*

























 

Bếp Lửa,Tựa Lần In Thứ Tư (1973)

Malraux có viết: "Người ta không thể nào viết lại một quyển tiểu thuyết."
Tôi không tin như thế. Trong nhiều năm sau khi quyển sách này được xuất bản, dường như tôi đã hì hục viết một BẾP LỬA khác. Mỗi lần sửa lỗi ấn loát để cho tái bản, tôi đều muốn viết lại nó. Kể cả bây giờ, sau mười bẩy năm.
Đây không phải là quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi.
Quyển đầu tay tuy được một nhà xuất bản nhận in năm 1955, vào phút chót tôi đổi ý, rút lại sách, quyết định không xuất bản.
Quyển Bếp Lửa rất có thể đã chịu chung số phận của quyển đầu tay, nếu không may mắn gặp ông Nguyễn Đình Vượng [chủ báo Văn, chủ nhà in, nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng].
Được viết một hơi – khoảng đâu hai ba tháng – được in ngay sau khi viết – không có một quãng cách nào để kịp lùi, nhìn lại – quyển Bếp Lửa là quyển duy nhất của tôi chỉ có một lần bản thảo.
Trên trang đầu bản thảo có đề câu của Rimbaud: Je est un autre [Tôi là kẻ khác], nhưng khi đưa in tôi đã xóa bỏ.
Sách in lần đầu ba ngàn cuốn, chẳng rõ bán được bao nhiêu, chỉ biết ít lâu sau sách được mang bán "son". Có hai bài viết về quyển sách: một trên nhật báo Tự Do tại Sài Gòn, một trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn miền Bắc ở Hà Nội.
Tiếc là tôi không có thói quen lưu giữ tài liệu để có thể in kèm vào sách khi tái bản.
Đại cương hai bài viết đều là lời chê trách giống nhau: quyển sách bi quan tiêu cực. Bài trên tờ Văn Nghệ ở Hà Nội chỉ là một cột điểm sách ngắn vài mươi giòng nhưng bấy giờ đã mang đến cho tôi hãnh diện và sung sướng. Hãnh diện là thứ có ngày nghĩ lại khiến thẹn thùng. Nhưng sung sướng lúc nào cũng vẫn là sung sướng, dù cùng với thời gian có thể lẫn vẻ bùi ngùi.
Tôi sung sướng nghĩ các bạn tôi ở Hà Nội đọc cột báo ấy, biết được tôi vẫn nhớ họ, đã viết về họ, về những ngày tháng ấy của chúng tôi. Họ có thể tức tối căm giận, nhưng chắc họ cũng cảm động bồi hồi.
Mười bẩy năm đã qua.
Kinh nghiệm dạy cho tôi là lời của Malraux đúng. Tôi đã loay hoay quá lâu với một quyển sách. Lần này tôi quyết định đề là ấn bản chung quyết.
Tôi hiểu đã đến lúc nên viết những quyển sách khác.
Tháng 3 – 73
THANH TÂM TUYỀN

Bếp Lửa, Tựa Lần In Thứ Hai (1965).

Cuốn sách mỏng manh, non nớt và chưa thành hình này của một người mới lớn lên. Hắn lớn lên trong một thành phố đã mất, thành phố bị vây hãm như một hòn cù lao nổi chờ ngày tan rã không để lại dấu vết. Hắn đọc Marx tìm thấy giấc mộng "biến cải thế giới", đọc Rimbaud tìm thấy giấc mộng "thay đổi cuộc đời", đọc Dostoievski tìm thấy thái độ "tất cả hay không có gì hết", đọc Gide tìm thấy "đời sống thành khẩn trung thực", đọc Malraux tìm thấy hào quang của trí tuệ dối đầu với Định Mệnh, đọc Sartre tìm thấy "cuộc hiện sinh tự do và chọn lựa". Hắn lớn lên cùng bè bạn, vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động. Mỗi đứa một lối lăn mình theo mối cám dỗ lớn lao của hư vô (1). Hắn lìa bỏ quê hương, chia tay với bè bạn, dấn mình vào lịch sử, đuổi theo giấc phiêu lưu của trí tuệ: sự thật được tạo nên từ niềm hư vô của tuổi trẻ bị tước đoạt.
Bây giờ hắn ba mươi tuổi, hắn vẫn quay tròn như một nỗi tự do trống rỗng, không làm được gì hơn, ngoài một lựa chọn – khó khăn và buồn tủi - : trở thành một nhà văn. Lúc hắn viết cuốn sách này hắn chưa phải là một nhà văn, không muốn là một nhà văn. Hắn chưa biết mình muốn gì vì hắn muốn tất cả. Hắn viết với ý nghĩ trong khi mình viết, người khác chết. Ý nghĩ làm tê liệt hứng khởi tạo tác. Nên sau cuốn sách được in tình cờ, không dự tính, hắn nằm im trong sự bất lực hổ thẹn, hắn phá phách tiêu hủy không thể hoàn thành nổi những dự thảo, phóng tưởng kế tiếp. Mỗi ngày mỗi nghiền ngẫm trong bất giác của các tình thế kinh nghiệm, hắn nhận thức hắn chỉ là một nhà văn, không thế lực và hèn mọn như mỗi người – một nhà văn bị dìm ngập trong thời đại và xã hội của mình như giới hạn tự nhiên của cõi sống và cõi chết. Hắn dứt bỏ được những mê hoặc, ảo ảnh – về vai trò của nhà văn – của thứ tiếng nói toàn năng vang động và làm biến dạng được sự vật một cách cụ thể. Tiếng nói của văn chương chỉ là những lời thầm thì giữa hỗn độn của lịch sử, lời cô đơn không sức mạnh bị lấn áp ở mọi phía.
Sự kiêu hãnh của tuổi nhỏ nhường chỗ cho sự bình tĩnh ý thức. Hắn bắt đầu cầm bút thực sự, làm việc giữa những đổ vỡ xáo trộn thách thức. Đối với hắn, cuộc chọn lựa gay go nhất đã xong, hắn biết hắn chỉ còn một tiếng nói để tìm kiếm bè bạn và quê hương.
Người được đề tặng sách này đã chết.
Hắn, tên Vũ Đạo Ánh, chết vào một buổi sáng chủ nhật đầu tháng chín năm 1964, tại một khu rừng tỉnh Bình Dương, một viên đạn xuyên ngang ngực năm mới ngoài ba mươi. Vào buổi chiều cuối tháng tám, hắn còn đứng trước một căn nhà trong hẻm ngoại ô, nhìn qua cửa sổ, đèn trong nhà thắp sáng nhưng mọi người đi vắng, cất tiếng gọi. Như những ngày mùa thu, mùa đông nơi thành phố xa khuất cũng hơi ngửa đầu lên cao liếc mầu trời xẫm mau, hắn gọi đứa bạn của thời niên thiếu nghèo khốn, gọi những mộng phiêu lưu đã bị nghiền nát cùng tuổi trẻ như một Thiên Đường cửa đóng. Hắn lủi thủi trở về như bị bỏ rơi, chạy qua thành phố Saigon buổi tối còn ngơ ngác những âm vang của mấy ngày hỗn loạn. Có lẽ hắn nhớ tới thành phố của tuổi trẻ, như nhớ tới đứa bạn, hắn đã chạy cuồng trong đó trên chiếc xe đạp tồi tàn giữa những ngày tháng rách bươm, mơ ước cái cơ hội kết tập được ngày tháng tan rã thành một đời ý nghĩa. Có lẽ hắn muốn gặp đứa bạn để hỏi: tại sao mày không viết được gì thêm nữa ngoài cuốn sách đề tặng tao?; cuốn sách hắn nhận được vào một ngày cuối năm nào khi còn đóng đồn trên sườn núi ngoài Trung nhớ quê hương đã lìa bỏ cùng mẹ và gia đình ở lại, cuốn sách vợ hắn mang liệm theo xác như một kỷ niệm hắn muốn mang đi. Hắn không gặp đứa bạn và tự hỏi: Nó ra sao?, đã lâu không gặp, như ngày nào trong thành phố hoài nghi và khắc khoải, hắn thường tìm bạn và hỏi: Thế nào, chúng mình sẽ đi về đâu?
Hắn gục chết bên một gốc cây, mau lẹ, không đau đớn. Hắn nằm đó, đầu ngoẹo sang bên, gối lên cỏ như một người ngủ mệt sau đoạn đường hiểm trở của Định Mệnh – Định Mệnh của một thế hệ, những người còn sống là những kẻ sống sót. Hắn đã đi từ tuổi trẻ bị tước đoạt, tới nằm đó trong khu rừng giữa cuộc chiến phơi mình làm một sự thật thô sơ: ở đây, trong xứ sở khốn nạn này, cuộc chiến phải chấp nhận không phải là lối phiêu lưu trốn chạy ngông cuồng. Cái chết của hắn không phải là một huyền thoại Rimbaud, một huyền thoại Lawrence, tên bạn hắn hiểu được như vậy.
Chúng muốn gì? Người chết cho kẻ khác sống. Chúng muốn gì?
Những nhà phê bình ở Hànội đã gọi các nhân vật trong cuốn sách này là bọn tôi mọi nô lệ. Họ hỏi: trong khi họ xây dựng xã hội chủ nghĩa, bọn này đi đâu? Những người ở Hànội không khi nào tự đặt câu hỏi với mình, những câu họ thường đặt cho kẻ địch. Bọn chúng đã đi trong thống khổ của lịch sử tới cái chết, cái chết như sự từ chối quyết liệt. Tại sao? Đáng lẽ họ phải tự hỏi: tại sao? Cái chết lựa chọn không phi lý, nó sẽ làm nảy sinh sự thật, sự thật của những người chết truyền lưu cho kẻ sống sót.
Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót.
Sàigòn, 1965
THANH TÂM TUYỀN

(Nguyễn Quốc Trụ sao lục, và giới thiệu)

Chú thích của tác giả:
(1)... c’est que l’idéal, jusqu’à présent, a été la véritable force de dénigrement appliquée au monde et à l’homme... la grande tentation du néant.
Nietzsche (La volonté de puissance).

                   

Bạt
Mấy ghi nhận về Bếp lửa

Nhà văn thường là kẻ bất công với chính mình: bất công với những gì hắn đã viết ra. Hắn thường nhìn lại tác phẩm của hắn với con mắt nghi ngờ, không toại nguyện. Càng nghi ngờ, không toại nguyện khi đó là tác phẩm đầu tay mà ngày nào, khi “chưa phải là nhà văn”, hắn đã hoàn tất với tất cả sự say mê cuồng nhiệt, tình cảm mà mai đây, khi đã là nhà văn rồi, không dễ dầu gì hắn tìm lại được. Với hắn dường như tác phẩm thật sự là tác phẩm hắn đang viết, sẽ viết, đang hoàn tất, sẽ không hoàn tất bao giờ. Trong khi cuốn sách đầu tiên, đối với hắn, chỉ là những bước chân dọ dẫm, những âm vang ngơ ngác của một thời: thời mới lớn. Dường như tác phẩm đầu tay của một nhà văn luôn luôn gắn bó vào chính cái thời mới lớn của nhà văn đó. Nó đánh dấu một thời mới lớn, nó chính là cái thời ngu ngơ bất trắc đó. Cho nên trong chủ quan của nhà văn, nó là cái gì nhất thiết phải được vượt qua, một cách nào đó, phải được chối bỏ. Nó không còn là một khởi điểm. Nói là một bước lỗi lầm mà nhà văn muốn quên đi như một nỗi thất bại. Trường hợp Philippe Sollers mới đây khi lên tiếng phủ nhận và loại bỏ tác phẩm đầu tay [1] ra khỏi toàn bộ tác phẩm của mình là một trường hợp điển hình. Tác phẩm đầu tay càng sớm trở thành cổ điển, nó càng là lý do để tác giả nó hoài nghi và phủ nhận chính nó. Phải chăng đó là ý thức khốn khổ của nhà văn khi bắt đầu nhận thức rằng mình “chỉ là một nhà văn”, bắt đầu có một cái nhìn thấu suốt qua căn phần và định mệnh “nhà văn” của mình. Phảỉ chăng nơi đây, nhà văn cũng không khác gì nhà triết học, nói theo một bực thầy hiện đại, chính là kẻ ”đời đời khởi nghiệp”. Viết, một cách nào đó, là viết chống lại những gì mình đã viết, nhất là chống lại những tình cảm sôi nổi ngày nào thể hiện qua những trang sách đầu tiên. Viết, một cách nào đó, là viết chống lại tác phẩm đầu tay của mình, một khi “sự kiêu hãnh của tuổi nhỏ (đã) nhường chỗ cho sự bình tĩnh ý thức”, một khi nguời ta “bắt đầu cầm bút thực sự”.

Mấy ý nghĩa tự phát và chủ quan trên đây đã đến với tôi sau khi đọc lại Bếp lửa và sau khi đọc lại bài tựa do chính tác giả viết lên đầu tác phẩm đầu tay của mình trong lần xuất bản thứ hai (Sáng Tạo, 1965). Tám năm sau lần xuất bản thứ nhất (1957-1965), Thanh Tâm Tuyền đã có dịp nhìn lại tác phẩm đầu tay của mình như một kẻ đứng ngoài kinh nghiệm của chính mình, nhìn vào lại nó bằng một cái nhìn chân thật đến tàn ác, nếu cần. Tác giả muốn nói gì với chúng ta qua lời thú thật đó? Một cuốn sách chưa thành hình, một tác phẩm dở dang hay đúng hơn là một kinh nghiệm đã hoàn tất? Cuốn sách của một người mới lớn liệu có thoát ngoài kinh nghiệm của chính tâm hồn mới lớn đó? “Lúc hắn viết cuốn sách này, hắn chưa phải là một nhà văn, không muốn là một nhà văn. Hắn chưa biết mình muốn gì vì hắn muốn tất cả”. Tất cả ở đây phải chăng là toàn thể cái kinh nghiệm sống mà hắn muốn thể hiện lên những trang sách thứ nhất đó? Cuốn sách đầu tiên, đó chưa là kinh nghiệm của tác phẩm mà là tác phẩm của một kinh nghiệm. Cho nên khi nhìn lại cuốn sách đầu tay của mình, để trở lại với một ý nghĩa ở trên, tôi nghĩ nhà văn có thể phủ nhận nó như một kinh nghiệm, một kinh nghiệm khốc liệt mà chính hắn đã trải qua, một kinh nghiệm đã làm biến đổi tâm hồn hắn, đã dìu hắn đến ngồi vào bàn, viết dòng chữ dầu tiên, “Tôi tìm Thanh ở chỗ làm việc của nàng…”, dòng chữ đầu tiên hay chính là lời nói đã tìm được cơ hội thốt lên và chính hắn cũng đã tan biến vào lời nói đó.

Có lẽ không phải tình cờ khi phần đông các tác phẩm tiểu thuyết đầu tay đều viết ngôi thứ nhất. Hãy nói một cách đơn giản hơn: nó là lời nói của một con người, một kinh nghiệm. Con người đó đã từng sống thật trước khi biến thành nhân vật tiểu thuyết và tác giả không là kẻ sáng tạo nên nhân vật tiểu thuyết của mình: hắn chính là nhân vật tiểu thuyết đó (Narcisse chết: hắn là kẻ không biết dùng chữ, đáng tiếc!)

Tác phẩm hay là một sự nối tiếp của một kinh nghiệm sống, một thảm kịch sống. Phải chăng chính trong ý nghĩa đó, Bếp lửa nhất thiết là một cuốn sách, nói theo tác giả, của một người “chưa phải là một nhà văn”. Viết Bếp lửa, điều này cũng có nghĩa là sống (một lần nữa) cái thảm kịch của chính nó đồng thời mời gọi người đọc tham dự không phải vào một thế giới phù phép, giả ảo của chữ nghĩa mà vào thế giới còn nồng nàn hơi thở của sự sống. Nếu nhận rằng có một hố sâu ngăn cách giữa văn chương và thực tại, giữa chữ và nghĩa, thì ở đây, sự vinh quang của Bếp lửa chính là ở chỗ nó chưa rơi vào sự sa đoạ của tác phẩm, nó là cuốn sách còn là cuốn sách hiểu trong ý nghĩa đơn sơ nhất của danh từ, cuốn sách của một người "Chưa phải là một nhà văn, chưa muốn là một nhà văn". Bởi nhà văn cần thiết là một con người sa đoạ, hắn hy sinh thực tại cho mộng tưởng, hắn hy sinh thế giới cho hình ảnh, hắn hy sinh sự sống cho chữ nghĩa, vân vân… Hãy nghe Thanh Tâm Tuyền nói: “Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót”. Kẻ sống sót với “sự thật” của những người chết “truyền lưu” cho hắn. Nói khác đi, sự thật chính là sứ mạng của nhà văn.

Nếu Bếp lửa thể hiện một sự thật, một kinh nghiệm thì thất bại chính là tên gọi của sự thật, của kinh nghiệm đó. Trong một bài viết của Thanh Tâm Tuyền, tôi có đi tới một nhận xét: “Đọc Thanh Tâm Tuyền tức là một cách nào đó tham dự vào cuộc phiêu lưu trắc trở của một kiến thức lạc loài và bất hạnh". [2]

Nhân vật Bếp lửa chính là một trường hợp điển hình của ý thức khốn khổ đó. Một ý thức khốn khổ hay một ý thức trong cuộc hành trình vô vọng giữa hư vô và đổ vỡ. Một ý thức mà giấc mộng “biến cải thế giới”, “thay đổi cuộc đời”, “tự do và lựa chọn”… chỉ còn là một nỗi “đam mê và vô ích” giữa những thế lực mù quáng của định mệnh của lịch sử không ngừng lấn áp ở mọi phía. Một ý thức, trong cô đơn và bất lực, bị kết án phải “đi một mình suốt đời” giữa bốn bề hỗn độn, tối tăm. Cuốn sách mở ra một cuộc hành trình, hành trình vào cõi đêm thâu. Trên từng câu văn ngắn, trên từng chữ nghĩa cô đơn, người đọc không đọc mà lắng nghe, lắng nghe cái âm vang lạc loài của những bước chân cô đơn, quờ quạng. Thảm kịch Bếp lửa là thảm kịch của con người như một ý thức bị vây khổn. Nó bị kẹt vì nó là một ý thức. Nó khốn khổ vì nó là một ý thức. Ý thức, đó chính là một căn bệnh khốc liệt nhất, là “con sâu ở giữa tim, giữa hồn, giữa não”, là cái chết ngày một lớn lên, là sa mạc ngày một rộng mở. Hay là định nghĩa của con người như một ý thức, một ý thức như một nỗi khốn khổ. “Đi đâu cũng vẫn chỉ là mày – đau khổ và nhục nhã. Mà nào riêng có đất này hổ nhục thôi đâu, mọi nơi mắt mày cũng chỉ nhìn thấy như vậy. Không trốn được đâu, trừ phi mày trốn được lòng mày”. Đi đâu? Đó là câu hỏi khốc liệt từng phút từng giây đốt cháy tâm tư con người giữa sa mạc quạnh hiu bát ngát. Đi đâu rồi cũng vẫn thế, ý thức đời đời vẫn là nỗi bất lực đớn đau, ý thức sau cùng chỉ còn là những tiếng ngọ nguậy của bầy cua trong giỏ, nó vô vọng bẻ gẫy và vượt qua những giới hạn của mình, tìm đến những chân trời kỳ diệu của ước muốn và mộng tưởng. Nhân vật Bếp lửa không ngừng loay hoay, tìm kiếm, lặn hụp, phá phách trong một thế giới đầy ắp những cái ngẫu nhiên, không thường tồn, không tất yếu, một thế giới rạn nứt, vô phương hàn gắn. Một thế giới về chiều. “Về đâu bây giờ?” Trong cái thế giới âm u, xám ngắt câu hỏi thốt lên, âm thầm nhưng man rợ làm sao, bởi đó còn là câu hỏi, bởi đó là tiếng thét gọi của một ý thức đang lâm vào đường cùng, bởi đáp lại nó, chỉ có niềm im lặng hư vô và bóng tối điệp trùng. Và cuộc hành trình vẫn tiếp tục, còn mãi mãi tiếp tục với nhân vật Bếp lửa, cuộc hành trình không hứa hẹn về đâu: “Tôi không nhớ mình đang ở đâu, mình đến đây làm gì. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nỗi tuyệt vọng ghê gớm đên như thế. Tôi có thể tự tử được. Nhưng tôi tự nhủ: cũng thế thôi”. Hoạ may, cuộc hành trình kia rồi sẽ đưa người ta tới cái chết, như một thất bại sau cùng, như một đoạn đường sau chót của một chuyến phiêu lưu.

Liệu còn có cách kết thúc nào khác cho một câu chuyện như thế? Cái chết xuất hiện như một người tình đúng hẹn. Cái chết không kết thúc nhưng hoàn tất, như người ta hoàn tất một tác phẩm, một công trình có ý nghĩa, một ý nghĩa. ”Tôi có thể tự tử được”. Tưởng tượng nhân vật Bếp lửa đã thốt lên câu đó với tất cả sung sướng cuả tâm hồn. Tưởng tượng đó cũng là câu văn hồn nhiên trong sáng nhất của Bếp Lửa. Bởi thảm kịch ý thức đã đạt tới độ cao của nó: ”Chưa bao giờ tôi cảm thấy nỗi tuyệt vọng ghê gớm đến như thế”: Cái chết như một cách giải quyết sau cùng. Thất bại sau cùng là chiến thắng đầu tiên của ý thức khốn khổ.

Nhưng tại sao nhân vật Bếp lửa đã không chấp nhận cái chết lựa chọn và tự do đó? Tôi nghĩ rằng hơn ai hết hắn thừa hiểu rằng cái chết thể hiện sự tự do tuyệt đối của con người như một khả năng lựa chọn, đồng thời chính nó cũng phủ nhận con người như một khả năng lựa chọn, đồng thời cũng chính nó huỷ diệt khả năng lựa chọn đó. “Cũng thế thôi”. Cái chết không thay đổi được gì. Hơn thế nữa, cái chết ở đây còn là sự thất bại của chính sự thất bại.

Trong viễn tưởng đó, ta có thể nói Bếp lửa là hành trình của một ý thức khốn khổ còn Là ý thức khốn khổ, là kinh nghiệm của một sự thất bại. Chấp nhận con người như một nỗi thất bại, phải chăng đó cũng là cách chấp nhận chính đời sống này. Cái chết là khởi điểm của Bếp lửa nhưng không là cùng đích của nó. Đúng hơn nó là sự hình thành của một thái độ. Phải chăng đó cũng là một giá trị cao cả của Bếp lửa?

Huỳnh Phan Anh



[1]Une Curieuse Solitude
[2]Đi tìm tác phẩm văn chương, Đồng Tháp xuất bản, trang 174
Nguồn: Thanh Tâm Tuyền. Bếp lửa. Tiểu thuyết. Ấn bản chung quyết, kèm Tựa lần in thứ hai (1965), Tựa lần in thứ tư (1973) và Bạt của Huỳnh Phan Anh. Bìa tranh sơn dầu “Bích đào” của Thái Tuấn. Kẻ Sĩ xuất bản lần thứ tư 4100 ấn bản quý trên giấy trắng dày. Sài Gòn, tháng 3 năm 1973. Giấy phép số 582/PTUDV/PHBCNT/KSALP ngày 19-3-73. In tại nhà in Quốc Ấn, 324 Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Bản điện tử do talawas thực hiện.