nqt
   
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Tạp Ghi 
 





Chuyện làng văn:

Chú bé bắt được con công, con báo, hay con hổ?


Chưa năm nào giải thưởng văn học trên thế giới lại lắm chuyện như năm nay. Trước tiên, xin nói chuyện giải Booker (mới được đổi tên là Man Booker), trong giới viết và đọc tiếng Anh.

Vào năm 1981, nhà văn Brasil, Moacyr Scliar, cho xuất bản cuốn "Max and the Cats", (Max và Mèo), thuật câu chuyện một cậu bé Do Thái, sống sót sau một vụ đắm tàu, và thấy mình chia sẻ chiếc xuồng cấp cứu với một chú báo. Tháng rồi, Yann Martel thắng giải Man Booker Prize, trị giá 75 ngàn (chắc là đô la Mỹ), với cuốn "Life of Pi" (Đời của Pi), câu chuyện một cậu bé người Ấn Độ, sống sót một vụ đắm tầu và sau đó chia sẻ một chiếc xuồng cấp cứu với một con hổ.

Chuyện trùng hợp không phải là tình cờ, bởi vì tác giả thừa nhận, ông đã được gợi hứng từ cuốn sách của nhà văn Brasil. Nhưng sóng gió nổi lên, và những mũi dùi báo chí đã nhắm vào nhà văn người Canada này, Mr. Martel, 39 tuổi, hiện đang lên như diều, danh tiếng cũng như tiền bạc (cuốn sách của ông đã từng bị những nhà xuất bản lớn quăng vào sọt rác). Rằng ông ta có tội (guilty), vì đã "cầm nhầm" ("sao chép", hay là "vay mượn"), tác phẩm của một trong tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất của Mỹ Châu La Tinh.

Dr. Scliar, một y sĩ năm nay 65 tuổi, gốc gác Do Thái di dân, đã thú nhận, ông ngỡ ngàng vì cơ sự xẩy ra, và vì thái độ của Mr. Martel.

"Phản ứng của tôi là bối rối, khỏi nói thì ông cũng biết," ông trả lời phỏng vấn qua điện thoại, từ nhà riêng tại Porto Alegre, ở phía nam Brasil. "Một cách nào đó, tôi cảm thấy ‘khoái’, vì có một nhà văn khác đã coi ý tưởng của tôi là quá tốt, quá hay, nhưng về một mặt khác, tôi thấy hơi kỳ kỳ, bởi vì ông ta sử dụng ý tưởng đó mà vờ tôi đi, chẳng thèm bàn bạc, ngay cả thông báo cũng không. Một ý tưởng thì cũng là tài sản vậy. Một tài sản tinh thần."

Mr. Martel thừa nhận, một cách gián tiếp, món nợ với Dr. Scliar, trong ghi chú của tác giả, ở trong "Đời của Pi", qua đó, ông cám ơn nhà văn Brasil, vì "tia lửa đời sống" ("the spark of life"). Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, vào cuối tháng rồi, ông nói, "Tôi nhớ mình đã nghĩ thầm, nó đây rồi", khi ông vớ được bài phê bình của John Updike trên tờ Điểm Sách New York Times.

Nhưng qua hồ sơ lưu trữ, chẳng có một bài nào của Mr. Updike trên tờ Nữu Ước Thời Báo, qua đó ông điểm cuốn của nhà văn người Brasil, và trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại, ông cho biết, ông chưa hề nghe nói tới cuốn "Max and the Cats", cũng như tác giả của nó, là Dr. Scliar. Bài điểm sách duy nhất trên tờ Times, là vào tháng Bẩy, 1990, sau khi cuốn sách được xuất bản tại Mỹ (loại bìa mỏng, nay đã tuyệt bản), trong đó, người điểm sách, Herbert Mitgang, đã coi đây (Max and the Cats), là một cuốn tiểu thuyết sáng giá ("a brilliant novella"), vì đã mở rộng những vùng chân trời cho văn học Nam Mỹ". Còn về phần tác giả của câu chuyện "chú bé bắt được con báo" ("mô phỏng" một bài đồng dao của trẻ con người Việt: "Chú bé bắt được con công, đem về biếu ông, ông cho... giải thưởng The Man Booker!"), Dr. Scliar cho biết, trong lưu trữ tất cả những bài điểm cuốn sách mà ông có được từ nhà xuất bản, chẳng có bài nào của Mr. Updike. "Đây lại là một khía cạnh ly kỳ khác, của ‘vấn nạn’ [đạo văn]."

Trong một bài tiểu luận đăng trên Web (www.powells.com), của một tiệm sách độc lập, the Powell’s City of Books, Mr. Martel viết, mặc dù bài điểm sách mà ông còn nhớ mài mại đó "toát ra một vẻ dửng dưng" [của người điểm sách, theo nghĩa, đây cũng chỉ là một cuốn cuốn đường được nếu không muốn nói, dở], nhưng ý niệm của Dr. Scliar đã tạo "một tác động, kích thích trí tưởng tượng của tôi, giống như bị điện giật", do tính đồng nhất tuyệt vời về thời gian, động tác, và nơi chốn". Nhưng, bởi vì, "vừa ham muốn vừa ấm ức" (a "mix of envy and frustration"), rằng tại sao mà mình lại không tự mình nghĩ ra một ý tưởng như vậy, cuối cùng ông quyết định "không thèm" tìm đọc cuốn sách "chú bé bắt được con báo" (Max and the Cats). "Tôi thực tình không muốn đọc nó," ông viết. "Tại sao lại chuốc thêm cay đắng? Tại sao lại đọc nó để rồi nhận ra rằng, một cú mở hay ho như thế mà lại bị làm hỏng, bởi một nhà văn tầm tầm? Tệ hơn nữa, giả sử như Updike đã lầm, giả sử như không chỉ cú mở, mà luôn cả cuốn sách, đều thật là tuyệt vời? Tốt nhất, là đừng đọc nó, và cứ thế tiếp tục viết, khởi đi bằng cái cú mở đầu tuyệt vời đó."

Jennifer Gilmore, của nhà xuất bản cuốn "chú bé bắt được con hổ", (nhà xb Harcourt), cho biết, tác giả hiện đang trên đường du lịch, không có mặt tại căn nhà của ông tại Berlin, thành thử không gọi điện thoại để phỏng vấn được. Và bà nói thêm, tuy nhiên, Mr. Martel bây giờ tin rằng, bài điểm sách "chú bé bắt được con báo" ở trên Điểm Sách Nữu Ước (NYRB: The New York Review of Books) chứ không phải trên The Times. "Bởi vì ông ta không sống ở Nữu Ước, nên ông đã lẫn lộn hai tờ". "Ông ta không chắc, là bài điểm sách là của John Updike. Ông ta đoan chắc, chưa từng đọc cuốn kia [tức cuốn "chú bé bắt được con báo"]." Nhưng hôm nay (ngày 5 tháng 11, 2002), cả hai tạp chí trên đều cho biết, họ không thể nào tìm ra đưọc bài điểm sách, như được mô tả, trong hồ sơ của họ. Thomas Colchie, người lo việc giao dịch (agent) của Dr. Scliar, cho biết, giới điểm sách sách ở Mỹ hay Canada không hề coi nhẹ cuốn "Max và Mèo", riêng giới xuất bản ở Canada còn ca ngợi nó.

Không rõ đã có người nào đọc cả hai cuốn song song, để nhận ra chúng có gì tương tự, ngoài cái "cú mở đầu" như trên. Cuốn của Mr Martel xoáy vào [đề tài] tông giáo, trong khi giới phê bình coi cuốn của Dr. Scliar là một ám dụ mang tính chính trị, theo đó, con báo đen là một biểu tượng của chủ nghĩa Nazi hay của chế độ độc tài quân sự đã trị vì Brasil vào thời gian "Max và Mèo" được xuất bản lần đầu tiên. Vượt lên trên những gì tương tự, nếu có, giữa hai cuốn sách, còn là "vấn nạn" giữa hai nhà văn, ai mới xứng đáng được gọi là nhà văn "tầm tầm" ở đây: Dr. Scliar đã viết 16 cuốn tiểu thuyết, vài cuốn tiểu luận, và trên chục tập truyện ngắn, đã từng được rất nhiều giải thưởng văn học ở Brasil và ở hải ngoại, tuần tới đây sẽ đi Nữu Ước nhận giải thưởng tại National Yiddish Center; trung tâm văn hoá này đã đưa cuốn tiểu thuyết xuất bản vào năm 1980 của Scliar, "The Centaur in the Garden" vào danh sách 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất của Do Thái, so với nhà văn "mới ra lò" người Canada?

Với rất nhiều người Brasil, cơn giận dữ bất thình lình do cuốn "Đời của Pi" làm bật ra, thật sự chỉ là chuyện không có gì là ầm ĩ, và là một trái thối thêm vào trong cái bị trái thối: nền văn hóa của họ đã từng bị ngoại bang chôm chĩa nhiều lần rồi. Dr Scliar cho biết, căn nhà của ông như bị ngập lụt, bởi những cú điện thoại, và e-mail, bầy tỏ sự giận giữ, và "than phiền", rằng, Brasil đã sản xuất ra "một nền văn học thuộc loại thế giới, và xứng đáng được coi trọng, nể vì mùi thơm của nó, thay vì vậy, chúng ta phải bịt mũi, do những vụ việc như vừa xẩy ra."

Giới phê bình và nhà văn Brasil đã từng khui ra những vụ tương tự. Thí dụ như cuốn tiểu thuyết của Daphne du Maurier, "Rebecca" (1938), là thuổng từ cuốn "The Successor", của Carolina Nabuco, xuất bản tại Brasil vào năm 1934. Ms. Nabuco đã từng dịch cuốn tiểu thuyết của bà ra tiếng Pháp, và gửi tới một nhà xuất bản ở Paris, để xuất bản. Nhà này, như bà được biết sau đó, đã chuyên xuất bản tác phẩm của Ms. du Maurier, sau sự thành công của "Rebecca". Hai cuốn có rất nhiều tình tiết (plots) "y chang", luôn cả vài hồi (episodes) "y hệt".

Ms. Nabuco nhớ lại, "Khi cuốn phim phỏng theo tiểu thuyết được chiếu ở Brasil, luật sư đại diện cho nhà sản xuất đã tìm gặp luật sư của tôi, yêu cầu tôi ký một tờ giấy xác nhận, sự tương tự giữa hai cuốn sách chỉ là ‘tình cờ’, và để bù lại, tôi sẽ nhận được "tí tiền còm" [nguyên văn: một món tiền đáng kể]. Nhưng tôi không ký kiếc gì cả. Lẽ dĩ nhiên, phải không bạn?"

Mới đây thôi, ngôi sao nhạc rock người Anh, Rod Stewart cũng bị lôi ra toà, do những tương tự giữa bản nhạc "top hit" của ông ta, "Bạn có nghĩ, tôi gọi dục?" (gọi dục, chứ không phải gợi dục, sexy), và bản "Taj Mahal", của nhạc sĩ Brasil, Jorge Ben. Bản sau rất phổ thông tại đây, đúng vào thời gian ca sĩ nhạc rock người Anh viếng thăm Brasil một năm, nhân lễ hội Carnaval. Ngoài ra còn những trường hợp khác nữa, trong giới nhạc pop, như Paul Simon, Talking Heads.

Dr. Scliar cho biết, ông chỉ mới có những thông tin "tản mạn" (fragmented information), về những tương tự giữa hai cuốn sách, và ông có ý định, sẽ "đích thân ra tay", đọc cuốn "chú bé bắt được con hổ", tức cuốn"Đời của Pi", và chỉ sau khi đọc rồi, mới có thể quyết định đưa "Me sừ" Martel ra toà hay là không. "Tôi không khoái chuyện kiện cáo. Và chuyện này chẳng thể nào ở trong những chương trình kế hoạch của tôi. Nhưng, nếu cần, đành ngửi trái thúi vậy! Cái đó còn tùy."

Một trong những hậu quả tức thời do mùi thúi gây ra, là, nhà xuất bản Brasil của Dr. Scliar, Luis Schwarcz, thuộc công ty Companhia das Letras, có vẻ như không muốn dính vào việc xuất bản cuốn "Đời của Pi", bản tiếng Brasil. Mr. Martel, tác giả chú bé bắt được con hổ, đã gửi email cho ông ta, xin lỗi về những lời tuyên bố "bố láo" liên quan tới Dr. Scliar, coi đây là "hiểu lầm", theo kiểu hòn bấc ném đi, tạ chì ném lại. Nhưng cho dù vậy, nhà xuất bản cũng không dám gây thêm bực mình cho "gà của mình", Dr. Scliar. Ông cho biết, "Tôi đã đưa ra lời đề nghị (offer), với Mr. Martel, sau khi ông được giải Man Booker, nhưng cơ màu này, tôi thấy khó mà bước thêm bước nữa. Hòn bấc, ở đây, là những lời tuyên bố chẳng chút thanh nhã, và còn có tính gây hấn, của Mr. Martel, với Moacyr [Scliar]."

Jennifer Tran giới thiệu

(Theo bài viết "Tiger in a Lifeboat, Panther in a Lifeboat: A Furor Over a Novel", của Larry Rohter, từ Rio de Janeiro, trên tờ Nữu Ước Thời Báo)