jenny



Trần Hoài Thư
Cầu ái ân hay cầu ái cầu ân?
 
1.

Một bạn đọc trẻ vừa góp ý trên talawas về đoạn ca dao mà tác giả Song Thao đã trích trong bài phiếm về “Cỏ”:

Cầu này là cầu ái ân,
Một trăm con gái rửa chân cầu này
Có rửa thì rửa chân tay,
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh

Theo người bạn trẻ, hai câu đầu hình như không được chính xác. Ðọc không thấy êm ái, trúc trắc. Chúng phải như thế này:

Cầu này cầu ái cầu ân
Trăm cô con gái rửa chân cầu này
Có rửa thì rửa chân tay
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh

Sự góp ý của bạn đọc này dựa vào sự êm ái xuôi tai. Ðó là một nhận định hợp lý. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra. Lấy tiêu chuẩn nào để chúng ta có thể biết nó là êm ái xuôi tai? Theo ý kiến riêng của tôi, không có tiêu chuẩn nào hết. Một bài thơ khác với âm nhạc, không có ký âm, không có ký hiệu để báo cho chúng ta biết khi nào nên dừng, khi nào tiếp tục, khi nào lên khi nào xuống, khi nào trầm khi nào bổng. Người đọc thơ thưởng thức bài thơ theo tính cách chủ quan của mình. Có thể người này nghe không thuận tai, nhưng người khác nghe thuận. Hay có thể người này khen kẻ khác chê. Và ngược lại.

Ví dụ qua câu đầu mà Song Thao đã dùng để trích, nếu ta đọc như thế này:

(“/” chỉ ngừng đọc một tí)

Cầu này /là/ cầu ái ân

hoặc:

Cầu này là/ cầu ái ân

thì cũng thuận tai đấy chứ.

Ðó là chưa bàn luận về chữ “là”. Nó không phải là chữ thừa thãi hay làm mất thi tính đâu. Nó chính là một chữ dùng để nhấn mạnh cho chủ từ “cầu này”.

Ví dụ qua hai câu ca dao sau đây:

Chén tình là chén say sưa
Nón tình anh đội nắng mưa trên đầu

Nhưng nếu đổi sang:

Chén tình chén say chén sưa
Nón tình anh đội nắng mưa trên đầu

thì có lẽ chẳng ổn tí nào.

Khi nói đến êm ái xuôi tai, cũng cần phải để ý đến nhịp điệu hay cấu trúc của câu thơ. Thử đọc lại câu mà bạn đã đề nghị. Cầu này / cầu ái/ cầu ân, rất xuôi tai, nhưng nếu đọc: Cầu này cầu / ái cầu ân, thì chẳng xuôi tai và ý thơ cũng trở nên vô nghĩa.

Còn câu hai thì sao? Trăm cô con gái rửa chân cầu này hay là Một trăm con gái rửa chân cầu này? Thiết tưởng đây cũng là một thí dụ rất hạp cho vụ bàn cãi về cách dịch của hai ông Nguyễn Quốc Trụ và Phan Nhiên Hạo. Trăm cô con gái có phải là một trăm con gái?

Ca dao là những câu thơ được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Có thể nó khác nguyên tác. Nào ai biết. Ai thích sao thì thích. Việc êm tai cũng tùy theo mỗi người. Chúng ta nên đừng bắt buộc người khác phải theo ý mình. Có phải vậy không?


2.

Phần trên, tôi chỉ xin mạo muội có những ý nghĩ vụn về hai câu mà bạn đọc talawas đã đề cập. Tôi thử tìm trong tất cả website chuyên về ca dao tục ngữ, chỉ thấy như nhà văn Song Thao đã trích. Dù vậy, rất thành thật, tôi cũng thích đoạn ca dao mà người bạn trẻ đã đóng góp.


3.

Nhưng cái chính ở đây là hai tiếng ái ân có mặt ở câu đầu tiên. Một người bạn của tôi cho đoạn ca dao này là một kinh nghiệm về tình dục. Hắn bảo cầu ái ân (hay cầu ái cầu ân) là nơi nam nữ làm tình sau màn thề non hẹn biển. Sau khi ân ái, người nữ rửa chân, rửa mình. (Người viết tự kiểm duyệt, không diễn dịch thêm tại sao là cá lại chết. Ai nghĩ sao thì nghĩ.)

Tôi nhân danh người yêu thi ca phủ bác kịch liệt lời giải thích đầy trần tục ấy.


4.

Hắn hỏi lại tôi, như vậy tại sao đàn cá lại bị chết khi nàng rửa lông mày?

Tôi bảo tại vì chàng trai kia bốc thơm người tình lên mây lên gió. Rằng nàng đẹp quá, đẹp đến độ khi nàng rửa lông (chân) mày, mặt nàng úp xuống nước, trời ơi, nhan sắc nàng hiện lung linh mờ ảo trên bóng nước, khiến ngay cá cũng phải sững sờ, phải chết điếng, phải tức thở huống chi ta đây là con người!

Thì cổ nhân chúng ta cũng đã từng ví sắc đẹp làm nghiêng nước nghêng thành, chim sa cá lặn mà!


5.

Có phải, đó mới chính là cái hay của thơ. Tôi nhớ đến những vần thơ Đường mà ba tôi ngâm mỗi sáng bên bình trà. Ông ngâm sảng khoái, thỉnh thoảng ông nhắm mắt nhíu mày, giọng bỗng đổi “tông”. Lúc ấy tôi tự hỏi, có gì hay ở mấy câu thơ nho tàu đóng hộp ấy. Rồi càng ngày, tuổi đời càng lớn, kinh nghiệm càng nhiều, mới nhận ra là tại mình dốt. Mình không khám phá ra cái hay cái đẹp của nó (thơ) đấy thôi.

Như việc “rửa lông mày” của người con gái này. Hành động không phải chỉ đơn thuần là việc chùi rửa của người đẹp. Nó còn đi xa hơn. Thơ không dừng lại. Thơ bắt ta đi tìm, khám phá. Thơ mở cánh cửa căn phòng đầy những của cải. Và ai thích của nào thì cứ việc dừng lại chiêm ngưỡng.


6.

Vâng, tôi cũng đã từng là loài cá này. Không phải nhìn nàng rửa lông mày. Hơn thế nữa. Xin phép được mạo muội viết lại bài thơ cũ của mình về chàng cá của một thời thấy người con gái tắm truồng, cũng như 5 chữ “gió len bờ khe hạ” mà không hiểu sao vị thần thơ nhập vào, bắt mình viết lên lời ca ngợi nàng:

Xa thì xa. Người cũng thật xa
Chị có về bàn chân bỏ guốc
Dòng sông đêm trăng. Thở dài não nuột
Dấu chân rồi cũng xóa. Nằm im
Chị có về trăng mười sáu trăng lên
Một giọt sương cũng lạnh mình lóng lánh
Hay giọt lệ của một thời con gái
Hay giọt vui của tuổi chớm hoa xuân
Mười sáu trăng tròn hồn chị bâng khuâng
Ðêm ra tắm ngoài bến sông im vắng
Chiếc gáo dừa. Múc trăng. Trăng động
Dòng suối trăng lai láng cả bình nguyên
Ai khỏa thân lồ lộ cả trăm miền
Chị có thẹn vì trăng nhìn trên lá
Khi chị về gió len bờ khe hạ
Mơn man từng nụ thắm. Mơn man
Khi chị về em quá ngẩn ngơ
Cho em gởi theo vầng trăng kỷ niệm

(“Khi chị về”, trích tập thơ Ô cửa của Trần Hoài Thư)

Trời ơi bờ khe hạ!!! Và tại sao lại gió lại len? Không ru, không thổi, không tỉ tê?

© 2005 talawas