nqt
   
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Tạp Ghi 
 




Ranh giới"tư" và "công" trong thế giới xã hội chủ nghĩa.

 

Thiên la (chòi cao lính gác), địa võng (hàng rào kẽm gai trùng trùng điệp điệp), chó săn người từng bầy, từng bầy.. và tù nhân bị chuyên chở như xúc vật... Khi những hình ảnh về trại cải tại Xô viết lần đầu tiên ra mắt khán thính giả phương Tây, và được trình chiếu trên TV ở Pháp, nhà nước Liên xô đã lắc đầu bai bải, không phải đồ zin, đồ xịn, mà là đồ dởm, "ngụy tạo". Sau đó, khi bắt buộc phải thừa nhận, họ "bèn" biện minh, làm gì có tù chính trị ở trong đám đó. Và thế là khán thính giả đài truyền hình Pháp "bèn" thở phào, "ồ, hoá ra chỉ là những tên phạm tội thông thường, mấy tù hình sự!" 

Trong cuộc phỏng vấn, "Tội phạm tại Liên Xô nhìn theo quan điểm chính trị", do tờ Partisan Review thực hiện (1971), khi được hỏi, phản ứng của ông trước sự kiện trên, triết gia người Pháp, Michel Foucault đã nhớ lại một câu trả lời của nhà nước Xô viết, vào thời kỳ đó, một câu trả lời "đầy ấn tượng". Họ bảo, rằng trại tù sờ sờ ra đấy, ngay giữa trái tim thành phố (the very existence of the camp... in the middle of a city), điều này chứng tỏ chẳng có gì gây sốc ở đây. Chuyện đâu có gì mà ầm ĩ! Như thể, sự hiện diện của trại cải tạo, chẳng cần giấu diếm, chẳng cần ngụy trang, ở ngay trung tâm một thành phố, là một chứng cớ hùng hồn, rằng, "tụi này" đâu cần xin lỗi (excuse) "nhân loại"? Như thể, với cư dân thành phố Riga, sự kiện - nhà nước chẳng thèm hổ thẹn, chẳng cần che giấu trại tù - là một chứng cớ hùng hồn cho phép họ đòi hỏi sự câm lặng ở mọi người, và ở mọi nơi. Đây là lô gíc của Cyrano de Bergerac: "Bạn không có quyền chỉ trích cái mũi của tôi, bởi vì nó nằm ngay ở giữa mặt tôi". 

[Theo Foucault, những người Đức, đôi khi, lại cảm thấy cần che giấu những trại tù]. 

Nhưng Foucault còn bị sốc, vì câu tuyên bố của nhà nước Xô Viết, "Đấy không phải là những tù nhân chính trị, mà là những tù hình sự thông thường". Và để bồi thêm, viên Phó bộ trưởng Tư pháp khẳng định, "Đừng bao giờ có ý nghĩ, rằng có người bị bỏ tù vì quan điểm chính trị, tại xứ sở này." 

Foucault nói, "... [như vậy, ở nơi đó], với tôi, có vẻ như mọi hành vi chống lại luật pháp, đều mang tính chính trị. Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, bất cứ một vi phạm luật pháp – trộm cắp chẳng hạn, thứ tội nhẹ nhất – không phải là một tội nhắm vào một tài sản tư, mà là tài sản của nhân dân, tức là chống lại xã hội, chống lại sự sản xuất của chế độ xã hội chủ nghĩa, và chống lại chính cái thể chế chính trị đóù. Tôi [Foucault], sẽ hiểu được điều này, nếu nhà cầm quyền Xô viết nói rằng, chẳng còn một người nào là tù nhân không-chính trị, bởi vì tất cả tội phạm, là tội chính trị, theo như định nghĩa. Và nếu như vậy, chúng ta phải buộc tội viên phó bộ trưởng, không chỉ về chuyện ông ta nói dối (bởi vì ông ta biết rất rõ, có tù nhân chính trị ở Xô viết), mà còn phải hỏi ông ta, làm sao mà sau 60 năm chủ nghĩa xã hội, vậy mà họ vẫn còn bộ luật hình sự dành cho những tội phạm không-chính trị? 

Một tháng sau khi TV Pháp chiếu phim tài liệu về trại tù ở thành phố Riga, tin tức về vụ thả nhà toán học Leonid Plyushch làm dư luận tại đây chú ý tới sự kiện, nhà nước Xô viết tống những nhận vật ly khai vào nhà thương điên. Foucault đã bầy tỏ những ý nghĩ của ông: 

"Việc an trí những người ly khai vào nhà thương điên cho thấy tính ngược ngạo (paradox: nghịch lý) quái dị tại một xứ sở tự coi nó là xã hội chủ nghĩa. Trong trường hợp sát nhân, hay mò mẫn con nít, việc truy tìm những cội rễ mang tính tâm lý của hành vi phạm pháp, và mọi toan tính nhằm chữa trị cho kẻ phạm tội, là có thể hiểu được. Nhưng trong số tất cả những công dân Xô viết, một người ly khai – như tôi hiểu, một người không chấp nhận chế độ, ruồng rẫy (reject) nó, hoặc không hiểu [nổi] nó – không thể bị, không nên bị coi là bệnh hoạn về tâm thần. Thay vì vậy, nên cho người đó có cơ hội để mở to mắt ra mà coi, để làm cho người đó ý thức thêm lên về tính... ưu việt của "chế độ ta". Tuy nhiên, [dưới chế độ đó], hơn ai hết, những người ly khai thường "hơi" bị đưa vào nhà thương điên. Điều này liệu có nghĩa, rằng một khi kẻ đó [chọn con đường] ly khai, là hết thuốc chữa, là "ngu" đến cùng cực ngu rồi! [Nguyên văn: không thể dùng những từ hợp lý lẽ, để chứng minh cho người đó thấy rằng, ly khai là không có cơ sở]. Liệu điều đó có nghĩa: phương tiện độc nhất, theo đó, thực tại Xô viết trở thành có thể chấp nhận được, đối với những ai không "khoái" cái món đó, là, thông qua những phương pháp của kẻ cầm quyền – nghĩa là qua sự sử dụng những "mê thảo", chúng sẽ tác động lên hệ thần kinh của những kẻ đó. [Nếu tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng, thì chủ nghiã xã hội, cũng rứa!]. Sự ngược ngạo quái dị này làm bật ra một "sự thực": Thực tại Xô viết chỉ trở nên dễ chịu (pleasant), dưới tác dụng của mê thảo. Và nếu chỉ có những thứ thuốc an thần, mê thảo, mê dược mới tỏ ra diệu dụng, như vậy chứng tỏ, có một nguyên nhân thực sự, về nỗi lo lắng của đảng: Những nhà lãnh đạo Xô viết chẳng đã từng vờ đi tính ưu việt của đảng ta, mà chỉ còn lo làm sao cho quần chúng trở nên ngoan ngoãn dễ bảo? Hệ thống trừng phạt ở Xô viết cho thấy một điều: chính nhà nuớc chủ nghĩa xã hội là một sỉ nhục, đối với những ai đã từng tin vào nó. Chính sự hiện hữu của một chế độ như thế là một sỉ nhục tất cả những gì được coi là cơ bản của một phương án xã hội chủ nghĩa." 

Nhật ký trong tù của một tử tội. 

Trong bài đọc vào cuối tháng Giêng năm 1979, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40 của Edouard Kouznetsov, một người bị kết án tử hình bởi nhà nước Xô viết, nhà phê bình văn học người Pháp, Marthe Robert đã nhắc tới một nhận xét, trong Nhật ký của một tử tội (Journal d’un comdamné à mort), của Kouznetsov, theo đó, những người phạm khinh tội thường không cảm thấy trại tù khác với đời thường. Và nếu họ viết – một điều chẳng bao giờ họ nghĩ tới nếu đang tự do ở ngoài đời - nhằm tố cáo thế giới trại cải tạo, thì thường là để đưa ra những giải thích có tính cách cá nhân, như những quan sát viên, những chứng nhân có đặc quyền, ở trên cao ngó xuống mớ hỗn tạp không thể có họ ở trong, hoặc đưa một kinh nghiệm chỉ có họ mới có thể có được. Kouznetsov không thuộc vào loại đó. Bởi vì ông đã nằm ấp 7 năm trước khi được ra tòa, và nhận thêm 14 niên nữa. Đối với ông, tù là nhà, bởi vì, như mọi tù cải tạo, ông chẳng bao giờ biết ngày ra, và liệu có cái ngày "ấy" không, tức cái ngày được ban quản giáo nhận xét, "học tập tốt, lao động tốt". Nhưng đặc biệt tù là nhà đối với ông, ở điểm này: tù làm ông nhận ra một điều, dưới dạng cơ bản nhất, chính xác nhất, và dễ nhận ra nhất của nó: điều làm đau con người khi sống dưới mọi xã hội mang tính công an trị, nghĩa là mọi xã hội công an hóa (dans toute société policiée). Thành thử những gì ông viết ra, trước hết và trên hết, là những chứng cớ về những trại tù ở xứ sở của ông, và được nhân rộng lên, ở trong nhiều xứ sở khác. 

Theo ông, một chứng nhân như vậy, sẽ chẳng có một tí giá trị, nếu người đó cứ nghĩ rằng cái đầu của mình trắng nõn, tay lúc nào cũng khư khư cầm bông hồng, khi vào tù, thí dụ vậy. Hoặc vẫn còn cố giữ dịt, một tí ti, cái gọi là tín ngưỡng về quyền lực (la religion du pouvoir), ở trong đầu, theo kiểu một kẻ ở trên ngó xuống, như ở trên đã nói. Ông viết nhật ký, là tự ban cho mình một phương tiện chiến đấu, ở ngay trong mình, và với bên ngoài, chống lại sự lẫn lộn (confusion) giữa [điều được coi là] tâm linh và nhất thời, giữa chính trị, và tâm lý, hay là, mượn một công thức cay chua của Kafka trong Toà Lâu Đài – lẽ tất nhiên là ông chưa từng đọc tác phẩm này – chống lại sự lẫn lộn giữa "tư" (privé) và "công" (administratif), vốn luôn luôn ở bất cứ nơi đâu, là cội nguồn của chuyên chế, bạo lực, và một khi cả xã hội bị không chế, nó trở thành chết chóc. 

Ông tố cáo, không chỉ sự coi công lý như pha, lạm dụng quyền lực, những hành động tàn nhẫn mà ông vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân, nhưng luôn cả những đồng lõa, toa rập âm u tăm tối, mà cái gọi là quyền lực toàn trị đã biết cách sử dụng, làm sao đụng tới tận cõi sâu đen thăm thẳm, ở trong mỗi con người, trong cuộc sống rất ư riêng tư, thầm kín của họ. Điều ông căm hận nhất, ở nơi ông, và ở nơi người khác, là một tí dung tha, cho cái gọi là ý thức hệ. Nhà phê bình Marthe Robert cho rằng, trong số những nhà văn Xô viết mà người ta xếp vào nhóm "ly khai", ông là thứ ly khai uyên nguyên nhất, thuộc loại "ròng". 

Trong cõi hoàn toàn cách biệt thế giới, từng tí từng tí, ông tháo gỡ từng mẩu này, tới mẩu khác, cái gọi là con người cá nhân mà Nhà nước Xô viết đã biến ông trở thành như vậy. Bởi vì, hãy nhớ một điều, ông sinh năm 1939, tức ông là cái thành phẩm hoàn toàn do nhà nước cấu tạo ra, theo phương pháp "một trăm năm trồng người", qua đó, phải làm sao cho không còn một kẽ hở, giữa tư và công, khiến không một cái gì gọi là khác thường có thể có cơ hội chui vô. 

Kẻ thù ở ngay trong ta. 

Bị trấn lột tất cả, bị cách ly thế giới, cô đơn còm cõi tuy chung quanh là cả một khối hỗn tạp, huyên náo tức cuộc sống trong trại cải tạo, Kouznetsov nhận ra, việc đầu tiên, là nghi ngờ ngay chính tuổi trẻ của mình, khi còn là một cây non dễ bị uốn nắn. Tất cả những gì ông tin tưởng khi còn trẻ, những hứng khởi lãng mạn, những ham muốn ngày nào sẽ trở thành thi sĩ, tất cả, kể cả luôn nhu cầu, lòng yêu mến công lý, luôn cả niềm đam mê không thể nào cưỡng lại được của ông là suy tưởng, triết lý: tất cả đều trở nên nghi ngờ. Bởi vì ông không còn tin, chúng uyên nguyên ở nơi ông, do ông trời ban cho, hay cũng do phương pháp một trăm năm trồng người "cấy" vào? Chính từ đó, ông nhận ra sự cần thiết của Nhật Ký: Với nó, là phương tiện chiến đấu để sống còn. Sống còn như thế nào? Như một con người tuyệt đối riêng tư, mình là mình (personne absolument sigulière). Không phải cá nhân bị cấy, được trồng (individu faconné). Ông sử dụng Nhật Ký để suy nghĩ một mình, không tìm sự nương náu, hoặc ẩn trốn ở hy vọng, niềm tin, luôn cả ảo tưởng; cũng chẳng thèm tìm chỗ dựa mang tính ý thức hệ, mà những người khác đã làm như vậy, bằng cách tin vào Chúa, vào Phật, và trong trường hợp không thể, vì đã lỡ quá tin vào những ông thần đỏ, họ đành tìm về một thứ chủ nghĩa mác xít đã được "cải lương, cải thiện" (amélioré). Chính vì vậy, Nhật Ký có giọng bi quan, đôi khi trở thành cay độc (xi-níc), mà theo Kouznetsov, nó giúp ông cuỡng lại (résister), một cách ý thức, sự bất khả hiện hữu (l’impossibilité d’exister). Chính vì điều này, theo nhà phê bình văn học người Pháp, Marthe Robert, khiến ông trở thành một "của hiếm" (nguyên văn: một giá trị đặc biệt), và ông tự xác nhận, mình là nhà văn, nhờ nó. Nghĩa là như một kẻ, trong khi chỉ nói về mình, mà mở ra cả thiên hạ, tức đại thể (la généralité). 

Nhật Ký của tên tử tội thuộc vào "giai cấp lớn" (la grande classe) của những tác phẩm văn học, mà chỉ tự chúng là đủ để biện minh, cho chỉ một từ: văn học. Tác giả của nó, Kouznetsov, một kẻ chẳng ai hay (inconnu), một kẻ lạ, một người bị chôn sống, trong những vùng u tối mà chúng ta chẳng làm sao mò tới gần. Nhưng ông viết một cuốn sách, cuốn sách độc nhất mà chúng ta được biết tới qua bản dịch, và nhờ vậy, chúng ta có cơ hội gần gụi với ông, đến nỗi chúng ta có thể nhận ra ông, khi gặp ở ngoài đường phố. Nhờ những ghi chú vội vã, những ghi chú như của báu may mắn vớ được, trong mỗi ngày ở trại tù, như giành giật được, từ những tên quản giáo, với cái nhìn cú vọ, khốn kiếp (nguyên văn: sa-đích), nhờ vậy mà ông nối liền với chúng ta, vượt lên trên mọi ranh giới, từ thiên nhiên cho tới xã hội, cho tới thời gian... Nhờ nó, cuốn Nhật Ký, ông đã bẻ gẫy những cánh cửa nhà tù, nói theo tính cách đạo đức, ít ra là như vậy. Nói như thế không có nghĩa coi nhà tù giống như một thứ tự do còn hơn cả thứ tự do thiệt ở ngoài đời. Bởi vì ở trong địa ngục trại cải tạo mà con người này còn phải trải qua trong nhiều năm, chính là nhờ văn chương mà anh ta cố níu kéo cuộc sống, nó cho phép anh ta sống sót, và nó cho phép anh ta trở thành thật gần gũi, thật thân thương, thật sờ sờ trước mắt chúng ta. Tất cả làm chúng ta suy ra điều này: văn chương, chính nó, có thể có ngày gục ngã, ròng rã trong những ngày tháng triền miên ở nơi trại cải tạo. Và chính nó là cái mà chúng ta cần phải cứu vớt, còn hơn cả tác giả của nó. 

[Marthe Robert, trong một ghi chú, cho biết, sau đó, Kouznetsov đã được trả tự do, qua một vụ trao đổi tù nhân giữa Nga và Mỹ. Và như để chứng tỏ sự lo lắng của bà, tức là của chúng ta như trên, ông đã tiếp tục viết phần thứ nhì của Nhật Ký của một tử tội].

Jennifer Tran giới thiệu