nqt
   
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Tạp Ghi 
 




Chủ nghĩa toàn cầu và tên lưu manh của nó.


Một trong những vấn đề kinh tế bức thiết của thời đại chúng ta, đó là rất nhiều "cái được gọi là những nền kinh tế đang phát triển" thực sự không phải đang phát triển. Dân chúng thuộc những xứ sở dân chủ, kỹ nghệ hóa Tây Phương đã bị sốc thực sự, khi họ biết, ở những nước như Uganda, hay Ethiopia, hay Malavi, tuổi thọ của đàn ông hay đàn bà không mong gì vượt qua con số 45. Hay là ở Sierra Leone, 28% trong số tất cả trẻ em chết trước khi được "ăn mừng" lên năm tuổi. Hay là hơn một nửa những trẻ em ở Ấn Độ bị thiếu ăn, suy dinh dưỡng. Hay ở Bangladesh, một nửa đàn ông, và chưa tới một phần tư đàn bà, là biết đọc và biết viết. [Những số liệu từ 1999/2000 World Development Report, Table 2].

Điều này còn nhức nhối hơn nữa: Không hề có một sự tiến bộ nào, ít ra là trên "mặt trận kinh tế" tại nhiều nơi, nếu không muốn nói là tất cả những nước nghèo đói nhất trên thế giới, nơi mà mức thu nhập mạt rệp của người dân thật xứng đôi vừa lứa với sự vô tài bất tướng của chính quyền trong cái việc tạo nên thảm cảnh trần gian. Trong số 50 quốc gia, bình quân thu nhập đầu người thấp nhất vào năm 1990, thì 23 quốc gia, mức thu nhập đầu người năm 1999 thấp hơn năm 1990. Ở 27 quốc gia kia, mức thu nhập nhỉnh hơn lên, là 2.7%. Với mức độ nhinh nhỉnh như vậy, phải mất 79 năm họ mới có được thu nhập của Hy Lạp, một trong những nước nghèo nhất của Hiệp hội các nước Âu Châu.

Quả thực là một vấn đề nhức nhối, nếu người ta để ý tới những lời tuyên đoán lạc quan của một số kinh tế gia, vào những năm đầu tiên của thời kỳ hậu chiến. Có ông tỏ ra rất mừng cho những nước kém phát triển: họ sẽ không phải trả giá gì hết, cứ việc noi theo đàn anh, nghĩa là những nước đã có một nền kinh tế phát triển, tránh những vết xe đổ, tránh những lồi lầm mà đàn anh đã gặp phải. Nobel kinh tế gia Simon Kuznets nhắn nhủ: sẽ căng lắm đấy, khi khởi sự kỹ nghệ hóa, con số người nghèo sẽ tăng lên, thâu nhập giữa giầu và nghèo sẽ cách biệt, nhưng dần dần mọi việc sẽ êm xuôi thôi.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi nhiều nhà kinh tế hiện nay, đang lao vào những câu hỏi nhức nhối kể trên, sau những tiên đoán đầy lạc quan như vậy. Và họ đồng thanh tự hỏi, đâu là nguồn cơn của thảm cảnh trần gian? Một trong những người đó giơ tay chỉ đích danh tên lưu manh, kẻ khốn nạn: Quĩ tiền tệ thế giới (IMF).


Có lẽ kể từ cơn suy thoái xẩy ra vào thập niên 1930, chưa bao giờ như bây giờ, các nhà tư tưởng trên toàn thế giới đua nhau tấn công mặt trận kinh tế. Họ tự hỏi, thảm cảnh trần gian như vừa kể trên, là do những quốc gia mà kinh tế "không phát triển" (chúng ta hãy gọi đúng tên của nó) đã theo đuổi những chính sách kinh tế nội địa sai lầm? Hay họ là những nạn nhân ngây thơ vô tội, bị bóc lột bởi cái phần thế giới đã được kỹ nghệ hóa? Liệu có ích lợi chi, khi đẩy mạnh phát triển kinh tế mà vờ đi cơ cấu hạ tầng về xã hội cũng như về chính trị, và luôn cả một thể chế chính trị dân chủ thực sự? Hay là những định chế tốt đẹp như vậy chỉ có thể tốt đẹp một khi mà mức sống, điều kiện vật chất của người dân đã đi vào "tương đối" ổn định? Viện trợ từ bên ngoài có thêm thắt gì không hay là chỉ làm tăng thêm tư bản đỏ, thí dụ vậy, trong khi người dân vẫn nghèo hoàn nghèo?


IMF đã có những tiền thân của nó, cả một lô những cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc, được thành lập đúng theo đường lối lạc quan kể trên, nổi bật nhất là Chương Trình Phát triển của LHQ (UN Development Program), UN Conference on Trade and Development. Cơ quan Thực phẩm và Nông nghiệp (The Food and Agriculture Organization) được thành lập vào năm 1945 nhưng sau tách ra khỏi LHQ. Cơ quan lo về sức khỏe (The World Health Organization (1948). Ngân hàng thế giới cho việc Tái xây dựng và Phát triển, thường được gọi là Ngân hàng Thế giới, được thành lập vào năm 1944 chủ yếu tái xây dựng Âu Châu bị tơi tả vì chiến tranh, nhưng sau đó chuyển qua giúp thế giới phát triển, khi mục đích đầu tiên của nó đã hoàn tất.

IMF là kẻ đến muộn nhất. Được thành lập liền sau Ngân hàng Thế giới (1944), nhiệm vụ đầu tiên của nó là gìn giữ sự ổn định thị trường tài chính quốc tế, bằng cách giúp những xứ sở, về cả hai mặt, thứ nhất: điều chỉnh kinh tế khi mất thăng bằng, nghĩa khi không trả được những món nợ thế giới, và thứ nhì: giữ giá đồng bạc nội địa của họ, theo một chế độ ổn định thường trực đã được ấn định về tỷ giá hối đoái trên thế giới.

Nhưng vào đầu thập niên 1970, người ta nhận ra rằng thật khó mà giữ thường trực ổn định tỷ giá hối đoái, và một kiểu thả nổi đã đi vào thực tế, trở thành tiêu chuẩn (norm). Hơn thế nữa, những nền kinh tế Tây Phương ngày càng thêm mạnh, ngày càng có thêm những quốc gia mất thăng bằng trong cán cân chi thu, gặp khó khăn trong việc giữ cho đồng bạc của họ được ổn định, và cần ngoại tệ để trả nợ nước ngoài, và IMF ngày càng có thêm khách hàng. Như là một hậu quả tất nhiên, IMF ngày càng có tiếng nói, ngày càng liên can (involved) vào vấn đề phát triển kinh tế. Và như chúng ta đều biết, sự phát triển kinh tế tại nhiều quốc gia cứ tà tà đi xuống - ngay cả tại những nơi mà IMF đã giữ một vai trò đáng kể – chính sách cũng như hành động của IMF ngày càng bị lôi cuốn vào trong cuộc tranh luận: kẻ nào, cái gì đã gây nên nguồn cơn "điêu đứng" như thế này?

Joseph E. Stiglitz, trong cuốn "Toàn cầu hóa và những bất mãn của nó" ("Globalization and Its Discontents", nhà xb Norton, 282 trang, $24.95 USD), đã đưa ra những cái nhìn của ông, về cả hai mặt: cái gì đã trật đường rầy, và cái gì phải làm cho khác đi. Nhưng trọng tâm của cuốn sách của ông là: ai là kẻ cần phải trách cứ?

Theo ông, thảm cảnh trần gian tại những nước nghèo đói trên thế giới, là do một tên lưu manh, một tên ác ôn côn đồ mà ra. Và tên côn đồ lưu manh này (this vilain) thì thực là đáng ghét. Nó tên là Quỉ (hay Quĩ) Tiền Tệ Thế Giới (the International Monetary Fund), thường được gọi tắt là Quỉ (Quĩ, Fund).


Joseph Stiglitz xứng đáng, và đã từng lãnh Nobel về kinh tế. Nhiều năm trong nghề, ông đã có những đóng góp thật giá trị trong việc chú giải "trường" (field) kinh tế trên nhiều lãnh vực, bao gồm thuế vụ, lãi xuất, thái độ và cách ứng xử của người tiêu dùng, tài chính tổ hợp, và nhiều lãnh vực liên quan khác. Trong giới kinh tế gia, ông là một tay khổng lồ vẫn hăng say làm việc. Những năm gần đây, ông lao vào việc hoạch định đường lối kinh tế, trước hết, trong cương vị thành viên, và sau đó "chairman", của Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Hoa Kỳ (thời kỳ Clinton), và từ năm 1997 tới 2000, là "chief economist" của Ngân hàng Thế giới. Thành thử, trong rất nhiều trường hợp, những dữ kiện ông nêu ra ở trong cuốn sách của ông, là mới tinh.

Những vấn đề then chốt mà tác giả nêu ra trong cuốn sách của ông, là chuyện gì xẩy ra khi chúng ta thiếu những thông tin quan trọng dựa vào chúng mà quyết định, hoặc khi những thị trường dành cho những loại chuyển khoản quan trọng, thì không thỏa đáng, hoặc không có; khi những định chế kinh tế chuẩn mức khác nhằm bảo đảm cho sự suy đoán kinh tế của chúng ta, thì thiếu vắng hoặc bất toàn?

Theo ông thị trường tự do, nếu để mặc cho nó tự soay sở, chưa chắc đem lại lợi nhuận cho người kinh doanh đúng như theo sách vở kinh tế tiên đoán, theo đó, hễ có đủ thông tin là có thể buôn bán trong một thị trường đầy đủ và hiệu quả, và có thể dựa vào luật pháp cũng như những định chế khác. Những nghiên cứu tiến bộ mới đây về kinh tế – mà tác giả có dự phần – cho thấy, một khi tình trạng thiếu vắng, bất toàn như trên xẩy ra, sẽ có hậu quả là: "bàn tay vô hình" khi đó hoạt động dở nhất. ["Bàn tay vô hình" theo nghĩa "của từ trên trời rớt xuống"; đây là một thuật ngữ để chỉ lý thuyết kinh tế của nhà kinh tế người Ái Nhĩ Lan, Adam Smith, theo đó, tư lợi khi gặp cạnh tranh, có thể biến thành phúc lợi, một trong những tư tưởng then chốt của kinh tế thị trường tự do]. Nói khác đi, cứ theo đúng sách vở kinh tế như IMF đòi hỏi, mà làm, là chỉ từ chết tới bị thương!


Tác giả đã "than phiền", rằng IMF đã gây tổn thất nghiêm trọng qua những chính sách kinh tế của nó, theo đó, những xứ sở phải theo đúng chính sách, như nó được miêu tả, thì mới xứng đáng (qualify: hội đủ tiêu chuẩn) là khách hàng vay nợ của IMF. IMF và những tổ chức chân rết, những viên chức đã bỏ qua những dính líu (implications) của việc thông tin không đầy đủ, những thị trường không thỏa đáng, và những định chế kinh tế không có thể sử dụng được (unworkable institutions): tất cả những thứ này thực là rõ nét ở những xứ sở "đang phát triển". Tác giả khẳng định, IMF cứ thế cứ thế đề ra những chính sách "phù hợp với những cuốn sách về kinh tế học, nhưng thật chẳng có một ý nghĩa nào đối với những xứ sở mà IMF yêu cầu họ phải làm đúng như vậy." Stiglitz, trong cuốn sách của ông, đã cố gắng chứng tỏ, hậu quả của những chính sách kinh tế như vậy, đã gây ra những thảm họa, không chỉ theo nghĩa trừu tượng, qua những con số thống kê, mà đây chính là nỗi đau khổ thực sự của con người, ở những sứ xở đi theo những đường hướng kinh tế mà IMF đòi hỏi.


Hầu hết những chính sách kinh tế mà Stiglitz chỉ trích đều tỏ ra quen thuộc đối với bất cứ người nào để ý chút xíu tới cơn chao đảo kinh tế gần đây tại thế giới đang phát triển (trong đó bao gồm cựu Liên Bang Xô Viết, và những xứ sở cựu vệ tinh của nó hiện đang cố lật ngược tình hình sau bao thập niên đi theo đường lối sai lầm của kinh tế xã hội chủ nghĩa):

-Xiết chặt túi tiền:

Một trong những chính sách tài chính truyền thống và có lẽ nổi tiếng nhất của IMF là khuyến cáo khách nợ của nó: cắt chi phí chính quyền (government spending), tăng thuế, hay là cả hai, cân bằng ngân sách và triệt tiêu nhu cầu vay nợ. Lý do mà nó viện ra, là: chính quyền tiêu xài hoang phí quá. Stiglitz phản pháo: IMF đã lật ngược lý thuyết kinh tế của Herbert Hoover, khi đặt để (imposing) những chính sách này tại những xứ sở đang ở trong cơn suy thoái trầm trọng, khi mà thâm thủng chủ yếu là do thu nhập cứ thế tuột thang; ông khẳng định tăng thuế chỉ làm cho sự việc thảm khốc thêm. Ông nhấn mạnh, cắt giảm chi phí chính quyền trên một số chương trình xã hội – thí dụ như hủy tiền trợ cấp thực phẩm cho những gia đình nghèo, như Indonesia đã làm theo lệnh của IMF vào năm 1998 – chỉ đưa đến kết quả là những cuộc xuống đường cướp thực phẩm.

-Tăng lãi xuất.

Nhiều quốc gia chạy tới cầu cạnh IMF chỉ vì họ gặp khó khăn ổn định tỷ giá đồng bạc nội địa. Một trong những đòi hỏi tiêu chuẩn của IMF là, tăng lãi xuất, như một cái mồi nhử dân chúng đem tiền đến ngân hàng ký gửi. Tác giả chứng minh ngược lại: Tăng lãi xuất chỉ làm tình hình càng xấu thêm, bởi vì sẽ đụng tới "con quỉ" lạm phát, và nạn xập tiệm phá sản của nhiều công ty.

-Giải phóng thương mại (Trade liberalization).

Ai mà chẳng hồ hởi, khi buôn bán tự do, thoải mái, ngoại trừ người làm ra những món đồ để đem bán. Hủy bỏ tariff, quotas, subsidies (quan thuế, cô-ta: hạn ngạch, bao cấp) và những hàng rào khác để tự do buôn bán... những biện pháp không giúp gì nhiều, bởi vì chúng không ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện tuột thang, khiến những xứ sở phải chạy tới năn nỉ vay nợ IMF. Stiglitz chỉ ra cho thấy: tự do buôn bán bằng cách hủy bỏ hàng rào quan thuế... như trên chỉ khiến cho những nước "đang phát triển" khốn đốn thêm, bởi vì sẽ làm chết những doanh gia nội địa, một khi họ chưa đủ lực để mà ăn thua đủ với những doanh gia ngoại quốc.

-Giải phóng thị trường vốn.

Nhiều nước đang phát triển có hệ thống ngân hàng yếu kém, và có ít cơ hội cho người dân dành dụm tiến bạc. Như là một điều kiện để được vay nợ, IMF thường xuyên đòi hỏi, muốn nới rộng nợ, thì phải mở rộng hệ thống ngân hàng cho những định chế được sở hữu bởi những người nước ngoài, bởi vì họ sẽ làm tốt hơn việc huy động và sử dụng vốn dành dụm, tiết kiệm của người dân. Stiglitz khẳng định, những ngân hàng hữu hiệu của nước ngoài chỉ làm cho những ngân hàng trong nước sập tiệm, và những chủ nhân của chúng chẳng quan tâm gì lắm tới chuyện móc tiền túi ra cho vay, cho mượn, đối với những cơ sở do người dân trong nước làm chủ; và chuyện huy động sử dụng vốn không phải là vấn đề, bởi vì ngân hàng nội địa cũng có mức ấn định tiền lời rất cao cho người dân.

-Tư hữu hóa.

Bán ra cho người dân những cơ sở trước đây do nhà nước làm chủ, như công ty viễn thông, đường xá, cơ sở sản xuất đường, thép... là một trong những gợi ý chủ yếu của IMF trong hai thập niên mới đây, cả trong những nước kỹ nghệ hóa cũng như đang phát triển. Một trong những lý do đưa ra là, khi để cho tư nhân làm chủ, họ sẽ làm tốt hơn công việc quản lý. Lý do nữa là, những công ty như vậy có khi do nhà nước bịa đặt ra, công nhân là những người lãnh trợ cấp xã hội trá hình. Stiglitz khẳng định, tư hữu hóa cần thời gian và điều kiện chín mùi của nó, nhiều quốc gia chưa có hệ thống tài chính sẵn sàng đối đầu với việc chuyển nhượng như trên, và cũng chưa sẵn sàng đưa ra những giải đáp, hoặc đáp ứng cần thiết, nếu nói về cách ứng xử của một người Việt Nam, một khi đương là công nhân viên nhà nước, bỗng chốc biến thành người chủ thực sự của, không phải đất nước, mà là cái nồi cơm của gia đình mình. Thật khó mà biết được, có bao nhiêu người dân VN đã là nạn nhân thuở giao thời bao cấp chuyển sang không còn bao cấp nữa, và liệu cái nạn tham nhũng hiện đang là quốc nạn có phải là hậu quả tất yếu của cái bóng ma thuở giao thời đó không. Liệu có thể giải thích quốc nạn trên, như là hậu quả tất yếu của thời gian theo đuổi cuộc chiến - và cùng với nó là bao cấp, là tất cả cho chiến trường, phần thưởng là chiến thắng - quá kéo dài, thời gian hưởng thụ lại quá ngắn, đối với thế hệ tham gia...?. Đây chỉ là những câu hỏi gợi ý của người giới thiệu, nhưng trên thực tế, như Stiglitz chỉ ra, tại Liên Bang Xô Viết, tư hữu hóa khi chưa chín mùi, hậu quả là đưa tài sản quốc gia cúng cho đám mafia, một "giai cấp mới".

-Nỗi sợ mất nợ.

Một trong những ưu tiên số một trong chính sách của IMF, ngay từ những ngày khởi nghiệp lưu manh của nó, là, làm sao để đừng bị khách hàng xù, vờ đi cái chuyện trả nợ, và theo nó, cái chuyện xù đó chỉ là giả tưởng, nghĩa là không thể có chuyện như thế xẩy ra đối với Bá Kiến tân thời này, mặc dù không có một Chí Phèo ở trong tay. Như Stiglitz khẳng định, đây là chuyện "nghiêm túc", IMF luôn luôn lấy được nợ (cộng với lời, lẽ tất nhiên!): As a formal matter, the IMF always gets repaid. Mỗi khi khách hàng gặp khó khăn, ngân hàng không thể lấy lại tiền, họ bèn đề nghị nới rộng món nợ, nghĩa là chấp nhận khách hàng "tự nguyện" tái cấu trúc nó. Một khi IMF ban cho một món nợ mới (new credit), nhằm tránh chuyện xù nợ, lãi xuất của nó lẽ tất nhiên cao hơn lãi xuất cũ, và tất cả lại đổ lên đầu người dân, bởi vì thuế má sẽ tăng thêm lên mãi.

Tất cả những điều mà Stiglitz chỉ trích IMF như trong bảng liệt kê vừa nêu ra, thì cũng "xoàng thôi", và nếu chỉ có vậy IMF chưa thể nào xứng đáng là một Bá Kiến tân thời được. Tác giả cũng biết như vậy, và ông nói, những chuyện tôi vừa mới tố khổ IMF, là không phải ngẫu nhiên, tình cờ. Chúng là những câu chuyện thường ngày ở huyện, được IMF thi hành hoài hoài. Những chính sách kinh tế do IMF đề ra không phải là tình cờ. Chúng nằm trong một âm mưu lớn, tham vọng lớn, mà tác giả đặt tên cho nó là "Washington Consensus" (Sự Đồng Lòng, Nhất Trí của Hoa Thịnh Đốn). Chính cái này mới làm cho IMF trở nên nặng mùi, nếu không nói là, tởm lợm.


"Khi nhận báo cáo hàng năm của IMF về nước bạn, bạn nên trả lời, ‘Xin cám ơn quí vị rất nhiều’, rồi vứt ngay nó vào sọt rác."

J.E. Stiglitz.

The Nation số đề ngày 10 tháng Sáu, 2002.

Trên Diễn Đàn Forum, số mới nhất (Tháng Bẩy, 2002) có bài viết của Trần Hữu Dũng về Stiglitz và cuốn sách của ông; sau đây là một vài trích đoạn:

"... Khoảng chục năm gần đây Joseph Stiglitz có lẽ là nhà kinh tế gây nhiều sôi nổi dư luận nhất, đặc biệt là trong giới kinh tế tài chính và phát triển quốc tế. Với quá khứ hoàn toàn ‘chính thống tân cổ điển’ (được đào tạo rồi trở thành giáo sư thực thụ trẻ nhất ở MIT, sau đó sang Yale, Oxford, Stanford, và Columbia hiện nay), với con đường thăng tiến công danh ít ai bằng... Nobel kinh tế năm 2001 - trong mắt của nhiều đồng sự – [ông] đãõ trở thành một kẻ ‘nghịch thường, bội phản’, và những tên khác không tiện nói ra đây, đồng thời lại là thần tượng của đông đảo đã chưa từng nghe tên ông trước đó.... một cuốn sách quan trọng, mang dấu ấn một tác giả vinh danh Nobel, chắc chắn sẽ là cái mốc lớn trong những bàn cãi về cơ cấu kinh tế tài chính quốc tế từ rày về sau."

"Quê quán tại thành phố thép Gary (bang Indiana) nhiều thất nghiệp, cha làm nghề bán bảo hiểm, mẹ giáo viên, từ thuở niên thiếu Stiglitz đã quan tâm đến tình trạng công nhân thất nghiệp, và sự khác biệt giữa nhu cầu lao động (việc làm, lương bổng) và quyền lợi người bỏ vốn (lợi nhậun, lạm phát)... Sau khi tốt nghiệp MIT, Stiglitz qua Kenya làm việc nhiều năm, rõ ràng là những ấn tượng về châu Phi đã ảnh hưởng sâu đậm sự nghiệp trí thức của ông từ đó đến nay."

"Cốt lõi lý thuyết kinh tế của S. là triển khai những phân tích về hiện tượng ‘thông tin không đối xứng’, theo đó, trong các giao dịch kinh tế giữa hai phe, gần như bao giờ một phe (ví dụ người bán) cũng biết nhiều hơn phe kia (ví dụ người mua) về những đặc tính của giao dịch đó (chẳng hạn như chất lượng món hàng). Nhận xét này thực sự bắt nguồn từ quan sát của S. về cơ chế ‘tá điền’ làm thuê ở Kenya (và đúng ra ở mọi nơi). Đại để là, người chủ điền không bao giờ có thể quan sát hành động của người tá điền từng phút từng giờ. Nói cách khác, người tá điền luôn biết rõ về hoạt động của mình, cũng như công việc đồng áng hơn người thuê anh. Trong hoàn cảnh ‘thông tin không đối xứng’ tất cả những lý thuyết tân cổ điển về lương lao động cần được xét lại..." Với nhiều dè dặt, S. nhìn nhận vai trò của (1) nhà nước và (2) những thể chế cổ truyền (gia đình) là có ích cho hoạt đông kinh tế vì nó cung cấp thông tin (ông đánh giá cao những thể chế ‘ngoại thị trường’ hữu ích trong hoàn cảnh thông tin thiếu thốn không đối xứng). Chính điểm thứ hai này là điều khác biệt căn bản giữa những người (chỉ trích kinh tế tân cổ điển từ bên trong với ý muốn bổ sung nó) như S. và những người cánh tả hay chống đối buông lỏng thị trường vì lý do bóc lột giai cấp hay tương tự."

"Nói cách khác, sự thiếu tin tưởng của S. vào lập luận thị trường dung tục (theo đó thị trường hoàn toàn tự do sẽ là liều thuốc vạn năng cho mọi vấn đề) là căn cứ vào những phân tích vượt lên trên và sâu hơn những người khác, không phải (như mác xít) dựa trên sự bài bác (gần như) trọn gói căn bản kinh tế thị trường. Chính điều này làm lý luận của S. khó bị quật ngã bàng những đòn phân tích tân cổ điển sơ đẳng, trình độ đại học năm thứ nhất."


Trở lại với bài giới thiệu [lược thuật bài điểm sách của S. trên tờ Điểm Sách New York, số đề ngày 15 tháng Tám 2002 (cuốn sách của S. được xuất bản ở Âu Châu trước, theo bài viết của Trần Hữu Dũng), của tác giả Benjamin M. Friedman, "Toàn cầu hóa: Trường hợp Stiglitz"], S. lập đi lập lại những lời chỉ trích của ông, rằng những chính sách của IMF không phải là từ những nghiên cứu và quan sát kinh tế, nhưng từ một niềm tin ý thức hệ – tin tưởng hết mình vào thị trường tự do, cộng thêm vào đó, là một thái độ ác cảm với nhà cầm quyền [của những nước là con nợ của nó]. S. liên tiếp chỉ trích IMF đã vờ hẳn đi những"sự kiện ở trên mặt đất" tại những xứ sở mà nó đưa ra những mệnh lệnh, khuyến cáo. Giải phóng thương mại tại một xứ sở chỉ có ý nghĩa khi nền kỹ nghệ tại đây đã trưởng thành, đủ sức để mà đương đầu với cạnh tranh, đừng đặt con trâu trước cái cày. Tư hữu hóa những cơ sở thuộc nhà nước chỉ có ý nghĩa, một khi hệ thống lưu thông, điều chỉnh và những pháp lệnh đã tỏ ra có hiệu lực, nghĩa là đã đi vào thực tế, chứ không phải trước đó. IMF đã "vô tư" bỏ qua những sự kiện, yếu tố như vậy, và chấp nhận một sách lược kinh tế được áp dụng chung cho tất cả các xứ sở chẳng cần biết tới những hoàn cảnh riêng rẽ của từng quốc gia. Nhưng quan trọng nhất [tởm lợm nhất], IMF đã đặt để những chính sách kinh tế của nó dưới cái dù ý thức hệ, và được Hoa Thịnh Đốn "hoàn toàn nhất trí", qua đó, là một niềm tin mãnh liệt vào thế tất thắng của chủ nghĩa toàn cầu. Và niềm tin này được coi là như một thứ tôn giáo, nó không cho bất cứ một ai được phép phản bác, đi ngược lại.

Điều quan trọng thứ hai, IMF đã từ bỏ cái thiên chức khởi đầu của nó: giúp đỡ những xứ sở nghèo đói, kém phát triển và trên đà phát triển giữ được cán cân chi thu của họ, thay thì vậy, IMF đã chỉ làm cho họ đi xuống, và càng ngày càng có thêm những người thất nghiệp. Không phải là IMF vô tình độc ác tới độ muốn cho sự tình bi đát đến như vậy, nhưng mà IMF dựa trên niềm tin, rằng, cứ để cho thị trường tự do hoạt động, tình trạng thất nghiệp sẽ tự triệt tiêu, và đây là một lầm lẫn, theo S. Hơn thế nữa, IMF đã không hành động với thiện ý: làm tăng trưởng kinh tế (tức là làm sao cho mọi người đều có việc làm). Ở đây, không phải IMF độc địa chỉ muốn túi tiền của mỗi người sẽ nhẹ đi, nhưng mà là nó tin rằng, có thị trường tự do là có tất cả. Có nó là có tăng trưởng kinh tế.


IMF, tự nó, phải chịu trách nhiệm về những chính sách kinh tế lầm lạc nhuốm mùi ý thức hệ mà hậu quả là làm tồi tệ thêm - và trong vài trường hợp, đã tạo ra - những vấn đề mà nó chiến đấu để chống lại. Thê thảm hơn, đen tối hơn, đó là thái độ một lòng một dạ của IMF, đối với đám nhà giầu, những "creditors", không phải với những người công nhân, dân quê, những người nghèo khổ. Chẳng phải ngẫu nhiên khi IMF sẵn sàng trả nợ cho những chủ nhà băng, những người nắm cổ phiếu. Những người này, miệng lúc nào cũng hô to khẩu hiệu thị trường tự do muôn năm, lúc nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để có được những lợi nhuận khổng lồ, nghĩa là cũng ra vẻ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhưng họ đều yên trí, đằng sau lưng còn có IMF, còn có chính quyền của nước họ, lúc nào cũng sẵn sàng "cứu bồ", khi rủi ro biến thành hiện thực. Chẳng phải tự nhiên khi những phương sách đầu tiên mà IMF đòi hỏi, một khi khách hàng có nguy cơ không trả được nợ: cắt trợ cấp người nghèo, phúc lợi xã hội, cúp trợ cấp thực phẩm... Làm gì có chuyện viên chức IMF đi thăm dân cho biết sự tình, gặp người nghèo này, công nhân kia, dân quê nọ; người mà nó thăm viếng phải là những ông chủ ngân hàng, những ông bộ trưởng tài chính... Stiglitz đưa ra nhận xét: những viên chức đến với IMF, là từ những khu vực tài chính tư nhân, và khi từ giã IMF, là để trở về những ngân hàng, hay những cơ sở tài chính khác.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, tác giả gạt bỏ quan điểm, đã có một âm mưu giữa IMF và đám nhà giầu, nhằm bóc lột tối đa đám nhà nghèo. Đây là một quan điểm ngày càng nở rộ giữa những người chống toàn cầu hóa. Ông khẳng định, toàn cầu hóa là... tất yếu, như Trần Hữu Dũng, trong bài viết của ông trên tờ Diễn Đàn: "Từ trang đầu tới trang cuối, Stiglitz cẩn thận lập đi lập lại: trên nguyên tắc, tiến trình toàn cầu hóa là tốt... Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy, toàn cầu hóa đã nâng cao chất lượng đời sống của hàng triệu người, nhất là ở các quốc gia Đông Á và Trung Quốc." Theo ông, tuy không có âm mưu, nhưng rõ ràng là IMF chỉ chơi với người giầu, và chỉ vì quyền lợi và ý thức hệ của cộng đồng tài chính Tây phương.

Sau cùng, ông cho rằng mắc mứu của IMF như trên còn đưa tới một sự sa đọa đạo đức: chẳng thèm để ý gì tới người nghèo không phải chỉ là vấn đề thị trường, nhà cầm quyền... Đây là vấn đề đạo đức, liên quan tới phẩm giá của con người. Khi cố gắng bảo vệ khế ước với đám nhà giầu, IMF đã khuynh đảo, làm tan nát cái khế ước đạo đức của xã hội.

Jennifer Tran giới thiệu.