*






*

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

Hoàng Hạc Lâu

Quỳnh Giao
 

Sinh tiền, Vũ Hoàng Chương là thày dạy Việt văn của Cung Tiến. Ông sinh năm 1916, trước người nhạc sĩ tên tuổi này 22 năm. Nhưng với thói quen khoáng đạt của một nhà thơ, ông không hề câu nệ, vẫn coi Cung Tiến như người bạn vong niên hơn là một đứa học trò.

Có lần ông nói đùa. Rằng Cung Tiến phổ thơ biết bao người mà chưa từng phổ thơ Vũ Hoàng Chương! Cung Tiến không quên điều ấy nhưng biến cố 1975 đã ụp trên cả nước và người nhạc sĩ thì lưu vong ra ngoài, còn nhà thơ kẹt lại ở bên trong với những Mai Thảo, Phạm Ðình Chương, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Xuân Ninh, Phan Lạc Phúc, v.v....

Trong nỗi bi phẫn về cảnh bạn bè tán lạc, Vũ Hoàng Chương đã cảm dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu, rồi nhờ bạn bè chuyển được ra ngoài, đến tay Cung Tiến khi ấy còn ở Canberra bên Úc... Thôi Hiệu là nhà thơ khét tiếng thời Thịnh Ðường vào đầu thế kỷ thứ tám. Bài thơ của ông khiến một người như Lý Bạch còn nghẹn lời không dám viết về lầu Hoàng Hạc nữa và được Kim Thánh Thán ngợi ca là “bút pháp tuyệt kỳ, tác phẩm đệ nhất cổ kim trong thơ Luật”.

Ðấy cũng là bài được người mình dịch sang Việt ngữ nhiều nhất. Có người đếm ra hơn bốn trăm bản dịch khác nhau, từ Tản Ðà, Ngô Tất Tố đến Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Nguyễn Ðức Hiển, v.v... Với Cung Tiến và nhiều bằng hữu thì bài cảm dịch của Vũ Hoàng Chương là một sự tuyệt mỹ vì tâm cảnh mọi người vào lúc đó.

Từ bên ngoài, nhận được bản dịch, Cung Tiến nhớ thầy, nhớ bạn và nhớ lại cung cảnh xa xưa nên đã xuất thần phổ nhạc rất nhanh và tìm cách gửi về ngay năm sau. Nhưng không kịp nữa. Vũ Hoàng Chương bị cầm tù và bị kiệt sức mới được thả ra và tạ thế sau đó năm ngày nên không bao giờ được nghe ca khúc này. Bây giờ nhớ lại thì xin ghi bài cảm dịch của ông để chúng ta khỏi quên và cùng thưởng thức:

“Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Ðây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống nào quê quán
Ðừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi...”

*


Khi còn sống, ông Nguyễn Ðức Hiển tại Houston Texas cho rằng bản dịch Vũ Hoàng Chương “còn hay hơn nguyên bản, mà nguyên bản vốn đã hay tót vời”. Ông Hiển có thể nói không ngoa vì bản thân đã dịch đi dịch lại mười mấy lần bài thơ của Thôi Hiệu! Ông còn dụng công so sánh hai câu thực của nguyên bản, gồm sáu thanh trắc liên tiếp:
“Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du”
Với câu “thực” do Vũ Hoàng Chương để lại mà ông cho là ảo diệu hơn:
“Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời...”
Khi đọc lại, làm sao mình không ngậm ngùi với những chữ tuyệt diệu như “vút” bóng người, hay chút “thơm” rơi...? Và câu kết, “Ðừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi!”, nghe thê thiết hơn vần lục bát của Tản Ðà:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!”
Cung Tiến đưa Hoàng Hạc Lâu vào nhạc với phần hòa âm soạn cho dương cầm và viết trên cung Ré giáng Trưởng, nhịp 4/4 chậm rãi tha thiết - andantino - và ý nhị. Piano mở đầu bằng hai ô nhịp, hai mesures, viết lối Arpège chùm hai nốt, thánh thót, êm đềm. Rồi lời ca cất lên bồi hồi day dứt như một truyện kể, mà dùng phép tả cảnh để tả tình:
“Xưa hạc vàng bay vút bóng người...
Ðây lầu Hoàng Hạc chút (ứ ư ) thơm rơi...”
Ðàn piano lại rải, nghe như tiếng chim hót, và cứ thế ca khúc dẫn người nghe vào một bức tranh cổ, với cánh hạc vàng ẩn hiện sau vầng mây bạc có nắng chiếu, có cây bến Hán Dương u buồn và cỏ bờ Anh Vũ vắng vẻ, chẳng còn ai chơi...
Ðoạn nhạc chuyển tiếp nỉ non đan lượn những ngậm ngùi rồi chợt mở ra tâm sự kẻ tư hương, nhớ quê, nhớ bạn...
“Gần xa chiều xuống nào quê quán
Ðừng giục cơn sầu nữa (ư ứ), sóng (à à) ơi...”
Rồi đàn lại buông arpège hai nốt nhẹ nhàng, lãng đãng chìm khuất, mơ hồ như cánh hạc vàng tan trong khói sóng...
Toàn bài, Cung Tiến dùng âm giai ngũ cung đầy chất Ðông phương với nét nhạc thanh thản, nhuốm vẻ Lão Trang và phảng phất giai điệu Claude Debussy trong bài “Clair de Lune”. Cung Tiến rất chuộng Debussy khi nhạc sĩ người Pháp này khám phá nhạc Á Ðông vào đầu thế kỷ trước. Debussy cũng dùng hợp âm ngũ cung và cũng lấy “Arpège” rải tay trái và đưa ra một hợp âm lạ tai mà hài hòa êm ái....
Bài “Hoàng Hạc Lâu” là viên ngọc quý của thơ Ðường. Bản dịch Vũ Hoàng Chương là bài chuyển ngữ mang tâm sự của một thi hào trong hoàn cảnh bi đát của đất nước. Ca khúc Cung Tiến là sự kết hợp lạ kỳ của tình cảm và nhạc thuật để nối liền ngần ấy nét đẹp của thơ, của nhạc. Ðiều hơi tiếc là ít người biết hoặc trình bày ca khúc trác tuyệt này để đời sau còn nhớ Vũ Hoàng Chương và dòng nhạc quý phái của miền Nam chúng ta khi mình đã mất hết...
Lần cuối mà miền Nam tự do có buổi sinh hoạt để vinh danh Vũ Hoàng Chương là vào Tháng Ba năm 1975, tại phòng trà của Khánh Ly, do Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền tổ chức. Ðã 35 năm tròn rồi. Sau đó là cảnh chia ly tan tác. “Vàng tung cánh hạc”... như ánh chớp chợt lóe rồi vụt tắt.
Dư âm còn lại là tiếng nhạc lãng đãng trong chiều tà. Sau đấy là cõi tối đen của thơ và nhạc...
Quỳnh Giao
*

Bếp lửa trong văn chương

"Nơi chốn không chết như con người, nhưng chúng tang thương dâu bể đến nỗi chẳng còn chi được giữ lại, về một thời nó đã là..." , W. Trévor viết về miền thơ ấu (Ái Nhĩ Lan) của ông.
Tôi chỉ muốn thêm vô: "... chẳng còn chi được giữ lại, cho một con người ngày xưa đã từng ở đó."
Tôi cũng có đọc một lời khuyên, nên viếng thăm nghĩa địa, mỗi lần ghé một thành phố. Buendia, trong Trăm Năm Cô Đơn, (Garcia Marquez), muốn bỏ Macondo, tìm một đất lành khác. Anh giải thích: "con người thuộc về nơi chốn, khi dưới đất có một người chết". Ursula, bà vợ dịu dàng, nhưng quyết liệt, "nếu cần một cái mả, tôi sẽ ra đó nằm." Còn nhớ một cụ già, khi nghe tin máy bay Mỹ oanh tạc miền Bắc, bà cụ giật mình, vậy là động mồ động mả, ông bà mình làm sao ngủ yên ?...
Sự không đọc "một số" tác giả, ở một vài người, theo tôi, có thể là do ngần ngại không dám gặp lại một số nhân vật, một vài nơi chốn quá thân thiết với họ. Hà-nội, thí dụ vậy. Như một nơi chốn. Như một nhân vật quá đỗi thân thương; Eurydice, chẳng hạn. Đó cũng là lý do, theo T. Tolstaya, khiến thi sĩ Joseph Brodsky không thể trở về: ông sợ những ngôi mộ bị đào bới, sợ quá khứ, kỷ niệm, những gì nhà thơ đã làm được, cho St. Petersburg của ông.
Còn nhớ, cuốn truyện đầu tay, khi ra ngoài này, tôi "ngỡ ngàng" thấy được tái bản, "đau xót" khi đưa cho một người bạn coi, và khi anh ta trả lại, với lời trách nhẹ nhàng, đại khái, treo đầu dê, bán thịt chó. Ra ý, tên truyện, Những ngày ở Sài-gòn, chỉ thấy, Hà-nội.
Đó là cuốn sách sau cùng, thành phố được nhắc tới, "một thành phố của hương thơm và mặt trời ve vuốt". Một anh bạn làm nghề xuất bản, liền sau đó đã bị Phòng Kiểm Duyệt từ chối một tập truyện. Cũng không thể khác được, chiến tranh lúc đó đã trở nên ác liệt.
Khi Nguyễn Tuân than, "chúng ta" có ít trang sách về Hà-nội, tôi nghĩ, ông không muốn chấp nhận, "một số" trang sách viết về nó. Về một Liên, ở đâu đó trong Hà-nội, của Thanh Tâm Tuyền (Ung Thư; Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy). Lại càng không thể chấp nhận một anh chàng Đại, trước khi bỏ Hà-nội ra "bưng", đã để lại một cái bầu cho một cô gái. "Nó là một thằng hèn! Tôi sẽ đập vào mặt nó!", nhân vật chính trong Bếp Lửa đã giận giữ, về người bạn của anh...
Có thể, Nguyễn Tuân không biết tới những trang sách đó, những tác giả đó. Cũng vậy, Lê Đạt chắc cũng chưa từng đọc, bản dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu, của Vũ Hoàng Chương.
Theo thi sĩ, và cũng còn là ông thầy Việt văn của người viết - năm học Đệ Nhị, trường Hồng Lạc, của thầy Đoàn Viết Lưu, khi còn là một căn hộ, ở đường Sương Nguyệt Anh, Sài-gòn - bản dịch của Tản Đà dùng vần bằng, thể thơ lục bát, cho nên không diễn đạt hết ý nghĩa "bất phục phản" - toàn "vần trắc" - trong nguyên bản. Bất phục phản! Nhân một cơn say, ông nổi hứng, dịch một lần nữa, tạo thế chân vạc cho bài thơ.
Họ Vũ vốn là dân toán, ông vẫn bị ám ảnh bởi những hệ thống trục tọa độ, khi làm thơ. Nhưng cái tam giác của ông, vô tình làm tôi nhớ tới tam giác bếp núc của C. Lévi-Strauss.
Văn minh nhân loại, theo C. Lévi-Strauss, chỉ luẩn quẩn quanh xó bếp. Trước tiên là sống. Cái thuở loài người ăn uống như thú vật. Rồi chín, khi Prométhée ăn cắp giùm lửa. Chín là trạng thái trừ khử nước, trong sống. Cộng thêm nước, thành rữa, thúi. Đó là ba đỉnh cái kiềng ba chân của C. Lévi- Strauss. Phiền một nỗi, trong khi nướng, thui... con người bỗng mê "khói", bởi vậy văn minh nhân loại cũng chỉ là một đường thẳng, đi từ mật ong, tới tàn thuốc. Thoạt kỳ thuỷ, ăn mật ong, "hỗn như gấu", tới khi hít khói thuốc, là tàn một chu kỳ văn minh.
Bắt chước Vũ Hoàng Chương, C. Lévi-Strauss, tôi cũng tưởng tượng ra một thế chân vạc của Hà-nội. Ở đây, không có nguyên bản, cứ coi như vậy. Chỉ có dịch bản. Một Hà-nội, của những người di cư, 1954. Một, của những người ra đi từ miền Bắc. Và một của những người tù cải tạo, chưa bao giờ biết tới Hà-nội, như của Nguyễn Chí Kham, trong lần ghé ngang, trên chuyến tầu trở về với gia đình.
"Treo đầu dê, bán thịt chó". Quả thế thật. Khi viết Những ngày ở Sài-gòn, là lúc tôi quá nhớ Hà-nội. Mới lớn, vừa mới kịp yêu mến cái cột đèn, cái Hồ Gươm, cái Tháp Rùa, đùng một cái, phải bỏ hết. Vào Nam, cố biến nó thành hiện thực, qua hình ảnh một cô bé Hà-nội. Mối tình tan vỡ, chỉ vì người nghe kể, là một cô bé miền Nam: "Mai, để anh kể cho em nghe, về một thành phố thỉnh thoảng buổi sáng có sương mù...".
Hà-nội của Nguyễn Chí Kham khác hẳn. Cũng khác hẳn, Hà-nội của những người ra đi từ miền Bắc. Ga Hàng Cỏ của Nguyễn Chí Kham không có cảnh đưa tiễn những người đi vào Nam chiến đấu, và một cô gái, trong một truyện ngắn của Lê Minh Hà, (Trăng Goá, Văn), chỉ ngửi thấy chỗ nào cũng sặc mùi nước đái, và đó là một trong những lý do khiến cô chấp nhận lời cầu hôn, của "thủ trưởng" đám bộ đội trẻ. Xin đừng nghĩ đến sự thô tục ở đây. Chỉ có mùi nước tiểu "quyến rũ" đó mới tương xứng với lưỡi bom, liếm đến đúng căn nhà của cô học trò thì dừng lại, như có hẹn với cô gái, tuy đã đi sơ tán, nhưng hôm đó phải trở về Hà-nội để lấy phần gạo. Như thể lưỡi hái B.52 đến lúc đó mới thở hắt ra hết hơi nóng của nó.
Sartre (Situations, I) nhắc tới "ý hướng tính", coi đây là tư tưởng cơ bản của hiện tượng luận: "Husserl đã tái tạo dựng (réinstaller) sự ghê rợn và sự quyến rũ vào trong những sự vật. Ông tái tạo thế giới của những nghệ sĩ và của những nhà tiên tri: Ghê sợ, thù nghịch, nguy hiểm trùng trùng, với những bến cảng, nơi trú ẩn của ân sủng và tình yêu." Tôi đã lầm, khi nghĩ, chẳng bao giờ người ta lại được đọc những trang sách tuyệt vời, về Hà-nội. Có thể là do một câu thơ và viễn ảnh khủng khiếp nó gây ra ở nơi tôi. "Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ" (Trần Dần), câu thơ như một "Apocalypse Now" (Tận Thế Là Đây), không phải chỉ riêng cho Hà-nội. Làm sao mà thi sĩ lại nhìn thấy suốt cuộc chiến sau đó, không phải chiến thắng, mà huỷ diệt, một thành phố, rồi cùng với nó, là biểu tượng của cả một dân tộc ?
Bạn hãy thử tưởng tượng Hà-nội, như một cuốn sách, một bài thơ, một văn miếu, và cơn thử thách của nó: lửa. Trong Farenheit 451, Ray Bradbury tưởng tượng, một Nhà Nước ra lệnh huỷ diệt mọi cuốn sách. Và một bà già đã chịu chết trong thư viện của bà, giữa những cuốn sách đang cháy. Người ta túa ra khắp nơi, để học thuộc lòng những cuốn sách bị huỷ diệt. Họ trở thành những cuốn sách sống. "Chỉ cần một kẻ ném lửa, tương tư, rồi bắt đầu đọc một cuốn sách, là sự ghê tởm, tính quái vật của Nhà Nước lộ rõ." (Thử thách lửa, L'épreuve du feu, M. Delon, Magazine littéraire, Văn Học Pháp, số tháng Chạp, 96). Ở đây, có một điều gì thật trớ trêu, của định mệnh: một cách nào đó, sự hung bạo của ngọn lửa, cũng "hung bạo" như giấc mơ của loài người, về một cuốn sách toàn thể, về một con người toàn thể. Nhân vật trong Lột Xác của Nguyễn Tuân còn mơ tưởng một cuộc phần thư, chính thân xác của mình.
Nhưng thư viện và cơn thử thách của nó, lửa, với Hà-nội, chỉ mang tính "ẩn dụ". Với Sài-gòn, nó bắt nguồn từ cuộc hỏa thiêu thư viện đầu tiên của nhân loại, thư viện (thành phố) Alexandrie. Người ta buộc tội ông tướng Ả Rập, Amrou Ben Al-As, người đã chiến thắng Ai Cập vào năm 642, là thủ phạm. Ông tướng này đốt thư viện thành phố, sau khi "thăm dò" ý kiến Omar, người kế tục Mahomet. Ông này trả lời: "Nếu tất cả những cuốn sách đều hợp với (tinh thần) Coran, chúng vô dụng, phải đốt hết. Nếu không hợp, chúng nguy hiểm, phải đốt hết."
Sartre viết, Husserl không hề là một nhà hiện thực. Nhà thơ như Trần Dần, nhà văn như Lê Minh Hà, lại càng không. Đừng coi những dòng kể của bà về Hà-nội, là hiện thực chủ nghĩa, theo một nghĩa thô bạo nhất của nó. Vẫn Sartre, trong bài viết đã dẫn, "Hiểu, là vỡ òa về...", (Connaitre, c'est "s'éclater vers"), và đó là ý nghĩa câu nói nổi tiếng của Husserl: Ý thức chỉ là ý thức về một điều gì (Toute conscience est conscience de quelque chose): y hệt như vết bom ngưng lại, vì biết rằng, có một người, sau này sẽ viết ra, điều này.
Trong một truyện ngắn khác, của cùng tác giả, "bãi dâu xanh mênh mông, hoa muồng muồng vàng rực, đình tám mái sân đầy cứt chim..." như phô hết sự quyến rũ của chúng dưới bầu trời: máy bay Mỹ đánh phá khắp nơi.
Hà-nội của Nguyễn Chí Kham đi từ văn chương ra ngoài đời. Một Hà-nội của tưởng tượng, của mơ tưởng, hoang tưởng, không tưởng... Chỉ là những chi tiết, mọc lên từ hư không, dứt ra từ tưởng tượng. Anh tù cải tạo, tới Hà-nội, tần ngần, ngơ ngẩn, giấu biệt "căn cước" của mình, nhất là những ngày tù ghê rợn. Bố anh là quân nhân. Mẹ anh làm nghề nấu hàng cơm. Anh giúp mẹ đưa cơm tháng cho cô giáo. Rồi nhờ cô kèm thêm. Anh học trò ngày xưa, thành sĩ quan như bố, đi cải tạo, mang theo cùng với anh vầng trăng thơ ấu, chiếu vào hai mái đầu. Cô giáo trong Trăng Ơi Thơ Ấu Mãi (tập tuyện, nhà xb Tân Thư, Cali, 1997), mơ mộng về một cái chết của người chồng phi công. Anh mất tích, như một lần thất bại không thể mang trả bầu trời, những cơn mưa, những cánh rừng... cho người vợ ở nhà.
Với Hà-nội của Nguyễn Chí Kham, chúng ta lại phải đương đầu với một hoàn cảnh trái ngược, tựa thể bầu trời mùa thu, chiếc áo trắng phất phơ bay trong gió, những chiếc lá bàng... toàn những tưởng tượng, trong tiểu thuyết (như trong Đôi Bạn, của Nhất Linh...), bỗng biến thành hiện thực. Cái cô học trò mà anh tù cải tạo gặp ở nhà ga, trên cùng chuyến tầu, như mang bóng dáng cô giáo, của cậu học trò ngày nào. Làm sao mà không chia sẻ với vầng trăng thơ ấu một kỷ niệm đẹp đẽ như vậy!
Vẫn cái tam giác bếp núc: liệu chúng ta có thể nhìn ra, hiện tượng mất cân bằng "sinh thái", - sự phân phối nước - ở hai nhánh văn chương, tạo thành dòng văn học hải ngoại? Phạm Thị Hoài, trong bài viết về vị thủ lĩnh trong bóng tối, (Văn Học, Cali), có nhắc một câu của Trần Dần, tôi đợi bọn trẻ chôn tôi. Bà cũng coi, văn chương phản kháng ở trong nước, hiểu theo một nghĩa nào đó, là Nhân Văn II. Người đọc vẫn chờ đợi Nhân Văn II đi hết lưỡi lửa của nó, chờ đợi bao nhiêu chua chát, cay đắng, bao nhiêu cái xấu, cái ác của nhân vật, hoàn cảnh, trong tác phẩm của Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... qua đi. Những trái núi, bờ đê, "đập ngăn chặn Thái Bình Dương" (M. Duras) phải được dẹp bỏ, hoặc trở nên dư thừa, khi những "cây non" như Lê Minh Hà vượt cao hơn, sẵn sàng đương đầu với sức nóng mặt trời. Thâm tâm những tác giả "đàn anh, đàn chị" kể trên vẫn hằng mong như vậy. Và đó là ý nghĩa "hoài bão" của Trần Dần.
Trong hoàn cảnh đó, người tù Nguyễn Chí Kham thấy thật cần thiết, phải giấu biệt những khổ đau, (như một nạn nhân, của Hà-nội?), khi ghé thăm thành phố.
Con người là tổng số những kinh nghiệm về thời tiết (Faulkner). Tổng số những kinh nghiệm về khổ đau, anh có rồi. Về thời tiết, chỉ thiếu Hà-nội. Người tù đi qua cầu Long Biên, thò tay sờ lên thành cầu, như rụt rè hỏi thăm bao mùa nóng lạnh, bao dấu vết bom đạn. Anh đang trên đường vào Hà-nội, mang theo với anh tro than của những cuốn sách...
Nguyễn Quốc Trụ