nqt
   
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Tạp Ghi 
 




Chữ quốc ngữ, chữ nước ta


Nhân cuộc thảo luận trên Talawas về chữ quốc ngữ, tôi nhớ lại một nhận xét của một người quen, thuộc lớp đàn anh, khi cuộc chiến Việt Nam đang hồi ác liệt, và triết gia người Anh, Bertrand Russell mở ra Toà Án quốc tế kết án sự can thiệp của người Mỹ vào VN, với triết gia người Pháp, Jean-Paul Sartre là thư ký Toà Án. Người quen trên nhắc tới một nhận định của Bertrand Russell, theo đó, tội ác đầu tiên, là do những ông cố đạo, và sau đó là người Pháp, khi huỷ chữ viết của người Việt, tức chữ Nôm có gốc chữ Nho, tượng hình, gốc bám vào đất (như truyền thuyết về bánh dầy, bánh trưng), thay bằng chữ quốc ngữ tượng thanh, gốc La Tinh. Theo Russell, qua người đàn anh, tội ác huỷ diệt môi trường sống không ghê gớm bằng tội ác huỷ diệt chữ viết, [bởi vì một khi "căn nhà của hữu thể" không còn bám vào đất, con người sẽ chấp nhận bất cứ một ý thức hệ, như là cứu tinh của nó]. (1)

Sau này tôi có tìm đọc một số tài liệu về toà án đó, nhưng chưa tìm ra những chi tiết trên.

Không hiểu Cao Xuân Hạo có đọc tài liệu trên không, khi nhìn lại vấn đề cội nguồn chữ quốc ngữ. Vả chăng, khi nói, "nếu người Pháp không thay thế chữ Nôm bằng chữ quốc ngữ, chúng ta sẽ..." là giả dụ một chuyện chưa xẩy ra. Dù muốn, dù không, chữ quốc ngữ đã trở thành một ngôn ngữ chính thức từ bao lâu nay của người Việt, chúng ta phải chấp nhận, và cố làm cho nó hoàn thiện hơn. Đó mới là vấn đề. Một đứa trẻ Việt Nam sinh tại nước ngoài, sẽ viết được tên bố mẹ nó, dễ dàng hơn là một đứa trẻ gốc Hoa, hoặc Đại Hàn. Tôi đã từng thấy một cháu bé viết chữ "bố" và "mẹ" và bố mẹ cháu mừng đến rớt nước mắt. Hơn nữa, cùng với thời đại không gian ảo, với hàng triệu trang web bằng những chữ có gốc La Tinh, chữ quốc ngữ xem ra có vị thế hơn, so với chữ Nho, hoặc chữ Nôm.

Sau đây, xin trích Nguyễn Tuân bàn về chữ quốc ngữ, trong bài viết về Tú Xương (Thời và Thơ Tú Xương, viết tại Hà Nội, đề ngày 5 tháng Mười 1962):

"Nghĩ đến cuộc đời Tú Xương và nghĩ về cái lúc Tú Xương chết năm 1907 đó, tôi lấy làm tiếc cho Tú Xương sao không cố sống thêm ít năm nữa, hoặc muơi tháng nữa thôi. Để làm gì? Để cho Tú Xương được gặp phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục chính thức ra đời sau hai tháng Tú Xương từ trần.

Tú Xương là người ghét chữ quốc ngữ. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục làm cách mạng văn hóa, và chủ trương dùng chữ quốc ngữ làm thứ chữ phổ thông đắc lực nhất trong dân chúng để đẩy rộng mạnh công cuộc khai thông dân trí. Nay mong muốn một người ghét cay ghét đắng chữ quốc ngữ tìm đến chữ quốc ngữ của Đông KInh Nghĩa Thục, liệu cuộc gặp gỡ có dẫn tới kết hợp tích cực gì không?

Tú Xương ghét chữ quốc ngữ vì chỉ thấy cái đám ký phán thông dùng nó để cho Tây sai khiến mình và làm hại mình. Nó là thứ chữ của đám bất lương, đám bất lương từ bên ngoài đến, đám bất lương từ trong nước mọc lên, do Tây vừa đào tạo ra. Vua quan phong kiến giết đạo, buộc con chiên họ giẫm qua thập tự mà chết như thế nào, thì Tú Xương ghét ký thông phán như thế. Tú Xương cho đám thơ lại tân thời đó, đám ký phán đó chẳng qua cũng là một thứ đi đạo nữa mà thôi. Chữ quốc ngữ họ viết ra, cũng là một thứ chữ mật mã gì đó của đám chỉ điểm cho giặc. Cho nên thơ Tú Xương giương cung giương nỏ lên mà bắn xả vào đám vào đám văn thư ký phán nhị tâm, và mỗi câu ngày nay xem lại, vẫn còn thấy rung lên như những mũi tên tre vừa mới cắm phập vào điểm đen. Trong lúc bắn để lùi để cố thủ cho chữ Hán [chữ Nho], Tú Xương bắn bừa cả vào chữ quốc ngữ. Chê trách Tú Xương thiếu nhỡn quan chính trị không nhìn xa rộng về tiền đồ ngôn tự và văn hóa là đúng quá đi thôi.

Nhưng chữ quốc ngữ do Đông Kinh Nghĩa Thục đưa ra, do chính những nhà khoa bảng những bậc tiêu biểu cho sĩ phu yêu nước viết ra và đọc lên để cảnh tỉnh hồn nước cũ, nhất định Tú Xương phải nhận định nó có khác đi, nếu Tú Xương còn được sống nốt cả cái năm 1907 đó...."

"Con người Tú Tài ấy vui tin đạo học, lạc đạo nhưng cũng khó bề an bần. Cũng trà, rượu, lầu ca, thuyền hát, cũng trai gái thư đi thư về nhưng có chơi mà không hẳn là thú, con người Tú Xương hành lạc một cách thật sục sặc, lòng hậu mà lời thì bạc khinh ra mặt. [Liệu có thể dùng chính những lời này, để nói về Nguyễn Tuân? JT].

Nhưng theo tôi nghĩ, cái khía cạnh đau xót nhất trong thảm kịch Tú Xương, là con người chuyên thơ nôm ấy - Tôi chưa từng nghe ai đọc thơ chữ Hán Tú Xương. Thường thường các nhà thơ hồi đó làm cả thơ nôm, làm cả thơ Hán, rồi có khi lại tự mình dịch thơ chữ Hán của chính mình thành ra thơ nôm. Trong cái tình hình chung đó, trường hợp chuyên thơ nôm của Tú Xương cũng là một trường hợp đặc biệt – lại là một người không hoà mình được vào với chữ quốc ngữ (như những nhà nho Đông Kinh Nghĩa Thục cùng thời) và vì thế, càng nặng nề thêm cái phần thương tiếc của người thức giả lớp sau, mỗi lần đọc lại thơ Tú Xương, và nghe lại cái tiếng "gọi đò" xưa đó."

(Trích Tuyển Tập Nguyễn Tuân, tập 3, Lữ Huy Nguyên tuyển chọn, nhà xb Văn Học, Hà Nội, 2000)

Jennifer Tran

Chú thích: (1) Mới đây, tôi được một người quen cho biết, nhận định trên [về ngôn ngữ, chữ quốc ngữ], là của nhà ngữ học người Mỹ, Noam Chomsky, không phải của Bertrand Russell. Xin nêu lên đây, để rộng đường dư luận.