jen


TẠP GHI 2





Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Việt Linh: 

Tôi chọn con đường của tôi...  [11/06/2004 22:31 GMT +7]

 Điện ảnh VN muốn tiến bộ phải nghĩ nhiều hơn nữa tới việc đào tạo thế hệ trẻ. Tạp chí điện ảnh ở VN có quá nhiều trong khi sách điện ảnh lại quá ít. Thiếu sách vở, người làm điện ảnh còn lơ mơ, trách gì công chúng

 Vừa từ Pháp về nước chuẩn bị cho việc phát hành bộ phim truyện nhựa Mê Thảo - Thời vang bóng do mình dàn dựng (tác giả kịch bản Phạm Thùy Nhân, phỏng theo tiểu thuyết Chùa Đàn của Nguyễn Tuân), Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Việt Linh luôn toát ra phong thái của một phụ nữ năng động, thông minh và “say đắm” điện ảnh. Mười sáu tuổi, đang là học sinh giỏi lớp đệ tam (lớp 10 hiện nay), Việt Linh bỏ phố theo cha - một cán bộ chủ chốt của điện ảnh Nam Bộ - vào chiến khu làm cách mạng. Chị gắn bó với điện ảnh từ đó, làm biên tập phim tài liệu ở Xưởng phim Giải Phóng và là người phụ nữ VN duy nhất tốt nghiệp đạo diễn tại Đại học Điện ảnh Liên Xô (VGIK, 1979-1985). Mười tám năm trên sân quay với bảy bộ phim (một phim video) đối với sự nghiệp của một đạo diễn chưa hẳn là nhiều, song điều đáng nói ở Việt Linh, chị đã để lại dấu ấn đặc thù trên từng bộ phim cũng như sự nể trọng và quý mến trong lòng công chúng điện ảnh trong nước và nước ngoài. Trừ bộ phim truyện nhựa đầu tay Nơi bình yên chim hót (1986) và phim video Một cuộc đời bị đánh cắp (1989), năm phim truyện nhựa còn lại: Phiên tòa cần chánh án (1987), Gánh xiếc rong (1988), Dấu ấn của quỷ (1992), Chung cư (1998) và Mê Thảo - Thời vang bóng (2002) đều đoạt các giải thưởng trong nước và nước ngoài. Riêng Mê Thảo - Thời vang bóng đã được mời dự gần 10 liên hoan phim (LHP) quốc tế, đoạt giải Bông hồng vàng tại LHP Bergamo (Ý) 2003 và giải nhì của Quỹ Cổ động phát hành quốc tế 2003 của Tổ chức liên chính phủ Các nước nói tiếng Pháp (Francophonie) với lời nhận xét của ban giám khảo: “... Cảm xúc được trong nó những khoảnh khắc điện ảnh đẹp, tính tinh tế trong xử lý cũng như sự tỏa sáng mà phim đã mang tới cho nền văn hóa VN”.

 Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Việt Linh

 . Phóng viên: Là một người sinh ra và lớn lên tại miền Nam, điều gì ở Chùa Đàn khiến chị xúc động mà làm nên một Mê Thảo - Thời vang bóng?

 - Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Việt Linh: Tôi biết Chùa Đàn ở giữa... rừng Tây Ninh khi quay phim Phiên tòa cần chánh án (1987). Anh Phạm Thùy Nhân (lúc ấy đang làm phó đạo diễn cho phim Phiên tòa cần chánh án) mách với tôi rằng tiểu thuyết Chùa Đàn của cụ Nguyễn Tuân hay lắm. Đọc xong, tôi rất xúc động vì cái tâm của cụ nhưng muốn để dành vì lúc ấy, tôi chưa hề biết miền Bắc như thế nào. Năm 1994, tôi cầm kịch bản đến nhà cụ Nguyễn Tuân, được giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Đào (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải) - con trai đồng thời là đại diện chính thức của gia đình - sau khi đọc xong, chính thức đồng ý. Chúng tôi không chuyển thể mà phỏng theo Chùa Đàn, chọn câu truyện ở đoạn giữa có tên Tâm sự của nước độc và hư cấu thêm nhân vật cô gái câm (Minh Trang đóng). Việc thêm nhân vật hư cấu này nhằm làm cho phim đầy đặn hơn, như một chất xúc tác để dẫn truyện,... đồng thời là nơi tôi gởi gắm ý tưởng: một con người ở tầng lớp thấp của xã hội, biết yêu thương, nhìn thấy hết nhưng không nói được. Cô bị câm tới hai lần: Một lần trời bắt và một lần vì thân phận nhỏ bé!

 . “Bông hồng vàng” là giải thưởng cao nhất của LHP Quốc tế Bergamo 2003 đã được trao cho Mê Thảo - Thời vang bóng. Điều gì để lại ấn tượng cho chị nhất qua LHP này?

 - Đó là ngày bộ phim được trình chiếu ra mắt. Tình cờ thế nào mà đó cũng là ngày Mỹ tấn công Iraq. Suốt từ sáng đến chiều, dân đổ ra đường biểu tình, địa điểm tập hợp lại gần rạp chiếu. Sáu giờ chiều là lịch chiếu mà ba giờ họ tổ chức mít-tinh, khiến tôi hồi hộp nhưng may mắn sao là sau đó, họ ùn ùn kéo vào rạp...

 . Cách đây hai năm, khi Mê Thảo - Thời vang bóng được chiếu ra mắt một số khán giả chọn lọc, đã có nhiều ý kiến khen chê khá thẳng thắn. Chị suy nghĩ gì về những nhận xét đó? Cảm nhận: “Tôi không hiểu nhiều về điện ảnh, nhưng tôi thấy những ý tưởng của cha tôi nổi lên rất rõ trong phim. Gia đình tôi cảm ơn chị Việt Linh đã đưa lên màn ảnh một câu truyện như thế. Cũng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tôi nghĩ mỗi người sẽ cảm nhận văn của ông cụ nhà tôi một kiểu khác nhau”.

GS-TS Nguyễn Xuân Đào, con nhà văn Nguyễn Tuân

 - Khen thì tôi cám ơn. Chê thì mình suy nghĩ, không cho phim này sẽ cho phim khác, không có ý kiến nào là vô ích cả. Tất nhiên, một bộ phim không thể làm hài lòng hết mọi người. Được cơ quan thẩm quyền duyệt, được gia đình cụ Nguyễn Tuân hài lòng, được đa số người phê bình công nhận là mình yên tâm. Tôi thích nhất với lời khen cho rằng bộ phim đã “Bắc ra Bắc, cổ ra cổ - một miền Bắc cổ”. Tôi đã làm hết khả năng trong điều kiện có thể và dù khen hay chê, đừng để ai nói mình làm ẩu. Với tôi, phim nào tôi cũng làm hết sức. Mỗi phim là một cuộc thử thách mới, với một điều mới.

 . Hiện có một công chúng mua vé đại trà mà phim ăn khách đang ở dạng như Gái nhảy, Lọ lem hè phố hoặc Những cô gái chân dài... chị nghĩ gì về điều này và có lo ngại cho việc phát hành Mê Thảo - Thời vang bóng?

  - Từ trước tới nay, chúng ta ít chú ý đến điện ảnh thương mại trong lúc điện ảnh thương mại là mảng cần thiết. Về mặt nguyên tắc, những người làm điện ảnh nghệ thuật không có gì phải băn khoăn. Dân gian thường nói: “Xay lúa khỏi bồng em” kia mà. Có bị áp lực chăng là nơi bỏ tiền đòi hỏi phim đừng bị lỗ. Điều này dễ khiến cho người sáng tạo bị phân tâm. Chẳng đạo diễn nào muốn làm phim không có khách. Thái độ này của khán giả cũng là dịp để người làm phim suy nghĩ nhiều hơn đến công chúng, đến gần chứ không phải chạy theo.

  Thật sự, trước lúc đưa Mê Thảo - Thời vang bóng ra rạp, tôi vừa háo hức, vừa hồi hộp. Phim cũng sẽ được chiếu theo hệ thống phát hành ở Pháp vào cuối năm nay. Ở các nước phát triển trên thế giới, mỗi loại phim đều có một cách thức phát hành khác nhau, nhằm đưa phim đến đúng đối tượng. Trường hợp “Mê Thảo”... ở VN cũng vậy, không cần bung ra đồng loạt mà chọn nơi thuận lợi, chiếu dài ngày, cộng với việc tuyên truyền...

  . Từ mười năm nay, chị theo chồng định cư tại Pháp, nhưng sao lại vẫn  luôn đi đi về về. Có phải chị nay đã là một... Việt kiều?

  - Tôi hiện vẫn là công dân VN và vẫn là đạo diễn ăn lương Hãng phim Giải Phóng. Tôi sống ở Pháp theo dạng du lịch thăm thân nhân, giấy thường trú có thời hạn 10 năm. Chồng tôi sinh ra và lớn lên ở Pháp, song vẫn mang quốc tịch VN và cũng có giấy thường trú 10 năm/lần như tôi. Ở Pháp cùng lúc tôi làm đại diện cho Hãng phim Giải Phóng ở châu Âu. Niềm hạnh phúc của tôi là được nhìn thấy áp phích phim VN dựng trên đường phố châu Âu và khán giả châu Âu biết đến văn hóa VN qua điện ảnh.Một cảnh “miền Bắc cổ” trong phim Mê Thảo- Thời vang bóng.

  Trích Người Lao Động trên net