*

TẠP GHI





Gấu Bắc Kỳ 54

Những ngày Mậu Thân căng thẳng, Đại Học đóng cửa, cô bạn về quê, nỗi nhớ bám riết vào da thịt thay cho cơn bàng hoàng khi cận kề cái chết theo từng cơn hấp hối của thành phố cùng với tiếng hỏa tiễn réo ngang đầu.
Cõi khác

Thật trớ trêu,‘kỷ niệm tuyệt vời nhất’ trong đời viết văn của Gấu, như một cú “gậy ông đập lưng ông”, liên quan tới những trái hoả tiễn của người anh em ruột thịt Miền Bắc.
*
Gide, đọc Dostoevsky, gật gù ngộ ra chân lý, tác phẩm lớn có phần đóng góp của Quỉ.

Nói theo ông, và, nói theo… người ta, “văn mình vợ… mình”, có vẻ như những dòng tuyệt vời nhất - vì cay đắng nhất - ‘của Gấu’, là nhờ những trái hoả tiễn của VC mà có được, và cái kỷ niệm tuyệt vời nhất trong đời viết văn của Gấu - được cất thật kỹ, đôi lần cũng tính mang khoe, nhưng lại “dụt dè, e thẹn”, nay, nhân một độc giả kể câu chuyện, về lần gặp một ông già trông quen quen ở tiệm sách Tự Lực, thế là bèn bồi hồi nhớ lại, và viết ra ở đây, thay cho lời đa tạ tri âm tri kỷ - kỷ niệm đó cũng mang trong nó, những tiếng xèo xèo của những trái hoả tiễn trên bầu trời Sài Gòn, những ngày nào.
*
Cũng như người bạn, không phải dân Sài Gòn Nhỏ, lần Gấu đến Tự Lực là để hỏi thăm ông chủ nhà sách, về mấy cuốn sách gửi bán, và xin tí tiền còm, nếu có.
Thành thử lần gặp gỡ hụt đó, chẳng thú vị, chẳng tuyệt vời nhất, sao?
Vả chăng, cái kỷ niệm tuyệt vời nhất trong đời viết văn của Gấu, cũng là một kỷ niệm hụt, tương tự như vậy.
Trong số những cuốn sách của Gấu, “thú vị nhất, tuyệt vời nhất”, có lời, là cuốn viết chung với Thảo Trần, tức Gấu Cái.
Về cuốn này, cũng có vài kỷ niệm thú vị.
Bà xã thực sự không thích thú cái chuyện viết chung, in chung. Chung cái gì cũng được, trừ chuyện viết.
Thực ra, bà bực, theo kiểu suy nghĩ, mấy cô bạn, cô bé, cô Bắc Kỳ nho nhỏ kia, nhờ mi mà được đi vô… văn học, còn tui, hả, tui đi vô một mình, đi cửa chính, không phải cửa… phụ!
Bà bực nhất, lần khen nức khen nở Nguyễn Ngọc Tư, tuy chính bả là người dí vô mắt Gấu, tờ báo địa phương đăng truyện ngắn của bà nhà văn miệt vườn này, khi bả chưa nổi tiếng như cồn. Cái tờ báo đăng truyện ngắn trên, khi Gấu tò mò tìm hiểu, có phải tác giả là một người trong nước, đã lắc đầu quầy quậy, tụi này làm sao dám đăng tác phẩm của… VC!
Thì, vẫn như người ta nói, Bụt chùa nhà không thiêng!
Bực hơn nữa, khi một nhà văn nữ, đọc, và hỏi Gấu, tại làm sao mà không đi một đường “vợ viết chồng khen hay”? Thứ văn chương miệt vuờn của bà Thảo Trần đó, dân Bắc chúng tôi làm sao viết được? 

Nhà văn Nhật Tiến, khi đọc xong cuốn truyện ngắn Nơi Dòng Sông Chảy Về Phía Nam, mà Gấu hân hạnh thay mặt Gấu Cái, viết lời đề tặng, phán, văn như thế này, viết tự nhiên như… không viết, chữ cứ thế tà tà chảy về phiá Nam như những dòng kênh dòng lạch của Miền Nam chảy ra biển cả, mở ra giống dân lưu vong có tên là thuyền nhân sau này, thì cần gì phải ăn ké tiếng tăm của thằng cha Bắc Kỳ di cư 1954, thằng cha Gấu, nhà văn?

As I Lay Dying.
I took this family and subjected them to the greatest catastrophes which man can suffer – flood and fire, that’s all.
Tôi tóm lấy gia đình này và đẩy họ vô những tai ương tàn khốc nhất mà con người có thể chịu đựng - lũ và lửa, vậy đó.
W. Faulkner viết về cuốn Trong khi nằm hấp hối, trong Sư Tử ở Vườn.

The great mythic journey is the journey home..
Cuộc lữ huyền hoặc nhất, là về nhà...
Jay Parini: Thời Vô Song: Cuộc đời W. Faulkner.

Câu của Faulkner, nói về cuốn Trong khi tôi hấp hối, áp dụng cho Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư, mà chẳng đặng sao?
*
Trăm Năm Cô Đơn mở ra với cảnh tên tử tội đứng trước đội hành quyết, và bỗng sống lại cảm giác, lần đầu tiên được sờ tay vô một cục nước đá.

Gấu, chỉ tới khi Bông Hồng Đen mất đi, mới nhớ ra lần từ biệt Cô Hồng Con, khi trở về làng lần cuối cùng, trước khi từ giã Đất Bắc: Hình ảnh chạy theo một em Bắc Kỳ nơi cổng trường Đại Học Khoa Học ngày nào chính là cảnh từ giã Cô Hồng Con, được lập lại, đúng như me-xừ Améry, kẻ sống sót Lò Thiêu, phán, về thế nào là tiếc nuối, thế nào là ân hận, thế nào là tưởng niệm những người thân đã từ bỏ chúng ta.

Bông Hồng Đen mất đi mà còn làm cho Gấu khốn khổ khốn nạn, một lần chót.
Gấu như nhìn thấy em hé cho thấy, cái răng khểnh, cười, nói, này, tui chưa có tha cho anh đâu.
Cho chừa cái tội chạy theo tôi, ngày nào!
*
Số là, khi em mất, một anh bạn thương tình mail cho biết. Gấu Cái đọc được, tức điên người, bèn mail trả lời, nhận được mail, Gấu té xỉu đưa vô bệnh viện rùi.
Ông bạn hoảng quá, nhưng, bán tin bán nghi, bèn phôn cho một anh bạn khác, cũng bạn thân thời đi học. Anh này biết rất rõ mối tình nhớn của Gấu với BHĐ.
Bèn gật gù, chắc thiệt đấy mày ạ. Thằng Gấu lại sẵn bịnh tim. Dám đi theo em luôn!
Mail cho một ông bạn ở tận Berlin. Ông này mừng rỡ, nếu đúng như thế, thì Gấu, bạn của chúng ta đúng là nhà văn nhớn. Đám loi nhoi, tép riu, người bình thường như lũ chúng mình làm sao có được một cái chết hách xì xằng như thế. Nên mừng cho bạn của chúng ta!