*








CHÉN RƯỢU VĨNH BIỆT

Cữ thượng tuần tháng tư năm nay, tôi có chút việc phải về làng Mọc. Tôi nghĩ ngay đến việc ghé thăm ông Tản Đà. Từ chỗ ông ở đến làng Mọc tôi, cách nhau độ năm trăm thước. Sẵn có bó đóm diêm gỗ bồ đề, tôi gói đi gọi là làm chút quà cho ông bạn già vốn đặt cái thú hút thuốc lào ngang với cái thú uống rượu. Con người ta chơi với nhau, đã mến được nhau, đã kính nhau, thường hay có những cái tỉ mỉ như thế. Cái thanh đóm dùng để châm thuốc lào, ở người khác tôi không hiểu nó như thế nào, nhưng giữa ông Tản Đà và tôi, thanh đóm đã là một cái gạch liên lạc nối một trẻ vào một già.

Lần đầu tiên tôi giáp mặt ông Tản Đà là ở tòa soạn An Nam tạp chí phố Hàng Da. Đầu năm 1932 gì đó, sau cái hồi rời bỏ phố Hàng Khoai, lúc ông Hiếu còn cộng sự với ông Cử Ngô Thúc Địch. Sau bài thơ trường thiên của tôi gửi đăng ở An Nam tạp chí lấy tên là Tương Tư Hành, Vũ Lang đưa tôi lại giới thiệu cùng ông Tản Đà. Tôi còn nhớ buổi đầu đó, chúng tôi nói rất nhiều về bản dịch bài Tỳ bà của Bạch Cư Dị, mà nhiều người gán cho Nguyễn Công Trứ và một số người nữa thì bảo là của ông Đồ Phù Long (?) Những đoạn nhắc đến chữ dịch hay quá, hay đến nỗi hóa được cả chữ của nguyên văn như chữ tẩm (biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt) mà dịch là dầm (nước mênh mông dầm vẻ trăng trong) chẳng hạn, ông Tản Đà hút một điếu thuốc lào, tôi cũng hút một điếu thuốc lào.

Chúng tôi thông điếu lẫn cho nhau và người hút thuốc thường giữ một thanh đóm lúc vẫn cháy để chờ người sau kịp rịt một mồi thuốc thứ hai vào nõ điếu. Lẽ cố nhiên, tôi thông điếu và giữ thanh đóm cháy nhiều hơn ông Tản Đà.

Tôi rất vui vẻ giữ cái địa vị đàn em như thế có đến nửa giờ đồng hồ vì hai cớ: cớ thứ nhất là trước mặt tôi, tôi có cả một cái tài hoa già dặn của thời đại; cớ thứ nhì là ông Tản Đà cao hơn tôi những hai chục tuổi đầu. Lúc đứng dậy xin cáo, ông Tản Đà tay sẵn thanh đóm còn cháy dở, nèo tôi hút một điếu thuốc lào nữa và cười khà khà:

- Ngon nhất là cái điếu thuốc lào hút thế nào cho được nhất khí.

Thấy bao diêm của tôi đã vợi hết ruột, ông sẻ cho mấy chục que ở cái bao đầy của ông.

- Ngài cầm ít que dừng tạm. Bên đầy quá bên vơi quá.

Tôi lĩnh mươi cái que đóm diêm sinh, cảm tình vô hạn cái buổi đầu gặp ông Tản Đà, buổi đó, để lại cho tôi nhiều thiện cảm. Nhớ đến cái tàn lửa đóm của ngày cũ năm 1935, hồi ông Tản Đà thất thế lùi về Khê Thượng, tôi có gửi lên cho tiên sinh một bó đóm diêm gỗ bồ đề. Có người bạn quen, bắt gặp tôi ra nhà dây thép gửi cái bưu kiện đóm diêm lên tận tỉnh Đoài cho thi nhân, người đó đã đùa nhả một câu:

- Anh định diễn lại cái kịch rau sắng chùa Hương, có phải thế không?

Bó đóm đi không bao lâu thì ông Tản Đà gửi lại một bài thơ lục bát trong đó có hai câu:

Tay cầm bó đóm con con,

Nhớ người xa nước xa non như gần.

Đã có bao nhiêu đêm đông lạnh, tôi ngồi xổm khoác mảnh chăn bông lên bả vai, châm một thanh đóm, và nhớ đến người xa xa tôi cất tiếng ngâm một bài "Thề non nước" giữa một vùng khói thuốc lào dầy đặc, như màn đất núi.

Mãi đến đầu năm ngoái, tôi mới có dịp gần ông Tản Đà luôn luôn. Mỗi dịp gần nhau lại là một dịp để say sưa, để hút thuốc lào với thanh đóm cũ, để nói chuyện dịch Liễu trai, dịch Đường thi và phê bình về người và việc trong Đông chu liệt quốc.

Biết là đóm đã hết, cữ này về làng Mọc, tiện đường qua nhà ông Tản Đà ở Cầu Mới, tôi đem về biếu một bó đóm nữa.

Bấy giờ vào quãng chín giờ sớm. ông Tản Đà đang uống nước trà, thấy tôi vào đã vội cười với một câu: "Cố nhân lai!" Cái mừng rỡ này xiết bao thành thực. Đúng như vậy, đã mấy hôm nay rồi, ông Tản Đà đang khát gặp người nói chuyện. Những bạn năng lui tới thường đã rõ ông Tản Đà vì sao phải rời xóm Bạch Mai chạy về vùng Ngã Tư Sở. Mở ngôi hàng xem số tử vi Hà Lạc, không có khách. Mở lớp quốc văn hàm thụ và lớp Hán văn diễn giảng cũng lại không có học trò nốt. Rốt cùng đến thiếu tiền nhà, chủ nhà đuổi người thuê nhà và giữ lấy đồ đạc.

Chỉ tay vào chồng sách cũ xếp trên cái ghế mọt dài, chỉ tay vào hai chiếc ghế mây đã gần thành bảy chân choãi, ông Tản Đà vẫn còn hài hước:

- Nhiều lắm mà làm gì. Hai chiếc ghế cũng đủ chán. Chủ ngồi một chiếc, khách ngồi một chiếc.

Tôi bâng khuâng. Tôi cố tìm trong đầu tôi, lục lại trong cái mớ truyện Đông Tây cổ kim, để tìm lấy tên một thi sĩ giàu có. Thì ra, cái nghèo của thi nhân đã là một nghiệp dĩ. Sự giàu sang người ta chỉ thấy ở một kẻ buôn bán, ở một nhà viết tiểu thuyết. Có bao giờ, có mấy khi, một thi nhân được nằm lên đống vàng mười. Tôi muốn bỏ đi ngay, để được phơi những ý nghĩ đen ngòm này ra một chỗ thoáng.

Ông Tản Đà giữ tôi lại:

- Này, đi đâu? Lâu lắm không uống với nhau một chén nào cả. Ở đây rồi ta tiểu ẩm.

Rồi ông chỉ cái thẩu rượu có ngâm đôi ba con cáp giới còn nguyên hình:

- Của một ông bạn ngoài Quảng Yên làm quà cho. Để đợi hôm nào khỏe, chúng ta sẽ dùng hết. Cái giống này tráng dương lắm. Lai ơi!

Lai là tên một người hầu cận thi nhân, cũng là người Khê Thượng, theo ông từ ngày ông lùi về quê vùng Bất Bạt. Trước kia Lai thất học, nhưng từ ngày ở với ông Tản Đà đã biết đọc, biết viết và nhiều khi ngồi bên bếp lửa thăm dòm một bát canh, một niêu cơm, còn ngâm nga(!) nữa. Đã từ bốn năm năm nay, mọi việc chuyên trà, xào nấu món ăn và những lúc đêm hôm phải cầm cái hũ đi lấy rượu từ đầu làng đến cuối làng những lúc có khách, nhất nhất mọi việc đều qua tay Lai cả. Nếu ông Tản Đà ở lùi vào thời trước, thì nhất định Lai phải để hai trái đào như một hề đồng ngày ngày đeo một cái lẵng hoa quả theo thầy lên núi lau một cái sườn đá cho thầy đề mấy vần thơ. Chiều cho được ông Tản Đà, tôi tưởng cũng chỉ có một mình Lai thôi. Lai lúc nào cũng vui vẻ đứng hầu rượu. Với những phong tục rất êm đềm ấy ở trong một khung cảnh rất thanh bạch ấy, hai thầy trò ông Tản Đà đã gần như chọn nhầm thế kỷ.

Lai đã bưng siêu nước ra, đứng vòng tay chờ ông Tản Đà sai bảo:

- Này Lai, con chạy ra đầu phố xem có cái gì mua về uống rượu. Con tùy tiện lấy.

Nghe mà thấy dài quá! Nghe mà thấy sang quá! Ai dám bảo ông Tản Đà là luôn luôn túng quẫn. Tôi tủm tỉm cười.

Lai ở chợ đã về và đã nhanh nhảu bày lên bàn những món tửu hào. Trên mặt cái bàn gỗ mộc tròn vốn dùng luôn làm bàn giấy (!) - những lúc dịch thơ Đường bán cho báo Ngày nay, những lúc dịch Liễu trai bán cho nhà Tân dân, những lúc chấm số Hà lạc bán cho khách bốn phương trời - trên cái bàn gỗ mộc, Lai đã đặt lên đấy một cái hỏa lò than hồng. Một đĩa bún Thanh Trì trắng phau điểm vài ngọn rau húng láng xanh ngát. Và mươi gắp chả thịt lợn ba dọi có bóp riềng mẻ. Cái "tác phẩm" xinh xắn, gọn gàng này là của Lai.

Khói mỡ bay đầy phòng

Ngoài đường nắng chang chang.

Gió nồm quạt lửa hạ vào nhà.

Lai cũng phành phạch quạt nan quạt lửa than hồng vào người chúng tôi. Rượu nặng phân bắt đầu ngấm, bốc mãi nhiệt độ trong người. Nếu không yêu và kính chủ nhân, thì có mà phải tội mới ngồi hầu một bữa rượu chín được người như thế này. Cũng như bao giờ, ông Tản Đà là người nói nhiều nhất trong những lúc cử tửu. Giữa cái nóng nực của bữa rượu trời hè, tôi, mồ hôi chảy ròng ròng, ngồi nghe ông Tản Đà luận bàn về người trong thanh sử.

Nói xong cái tâm trạng Khổng Minh lục xuất kỳ sơn, ông quay sang cái cảnh Phạm Lãi chu du Ngũ Hồ. Rồi ông chê người Đại phu Văn chủng, rút những câu trong sách cũ về đoạn ấy: "Cao điếu tận, lương cung tàn, giảo thỏ tử, tẩu cẩu phanh, địch quốc phá, mưu thần vong...".

- Con người ta ở đời, có hai thái độ đáng quý, một là làm thánh hiền, hai là làm hào kiệt. Nhưng đem so sánh thì làm hào kiệt vẫn sướng hơn. Cái cuộc đời ấy mới là ồ ạt.

Rồi không cần câu chuyển, ông Tản Đà đổi sang một câu chuyện khác.

- Nội trong loài cá, chỉ có con diếc là sạch nhất và khó câu nhất. Giống nó chỉ hay ở chỗ nước trong và ăn toàn bọt nước. Thả cái mồi gì nó cũng chê cả. Định lấy một cái mồi thơm mà dử nó như là người ta thường dử một con rô hay một con chuối, thực cái anh đi câu đã làm một việc tối vụng về.

Tôi liên tưởng mang máng nhớ tới câu tản văn của tiên sinh viết trong cuốn "Giấc mộng con": "Có người, cho cái áo vải thì chê, đợi cho đến cái áo gấm mới mặc..." Vừa ăn, vừa triết lý, vậy mà mặt trời đã đứng bóng. Nhìn đồng hồ, ông Tản Đà nói:

- Đến một giờ, tôi phải ra ga. Hôm nay Nguyễn Tiến Lãng ở Huế về. Trước khi theo Hoàng hậu đi Tây, hắn muốn về qua nhà, để bàn tính cùng ông cụ Huyện cho nó xong cái việc vợ con đi. Tôi muốn gặp mặt Lãng vì có tí chuyện.

Thế rồi ông Tản Đà đưa tôi xem một lá thư. Lá thư của ông Nguyễn Tiến Lãng gửi về giục ông Tản Đà gửi sách (?) vào để ông tâu với vua Bảo Đại "trợ cấp" cho một số tiền năm trăm đồng.

Tôi cũng biết thế vậy. Tôi lặng lẽ trao lại lá thư cho ông Tản Đà. Vẫn lặng lẽ, tôi nhấp một chén rượu. Rượu lúc này sao cay, sao đắng lạ - ông Tản Đà sắp được triều đình Huế ban cho năm trăm đồng! Thi sĩ lúc túng còn gì bằng. Nhưng có phải lần này ông Tản Đà mới được cầm một số tiền to đâu. Từ năm xửa, năm xưa, có người hiệp khách ở Nam Kỳ đã biếu ông Tản Đà một số tiền lớn hơn thế. Những nghìn đồng. Người hiệp khách có bụng liên tài ấy đã biếu không số tiền đó và trái lại, không có đòi hỏi ông Tản Đà một điều kiện gì cả. Với số tiền ấy, thi nhân đã làm những gì? Thi nhân đã uống được mười vò rượu bồ đào, dùng thêm được mấy mươi thạp trà tàu, và du lịch thêm được ít vùng nữa với sự thừa thãi hàng mấy tháng ròng. Giở lại tập thơ làm vào thời kỳ ấy, đã thấy nhẹ hẳn phần tiêu sắt. Và có nhiều người đã không lấy làm thích lắm vì, đọc lên nó đã không làm cho người ta lạnh và rùng mình như cái khối thuở tình xa xôi. Số bạc ngàn lúc trước dùng cũng được có thế thì bây giờ nếu có thêm được nửa cái số trước nữa, đã chắc hơn gì chưa? Mà rồi từ giờ trở đi, người ta sẽ đưa thi nhân của chúng ta vào cái thế giới nào đây? Tôi tin rằng từ nay trở đi, cái đời văn chương của một thi nhân sẽ bước sang một giai đoạn khác. Tôi ngờ rằng, với một số tiền trợ cấp kia, ông Tản Đà sẽ không già tay để hạ những vần rất sái và tác phẩm sau này sẽ nhan nhản những câu thơ rất có "hậu'.

Sao lại không như thế được?

Cái buồn của tôi vẫn không vợi, khi ông Tản Đà đọc lại mấy câu lục bát rất hay làm từ những bao giờ.

Cho vơi hũ rượu, cho đầy túi thơ

Trăm năm thơ túi, rượu vò,

Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai.

San sẻ cho tôi một gắp chả sốt, ông Tản Đà nói đến kế sinh nhai.

- Tôi có lên trên báo Ngày nay, nói chuyện cùng Trần Giư để lại dịch thơ Đường. Nhưng ông ta có bảo công việc ấy bây giờ giao cả cho ông Thạch Lam.

Chuyến tàu điện Hà Đông đã nổi hiệu chuông ra gần tới Ngã Tư Sở. Tôi lặng lẽ cầm tay ông Tản Đà, hẹn một ngày khác rất gần đây, sẽ xin trở lại.

Cái ngày khác rất gần đấy mà tôi lại trở lại căn nhà 71, Ngã Tư Sở, là ngày hai mươi tháng tư, tây lịch là ngày 7 Juin 1939. Tôi trở lại để không bao giờ gặp lại ông Tản Đà nữa. Tôi, một kẻ ở, đến để ngắm chủ nhân đã là một người về. Lúc bấy giờ quá giờ Ngọ.

Sớm nay (7-6) ở thư viện ra, Vũ Bằng rủ tôi đi uống, một cốc rượu mạnh. Dọc đường phố Hàng Bông, người trưởng nam ông Nguyễn Khắc Hiếu mếu máo tin cho tôi biết rằng ông già cậu vừa mất. Thế là từ phút này, làng rượu đất Bắc mất một tửu đồ và tao đàn mất một vị nguyên soái. Và cái bữa rượu bún chả tôi uống hôm đầu tháng ở Cầu Mới với ông Tản Đà là bữa rượu vĩnh biệt một thi nhân mà từ bây giờ chúng ta có quyền gọi xách mé là Tản Đà, là Nguyễn Khắc Hiếu không cần chữ đệm.

Ngồi ở một tửu điếm Bờ Hồ tôi vừa quấy cốc rượu Borgia cho nổi bọt lên, tôi vừa nghĩ đến một câu mà ông Tản đã gở miệng nói giữa bữa rượu hôm trước.

"- Này bác Tuân, làm thế nào mà lúc chết được để mả ở chỗ Hàm Rồng Thanh Hóa, ngay chỗ bên cầu treo. Ở đấy mát lắm".

Rồi nghĩ đến cái việc trợ cấp năm trăm bạc chỉ một chút nữa là thành sự thực, tôi lại mừng cho cái thơm tho của một thi nhân. Có lẽ ông trời muốn giữ cho thi nhân được trong sạch nên đã sớm gọi ông Tản Đà về.

Người trích tiên đánh vỡ cái chén ngọc ở Tiên cung đã đến lúc mãn hạn đi đày? "Cái hạc" đã "bay lên vút tận trời"!

Năm mươi mốt tuổi đầu, thế cũng là đến cõi. "Của trời, tham được có ngần ấy thôi". Tôi nâng cốc rượu còn đầy chỉ định nhớ chứ không thương thi nhân vừa đặt chân vào cõi bất diệt.

Nhưng lúc tôi vào nhà 71 Cầu Mới, lòng tôi thắt lại. Ông Tản Đà còn hấp hối và đang thở hắt ra. Cứ đều đều, cứ nhẹ thế cho đến hơi thở cuối cùng. Hai môi mím khít lại ông Tản Đà có nét mặt răn rúm của một người chết khó khăn. Phải, chung thân làm một người bất đắc chí, sống đã chẳng được toại lòng, người nằm sóng sượt đây khó mà đi cho nó nhẹ nhõm được. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi lạnh. Ở đầu giường bệnh, vẫn bên chồng sách bừa bãi đây đó mấy trang bản thảo. Tập di cảo! Trời? Và lẻ loi ở góc bàn vẫn cái hũ rượu cáp giới ngày nọ. Tất cả, chỉ có thế thôi, với một đoàn thê tử yếu và đuối!

Cuối thế kỷ trước, một buổi chiều Avril 1939, tại Paris, nhà viết kịch trứ danh Cenri Becque đã nhắm mắt giữa cảnh nghèo nàn và cô chiếc. Không có vợ, không có cha anh, không có thừa tự. Becque đã để lại cho đời vẻn vẹn có mấy vở kịch Les Corbeaux, La Parisiènne, v.v.. Cứ lời viên thừa phát lại thời bấy giờ làm bản kê khai, thì ngoài tác phẩm kể trên, gia sản của nghệ sĩ để lại, còn có mấy khoản này:

Một cái tượng bán thân do Rodin nặn cho, một cái nồi nấu, một cái nệm, tất cả bán đấu giá được 0f50;

Một chồng sách in, bán được 30f,

Một cái va li, bốn chiếc khăn mặt: 2f,

Và ba chai rượu vang Mariani (vẫn rượu);

Và năm vạn ba nghìn quan tiền nợ.

Cái đám ma của Bacque, lẻ tẻ vài lăm người.

Tao Đàn số đặc biệt ngày 1-7-1939 .

 

MỘT ĐÊM HỌP ĐƯA MA PHỤNG

Tôi bước vào nhà in báo Con ong và hỏi luôn cái người to lớn lù lù đang cầm bút trên giấy:

- Gì mà điện thoại nhắn nhe ầm lên thế?

Tam Lang - người to lớn lù lù ấy - bảo tôi hãy ngồi xuống đã, đợi một vài bạn nữa đang bận tay chữa bài dưới nhà in lên. Tôi nghĩ thầm chắc lại hội họp để cắt cử người đọc điếu văn Vũ Trọng Phụng ngày mai đây. Ngồi kéo nốt mồi thuốc đang tàn trong lòng điếu, tôi nghĩ đến người vừa nằm xuống và nghĩ luôn đến cái chết lạnh lẽo của các giống nghệ sĩ ở đời. Tôi nhớ đến một chiếc lá vàng vừa rụng khoảng đầu năm nay trên lối đi vắng vẻ nơi ruột rừng văn An Nam. Đầu năm nay, Tản Đà mất.

Chiếc lá vàng ấy chưa kịp mục, thì rừng mùa thu lại hái thêm một chiếc lá xanh ném xuống đất. Người ta tiếc thi nhân chưa nguôi, thì giờ người ta lại được khóc một văn nhân nữa. Cái làng văn An Nam vốn đã thưa thớt, lại càng quạnh quẽ muôn phần.

Chợ Hôm về chiều tháng chín mùa thu, vào lúc gần tan, càng gợi thêm cái mệt mỏi trong lòng một thứ người sống với một chút hoài bão riêng ở đời.

Tia nắng hanh cuối cùng đã tắt. Gió heo gửi vào cửa sổ tòa báo Con ong một chiếc lá vàng cuộn tròn mép.

Tam Lang bó những bản thảo và giấy má bừa bộn vào tủ và không vui, không buồn, bảo tôi:

- Tí nữa đi sang sông. Bây giờ đi ăn.

- Au de là du Rhin?

- Phải.

Thế nghĩa là tối nay, nhân một cuộc hội họp về tin Vũ Trọng Phụng vừa mất, chúng tôi qua bên kia sông nghe hát ả đào. Thường mỗi khi rủ nhau qua cầu Sông Cái để thức đêm ở xóm Thượng Cát, chúng tôi sẵn có một câu nói lóng: Au de là du Rhin. Con sông Rhin đây là sông Nhĩ Hà. Và sau cái bờ sông Rhin này là những căn nhà hát...thứ nhà hát không sạch sẽ, không sáng sủa. Chúng tôi có cần gì đến căn nhà rộng sáng, đến con hát đẹp và hay.

Chúng tôi tối nay chỉ cần một nơi để họp nhau cho trọn đêm để sớm tinh mơ ngày mai, lại cả đoàn kéo nhau qua cầu chạy theo một cái xe đám ma người bạn chết non.

Thấy người cùng tuổi cùng nghề phải chết một cách sớm sủa mau mắn như thế, chúng tôi thấy đời là ngắn lắm mà chúng tôi càng phải gần sát mãi nhau lại cho đỡ lạnh.

Hạng người cầm bút trong xứ không nhiều nhõi gì; mỗi khi có một người ngã vì bệnh nạn, chúng tôi càng phải dồn nhau lại để hàng ngũ đỡ trống trải. Cái giây phút này, ta thường buồn cho người vừa chết, ta thường buồn cả cho ta.

Hỡi những người chỉ sống cho luân lý, sống bằng luân lý, tôi không khi nào van xin các người đừng cười chế chúng tôi sao lại dám khiêu vũ chung quanh một chiếc quan tài chưa gắn kín sáu con cá. Có lẽ cũng chỉ vì những tiếng chày đang nện cá nặng nề bên quan tài kia đã dội nhiều vào lòng bọn người sống một cách hốt hoảng, vô thường định với cái cô quạnh của tinh thần như bọn tôi, nên chúng tôi đã rủ nhau đêm nay sang sông mà uống rượu cho say, mà nghe hát, cũng cho đến say, và điên cuồng mà nhẩy đầm quanh một cái xác chết. Có như là gần thời chiến tranh, lúc này người ta lấy tốc lực ra mà sống cuộc đời mình. Biết đâu ngày mai chẳng là không còn gì nữa.

Nếu lúc này gọi được hồn Vũ Trọng Phụng lên mà hỏi câu này, chắc anh lia lịa gật đầu.

Người bạn tội nghiệp của chúng tôi chết. Ngày hôm sau, đưa đám buổi sớm. Nhận cái tin buồn ấy - chúng tôi hát và hút thuốc phiện. Đã buồn chưa? Tôi muốn hỏi tất cả những người bạn tha thiết với Phụng, những người sống với phụng sự nghệ thuật bằng một chuỗi ngày chìm chìm tẻ tẻ, xem những ai là người chịu ngủ cái đêm ấy ở nhà mình?

Đêm ấy, bên kia sông, nhà hát lạnh như nhà mồ. Bọn ca nhi trông người nào cũng cao lênh nghênh. Sự nghèo đói làm cho người họ dài hẳn ra. Ngọn đèn dầu lạc chỉ là một ngọn đèn thờ. Người kép khẳng khiu như một cây khô, cũng chỉ đủ là nhạc công một phường bát âm cho nổi lên một bản hòa nhạc chết khi người ta dâng cơm cúng.

Chúng tôi cười một cách điên dại như đám thủy thủ một con tàu ngầm gặp nạn, tàu cặm vào rốn biển cả.

Chúng ta thương nhớ thằng Phụng nhiều nhất là giữa giờ này. Hỡi ôi!

Một người nói. Một người hút. Một người không làm gì cả. Hai người úp mặt vào tường, cười và thở dài với cái bóng in trên tường đầy máu rệp và xác muỗi khô. Tôi đánh trống, gãi hai chiếc roi chầu. Cố đánh cho tử tế, mà tôi nhận thấy tiếng trống của tôi chỉ là tiếng trống bản.

Và tiếng phách của Tỳ bà đủ là những tiếng sênh chấp hiệu cho một cỗ đòn đám khởi hành xuống huyệt. Cũng phong phanh như đám ca nhi, chúng tôi cảm thấy đêm thu cứ thấm dần qua lần vải mỏng sơ mi và đi mãi vào lòng. Những manh sơ mi này phải nương nhẹ, giữ sao cho vẹn màu hồ để ngày mai đưa Phụng nó lên đường.

"Chúng ta nên đẹp, quanh cái chết một người thân".

Đêm lạnh lắm, nhà hát nghèo, không có chăn.

Chúng tôi hút thuốc lá nhiều như bọn lính Tây cho nó được ấm bụng. Và nằm dịch mãi vào nhau. Một người kêu không khéo mai về ốm mất. Khói thuốc ba thứ thuốc, thuốc phiện, thuốc lào thuốc lá - đã có vị chát và ngửi nhiều quá, thấy lạc cả mùi ngày thường.

Bây giờ giữa cái thấm thía của đêm nhà hát, chúng tôi mới bắt đầu nói đến Vũ Trọng Phụng. Mỗi lúc nói đến chuyện bạn lại phải kèm thêm những câu: lúc sinh bình, hồi còn mồ ma hắn.

- Nhiều người còn sống sờ sờ kia, oán thằng Phụng lắm. Chúng nhìn thấy hình ảnh chúng ở Nghị Hách, Xuân Tóc Đỏ, v.v..

- Thằng Phụng mà đánh đàn nguyệt thì có giết người không? Ừ, nó đàn có những tiếng nắn dễ thương và lẳng lơ lạ.

- Lại còn cái chướng nữa là hắn thích làm thơ. Các anh thử tưởng tượng xem cái phản động lực văn chương của quần chúng độc giả sành xem nó ra sao, khi họ đọc thơ Vũ Trọng Phụng?

Chúng tôi cười rộ. Và tiếp:

- Thế nghĩa là cụ Mính viên Huỳnh Thúc Kháng viết truyện ngắn đấy.

- Và cụ Phan Bội Châu nhận lời giữ mục phê bình "Màn ảnh và sân khấu" cho một tuần báo văn nghệ.

Chúng tôi lại cười ồ.

Thằng Phụng, về đức tính, có điểm này khá nhất là nhận thầu tờ báo nào là không hay quỵt tiền anh em viết giúp. Trong bọn cầm bút có những thằng đứng lên nhận "đẩy" sách và bán bài giúp cho bạn, rồi lại ăn cả tiền nhuận bút không chia cho bạn lấy một đồng xu nhỏ, kể ra Phụng là một người đáng được nêu lên làm khuôn mẫu.

- Về tiền nong, Phụng phân minh về chỗ tài thượng lắm, nhưng nhiều khi hắn cẩn thận như một con người công chức. Về xã giao, hắn quan tâm nhất về chỗ kẻ cười người khóc. Ai phúng nhà mình một nghìn vàng, một thẻ hương; ai mừng một chai rượu hắn đều có biên cả. Để rồi chờ đợi mà biếu lại, mà mừng lại. Có ai quen Phụng, dầu là sơ sơ, mà ốm, là Phụng là người đầu tiên vào cửa nhà thương để thăm hỏi.

- Thế là hắn tốt chớ sao? Nhiều người đọc sách của Vũ Trọng Phụng lầm nhiều về cái người ở Phụng. Họ đều cho Phụng là nham hiểm, là cơ tâm, là tâm điền xấu. Để sinh ra ngộ điểm ấy, cái lỗi của Phụng là đã đem những cái thối mọt, cặn bã nhân tâm vào trong tác phẩm mình đến đầy rẫy.

- Riêng gì Phụng, có chán vạn nghệ sĩ khác, từ trước tới đây, bị hiểu nhầm như thế.

- Những anh nào ở đây đi lại với Phụng nhiều nhất nhỉ? Bà cụ đẻ anh Phụng, đáng quý lạ. Thật là một bà mẹ chí từ. Hai mẹ con, một người chí từ, một người chí hiếu. Cái hồi Phụng ốm lại về dạo sau này. Phụng nằm mãi, buồn tay muốn ngồi dậy viết, bà cụ ngăn nhiều lắm. Rồi cứ thế mà ngồi quạt cho con cả đêm.

Phụng chết trẻ. Cái đáng tiếc nhất trong đời người bạn chúng ta là Phụng thiết thực quá. Đời Phụng chưa có một cái mộng nào để mà ôm, chưa mơ màng đến một cái gì để thỉnh thoảng lìa khỏi cái tẹp nhẹp mè nheo ở đời này. Trong đời Phụng, Phụng cứ hành động theo suy nghĩ nhiều quá. Chưa có một giây phút nào, hắn dám điên cuồng lấy một tị.

Tôi nằm tiêm thuốc bên khay đèn, tôi đã đánh cháy điếu thuốc...Tôi nhớ đến cái chuyện tôi mua một bức tranh lụa bày ở phòng triển lãm mùa đông năm ngoái.

Hồi ấy, thấy tôi rước một bức thủy họa về để đến nỗi chậm cả áo mặc mùa rét đã dồn về từ lâu. Phụng tìm đến tôi, ngắm bức họa với sự chế nhạo và "chửi" tôi là một thằng điên và nói: "Tao không bao giờ lại có thể điên như thế". Tôi lặng thinh. Từ đấy về sau, không bao giờ tôi thuật lại cho Phụng biết những cái phút điên khác của tôi nữa.

Bạn tôi, sống ở đời, thực là một người thích sự phải chăng quá. Phải chăng khi đụng chạm với người khác, phải chăng trong cái mặc, trong cái ăn. Nói đến cái ăn tôi lại thêm buồn cười. Từ khi đánh bạn với Phụng, tôi biết Phụng chưa hề "mạo hiểm" ăn một thực phẩm lạ bao giờ.

Chỉ hết phở xào rồi lại áp chảo và quanh quẩn chỉ đậu rán, bún chả, bún bung. Có lẽ có một số tiền vài trăm giắt túi chẳng hạn, Phụng cũng chỉ đòi ăn có thế và buộc bằng hữu ăn như thế. Nói đến ăn uống, tôi lại nhớ thêm đến một buổi họp có cả Phụng, có cả Tản Đà. Thấy có ông Tản Đà, Phụng thành tâm đi mua hai gói kẹo lạc va ni đưa về tiệm hút, cố mời người thi sĩ già.

- Mời cụ xơi kẹo lạc.

- Ông bảo cái gì?

- Dạ, kẹo lạc va ni, giòn và thơm lắm.

- Kẹo lạc! Ăn ra cái quái gì.

Buổi ấy, nhà thơ có tuổi đã làm tiêu hết chút ít cảm tình của Vũ Trọng Phụng. Ngày thường, Phụng với cái tính cách thiết thực của một người phóng sự, đã không chịu được Tản Đà kềnh càng rồi... Hai người ấy giờ đã là ma, cùng thở hơi cuối cùng ở một xóm Cầu Mới, nhà số 71 và 73; cùng yên nghỉ ở một nghĩa trang. Chắc ở dưới ấy, giờ gặp nhau, hai người tránh sao được nhiều cái lủng củng, nếu hai hồn ma không chịu nghĩ đến cái tàn lạnh cuộc đời chung của tài hoa mà chịu đựng lấy nhau!

Trong cái sống phải chăng của Phụng, có một cái phải chăng này đáng cảm động hơn hết. Là những thứ văn phòng tứ bảo. Mực anh dùng viết là một thứ mực tím ít khi tươi màu, phần nhiều là loãng và luôn luôn là nhạt, là chết. Giấy anh dùng là thứ giấy sáu xu một thếp đã kẻ sẵn. Đấy là thứ giấy của vô danh với cái khuôn khổ của tất cả mọi người. Ngòi bút Phụng thích dùng nhất là cái thứ ngòi Incomparable, xu ba ngòi. Giấy, bút, mực ấy là giấy, bút, mực của học trò. Thật là bình dị quá. Thế mà lời văn dùng bút ấy mà ký thác lên giấy ấy lại chẳng xoàng xĩnh chút nào. Những người cầu kỳ về văn phòng tứ bảo như chúng ta, nghĩ tới cái tiểu tiết này trong đời văn sĩ của Phụng, họ chẳng nên lấy làm nghĩ ngợi? Phụng còn phải chăng cả đến những cái thèm muốn về tương lai. "Tao chỉ mong sao mỗi khi chúng mày đàn đúm kéo nhau về chơi tao, thì có được mãi mãi một mâm cơm cho tươm tất và cái khay đèn không phải thiếu thuốc". Đấy là câu Phụng nói vào một buổi chiều tết Trung thu năm nay, khi còn ở phố Hàng Bạc và trước hôm dọn về Cầu Mới được hai ngày.

Dạo ấy, Phụng vì thấy bệnh ấy phá phổi mình rõ ràng quá, theo lời thầy thuốc, đã phải rước tĩnh về bày ở nhà. Nếu quả việc một người trẻ tuổi mà vướng nghiện a phiến là có lỗi với danh giáo thì Phụng đã bằng lòng chịu xấu với dư luận để cố mà lùi lại kỳ hạn của ngày lên đường. Lên đường về xứ chết. Phong, lao, cổ, lại, tứ chứng nan y! Vả chăng ông bạn đầu xứ Ngô Tất Tố cũng đã nói riêng với tôi rằng chả chắc Phụng có qua được mùa rét năm nay không. Mùa lạnh chưa tới. Mới là có tiết thu thôi mà cái lá xanh đã lìa ngàn, một cái ngàn văn mà cây cối còn thiếu những cổ thụ um tùm rắn rỏi.

Tôi đã lấy làm bằng lòng tôi là vào những ngày cuối cùng của Phụng, tôi đã phóng túng hình hài với con bệnh lao chờ lúc lên đường ấy mà ăn, mà uống, mà hút với Phụng cứ hàng nửa ngày. Phụng cười, chừng muốn hỏi: "Một người thèm sống, sợ già, tránh chết như mày mà cũng dám coi thường vi trùng lao của tao thả ra sao?". Những buổi ấy, tôi không cần giữ gìn vì tôi tin rằng làm thế, sẽ tủi lòng người bạn thân mà ngày giờ đã bị đếm trước. Vả chăng, trong người tôi ngầm cũng đã nhiều vi trùng lắm rồi. Có thêm một ít của Phụng nữa cũng không sao.

Nhân Phụng vừa nằm xuống, tôi lại tìm trong đầu xem trong bọn nhà văn trẻ, những người nào là cầm lỏng được cái chết. Thế Lữ, Tchya, Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Đoàn Phú Tứ, Thạch Lam . . . , đều là những người đủ tư cách để sớm lên đường lắm. Ngực người nào cũng lép như cái đồng hồ ômêga trông nghiêng. Những người trẻ trung này có nằm xuống cũng đều nhẹ nhõm lắm đây. Tôi không độc mồm nguyền rủa ai. Trái lại. Và buồn thương lắm.

Ngẫm đến cái mỏng mảnh về thể chất người đồng điệu, tôi đã tự hào khoe với mấy bọn nằm trong nhà hát rằng tạng tôi vững vàng và cứ cái thể chất chắc chắn này thì cứ tha hồ mà lấy đêm làm ngày, cũng còn lâu tôi mới chịu mòn. Một anh bạn đã làm vỡ điều tin tưởng ấy của tôi bằng một cái thí dụ lấy ở Đinh Huy Hạo, một người cầm bút có luôn cả sức khỏe và sức mạnh, đã từng viết cuốn "Nòi giống tốt".

- Trong bọn ta, đứa nào khỏe bạo bằng tên Đinh Huy Hạo. Vậy mà cũng chỉ một sớm, một chiều thôi.

Tôi buồn rầu, thiếp dần. Thế rồi, trong gian nhà hát đã về sáng, như ngọn đèn bốc mạnh lúc gần tắt, cả bọn chúng tôi mệt mỏi lại muốn nhổm cả dậy để nói chuyện thương tâm. Thuốc đã làm chúng tôi vỡ giọng và tiếng nói ồ ồ.

- Phụng chết nhiều người thương tiếc hơn là Tản Đà. Một người chết trẻ bao giờ cũng lấy được nhiều nước mắt hơn là người chết đứng tuổi.

- Thằng Phụng còn hứa hẹn cho văn học nhiều tác phẩm lắm. Sao trong làng văn, những người như thế đã chết mà lắm thằng bất tài khác thì lại cứ sống mãi để anh em phải sốt cả ruột?

Tôi cho rằng nghệ sĩ nên chết trẻ, nếu mình có quyền chọn tuổi chết. Tài sắc con người ta ở đời, ai cũng chỉ có một thời thôi. Con tằm nhả được tơ óng mãi hay sao? Sống bấy lâu, nhiều khi cũng hớ. Nó chỉ tỏ ra rằng mình có cái da thịt cứng quá, trùng khó đục thủng mà thôi. Ai mà chịu được một nàng Tây Thi tóc bạc da mồi. Một người tướng tài mà không chịu hết tắt với dặm nghìn da ngựa mà lại chết già trong giường vợ, thì còn gì dại dột hơn nữa.

Chúng tôi thức cả đêm bàn tán về chuyện nên sớm nghĩ đến việc Hội ái hữu nhà văn. Vào khoảng năm giờ sớm ngày chủ nhật 15-10, bọn tôi lại từ Thượng Cát kéo bộ về Hà Nội. Trời thu thả sương sớm tựa như vào một buổi thả lưới bắt chim mồng, chim két. Qua chín nhịp cầu Bồ Đề trên con sông lạnh, bụng chúng tôi cồn cào hết sức.

- Đám đi sớm quá nhỉ. Bảy giờ đã cất. Đi hết cầu, về đến bờ bên kia sông ít ra cũng mất 45 phút. Lại còn kéo ra đến ga tàu điện Bờ Hồ. Và từ đấy vào Cầu Mới. Thế mà cũng vừa thời giờ thôi đấy. Nhanh bước lên! Các anh.

- Phải tìm cái hàng cháo mà ăn chứ không có lạnh bụng lắm.

- Ừ phải đấy, chỉ giữ lại đủ sáu suất vé tàu điện thôi, còn thì chén hết. Còn được đồng bạc không?

Trời chưa hửng hết. Cái phố Hàng Bè. Chúng tôi sà vào một hiệu cháo lòng vắng vẻ. Tiết canh, dồi mỡ, lòng chay. Và cháo khói. Xì xụp húp với nhau như một lũ con đàn một gia đình kẻ khó ăn cháo canh bồi thay đồ ăn chắc, tôi vốn giầu tưởng tượng, tôi nghĩ đến một cuộc tụ họp của các bạn phóng viên báo hàng ngày, một buổi sớm tinh sương mùa lạnh ở một quán cơm Cửa Nam rồi đi "xem" hành hình ở cửa Hỏa Lò vào khoảng những năm 1930, 1931. Chưa bao giờ tôi thấy một bừa điểm tâm cảm động như sớm nay. Sớm nay húp quanh lợi bát cháo nóng như người phải trả nợ dần, tôi tưởng đến người chết mà bùi ngùi, tôi nghĩ đến người còn sống lại mà thêm thương tủi.

Thế mà đám đã khởi hành được mấy phút.

Tôi vốn có một tập phóng sự về tiệm hút. Chính Phụng đã xui gọi tôi viết thiên "Tàn đèn dầu lạc" vào một tờ tuần báo và lúc góp những bài đăng ấy để đưa xuất bản thành sách, ở trang đầu, đề lời tặng, tôi viết: "Những tập phóng sự này, biết nên tặng ai?" ngụ một cái ý đùa giễu cả mình và luôn cả những bạn thân có duyên nợ với Ẳ Phiền nghiệt chướng.

Theo xe tang, tưởng đến người bạn đã khuất, tôi đã đổi lời tặng trào lộng đó thành một lời tặng hoài niệm: "Kính, Thành, Tiếc tặng vong hồn Vũ Trọng Phụng".

Tao đàn tạp chí số (12-1939).

Nguồn