gặt sắp tới sẽ được mùa và lên kế hoạch làm giàu. Ông chẳng thích gì của cải. Từ khi có tiền, ông chẳng biết làm gì với tiền, may ra ông lợp thêm một lớp đệm cho căn chòi đá của ông được êm thêm một chút. Ngoài ra thì vẫn như cũ: cái bàn thô kệch kê ở chân tường, cái lò sưởi, cái đèn dầu. Chẳng có dấu vết chữ nghĩa gì để lại.

Càng ngày ông càng mất thì giờ hơn để đến đây. Đương nhiên là mất nhiều thì giờ hơn trước. Với tuổi tác, thân hình ông nặng nề ra. Bộ giò cứng hơn, hơi thở ngắn hơn. Nhất là từ lúc bụng ông to ra. Cũng từ đó, Thalès từ từ, không vội vã nhưng tiến từng bước một cách đều đặn, ông suy đi nghĩ lại những tư tưởng vừa mới nảy ra trong đầu. Trong những giây phút cuối cùng này, những gì ông quan tâm không còn phải là những bài toán hình học khó khăn, không còn là đường đi của thiên hà. Ông nghĩ là ông đang tiếp cận một tri thức mới tối cần thiết hơn. Một cái gì nền tảng đang chờ ông mà ông không biết rõ là cái gì. Có thể ông sẽ đạt đến mục đích tối thượng này dù cho ông phải hy sinh tất cả, hạnh phúc và đàn bà, gia đình và khoái lạc.

Nói cho cùng, chính sự kiện hiểu được một cái gì mới là điều làm cho ông quan tâm. Nên ông đã đi đến tận Ai-cập, ông ở gần các thầy giảng giáo lý, ông thích cô quạnh một mình, ông thích đi con đường mòn này mỗi buổi tối, đến căn lều bằng đá này để ngắm trăng sao. Ông nghiệm ra nếu chỉ biết mà thôi thì điều kiện đó cũng chưa đủ để có thể hiểu một cái gì. Đa số các hiểu biết mà người ta ca tụng ông thì đó chỉ là những điều đã được lặp đi lặp lại, chắp bên này nối bên kia, những loại chắp nối, truyền tụng từ đời này qua đời khác, bất tận. Người ta lặp lại những gì các vị thần đã nói, các tiên ông, các thi sĩ, các nhà hiền triết, các người thức ngộ. Chung chung những bài thơ, những bài văn dài mút mù tăm này chỉ đem lại một chút lợi ích rất nhỏ.

Thalès mong muốn chuyện khác. Nắm bắt, như thử mình đang ở trong, đang nằm trong bước đi của cõi phàm này. Thấy rõ ràng trong đó cái tại sao, cái thế nào. Thấm nhập cho được bên dưới sự việc, luật lệ tối hậu, bí mật tiềm ẩn. Tuy nhiên có một cái gì đó thiêu thiếu, sâu thẳm, ở tận gốc. Nhưng cái đó là cái gì?

Chặng đường cuối thì khó nhọc hơn trước. Thalès lê bước chân, ngừng lại, thở dốc. Ông chưa bao giờ ngừng lại để ngồi trước khi lên đến đỉnh, cũng chưa phải hôm nay là ngày ông bắt đầu mệt. Ông thở mạnh. Một cơn đau nhói tim bên trái chợt đến. Trong thoáng chốc ông nghĩ ông sắp chết. Trong thoáng chốc, ông sợ. Đúng là một cái sợ ngu xuẩn, ông tự nhủ, một sự việc riêng tư, một tư tưởng thầm kín. Giữa cái sống cái chết không có một khác biệt nào. Cũng cùng thế giới này và chỉ có một thế giới này, mãi mãi và khắp nơi, vĩnh cửu và trường tồn, có thể tính toán được và hoàn hảo, nơi mà cái sống cái chết không phân biệt được.

Một tư tưởng đơn giản và đau nhói như cơn đau vừa qua, Thalès lại lên đường. Cơn đau dịu dần. Nhưng suy nghĩ vẫn còn. Và đó có phải là chìa khóa lâu nay ông vẫn đi tìm? Sống chết giống nhau! Không có lằn ranh giữa sống chết mà lâu nay mọi người cứ nghĩ là chúng thật sự đối nhau! Vậy thì tất cả những gì loài người nghĩ và sợ là sai, là hư ảo, là không căn cứ! A! Nhanh lên! Phải nói điều này cho các bạn mục đồng nghe.

Mục đồng cũng là dân thường trú của ngọn đồi. Căn lều của anh ở đàng sau đỉnh, ngược phía căn lều nhà toán học Thalès. Không biết chữ, không học, thông minh, chăm chỉ. Thalès biết anh từ ba chục năm nay. Chính anh là người ông sẽ thố lộ cái trực tri giác nóng hổi này. Anh bạn mục đồng chưa bao giờ làm ông thất vọng: tin tưởng, cáo già và thẳng tính. Hừng đông ông sẽ nói khám phá mới nhất này với anh.

Bánh mì, phô-mai và mật. Mỗi buổi sáng nhà thiên văn, anh bạn mục đồng vẫn thường ăn sáng với nhau. Thalès sốt ruột, anh bạn mục đồng biết rõ.

-    Hôm qua khi đi lên đỉnh đồi, một tư tưởng đến trong đầu tôi mà tôi nghĩ tư tưởng này là do thần hứng: không có một khác biệt nào giữa cái chết và cái sống.
Anh bạn mục đồng im lặng, chờ nuốt xong thức ăn trong miệng, anh nhìn thẳng vào mắt ông bạn già.
-    Vậy thì sao ông không tự giết ông cho rồi?
Thalès xúc động nhưng không tỏ ra, ít nhất là ông hy vọng anh bạn mục đồng không thấy. Ông trấn tĩnh lại:
-    Thì đúng là như vậy, bởi vì không có một khác biệt nào!

Lần này anh bạn mục đồng không nói gì để phản bác. Đúng vậy: càng suy nghĩ thì anh càng thấy đúng là không tránh được. Nếu không có một khác biệt giữa cái sống và cái chết, thì đương nhiên cũng chẳng có lý do gì để tự giết mình! Thalès cũng không bực mình vì câu phản kích của ông.

Sau đó anh bạn mục đồng đứng dậy, không nói lời nào. Vừa cười, anh vừa đưa tay chỉ đại dương đàng xa, mặt trời, ngọn đồi, đàn cừu, các túp lều, phô-mai. Anh cười vang, cười sằng sặc, cười nắc nẻ... như muốn nói: “Còn tất cả những cái này? Ông muốn làm gì với chúng? Tất cả mấy cái này nó không làm cho ông thấy có một khác biệt gì với cái chết sao?

    Roger-Pol Droit
Làm sao có thể so sánh cái sống và cái chết, khi chúng ta chỉ có kinh nghiệm về cái sống?

Nguồn gốc câu chuyện kể:

Ông nói không có một khác biệt nào giữa cái chết và cái sống. “Một người hỏi ông, vậy thì sao ông không chết cho rồi?” Ông trả lời “Vì chết sống giống nhau.”
                Diogène Laerce, chương I, 35
Tiểu sử:

Thalès thành Milet sinh vào khoảng cuối thế kỷ VIIø, chết đầu thế kỷ VI trước công nguyên. Thalès là một trong bảy triết gia được vào danh sách Thất Hiền và được người Hy Lạp xem là nhà sáng lập hình thức tư tưởng và cách cai trị quốc gia của họ. Ông là người đầu tiên giải thích  hợp lý cấu trúc vật lý của thế giới, dưới mắt ông, nước là nguyên tắc của mọi sự. Người ta cũng nói ông có năng khiếu về chính trị, thiên văn và quân sự. Không có một bài viết nào của Thalès còn lưu lại ngoại trừ định đề con mang tên ông.