logo

Thiếu Nhi

 
"Cô tiên" của những mảnh đời bất hạnh 

MINH DIỆU - Người Viễn Xứ - 

Chị là một phụ nữ đẹp, rất đẹp. Cuộc đời chị như một câu chuyện cổ tích với bao đắng cay, tủi nhục nhưng là một kết thúc có hậu. Từ vũng bùn của những bất hạnh, đói khổ, chị đã vươn lên trở thành một nữ giám đốc thành đạt. Tiền tỷ kiếm được hôm nay chị đem mở trung tâm để nuôi dạy những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh như chị ngày xưa…
"Cô tiên" của những em bé bất hạnh
Quá khứ buồn
Tên chị là Huỳnh Tiểu Hương - Giám đốc công ty nước tinh khiết Huỳnh Hương, Giám đốc công ty Nhân đạo Quê Hương. Nói đúng hơn, chị không có tên, có tuổi. Trong ký ức chỉ biết Hương là cô bé mồ côi sinh ra ở Miền Trung vào khoảng năm 1965- 1968. Suốt ngày lăn lóc trên những con tàu Bắc – Nam để kiếm miếng ăn, cô bé Hương đã nếm trải những trận đòn “tử” của những “đầu gấu xe lửa” khi chen chân vào lãnh địa của chúng. Được những người tốt bụng nhận làm con nuôi nhưng chỉ sau một thời gian Hương lại trở về những chuyến tàu để kiếm sống vì không chịu nổi những trò vô đạo của bố nuôi. Cũng có những người thật tốt, thật sự yêu thương cô nhưng vì nhiều lý do, Hương không được hưởng trọn niềm hạnh phúc ấy và và tiếp tục cuộc đời lăn lóc của mình. Từ những sân ga xa lạ tận Lào Cai đến Sài Gòn, không nơi nào không có dấu chân của Tiểu Hương. Đói, rét, chưa bao giờ Hương có được một bữa cơm no như bao đứa trẻ khác, một tấm áo lành đủ ấm trong những ngày đông. Cám cảnh đứa trẻ mồ côi, người thương tình cho cô miếng bánh, kẻ thảy cho vài đồng xu. Không thể ngửa tay xin ăn, cô chuyển sang bán trà đá và thuốc lá lẻ trên tàu. Lần mò, Hương lại theo chân các đoàn đãi vàng ở những vùng đất hoàn toàn xa lạ ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Trị thiên… Suốt những ngày tháng ấy, cái mà Hương “có” được là những cơn sốt rét kinh hoàng, đáng sợ.
Và cũng để tồn tại, cô đã làm tất cả mọi việc mà không cần ai thuê mướn: lau chùi xe ở Bến xe Miền Đông, rửa chén, chạy bàn ở những quán ăn. Ai thương tình thì cho vài đồng hoặc một bữa ăn, còn không cũng chẳng sao.

Giấc mơ có thật
Chưa bao giờ Huỳnh Tiểu Hương mơ mình sẽ có những bữa ăn ngon lành huống hồ đến những ước mơ xa xôi hơn. Vậy mà cuộc đời vẫn có những bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Một người Đài Loan tốt bụng như đọc được từ ánh mắt của cô gái trẻ một tấm lòng thánh thiện trong những lần ông đến quán ăn gặp cô đang phụ việc. Ông nhận cô làm con nuôi, trước khi về nước, ông cho cô 20 lượng vàng với lời khuyên: mua một căn nhà để làm chỗ che mưa nắng. Đó là ngày 10/12/1989 và cô lấy đó làm ngày sinh nhật của mình. Hạnh phúc đã thật sự mỉm cười khi chỉ một ngày sau, có người đến tìm mua lại căn nhà trên với giá 45 lượng vàng. Thật sự 45 cây vàng có giá trị như thế nào Hương không biết, cô chỉ biết lấy vàng mua tiếp căn nhà khác và một chiếc xe du lịch để cho thuê. Và cô thực sự bước vào thương trường một cách vô tình. Với vốn tiếng Hoa, tiếng Anh bập bõm trong những ngày làm bồi, cô nhanh chóng tiếp cận khách làm ăn, giao dịch, mua bán bất động sản và giàu lên một cách nhanh chóng. Cô bé bụi đời đói cơm áo ngày nào đã trở thành tỷ phú Huỳnh Tiểu Hương.
Luôn có mặt mọi nơi để chia sẻ nỗi bất hạnh
Một tấm lòng nhân ái bao la
Tiền thì ai mà không ham? Hương cũng vậy. Cô lao vào kiếm tiền và có được những đồng tiền chân chính bằng mồ hôi, công sức, nghị lực và một chút may mắn. Nhưng Hương đã không làm nô lệ cho đồng tiền mà làm chủ nó, chi phối nó. Từ đứa trẻ mồ côi, bất hạnh vươn lên trở thành tỷ phú đã là điều đáng khâm phục. Đó là sự khâm phục về ý chí của một phụ nữ. Nhưng điều đáng kính trong ở Huỳnh Tiểu Hương là ở một tấm lòng, một nhân cách sống vì mọi người. Cô dùng những đồng tiền kiếm được để làm những việc “ không ai dám làm”. Đem tiến tỷ đổ vào làm từ thiện, vào những trường nuôi dạy trẻ mồ côi, vào những trung tâm khuyết tật. Trong khắp 61 tỉnh thành, Hương đã lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa tìm những đứa bé mồ côi, khuyết tật để nhận làm con nuôi, để bảo trợ. Hàng ngàn đứa trẻ như thế khắp cả nước đã trở thành con của mẹ Hương. Không một hoạt động từ thiện đúng nghĩa nào mà Hương từ chối. Năm 2001, Hương chính thức thành lập trung tâm Nhân Đạo Quê Hương tại 35/72/73/12 Vườn Lài, phường 18 Tân Bình, TP.HCM  do chính cô làm Giám đốc. Cô đã tặng căn nhà cùng tài sản trị giá trên 4 tỷ đồng làm cơ sở nuôi dạy 42 đứa trẻ khuyết tật, khiếm thị. Căn nhà riêng tại 17/15/11 Gò Dầu, Tân Bình, TP.HCM cũng trở thành nhà chung cho những đứa bé mồ côi, của những người già không nơi nương tựa. Hương còn bỏ tiền mời giáo viên đến dạy đàn, múa, hát, anh văn, vi tính cho các con của mình. Hương mừng rỡ cho biết:“ Mình vừa mở được một cơ sở 2 tại Dĩ An, Bình Dương dự kiến sẽ nuôi được 150 trẻ mồ côi và người già neo đơn”. Niềm vui của cô vô tư như một đứa trẻ con được nhận quà. Niềm hạnh phúc không hề tính toán sao quá đỗi lớn lao!
Những mảnh đời luôn cần có Hương
 Một tấm lòng
Hương đã đem hạnh phúc đến cho hàng ngàn người bất hạnh, cô không muốn cuộc đời này có thêm một một Huỳnh Tiểu Hương thứ hai. Nhưng đối diện cô, tâm sự với cô, tôi cảm nhận được nỗi khát khao mà bao phụ nữ đều mong muốn: một mái ấm, một người chồng, một đứa con do chính cô sinh ra. Hương cười buồn:“ Cũng có những người đến rồi đi nhưng không ai chia sẻ và chung ý nguỵên với mình. Ít người chấp nhận cái “điên khùng” của Hương lắm.” Hương quá nhạy cảm để nhận ra rằng đâu là lòng tốt, đâu là giả dối…

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”. Một tấm lòng như Huỳnh Tiểu Hương, một hạnh phúc như Huỳnh Tiểu Hương, mấy ai có được ?
 

                                                                                                              MINH DIỆU