jen
Trang Thiếu Nhi















 



 

Diogène, thành Sinope, trước công nguyên, ở Crete

            Ai muốn mua triết gia?

Antisthènes đã dặn ông: khi đi đây đi đó, phải đem những gì có thể nổi được phòng khi đắm tàu. Lời của vị thầy thật đúng. Hải tặc ngoài khơi, tàu bị lục lọi, hải đoàn và hành khách bị bắt làm tù nhân, kể cả Diogène. Một số người trong đó có Diogène bị bán làm nô lệ ở Crète.

Ngày rao bán, người hiếu kỳ đến xem thật đông. Làm cái gì với cái thằng ốm yếu này? Nó sẽ làm được gì? Cái thằng kia hải sợ thế thì làm ăn gì được? Còn cái ông này, ông có cái nhìn cao ngạo, làm như ông quên thân phận nô lệ mà định mệnh đã an bài cho ông chắc? Còn cái ông này là ai mà khinh bỉ nhìn mọi người như một ông vua vậy?

-    Còn ông, ông biết làm gì, người rao hàng hỏi ông:
-    Tôi biết làm gì ư? Diogène trả lời với một giọng vang xa để không ai là không để ý đến, tôi ư, rất đơn giản: tôi điều khiển con người!
Rồi quay về hướng người rao hàng, ông tiếp tục nói: “Rao hàng cho tôi như thế này: có ai muốn mua triết gia không?”

Người rao hàng do dự, tưởng tên nô lệ làm trò cười. Diogène nằn nì. Vì người rao hàng khăng khăng từ chối, vị triết gia tự rao hàng! Hướng về đám đông, ông hét như sấm:
“Này nghe đây, có ai muốn mua triết gia không?”

Rồi ông đứng khoanh tay trên ngực. Ai có thể xứng đáng rao hàng giùm ông? Diogène chờ. Một thinh lặng bao trùm góc chợ. Vị triết gia hỏi người rao hàng: “Tôi ngồi xuống được không?” Họ không cho ông ngồi. Ông vẫn cứ ngồi và nói: “Khi bán cá, cá nằm ngồi gì người ta cũng bán được hết!”

Mặt trời nóng chang chang. Ai cũng tìm bóng mát để ngồi. Vị hiền triết ngạc nhiên không thấy ai mở hàng. Ông mong cho người đi mua hàng đến kiểm chứng món hàng, xem ông nói có thật không! Họ có thể kiểm chứng, họ phải biết là ông nói thật!

- Này anh rao hàng, nếu anh mua một cái vò, anh sẽ đập nhè nhẹ trên cái vò, anh sẽ kiểm coi cái vò có tốt không, nung đã tới chưa, đúng không? Còn mua người thì chỉ nhắm mắt nhìn sao!

Bỗng ánh nhìn của Diogène ngừng lại ở gương mặt của người đàn ông mập, có vẻ như đang ở thế giới hư không.

Chỉ tay vào Xéniade, một thương gia giàu có ở thành phố xa, Diogène hỏi người rao hàng:
-    Ông biết ông này không?
Người rao hàng gật đầu.

-    Anh biết ông ta cũng như tôi biết ông ta phải không? Vậy anh bán tôi cho ông này đi! Tôi sẽ ra lệnh cho ông ta mua tôi. Bởi vì chắc chắn ông ta cần tôi!

Một lúc sau, như phép mầu, Xéniade bỏ tiền ra mua Diogène với giá ấn định, chỉ vài chục đồng. Tính táo tợn của vị triết gia đã thuyết phục được vị thương gia. Thêm nữa trả chừng đó tiền để học bài học xi-níc thì cũng không đắt! Trong đầu Xéniade đã có ý định giao cho Diogène dạy dỗ con cái và coi sóc nhà cửa cho ông.

Một thời gian ngắn sau, vị triết gia chiếm ngôi nhà của Xéniade. Ông hành sử như ông là chủ nhàø. Xéniade ngạc nhiên. Diogène vặn lại, ông nói tất cả mọi sự đều thuộc về các vị thần. Vì triết gia là bạn của các vị thần nên giữa các vị thần, của cải là của cải chung, của cải của thần cũng là của cải của triết gia. Cái gì của Xéniade cũng là của Diogène.

Tình trạng này kéo dài một thời gian cho đến lúc vị chủ nhân nghĩ rằng tốt hơn là nên mời vị thầy choán chỗ này đi chỗ khác. Khi Diogène lên tàu ra khơi, ông cảm thấy được tự do. Ông chủ cũ cũng được tự do.

Jean-Philippe de Tonnac

Làm sao đáp ứng được khát vọng bị điều khiển?

Nguồn gốc câu chuyện kể:

Trong chuyện Cuộc Mua Bán của Diogène, tác giả Ménippe kể Diogène bị bắt tù và bị đem bán, được hỏi ông làm nghề gì, ông nói: “Điều khiển người ta,” rồi ông nói với người rao hàng: “Rao hàng cho tôi như thế này: có ai muốn mua triết gia không?”


Tiểu sử Diogène

Diogène sinh vào khoảng năm 413 trước công nguyên, chết ở Athènes khoảng năm 323. Diogène là hình ảnh tiêu biểu nhất của lối sống xy-níc. Học trò của Antisthènes, ông vứt bỏ lý thuyết để sống đời sống luân lý bằng con đường trực tiếp và hành động cụ thể. Theo ông, muốn sống đời sống cao nhất vẫn là đi trở về sống theo tự nhiên, vượt ra ngoài các ước muốn và sợ hãi giả tạo. Nổi tiếng về những lời nói khiêu khích, Diogène viết rất nhiều tác phẩm nhưng chỉ còn lưu lại một số rất ít.