nqt



 

Tản mạn về chuyện viết cho ai.


I. Đi tìm một độc giả tốt.

"Nghệ thuật để trở thành một độc giả tốt", hay là ‘Về lòng khoan dung đối với những tác giả", đó là hai tiểu đề bài viết nhan đề "Độc giả tốt và nhà văn tốt" (Bon lecteurs et bon écrivains) của nhà văn Nga, Nabokov. Đây là bài mở ra cuốn Văn chương I, viết về những tác phẩm lớn của cựu lục địa, của Austen, Dickens, Flaubert, Stevenson, Proust, Kafka, Joyce. (Cuốn II là về văn chương Nga).

Trong bài viết ông có nhắc tới nhận xét của nhà văn Pháp, Flaubert, trong thư gửi cho người tình: Sẽ thông thái làm sao, nếu chỉ đọc năm hoặc sáu cuốn sách.

Bởi vì đọc, theo Nabokov, là chú ý và nhâm nhi những chi tiết. Lẽ dĩ nhiên, khi gấp cuốn sách lại, người đọc sẽ thấy rừng thay vì cây, nhưng đừng đặt cái cầy trước mũi con trâu, chắc là ông muốn nói vậy, khi cho rằng: nếu người ta bắt đầu bằng những tư tưởng phổ quát, như vậy là bắt đầu từ một đầu xấu (mauvais bout), và sẽ rời xa cuốn sách trước khi tìm hiểu nó.

Không gì ngán ngẩm hơn đối với một tác giả, thí dụ như Flaubert, khi bạn mở cuốn "Bà Bovary" của ông với một ý nghĩ đã có sẵn trong đầu, rằng đây là một tác phẩm nhằm tố cáo giai cấp trưởng giả. Bởi vì ngay cả một khi bạn tự cho rằng, đã hiểu thật rõ ràng về từ "trưởng giả", nó cũng khác hẳn những gì bạn đã biết về nó, nếu bạn không đọc "Bà Bovary". Theo Nabokov, "bourgeois" với Flaubert, có nghĩa là "philistin", một người không có khiếu thưởng ngoạn, thiếu cảm thông, và chỉ quan tâm tới khía cạnh vật chất của sự vật, chỉ để ý tới những giá trị mang tính quy ước. Ông không hề sử dụng từ "trưởng giả" theo nghĩa chính trị-kinh tế của mấy tay Mác xít.

Nabokov cho rằng, có ba sức mạnh tạo nên, và uốn nắn vóc dáng một con người: dòng dõi, môi trường sống, và yếu tố X chưa biết. Trong ba sức mạnh trên, nhìn xa, cái thứ nhì, môi trường sống, ít quan trọng, trong khi cái thứ ba có ảnh hưởng mạnh nhất. Trong trường hợp nhân vật sống ở bên trong một cuốn tiểu thuyết, lẽ dĩ nhiên, tác giả là người kiểm tra, chỉ đạo, điều động ba sức mạnh trên. Cái xã hội bao quanh Bà Bovary, là do Flaubert sản xuất ra, Bà Bovary thì cũng rứa. Thành thử cái xã hội "mang tính Flaubert" (flaubertienne) tác động lên nhân vật "flaubertien", là chuyện tất nhiên. Tất cả những gì xẩy ra ở trong cuốn tiểu thuyết là xẩy ra ở trong đầu của Flaubert, mặc dù khởi điểm (lý do ra làm sao ông ngồi xuống, khởi sự viết), mặc dù cái xã hội đương thời có ông ở trong đó. Chính vì vậy mà Nabokov tỏ ra nghi ngờ những người cố tình nhấn mạnh ảnh hưởng những điều kiện xã hội mang tính khách quan đối với nữ nhân vật Emma Bovary. Và theo tôi, những nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa ở trong nước cần phải để ý tới nhận xét này của ông: Tiểu thuyết của Flaubert chi li, chi tiết về về phận người, chứ không phải chuyện cân đo đong đếm về điều kiện xã hội (nguyên văn: Le roman de Flaubert s’attache au cacul infinitésimal de la destinée humaine, pas à l’arithmétique du conditionnement social: tiểu thuyết của Flaubert gắn bó tới tính vi phân của số mệnh con người chứ không phải tính số học của điều kiện xã hội).

Nabokov dùng từ "nhâm nhi", khi ông nói về chi tiết ở trong truyện: nhâm nhi chi tiết (savourer les détails). Ở một chỗ khác, ông ra lệnh (cho sinh viên của ông): Hãy ve vuốt những chi tiết... những chi tiết thần thánh! (Caressez les détails… les divins détails! Ross Wetzteon, trên một số báo đặc biệt Triquaterly, đã viết về kỷ niệm cảm động này, nhất là cách ông thầy uốn lưỡi khi phát âm mấy chữ "r").

Nhâm nhi, ve vuốt… theo tôi, ông như muốn cảnh cáo những độc giả chỉ khoái làm công việc "đuổi ruồi", nghĩa là chỉ hăm hở tìm những chi tiết dở, yếu, kém… ở một tác phẩm, nhất là ở những người mới viết. Đây là một căn bệnh trầm kha đối với một số người, và nó thật tai hại, nếu người đó lại nắm giữ một diễn đàn văn học, làm công việc giới thiệu sách mới ra lò. Với một cái đầu cắm đầy những tư tưởng "phổ quát", những chân lý "muôn đời", thí dụ, văn chương Việt Nam ở hải ngoại bây giờ đang thoi thóp, ấy cũng là nhờ mấy "tên già" này, mai đây "chúng mình" nằm xuống, thế là nó ngỏm củ tỏi! Hoặc, thay vì nhâm nhi, ve vuốt những chi tiết lại "xoa đầu" đàn em, những người viết trẻ hy vọng ở những người đi trước những nhận xét đúng dắn, dù khen dù chê, về tác phẩm của họ, "Được đấy, đạt đấy", và đàn em đành ù ù cạc cạc, chẳng hiểu đạt ở chỗ nào! Hoặc chỉ thích làm công việc đuổi ruồi, trong khi mâm cỗ sang trọng, đầy sơn hào mỹ vị là tác phẩm đang sẵn sàng mời gọi! Hoặc "cứ an toàn cho chắc ăn", ai sao mình vậy, "khen ai chứ khen (tùy bút) Nguyễn Tuân thì chắc củ, không sợ bị hố!"

Trong một bài phỏng vấn trên tờ Điểm Sách Paris, George Steiner trả lời, về những lần bị hố: Cứ giả dụ rằng tôi lầm. Điều mà tôi quan tâm là những lỗi lầm của đam mê, những lỗi lầm mà bạn cứ vươn mãi cổ lên để mà lãnh!

Một người quen đã hết sức sửng sốt khi nghe khen một tác giả như Nguyễn Thi, (một gã "diều hâu", còn cái lai quần cũng đánh, hết người lớn thì xài tới con nít, vậy mà…) và người viết đành trả lời, khi đọc "Người Mẹ Cầm Súng" đã "sơ ý" bỏ qua những chi tiết trên, và chỉ giữ lại tình lối xóm, tình mẹ con, cảnh sông nước một miền đất, và vượt lên tất cả, là hình tượng bà mẹ Việt nam, cầm súng hay không cầm súng.

[Bà mẹ Việt cầm súng của Nguyễn Thi, như trái ngược hẳn với hình tượng trông chồng hoá đá của truyền thuyết dân gian, làm người viết nhớ tới một nhận xét của nhà văn Christa Wolf (thuộc Đông Đức cũ), nhân nói đến nữ quyền và văn chương nữ giới trong một thế giới "nam trị": [The] politicians, economic managers, and party officials need a fatherland to carry on their enterprises. There is no motherland in sight, no more than before. (Tạm dịch: Những chính trị gia, giám đốc kinh tế, viên chức đảng cần một quê cha để thực thi những công trình của họ. Chẳng thấy quê mẹ đâu hết, bây giờ cũng chẳng khá gì hơn, so với trước đây). Trong cuộc chiến Việt nam, người mẹ của một miền đất, hay đội quân tóc dài đã là một yếu tố quyết định. Liệu chúng ta có quyền hoài vọng, bà mẹ của miền đất sẽ đem trả lại, một quê mẹ, cho cả hai miền đất nước?]

Vẫn trong bài viết nêu trên, Nabokov "cẩn trọng" độc giả, chớ bao giờ quên, điều này: bất cứ một tác phẩm nghệ thuật, khi xuất hiện, là mở ra một thế giới mới; thành thử việc đầu tiên cần làm, đối với một độc giả, là quan sát thật kỹ thế giới mới đó, cố nắm bắt một vài tia sáng lạ, một vài chi tiết mới, chẳng liên quan với cái thế giới quá quen biết, quá nhàm chán mà chúng ta đã biết. Chỉ một khi quan sát thật kỹ, chúng ta mới nhận ra mối liên hệ của nó với những thế giới khác, với những miền tri thức khác.

Bản thân người viết, khi đọc những tác giả miền bắc sau 1975 (hãy bỏ qua một bên những "Hà Nội Ba Sáu Phố Phường" của Thạch Lam, hay "Nhặt Lá Bàng", "chiếc áo cánh của Loan bay phất phơ trong gió" của Nhất Linh…), là muốn "làm quen" Hà Nội, và đất bắc những ngày sau 1954, sau 1975. Chúng ta biết một miền bắc lầm than, như cả một nước lầm than, trong thiên đường mù, chúng ta biết một ông tướng về hưu, ngơ ngác trước địa ngục mà chính ông đã góp phần tạo dựng nên… nhưng chúng ta chẳng hề biết khí hậu sau (một) Mùa Thu (năm qua, cách mạng tiến ra), nó đã thay đổi đất đai con người ở đó ra sao, bởi vì nói như Faulkner, con người là tổng số những kinh nghiệm về thời tiết. Những chi tiết sau đây, của Lê Minh Hà, tuy là vĩnh viễn muôn đời của một miền đất, nhưng chưa từng được ai nói nói, và đó là những chi tiết để nhâm nhi đối với một "độc giả tốt"ù: "Buổi chiều nắng hết ơi ơi mà rực lên như nắng những ngày sau bão" (Về Làng). Hay chi tiết này, về Hà Nội: "Một buổi tối lúc đi học về, trời đổ mưa sầm sập. Hà Nội có những ngày thu như thế. Liền mấy hôm mưa rầm rề. Rồi nắng hửng lên, vàng rười ruợi. Trời xanh và cao. Heo may lại về. Phố khô đi chậm rãi. Rồi lại mưa. Tôi chỉ mang độc cái nón…"

[Làm sao con người còn cố giữ những chi tiết về thời tiết, rồi tìm cách phổ vào trong ngôn ngữ, đó mới là điều đáng nói, đáng tìm hiểu. Và nó chẳng liên quan tới điều kiện xã hội. Ở đây, xin mạn phép tác giả, và độc giả cho tôi được để kế bên những dòng trên, những chi tiết còn đọng trong hồi ức của một đứa con trai rời xa Hà Nội ngay khi vừa mới lớn: "Mai, Mai, để anh kể cho em nghe về một thành phố… một quãng đời của anh, bây giờ nhớ lại thấy đâu đó trong quá khứ những trái sấu vàng vương vãi, tiếng lá xào xạc, tiếng còi mười giờ chạy dọc theo con phố Tràng Tiền. Mùa Thu, "màu" thu Hà Nội, những lá cây vàng úa, hàng cây bên đường hình như cao thêm lên, thành phố trang nghiêm và buồn rầu như đang trầm ngâm suy nghĩ… để anh kể cho em nghe về một thành phố mùa thu có những giọt mưa nhỏ bay trong gió, mùa hè vàng nắng đã qua đi từ lâu cùng những buổi tắm sông nằm trên cát nóng mắt ngó thẳng mặt trời… những ngày cuối hè người ta vẫn quen thói ngủ không đóng cửa sổ, đột nhiên trong đêm khuya, một cơn gió lạ chợt tới thổi thốc những cánh lá khô, người lớn vội trở dậy đóng bớt cửa, ‘đó là dấu hiệu đầu tiên báo tin mùa thu trở về…’].

Hay chi tiết sau đây,"thường chỉ quẫy cựa khi đi ngang phố Huế: một đứa lớp tôi chết ở đó. Vệt bom liếm hết nhà nó thì dừng…", trong "Những Giọt Trầm" của Lê Minh Hà và thuộc về Hà Nội những ngày ăn bom B.52, cũng chưa từng được một tác giả thuộc dòng văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa nào viết ra.

Không phải bất cứ người đọc nào cũng để ý tới những chi tiết mà tôi nêu ở trên. Có thể chúng không quan trọng đối với họ, hoặc họ không ở trong tâm trạng chờ đợi những chi tiết đó, như là một thằng bé Bắc kỳ ngày nào. Hoặc họ cũng chú ý đến những chi tiết đó, nhưng chỉ coi đây là những "thông tin" về thời tiết, nơi chốn, hoặc thời đại. Nabokov tự hỏi, liệu có kẻ nào ngây thơ đến độ, mong gặt hái thêm được một vài kiến thức, trong một cuốn sách mạ vàng, bầy trong tủ kính, giữa mớ tiểu thuyết lịch sử? Ngay cả với những tác phẩm lớn, thí dụ như của Austen, liệu chúng ta có thể tin rằng những "thông tin" ở trong những cuốn tiểu thuyết của bà là chính xác, thí dụ như một xứ Ăng Lê của những tay địa chủ, những công viên đúng kiểu Hồng Mao… trong khi tác giả chỉ "ru rú" ở trong phòng khách của một vị mục sư?

Cho tôi một đời khác và tôi sẽ hát,

ở Caffe Rafaella. Hay giản dị chỉ ngồi đó.

Hay đứng ở đó, như cái bàn cái ghế, ở một góc phòng,

trong trường hợp cuộc đời đó không được rộng lượng như cuộc đời trước.

(Joseph Brodsky, Thư cho con gái của tôi).

"Trong trường hợp cuộc đời đó không được rộng lượng", nếu nói theo Kundera, rằng không phải người ta chỉ có một đời để mà sống, thì cuộc đời đó, miền đất đó, thành phố đó… rộng lượng hơn cuộc đời trước, đối với một thằng bé của Hà Nội ngày nào, (nó vẫn nghĩ, nó được cả hai thành phố, cả hai miền đất quá cưng chiều, thành ra hư hỏng…), nhưng đêm đêm, trong giấc mơ, nó vẫn thường mở mọi cửa sổ của linh hồn mình, chờ một cơn gió lạ, thổi thốc lên những cánh lá: "dấu hiệu đầu tiên báo hiệu đời xưa trở về".

[Với riêng tôi, những chi tiết trong truyện Lê Minh Hà, là những dấu hiệu đầu tiên, cho thấy mùa thu đã được tẩy rửa hết chất độc chính trị, lại được làm một mùa thu bình thường, tầm thường – nghĩa là thật tuyệt vời – của một miền đất.]

Nhà thơ người Pháp Saint-John Perse (1887-1975), trong diễn văn Nobel 1960 (bản dịch của Hoàng Ngọc Biên, trên tạp chí Thơ, số mùa Xuân năm 1997) cho rằng, "Đối với nhà thơ, làm ý thức hư ngụy của thời đại mình cũng đã là quá lắm rồi." Theo tôi, vẫn là ý thức hư ngụy đó, khi Solzhenitsyn cho rằng, "nhà văn là một nhà nước trong một nhà nước". Cao Hành Kiện, trong diễn văn Nobel 2000 mở ra thiên niên kỉ mới, đã đẩy cái ý thức hư ngụy trở về với ý nghĩa cội nguồn, thật khiêm tốn và cũng thật đúng đắn của nó: "Nhà văn cũng chỉ là một người bình thường, có lẽ mẫn cảm hơn, mà người quá mẫn cảm thường thường lại hay yếu ớt hơn."… "Ở đây, tôi muốn nói văn học cũng chỉ là tiếng nói của cá nhân, mà vốn xưa nay vẫn thế." "Quan hệ giữa nhà văn và người đọc chẳng khác chi một cách giao lưu tinh thần, đôi bên chẳng cần gặp mặt, chẳng cần qua lại."

Ôi chao phải mẫn cảm tới mức nào, mới nhận ra được những dấu hiệu mỏng manh yếu ớt, đầu tiên, báo hiệu thời tiết (văn chương đã) sang mùa, ngôn ngữ lại được sửû dụng để làm cái công việc khiêm tốn của nó: lòng lại hỏi lòng, đâu là tri âm, đâu là tri kỷ…

II. Cõi Riêng

Trong bài viết Văn chương và Hậu-lịch sử (trong Ngôn ngữ và Câm lặng), G. Steiner tự hỏi liệu có còn nghệ thuật, ở thị trấn công chính (the just city), vào một ngày mai ca hát, hay rõ hơn, khi con người đã hết còn bị vong thân?

Theo ông, "quan niệm hiện thời về văn chương của chúng ta, trong một vài khía cạnh, liên quan tới cõi riêng. Một mình với cuốn sách, trong yên lặng, là một phát triển đặc thù, mới đây thôi so với lịch sử. Nó hàm chứa một số những tiền-điều kiện (pre-conditions) kinh tế và xã hội: một căn phòng cho riêng ai (a room of one's own), như cách nói ý vị của Virginia Woolf; hay là ít ra, một mái nhà khá rộng để có được vài góc yên tĩnh; sở hữu một số sách, quyền giữ riêng ít sách hiếm, người khác không được sờ vào; ánh sáng đèn lúc tối trời. Tất cả là để nói lên cách sống trưởng giả trong một phức thể gồm những giá trị và những đặc quyền tại những đô thị kỹ nghệ lớn. Phức thể (complex) này kết tinh trễ hơn là người ta tưởng. Giai cấp trung lưu thời Victoria vẫn thường sử dụng cách đọc sách lớn giọng, một thành viên trong gia đình là "người đọc lên", cho những người còn lại, hay là cuốn sách được truyền khẩu, từ "giọng này qua giọng khác". Thật là vô ích, nếu phải nhấn mạnh những thay đổi lớn lao mà sách in - ý nghĩa của chữ chủ yếu do mắt nhìn thấy chúng - đã đem đến cho những hình thức xưa cũ hơn, là cách đọc lớn lên cho nhiều người cùng nghe. Marshall McLuhan đã khai triển "cuộc cách mạng Gutenberg" (c.1400-68, người Đức, phát minh ra máy in), ở nơi ý thức Tây Phương. Vấn đề chưa được hiểu rộng rãi là, có bao nhiêu văn chương - và bao nhiêu văn chương "hiện đại" - không được ấp ủ, để đọc trong thầm lặng, riêng tư…"

Ở Miền Nam Việt Nam, thú kể chuyện Tầu, chuyện Vân Tiên ở mấy ông bà già hình như chỉ chịu lui bước khi vai trò kể chuyện được truyền lại qua một em nhỏ biết chữ trong gia đình, buổi tối vặn lớn ngọn đèn dầu hôi, đọc lớn cho cả nhà nghe những câu chuyện đăng từng kỳ trên nhựt trình. Thanh Tâm Tuyền, vào Nam năm 1954, đã sớm nhận ra sự khác biệt giữa hai dòng văn chương của hai miền. Trong tiểu thuyết của ông, nổi bật là những xen đoạn tả cảnh sông nước bến phà, họp chợ trên sông, sinh hoạt trong một xóm chị em, tiếng hát vọng cổ trong đêm khuya vắng… Ông như muốn chuyển cõi riêng của một chàng trai Bắc Kỳ vào cõi chung của một miền đất thật mới lạ đối với ông. Nên nhớ, cái thú vui xuồng xã thân mật ở trong một xóm chị em, ở ngoài Bắc không có. Người ta làm việc đó một cách lén lút, và coi đó như là tội lỗi, hoặc nó (cái xấu) là chỉ dành riêng cho giai cấp có tiền, hoặc có tài: không phải ai cũng có thể cầm trống chầu để mà được quyền tới xóm bình khang, hưởng thú hát ả đào. Nếu ở trong thơ, ông ao ước, ‘khởi từ ca dao qua tự do’, ở trong văn, ông như muốn làm một cuộc hôn nhân giữa viết và nói, viết và kể (chuyện)… Ngược lại, cái cõi riêng lạ hoắc kia, cái lối viết là viết riêng cho mình, là chuyển tải ý thức, cuộc sống nội tâm vào cuộc sống xô bồ bên ngoài xã hội, đã ảnh hưởng tới một số cây viết Miền Nam…

NQT