jenny



Sau Đại Hồng Thuỷ

*
"New Orleans sống bên cạnh nước và vật lộn với nó, một lâu đài cát trên miếng bọt biển, thấp hơn mặt biển ba mét, ở nơi đó, người ta làm ra âm nhạc bằng những cơn đau tim, đặt tên những trận bão lụt cho những đồ uống, và nói trạng, rằng, một ngày nào đó, bạn có thể dạo chơi thành phố, trên một chiếc xuồng". Time, Sept 12, 2005.
Chờ Em đêm vắng, với cô đơn, Ngõ hồn mưa ngập lối.
[Mưa đêm tỉnh lẻ]
Phố bỗng là dòng sông uốn quanh
[TCS: Em còn nhớ nhưng Em "cứ" quên.]

Người Nữu Ước đi bốn bài ngắn, về New Orleans, tương lai bấp bênh, hệ thống đê điều, sự thất bại của Tông Tông Mẽo, và những báo cáo từ Louisiana, của hai phóng viên đi thực tế.
David Remnick, trong bài viết về những thất bại của Bush, hài tội giới lãnh đạo, những chính trị gia, về những bố lếu bố láo, bốc phét, tôi tôi bác bác với lịch sử, về tham vọng phải có danh gì với núi sông của họ.
Ông kể, ngay cả ông thợ kèn trốn lính Clinton mà còn đã từng tiếc hùi hụi, giá mà lúc làm Tông Tông có được một trận giặc lớn thì đã ngang hàng với Lincoln rồi!
Riêng về Bush, tay ký giả nhà văn này cho biết, trong lần tranh cử vào năm 2000, đã từng lên lớp đối thủ Al Gore, thiên tai "trắc nghiệm dũng khí của bạn", và liền đó, chứng minh, bằng cách chê ngay ông bố của mình, đã hơi bị chết nhát, khi cơn bão South Florida hỏi thăm.
Hỡi ơi, nay đến lượt ông con, Remnick than giùm: Dũng khí của Người đã bị trắc nghiệm, và Người, từ thua tới thua, ôm đầu máu chạy dài dài!
Hiển nhiên một thiên tai như Katrina thì không chỉ con người, mà ngay cả thần thánh cũng bỏ của chạy lấy... người! Hơn thế nữa, cái thành phố New Orleans đó, là một "hỗn xược", dám thách đố thiên nhiên: Nằm dưới mực nước biển, giống như một cái túi, được bảo bọc bằng những con đê. Nước chảy chỗ trũng, lọt vô đó, thì chỉ chờ nắng, nhờ máy bơm nước. "New Orleans sống bên cạnh nước và vật lộn với nó, một lâu đài cát trên miếng bọt biển, thấp hơn mặt biển ba mét, ở nơi đó, người ta làm ra âm nhạc bằng những cơn đau tim, đặt tên những trận bão lụt cho những đồ uống, và nói trạng, rằng, một ngày nào đó, bạn có thể dạo chơi thành phố, trên một chiếc xuồng". Time, Sept 12, 2005.
Thành phố đã từng hỗn xược, và bị thiên nhiên nhắc nhở hãy liệu thần hồn, nhiều lần rồi. Nổi danh nhất, là trận lụt 1927, gợi hứng cho W. Faulkner viết Tên Già ,[in song song với Những Cây Cọ Dại ].
Câu chuyện một anh tù được phái đi cứu một người đàn bà, và một người đàn ông, bị mắc kẹt trong trận lụt, tệ hại nhất trong lịch sử của con sông Mississipi: trong vòng sáu tuần lễ, hơn 20 ngàn dậm vuông bị chìm vào cơn lũ, bao gồm trọn vùng châu thổ giầu có; 600 ngàn người bị mất nhà cửa; vài trăm con người bị chết đuối; cộng thêm 25 ngàn con ngựa, 50 ngàn gia súc, 148 ngàn heo, 1300 cừu, 1 triệu ba trăm ngàn gà, 400 ngàn mẫu hoa mầu bị tiêu hủy, cùng hàng trăm dậm đê điều. Vài tuần, sau khi nước sông đã rút, người tù trở về trại tù. "Cái thuyền ở đằng kia kìa". "Còn đây là người đàn bà. Nhưng tôi không kiếm thấy thằng chả".