nqt
   
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Tạp Ghi 
 





Những cái tên


"Chẳng có nhân vật nào trong cuốn sách này được dựa vào một người sống. Người ta không thể gọi tất cả những nhân vật của mình bằng những mẫu tự A,B,C... Ông Quigly trong cuốn tiểu thuyết này không giống về tính tình hay tên gọi, vớùi một Ông Quigly mà tôi gặp, trong vài phút đồng hồ, tại Washington, cách đây mười năm. Vì lý do không hiểu nào đó, cái tên này ám ảnh tôi, và tôi viết, trong Tìm Cách Làm Quen Viên Tướng, "Một ngày nào, tôi sẽ dùng cái tên này, trong một câu chuyện, mà chỉ có ông Trời may ra mới biết được, là câu chuyện gì". Rất nhiều Quigleys lịch sự viết thư cho tôi sau đó, nhưng Quigly này là của riêng tôi, và chẳng liên hệ với bất cứ một Quigly nào."

Graham Greene. The Capitain and the Enemy (Viên Đại Uý và Kẻ Thù).

"... Trừ khi chính tác giả lại cho nhân vật mang tên mình (trong Nỗi Buồn Chiến Tranh, nhân vật nữ tên Phương, tên thật của Bảo Ninh), hay nhiều nét tiểu sử bản thân (trong Những Người Muôn Năm Cũ. nhân vật nhà văn Thiêm, xuất thân giáo viên miền xuôi lên miền núi dậy học như Nguyễn Huy Thiệp). Trong trường hợp này, người ta có thể bình các chi tiết ‘đời tư’ đó."

Đoàn Cầm Thi

-Một độc giả không hề biết tới tên thực ngoài đời của Bảo Ninh, không hề biết Nguyễn Huy Thiệp đã từng làm giáo viên miền xuôi lên miền núi dậy học, độc giả đó có quyền bình các chi tiết "đời tư "đó, hay không?

Câu trả lời của tôi: Chẳng có gì là tư, là thực, là đã từng xẩy ra... ở trong một cuốn sách được coi là giả tưởng, thí dụ như một cuốn tiểu thuyết.

Người viết đã có lần sử dụng một ý niệm trong tân toán học, để giải thích "hiện tượng" trên. Nay xin trình bầy sơ sơ ở đây.

Vào thời Pythagore, con ngưòi đã biết được sự hiện hữu của số căn, thí dụ như chiều dài của đường huyền của một tam giác vuông cân. Nhưng trí khôn, sự hiểu biết của con người khi đó chỉ có thể giải thích được những con số chẵn lẻ, hoặc thập phân, như trong học thuyết của Pythagore, về một vũ trụ được tạo dựng bằng những con số. Theo truyền thuyết, bất cứ người nào thắc mắc về con số căn, là bị đệ tử của trường phái này thủ tiêu, để cho bí mật này không bị phát giác. Con số căn bị coi là con số gây "xì căng đan".

Phải tới cuối thế kỷ 19 toán cổ điển mới giải thích được sự hiện hữu của số căn, qua ý niệm về sự chia cắt (notion de coupure), cắt đoạn thẳng thành những lớp số, số căn nằm ở giữa hai lớp số thập phân... Thú vị hơn nữa, ý niệm về sự chia cắt lại được những triết gia, thí dụ như Bachelard qua thuật ngữ đứt đoạn tri thức luận (coupure épistémologique), áp dụng vào nghiên cứu "triết học của khoa học", hoặc Louis Althusser sử dụng, khi đọc Marx.

Tân toán học sau đó, đã sử dụng ý niệm sự trương nở (extension) của các thể (corps), để giải thích không chỉ căn số, và hơn thế nữa, luôn cả ảo số.

Như vậy, có ba con số căn: một, có thực, ở ngoài đời, thí dụ như chiều dài đường huyền tam giác vuông cân; một, ở trong toán cổ điển; một, ở trong tân toán. Chúng giống nhau, nhưng lại không phải "là" nhau, hoặc "là" một. Tân toán gọi, đây là những isomorphisme (tôi không biết tiếng Việt dịch là gì). Thú vị nữa là, Foucault cũng đã nói tới nỗi đoạn trường giữa cuộc đời và tác phẩm (déchirement entre la vie et l’oeuvre), hoặc "đứt đoạn lớn về tri thức luận" (la grande coupure épistémologique), và gọi thơ và những cơn điên của Holderlin: chúng là những isomorphisme.

Áp dụng vào trường hợp Phương là tên của Bảo Ninh, và Phương, nhân vật trong Nỗi Buồn Chiến Tranh, một người nào biết cả hai, sẽ gọi chúng là những isomorphisme. Nói một cách khác, một sự kiện thực (tư), ở ngoài đời, khi đem vào tiểu thuyết, chỉ được coi là giả (công). Roland Barthes coi đây là món quà tuyệt vời: văn chương, bởi vì tính hàm hồ của nó, nghĩa là bạn có thể cho nó bất cứ nghĩa, hoặc vô số nghĩa, cho một sự kiện có thực ở ngoài đời.

Thí dụ, một câu văn thật bình thường như sau: Một anh chàng lần đầu tiên được gặp người yêu. Khi từ biệt em, ra ngoài đường, sướng mê tơi, thấy trời mưa, anh la lên, hỏi trời, hỏi đất, hỏi người qua đường: Tại sao trời mưa?

Tại sao trời mưa, như thế, một trong những nghĩa của nó, là: Anh yêu em!

Hay là đoạn tả cuộc chia tay giữa Hà và Trúc, ở cuối Đôi Bạn của Nhất Linh. Trúc yêu Hà, nhưng là yêu thầm. Trước khi đi "làm cách mạng", anh đến gặp Hà, và trong bụng đánh lô tô, trái tim đập thình thịch... Nhưng cuộc chia tay, hoá ra là thật nhàm. Hoặc "nhảm", theo như anh nghĩ. Hai người nói chuyện vu vơ, chuyện trên trời dưới đất, rồi chàng chào nàng, và ra về. Trên đường, chàng bấm chuông xe đạp lenh keng, leng keng... Tiếng chuông xe vọng tới tai Hà. Nàng bĩu môi, thốt một câu, "Nghe thấy rồi!".

Chỉ nội nghe câu đó, là mọi tình cảm người đọc dành cho Loan, bèn được chuyển nhượng (chữ bi giờ gọi là ‘transaction’?) sang cho Hà. Ngay cả Nhất Linh, sau này, trong Viết và Đọc tiểu thuyết cũng phải thú nhận, khi viết, ông quá chú ý đến Loan, nhưng cuối đời đọc lại, mới "Nghe thấy rồi"!

Jennifer Tran