*




Sách nhiễu thị giác 

Đọc bài của “bạn” (1), tôi bỗng nhớ tới một nhân vật trong Mặt Tròi Vẫn Mọc, của Hemingway, anh chàng nhà văn-võ sĩ tôi quên không còn nhớ tên, hơi một chút là lôi quả đấm ra nện người khác. Anh này mê người đẹp Lady Ashley, người đẹp lại mê anh chàng đấu bò. Anh nhà văn võ sĩ bèn đi thọi anh chàng đấu bò. Anh chàng matador mỗi lần bị đấm, té xuống, lại đứng dậy, giơ mặt ra cho anh võ sĩ quại tiếp, cứ thế hàng chục lần. Sau cùng anh võ sĩ năn nỉ, thôi tôi xin thua, không dám thọi nữa. Tới lúc đó, anh đấu bò mới phều phào ra lệnh: Tối nay, lập tức rời bỏ thành phố. Nếu sáng mai còn thấy, là thịt! 

Lá thư của bạn theo tôi, tương tự nhận xét của một nhân vật trong Mặt Trời Vẫn Mọc [Đây là câu chuyện cuộc tình giữa một anh mất chim và một người đàn bà tràn trề nhựa sống, ở vào một thời đại mà Hemingway gọi là “lost generation”, thời đại bỏ đi], về anh chàng nhà văn-võ sĩ: “Từ bây giờ trở đi, hắn ta hết còn dám đem quả đấm ra dọa ai nữa rồi!” 

Bài viết còn làm tôi nhớ tới bài viết của nhà văn Peru, Mario Vargas LLosa, “Của quí hay là Cuộc đời: Vụ Bobbitt” [The Penis or Life: The Bobbitt affair] (2) 

Ông nhà văn đã từng tranh cử tổng thống nhưng thất bại này nhắc tới luận điểm của Uva de Aragón Clavijo, tác giả cuốn “Cá sấu trước gương” [bản tiếng Anh, The Alligator in Front of the Mirror, nhà xb Ediciones Universal, Miami, Florida, 1993], theo đó, bạo động gây đổ máu tràn lan trong lịch sử Nam Mỹ, trong đó có Cuba, là một biểu hiện và sản phẩm của văn hóa “bạ đâu, bất cứ chỗ nào cũng trưng của quí” [machismo: niềm kiêu hãnh quá đáng, hoặc hung hăng vì mình là đàn ông] vốn ăn sâu, ăn suốt vào lục địa này từ đời thuở nào. 

“Chủ nghĩa trọng binh, những tà ma ác quỉ gây họa dịch ở Mỹ Châu chúng ta”, nữ tác giả Uva de Aragón Clavijo khẳng định, “có những nguồn gốc của chúng ở trong sự thờ phụng của quí” [chữ của bà, the cult of virility]. 

Trong một buổi ra mắt cuốn sách trên, có LLosa tham dự, tay MC bữa đó đã đưa ra một đề nghị “hóm hỉnh” là, nếu theo như quan điểm của nữ tác giả, thì có lẽ, văn hóa tương lai của Mỹ Châu La Tinh nên “thiến” đi, như vậy tốt cho nó. 

Người viết không hiểu đây có phải là ẩn dụ trong những tác phẩm, thí dụ như cuốn Marie Sến của Phạm Thị Hoài theo nghĩa, những cô Marie Sến của chúng ta thèm khát một của quí đã mất trong cuộc chiến, missing in action, và thanh niên Việt Nam sau đó đều là đồ bỏ đi. Cụm từ mà Hemingway dùng làm đề từ, của Gertrude Stein, như ông cho biết, "Lũ chúng ta là một thời đại bỏ đi", thực sự muốn nói tới  những anh chàng không còn của quí nữa?

Thú vị hơn nữa là, tay MC sau đó kể lại cho LLosa nghe, sau khi ông đưa đề nghị “thiến”, lập tức một cơn rùng mình chạy suốt lớp thính giả phái nam, và người nào người nấy theo phản xạ, lập tức khép hai đầu gối lại! 

Nói đến việc hay khoe của quí, mấy ông cụ bà cụ ta ngày xưa sành điệu hơn nhiều: khoe thì có khoe nhưng khoe thật khéo. Thí dụ như ở miền bắc, mấy ông bà có con gái quí, thương con, sợ con sau này lấy phải thằng chồng “chẳng ra gì”, nhân những ngày đông lạnh giá, đề nghị anh chàng rể tương lai đóng khố, xuống ao nơm cá. Quí hay không quí, cương hay không cương, là biết liền! 

Cũng trong bài viết, LLosa đề nghị một từ, cho cái việc văng của quí tùm lum tà la trên khắp trang giấy, hay trên không gian ảo, thí dụ như trên Talawas, là “sách nhiễu thị giác” [visual harassment].

 Ông dùng từ này, để chỉ tình trạng của ông, trong giờ giảng bài, mắt cứ phải nhìn lên trần nhà, không dám đậu lại trên ngực nữ sinh viên!

 NQT

 Ghi chú:

(1) Bạn, ở đây, là NT, một tác giả hay đăng bài trên talawas. Bài này viết đã lâu, không biết sao, bị lạc, mới tìm lại được.  “Bài của bạn”, bây giờ không biết là bài nào, nhưng hình như là một trong những bài nói về của quí của đàn ông, và cái thói, hơi một chút là mang ra khoe!

(2)  Bài viết của LLosa in trong Making Waves, do John King biên tập và dịch thuật [nhà xb Penguin Books].