jenny



29.7.2005
Hồ Trường

Là một độc giả trung thành cuả mục Thơ và Thơ Trẻ trên talawas, mỗi ngày tôi vẫn chờ đợi một bài viết thật sự đi sát như tên của mục chuyên đề: Thơ Trẻ. talawas đã có những bài viết rất “đã”, đầy lửa, cùng những dẫn chứng đi sát với hoạt động sáng tác thơ trẻ đương đại. Tuy talawas không trực tiếp đăng sáng tác, mục Thơ và Thơ Trẻ đã giúp những độc giả yêu thơ như tôi hiểu rõ thêm về hướng đi (dù đi tới hoặc đi lùi) của thơ Việt Nam đương đại. Tuy vậy, tôi không hiểu tại sao bỗng nhiên trong Thơ và Thơ Trẻ lại xuất hiện những bài viết như kiểu “Cầu ái ân hay cầu ái cầu ân” của tác giả Trần Hoài Thư. Thứ nhất, nó không nằm trong chủ đề Thơ ngay từ đầu (từ mục tản văn thứ sáu của Song Thao, đến phần góp ý của Trân). Thứ hai, bài viết của Trần Hoài Thư dù có phân tích về bài thơ, nó lại mang hơi hướm của một “trả ý” về một “góp ý”. Nó hoàn toàn đi chệch ra ngoài đường đi của Thơ Trẻ hôm nay. Nhất là sau khi góp ý về bài thơ, một cách vô tình hay hữu ý , ông lại “tiếp thị” một bài thơ (cũ) của mình. Bài thơ theo cảm tính / lý tính của tôi, là một bài thơ xoàng: vần điệu ê a, ý tưởng và hình ảnh tản mạn, dài dòng, và nhất là nhóm chữ in đậm mà tác giả tự cho là “nhập thần” (sic) – chỉ là cách dụng ảnh vẫn thường được thấy trong dòng văn thơ cũ, nhất là dòng thơ miền Nam trước 75: „gió len bờ khe hạ“. Chúng tôi, những độc giả của thơ, thích chờ đợi được đọc những cách thức làm thơ trực tiếp, thực tế, mạnh mẽ, có thể mang nhiều tính hài hước, hơn là phải gãi đầu thắc mắc: Tại sao (gió) không ru, không thổi, không tỉ tê? Dù gió có “len”, có “ru”, có “tỉ tê” bờ “khe hạ” thì “len” cũng chẳng có gì gọi là “nhập thần” cả. Và “bờ khe hạ” chỉ là một cách điệu lỗi thời để dùng trong thơ mà thôi. Nếu nói về thơ cũ thì hơn bốn mươi năm trước, Phạm Công Thiện hay Nguyễn Ðức Sơn đã vứt ra khỏi mỹ cảm “bờ khe hạ” này lâu rồi. Vâng, thơ cũ có cái hay của thơ cũ (và có lẽ những tác giả đương đại vẫn sẵn sàng cúng thờ nó mỗi ngày), nhưng không còn hợp thời để dẫn chứng hay “tiếp thị” nữa. Những độc giả thơ hiện nay, như bao người theo dõi văn chương, hội họa, âm nhạc, etc. đương đại khác, luôn chờ đợi những bài viết về thơ, hoặc những bài thơ được dẫn chứng trên nền thẩm mỹ cách tân, mang hơi thở và tốc độ mạnh mẽ của đời sống, nếu đầy dục tính thì cũng nên là thứ dục tính của thời đại. Và chúng tôi luôn cảm ơn talawas, Tiền Vệ đã luôn mang tinh thần hiện đại và nhạy cảm trong việc đẩy mạnh thơ trẻ hiện nay.


talawas: Việc xếp bài trong mục nào là công việc của toà soạn talawas, trong trường hợp được bạn đọc Hồ Trường nhắc tới, nhà thơ Trần Hoài Thư hoàn toàn… vô can. Nghệ thuật phân chia và sắp xếp các chuyên mục, đề tài và loạt bài của talawas còn rất lâu mới có thể gọi là tạm ổn. Quang phổ quá rộng của các đề tài được đề cập trên talawas cũng như tính chất phức hợp có thể có trong từng bài luôn khiến chúng tôi thấy việc một lần nữa tổ chức lại và thay đổi giao diện của trang talawas là vô cùng cần thiết.